TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (2)
 

Những ngày sau đó nối tiếp trôi qua giống như những lớp lang của một tấn tuồng mà người diễn lẫn người xem đều đóng vai dửng dưng một cách vờ vĩnh. Các diễn viên, chắc chắn là những kẻ thương tổn tâm can. Chủ tịch Quý không cam chịu, như mọi người dự đoán. Anh ta đương quyền. Muốn hay không, quyền lực cũng là thứ sức mạnh nhìn thấy rõ ràng tuy không sờ mó được. Với danh nghĩa chủ tịch, anh ta có thể huy động dễ dàng những kẻ dưới trướng như công an trưởng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên.. Thêm nữa, có một thứ quyền lực vô danh vô diện vô hình nhưng ai cũng cảm được, ngửi được, ấy là thứ sức mạnh của thói đời... Quý tin vào sức mạnh ấy cũng ngang ngửa như anh tin vào con triện của chính quyền xã, thứ bửu bối mà anh ta đang giữ khư khư trong tay.

Trước hết, Quý phải hiệp đồng với đứa em út, bởi cuộc chiến đấu nào cũng cần lực lượng. Lực lượng càng hùng hậu, thắng lợi càng gần tầm tay. Trong cuộc đấu này, đồng minh đáng tin cậy nhất chính là anh em ruột. " Anh em như thể chân tay, vợ chồng như áo cổi thay qua lần... ". Xưa nay, Quý và Quỳnh ít quyến luyến nhau, phần vì sự cách biệt tuổi tác, phần Quý vẫn ngầm cảm thấy cha mẹ yêu đứa em út hơn anh ta và anh ta sẽ có nguy cơ không được thừa hưởng phần lớn gia tài nếu gã em trai nửa ngơ dại, nửa lẳng tình này thành đạt. Theo thói thường, đứa con út có quyền thế trưởng nếu bố mẹ đồng lòng ưng thuận, một khi con trưởng có những khiếm khuyết về năng lực, tư cách hoặc từ thuở lọt lòng đã mang sẵn những sa sút về trí não. Ông chủ tịch không cảm thấy bị đe doạ vì mình thiểu năng, nhưng chính sự khôn ngoan lọc lõi của ông có thể lại là con dao hai lưỡi, có khả năng quay ngược lại mà " sát chủ ". Bây giờ, sự xuất hiện của cái " con đĩ áo xanh tự nơi nảo nơi nao mò đến" chính là cơ hội để anh ta thử lòng đứa em, thu phục nó và biến nó trở thành cánh tay đắc lực của mình, điều anh ta đã làm với hầu hết những đối thủ trong Xóm Tiều Phu kể từ ngày được bổ nhiệm làm chủ tịch xã.

Về phần Quỳnh, mọi sự hoàn toàn trái ngược. Cậu em trai được chiều chuộng, đang còn ở tuổi trăng gió mải ăn mải chơi nên chưa nghĩ đến sự đời. Đôi khi, thiên hạ có thẽ thọt hỏi:

- Mai đây, nhà cao cửa rộng sẽ về tay ai ?

Quỳnh chỉ cười đáp:

- Hôm qua, hôm nay, và ngày mai đều thuộc về cha tôi hết.

Nếu người ta có gặng:

- Chẳng nhẽ ông bà Quảng chưa hề có ý định làm di chúc hay sao ?

Cậu ta liền đỏ mặt, gân cổ đáp:

- Bố mẹ tôi còn vật đổ trâu, cớ gì phải làm di chúc ?

Sau đó, không ai có thể cậy mồm anh chàng được nữa . Công bằng mà nói, Quỳnh tốt bụng, chỉ có điều ham chơi và ngại việc. Từ thuở lọt lòng đến khi mẹ chết, Quỳnh chẳng nghĩ ngợi gì. Mọi sự đã có người chở che, lo lắng. Ngay đến cái chết giữa đường của bà mẹ, trong khi cậu ta bỏ nhà đi chơi ngủ lại xã bên, giá như người khác, ắt phải tự vò xé tâm can, nỗi ân hận ám ảnh đến mất ăn mất ngủ. Đằng này, anh chàng chẳng mảy may hoảng hốt. Khi bị họ hàng quở trách, cậu ta rầu rĩ mất vài giờ rồi sau đó đến bữa ăn lại đánh thẳng da bụng, chùng da lưng. Rồi tối đến, lại chổng cu lên mà ngủ. Y hệt đứa bé lên ba . Họ hàng nói mãi cũng chán miệng, phàn nàn với ông Quảng, ông chỉ cười cười:

- Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tôi biết làm sao ? Nhà này chỉ có hai đứa sinh đôi là lo ăn, lo làm lại biết tính trước tính sau. Nhưng chúng nó đã đầu quân cùng một buổi...

Rồi ông buông tiếng thở dài, và mắt ông dâng lên nỗi buồn mà mọi gia đình có con tại ngũ đều thấu hiểu.

" Thời ly loạn, nước mắt rơi như suối.
Cỏ mọc trong vườn, sông vắng chuyến đò sang. "

Đôi người phụ hoạ với ông:

- Cảnh nhà tôi cũng thế, đứa khôn bỏ ra mặt trận hết... Còn lại ở nhà không thằng đụn rạ thì cũng đấm đơ.

- Cứ gì chúng ta ! Mọi nơi đều thế cả. Nước non là nước non chung. Chiến tranh đã tới, không cánh cửa nhà ai không bị gió đập.

Người ta cho ông Quảng là người bố vị tha, dễ tính. Người ta cũng cho rằng cậu út Quỳnh có lớn mà không có khôn ; tuy chẳng đến nỗi đấm đơ nhưng chắc chắn không phải là gã trai đàng hoàng, biết ăn ở một cách chỉn chu, biết phận sự của mình đối với gia đình cũng như xã tắc. Riêng chỉ có việc cắp sách đến trường cậu ta cũng đã làm khổ bà mẹ bao nhiêu lần....

Vậy mà không hiểu vì sao cái gã đoảng vị, vô tâm, dấm dớ ấy lại bỏ nhà ra đi ngay hôm đầu, khi xuất hiện người mẹ kế trẻ. Có lẽ, đó là nỗi băn khoăn lớn nhất của xóm giềng, và trước hết, của ông chủ tịch xã. Anh ta lặn lội xuống thôn Hạ tìm hiểu căn duyên. Không cần lâu la, hai ngày sau người làng đã biết rằng cậu út Quỳnh phải lòng bà mẹ kế. Ngay phút đầu tiên khi cô Ngân đặt chân vào nhà, chàng trai đã chết lặng đi vì vẻ đẹp xiêu đình đổ quán của cô gái áo xanh kia ; và trong trí tưởng tượng nó nghĩ rằng cô là người vợ mà trời đất dẫn đến cho chính nó, bởi " gái hơn hai trai hơn một ", cô Ngân với nó vừa xoẳn cái công thức vàng cho hôn nhân , cái công thức đã được thử thách qua hàng ngàn năm... Chắc chắn cơn mộng tưởng được xây cất trong chớp nhoáng rồi tức khắc đổ vỡ. Tất cả tấn bi kịch trong lòng chàng trai xảy ra vẻn vẹn trong vòng nửa ngày trời. Từ buổi sáng chiếc xe ngựa của ông Quảng đưa cô dâu mới về làng cho tới lúc nhập nhoạng mặt người, khi nó lẳng lặng bỏ nhà xuống thôn Hạ...

Chuyện con trai mê vợ kế của bố xưa nay không hiếm, trong những trường hợp như thế người ta vẫn thường kết án người đàn bà lẳng lơ đĩ thoã " quân vô luân vô loài, chài cả bố lẫn con ". Sỉ nhục người đàn bà là sự dễ làm nhất, nó khiến đám đông hả dạ, dẫu rằng trong đám đông ấy phần lớn lại chính là đàn bà. Tuy nhiên, đối mặt với tấn kịch của cậu út Quỳnh, dân làng ngần ngại không dám chửi " con đĩ thị thành vô loài vô luân muốn ngủ một lần với cả thằng con lẫn ông bố ! ".Trước hết, bởi cô Ngân vừa về làng được nửa ngày, dù có đĩ cũng chưa đủ thời gian hành nghề quyến rũ. Điều thứ hai, và điều này quan trọng hơn: ông Quảng đứng sừng sững bên cạnh cô Ngân. Có nói hay không người ta cũng ngầm hiểu: Lão già lọc lõi ấy không ngán ai bao giờ.

