TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (3)
 

Tiệc rượu tất niên trong nhà cô Vui kéo qua giao thừa. Pháo nổ tứ bề nhưng đám người say chuyện vẫn còn ngồi hỉ hả nâng chén lên, hạ chén xuống:

- Đã giao thừa rồi sao? Vui chuyện quên cả đường về.

- Gọi là Tết thì cũng phải được thoải mái. Quanh năm đầu tắt mặt tối còn gì?

- Nhưng lẽ ra tôi phải về đốt pháo.

- Đốt pháo là việc của trẻ ranh, sao ông lại tranh với chúng nó?

- Nhưng con tôi còn bé quá.

- Bé quá thì vợ ông làm, bề nào thì cũng đã quá giờ. Ông có đi bây giờ cũng bằng vô tích sự.

- Ờ... ờ...

- Vui thật, nghe pháo nổ sướng cả tai. Dù sao Tết cũng vẫn là Tết!

- Tết năm nay xôm ra trò. Mà cũng lạ lùng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, chẳng bao giờ tôi qua giao thừa ở nhà hàng xóm.

- Tôi cũng vậy. Nhưng sống mãi cũng phải tìm cái gì mới lạ. Mà dẫu ngồi dưới mái nhà mình hay nhà láng giềng thì cũng vẫn rượu, vẫn thịt, vẫn bánh chưng xanh với đồ nhắm. Có thiệt miếng nào đâu?

- Chẳng thiệt miếng nào đã đành mà còn được nếm rượu thượng đẳng nữa. Phải công nhận rằng tay nghề của cô Vui đáng kính nể. Cô ấy học được phép bí truyền của bà cụ thân sinh ông Đô. Cùng một thứ men, cùng một thứ nếp nhưng rượu nhà này say êm hơn rượu nhà tôi.

- Không chỉ có rượu ngon mà còn trà ngon và chuyện hay nữa chứ! Này cô Vui, tôi tưởng cô chỉ giỏi làm nhưng không ngờ cô còn giỏi nói nữa. Lẽ ra cô nên làm nghề giáo học.

- Không dám, ông quá khen! Tôi nghe được ra sao thì kể lại nguyên si như vậy, không thêm không bớt.

- Kể nguyên si cũng phải biết rút lưỡi ra mới đổ được nhời. Thiếu gì kẻ hiểu rành rẽ mọi sự mà không nói được cho ra nhẽ.

- Ôi dào, các ông khen phò mã tốt áo. Cô ấy làm bí thư chi đoàn đương nhiên phải biết nói năng.

- Bí thư chi đoàn thì cũng chỉ biết phổ biến nghị quyết, biểu dương thành tích hay công bố kỉ luật chứ làm sao biết tả cảnh tả tình lên bổng xuống trầm như thế?

- Đúng đấy. Rõ rành rành là cô Vui có năng khiếu kể chuyện. Nhưng phải công nhận rằng tình sử của cặp vợ chồng này cũng hay.

- Ông có lý. Chuyện tình của ông Quảng xôm ra trò. Năm nay vui đáo để! Bởi năm nào cũng chỉ có một vở chèo. Năm nay, những hai tích chèo lận. Này cô chủ, cho thêm rượu với...

- Chờ tôi một chút.

- Chúng tôi không nói cho được lòng chủ nhà đâu, nhưng quả thực cô có tài ăn nói. Tiếc rằng cô xuất đầu lộ diện hơi muộn. Cô mà là giáo viên dạy văn cấp hai thì khối kẻ xin chết đấy.

- Không dám đâu.

- Cô đừng tưởng trên đời này chỉ đơn thuần là "Gái tham tài, giai tham sắc". Nhiều khi cánh đàn ông cũng tham tài nữa đấy. Tôi là đàn ông tôi hiểu bụng dạ đàn ông.

- Thôi, tôi xin các ông! Không dám!...

- Tôi nói thực tình chứ không nịnh rượu của cô đâu. Đói ngày giỗ cha no ba ngày tết, nhà chúng tôi cũng đầy rượu thịt, bánh trái. Nhưng ăn mà không có người cùng ngâm nga, không có chuyện mà tán tỉnh thì vô duyên quá. Tôi nói có phải không các ông?

- Đúng như vậy; chuyện cô kể thật tuyệt vời. Điều đó đáng giá hơn ngàn lần hai mâm cỗ của cô.

Cô chủ mang tiếp ra hai chai rượu nữa. Không rõ những lời khen của khách là thật hay dỡn nhưng hai má cô đỏ ửng lên, mắt cô long lanh và rõ ràng trông cô xinh gấp bội ngày thường. Cánh đàn ông tiếp tục rót rượu, nhưng những người đàn bà đã nháo nhác đứng lên:

- Thôi đi chứ, Tết nhất mà ăn uống như thuồng luồng ba ba, quá bằng kẻ đói năm Ất Dậu.

- Ô hay, cứ để các ông ấy được tự nhiên. Tết có đông khách đến nhà ăn uống ra giêng chắc chắn sẽ làm ăn thịnh vượng.

- Sông nào cũng có bờ có bến, vườn dẫu hẹp dẫu rộng cũng có rào có dậu. Tiệc nào rồi cũng phải tàn. Về đi cho cô chủ nghỉ ngơi.

- Về đi! Tôi sốt ruột lắm rồi.

Những người đàn ông tuy có oai phong lẫm liệt nhưng sau rốt cũng phải hiểu rằng khi các bà lên tiếng có nghĩa rằng giờ đã điểm. Một ông dốc tuột chén rượu cuối cùng vào họng rồi hắng giọng:

- Nào các ông, cạn chén đi rồi đứng lên. Người xưa bảo: "Lệnh ông không bằng cồng bà". Người thời nay thêm vào: "Nhất vợ, nhì trời". Thôi, chúng ta cũng phải nhìn người đời mà hành xử.

- Ông đúng là đồ râu quặp.

- Tôi đích thực râu quặp, xin nhường cho ông vểnh râu. Ở đây ai mắc bệnh râu quặp như tôi?

- Tôi.

- Tôi nữa.

- Tôi cũng vậy...

Các bà vừa vỗ tay tán thưởng, vừa cười sặc sụa khi nhìn các đức lang quân nghiêng ngả đứng lên. Sau rốt, chỉ còn lại hai ông râu vểnh. Hai ông này ngó xuôi ngó ngược thấy xung quanh đã đứng lên hết cũng đành dằn chén xuống mâm:

- Nào thì về! Rõ thật chán mớ đời cái bọn đàn bà. Chuyện đang rõ là vui.

Một bà đanh đá ngứa mồm đối đáp:

- Chuyện vui đến mấy cũng đến lúc chấm hết. Hát cô đầu hay đến mấy cũng đến lúc phải hạ trống chầu. Không kẻ nào cả gan tom chát suốt ngày dài đến đêm thâu. Chẳng qua vợ các ông quá hiền nên mới chịu bị bắt nạt.

- Việc ấy chẳng dây dưa đến nhà bà. Tôi có lấy bà làm vợ đâu?

- Ồ, may thật là may, phúc nhà tôi to bằng cái đình nên tôi không phải chui vào cửa nhà ông. Trên đời này ai ghét tôi thế nào tôi ghét hạng đàn ông vểnh râu như thế.

- Tôi cũng ghét...

Bà vợ ông râu vểnh đứng nép sau đám chị em, im lặng từ đầu giờ mới lên tiếng:

- Lòng vả cũng như lòng sung các bà ạ. Khốn nỗi các cụ đã dạy: "Ghét của nào trời trao của ấy" Chịu nhịn mãi rồi cũng thành quen...

- A... a... Con mẹ này hôm nay to gan nhỉ?

Ông râu vểnh quay lại nhìn vợ với đôi mắt trợn trừng, nửa như kinh ngạc nửa đe doạ. Bà vợ được kích thích bởi khí thế của láng giềng, cũng sửng cồ lên:

- Ai cũng da cũng thịt. Chị em người ta dám như thế, tôi cũng phải vùng lên chứ?

Đến đây thì cô chủ ra tay can thiệp vì không khí bắt đầu căng thẳng. Bước hai bước, cô xen giữa cặp vợ chồng, cười nụ cười tươi chưa bao giờ thấy:

- Bà ấy nói đúng đấy, tất cả loài người đều hát khúc hát vùng lên!

Rồi cô tủm tỉm nhìn quanh. Khi thấy mọi người đang ngẩn tò te trước cách diễn đạt quá văn chương của mình, cô liền cao giọng:

- Trong số các vị ở đây tôi điểm thấy tám đảng viên cả thẩy. Chẳng lẽ các vị đã quên bài hát tuyên thệ dưới đảng kì hay sao?

Tám ông đảng viên nhìn nhau, người này cầu cứu trí nhớ của người kia nhưng rốt cuộc tất cả đều ậm ừ, ngắc ngứ trong họng. Lúc đó cô Vui mới dõng dạc đọc từng lời từng chữ:

- "Vùng lên hỡi các nô lệ của thế gian;
Vùng lên những ai cực khổ bần hàn;
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành..."

Thế nào, các ông đã nhớ ra chưa?

- Quên tiệt.

- Chịu cô thật. Ngày kết nạp thì phải cố học vài câu mà ư hữ cho qua chuyện. Xong thì thôi chứ có phải cơm áo gạo tiền đâu mà nhớ?

- Thế mà tôi cuộc rằng các ông nhớ không sót mảy may chuyện nhà ông Quảng. Điều đó đúng hay sai?

- Chả phải bàn. Cũng chả cần chối. Chuyện trong làng trong thôn thì chẳng cần vắt óc cũng nhớ như nhớ cái gối đầu giường. Còn những bài hát tận đẩu tận đâu, từ những bên Tầu bên Tây đưa về hơi sức đâu mà bận tâm cho nhọc?

- Chính phải.

Lúc ấy, một trong hai ông vểnh râu lên tiếng:

- Tôi đố các vị chuyện đã chấm hết chưa?

Vẫn là chị chàng đanh đá trả lời trước:

- Chẳng chấm hết thì còn gì nữa. Kết thúc, anh lấy ả, ả chui vào giường anh... Ông còn muốn gì hơn?

- Rõ thật là đồ đàn bà, óc không to hơn quả bưởi, mắt nhìn không quá hai sải tay.

- Phải chúng tôi ngu, nhường cho ông khôn hết... Rõ ra đồ sĩ diện, lòng tự ái to bằng cái bồ.

- Nghe cho rõ đây này: Chuyện bây giờ mới bắt đầu. Mọi người không thấy thể sao?

- Chúng tôi chẳng thấy gì hết. Người ta đã thương nhau, đã đi cuối núi cùng sông, đã làm thủ tục kết hôn hợp pháp, còn ai dám xen vào?

- Đã làm thủ tục chưa cô Vui?

- Tôi không rõ. Nghe người ta đoán già đoán non thế thôi.

- Mà không có thủ tục thì trai chết vợ, gái chưa chồng, làm gì được họ? Mấy ngàn năm trước tổ tiên mình vẫn lấy nhau vẫn sinh con đẻ cháu, có ai cần đến tấm giấy kết hôn với con dấu đỏ của chính quyền đâu?

- Tấm giấy kết hôn không to nhưng củ tỏi lại to. Vấn đề là ở đấy.

- Cái gì là củ tỏi? Ông định nói đến cái cặp ngọc hành lủng lẳng trong đũng quần chúng ta phải không?

- Sao mà tối dạ đến thế? Bìu dái là bìu dái còn củ tỏi là củ tỏi; thứ nào đi thứ nấy. Ban đêm ông có sờ nhầm con hến của bà ấy thành cái ấm pha chè đặt trên bàn hay không?

- Ông ví von rắc rối bỏ mẹ.

- Rắc rối mới là sự đời. Bây giờ ai dám đánh cược với tôi là chuyện nhà này chấm hết? Còn tôi, tôi cho rằng màn vừa khép sau hồi một. Mà hồi hai mới thực xôm trò... Nào, ai dám chơi?

- ......

- Các vị nhát như cáy đồng. Không ai dám lên tiếng hay sao?

- Thôi, tôi chẳng dại.

- Cược với ông làm gì? Nhỡ đến tai người ta, miếng chẳng được lại nghe câu chửi. Xưa nay nhà ông ấy có hại ai bao giờ đâu?

- Thôi, đừng có bé xé ra to! Chuyện gì đến khắc đến. Xin thay mặt bà con cảm ơn cô chủ. Giao thừa năm nay vui thật là vui!

Đám người lục tục chuẩn bị đốt đuốc, rọi đèn, khoác áo ấm rồi kéo nhau ra về. Khi những ánh lửa bập bùng trên các ngả đường thôn Trung, gà đã cất tiếng gáy chào canh một. Chó sủa ran lên theo bước chân

người. Trời đen như mực và không gian ắng lặng. Cô Vui tắt cây đèn măng-xông, bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa dưới ánh sáng của một dãy nến sáp ong tự chế.

Trong thâm tâm, cô phập phồng chờ đợi:

"Chuyện gì đến khắc đến!"

