Hồ Chí Minh viết di chúc cho ai?

Hồ Gươm
 

Di chúc hay còn gọi chúc thư là ý chí hay ý nguyện cuối cùng, là lời nhắn nhủ, ủy thác của một con người trước khi từ giã cõi đời đối với một cá nhân hoặc tập thể liên hệ. Nội dung chính của di chúc thường là việc phân chia gia tài. Di chúc nếu được viết thành văn bản và đáp ứng đầy đủ điều kiện đòi hỏi của pháp lý như tình trạng sức khoẻ, tinh thần, có chữ ký của người lập di chúc và có người làm chứng ký nhận vào bản di chúc thì bản di chúc đó sẽ có giá trị hành chính, pháp lý.

Hồ Chí Minh trước khi chết đã viết và để lại bốn bản di chúc khác nhau, được lập vào các thời điểm khác nhau. Bản di chúc được công bố chính thức (1969 – DCV) sau khi Hồ Chí Minh qua đời là bản di chúc được viết vào năm 1965, đồng thời đó cũng là bản hoàn chỉnh, có giá trị pháp lý vì có chữ ký của Hồ Chí Minh và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.

Trong thời điểm viết di chúc, Hồ Chí Minh đang nắm giữ hai chức vụ quan trọng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch đảng Lao động Việt Nam (tiền thân đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).

Vậy trước hết chúng ta hãy cùng nhau phân tích xem Hồ Chí Minh viết di chúc với tư cách nào và cho ai?

Nội dung của bản di chúc này bao gồm ba phần chính:

Phần thứ nhất là nói về đảng Lao động Việt Nam (đảng Cộng sản Việt Nam) bao gồm cả các đề mục nhỏ:

– Đoàn kết: cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

– Đoàn viên thanh niên: Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

– Nhân dân lao động: Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng… Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Phần thứ hai nói về Phong trào cộng sản thế giới.

Phần thứ ba nói về việc riêng.

Như vậy khi đọc toàn văn bản di chúc này (và cũng tương tự như vậy ở các bản di chúc kia) chúng ta có thể nhận thấy rằng đó hoàn toàn là những lời nhắn nhủ, gửi gắm và uỷ thác của Hồ Chí Minh cho riêng đảng Lao động Việt Nam và phong trào Cộng sản thế giới. Do đó bản di chúc này hoàn toàn mang tính chất của một lãnh tụ đảng gửi cho đảng và các đồng chí của mình chứ không phải là một bản di chúc được viết cho một cộng đồng rộng lớn và đa dạng hơn như với tư cách của một vị chủ tịch nước.

Chúng ta đều biết rằng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về mặt hình thức mà nói là một thể chế nhà nước đa đảng, tham gia chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngoài đảng Lao động Việt Nam ra còn có hai đảng khác nữa là đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên bản di chúc chính thức đã bị sửa đổi và không được công bố một cách đầy đủ sau khi Hồ Chí Minh chết, dẫn đến việc Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã phải cho công bố lại một lần nữa các bản di chúc của Hồ Chí Minh (có bổ sung) vào năm 1989. Trong đó, bản di chúc chính thức có thêm phần ông Hồ ủy thác lại mong muốn thi hài (của mình) được hỏa táng và chôn ở ba miền, cùng với đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân .

Như vậy trong bản di chúc chính thức được công bố cũng như trong những bản di chúc còn lại của Hồ Chí Minh, ngoài những nhắn nhủ chung chung như “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, hoặc nhận định mơ hồ như “từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng” thì còn có hai ủy thác được đề cập một cách rất cụ thể và rõ ràng. Những ủy thác này của Hồ Chí Minh gửi cho đảng Lao động Việt Nam và các đồng chí của mình đã được thực hiện như thế nào?

Trước hết xin nói về đề nghị miễn thuế nông nghiệp cho nông dân một năm của ông Hồ (với đảng của mình). Đứng về mặt lý mà nói thì có vẻ không ổn lắm. Đảng Lao động Việt Nam tuy là đảng cầm quyền nhưng là cầm quyền thông qua bộ máy nhà nước.