Bởi thế nên khi ông chủ tịch tung câu chuyện cậu út Quỳnh mê cô Ngân khắp xóm cùng thôn, nó cũng chỉ kích động được những nhóm người đang cần xin con dấu cho một bản sao lý lịch, hoặc giấy chứng nhận khai sinh, kết hôn, khai tử. Mà ngay những người này, cũng chỉ dám nịnh nọt cho qua chuyện còn sau đó tìm cách lảng mặt Quý:

- Đừng chọc mồm vào chuyện nhà người ta !... Lôi thôi đá củ đậu nó ghè vỡ sọ.

Dân Xóm Tiều Phu bảo nhau lấy chỉ khâu thật chặt hai mép lại. Nhưng trên đời, mọi sự " tự bảo nhau " hay là " tự nhủ " chỉ là phương thức trốn tránh hay thoái thác sự thực mà thôi. Giống như những đứa trẻ càng sợ ma thì càng thích nghe kể chuyện ma, người ta càng làm ra vẻ vô tư thì trong bụng càng sôi sục tò mò lẫn đố kị. Có cố nhịn chăng nữa, cũng chỉ được hai mươi bốn giờ... Sau đấy, người ta lại kháo nhau rành rẽ đã mấy lần ông chủ tịch đến tìm cậu em, họ nói với nhau những gì, sau rốt ông anh cả chửi cậu em út là:

" Đồ cù lần, đồ đụn rạ, cơm chẳng muốn ăn, bỗng dưng bưng bát cứt mà và... " .

Người ta cho rằng cậu út vốn tính hiền lành, nhả nhớt, vừa sợ cha, vừa xấu hổ vì mê mẹ kế như điếu đổ nên anh xui khôn xui dại gì cũng cứ một mực lắc đầu:

" Em chịu thôi, làm như thế trời bắt tội chết ! ".

Như vậy mưu kế liên minh của Quý thất bại trăm phần trăm. Kể từ nay, cuộc chiến sống mái này chỉ còn lại mình anh ta giữ một bên trận tuyến.

Lúc ấy, đã là những ngày cuối cùng của năm cũ, nhà nhà đều chuẩn bị đón tất niên. Năm nay, ắt hẳn Tết phải to vì năm ngoái trời quá rét nên hầu như chẳng còn ra vẻ Tết. Ai cũng chờ đợi sự bù trả của trời đất để có được một dịp vui vẻ, hội hè. Bãi đất đầu thôn Thượng đã dọn sạch, đào sẵn lỗ cắm cọc chuẩn bị cho cuộc thi cờ. Bên cạnh đó người ta cũng sẵn sàng cho các trò chọi gà, thả chim. Năm nay, dưới huyện đăng cai cuộc thi chọi trâu nên dân Xóm Núi cũng cử người xuống dự. Dẫu đang bầm gan tím ruột, chủ tịch Quý cũng phải lo đi mời đội chèo về diễn đêm tất niên, bởi món ăn tinh thần là một trong những điểm quan trọng người ta vẫn nhìn vào mà đánh giá năng lực các quan chức xã. Mờ sáng ngày hai mươi tám, chủ tịch rủ cô Vui cùng xuống huyện, lo việc tổ chức đêm liên hoan. Ở dưới đó, anh ta sai cô bí thư chi đoàn:

" Cô đi dò cho ra tung tích con Ngân, còn những việc khác, một tay tôi lo được . ".

Thế là theo công thức: nhất cử lưỡng tiện, cuộc xuống núi này hoá ra để vừa lo việc nước việc làng, vừa giải quyết mối thù nghịch riêng tư, quả là con tính hoàn hảo.

Phần cô bí thư chi đoàn, vừa chấp hành mệnh lệnh cấp trên, lệnh của chủ tịch lẫn phó bí thư chi bộ xã, lại vừa có dịp thoả thích nỗi tò mò mà ở địa vị một cô gái không chồng, cô phải che đậy cho thật kĩ, một thứ che đậy công phu như người ta nút cho chặt một hũ mắm đã trở mùi. Trong tâm trạng háo hức như vậy, cô không ngại ngần trổ hết tài thao lược vốn sẵn có ở một người luôn luôn đóng vai gia chủ. Nếu nói: Mạnh vì gạo bạo vì tiền, thì cô là con người có quyền mạnh bạo hơn hẳn nhiều người đàn bà khác. Thế nên, sau khi chia tay ông chủ tịch, cô chạy tuột xuống công trường tỉnh, nơi ông Quảng là một trong ba ông xếp uy tín nhất của đám thợ nề, thợ mộc ; cũng lại là nơi ông đã gặp cô Ngân. Vui tin chắc rằng mọi đầu dây mối nhợ là ở đấy.

Cô không lầm, chỉ trong nửa ngày cô đã thâu tóm được toàn bộ tình sử của cặp vợ chồng tuổi tác khập khiễng kia. Qua buổi trưa, cô dúi tiền vào túi một tay lái xe công trường:

- Đồng chí cho nhờ một chuyến Hà Tây. Tôi cần giải quyết việc khẩn cấp của gia đình.

Lái xe khật khưỡng đáp:

- Trên nguyên tắc, chúng tôi không có quyền cho người ngoài công trường leo lên xe...

Nhưng nói xong, anh ta cũng khật khưỡng thọc hai tay vào túi, mồm chẩu ra huýt sáo. Trong chiếc túi áo bảo hộ lao động thùng thình, chắc chắn anh ta đã nắn kĩ chiếc phong bì cô Vui tuồn vào, định giá nó một cách chính xác. Khi câu nhạc chấm dứt, anh ta liền hất hàm bảo phụ xe:

- Ra phía sau đi thằng nhóc.

Thằng nhóc phụ xe vọt ra phía thùng xe tức khắc, ở đó nó ngồi kẹt giữa những chồng bao xi-măng và những bè gỗ cốp-pha mà nói dại, nếu xảy ra va lắc đột ngột hay đụng xe khác, chắc chắn nó sẽ bị đè bẹp như con gián dưới những chồng cốp-pha khổng lồ kia.

Khi cậu phụ lái yên tâm hạ tấm vải bạt xuống rồi, lái xe quay lại tặc lưỡi bảo cô Vui:

- Thôi được, nếu đồng chí đã có việc khẩn cấp trong gia đình... Lên xe đi...

Cô Vui leo lên ca-bin, chĩnh chện ngồi cạnh anh chàng lái xe, một gã trai đen thủi đen thui nhưng còm nhom như con nhái. Với vẻ hùng dũng như thế, cô đã đi tới tận làng Khoai, xã Hưng Mỹ, tỉnh Hà Tây, để: Tìm cho được cái tổ con chuồn chuồn....

Tối hôm đó, chủ tịch Quý về xã nhưng cô Vui còn phải ngủ trọ nơi đất khách để hoàn thành cái sứ mạng mà ông chủ tịch đã giao phó. Sẩm chiều hai mươi chín mới thấy cô trở về, mặt tươi như hoa, vai vác một túi đầy hàng Tết. Chủ tịch Quý đứng đón cô ngay lối vào thôn Trung:

- Thế nào ?

- Chuyện đâu có đó. Cứ bình tĩnh.

- Hôm nay cô lên mặt gớm nhỉ.

- Không lên mặt, nhưng tiền tàu xe lẫn quán trọ đã hết cả tạ thóc rồi đấy, ông anh ạ .

- Tôi khắc đền.

- Cả đời, con Vui này chưa từng nhận tiền đền của ai.

Cô bí thư chi đoàn xã đáp với giọng chắc nịch của người lúc nào cũng nặng hầu bao. Quý định vác giúp cô Vui bó hàng tết vào nhà nhưng sực nhớ ra rằng điều đó là lố bịch, không khéo ai nhìn thấy người ta lại cười cho thối mũi, anh ta liền lẽo đẽo đi theo cô gái. Chắc hẳn đọc rõ vẻ bồn chồn trên mặt Quý, Vui liền cao giọng quát:

- Anh về đi. Chuyện để đến mai đến kia chưa thối. Giờ đã sắp ba mươi tết rồi, em còn phải lo thu dọn cửa nhà, chuẩn bị bàn thờ ngày mai cúng giỗ. Vả lại, còn phải đun nước tắm gội nữa chứ. Hai ngày đi đường, ăn nhờ ở đậu, bẩn thỉu ngứa ngáy như điên, bụi đen kịt lỗ mũi, sờ lên tóc nhám như mùn cưa.

- Ờ ờ... thôi thì tôi về vậy. Mai cô đi xem chèo chứ ?

- Đương nhiên. Cả năm có một lần, ai dại mà bỏ ?