Cô biết những người khác cũng đang chờ đợi như mình. Do tính thận trọng lưu truyền, người dân quê không bao giờ dám tham gia vào một vụ cá cược nhưng họ thầm kín theo rõi mọi câu chuyện và cũng thầm kín mong đợi nó xảy ra theo sự phán xét của mình. Luôn luôn ấp ủ giấc mơ trở thành kẻ phán xét, kẻ có quyền hành nơi những con người sống chật vật và đơn điệu. Cô Vui cảm thấy giấc mơ thầm kín ấy đang cựa quậy trong tâm hồn mình, tựa hồ cái bào thai đang quẫy đạp trong bụng một người mẹ. Cô linh cảm thấy "...cái gì đó sẽ đến, không chóng thì chầy...". Cô nhớ đôi mắt vằn lên của chủ tịch Quý khi cô mô tả ngôi nhà hai tầng, bảy buồng của vợ chồng ông giáo làng Khoai. Bởi nhà của chính ông Quảng vẫn chỉ là kiểu nhà cổ truyền một tầng tuy rộng mênh mông và xương khung kết thuần gỗ tứ thiết. Còn nhà của Quý kém nước hơn nhiều. Vậy mà giờ đây bố con đĩ Ngân lại thượng trên tầng gác suốt ngày ngồi đọc sách, cảnh tượng ấy làm sao chịu nổi? Linh cảm mách cho cô Vui hiểu rằng cuộc tình này ắt dẫn đến bão tố. Nhưng bão tố theo kiểu nào, gió thổi từ núi cao hay từ biển xa tới, cô không thể dự đoán.

Bỗng nhiên, con mèo già trong bếp xồ ra, khoèo vào chân Vui:

- Cút ngay, con điên này...

Cô quát, tiện chân thượng cho nó một đạp.

- Ngoeo...ngoeo... eo...

Con vật nhảy phóc sang một bên, cất tiếng kêu ai oán, đôi mắt nó hướng về phía cô, tròn xoe nỗi kinh hãi và ngạc nhiên. Cô chủ tặc lưỡi:

- Mình quên, nó chưa được ăn. Suốt tối bận khách khứa, quên cả mèo.

Bỏ mớ bát đĩa đang dọn dở, cô vào trạn, lấy ra con cá kho, đặt vào chiếc đĩa mẻ dành riêng cho mèo ăn:

- Nào, giờ mới đến lượt mày...

Con vật vừa tiến đến đĩa cá vừa tiếp tục kêu, mắt không rời cô chủ. Dường như nó chưa hiểu và chưa thể bỏ qua hành vi lỗ mãng của Vui. Cô bỗng nhiên bật cười:

- Thôi, ngoeo ngoeo gì nữa, ăn đi cho rồi...

Rồi cô ngồi xuống, đối diện với con vật để cho nó yên tâm rằng cơn thịnh nộ của cô đã qua. Khi con mèo già cúi đầu xuống đĩa cá, cô bỗng nhiên có ý tưởng lạ lùng rằng cô cũng giống như một con mèo. Một con mèo đang ngồi rình mồi trong bóng tối. Nhưng không phải là một con mèo già mà là một con mèo cái, đang còn rất trẻ và tràn trề sinh lực. Ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy khiến cho cô tủm tỉm cười mãi một mình.

Con mèo ăn xong, liếm mép với vẻ hài lòng rồi tót lên nhà trên, khoanh mình trên cái ổ khâu bằng vải vụn. Cô Vui tiếp tục dọn nhà, rửa bát. Những ngọn nến đại cháy bùng bùng từ trên nhà xuống bếp, ánh sáng thừa thãi hoang tàng. Ong nhà nuôi, sáp làm nến quanh năm dư dả. Hơn nữa, bố cô đã dạy:

"Sống dầu đèn, chết kèn trống"

Cô không việc gì phải tùng tiệm như những người đàn bà nheo nhóc một nách năm bảy đứa con. Bữa tiệc tất niên này khiến cô mãn nguyện.Vừa rửa bát, cô vừa lẩm nhẩm bài: "Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian." Tự thán phục mình vì trí nhớ siêu việt và vì khả năng văn chương bỗng nhiên dạt dào tuôn chảy. Khi cô rửa xong bát đĩa, dọn nhà láng bóng như gương thì vừa rạng sáng. Trời lạnh, nhưng mồ hôi nhơm nhớp chảy dọc sống lưng. Cô tặc lưỡi:

- Tắm cái đã! Thế là năm nay, trước lẫn sau giao thừa, ta tắm cả thảy hai lần!

Đó là một sự bất thường. Vì người ta thường kiêng tắm sau giao thừa. Nhưng những kẻ sống độc thân thích thờ vị thần sạch sẽ. Vị thần này mang cho họ niềm kiêu hãnh mà những ai bìu díu con con, cháu cháu, chồng chồng vợ vợ không có quyền hưởng thụ.

Vui tắm xong, đồng hồ chỉ bảy giờ kém mười lăm. Sương hãy còn trùm phủ núi non nhưng những rặng cây quanh vườn đã lờ mờ hiện lên với những vòm lá ướt sũng. Cô chủ đứng nhìn vườn cây trong chốc lát, mơ màng. Rồi cô khoá cửa, lên giường ngủ:

"Cái gì sẽ đến, ngày mai?"

Cô tự hỏi, khi khoan khoái duỗi tấm thân đồ sộ dưới tấm chăn bông.
 

***
 

Cái gì phải đến, ắt sẽ đến!

Nhưng người ta chẳng cần súng sính văn chương chữ nghĩa, mà cũng chẳng cần nhọc công chờ đợi. Ngay chiều mồng một Tết, sự đã sinh.

Vào lúc cửa nhà cô Vui còn đóng kín mít. Tiếng ngáy rền như sấm, lên bổng xuống trầm như giọng hò kéo gỗ của cô còn vang khắp năm gian nhà. Cái sự sinh, sinh sự. Cái cảnh màn hai trong tấn tuồng của gia đình ông Quảng mà cô thầm chờ đợi đã đến. Tiếc thay cô không được chứng kiến tấn tuồng ấy, dẫu cô là người duy nhất trong Xóm Củi đã trèo đèo lội suối đi đến tận làng Khoai xa xôi kia.

Theo lệ thường, sáng mồng một Tết mọi người khăn áo chỉnh tề thay hương trên bàn thờ, cúng gia tiên. Cúng xong, trời ắt đã non trưa, họ được quyền ngả cỗ ra đánh chén một bữa tuý luý để cả năm có cơ dồi dào chè rượu. Cỗ xong, là thời khắc đón khách trong gia tộc. Thời khắc ấy, gia chủ đón con trai kèm theo con dâu, con gái kèm chàng rể và đàn đàn lũ lũ cháu nội cháu ngoại. Phải có mâm ngũ quả ê hề để trẻ con được quyền ăn thoả sức. Phải có hộp phong bao đỏ chót để phân phát một cách đồng đều tiền mừng tuổi cho đám hậu duệ, không kể gái hay trai, ngoại hay nội. Phải có bánh kẹo, các loại mứt khác nhau để mọi người nhấm nháp với nước trà.

Năm nay, nhà ông Quảng chỉ có hai vợ chồng son. Cậu Quỳnh vẫn sống dưới thôn Hạ với bà ngoại. Sau buổi thương thuyết thất bại của hai cậu, chính Quỳnh phải lên xin bố áo quần và mọi thứ vật dụng kèm theo một khoản tiền đủ trả học phí lẫn sinh hoạt phí. Chỉ một tuần lễ sống dưới mái nhà ngoại, chàng trai đã hiểu rằng những lời nói tốt đẹp không ve vãn được túi tiền. Bà ngoại cũng như hai cậu chỉ có thể cung cấp những lời khuyên giải xuông hoặc những kích động không hiệu lực. Họ không thể làm gì hơn. Và Quỳnh đành chấp nhận sống ở đó như khách trọ, góp tiền ăn hàng tháng. Chàng trai không muốn quay lại mái nhà cũ, phần vì sĩ diện của kẻ đã tự ý khăn gói ra đi, phần vì nhan sắc của bà mẹ kế khiến cậu điên đảo. Chắc chắn hiểu lòng dạ con, ông bố không nài ép:

- Được, anh muốn thế nào được thế nấy. Còn năm gian nhà dành cho anh, anh tính sao?

- Bố hãy giành cho mẹ kế và các em. Con không có ý định quay trở lại.

- Hãy nghĩ cho kĩ.

- Con chỉ xin tiền bố học hết đại học. Học xong, con tự liệu thân.

- Nếu được vậy, tôi lấy làm mừng. Chỉ e anh không vào nổi cửa trường trung cấp.

- Con biết. Từ giờ con sẽ ra công học.

- Được, tôi sẽ lo cho anh đủ tiền.

- Con xin bố.

Cuộc đối thoại chấm dứt và cậu con út xách chiếc hòm véc-ni vàng óng ra đi. Ắt là một cuộc chia ly tốt đẹp vì sau đấy, Quỳnh bỗng nhiên trở thành chín chắn, học đến đâu nhớ đến đấy. Thành tích vượt bực của cậu ta khiến cả trường kinh ngạc.

Ông bố ở lại với tình yêu mới của mình. Cả một dinh cơ rộng mênh mông, năm gian nhà chính, mười gian nhà ngang cả bên tả lẫn bên hữu chỉ có anh với ả.

Như thế Tết năm nay, ắt hẳn là ông Quảng sẽ là người được quyền mừng tuổi cho cô Ngân. Quà mừng tuổi của cô không phải là chiếc phong bì đỏ đựng mấy đồng bạc mới mà là một hộp nhung màu cánh hồng. Khi cô mở hộp, mắt cô sáng lên như điện và cô nhảy bổ đến bá cổ ông chồng:

- Anh chàng kháu lão! Thật tuyệt vời.

- Quà này liệu có xứng với cô gái làng Khoai? Hay là cô văn công quân khu tả ngạn?...

- Văn công tả ngạn hay hữu ngạn cũng chẳng bằng về làm chủ trại nhà ông Quảng nơi xóm Thượng.

- Mình có chắc không đấy?

- Chắc như cột lim.

- Hễ lão giáo Tường quay về đây rủ rê bỏ tớ mà đi thì tớ sẽ treo cổ lên cây mít đầu vườn.

- Phỉ thui cái mồm nói láo. Mà anh nói treo cổ ai?

- Treo cổ cô ả trước, rồi đến lượt tớ sau. Cùng một giờ không hơn không kém. Để sau này con cái tiện làm ma.

- Nói gớm chết.

- Sao non gan thế? Tôi đùa một chút thôi...

- Đừng đùa dại như thế. Mình đã cay đắng bao nhiêu rồi. Mình sẽ sống cùng nhau đến lúc bước xuống mồ.

Cô ôm chặt lấy ông, nước mắt rưng rưng tưởng như sự chia cách đang rình rập bên ngoài khuôn cửa. Ông ôm chặt lấy cô, để xác định sự chở che vô điều kiện của mình. Vào khoảnh khắc ấy, ông lại có một cảm giác hết sức chính xác, hết sức mãnh liệt như cảm giác trong lần gặp đầu tiên, khi cô bối rối đặt hai chai rượu xuống bàn, trong căn phòng trọ nơi thành phố: Cô chính là một phần xương thịt của ông, một phần đời của chính ông, phần đời mà ông đã quên lãng, đã đánh rơi từ bao nhiêu kiếp trước ở một vùng xa lơ xa lắc phía bên kia chân trời. Họ đứng như thế hồi lâu, trong không gian yên ả của đầu xuân, vừa đinh ninh vừa ngạc nhiên vì sao bỗng dưng họ lại gắn bó với nhau đến thế, vì sao bỗng dưng họ lại yêu nhau tha thiết thế, sợi dây thần bí nào của định mệnh đã ràng trói họ, hai con người vừa còn là những kẻ không quen biết trong một quãng thời gian chưa xa?...

Rồi tiếng chó sủa và tiếng chân bọn trai trẻ đi chơi xuân sớm ngoài đường thôn khiến họ bừng tỉnh giấc mê tình ái. Cô Ngân vội vã mắc đôi nụ mặt đá ru-bi đỏ lên tai:

- Thôi chết, đã đến giờ làm cơm cúng tổ tiên.

- Không việc gì phải vội? Tổ tiên chứng dám rằng chúng ta cùng có lòng thành. Nửa trưa bưng cỗ lên là được.

Ông đáp.

Tuy chỉ có hai người nhưng cỗ cúng vẫn phải đủ lệ bộ. Dẫu xuất thân từ làng nghèo, nhưng đã nếm nhiều thứ cơm thiên hạ lại vốn dĩ thông minh nên cô Ngân đủ tay nghề lo liệu. Không cần chồng hỗ trợ cô vẫn làm được mâm cỗ mười món trong vòng hai tiếng đồng hồ: Gà luộc lá chanh, gà rán ướp mật ong, thịt bò xào măng, cá quả xào cần, thịt lợn xào bông cải, mọc gà, mọc lợn mộc nhĩ, chân giò nấu đông, tôm nấu bóng, xương sườn om măng. Còn các loại giò lẫn bánh nếp bánh chưng không tính. Đúng ngọ, cỗ bưng lên bày la liệt mặt bàn thờ. Mười tám đĩa lẫn bát cho món chính lẫn món phụ. Ông Quảng đứng vê râu trầm trồ khen vợ. Hương trầm bốc khói thơm ngát khắp mấy gian nhà. Có một thứ nồng ấm của ngọn lửa vô hình lan toả trong không gian, có một gương mặt tươi cười vô hình của vị thần hạnh phúc ngự trị dưới những mái nhà mà người ta yêu thương nhau...

