VĨ THANH
 

Chủ tịch từ trần đúng ngày Quốc Khánh, mồng hai tháng chín năm Kỉ Dậu. Lũ đàn em thù nghịch tuy chẳng thông kim bác cổ nhưng cũng hiểu được sự trùng lặp này mang tính nguyền rủa và sẽ dẫn đến đòn trừng phạt không tránh được của định mệnh đối với thể chế nên chúng lừa dối mọi người bằng cách tuyên bố rằng ông ra đi vào ngày mồng ba.

Từ lúc ông nhắm mắt, một tuần liền, mưa như thác đổ. Nước trắng xoá đất lẫn trời. Sông Hồng cuồn cuộn lũ dâng, chưa bao giờ có lũ lớn như vậy vào mùa thu, bởi khi sen tàn, cỏ ngả màu chanh là lúc các dòng sông phải thu mình và các con hồ phải lắng trong để nhìn thấu rong rêu nơi đáy nước. Vậy mà lúc đó, sông Hồng đỏ ngầu bọt, réo ào ào, hung dữ như đang mùa giông bão. Khắp Hà nội, nước mưa không tiêu kịp dềnh lên các vỉa hè, tràn vào thềm nhà, xoáy ồ ồ trên các vũng lội hình thành nơi ngã ba, ngã tư đường phố. Từ thủ đô cho đến các thành phố đồng bằng cũng như miền núi, dân chúng đứng túm tụm dưới chân các cây cột đèn, nghe loa phóng thanh tường thuật tang lễ. Thành phố cũng như thôn quê, người ta khóc như có một cuộc tàn sát tập thể vừa xảy ra trên xứ sở này.

Tang lễ cử hành tại quảng trường Ba Đình, dưới thác nước. Lính đứng theo đội hình trong đồng phục quân nhân ướt sũng. Dân chen chúc từ quảng trường sang các ngả phố, quần đen áo nâu gài băng tang, trùm vải ni-lông. Các quan chức rường cột quốc gia trên khán đài, có cận vệ giương ô đen che đầu. Diễn văn thống thiết như mọi sự thống thiết trên cõi đời. Lời lời châu ngọc tuôn ra để ca ngợi công đức của vị lãnh tụ quốc gia, người khai sinh ra nhà nước cách mạng, người dìu dắt biết bao đàn em, đào tạo lớp hậu sinh thành những kẻ kế nghiệp thuỷ chung và tận tuỵ!

Không hiểu vào thời khắc diễn ra cuộc tang lễ này, linh hồn run rẩy của chủ tịch đang ở nơi đâu? Nếu khôn ngoan, nó phải trú đậu dưới bóng cây xà cừ trước cổng bộ quốc phòng, tuy chịu ướt lạnh vì những làn nước như roi quất, nhưng chắc chắn sẽ quan sát được đầy đủ mọi lớp lang của tấn tuồng. Toàn dân khóc. Đám dân đen tốt hỉn đã đành, nhưng ngay những kẻ mưu hại ông cũng khóc rống lên tựa như cha đẻ họ chết thật. Họ khóc thảm khóc thê, nước mắt chan hoà, giọng tắc nghẹn vì đớn đau, sụt sùi vì mũi rãi. Diễn văn của họ được tô điểm bằng những tiếng xì mũi rất to và thứ tiếng động thiếu mĩ cảm này được phóng đại rồi lan truyền trên hệ thống phóng thanh công cộng.

Điều dự đoán của chủ tịch là đúng: Họ khóc thật sự.

Nhưng sự cắt nghĩa của ông lại sai: Họ không khóc vì mường tượng một ngày nào đấy họ sẽ phải đối mặt với ông trước pháp đình của thiên nhiên, họ không khóc vì hổ thẹn hay bối rối trước cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra bên kia bờ con sông U tịch. Ồ không, hoàn toàn không phải những lý do thơ mộng như thế.

Họ khóc vì họ không thể nào không mưu hại ông, không thể nào không truy tìm và cầu mong cái chết của ông, vì đó là lối mòn của con đường quyền lực. Tuy nhiên, đây mới chính là lý do quan trọng nhất, lý do tối hậu khiến họ phải nức nở trên khán đài: Vào chính thời điểm diễn ra tang lễ, họ mới hiểu được một cách thật sự họ là ai. Sự tự hiểu vốn là thứ kiến thức khó khăn nhất có thể truy cập được trong cuộc sống của con người. Rất nhiều kẻ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn hoàn toàn sống trong bóng tối của chính họ hoặc trong đám sương mù do trí tưởng tượng của họ tạo nên. Người ta chỉ có thể khám phá ra chân giá trị của mình nhờ những hoàn cảnh đặc biệt, và trong sự cọ sát với ngoại giới; bởi dung mạo của một con người chỉ được nhận diện qua tấm gương của tha nhân. Cái chết của ông chính là cơ hội ấy. Từ nhiều năm nay, thâu tóm quyền lực quốc gia, nắm trong tay cả một hệ thống tay sai từ thượng cấp xuống hạ cấp, từ các vị trí rường cột triều đình xuống tận tên lính gác doanh trại hoặc bọn chỉ điểm thôn xã; lũ đàn em thù nghịch của ông tin chắc vào khả năng khống chế của chúng. Rằng chúng là hoàng đế trên ngôi còn ông là thái thượng hoàng què liệt trong hậu cung buộc phải làm tất thảy những gì chúng yêu cầu như một con rối gỗ. Rằng chúng là những anh hùng đương đại còn ông chỉ là tấm bảng thếp vàng ghi danh sách các liệt tướng đã tan rã dưới đất bùn. Rằng khải hoàn môn chúng đang xây sẽ vĩnh cửu ngự trị trên cõi đất này còn chiến công của ông chỉ là khúc nhạc dạo đầu giống như thứ tiền sảnh người ta phải đi qua trước khi bước vào chính điện. Ngày tang lễ, những ảo vọng đó bốc bay như khói. Chúng hiểu rằng quyền lực của ông chỉ có thể làm nảy sinh lòng đố kị nhưng bất khả chiếm đoạt.