Quý vội vã đi luôn vì nhớ ra cô gái già này thờ cúng cả chuyện tắm gội. Người ta nói rằng hễ Vui đang cần tắm gội mà ai phá đám là cô sẵn sàng nổi khùng lên, rượt đuổi họ tức khắc. Nước tắm gội của cô gồm lá bưởi vỏ bưởi, hương nhu, cỏ mần trầu, củ sả, hoa quế. Tất cả được trộn theo một tỷ lệ nhất định và được đun trong chiếc nồi đồng bẩy, nước bắt đầu sủi tăm là hương thơm toả nức xóm. Thêm nữa, mỗi lần tắm gội, cô lại còn thắp nhang trầm cho mùi hương huyền bí kia tẩm đượm vào tóc lẫn da , thành thử việc tắm táp của cô giống như việc tắm gội của các cung phi thuở trước. Chỉ có điều, các cung phi thuở trước chăm chút da thịt, nhan sắc là để gợi tình đức vua, còn cô, không hiểu ai sẽ là đấng quân vương mà cô thương trộm nhớ thầm ? Thôi thì, đành phải chờ thời gian hoặc các bậc quỷ thần phân giải.

Ra đi nhưng dẫu sao ông chủ tịch cũng không cắt nổi cơn ấm ức:

" Hoá ra cái con gái già này chẳng nể nang ai... "

Anh ta vừa đi vừa rủa thầm, mặt nóng phừng phừng dù trời đang rét. Cố quên đi nhưng không quên nổi, cứ nghĩ lại cảnh bị đuổi, cun cút chạy ra khỏi nhà " con gái già " như bất cứ kẻ láng giềng nào thường đến cửa cô ta để xin đường, xin mỡ, vay tiền hoặc nhờ chạy máy nổ... là mạch máu Quý lại giật đùng đùng hai bên thái dương:

" Nó xem cá đối bằng đầu, xem cứt cũng như rươi. Con này mất dạy thật. Nó quên rằng chính mình là người đầu tiên gợi ý cho chi bộ cử nó làm chi đoàn trưởng. Cái quân ăn cháo đái bát. Không trách trời chẳng thí cho một tấm chồng ! "

Anh ta đi hết một vòng quanh thôn Trung, gật đầu chào lại những người khác một cách máy móc mà chẳng phân biệt được ai với ai. Nỗi xốn xang đốt lửa đùng đùng trong dạ. Vào giờ này, mọi trách nhiệm với xã đã xong. Chuyện tết nhất, cúng bái trong gia đình xưa nay vợ con cáng đáng hết. Trong óc Quý chỉ quay cuồng một hình dáng, một cái tên, một màu áo xanh, một nụ cười lúng liếng.... tất thảy những gì thuộc về: Con đĩ Ngân !

" Con đĩ Ngân, con đĩ Ngân, con đĩ Ngân... "

Anh ta thầm chửi. Nhưng trong lúc thầm chửi, anh ta vẫn hiểu rằng anh ta đang chửi người khác một cách vô chứng cớ, và điều cốt tuỷ với anh ta bây giờ là phải chứng minh bằng được:Con đĩ Ngân thực chính là con đĩ, một con đĩ trăm phần trăm...

Nhưng tiếc thay muốn chứng minh điều ấy lại phải nhờ tay con Vui, cái con gái già đồng bóng và hỗn hào kia, chính ả mới có thể cung cấp chứng cứ. Cùng là lũ đàn bà cả, mèo đói ắt phải tìm được cách cào cổ mèo no. Buộc con gái già này đi bới lông tìm vết con đĩ vú mẩy kia là thượng sách. Nhưng ngựa hay thường có tật, con Vui tháo vát nổi tiếng nhưng kiêu căng, ương ngạnh thì cũng chẳng ai bằng... Những ý nghĩ ấy đưa Quý theo con đường quen trở lại thôn Thượng. Anh ta chợt nhận ra rằng đã sắp đến nhà mình. Gió lạnh dọc đường chừng cũng làm nguôi đi cơn uất ức. Sau rốt, ông chủ tịch đành tự an ủi:

" Nhưng bây giờ, có ức nổ cổ nổ ruột cũng chẳng làm gì được nó. Chính nó mới là kẻ biết rõ ngọn ngành mọi chuyện chứ chẳng phải mình. Mà con gái già này không phải đứa dễ nghe ai. Thôi, đất chẳng chịu trời thì trời đành chịu đất. Ta phải xử nhũn với nó vậy "

Anh ta bước qua cổng, vừa lúc hai đứa con gái khiêng chậu quất từ vườn vào sân trong. Dưới bếp, nồi bánh chưng sôi lục bục, mùi bánh thơm dâng đầy không gian. Lác đác đã có tiếng pháo tép của trẻ trong thôn. Không khí tết xem chừng đang tràn ngập. Quý vào nhà, ném chiếc xắc-cốt da bò lên bàn rồi duỗi thẳng chân nằm dài trên tràng kỉ. Nhắm mắt lại, ông chủ tịch hình dung ra cảnh đêm mai: Đêm mai, sẽ là đêm tất niên chính thức, năm nay tháng chạp có ba mươi ngày. Đêm mai, sẽ là đêm cuối cùng của cái năm rủi ro này. Đội chèo huyện sẽ về đây diễn tích: Thị Mầu lên chùa. Chắc chắn ông Quảng và con đĩ Ngân sẽ ở nhà chứ không đi xem. Sự vắng mặt của họ sẽ là cái cớ tốt nhất để dân làng đàm tiếu và lúc ấy, con Vui sẽ ra tay. Chuyến đi của nó ắt phải đem lại thành công cho mình. Đêm mai, sẽ là đêm chiến thắng. Anh ta vuốt bụng, thở đánh ực một tiếng rồi quát:

- Đứa nào đun cho tao nồi nước lá mùi. Cả tuần rồi chưa được tắm !...
 

***
 

Công trường xây dựng của tỉnh luôn luôn có ba đội quân thường trực hành nghề, dưới sự cai quản của ba ông cai thầu, thường được gọi dưới cái danh mĩ miều: Cán bộ quản lý ngoài biên chế của tỉnh. Ông Quảng chính là người cai quản đội quân nề, mộc của tỉnh sở tại. Ông thứ hai dẫn quân lên từ tỉnh Hà Tây. Ông thứ ba là xếp sòng của đội quân Phú Thọ. Trừ cánh quân của ông Quảng, hai đội quân kia kèm theo rất nhiều đàn bà, con gái. Họ chính là dân cày cuốc bạo gan, sớm tìm cách kiếm miếng cơm ở xa nơi chôn rau cắt rốn.

Từ thuở sinh ra thị thành, đã hàm chứa một cách biệt định mệnh giữa cuộc sống của phố phường với cuộc sống nơi thôn dã. Sự cách biệt này chưa bao giờ được lấp đầy:

" Nhà giàu xứ quê không bằng ngồi lê thành phố. "

Kiếm được bát cơm nơi đồng làng vô cùng khó nhọc, ngoài cây lúa người ta chẳng thể tìm được nguồn sản sinh lợi tức nào khác. Ở những nơi nửa cận non, nửa cận ruộng như Xóm Tiều Phu, còn có thể nuôi bò nuôi trâu, nuôi ong, thả gà vịt... Nhưng nơi bình nguyên, cửa nhà chật hẹp, người sinh sôi đông đúc, những bờ cỏ hẹp như giải áo không mọc đủ cỏ nuôi trâu cày, huống chi tính chuyện chăn nuôi... Mọi sự trông vào cây lúa, mà cây lúa vốn còi cọc không thể gánh đủ thứ tiền chi tiêu: Tiền muối mắm, dầu đèn, tiền quà bánh lễ tết, tiền ma chay cưới xin, tiền thuế má, tiền quần áo tư trang, tiền học hành thuốc thang cho trẻ... Vì lẽ đó mà đội quân nề mộc của ông Quảng không có một ả nạ dòng, nhưng ở hai đội quân kia, đầy nhóc đàn bà lẫn con gái. Người ta vẫn gọi chung họ với một cái tên chứa ngầm sự khinh bỉ: Gái công trường...

Cụ thể hơn:

" Trai quán Nái, gái công trường ".