Vào đúng lúc ông Quảng áo xống chỉnh tề, đứng ngay ngắn trước bàn thờ tổ tiên chuẩn bị khấn, Quý dẫn vợ và hai đứa con gái bước vào. Anh ta mang đến hai trái bưởi đào vườn nhà với mấy chồng bánh gai là thứ bánh bà Quảng thích ăn nhất khi còn sống. Đặt lễ vật trên bàn thờ xong, Quý nói:

- Con xin được khấn mẹ con trước, xong việc con còn phải đi chúc tết các đoàn thể và dân xã.

Ông Quảng quay lại, nhìn con trai:

- Lui ra kia! Trên bàn thờ này có tổ tiên tôi năm bảy đời về trước. Sau đấy đến cụ kị, ông bà bên nội bên ngoại của tôi. Rồi đến cha mẹ, chú cô, cậu dì của tôi. Thứ nữa, đến người anh trai tôi chết trẻ. Mẹ anh, tức là vợ tôi còn phải chờ sau lượt ông ấy. Thứ tự đó là niêm luật, không có quyền đảo ngược.

- Nhưng con...

- Lui ra kia.

Ông bố quát. Không nói ra nhưng ông biết rằng cả nhà Quý không ai chào cô Ngân, và cô đã lui ngay xuống bếp khi thấy vẻ sinh sự trên những gương mặt của họ.

- Đây là nhà tôi. Không phải trụ sở uỷ ban xã. Quyền của anh dùng ở chỗ khác, không phải dưới mái nhà này.

Vẻ quả quyết của ông khiến Quý chùn bước. Vợ anh ta, luôn luôn nép vào một xó nào đấy, thò tay kéo áo chồng. Quý đành hậm hực đứng yên, chờ ông Quảng khấn vái.

Bài khấn của ông Quảng khá dài vì ông phải triệu hồi theo thứ tự từ cao xuống thấp vong linh tất cả những người thân thuộc, từ năm bảy đời trước cho tới bà vợ vừa chết mùa xuân năm vừa rồi. Quãng thời gian ấy quả là khó chịu đựng nổi với một đứa con thích sinh sự mà lại đang có quyền lực trong tay. Chủ tịch Quý hết dậm chân nọ lại đến chân kia. Dường như có một ổ kiến lửa đốt dưới bàn chân khiến anh ta không đứng yên nổi. Khi ông Quảng vừa dứt lời, anh ta liền nhào đến trước bàn thờ, vái hai vái cúi gập lưng kiểu như phường tuồng rồi cất tiếng gào thật to:

- Mẹ ơi, mẹ ở dưới tuyền đài có khôn thiêng xin quay trở lại, mở mắt mà nhìn mọi sự nhiễu nhương dưới mái nhà này. Mẹ ơi, nhục nhã cho các con lắm. Tại sao mẹ vội ra đi để cho cóc nhái nhảy lên bàn, để gà tha rác vào nhà, quạ về đậu trên ngọn buởi ngọn cam làm tổ?

- Ối mẹ ơi là mẹ...

- Ối bà ơi là bà, bà đi đâu? Bà bỏ lại con cháu như vậy bà ơi?

Vợ con Quý, hẳn đã được chuẩn bị sẵn; lên tiếng kêu khóc như dàn đồng ca nhạc kịch hoà theo giọng độc tấu. Tiếng kêu gào của họ vang lên trong không gian yên tĩnh của xóm thôn. Vào giờ này, mọi người đang còn chuẩn bị quần áo trước khi ra đường. Theo cổ tục, trừ lũ trai thích chơi xuân sớm, không ai ra khỏi ngõ trước giờ Mùi. Do đó, mọi lời qua tiếng lại cũng như tiếng kêu khóc của gia đình ông chủ tịch xã lọt tuốt tuột vào những cái tai lúc nào cũng sẵn sàng giỏng lên của láng giềng bốn phía.

Ông Quảng sững sờ chết lặng. Ông không chuẩn bị để đón nhận sự việc này. Nói cho đúng, chẳng một ai đủ sức tưởng tượng một sự việc như thế. Người ta lam làm cả năm, chờ đợi năm mới với tất cả những hy vọng mới. Ngày mồng một tết, là ngày thứ nhất của thời gian tương lai, của đoạn đời sắp tới, có tính chất đặc trưng thiêng liêng của sự khởi đầu. Bởi thế, không ai cãi nhau với ai ngày này, láng giềng dù có thù ghét nhau đến mấy cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà chào hỏi, chúc tụng vì nếu nói lời không hay, ý không đẹp thì sự rủi ro sẽ đến cho cả hai phía. Người ta kiêng mặc quần áo cũ, kiêng đi giầy dép cũ, kiêng chửi tục, kiêng quát tháo lẫn nhau, kiêng lườm nguýt nhau, kiêng khóc, kiêng làm bát đĩa vỡ, kiêng làm đổ nước tương, nước mắm, kiêng ném vỏ chuối hay vỏ cam ra sân, tất thảy những gì có thể gợi ý đến một rủi ro hay thiếu may mắn. Ngay cả đến những kẻ thù địch còn không dám sinh sự ngày tết, huống chi người thân thích, ruột rà? Vậy nên ông đứng bàng hoàng khi nhìn đứa con trai đầu và gia đình nó gào khóc trước bàn thờ tiên tổ, biến ngày Tết thiêng liêng thành một đám ma. Nhưng qua một khoảnh khắc kinh ngạc, hoang mang, ông hiểu rằng ông cần phải hành động. Rút phắt cây trượng dựng trong góc nhà, vật bất ly thân gần hai mươi năm khi đi rừng, ông trỏ vào mặt Quý và quát:

- Cút ngay! Cút ngay lập tức! Đây là bàn thờ tiên tổ của tôi chứ không phải bàn thờ riêng cho mẹ anh. Nếu anh có lòng hiếu đễ, tôi cho phép anh mang ảnh bà ấy về nhà anh mà thờ. Lũ vợ con anh nữa, cút ngay khỏi nhà này, tôi cần con cần cháu, nhưng không cần bọn lưu manh phá rối. Tôi không cho phép lũ bất nhân biến mái nhà này thành cái chợ.

- Trời đất ơi, ông đuổi con đuổi cháu ra khỏi nhà, ông ơi...

Vợ Quý tiếp tục gào, trong khi anh chồng giương đôi mắt đỏ vằn nhìn bố. Hơi thở anh ta sặc sụa rượu; chắc hẳn đứa con trai đã phải mượn hơi men trợ sức trước khi tới gây sự với ông bố già:

- Mẹ tôi đã sống ở đây, ông không có quyền đuổi tôi ra khỏi cửa nhà này.

Ông Quảng đứng ngây người trong giây lát, dường như không tin vào đôi tai mình... Trong gia tộc của ông, con không được quyền xưng tôi với bố, bất luận tình cảnh nào. Tất cả đám con ông, cũng như con cái của những người em trai ông và chị ông, đều biết rõ luật lệ này và coi đó như một thứ đạo luật của gia đình, phân biệt họ với những dòng họ khác, ít nghiêm minh hơn trong nền nếp gia phong và sự giáo dục. Chưa bao giờ trong dòng họ nhà ông xảy ra sự ô nhục này. Quý biểt rõ điều ấy. Bây giờ, chính anh ta là kẻ đầu tiên khạc nhổ lên lề thói của gia tiên.

Ông Quảng đứng lặng như thế hồi lâu. Những cơn nhói liên tục chạy qua tim như có kẻ liên tục đâm những nhát gươm xuyên qua nó. Lần đầu tiên trong đời, ông hiểu rằng trái tim một người bố cũng vô cùng mong manh và dễ bị tổn thương. Lần đầu tiên trong đời, ông biết nỗi đớn đau chua chát khiến hai mắt ông như mờ đi, và những cơn rung động lướt qua toàn thân ông như những cơn run của người sốt rét. Ông biết rằng sự thay đổi cách xưng hô là dấu hiệu của giới hạn cuối cùng. Rằng sau đây, họ sẽ không bao giờ còn là cha con như thuở trước. Không bao giờ còn như xưa. Cơn đau đớn vẫn nhói lên không ngừng nhưng cùng lúc ấy tấm thân ông đột nhiên cứng lại như đá, một cảm giác giống hệt cảm giác của lần đầu, khi ông mười bảy tuổi, lần đầu đặt lên vai cây cột nhà trước những con mắt thách thức của đám trai xóm Thượng.

Người cha nhìn bộ mặt đứa con trai, biến dạng bởi hận thù và men rượu. Một khoảnh khắc yên lặng nữa trôi qua. Rồi đột ngột, ông bố cất tiếng cười:

- Ông chủ tịch say rồi...

Ông tiếp tục cười gằn và giọng nói của ông bỗng trở nên lạ lùng khiến đứa con trai ông lẫn gia đình nó đưa mắt nhìn nhau kinh ngạc: Chưa bao giờ họ nghe ông nói với mọi người bằng cái giọng ngọt ngào, trịnh trọng như thế:

- Bà chủ tịch đưa ông về nhà nếu không tôi sẽ đem chuyện này lên thưa kiện huyện. Chủ tịch say rượu đến quấy rối nhà dân.

- Ông nói gì?

Chủ tịch Quý hỏi lại, mắt trừng trừng nhìn bố. Có lẽ anh ta say, hoặc đúng hơn là anh ta thiếu thông minh để hiểu rằng người cha đã chuyển giọng, đó cũng chính là dấu hiệu của giới hạn cuối cùng: Ông đã phải đối đáp với đứa con rứt ruột đẻ ra bằng thứ ngôn ngữ ngọt ngào, thớ lợ. Thứ ngôn ngữ của kẻ chuyên đi kiếm cơm đất khách. Buông từng tiếng thong thả, ông Quảng đáp:

- Ông chủ tịch say rượu đến quấy rối nhà dân. Như thế, là làm tổn hại danh dự của đảng và chính quyền.

- Ông nói gì?

- Bây giờ, ông không còn là con tôi nữa. Ông là chủ tịch xã, đại diện chính quyền. Ông say rượu, dẫn đồng bọn đến phá rối nhà dân.

- Tôi không say, tôi nhục vì ông lấy một con điếm về làm vợ.

- Xưa nay, các cụ vẫn dạy "Người ta lấy đĩ về làm vợ, không ai lấy vợ về làm đĩ ". Nếu cô Ngân là đĩ, tôi cũng chưa làm sai lời dạy của người xưa. Nhưng nếu vợ tôi không phải là điếm, ông chủ tịch sẽ chịu tội vu khống và nhục mạ công dân. Ông có hiểu điều đó không?

- Vợ ông không là điếm thì cũng là con đĩ chửa hoang. Ông tưởng rằng không ai biết chuyện thày ngủ với trò, con Ngân ễnh bụng với lão giáo Tường hay sao? Ông nghĩ rằng cứ quắp một con đĩ ở hang cùng ngõ hẻm, hay cuối núi cùng sông về đây là có thể bít bùng mọi sự, che mắt được thế gian hay sao?

- Xưa nay, tôi vốn hành xử giữa thanh thiên bạch nhật, không có điều gì cần che mắt thế gian... Ông chủ tịch chui từ mái nhà này ra mà mau quên đến thế thì trí khôn ngắn ngủi thật. Đúng, cô Ngân chửa hoang. Cô ấy chửa với người cô ấy yêu là ông giáo Tường. Cũng như hàng vạn người đàn bà khác chửa với người đàn ông họ chọn. Cô ta chửa hoang vì cô ta mắn như gà ri. Còn nhiều người đàn bà khác không chửa hoang vì họ may mắn không thuộc loại máu bồ câu mà máu vịt. Ví như mẹ anh chẳng hạn. Bà ấy không chửa hoang vì không thuộc nòi mắn đẻ chứ chẳng phải vì cầm thật chặt chữ trinh. Trước khi cưới mẹ anh tôi đã đưa bà ấy lên núi Trúc vàng chơi cả năm rồi Anh có muốn tôi chỉ cho anh chỗ nào tôi ngả bà ấy ra không?

Đến đây, chính đứa con trai há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Giống như kẻ bị sét đánh ngang tai. Rồi khi đã hiểu rõ những lời lẽ ông bố vừa nói, anh ta tru lên như con lợn bị chọc tiết:

- Không đúng, ông đổ điêu cho mẹ tôi! Tôi không tin!

- Tôi với mẹ anh đang tuổi xuân thì, đi củi đi rừng với nhau quanh năm, ai cấm nổi chúng tôi? Việc gì chúng tôi phải nhịn thèm nhịn nhạt, việc gì chúng tôi phải chờ đợi cho đúng ngày đúng tháng, bề nào ăn hỏi rồi, hai gia đình kết giao rồi, sớm muộn chúng tôi cũng lên giường với nhau.

- .....