Quyền lực của ông, ấy là thứ nam châm được tạo ra dưới bàn tay thần hoặc quỷ. Từ trường thật của một ông thánh ảo. Khả năng thao thác ngoại hạng của một quyến rũ ngoại hạng. Sức mạnh vô địch của tất thảy những niềm tin, những xúc cảm, những huyễn tưởng đã nhào trộn, đã kết tinh, lắng đọng với thời gian và vĩnh định trong tâm hồn. Tất thảy những bùa phép cùng một lần dung chứa mọi nghịch lý, cái thăng hoa và cái cặn bã của cùng một trò chơi...

Như thế, chính trong thời khắc định mệnh, chúng hiểu rằng chúng không là gì cả trước lão già kia. Cho dù chúng đã bỏ ra biết bao công sức và mánh khoé để tự tuyên truyền về mình, những ngôi sao "sáng hơn nghìn ngọn nến" vừa xuất hiện trên bầu trời xứ sở...

Sự lan truyền mối xúc động chung vào ngày tang lễ ông giống như sự lan truyền của bão, lụt hay hoả hoạn. Vì thế, chúng hiểu rằng ông vẫn sống dù trái tim ông không đập nữa, rằng chúng phải tiếp tục sử dụng cái bóng của ông để che chắn mái đầu mình, rằng cái khải hoàn môn mà chúng toan tính dựng lên sẽ không bao giờ có được nếu không nương nhờ tên tuổi người đàn anh. Bởi vì, sau rốt, dù đau đớn khi lòng tự ái bị tổn thương, dù căm uất sự bất khả của bản thân hay sự bất công của tạo hoá, chúng cũng hiểu rằng chúng chỉ là lũ chồn cáo nhảy nhót kiếm ăn sau đuôi một con sư tử. Chúng cần ông, dù ông đã chết rồi.

Con sư tử già đã chết. Nhưng sự hiện diện của nó lại là điều kiện tối cần để bảo đảm quyền lực cũng như vinh quang của lũ đàn em nên bằng mọi giá chúng phải kiến tạo một cái xác nhồi rơm. Vì vậy, gần như tức thời, lăng Ba đình được khởi công xây cất.

Như thế, chúng tiếp tục phản bội ông vì chủ tịch đã chính thức viết trong di chúc là sau khi chết thi thể ông phải được hoả thiêu, tro cốt phải được rải đều trên non sông, rồi sau đó tên ông được khắc lên một tảng đá nhỏ đặt trên một ngọn đồi khiêm nhường tỉnh Vĩnh Phú. Nhưng sự phản bội cũng như tội ác một khi đã khởi hành thường không còn trạm dừng chân.

Tuy nhiên, kể từ ngày mồng hai tháng chín năm Kỉ Dậu, trên đỉnh trời Hà nội, luôn luôn treo lơ lửng một lưỡi gươm. Một lưỡi gươm khổng lồ, trong suốt. Người ta có thể nhìn rõ lưỡi gươm ấy vào những ngày thu, trời vắng mây, đặc biệt những ngày trời biếc xanh, xanh tinh lọc sau mưa bão hoặc sau khi cầu vồng hiển hiện. Lưỡi gươm ấy nhằm thẳng xuống cột cờ thành Hà nội, chờ đợi khoảnh khắc định mệnh để rơi xuống, chặt đứt lá cờ đỏ sao vàng, kết thúc cái chế độ phản trắc và tàn bạo, tiêu diệt loài ngạ quỷ đã cắn cổ hút máu chính dân tộc nuôi dưỡng nó.

Như thế, lời cầu khấn của chủ tịch đã được chứng giám. Vong linh thiêng liêng bất tử của các hào kiệt dựng nước và giữ nước, của các đấng tiên vương; ngự trị từ bảy tầng mây xuống tận các vùng đất đai, rừng núi, sông hồ xứ sở; cũng như anh linh của các chư phật đi lại cõi trời tây đều hiểu và thuận cho ước nguyện tha thiết này.

Điều còn lại chỉ là sự chờ đợi khoảnh khắc tối hậu. Khi dân tộc Việt biết rõ sự thật và hiểu được ước nguyện cuối cùng của ông./.
 

Paris, 19 janvier 2007
 

www.geocities.ws/xoathantuong