Quán Nái là nơi ngã ba đường, nơi những đoàn xe ngược xuôi khắp châu thổ sông Hồng thường dừng lại ăn uống, tắm gội, hoặc tìm những thứ nhu cầu khác trong bóng tối. Có cầu đương nhiên phải có cung, dù nhà nước ngăn cấm bằng mọi cách. Tàn đi phá lại thì sau rốt chính quyền cũng phải ưng thuận để dân phố Nái dựng lên một dãy dài những quán cơm, quán phở, nhà trọ bình dân, quán chè nước hoa quả, bánh trái và trăm thứ bà rằn khác. Trai quán Nái vốn có biệt tài buôn bán . Cũng từ lâu do rủng rỉnh tiền họ thường có thú trăng hoa, cờ bạc, mà ở nơi nào trò đỏ đen đã tồn tại thì những người bạn đồng hành với nó như lừa đảo, thanh toán ân oán giang hồ đều không thể thiếu mặt. Dưới con mắt người bình thường tuân thủ sống một cách nề nếp khuôn khổ, những cuộc ăn chơi long trời lở đất, cũng như những cuộc chém giết đẫm máu của lũ trai quán Nái giống một thứ bệnh dịch hạch, một cơn đậu mùa khủng khiếp mà thiên hạ phải tránh cho xa.

Xếp hàng thứ hai sau trai Quán Nái, là gái công trường, những thôn dân đã tháo cũi sổ lồng, những người được mệnh danh là: " bọn nhà quê học đòi " theo giọng lưỡi đỏng đảnh của đám dân đô thị hoặc là " bọn động cỡn " theo cái nhìn gờm gờm ngờ vực của chính dân quê. Dưới cả hai cái nhìn thù nghịch này thì những người hôm qua chân lấm tay bùn nơi ruộng sâu hay đất bãi, hôm nay còng cổ co vai khuân gỗ vác gạch nơi công trường là lớp người sỗ sàng, tự do quá trớn. Cuộc sống chung chạ giữa đàn ông đàn bà, trong khung cảnh tấp nập nhộn nhịp của việc xây dựng, cũng như những cuộc di chuyển không ngừng hết nơi nọ đến nơi kia ; trước con mắt những thôn dân suốt đời gắn bó với một mái nhà, một mảnh ruộng, tự che chắn đời đời kiếp kiếp sau một mái đình và những luỹ tre nghìn tuổi là một cuộc sống đáng hồ nghi về đức hạnh:

" Ăn đợ, ở tạm... lang thang như lũ phường chèo, như gánh hát rong... "

Thứ cuộc sống lạ lùng, bất yên như thế khiến họ nửa thèm thuồng nửa kinh hãi. Thói đời, cái gì đã khác ta, thì cứ nhổ vào nó trước đi đã... Nếu không tiêu diệt được, thì cứ ném một hòn đá lên cho chắc ăn.

Do hiểu được cái tâm lý đó, những người đàn bà vùng quê khi bứt áo ra đi , một bên vai mang nặng những gánh nợ của gia đình, vai kia chất chồng những sỉ nhục mà chính những dân quê ném lên họ, đâm ra liều lĩnh. Họ cố tình tạo ra một thái độ thách thức với xã hội, một vẻ bất cần, một thứ xuồng xã trong lối ứng xử, và coi sự phản kháng này là sức mạnh giúp họ đứng vững.

Vậy, cô vợ trẻ của ông Quảng là một trong số những người đàn bà như thế. Những cô phu hồ, những cô thợ quét vôi, những cô thợ xây... những người đàn bà gánh vác thứ công việc nặng nề mà thường chỉ đàn ông mới đủ sức vóc đảm nhiệm.

Một buổi sáng, ông Quảng mải mốt đi qua khu đất trống, nơi cắm một hàng rào tạm bợ bằng những cây cọc gỗ cao chưa đầy thước rưỡi làm ranh giới thi công giữa đội quân của ông và đội nề mộc tỉnh Hà Tây, chợt nghe tiếng cười ré lên từng hồi của đám con gái. Ngạc nhiên, ông quay lại nhưng rồi chẳng thấy một ai quen nên lại tiếp tục thẳng đường mà bước. Ngay lúc đó, ba bốn cô gái lên tiếng nheo nhéo gọi, với cái giọng Hà Tây không trộn lẫn được vào đâu:

- Này ông gì ơi... Này anh gì ơi...

- Này, ông anh " kháu lão " ơi, quay lại đây có đứa gọi..

- Ớ anh già bảnh trai, kháu lão ơi... Quay lại đây có ả muốn nói chuyện này... Ớ anh trai già...

Trong bụng hơi khó chịu nhưng ông Quảng nghĩ rằng nếu bỏ đi, họ tưởng ông là kẻ non gan và lần sau họ sẽ tiếp tục trêu cợt một cách sàm sỡ hơn... Ông quay lại, bước tới trước đám con gái lẫn nạ dòng, cả thảy hơn một chục người đang ngồi chen chúc ngay trên đống cốp-pha.

- Tôi đây.

Ông nói, nhìn khắp lượt những gương mặt bịt kín dưới các loại khăn chỉ còn ló ra đôi mắt đang tít đi vì cười:

- Tôi đây. Nào, ai muốn nói chuyện thì đứng lên. Tôi không quen ngồi xổm...

Đám đàn bà túm tít quay lại một cô áo xanh, khăn bịt mặt cũng màu xanh, và đôi mắt không còn cười mà đang chớp một cách bối rối:

-Ả ta đây. Chính thị đứa muốn gọi ông quay lại.

- Cô nàng Ngân, lên tiếng đi kìa...

- Chính cô ta đặt tên cho ông là " Anh già kháu lão " Bây giờ lại im thin thít như thịt nấu đông...

Tới đó ông Quảng cũng bật cười, đưa mắt nhìn cô gái bịt khăn xanh và nhận ra đôi mắt cô ta đẹp mê hồn, đôi mắt ông chưa từng thấy từ khi biết chú ý tới kẻ khác phái, nói một cách văn vẻ thì đó là " mắt đào hát ".

Không ai nói gì thêm nữa và ông thấy đám đàn bà sắp rơi vào cảnh bối rối nên quay đi.

Hai tháng sau, tàn bữa rượu với đám thợ, ông Quảng quay lại nơi nhà trọ trong thành phố. Lúc đó đã sắp nửa đêm, công trường tắt gần hết các ngọn điện chỉ còn để lại những ngọn đèn trên kho vật liệu hoặc những nơi xung yếu mà kẻ trộm có cơ đột nhập. Ông Quảng vẩy đèn pin bước qua những lối mòn do chân thợ vạch ra trên nền đất đá công trường. Chợt ông nghe tiếng đàn bà kêu thét phía sau một khu nhà vừa hoàn thiện phần cốt gạch, chưa trát vôi vữa. Tiếng kêu ấy là tiếng kêu của một người đàn bà tỉnh Hà Tây:

- Buông tôi ra !... Giời đất ơi !...

- Giời đất ơi !... Cứu tôi !...

Ông chạy về phía tiếng kêu cứu. Ánh đèn pin rọi vào hai bóng đen đang quần thảo quyết liệt. Người đàn bà tóc xoã tả tơi, quần lẫn áo rách tung từng mảnh. Gã đàn ông to lùn như con gấu ngựa, bận bộ đồ xám. Ném cây đèn sang một bên ông nhào vào táng hai cú đấm liên tục như búa tạ vào chính giữa mặt gã:

- Bắt nạt con đàn bà này !...

- Quân hãm hiếp đàn bà này !...

Một cú đấm nữa móc vào hàm. Rồi ông túm lấy tóc con mồi khi gã đang còn chưa định thần được kẻ tấn công gã là ai. Dùng sức lực toàn thân ông đập đầu gã vào tường tin chắc đó là cú đòn quyết định.

Cú đập đầu ấy đúng là cú đòn quyết định như ông dự tính. Gã đàn ông quỵ xuống, bật tiếng kêu của loài thú dữ trúng thương. Để chắc ăn, ông bồi cho gã hai cú đá nữa. Khi đã thấy gã không còn hy vọng gượng dậy được, ông mới nhặt cây đèn pin, rọi vào mặt cái thứ " quân hãm hiếp đàn bà... ". Một nỗi kinh hoàng tức khắc chạy qua như cơn chớp: Đó chính là gã phó quản trị văn phòng xây dựng của tỉnh. Gã không trực tiếp giao việc, định giá tiền công, lương thảo cho mấy ngàn con người trên công trường này nhưng gã là tay chân thân tín của con người quyền lực đó. Chính vì thế, vừa từ trường trung cấp xây dựng ra mới được hai năm, gã đã được ông ta bổ nhiệm làm phó phòng để tiện việc sai bảo .