- Anh đắng họng không trả lời được vì anh quen giả dối. Bản thân anh chị nữa, anh chị chẳng đã no xôi chán chè với nhau cả năm trời trước khi tôi lo đủ tiền cưới hay sao? Cái bận anh chị lén lút đưa nhau đi nạo thai dưới huyện, anh tưởng mắt tôi thong manh chắc? Tiền mẹ anh dúi cho anh là tiền móc từ túi quần tôi, sao tôi không biết? May mà còn đẻ được. Nhiều trường hợp nạo thai đứa đầu lòng gây vĩnh viễn vô sinh.

Vợ Quý đang há hốc mồm ra nhìn bố chồng tới đó bật khóc vì hổ thẹn. Hai đứa con gái đến tuổi cập kê lẫn cậu con trai cúi mặt xuống. Tất cả đều hành động dưới cây gậy chỉ huy của ông bố. Và lúc này, ván bài lật ngược, ông bố lẫn bà mẹ bị bóc mẽ khiến cho cả lũ con không dám ngửng đầu lên. Ông Quảng hạ giọng:

- Thôi nhé, đã sinh sự thì sự sinh. Đẻ ra anh nhưng từ khi anh mười ba tuổi, tôi đã hiểu anh là hạng người nào. Tôi đã cố tìm mọi cách xoay chuyển nhưng không lại. Chẳng ai chống được mệnh trời. Từ nay anh đừng bao giờ đặt chân đến cửa nhà tôi nữa. Chúng ta không còn là bố cũng chẳng còn là con.

- Đấy là tự ông muốn thế.

- Anh nhầm tưởng, người ta không thể muốn hay không muốn. Nhưng một khi đã xô đẩy nhau đến nông nỗi này, mọi sự ắt phải đổi thay.

- ....

- Bây giờ, tôi hỏi điều cuối: Anh có muốn được độc quyền cúng giỗ mẹ anh hay không?

- ....

- Anh không dám mở mồm vì anh tiếc của. Làm người khó lắm anh Quý ạ. Mở mồm thì dễ còn mở bàn tay khó hơn nhiều. Lòng hiếu đễ nơi bọt mép ai cũng có cả. Nếu anh không muốn, tôi sẽ tiếp tục làm giỗ cho mẹ anh, như thường lệ. Bà ấy đã từng là vợ tôi và bây giờ vẫn là vợ đã chết của tôi. Bà ấy không có lỗi với tôi. Nhưng anh lại khác. Từ ngày này trở đi, tôi không có anh.

Đám người đứng đờ đẫn. Có thể vì sự việc diễn biến quá nhanh và họ chưa kịp hiểu hồi kết thúc. Có thể vì con người thường có thói quen nhận biết mọi sự theo những ước định đã tồn tại trong óc não họ. Những ước định cổ nói rằng tình huyết mạch là sợi dây không bao giờ đứt, rằng:

"Anh em có chém nhau cũng chém nhau đằng sọng, không ai chém nhau đằng lưỡi!" Và với những ước định ấy, họ tin rằng dù họ làm gì chăng nữa, ông Quảng cũng không thể đẩy họ ra ngoài ngưỡng cửa ngôi nhà này, ngôi nhà mà họ tin chắc đứa con trai duy nhất của họ mai đây sẽ là chủ nhân. Nhưng ông Quảng đã ném cây trượng trở lại góc nhà, nhìn họ và hạ giọng:

- Đi đi! Đi khỏi đây!

Ông nói nhỏ, gần như thì thầm, nhưng trong giọng thì thầm ấy, sự đã thành, nước đã chảy, thuyền đã trôi.

Không có gì quay ngược lại.
 

***
 

Vợ chồng con cái nhà Quý kéo nhau ra về.

Khi bầu đoàn ấy riễu qua đường thôn, những cặp mắt láng giềng nép sau các khuôn cửa, các bờ cây, bụi trúc nhìn theo. Đời sống sơn dân vốn tĩnh lặng như mặt nước hồ dưới lũng sâu, bị cầm tù giữa bốn bề vách núi. Nếu một hòn đá ném xuống đó, ắt những vòng sóng lan toả không ngừng. Cũng như vậy, một sự kiện dù lớn dù nhỏ, nhưng động chạm tới những sợi dây thầm kín nhất trong tâm hồn con người, ắt trở thành một bãi chiến trường, nơi giao tranh của những ước định cổ xưa với những biến động của cuộc đời hiện tại. Xóm Tiều Phu mùa xuân năm ấy giống như một hoả diệm sơn mà chất dung nham phun lên không ngừng chính là câu chuyện xảy ra trong gia đình ông Quảng. Hoặc nói một cách văn vẻ hơn, Xóm Tiều Phu mùa xuân năm đó giống như lò lửa rừng rực cháy mà người ném than vào đó là một cô nàng xinh đẹp đến từ miền đất lạ, với cặp mắt đa tình và màu áo lụa xanh.

Giờ Mùi đã điểm, người làng đổ ra đường, đi chúc Tết người thân. Theo cổ lệ, mồng một dành cho những ai cùng huyết thống. Mồng hai mới tới họ hàng xa, láng giềng, bạn hữu. Mồng ba là ngày các chức sắc trong xã thăm hỏi nhau, chủ tịch đến nhà bí thư, bí thư đến thăm trưởng công an xã, công an xã đến chúc tết bí thư chi đoàn thanh niên hay bí thư liên hiệp phụ nữ... cả một hệ thống rường cột của cộng đồng. Năm nay, mọi sự dường như đảo ngược. Ngay buổi tối mồng Một, người ta đã ào ào kéo đến gõ cửa nhà cô Vui:

- Năm mới, chúc cô làm ăn thịnh vượng gấp năm gấp mười năm ngoái.

- Năm mới, chúc cô có thật nhiều cái mới, mới từ đầu xuống chân...

- Năm mới, chúc cô Vui vui cả năm, lúc nào cũng hớn hở tươi cười, ngày nào cũng là mồng một tết, tháng nào cũng là tháng giêng, mùa nào cũng là mùa xuân...

Chưa bao giờ, kể từ ngày cất tiếng khóc chào đời, cô Vui được hưởng những lời chúc đẹp như hoa như gấm vậy. Cũng chưa bao giờ cô được hưởng một sự trọng thị đến thế nơi dân làng. Muốn hay không, do thân phận của mình, cô luôn cảm thấy những con mắt xung quanh lục lọi thân thể cô, phán đoán, tọc mạch... dường như cái sự không chồng của cô là nguồn cơn cho mọi sự đàm tiếu và là một sự thất thoát không thể nào cứu chữa, giống như một thứ què cụt về tinh thần. Chưa Tết năm nào, khách đến gõ cửa nhà cô, cho dù nó rộng thênh thang, cho dù nó sáng choang và đầy đủ những thứ quà bánh hiếm... Năm nay, có lẽ trời đã để mắt nhìn cô, hoặc là, do người cha tận tuỵ của cô nơi chín suối ngày đêm phù trợ, số phận cô dường như bắt đầu thay đổi. Mở rộng hai cánh cửa, Vui tươi cười mời khách:

- Năm mới, chúc các vị có tất cả những gì mong đợi...

Người ta ùa vào nhà, không ai chờ đến lời mời thứ hai. Ai ai cũng ngầm hiểu rằng màn hai của tấn tuồng "Ngân Quảng" sẽ lại được tường thuật ở đây, nhưng lần này người đóng vai chủ đạo không còn là cô chủ.

Phần cô Vui, sau khi ngủ một giấc đẫy đà hơn chín tiếng, sức khoẻ tràn trề, tâm hồn phơi phới, cô thắp nhang mới trên bàn thờ cha, thay nước cho bình hoa đào rồi ngồi xơi hết hai khúc giò với chiếc bánh chưng đại. Khi dân làng kéo đến nhà, cô ở trong trạng thái tuyệt vời nhất của sự thoả mãn và vui vẻ, điều kiện tối ưu nuôi dưỡng lòng hiếu khách. Vì thế, không cần ai chèo kéo, cô lại thắp đèn măng-xông, thứ đèn dân quê chỉ dám dùng vào những ngày cưới xin hay ma chay, hoặc vào đêm hội làng. Ánh sáng lại tưng bừng rọi sáng khắp năm gian nhà khiến cho không gian long lanh, nồng ấm. Bà chủ đun nước pha trà, trưng ra tất cả các loại bánh mứt kẹo mua dưới phố. Trong lúc đó, khách đổ đến mỗi lúc mỗi đông. Không chỉ có những người đứng tuổi mà cả đám trai gái trong chi đoàn xã, lũ choai choai đi dự hội thi pháo tép, chọi gà và cờ bàn. Thành ra hai gian nhà đầy ắp người, giá có họp bình công, chia thóc cũng chỉ đông được đến thế. Cô Vui có ngay một lũ lính để mà sai mời nước, tiếp bánh kẹo cho mọi người. Còn cô, cô ngồi chĩnh chện ở bàn chính, với các bậc mày râu, những vị gia trưởng của những gia đình có máu mặt nhất trong xã:

- Tôi nghe láo nháo chuyện xảy ra rồi. Vậy là vị vểnh râu thắng cuộc. Tôi xin mở chai Lúa Mới chúc mừng.

Cô Vui lên tiếng để mở đầu đêm tụ họp. Nói xong, cô lấy chai rượu Lúa Mới trên bàn thờ xuống, cùng với gói lạc rang húng lìu nửa mặn nửa ngọt mua dưới phố:

- Có ai cần bánh chưng, giò nhắm rượu không, xin cho biết?

- Không.

Chính ông vểnh râu trả lời:

- Hôm nay mồng một, chẳng ai còn dạ dày để chứa giò với bánh chưng nhà bà chủ. Nhưng lạc rang húng lìu với rượu Lúa Mới thì tuyệt. Không ai dám chê.

- Dân dưới phố sành điệu thật, cũng củ lạc, họ rang lên ăn cứ ngọt cuốn cả lưỡi, đưa bao nhiêu rượu cũng vừa. Lạc rang trong bếp nhà mình, ăn được một dúm đã thấy tắc họng.

- Họ có bí quyết. Đã mấy lần tôi mua thử húng lìu ở chợ huyện, đem về trộn lẫn đường và nước muối rồi ngâm lạc trong sáu tiếng đồng hồ, xong phơi khô mới đem rang, nghĩa là tôi làm đúng cách mọi người bầy cho nhưng rút cuộc cũng chẳng ra hồn, ăn củ lạc khét lẹt.

- Ôi chao, cứ nghe mà làm nổi thì còn ai sống được bằng nghề đầu bếp hay cửa hàng ăn nữa. Họ phải giữ bí quyết chứ. Người ta bảo rằng ở Hà nội, có những nhà làm giàu chỉ bằng nghề rang lạc, hoặc bán mía hấp mía nướng ướp hoa bưởi, hoặc chè đậu xanh nấu với vỏ quýt, gọi theo tiếng Tầu là Lục tào xá. Một nồi Lục tào xá nuôi bảy tám miệng ăn, lại còn xây ba tầng nhà gác.

- Nơi đất chật người đông người ta phải cạnh tranh ráo riết mới sống nổi, thế nên họ khôn hơn cánh dân quê chúng mình.

- Nói như ông, chẳng hoá cái việc ông Quảng nói tuột móng heo mọi sự giữa vợ chồng ông ấy với gia đình nhà Quý trưa hôm nay là khôn lắm hay sao? Bởi muốn hay không, ông ấy cũng là người "nhà tỉnh" nhất trong đám dân xã này.

- Tôi biết ngay mà...

Ông vểnh râu cất tiếng cười sằng sặc:

- Chưa kịp ngồi nóng chỗ đã quay câu chuyện sang nhà ông Quảng? Các vị sốt tiết quá. Không chờ chúng tôi uống cạn tuần rượu đầu được hay sao?

Giọng ông ta đầy vẻ khiêu khích và ngạo mạn. Chị chàng đanh đá chịu không nổi lên tiếng đáp:

- Mọi người đã nhận là thua ông rồi mà ông vẫn chưa thấy đủ hay sao? Lòng sĩ diện của ông không chỉ bằng cái bồ mà to bằng quả núi cơ đấy.

- Ồ thôi thôi! Hai người này kị nhau như nước với lửa. May mà không kết đôi kết lứa.

- Thôi thôi, hạ hoả xuống cô mình ơi.

- Được rồi, tôi im mồm ngay đây.

Chị chàng đanh đá lên giọng rỗi, và ông chồng đang ngồi cùng bàn với ông vểnh râu từ tốn cười:

- Nhà tôi vốn tính trẻ con đấy thôi, cô ấy là người tốt bụng.

Cả hai gian nhà chợt im ắng trong tích tắc, rồi khi nghe thủng câu nói người ta nhất loạt cười ran lên như pháo nổ, bọn trai trẻ thì hò hét vỗ tay đôm đốp:

- Hoan hô, thật là một ông chồng tuyệt vời!

- Hoan hô, chúng tôi xin bầu ông là ông chồng điển hình, được thưởng phiếu "chồng ngoan "nhất xã. Này lũ con gái, chúng mày mở to mắt ra mà nhìn nhé. Cứ lấy ông ấy làm kiểu mẫu để kiếm lấy một tấm chồng.