Tuy thế, sau khi công bố các di chúc của Hồ Chí Minh vào năm 1989, đề nghị này đã được hợp pháp hóa bằng Nghị quyết Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6 vào ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Quyết định số 66/HĐBT ngày 5/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc miễn thuế nông nghiệp một năm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giả định trong trường hợp nếu như ông Nguyễn Xiển, tổng thư ký đảng Xã hội Việt Nam hoặc ông Nghiêm Xuân Yêm, tổng thư ký đảng dân chủ Việt Nam cũng làm một bản di chúc với những đòi hỏi tương tự thì liệu có được Quốc hội hoặc nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau này coi đó là một đề nghị đáng được nghiêm túc xem xét hay không?

Ủy thác thứ hai là một ủy thác hoàn toàn có tính cách riêng tư và đồng thời cũng là ủy thác duy nhất có giá trị thực tiễn, đúng nghĩa với một bản di chúc. Đó là Hồ Chí Minh yêu cầu thi hài mình được hỏa táng, tro cốt thì đem chôn. Đảng Lao động Việt Nam đã được Hồ Chí Minh chọn mặt gửi vàng để trao gửi ước nguyện cuối cùng của mình trước khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Đảng Lao động Việt Nam, mà thực chất là một đảng cộng sản, do Hồ Chí Minh sáng lập và lèo lái cho tới ngày cuối đời của mình; và cũng nhờ đảng mà Hồ Chí Minh đã có những tháng năm ngự trị trên tột đỉnh của quyền lực và danh vọng.

Không may cho Hồ Chí Minh, ước nguyện (thiêng liêng) rất riêng tư này của ông đã không được gửi gắm đúng chỗ. Vì vậy nó đã bị dấu kín tới 20 năm sau và khi đảng Cộng sản Việt Nam bị rơi vào tình thế bắt buộc phải công khai điều này thì có vẻ như họ cũng không bao giờ có ý định thực hiện ủy thác đó như mong muốn của người lập di chúc.

Quốc hội Việt Nam khóa VIII kỳ họp thứ 6 đã ra một cái quyết định từ cổ chí kim chưa từng xảy ra, đó là quyết định thực hiện một nửa di chúc của ông Hồ mà không hề đả động gì đến phần kia của bản di chúc!

Sáng 2/2/2007 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã long trọng tổ chức mít tinh kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2) và phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đọc diễn văn tại buổi lễ này đã lớn tiếng kêu gọi: “Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đến thắp hương cho ông Hồ tại nhà 67 trong Khu di tích tại Phủ Chủ tịch sáng 15/2/2007 cũng một lần nữa khẳng định tương tự như vậy: “Bộ Chính trị đã phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh", đây là việc làm rất thiết thực để mỗi đảng viên, mỗi cán bộ và nhân dân noi gương và làm việc theo tấm gương của Bác”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp thăm khu di tích của Hồ Chí Minh ngày 10/02/2007 vừa qua còn lớn tiếng thề thốt với người tiền nhiệm của mình “Chúng con nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng của Bác. Chúng con mãi mãi đi theo Người” và khẳng định “dù tình hình trong nước, thế giới có những biến chuyển gì, chúng ta vẫn nguyện đi theo con đường mà Bác đã chọn”.

Chúng ta đều nhận thấy những lời gửi gắm, nhắn nhủ trong bản di chúc là những cố gắng đóng góp cuối cùng của Hồ Chí Minh cho đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cộng sản thế giới. Ước nguyện duy nhất mà ông Hồ đòi hỏi cho mình và được ủy thác cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày nay) thực hiện đó là mong muốn thi hài của mình sẽ được hỏa thiêu và tro cốt được đem chôn.

Đảng và chính quyền Cộng sản Việt Nam ngày hôm nay muốn đề cao thần tượng Hồ Chí Minh thì trước hết phải tôn trọng ý nguyện cuối cùng đó của Hồ Chí Minh. Đó là một uỷ thác phù hợp với lối suy nghĩ và hành động của con người Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với phong tục tập quán của người dân Việt.

Hồ Chí Minh đã chọn con đường hoả thiêu xác của mình và lấy tro cốt đem đi chôn nhưng chưa được đảng Cộng sản Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện, Quốc hội nước cộng hoà XHCN Việt Nam là cơ quan cần phải có trách nhiệm trong việc hối thúc đảng thực hiện nghiã vụ pháp lý này và đó cũng chính là hành động thiết thực nhất để học tập và làm theo tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Mồng 5 tháng Giêng Đinh Hợi
Hồ Gươm
___________________________

© DCVOnline Ngày: 02-03-2007
http://dcvonline.net/
 

www.geocities.ws/xoathantuong