Trong tình thế ấy, hoặc trời xui đất khiến, hoặc vị thần hộ mạng mách nước, nên ông đã hành động một cách khôn ngoan. Rút cây tù và vẫn đeo nơi cổ như một thứ bùa, ông thổi ầm ĩ khiến cả khu công trường đang im ắng bỗng nhiên vang động như xóm làng thời chạy giặc. Tiếng tù và lan đến khu lán trại thợ lẫn khu cán bộ quản lý công trường. Bao năm nay chưa từng có sự lạ lùng như vậy nên mọi người tay đèn tay đuốc lũ lượt chạy tới. Khi nghe tiếng chân người rầm rập sắp tới nơi, ông mới quay sang người đàn bà bị hại:

- Cô đứng yên, không được bỏ trốn nghe chưa. Giữ nguyên áo quần rách rưới , giữ nguyên cảnh giằng xé giữa thằng đàn ông kia với cô. Tình cảnh đã thế này, không việc gì phải xấu hổ. Cô mà bỏ trốn bây giờ là giết tôi. Hiểu chưa ? Còn nếu người ta hỏi sao cứ đúng sự thực mà trình bày.

- Em rõ rồi ạ.

Người đàn bà đáp và ông chợt nhận ra một vẻ quen thuộc mơ hồ trong giọng nói của cô ta. Nhưng phải chờ đến khi đèn công trường bật sáng choang, khi đám đông đã vây kín họ, ông mới biết cô ta chính là cô gái áo xanh, kẻ đã đặt tên ông là " Anh già kháu lão "... Chính cô ta... Và như thế, dường như định mệnh đã liên kết họ...

Phần sau đó, không có gì nhiều nhặn. Một khi dưới ánh đèn sáng choang, phơi bầy cảnh một cô gái bầm dập , áo quần bị xé tả tơi , một gã đàn ông bị đánh gục trên sàn, mặt còn đầm đìa máu tươi , hơn thế nữa khuy quần đang còn cởi sẵn, ngay lập tức người ta hình dung ra mọi sự. Không cần quá nhiều lời bình phẩm. Tuy nhiên, bao nhiêu năm lăn lộn kiếm ăn, ông Quảng đã quá thuộc bài học:

" Bảo vệ uy tín đảng và nhà nước " .

Ông hiểu rằng người ta có thể lật lại nước cờ như trở bàn tay và lúc đó chính ông sẽ trở thành kẻ phải thí mạng trong trò chơi đường đột này. Vì vậy, ông nhất thiết yêu cầu ban quản lý công trường mời công an tới làm biên bản. Rồi tức khắc, ông vận động đám công nhân đòi ba lực lượng phải chính thức làm chứng nhân: chính quyền, ban đại diện công trường, công đoàn tỉnh. Dù đêm khuya, đại diện của cả ba tổ chức trên đành phải lần lượt kéo đến để kí xác nhận. Vốn là người có tài ăn nói, ông Quảng liền mượn dịp tuyên bố trước đám đông:

- Chúng tôi dẫn vợ con thiên hạ rời bỏ quê quán đi kiếm miếng ăn nơi đồng đất xứ người nên không thể để họ bị hà hiếp. Nếu chúng tôi làm không đủ phận sự, họ nhổ vào mặt chúng tôi. Nay là đàn bà Hà Tây, mai chưa biết chừng, là người Phú Thọ hay dân sở tại. Đối với ai, chúng tôi cũng yêu cầu nhà nước phải bảo vệ người vô tội và trừng trị kẻ côn đồ. Nếu kẻ côn đồ ấy mà chui vào hàng ngũ cán bộ nhà nước thì càng phải nghiêm minh.

- Chúng tôi đồng lòng với ý kiến ông Quảng !

Hai ông xếp của các đoàn nề mộc tỉnh bạn hưởng ứng tức khắc, họ nhìn thấy quyền lợi của chính họ được bảo vệ trong cơ hội này. Bởi sự việc xảy ra với ông Quảng " kẻ quen ăn sóng nói gió, tim rắn như gang, gân cứng hơn thép " chứ nếu xảy ra với họ, ắt chỉ có cách đổ tội cho cô gái kia là: " Con đĩ ngựa quyến rũ cán bộ đảng " và tìm cách đẩy cô đi khỏi công trường càng nhanh càng tốt. Thế nên, núp sau lưng ông, họ cao giọng nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc:

- Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ông Quảng. Công trường có nhiệm vụ bảo vệ nhân công.

- Để giữ gìn nghiêm minh uy tín của đảng và nhà nước, chúng tôi yêu cầu xử kẻ có tội.

Còn về phía những người dân quê đang khoác quần áo bảo hộ lao động, cơn uất hận ào tới như thuỷ triều. Người bị hại đứng trong đội ngũ của họ, trong nấc thang tận cùng của cái xã hội thu nhỏ này. Cái tai hoạ mà người đàn bà kia gánh chịu có thể sẽ chờ họ trên đường đời, vào một ngày nào đó chẳng ai có thể đoán trước. Sự sỉ nhục mà hôm nay cô ấy phải nếm rất có thể sẽ là món quà cay đắng của số phận dành cho họ vào một khoảnh khắc đen đủi trong tương lai. Ở hoàn cảnh của những con người chân lấm tay bùn, mặc cảm và sự tủi nhục luôn luôn là những lò than không bao giờ tắt, ủ giữ ngọn lửa căm thù và phản kháng . Vào những dịp như thế, tình bằng hữu sống dậy cùng một lượt với ý thức thương xót bản thân. Đàn ông cũng như đàn bà, nhìn thấy trong cô gái bị giằng xé tả tơi kia bản diện xiên ngang của chính họ, như tấm gương soi của số phận, phản chiếu những kiếp người hẩm hiu trong cuộc sinh tồn. Bởi vậy, sau những lời lẽ rắn đanh của ông Quảng, cơn giận dữ bùng nổ, tựa hồ người ta rút chốt khoá một đập nước cho dòng nước hung dữ xối xả tuôn ra. Đám đông vây quanh gã phó phòng xây dựng, giờ đã ngóc đầu dậy nhìn mọi người với đôi mắt đẫn đờ. Họ la hét, chửi rủa. Họ nhổ nước bọt, họ đạp vào lưng y. Đám cán bộ quản trị lẫn tay trưởng ban bảo vệ công trường đều phải kí vào biên bản trước cơn phẫn nộ của đám thợ. Sau đó, không có cách nào hơn, trưởng văn phòng ra lệnh kỉ luật gã đàn em, chuyển sang phụ trách công trường đập đá ở Yên Bái. Sự việc diễn ra theo cách thức mà người ta thường gọi là hiệu ứng dây chuyền. Trưởng phòng xây dựng có vẻ hoang mang trong vài ba ngày đầu. Dường như ông ta không muốn hiểu sự việc. Nhưng rồi thói quen lười suy nghĩ giúp ông ta bắt lại nhịp điệu của cuộc sống bình thường rất nhanh. Vả chăng, ông ta cũng chẳng cần áy náy nhiều, vì kẻ nịnh nọt thời nào cũng sẵn cả đống, một thằng rơi mười thằng khác sắp hàng nhảy vào thế chỗ. Chưa đầy hai tuần sau, ông ta đã có một tay phó văn phòng khác. Gã đệ tử mới nhỏ bé hơn, bảnh trai hơn, và đắc lực hơn.

Sau sự kiện này, ông Quảng nổi tiếng khắp công trường lẫn thành phố như một vị anh hùng, một Từ Hải tái sinh. Và như thế, tất cả mọi người đều được hài lòng.

Khi mọi sự đã yên lắng lại, chính là lúc tình sử của họ bắt đầu.

Khởi sự, nàng áo xanh tìm cách gặp ông, một tay xách túi quà, tay kia cầm hai chai rượu thuốc:

- Em xin đến cảm tạ ông. Không có ông, chắc em không thoát nổi thằng cha ấy.

- Không có gì !Tôi là người đàn ông, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha. Những người khác gặp chuyện phi đạo lý như thế ắt hẳn cũng hành sự như tôi.

- Sự đời không có vậy. Ông nói khiêm tốn thôi.

Cô gạt phắt đi một cách quả quyết khiến ông chẳng biết nói gì hơn. Rồi bất chợt ông nhìn thấy hai chai rượu thuốc cô đặt lên bàn:

- Cô mang rượu đến cho tôi à ?...

- Vâng, đúng như vậy ! Có gì mà ông phải ngạc nhiên ?

Ông mỉm cười:

- Rượu ai ngâm đấy ?

- Em ngâm lấy.

- Cô cũng là dân nghiện rượu hay sao ?

- Không ! Không nghiện nhưng biết uống.

- Vậy sao ?