Tiếng cười, tiếng trêu chọc vang lên bốn phía. Xưa nay, ít ai dám ngang nhiên khen vợ, nhất là khen vợ trước một đám đám đông. Quả tình, đó là một sự hiếm hoi đến lạ lùng. Nhưng mặc kệ sự ồn ào vừa ngợi khen vừa chế nhạo, ông chồng vẫn ngồi thản nhiên nhắp rượu. Khi đã tự nhận là râu cụp, hẳn mọi lời chê cười với ông chỉ như nước đổ đầu vịt. Hoặc có một sự nghĩ ngợi nào đó khiến ông lãng tâm? Người ta đồ như vậy nên những tràng cười lắng đi khá nhanh và họ nhất loạt quay về phía người đàn ông vốn bình thường được coi là kẻ ít mồm mép nhất làng, xưa nay chưa từng tham gia vào các vụ tranh cãi xảy ra nơi công chúng:

- Hôm nay cóc mở miệng, thế nào trời cũng có bão to đây! Nào, ông anh có điều gì muốn dạy bảo làng xóm, đầu xuân xin lên tiếng.

Người đàn ông đặt chén rượu xuống bàn, nhưng mắt vẫn không rời những gợn sóng li ti phản chiếu ánh đèn của thứ rượu mạnh:

- Nói bà con bỏ quá, sự việc nhà ông Quảng không phải là chuyện nhà tỉnh hay nhà quê. Ấy là sự giữa cha với con, cái sự có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào dù ở nơi thâm sơn cùng cốc hay nơi đô hội. Cái sự ấy khiến ta phải ngẫm ngay đến thân phận mình.

Mọi người im lặng. Người ta đờ đẫn hồi lâu bởi không ai nghĩ ra chuyện ấy. Giờ có người day mặt đặt tên họ mới ngã ngửa người ra vì một sự thật sờ sờ trước mắt mà chẳng ai nhận thấy, giống như kẻ đi đường mất phương hướng cứ đâm sầm vào hòn đá tảng hay bước thẳng xuống vực sâu. Có cái sự mù loà ấy bởi người ta vốn coi những gì diễn ra trong gia đình ông Quảng như một tích chèo, một màn tuồng, một vở cải lương mà họ thi thoảng được xem với tất thảy sự háo hức tò mò và đinh ninh rằng ấy là chuyện của người khác. Rằng chuyện ấy chỉ dính líu đến những người môi son, má phấn, áo đính kim sa, đội mũ cánh chuồn, đi những đôi hia cổ, suốt đời hò hát múa may trên sân khấu.

Vậy mà giờ đây lại có người vạch ra rằng những tấn tuồng ấy có thể diễn ra trong chính ngôi nhà của họ. Lời cảnh báo ấy nào khác chi sét đánh ngang tai. Đám đông lặng đi như bị cấm khẩu. Người ta phải chờ cho qua giây phút choáng váng. Rồi sau một hồi tự trấn tĩnh, đầu óc mới bắt đầu sáng láng trở lại. Khi ấy, họ dò dẫm tìm xem trong câu chuyện kia có nguy cơ nào phương hại tới cuộc sống của chính mình.

- Cũng có thể là ông có lý Nhưng ông có phải ông Quảng đâu, tôi cũng vậy.

- Ông chẳng phải ông Quảng vì bà nhà còn chưa bạc tóc. Tôi cũng vậy, vì nhất định tôi sẽ ra đi trước vợ tôi.

- Ai cho ông ra đi trước tôi?

Chị vợ lên tiếng ngay tức khắc:

- Ông phải chờ làm đám ma cho tôi rồi mới được lên đường.

- Ôi dào, rõ cái thói được chồng yêu chiều, quen xỏ chân lỗ mũi. Chúng ta không ai định được, vì sinh có hạn, tử bất kì.

- Đúng đấy!...

- Có thể là trong gia đình chúng ta, không có cảnh một đứa con trai phải lòng mẹ kế, cũng không có cảnh một đứa khác dẫn vợ con về gây nhiễu loạn trước bàn thờ gia tiên vào chính ngày mồng một tết. Nhưng có ai đảm bảo rằng tất cả những đứa con chúng ta sinh ra đều một lòng hiếu thảo và cư xử tử tế đối với cha mẹ chúng? Tôi chẳng nói thì các vị cũng đã nhìn thấy từ lâu.

- Đúng thật! Chẳng thiếu gì chuyện. Nhưng xưa nay, người ta quen che giấu đậy điệm, nhẫn nhịn mà nuốt nước mắt trong xó bếp. Các cụ dạy từ xưa rồi: "Nhà nào cũng có lọ mắm thối, phải biết lấy nùi mà đậy cho chặt, kẻo láng giềng ngửi thấy mùi hôi".

- Nhưng cái sự "đậy cho chặt" ấy nhiều khi còn thối hơn cả quậy hố cứt lên mà ngửi. Mọi người có nhớ chuyện bà cụ Cửu chết đói hay không?

- Nhớ!... Chuyện ấy làm sao mà quên được?...

- Vậy ở đây có bà nào muốn chết đói như bà cụ Cửu hay không?

- Ồ, trăm lần không. Chúng tôi tuy đàn bà óc bằng quả bưởi, nhìn không quá hai gang tay nhưng chúng tôi cũng là người chứ có phải loài gà vịt đâu mà ngu như vậy?

- Bà cụ Cửu cũng chẳng phải người ngu. Chồng chết từ năm hai mươi chín tuổi, nhà tranh vách nát. Một mình bà ấy lên nương xuống ruộng, một mình đốt than, đi củi nuôi ong mà xây dựng cơ đồ. Người đảm đang như thế sao có thể là người ngu? Chẳng qua bà cụ quá thương con, quá tin con, mà đứa con lại không thương nổi mẹ; mọi sự đều nghe vợ, do vợ điều khiển, cho nên để mẹ phải chết đói.

- Sao bà cụ không làm toáng lên cho mọi người biết chuyện từ đầu?

- Cơ sự là ở đấy! Vì quá yêu con, vì đã trót nói với mọi người rằng con tôi tốt nhất cõi đời, con tôi thông minh, hiếu thảo...; nay sự tình tồi tàn đồi bại xấu hổ không dám mở miệng, đành nghiến răng cắn lưỡi mà chết thôi. Chẳng lẽ các vị không nhận ra rằng bà cụ đã làm đúng cái câu: "Đậy chặt hũ mắm thối lại hay sao?"

- Ờ ờ... thế mà bây giờ tôi mới nghĩ ra.

- Còn tôi thì tôi chẳng dại.

Chị vợ ông râu quặp cao giọng:

- Nghĩ hay chẳng nghĩ thì cũng nên biết rằng nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngược. Mẹ cho con tiền thì con cười tươi như hoa nở. Con cho mẹ tiền thì mặt ủ mày chau, ruột đau như cứa. Thế nên tôi vẫn bảo ông nhà tôi rằng làm người phải biết lo cho con cái nhưng trước hết phải lo cho bản thân mình. Tôi không dám há miệng chờ sung, buông cả hai tay chờ lòng con hiếu thảo. Tiền của tôi tôi buộc thật chặt vào hầu bao. Khi nào vợ chồng tôi đau ốm, thong thả mở hầu bao ra mà rút.

- Nhà ông này tốt số thật, có con vợ biết lo xa.

- Con nuôi cha chẳng bằng bà nuôi ông. Đã là vợ là chồng thì xuống biển mò cua, lên non hái lá cũng phải keo sơn gắn bó.

- Đúng đấy, chẳng ai muốn nghi ngờ, nhưng con trai lại có con dâu, con gái lại còn con rể. Những kẻ ngoại lai đột nhập vào nhà, tốt khó kiếm mà xấu xa thì dễ thấy.

- Bây giờ tôi xin trở lại chuyện nhà ông Quảng: Các vị cho rằng việc ông Quảng nói toạc móng heo mọi bí mật vợ chồng ra là dại hay khôn?

- Dại, trăm phần trăm là dại dột. Việc gì không khảo mà xưng. Vả lại, bà ấy cũng chết rồi. Ai lại nỡ nói ra cái bí mật của người đã khuất?

- Chẳng dại chẳng khôn, ấy là sự buộc phải làm. Bởi chính đứa con trai gây sự trước.

- Phải, khi rơi vào thế cùng ắt xảy ra những việc cưỡng tâm. Ông ấy cũng chẳng sung sướng gì khi buộc phải nói ra mọi sự.

- Tôi không thân với nhà ấy, nhưng tôi là thông gia với em trai út của ông Quảng. Ông này bảo tôi rằng từ khi Quý còn nhỏ, ông Quảng đã nói vụng với mấy ông em rằng sau này ông ấy sẽ không nhờ cậy được đứa con đầu. Nhưng ông ấy sẽ làm đầy đủ nghĩa vụ người cha để tương lai đứa con được tốt đẹp. Mọi người đều thấy rằng ông Quảng đã làm đúng những điều đã nói. Chính Quý bỏ trường trung cấp lâm nghiệp về làng làm ruộng chứ ông ấy đã tìm mọi cách cho nó được học lên.

- Không chỉ trường trung cấp lâm nghiệp đâu. Trước đấy, ông ta đã lo cho nó vào trường cơ khí luyện kim nhưng thằng Quý học không nổi. Óc đã đặc có đánh gậy sắt mà lèn chữ vào đầu cũng chẳng xong.

- Thế nhưng nó hách ra phết. Lại lắm mưu thâm nữa.

- Mưu thâm là một nhẽ, học thông minh lại là một nhẽ; như cây cà gai với cây rau cải, làm sao lẫn được với nhau?

- Ờ, ông bố sáng ngời ngời mà sao cậu con trai xấu mã làm vậy? Anh ta giống hệt mẹ nhưng lại không được tươi đẹp như bà ta. Thật lạ lùng, cùng một đường nét nhưng cậu Quỳnh đẹp trai lồng lộng còn ông anh cả thì thậm xấu. Người đã loắt choắt, mắt lại sâu hoăm hoắm. Nhìn vào mắt anh ta cứ như nhìn xuống vực thẳm, chẳng biết đâu mà dò.

- Người ta bảo mắt như thế là lòng dạ nham hiểm lắm. Nhưng có nham hiểm thì cũng nên đấm đá thiên hạ chứ sao lại quay vào đánh bố đẻ ra mình?

- Ờ, tôi cũng tự hỏi như thế. Bởi người mù trong xã này cũng biết được là từ khi đẻ Quý, ông Quảng chính là người lo toan cho anh ta hết thảy, từ việc học hành cho đến việc dựng vợ gả chồng, xây nhà, sắm sanh áo quần vật dụng. Mà không chỉ lo cho con, ông ấy còn lo cho cả lũ cháu gái lẫn trai.

- Ông ấy hái ra tiền.

- Hái ra tiền mà tính ki bo, bỏn xẻn thì cũng đừng hòng rút được tiền ra khỏi túi.

- Giúp được người dưng thì còn tiếc gì con? Nhưng tôi cho rằng anh Quý ỷ thế con trai trưởng, mà theo tục truyền, con trai trưởng là người được quyền thừa tự vì phải lo ma chay cho bố mẹ. Một khi bố mẹ khuất núi phải lo cưới xin, dựng vợ gả chồng cho các em."Quyền huynh thế phụ", câu ấy vốn có tự bao nhiêu đời.

- Thế phụ chỉ là khi phụ chết... Nhưng ông Quảng đang còn sống nhăn nhăn, lừng lững như cây cột, đứng với con trai trông còn bảnh mã hơn mười lần... Vậy tính chuyện "thế phụ" còn quá sớm.

- Đúng, vấn đề chính là ở đấy!

Ông râu quặp thong thả buông từng lời, như ông giáo làng đọc đoạn kết một bài văn:

- Anh con trai tính chuyện bố sẽ chết, sẽ phải nhờ cậy đến mình, nào ai đội mũ mấn khăn xô, nào ai chống gậy lăn đường, nào ai rước kèn rước trống, nào ai lo cỗ khao vong. Sau tang ma đến giỗ bốn mươi chín ngày, sau bốn mươi chín lại đến ngày thứ năm mươi ba rước vong lên chùa tụng kinh. Rồi đến giỗ thứ nhất, giỗ nhị, giỗ tam. Lại đến lễ rửa xương cốt, đưa vào tiểu sành. Sau đấy mới xây mồ vĩnh cửu. Tất cả những thủ tục cho một người chết quá nhiêu khê. Ai cũng lo khi chết đi con cái không nhìn ngó tới nên dù ngậm đắng nuốt cay cũng phải chiều lòng chúng. Và do nỗi sợ hãi bị bỏ bê làm ma đói, người ta đành muối mặt làm ngơ trước nhiều sự đồi bại, tàn tệ trong nhà. Sự cư xử giữa cha mẹ với con cái thường chỉ để phô bầy cho hàng xóm láng giềng nhìn thấy. Còn thực tế ra sao hiếm có người dám bộc bạch một cách chân tình.Vì thế mới có câu ca:

" Sống thì con chẳng cho ăn,
Đến khi mẹ chết làm văn tế ruồi. "

Câu ca ấy có từ bao đời không ai biết. Như vậy, cũng đã từ bao nhiêu đời, nhiều bậc cha mẹ phải nghiến răng chịu đựng những cung cách cư xử bội bạc, bất nhân để hòng chết đi được chôn cất cho hẳn hoi. Con cái, trừ những đứa hiếu thảo, cũng thường lợi dụng tâm lý này để sách nhiễu và áp bức bố mẹ. Nhìn vào cảnh nhà ông Quảng hôm nay đủ thấy rõ. Nhưng vấn đề chính của gia đình nhà này là đứa con trai nghĩ tới cái chết hơi sớm. Người già đứng trước cái chết thường run sợ, thường mất hết lòng tự tin cũng như quyền uy với con cái. Hơn nữa, Quý lại đang giữ ghế chủ tịch xã, vừa có vai vế với làng xóm, vừa có quyền huynh trưởng trong gia tộc. Nhưng ông Quảng chưa thuộc loại già dù ông ta đã sáu mươi mốt tuổi. Ông ấy đang còn lực lưỡng; mắt sáng như sao, óc tính nhanh hơn điện, tay hái ra tiền. Ông ấy chưa nghĩ đến cái chết, ông ấy đang còn thích sống, đang tính chuyện chăn gối với người vợ mới. Thế nên anh con trai không ép được ông ta. Ông ta đuổi thẳng cổ cả bầu đoàn thê tử của Quý ra đường. Vậy là đứa con đi nhầm một nước cờ. Nước cờ nhầm không cứu vãn được. Tôi nghĩ như vậy, các vị cho là đúng hay sai?