- Thoạt đầu, không ai nghĩ là đàn bà nên uống rượu. Nhưng bọn em làm thợ quét vôi, hai tay treo lên suốt ngày, đêm về ngủ đau rã rời từ bả vai xuống tận ngang hông. Cô em cắt cho thang thuốc bảo đem ngâm với thứ rượu nếp cái tốt, đêm về uống một chén trước khi ngủ sẽ hết đau. Em làm theo y như vậy, quả nhiên không còn đau nữa, mà ngủ ngon giấc lắm.

Ông im lặng ngẩn ngơ. Suốt cuộc đời ông, đây là lần đầu tiên có người cho ông rượu, mà lại là một cô gái. Hơn bốn mươi năm ròng sống với vợ con, chưa bao giờ bà nghĩ cách mua cho ông một món quà, con cái ông cũng vậy. Trong gia đình ấy, dường như ông phải nghĩ đến tất cả mọi người, lo toan cho cuộc sống của tất thảy mọi người, nhưng không bao giờ có sự quan tâm ngược trở lại. Điều đó được coi là hiển nhiên.:

" Bảo bố anh, ông ấy sẽ giải quyết. "

" Muốn gì cứ bàn với bố. Đâu rồi có đó. "

Bản thân ông cũng coi chuyện đó như là đương nhiên, bởi vì ông là người làm cha, làm chồng, là trụ cột gia đình và ông có trách nhiệm hoàn tất trách nhiệm ấy. Cuộc sống với những phiền toái của nó chất chồng lên vai ông bao nhiêu gánh nặng . Để đảm đương những gánh nặng ấy, ông chẳng còn thời gian nghĩ đến bản thân mình. Giờ, sáu mươi mốt tuổi, ông chợt nhận ra lòng mình xáo động, rằng trong ông còn có một người đàn ông khác, kẻ đó có nhu cầu được chăm chút, thương yêu.

Trong lúc ông đang bần thần vì nghĩ ngợi, cô đã nhìn quanh quẩn rồi nhặt trong bộ đồ trà của quán trọ một chiếc chén sứ, rót đầy:

- Ông nhắp thử mà xem.

Ông đưa chén rượu lên nhắp thử, thấy rượu rất ngon cho dù mùi thuốc đã làm cho hương nếp phai đi nhiều. Cô chăm chú nhìn ông và hỏi:

- Ông thấy thế nào ?

- Tôi thấy rượu ngon. Nhưng giá không có thuốc thì hơn.

- Sao ông dại thế ? Thang thuốc ấy cô em bán đắt gấp mười lần tiền mua một lít rượu đầu nồi.

- Ừ, tôi vốn là kẻ dại khờ mà !...

Ông đáp, chăm chú nhìn lại cô và bỗng cảm thấy người con gái này đã là một phần đời của ông từ lâu lắm, từ những ngày cả cô lẫn ông chưa xuất hiện trên thế gian. Có thể, ông mường tượng một cách hồ nghi, từ những kiếp sống xa xôi thuở trước. Những kiếp sống mà ông không hình dung nổi, giống như người ta không thể nhìn thấy nửa bên kia của vầng trăng nhưng cái nửa bị che khuất ấy vẫn tồn tại. Cũng như vậy những kiếp sống xa xôi lẩn khuất trong các tầng mây cao thẳm của kí ức vẫn tồn tại dù con người không hình dung ra chúng...:

" Thực hay hư, hư hay thực ? Sao bỗng dưng ta thấy cuộc sống thật lạ lùng ? "

Ông tự hỏi, tiếp tục chăm chú nhìn người đàn bà đang đứng cách ông chưa đầy hai thước. Hôm nay, cô cũng mặc áo xanh, chính màu xanh lá dừa mà ông đã thấy khi cô ngồi chen chúc giữa đám đàn bà phụ nề, đánh vữa. Đôi mắt cô đẹp lộng lẫy, bây giờ ông có thể nhìn rõ từng sợi lông mi. Đôi mày dài như hai nét mực tầu, kéo từ chính sơn căn sang hai thái dương, gần như chấm đến chân tóc:

" Cô nàng xinh đẹp thật ! Đúng là người trong tranh ! "

Ông thầm nghĩ và bỗng dưng cảm thấy đau đớn khi nghĩ rằng chỉ chốc lát nữa thôi, cô sẽ ra đi, sau khi để lại cho ông hai chai rượu thuốc lẫn gói quà như một sự đền ơn đáp nghĩa. Ông sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa. Rồi cô sẽ sống cuộc đời của cô và cuộc đời ấy chẳng hề liên quan tới ông. Còn ông, chắc chắn sẽ kết thúc tuổi già trong căn nhà trọ này, hoặc trong căn nhà quen thuộc nơi Xóm Tiều Phu, hoặc trên chiếc xe ngựa hành trình giữa hai nơi đó, với những phận sự ngổn ngang và mòn mỏi của gia đình. Với những toan tính, lo âu, dàn xếp giữa một mớ người thân, những kẻ tưởng chừng vô cùng gần gũi với ông nhưng thực chất lại xa lơ xa lắc, những kẻ chỉ quen chồng chất lên vai ông gánh nặng mà không hề nghĩ đến những nông nỗi ông từng trải nếm, những nóng lạnh ông từng chịu đựng, những mật đắng ớt cay ông từng phải nuốt vào trong. Và rồi đây, ông sẽ chẳng thể sống một cách an bình được nữa. Bởi sau cuộc gặp gỡ này, cuộc sống phía trước của ông sẽ trở nên vô cùng ảm đạm. Và ông ?...

Dòng suy nghĩ ấy khiến ông bơ vơ, lạc lõng. Có một nỗi yếu đuối lạ lùng, một nỗi yếu đuối chưa bao giờ biết đến tràn ngập tâm hồn ông làm sống mũi ông cay xè. Hoảng hốt vì sợ mình sẽ khóc trước mặt một người lạ, ông vội vớ lấy bát điếu thuốc lào rít lia lịa hai mồi rõ to rồi ngửa mặt lên thả khói. Những giọt nước mắt lớn trào qua mi lăn xuống hai bên thái dương . Ông dặn ra một cơn ho rồi làu nhàu chửi:

- Thuốc lào quán này là thứ Tiên Lãng đểu.

Còn cô, cô vẫn đứng tần ngần nhìn chén rượu trên tay ông, không ngớt thắc mắc vì sao ông lại chê món rượu thuốc này, chọn thứ rượu trắng rẻ hơn mười lần, ông -người anh hùng đã cứu cô khỏi cơn tuyệt vọng ?

Vào chính lúc ấy, chủ quán bước vào nhắc ông rằng bữa cơm của ông đã chuẩn bị xong, rằng ông có cần lấy thêm món ăn mời khách hay không ? Ông chợt nhận ra sự thất thố của mình: Cô đi từ công trường lên đây phải mất hai tiếng rưỡi đồng hồ, và lúc này đã chính ngọ. Ông vội vã bảo:

- Lo cho tôi bữa cơm khách.

Đoạn quay lại cô, ông hỏi:

- Cô có chê dùng bữa với tôi không ?

- Vì sao lại phải chê ?

Cô hỏi lại một cách thật thà. Và ông mỉm cười:

- Vì cô cho tôi là kẻ dại khờ.

- Ồ, đấy là em nói thế.

- Vậy thật sự cô cho tôi là người thế nào ?

- Em cho rằng... rằng ông... rất kháu lão...

Trả lời xong, chính cô lại phá lên cười. Có lẽ vì cô tự thấy câu nói của mình là kì cục. Nụ cười của cô cất đi khối đá đè nặng lên ngực ông. Ông cảm thấy trong tiếng cười ấy, trong ánh mắt tươi cười kia, một lời hứa hẹn... Ông không còn thấy sa mạc cuộc đời trải ra phía trước. Ông không còn thấy bị đe doạ bởi cuộc ra đi của cô. Trong thâm tâm ông thầm hưởng trước món quà tốt lành của định mệnh. Bước khỏi phòng trọ, ông gọi chủ quán rõ to:

- Lo cho tôi một mâm thịnh soạn nhé ! Hôm nay có khách đặc biệt !...
 