- Trăm phần trăm chính xác.

- Đúng, tôi tán thành. Người ta bảo khi cóc mở miệng, không phải chuyện tầm phào, cũng chẳng phải trò giải trí.

- Đời người vốn dĩ như vậy. Khi nhìn nghiêng, tưởng là chuyện vui đùa chơi dỡn; đến lúc nhìn thẳng lại hoá việc tang thương, chanh xát dạ muối xát tim.

- Thế mới biết, sống khó thật.

- Ngoảnh đi ngoảnh lại, tuổi già đã xồng xộc kéo tới. Không phải sau lưng mà lù lù ngay trước mặt mình.

Mọi người im lặng. Cả hai gian nhà đột nhiên im phăng phắc như chùa ngày dưng. Bởi lần đầu tiên, người ta mới dám nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của mình. Nỗi sợ hãi ấy vẫn chung sống với họ đời đời kiếp kiếp, như bóng với hình, nhưng không ai dám gọi tên, không ai dám duy danh định nghĩa. Người ta lảng tránh nó, người ta đậy điệm nó dưới đủ mọi duyên cớ, nào danh dự gia đình, nào tình huyết mạch thiêng liêng, nào bổn phận người làm cha làm mẹ, nhưng thực chất, nó ẩn nấp trong những xó xỉnh tối tăm nhất của tâm hồn. Còn những đứa con hỗn hào, trơ trẽn không ngần ngại mà lôi thẳng cổ nó ra, bêu riếu giữa thanh thiên bạch nhật. Chẳng ai bảo ai, nhưng người ta vẫn nhớ từng lời từng chữ vừa chua ngoa vừa cay nghiệt của cô con dâu bà cụ Cửu:

"Bà tưởng có mẹ già nhẹ nợ lắm hay sao? Chúng tôi được hưởng nhà cửa ruộng vườn của bà thật, nhưng bà ốm, người ta phải mua thuốc cho bà, bà chết, phải làm ma, cỗ lên cỗ xuống, rồi còn phải rửa xương cốt, thay hòm gỗ sang tiểu sành, mọi thứ đều đòi tiền cả đấy, chẳng phải cứ vỗ tay xuông mà xong đâu."

Đã đành là chẳng phải nhà nào cũng có cô con dâu độc ác, tham tàn như con dâu bà cụ Cửu nhưng cuộc sống vốn nghiệt ngã, muốn hay không cũng phải nhìn rõ sự thật ấy. Nhưng trái tim con người thường từ chối chấp nhận sự nghiệt ngã. Chẳng ai muốn tin vào cái sự đã xảy ra từ đời nọ đến đời kia, từ châu thổ đến núi cao, từ sơn thôn sang vùng chài lưới. Dẫu sao chăng nữa, trái tim con người cũng cần một chút nước cam lồ. Những đứa con là từ lòng ruột chúng ta mà ra, lớn lên bằng máu và sữa của cha mẹ, nào ai muốn tin có ngày chúng đưa chiếc bát mẻ cho mình ăn cơm?

Sau hồi yên lặng, một ông cất tiếng:

- Con cái cũng là của trời cho, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Xưa nay ai cũng cậy con trai. Vậy mà nội trong huyện này, tôi không dám nói xa hơn, đã có ông bố nào nằm xuống được làm ma khang trang hơn là cụ Đô Vàng?

- Cô Vui là trường hợp đặc biệt, kể làm gì?

- Một cha một con, mà chết được xênh sang áo gấm. Có người đẻ tới bẩy đứa con, suốt đời làm quần quật như trâu, khánh kiệt gia tài để nuôi lũ con khôn lớn. Vậy mà lúc nằm xuống còn phải nghe chúng nó cãi nhau xem mỗi đứa góp bao nhiêu đồng để lo thuê xe tang. Ở đời này, người ta hơn thua nhau là ở phúc đức. Không ai tính được từ sáng đến tối. Chẳng ai định liệu nổi phút xuống cửa mồ. Thôi, rót rượu đi các ông ơi. Ngày xuân con én đưa thoi. Chúng ta cùng cạn chén để mừng năm mới, nào cô chủ, cạn chén với chúng tôi.

Cô Vui lẳng lặng cạn chén với các ông. Không ai nói gì nữa. Dân làng hăm hở đến nhà cô để đàm tiếu chuyện bố con ông Quảng nhưng sau rốt, câu chuyện ấy lại động chạm tới những uẩn khúc trong cuộc đời riêng tư của từng người. Và những uẩn khúc của lòng người thường gợi đến mùa đông của cuộc đời hơn là mùa xuân. Cô bí thư chi đoàn đọc thấy điều ấy. Sau chầu rượu cô yêu cầu bọn thanh niên hò hát để khoả lấp đi không khí trầm tư. Tuy nhiên, khách khứa vẫn kéo nhau tốp năm tốp ba ra về. Cô chắc họ sẽ tiếp tục câu chuyện dưới mái nhà của họ, giữa những cặp vợ chồng trung niên cũng như những ông bà tóc đã ngả muối tiêu bởi câu chuyện này chính là rường cột của kiếp người, nơi hạnh phúc lẫn khổ đau bó kết lại như hai sợ chỉ xe xoắn thành sợi dây định mệnh. Có lẽ cuộc xô xát giữa cha con ông Quảng là hồi còi báo động, khiến cho mọi gia đình phải lường đến những phong ba rình rập trước mỗi mái nhà, giống như tiếng kêu thét của loài chim biển khiến cho những con tầu phải dè trước những vịnh đá ngầm hoặc những cơn bão bất thần trong đại dương tối đen phía trước.

Lũ trai trẻ cũng ra về ngay sau đó. Cô Vui ngồi trước bàn thờ ngắm bức ảnh ông Đô, thì thầm:

"Cha ơi sống khôn chết thiêng xin trở về chỉ đường dẫn lối cho con".

Ông Đô nhìn thẳng vào mặt con gái với cái nhìn răn đe xưa nay cô chưa từng thấy:

"Mình đã đi sai nước cờ. Hoàn toàn sai. Giờ phải tính cách gỡ"

Cô thầm nghĩ, nhẩm tính lại những hành động của mình. Cô đã lặn lội về tận làng Khoai để điều tra gia cảnh nhà cô Ngân và tình sử của cặp vợ chồng chênh lệch này. Cô là người duy nhất biết đầu cuối mọi sự và cũng đương nhiên là người tường thuật lại cho Quý cũng như dân xã. Rồi người ta sẽ hỏi, vì động cơ nào mà cô hăm hở đến như vậy? Không thể vì ngoan ngoãn nghe lệnh của ông chủ tịch, bởi xưa nay cô vốn chẳng là người ngoan ngoãn với bất cứ ai. Cô chỉ làm mọi việc theo chủ ý của riêng cô. Như vậy thì cái lập luận:

"Bí thư thanh niên hành động theo chỉ thị của chủ tịch xã"

ắt chẳng lọt tai mọi người. Rồi giống như những người thợ đào giếng khoan sâu xuống những vỉa đất bên dưới để tìm mạch nước, dân làng sẽ moi đến tận cùng lý lẽ để tìm ra cái duyên cớ đã khiến cô bỏ công bỏ của thuê xe về tận làng Khoai. Rồi họ sẽ tìm thấy, chẳng khó khăn gì. Và lúc ấy, mũi dùi sẽ quay lại phía cô:

"Mới từ tối hôm qua đến tối hôm nay, tình thế lật nhào. Nào ai tính trước, một khi nước cờ thay đổi?"

Cô buông tiếng thở dài. Đêm qua, giao thừa, cả làng nghe cô kể chuyện, vui cười hỉ hả nâng chén rượu lên đặt chén rượu xuống, và tâng bốc cô lên tận mây xanh. Bởi cô thoả mãn cơn tò mò của họ. Bởi họ coi câu chuyện nhà ông Quảng như tấn tuồng mua vui cho ngày xuân. Tối nay, màn hai vở tuồng diễn ra mau lẹ, nhưng nó không còn là chuyện riêng của nhà ông Quảng mà nó gợi đến cái sự "tình cha con", là sợi dây leo quấn chằng chịt vào những thân gỗ lớn, chính xác theo cái nghĩa mà các tiền nhân thường răn dạy:

"Rút dây động rừng"

Cô lại bất giác thở dài lần nữa với ý nghĩ rằng mình có khôn mà chẳng có ngoan, rút dây mà không tính tới việc động rừng. Giờ, mọi sự đã qua, không cách chi vớt vát lại. Sau một lát bần thần, cô chợt nhớ tới câu cha cô vẫn dạy:

"Giơ tay mà hứng nước trời, hứng sao cho đủ những lời thế gian".

Câu phương ngôn sáng suốt ấy khiến cô lấy lại được bình tĩnh. Cô tự an ủi mình: "Kệ sự đời. Hơi đâu mà lo hứng nước trời mưa?"

Dẫu vậy, Vui vẫn luôn luôn là con gái của cha cô, ông Đô Vàng, người có óc thực tế. Cô biết rằng cô có thể mặc kệ những lời đàm tiếu của dân làng vì vốn dĩ xưa nay, lời đàm tiếu vẫn quẩn quanh như khói bếp trên mái nhà bất cứ kẻ nào có máu mặt hoặc có những dị biệt với làng xóm. Nhưng cái sự cô không thể bỏ qua, chính là ông Quảng. Từ lâu cô biết đó là một người hảo hớn, rất tốt bụng và hào phóng với láng giềng nhưng cũng không ngán rút gươm ra trước kẻ nào có ác tâm. Cho dầu đã thả trí tưởng tượng bay bổng xung quanh người đàn ông râu rậm ấy, cô vẫn không hình dung được rằng ông ta có thể thản nhiên nói toáng lên cho con cái lẫn bốn bên láng giềng nghe cái chuyện: "Trước khi cưới mẹ mày cả năm tao đã dẫn bà ấy lên núi Trúc vàng..." Đã dám ăn nói bỗ bã thế, ngán gì mà ông ấy không chửi thẳng vào mặt cô một cách sỗ sàng cay độc khi biết chuyện cô lần mò về tận làng Khoai?... Chỉ tưởng tượng đến nông nỗi ấy, toàn thân cô đã nóng bừng, mặt chín nhừ như phải bỏng. Mồ hôi toát ra dưới đám tóc đỉnh đầu lẫn hai bên thái dương, cô nhìn ông Đô và bật thành lời:

- Cha ơi, cha khôn thiêng xin chỉ đường mách lối cho con.

Ông Đô không nói năng gì, vẫn chiếu vào mặt cô cái nhìn nghiêm nghị. Cô Vui chợt nhớ ra rằng trong đám đông lúc nãy có ai đó cất tiếng bình phẩm:

- Ông bố sáng ngời ngời mà sao cậu con xấu mã làm vậy?

Đúng thật, từ xưa cô chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Rõ ràng là Quý đứng cạnh ông Quảng giống như hai loài cây khác giống mọc kề nhau. Ông bố rõ ra dáng trượng phu. Anh con hoàn toàn ngược lại. Không những còi cọc, mặt tối như hũ nút, cái nhìn lại lén lút nham hiểm. Vui chưa từng thấy Quý nhìn thẳng vào mặt ai. Đôi mắt anh ta chìm sâu dưới hố mắt, lúc nào cũng như có bóng mây vương bên trên, và cái nhìn, nếu không xiên sang một bên thì thường là hạ thấp xuống, dường như lúc nào anh ta cũng lục tìm một thứ gì đó dưới mặt đất.

"Vậy mà anh ta đã làm chủ tịch xã mấy khoá liền. Và lần nào cũng đích thân bí thư lẫn chủ tịch huyện về làm việc với chi bộ xã."

Một ý nghĩ bỗng vụt qua óc cô. Và cô bật tiếng kêu:

- Thôi chết rồi! Thế mà không ai biết!
 