***
 

Đúng như Quý dự đoán: Vào đêm tất niên, cả Xóm Tiều Phu đến xem " Thị Mầu lên chùa, trừ vợ chồng ông Quảng. Họ không đi vì nhiều lẽ. Trước hết họ đang ở thời kì nóng bỏng ái ân. Cô Ngân còn ở tuổi thanh xuân, ắt hẳn. Nhưng ông Quảng cũng đã nhịn đàn bà gần hai năm, kể từ ngày vợ bị bệnh Ma đói. Cuộc hôn nhân này, với cả đôi là nắng hạn gặp mưa rào. Lẽ thứ hai, họ làm việc dưới tỉnh quanh năm, và ở dưới đó, tuồng chèo, ca nhạc mới, chiếu bóng, các hội thi hát dân gian diễn ra gần như từng tuần, từng tháng, họ không phải nhịn thèm nhịn nhạt như dân Xóm Tiều Phu. Lẽ đương nhiên là thế. Kể ra, việc ấy chẳng động chạm đến ai . Nhưng thói đời, sự chênh lệch nào cũng gợi nên những ganh ghen, dù muốn hay không, dù nói toạc móng heo hay vờ vĩnh che đậy. Ngay từ lúc màn chưa mở, dân làng đã đưa mắt tìm kiếm cặp vợ chồng oái oăm này, sốt sắng như sự hiện diện của họ sẽ làm cho vở chèo thành công hay thất bại:

- Không thấy cả anh lẫn ả !... Chắc họ ở nhà !

- Chắc với lép gì nữa. Họ không thèm xem thứ chèo về xóm. Dưới tỉnh thiếu gì ? Mà dưới đó, rạp hát rộng bằng mấy cái đình làng, màn trướng thuần bằng nhung đỏ, oách lắm.

- Sao cậu Quý không mời đoàn chèo hạng một về cho dân xem?... Đắt thì đắt nhưng cả năm một lần, ai cũng bấm bụng mua được vé.

- Có mời họ cũng chẳng về, đường xá xa xôi gập ghềnh, mà những thứ màn trướng bằng nhung bằng gấm như thế muốn di chuyển phải dùng xe ca loại đặc biệt. Rách một vết phải đền cả đống tiền.

- Thôi, phận đũa mốc thì cứ yên bề đũa mốc, đừng có rửng mỡ đòi màn nhung màn gấm làm gì ?...

- Ông nói ngang như con cặc ! Ai cũng da cũng thịt, ai cũng muốn được được ăn cơm với cá. Có đồ điên mới từ chối của ngon vật lạ.

- Chính ông mới là thằng nói ngang như con cặc! Muốn nhưng lại đéo có tiền. Thèm của ngon nhưng túi lại rỗng ! Đã thế thì im đi, nói ra làm gì cho thêm hổ thẹn ?

- Thôi, tôi xin các ông, đêm nay là đêm tất niên, chớ có sinh sự. Cuộc vui sắp bắt đầu lại cãi nhau thì còn nghĩa lý gì nữa ?

Người ta can nhau. Các bà dấm dúi cấu véo các ông chồng để họ nguôi đi cơn bốc hoả. Rồi tiếng trống nổi lên rộn ràng mời gọi. Hai tấm màn lụa , tuy đã lỗ chỗ thủng vì gián nhấm nhưng vẫn còn giữ được màu đỏ hoa mẫu đơn, từ từ mở ra và cô đào váy áo xênh xang như làn gió ngũ sắc lướt trên sân khấu:

" Tôi lên chùa thấy tiểu mười ba, thấy sư mười bốn vãi già mười lăm..."

Dàn nhạc sau cánh gà rộn lên tiếng đế. Một cây sáo lảnh lót vút lên trên tiếng nhị, tiếng sáo và tiếng trống đệm nhịp. Khuôn mặt tươi cười của cuộc sống khiến cho người ta tạm quên đi những dồn nén và những cơn xung động.

Sau hơn hai giờ, muốn hay không tích chèo cũng kết thúc.

Dân làng đứng ngẩn ngơ hồi lâu trước sân khấu, tiếc nuối. Cuộc vui thật nhanh tàn. Và sau cuộc vui bao giờ cũng là nỗi buồn thường trực. Khi đám diễn viên đã thay trang phục, dỡ sân khấu, gấp lại mớ phông màn để chuyển lên chiếc xe tải nằm chờ sẵn phía sau, đồng hồ mới chỉ tám giờ. Còn những bốn tiếng nữa mới đến giao thừa. Còn những bốn tiếng nữa mới được nổ pháo, hạ cỗ. Còn những bốn tiếng nữa phải chịu đựng thứ im lặng trường niên nơi sơn khuê heo hút, sau khi được tẩm đẫm trong không gian đầy ắp ánh sáng, mầu sắc, hình ảnh và âm thanh của vở chèo, quả là rất nặng nề, quả là rất đỗi khó khăn. Người ta đứng xem cảnh thu dọn cuối cùng của đội văn công, nhìn chiếc máy nổ hai mươi lăm ngựa chạy ầm ầm toả ánh điện lên màn trời đen kịt. Bỗng nhiên, nỗi luyến tiếc dâng đầy tâm hồn. Bỗng nhiên, sự cảm nhận mơ hồ về một nỗi thiếu hụt, mất mát khiến con tim khắc khoải. Người ta biết chắc chắn chẳng có gì mới chờ đợi họ ở cuối đường, nơi bóng tối đêm đông hoà cùng mầu đen của rừng cây bóng núi, nơi lát nữa, họ sẽ tìm về dưới ánh lửa bập bùng của cây đuốc dầu hoả hay ánh lập loè của ngọn đèn pin. Nơi ấy, là cuộc sống cũ mòn như tấm vải đã trơ lõi sợi...

Trong lúc đám đông còn tần ngần, Quý đã lo xong các khoản thù lao cho đội văn công huyện. Anh ta bảo Vui:

- Bây giờ, tôi phải lo dẫn đội chèo đi ăn cháo gà trước khi họ quay về huyện. Dân làng còn đứng đầy bãi chưa muốn đi. Có tiện thì cô mời bà con đến chơi trước giao thừa. Năm có một lần, cũng phải tạo cho mọi người một đêm ấm cúng.

- Có ngay thôi, chẳng khó với em. Nhưng lát nữa anh đến chứ ?

- Có thể...

Quý đáp nước đôi:

- Tôi sẽ đến nếu mọi việc xong xuôi.

- Thôi được, anh cứ lo phận sự của anh.

Cô Vui trả lời. Đoạn cô đi tới trước đám đông, lên tiếng:

- Bà con chưa thích về xin mời đến nhà tôi uống nước chè, ăn mứt Tết... Đợi giao thừa, quay về tự xông nhà cho chắc ăn !

- Hoan hô, được thế thì cô là người sang nhất hạng !

- Mứt nhà cô tự làm hay mua dưới phố ?

 Mứt xịn dưới phố. Hạt dưa, hạt bí cũng là hàng cấp một, xin đảm bảo chất lượng . Còn chè mạn thơm, chính hiệu Hồng Đào.

- Ai đến nhà cô Vui với tôi nào ?

- Chẳng phải rao ! Người nào có chân, người ấy tự biết đi !...

Không ai nói ra, nhưng người ta ngầm hiểu rằng cuộc tụ tập ở nhà cô Vui chính là màn hai của đêm tất niên, sau tích chèo "Thị Mầu lên chùa", ắt là tình sử của cặp vợ chồng chênh lệch. Bởi họ giàu nhất làng, bởi họ sống một cuộc sống khác biệt với đám đông, nên chắc chắn họ phải biến thành con mồi cho những cuộc đàm tiếu. Đàm tiếu, xưa nay vốn là thứ món ăn tinh thần gần như duy nhất nơi làng xóm, và là thứ độc dược kinh niên ngấm vào xương tuỷ chúng sinh.

Đêm ấy, nhà cô bí thư chi đoàn thắp đèn măng-xông.

Cô sắm cây đèn này từ khi cô ý thức rằng cô đã trở nên có vai có vế, nghĩa là từ khi cô nổi lên trong xã như một bậc Mạnh thường Quân, dù đối với ông Quảng cô cũng chỉ tương tự như võ sĩ lông gà lông vịt so với hạng gấu, hạng voi... Tuy nhiên, đó vẫn là niềm tự hào mà không mấy người đàn bà được quyền nếm trải... Thêm nữa; cô thầm nghĩ rằng mọi thành công của cô đều do cha cô phù trợ nên cô muốn cho ông ở dưới suối vàng được hãnh diện. Như vậy khắp Xóm Tiều Phu, sau ông Quảng giờ cô là người thứ hai có máy nổ bốn ngựa, có đèn măng-xông, những đồ vật được coi là biểu tượng của cuộc sống thịnh vượng. Với người dân vùng này, sau nhà cao sân lớn ắt đến xe ngựa, vừa là thứ tài sản vừa là phương tiện kiếm tiền. Sau xe ngựa ; có máy nổ gia đình để tưới vườn ruộng, và cây đèn măng-xông để thắp sáng tưng bừng trong những dịp lễ tết là niềm ước mơ tột đỉnh. Tết năm nay, cô Vui lại mua thêm được ba bộ ấm chén sứ Hải Dương loại một với chiếc bình pha trà cỡ đại quai đồng. Cô đem ra pha trà thết khách. Chiếc bình đại chứa hai lít nước, mỗi lần pha hết nửa gói Hồng Đào. Dân làng chỉ nhìn thôi cũng đã khiếp. Ở thôn quê, người ta vốn có thói hà tiện. Một gói trà Hồng Đào, với những nhà bình thường, uống dè sẻn ít nhất cũng mươi hôm.