***
 

Sáng mồng hai tết, cô Vui cưỡi xe đạp lên thẳng phố huyện. Ở đó, cô quanh quẩn hồi lâu mới tìm được một cửa hàng bán chè chén và bánh kẹo, chắc vì quá túng bấn, đã phải ra vỉa hè để kiếm mấy đồng bạc lẻ của đám người chơi xuân. Bình thường, một chén nước chè giá năm chục, hôm nay, bà chủ tính đắt gấp năm lần, tức hai trăm rưỡi, và không có quyền mặc cả vì đang còn là "ba ngày tết". Phố xá vắng ngơ vắng ngắt, chỉ có lũ trẻ chơi đập pháo hai bên vỉa hè. Để lấy lòng chủ quán, cô Vui uống liền ba chén nước chè, lại ăn thêm hai quả chuối tiêu chín nẫu, thứ chuối nhà chủ đã để từ tuần trước giao thừa. Rồi cô đưa cho bà chủ ba ngàn, miệng nói:

- Vừa trả tiền bà, vừa mừng tuổi năm sớm...

- Cảm ơn cô...

Bà chủ ngoác mồm cười đến tận mang tai trước cô khách nông thôn mà xộp hơn mười lần dân phố huyện:

- Cô xởi lởi thế này, trời cho cô tha hồ lộc ăn lộc để..

- Cảm ơn bà...

Cô đáp lại với vẻ ôn hoà. Sau đó, cô gợi ý nhờ bà đưa đường đến nhà chủ tịch lẫn bí thư huyện:

- Xã chúng tôi xa xôi lắm, nhiều vấn đề khẩn cấp chưa giải quyết được trong năm nên phải lên huyện ngay đầu xuân để lo liệu...

- Việc khẩn mấy cũng phải chờ mồng sáu cô ạ. Tôi bán hàng ở đây hơn chục năm rồi, khách uống nước chè nhà tôi đa phần đến từ các xã vùng xa như cô, để lo liệu việc công cũng như tư. Chẳng ai dám bước vào dinh chủ tịch trước ngày mồng sáu.

- Tôi không có ý định làm phiền các cấp lãnh đạo ở nơi công sở, nhưng xã chúng tôi có chút thổ sản, muốn tặng các cán bộ cấp huyện để tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm của đảng và chính quyền.

- A... a... Tôi hiểu rồi.

Bà chủ quán cười to hơn nữa, rồi đưa mắt quan sát cô khách, lẫn chiếc xe đạp cô dựng bên vỉa hè. Cô Vui nhanh trí đáp:

- Tôi chỉ có nhiệm vụ đi xác minh địa điểm thôi. Mai hay mốt đích thân chủ tịch xã sẽ mang tặng phẩm lên.

- À ra thế...

Không chờ bà chủ quán lục vấn thêm, cô rút ra tờ giấy bạc năm ngàn đồng, đặt vào chiếc đĩa đựng thuốc lá:

- Gửi tiền bà, để đền bù lại thời gian bà tốn phí vì tôi.

- Cảm ơn cô.Tôi sẽ đưa cô đi ngay.

Bà chủ trả lời tắp lự, đoạn quay vào ngõ, gào:

- Con Huệ đâu, ra coi hàng cho mẹ. Mau lên!

Chưa có tiếng trả lời, bà lại gào lên tiếp:

- Huệ! Ra coi hàng, Huệ!

Bà gọi dồn dập, tức tốc vì rõ ràng, có ngồi bán chè chén từ giờ tới nửa đêm bà cũng không thể kiếm được một món tiền lớn như vậy. Gần như tức khắc, một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi từ trong ngõ nhếch nhác chạy ra, chân loẹt quẹt đôi dép cũ:

- Con đây. Mẹ đi đâu?

- Đi có việc, không phải hỏi.

Đứa bé ngồi vào ghế phía sau chõng hàng, đưa mắt tò mò nhìn cô khách to lớn như hộ pháp đang dắt chiếc xe đạp xuống đường và mẹ nó leo lên ngồi phía sau, ôm chặt lưng cô ta hệt một con nhái bén ôm lấy quả dưa hấu.

Như thế, cô Vui đã đến tận nhà bí thư lẫn chủ tịch huyện. Sau cuộc đi, mồ hôi cô đổ ướt hết sống lưng. Giờ, hai năm rõ mười điều cô nghi ngờ là chính xác. Quý ngồi lên được ghế chủ tịch xã chính là nhờ bàn tay lèo lái của ông bố chứ chẳng phải vì phép thánh; càng không phải năng lực của chính anh ta. Cô bí thư chi đoàn giương mắt trân trân nhìn hai ngôi nhà của hai vị lãnh đạo cấp huyện, nhà nào cũng hai tầng, bốn gian tầng dưới ba gian tầng trên, chừa một khoảng sân trời cỡ ba chục mét vuông vây quanh bởi hàng lan can bằng thép hàn để chủ nhân có thể ngồi uống trà ngắm trăng những đêm cao hứng. Nhà nào cũng có cầu thang bên trong lẫn cầu thang lộ thiên dẫn lên sân thượng. Nhà nào cũng có hàng hiên rộng bên dưới với đường diềm chân tường đắp sỏi trắng. Nhà nào cũng có hình đôi phượng chầu bằng xi-măng đổ cốt thép gắn trên mái ngói. Kiểu trang trí kiến trúc thời thượng. Kiểu nhà ông giáo làng Khoai.

Khi cô về làng trời đã ngả chiều. Tiếng trống đánh rộn ràng từ bãi vật vọng đến. Sợ người làng bắt gặp mình trong tâm trạng rối ren này cô đi vòng phía sau dãy núi trúc. Đường vòng khá xa vì có đến hơn một chục trái núi nhỏ mọc thuần các loại trúc kết thành chuỗi như chuỗi hạt trai. Lối mòn ghập ghềnh khiến chiếc xe của cô nhảy chồm chồm như ngựa vía. Nhưng quả tim cô còn nhảy chồm chồm hơn cả con ngựa sắt khi cô đạp xe ngang qua chân núi Trúc Vàng, trái núi cao nhất trong dãy, mọc dày đặc thứ trúc vàng óng. Màu vàng ấy là màu vàng của dây tơ hồng trên các dậu cúc tần vườn quê. Màu vàng ấy đổ trong nắng chiều như muôn ngàn sợi vàng dát hoặc như thứ tơ tằm thượng hạng. Màu vàng ấy óng ánh thứ óng ánh của lầu vua phủ chúa. Cô đưa mắt nhìn rừng trúc đượm vàng ngày xuân, nghĩ tới một người đàn bà đã từng được trăm lần ân ái với người yêu trong đó, giờ đã nằm yên dưới mộ. Liệu bà ta có quay về đây để tìm lại mùa xuân cũ hay chăng? Rồi cô lại nghĩ tới phận mình, vì sao chẳng một ai đưa cô tới khu rừng đó?.Giấc mơ thầm lén của cô đã tan thành mây khói, và không biết từ đây cho tới lúc xuống mồ, có người đàn ông nào chìa bàn tay cho cô mà nói:

"Anh yêu em... " Hoặc là:

"Vui ơi, từ nay chúng ta sẽ sống cùng nhau!"

Cô đặt chân vào ngõ lúc trời xẩm tối. Chắc chắn không ai nhìn thấy vì cô phóng xe vào tận giữa sân. Cô gài thật chặt then cổng. Sau đấy, cô mở khoá cửa, lao vào nhà. Không kịp thay bộ quần áo phủ dày bụi đường, cô vật mình xuống đống chăn bông mà khóc. Cô khóc hối hả, nức nở, giàn giụa. Cô khóc thành nhịp, hộc lên từng hồi như loài lợn rừng bị trúng thương. Cô khóc no nê, ngập ngụa, không kìm nén. Cô khóc điên cuồng. Cô khóc sầu thảm hơn cả ngày ông Đô chết. Cô khóc, với tất cả nỗi bi thương đam mê không hay biết, giống như đứa bé đói ăn ngấu nghiến miếng bánh mà người ta đưa cho. Có thể là, với ngần ấy nước mắt được trút ra, tâm hồn cô sẽ vơi nhẹ.

Sáng hôm sau, mồng ba tết, cô ăn vận chĩnh chện, đàng hoàng, vác một cành mai lớn đến nhà ông Quảng. Cô tính không sai, bởi vườn nhà ông Quảng chỉ có đào thắm chứ không có đào phai hay mai trắng. Mai trắng là giống cây khó gây lại phải dày công chăm sóc. Ông Quảng đi vắng quanh năm, không thể trồng nổi thứ mai này. Trong làng, ối người trồng mai nhưng đa phần là giống mai vàng, còi cây, hoa nhỏ. Chỉ riêng vườn nhà cô là có mai trắng, thứ mai lớn, cành toả đều, hoa dày chi chít. Ấy là thứ mai Hoàng đế, ông Đô đã về tận làng trồng hoa Nhật Tân xin giống. Hồi còn sống, ông giữ cây mai như giữ vàng. Ông chết rồi, cô Vui vẫn tiếp tục chăm sóc nó như cũ, dù cô chẳng phải là người say hoa hoặc biết thú thưởng hoa. Nhưng ông Đô là vị thần duy nhất đối với cô, những gì cha cô đã muốn đã làm, cô phải tiếp tục bằng mọi giá... Cô chẳng ngờ vào lúc nguy nan này, cây mai trắng đã trở thành phao cứu hộ cho mình:

"Nhà lão ấy chẳng thiếu thứ gì, ngoài một cành mai trắng."

Suốt đêm cô trù đi tính lại. Trời vừa sáng, cô vác cưa ra vườn, thiến cành mai lớn nhất, sai cả nụ lẫn hoa đem làm vật tế.

Khi cô đến ngõ nhà ông Quảng, khách khứa chưa có ai. Cô Ngân và bà Tư móm đang ngồi vặt lông gà giữa trước cửa bếp. Thấy cô, cả hai người cùng đứng lên chào. Cô Ngân mỉm miệng cười:

- Chào chị, năm mới xin mừng tuổi chị.

Bà Tư ròn rã hơn:

- Năm mới, rồng đến nhà tôm, năm nay thế nào cũng có sự tốt lành...

Cô Vui cố gắng nhìn vào đôi mắt đen như ngọc huyền của bà chủ mười tám tuổi. Cô cũng tươi cười cất tiếng chúc tụng dù tim đánh thì thòm trong lồng ngực. Rồi bà Tư móm cao giọng gọi:

- Cậu ơi, có khách đến nhà!

Nói xong, bà giục:

- Mời cô lên nhà trước, mợ cháu tôi đang giở tay.

- Xin phép các vị.

Cô đáp, đoạn bước lên bậc tam cấp. Ông Quảng đứng chờ cô ngay khuôn cửa trong bộ đồ lụa nâu cổ truyền.

"Lão già chơi trội; ăn diện kiểu khác đời..."

Cô cúi đầu xuống chào chủ nhân theo kiểu các cán bộ dưới phố, thầm đánh giá cách phục sức của người anh hùng. Lẽ ra, lấy vợ trẻ, người ta phải diện sơ-mi trắng hoặc màu trứng sáo, tệ nhất cũng phải áo bu-dông, quần tây thẳng ống, cho ra dáng thị thành và trẻ trung. Đằng này, ông Quảng lại trưng bộ đồ lụa tơ tằm của các bậc lão trượng, rộng thùng thình. Thêm nữa, ông ta không cắt tóc ngắn mà để tóc dài dưới vai rồi buộc lại sau gáy bằng một sợi dây chun theo đúng kiểu tóc của các hiệp khách giang hồ thời trước. Thêm nữa, ông ta để râu quai nón, mớ râu bao quanh hàm đen nhánh, rậm như cỏ vực và xoăn như râu người phương tây. Điều lạ lùng là trong thứ y phục ấy có vẻ như lỗi thời ấy, tất thảy những cơ bắp cuồn cuộn trên ngực, trên vai ông ta nổi lên rõ mồm một. Và trong thứ y phục ấy, trông ông ta đẹp ngời ngời, một sắc đẹp của bậc trượng phu, không chỉ riêng Xóm Tiều Phu mà khắp huyện này khó có thể tìm được...

Vui bất giác gò mình, lùi lại một bước vì hơi thở của ông Quảng từ phía đối diện đang phả vào mặt cô, như làn gió nóng của một mùa hè oi nồng, một mùa hè tích tụ biết bao mây giông và sấm sét.

- Chào cô, năm sớm.

- Năm sớm chúc ông mọi sự tốt lành.

Cô đáp lời rồi đặt cành mai đồ sộ tựa vào chiếc tủ chè kê sát bàn thờ. Ông Quảng đưa mắt nhìn cô:

- Mời cô ngồi. Nhà tôi có trà vườn ướp nhài và ướp bạch cúc. Nhà tôi cũng có trà Tuyết Sơn lẫn trà Hồng Đào, cô thích loại nào?

- Đã là trà nhà ông, chắc thứ nào cũng tốt. Xin ông cứ tự tiện.

Cô trả lời, nhận ra giọng nói của mình run rẩy. Chưa kịp hiểu vì sao, cô đã thấy một cơn nghẹn ngào dâng lên họng. Một thứ nghẹn ngào lạ lùng và bất khả kiềm chế như dòng lũ, cuồn cuộn tràn lên cánh đồng tâm hồn cô, cánh đồng mênh mông hoang vắng. Vui sợ hãi thầm nghĩ:

"Hỏng thật, sao bỗng dưng mình lại đổ đốn ra thế này?"

Cô tự trấn áp một cách dữ dội nhưng không mảy may hiệu lực. Vui vội vã cúi gò lưng xuống sửa chiếc quai hậu của cặp xăng-đan, cố tình dán mắt vào những ngón chân được kì cọ sạch bong nổi bật trên màu nhựa xanh diệp lục:

"Hãy nhìn xem! Hãy nhìn xem! Ta không có những bàn chân đen đủi như chân bọn đàn bà, con gái Xóm Tiều Phu".

Cô thầm lặp đi lặp lại câu nói đó nhiều lần và niềm kiêu hãnh khiến cô dần trở lại bình tĩnh. Chẳng riêng gì đàn bà, con gái Xóm Tiều Phu mà ngay đàn bà, con gái khắp huyện, hoặc khắp tỉnh này cũng không thể có được cặp chân trắng nõn như chân cô. Cho dù là người hay lam hay làm, Vui bảo vệ nước da lẫn đôi bàn chân như thiên hạ giữ con ngươi trong mắt. Bất kể mưa hay nắng, hè cũng như đông, cô đều đi giầy vải đế cao-su và mang tất sợi dày, hoàn toàn giống như người ngoại quốc. Ấy là có lần, một phái đoàn chuyên gia Liên xô về thăm huyện. Vui nhìn thấy nước da trắng nõn lại mỏng như giấy dó của họ. Cô cho rằng sở dĩ họ giữ được nước da như thế một phần là do quanh năm họ mang tất, mang giầy. Ngày ấy Vui mới mười ba tuổi, nhưng ý thức về nhan sắc đã sớm ám ảnh cô. Kể từ đó, cô đòi ông Đô sắm giầy sắm tất cho mình. Cũng từ đó, mang giầy mang tất với cô trở thành thói quen như cơm ăn nước uống. Giữa một xứ sở mà tất thảy dân cày đều đi chân đất hoặc dép mỏng, sự việc một người con gái quanh năm mang tất mang giầy là sự du nhập một phong tục nước ngoài mà thiên hạ cho là quái gở. Bởi mùa hè nhiệt đới kéo rất dài, trong mùa nồng nực ấy, mang giầy cao cổ lẫn tất sợi là một cực hình. Mồ hôi sẽ ngấm rất nhanh vào các loại sợi vải làm bốc lên mùi khó ngửi. Mặt khác, việc đó cũng giống như sự thách thức dư luận mà người khác khó vượt qua. Nhưng Vui bất cần. Vả chăng, tất thảy những dị nghị, những dè bỉu lẫn những sự rườm lời của công chúng cũng giống như lũ ve, chỉ sống trong mùa hè. Tiết thu sang, muốn hay không chúng cũng phải chui vào kén.

Vui nhìn đôi bàn chân trắng như trứng gà bóc của mình, biết đó là sự cứu rỗi. Một chiếc phao cứu hộ đúng vào lúc cô sắp chết chìm. Gài lại chiếc khoá nhôm một cách tỉ mẩn, nhìn lại lần nữa làn da mỏng dính, trắng hơn cả da con gái thị thành, cô tìm lại điểm tựa giống như một đô vật tìm lại được thế đứng thuận lợi trên võ đài. Ngẩng đầu lên, Vui đã có thể cất lời một cách trịnh trọng, giống như những dịp cô khai mạc cuộc họp chi đoàn toàn xã:

- Năm sớm, có cành mai trắng làm quà, tặng vật nhà nghèo, mong ông không chê.

- Cô mà nghèo sao?

Ông Quảng cười phá lên và cất tiếng hỏi:

- Cô tưởng tôi đi kiếm cơm xứ khác nên chẳng hay biết gì mọi sự trong làng trong xóm?

- Không! Tôi không nghĩ như vậy...

Cô đáp, lúng túng cúi mặt xuống vì hàm răng ông chủ trắng như ngọc, lại đều chằn chặn, chúng loá như ánh chớp khi ông ta cười:

"Phải chăng lão ta không hút thuốc lào, thuốc lá? Có người đàn ông nào kiêng được thuốc? Vậy làm cách nào mà lão giữ được hàm răng đẹp như răng bọn trai mười tám đôi mươi?".

Ông Quảng tiếp lời:

- Người làng bảo cô sắm máy nổ thượng hạng, rồi cô sắm đèn măng-xông cũng là thứ mới ra lò, tốt hơn hẳn đèn nhà tôi. Nay mai, cô sẽ trở thành người giàu nhất huyện đấy.

- Không dám...

- Nhưng cô đã có lòng cho cành mai, tôi xin nhận. Đối với tôi, đây chính là lộc đầu xuân. Nhà tôi có chiếc độc bình quai đồng, lát nữa tôi sẽ cắm cành mai vào đó.

Ông rót nước trà. Cô nhìn làn khói bốc lên, bâng khuâng tự hỏi vì sao cô lại không thể là người cắm cành mai kia vào chiếc độc bình cổ quai đồng kia? Vì sao? Có lẽ trời đất hoặc quỷ thần hai vai đã quên lãng một phận sự cần thiết mà đáng lẽ họ nên làm từ rất lâu mới phải!

Nhưng cơn mơ mộng vụt đi rất nhanh, Vui nhớ lại nhiệm vụ khẩn cấp mà cô phải thực hiện: Gỡ cô ra khỏi tầm ngắm bắn của người đàn ông ngồi trước mặt.

- Đầu xuân, đến chúc tết ông, mừng người mới, hạnh phúc mới. Nhưng cũng lại có chuyện muốn nói. Không rõ ông có vui lòng chấp thuận hay không?

- Ồ, tôi có phải bí thư huyện đoàn hay tỉnh đoàn đâu mà cô phải đưa đón vòng vo như vậy. Chỗ xóm giềng, trong làng ngoài thôn, chuyện gì mà chẳng thể nói được với nhau?

- Vậy xin hẹn ông sau năm ngày tết, lúc nào rảnh mời ông ghé qua nhà chơi.

- Được rồi, tôi cũng có nhiệm vụ đến chúc tết lại chứ. Có đi có lại mới toại lòng nhau...

Chưa kịp cạn chén nước chè, khách đã ầm ầm kéo đến đầy sân. Cô Vui rút lui, nhưng trước khi về không quên ghé vào tận bếp chào cô Ngân với bà Tư bởi hai người đàn bà đã rút lui vào vương quốc của họ. Trong bếp, ngổn ngang những nồi cùng chảo. Mùi xôi dừa lẫn mùi gà tẩm mật ong rán cùng bốc lên, hoà lẫn nhau, cho một mùi thơm ngào ngạt.

Trưa hôm đó, vào bữa cơm chỉ có ba người, cô Ngân bảo chồng:

- Này anh chàng kháu lão, cái nhà cô to đùng đến đầu buổi phải lòng ông đấy. Có biết hay không mà cứ giả bộ ậm ừ?

- Sao mà tôi biết được?

- Đúng, việc gì cậu phải biết cơ chứ? Đông, tây, nam, bắc... bốn phương tám hướng, thiên hạ thiếu gì người?

Bà Tư chêm vào, rõ ra vẻ hãnh diện. Ông Quảng tò mò nhìn vợ:

- Nhưng vì sao mình lại cho là cô ta mê tớ?

- Úi chao!

Cô vợ trẻ bĩu dài môi:

- Kiểu mắt nhìn đờ đẫn như say thuốc lào thế ấy chẳng phải kẻ mộng du thì chỉ là mắt mê trai thôi.

- Thật thế sao?

Ông Quảng hỏi lại và cất tiếng cười ròn rã:

- Này cô mình, nếu chẳng có duyên có phận gặp cô mình tớ cũng có khối người xin vào cửa. Chưa đến nỗi phải đi gánh một cô hộ pháp về để sớm tối đấu võ hay tranh giải đô vật gia đình.

- Đúng rồi!

Bà Tư móm đế vào tức khắc:

- Gần một năm nay, không biết bao nhiêu kẻ gửi trầu cau với bánh đậu, bánh gai Hải Dương biếu cháu. Nhờ lộc cậu, chưa kịp làm bà mối đã no xôi chán chè.

Cô Ngân nhìn hết nhìn chồng lại nhìn bà Tư, đang đong đưa đôi khuyên tai mặt ngọc, ngoác cái miệng móm cười với vẻ hả hê:

- Thôi, tôi chịu thua cả hai cậu cháu rồi! Rõ thật là một đồng một cốt.

Phần cô Vui, suốt dọc đường về, cô băn khoăn tự hỏi xem ông Quảng đã biết chuyện cô đi đến làng Khoai hay chưa? Bởi giọng cười của ông, vừa có vẻ khoáng đạt, lại vừa có vẻ riễu cợt mà cô không thể cắt nghĩa. Cái nhìn của ông cũng vậy, khi long lanh nó toát lên sự vui vẻ và độ lượng, khi mờ tối nó lại phản chiếu nỗi chua chát mơ hồ mà cô không biết căn duyên. Thêm nữa, cô tin chắc rằng sau tối mồng một, dân làng đã lại đổ đến nhà ông Quảng, nơi chốn lý tưởng cho truyền thống hiếu khách. Tính hào phóng cũng như cốt cách sang cả của chủ nhân là những phẩm chất bất khả cạnh tranh. Cô hình dung mảnh sân mênh mông ấy, những gian nhà thênh thang bài trí toàn đồ gỗ thượng hạng mà ông đã chuộc lại và mua sắm thêm sau ngày sửa sai cải cách ruộng đất. Những bộ đồ ấm chén bầy trong chiếc tủ chè. Những chiếc đĩa men ngọc cổ và những chiếc lọ sứ bịt đồng mà khắp huyện không gia đình thứ hai nào có được. Và cô hình dung lại dáng vóc vừa vạm vỡ vừa thanh tao trong bộ đồ lụa, tiếng cười sang sảng như ngọc đổ vàng rơi. Cô bỗng cảm thấy cô như một con rối khổng lồ kết bằng giấy bồi, bị sụp đổ, bị bẹp dúm dưới cái nhìn sắc như gươm, bị tan rã bị rút mất linh hồn trước diện mạo của người đàn ông đó.

"Có lẽ lão ta đã biết hết chuyện. Không phải có lẽ, mà chắc chắn lão ta đã biết hết mọi chuyện. Từ hôm qua đến hôm nay, khách khứa nườm nượp như thế, chắc chắn đã có người kể lại mọi sự xẩy ra dưới mái nhà mình. Trong đám khách, có nhà thông gia với em út của ông ta. Vả chăng, khi dân làng đã nhìn mọi sự theo chiều hướng khác, người ta sẽ chẳng ngại ngần mà trở mặt, lật tay. Thói đời xưa nay đâu có lạ?..."

Cô nhớ lại đường nhăn hằn sâu xuống một bên mép khi ông ta cười và giọng nói có phần chớt nhả:

- Tôi có phải bí thư huyện đoàn hay tỉnh đoàn đâu?

Cái chi tiết sau cùng khiến cô đinh ninh rằng ông Quảng đã biết hết mọi chuyện. Giờ đây, cô chỉ có thể trông vào sự độ lượng của đối thủ mà thôi.

Về đến nhà, Vui mệt rã rời. Nỗi mệt nhọc lạ lùng cô chưa hề biết từ thuở khôn lớn. Buông mình xuống ghế, bất giác cô cúi xuống nhìn đôi bàn chân. Hai bàn chân trắng nõn trong màu nhựa xanh. Quanh năm đi tất đi giầy chỉ để ba ngày tết khoe được làn da trắng. Nhưng hôm nay trời rét, ai cũng thấy rằng cái việc mang đôi xăng-đan nhựa của cô là sự làm dáng cố tình. Người lõi đời như ông Quảng không nói ra nhưng hẳn phải thừa biết. Ôi, đôi bàn chân trắng nõn của cô. Tốn phí biết bao công sức nhưng cũng chỉ gìn giữ được làn da còn chẳng có cách chi thay đổi được hình dáng:

"Ta là con đàn bà mang cỡ giầy bốn mươi ba. Đôi chân này suốt đời chọn giầy dép thửa, đôi chân này bị kết tội vĩnh viễn mang hình dạng của bọn đàn ông. Đôi chân này không thể đẽo gọt, không thể sửa sang. Cũng chẳng có cách chi che giấu."

Nước mắt bỗng trào lên mi, và lần đầu tiên trong đời, cô hướng về phía ông Đô, nói lời oán hận:

- Cha ơi, sinh con ra để làm gì? Cha sinh con ra làm gì để con phải chịu bao nhiêu đớn đau, khốn khổ?

Nước mắt che mờ khiến cô không còn nhìn rõ ảnh cha cô nữa. Nhưng lúc ấy, trên bàn thờ, ông Đô cũng rưng rưng lệ.
 

Coi tiếp: Truyện Xóm Tiều Phu (4)
 

www.geocities.ws/xoathantuong