Như thế là, dưới ánh sáng trắng rực của ngọn đèn măng-xông, chén tách sứ mới lóng lánh, trà thơm ngào ngạt bốc hơi, đĩa lớn đĩa nhỏ đựng mứt sen, hạt bí, hạt dưa, và các loại bánh kẹo. Tất cả được bày kín mặt hai chiếc bàn lớn kê sát nhau, trên phủ khăn hoa như bàn đám cưới. Một không khí nồng ấm, hội hè bao phủ khắp hai gian nhà, nơi người làng ngồi túm tụm nhau theo xóm hoặc theo dây mơ rễ má họ hàng. Không khí ấy khiến con người tự nhiên hào hứng và cởi mở. Người ta chuyện trò như pháo ran, từ chuyện cô con dâu nhà bà Côi ở xóm Thượng đẻ sinh ba đến chuyện con nghé nhà lão Tự say ở thôn Hạ bị cố ý đánh què để ngả ra thịt. Từ chuyện cô diễn viên đóng vai Thị Mầu có cặp vú lép đến nỗi mỗi khi cô ta cử động thì những miếng mút đệm trong su-chiêng trồi lên trụt xuống trông đến là buồn cười, đến chuyện con gái ông Huân ở xã bên chửa ngoài dạ con đem xuống bệnh viện tỉnh, tốn một tạ tiền cũng không cứu được thai... v... v...

Rồi một ông bỗng lớn tiếng gọi:

- Bà chủ ơi, tôi vốn có thói xấu là bụng cao dạ dốc... Chẳng hay có thể kiếm được miếng bánh hay khúc giò ở đây không ?

Cô chủ đứng lên:

- Có ngay...

Nhưng vợ ông ta lên tiếng trấn áp:

- Nhà ông này rõ vô duyên, không nhịn được đến giao thừa hay sao ?

Ông chồng vặc lại:

- Việc gì phải nhịn ? Đói ngày giỗ cha no ba ngày tết. Chỗ láng giềng, cô ấy lại có bụng mời.

Bà vợ phân bua:

- Miếng ăn chẳng to, nhưng người ta lại phải đụng vào dao vào thớt, lại phải dọn dẹp, rửa tay. Trời rét thế này !...

Đến đó, làng xóm ùn ùn hùn vào:

- Kệ ông ấy. Đói thì làm sao mà ngồi uống nước chè ăn bánh kẹo như mấy bà cho được ?

- Đúng đấy ! Tôi tán thành. Cô Vui ơi, cho tôi chén rượu. Lũ đàn ông cứ phải có chén rượu mới xôm trò được. Các cụ dạy: Phi tửu bất thành lễ. Tôi xin phép nói trại đi: Phi tửu bất thành đêm tất niên. Ai tán thành ý kiến của tôi ?

- Tôi.

- Tôi cũng vậy.

- Tôi nữa !

- Cả tôi nữa, cô chủ ạ...

- Được thôi, không có gì khó khăn. Nhưng trong đám các bà, ai sẵn lòng đứng lên giúp tôi một tay nhỉ ?

- Vâng, có tôi đây ! Tôi đã trót lấy một cục nợ thành ra phải đèo bòng.

Đấy là giọng bà vợ có ông chồng háu ăn đòi cỗ mặn trước tiên. Đương nhiên, sau lượt bà ấy là ba bà khác, phu nhân của các đức lang quân chủ trương:phi tửu bất thành đàn ông. Một thứ lo-gic ngầm ẩn chỉ định họ phải đứng lên , gánh bớt những phiền nhiễu cho gia chủ.Và, như thế, một phần đêm tiệc trà đã biến thành cỗ mặn với đầy đủ giò, rượu, bánh chưng, măng nấu sườn, thịt kho và hành muối. Tuy là một thứ cỗ tuỳ hứng, chỉ được chuẩn bị trong vòng mười lăm phút, nhưng cũng đủ món cho các ông nâng đũa lên hạ đũa xuống một cách sung sướng.

Khi hai mâm cỗ đầy, mỗi mâm kèm theo hai chai rượu lớn được bưng lên và đặt trên hai chiếc phản lớn kê đối diện nhau thì cánh đàn ông háo hức sà xuống . Mỗi cỗ sáu người, vị chi mười hai người. Cô chủ kê một chiếc ghế chính ở lối đi giữa hai tấm phản để cùng một lúc có thể tiếp rượu cả hai bên:

- Các bà tự pha trà, thỉnh mứt nhé. Tôi đành phải hầu chuyện đám các ông vậy.

Cô chủ tuyên bố.

Các bà nhao nhao đáp:

- Cứ tiếp họ, chẳng phải lo cho chúng tôi.

Nói thế thôi nhưng các bà cũng bưng bánh kẹo, trà nước tới chầu rìa sau lưng đám đàn ông để hóng chuyện. Người ta không quên rằng, đấy mới chính là phần cốt lõi nhất của buổi tối hôm nay, sau tích hát chèo.
 

***
 

Làng Khoai là làng nghèo nhất xã Hưng Mỹ.

Tỉnh Hà Tây khá rộng, nhưng sự phân bố ruộng đất cũng như nghề nghiệp giữa các vùng vô cùng chênh lệch. Người giàu nhất làng Sơn nam cũng chỉ ngang với kẻ cùng đinh ở làng Nam lộc, tuy hai làng cách nhau chưa đầy mười lăm cây số. Cứ như thế mà so sánh, làng Khoai ắt hẳn là làng nghèo nhất trong đám các làng nghèo. Cái tên làng Khoai chỉ ra rằng từ xửa từ xưa, dân ở đây làm quen với khoai hơn là với gạo và các thứ thực phẩm khác. Đương nhiên dạ dầy họ phải thích ứng để quanh năm xơi các loại khoai luộc, khoai nướng, khoai nấu độn cơm, cả thứ khoai Vàng Anh bở tung như đỗ xanh đồ lẫn khoai mật nghệ trong suốt như thạch, cả thứ khoai ngọt như mía lùi được gọi là khoai Hoàng hậu, đến thứ khoai tăng sản được dặm vào cuối mùa, vỏ trắng ruột cũng trắng nhạt như nước ốc, thường gọi là khoai Trung-Hoà ; cả khoai lang lẫn khoai sọ, khoai môn.

Thế nhưng đời nào cũng vậy, làng Khoai đều có mỹ nhân. Đấy là niềm tự hào duy nhất của dân sở tại. Đấy cũng là niềm an ủi duy nhất để bù lại sự khắc nghiệt của số phận mà họ phải chịu đựng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Con gái làng Khoai dù chẳng là mỹ nhân cũng có nước da trắng muốt . Dù họ dãi dầu ngoài ruộng bãi cũng chỉ hai bàn tay bị mặt trời làm đen đi chút đỉnh nhưng so với đàn bà con gái tất thảy mọi làng, da họ trắng và đẹp một cách lạ kì. Người ta cho rằng làng Khoai nửa cận sông, nửa gần núi, khí trời thanh thoáng khiến cho da dẻ đàn bà con gái tươi nhuận quanh năm. Thứ nữa, mắt họ từa tựa như mắt đàn bà Chàm, mênh mông thăm thẳm, với những cặp mi dài ngút ngát, cong veo. Người ta nhắc rằng thời trước, có một toán tù binh Chàm bị đầy về tận đây để khai đất khẩn hoang cho một tướng công được triều đình phong tước. Toán tù binh này ăn chung ở lộn với đám dân sở tại, rồi vì họ có tay nghề thợ mộc thợ nề giỏi, mang lại nhiều lợi tức cho vị tướng mà họ được phép dựng vợ gả chồng với các gia nhân. Hậu duệ của những cặp vợ chồng này vì thế có những cặp mắt lớn, trong vẻo trong veo mà lại buồn như cảnh tàn thu vậy. Tóm lại, nhan sắc con gái làng Khoai đã trở thành truyền thuyết từ bao nhiêu đời, làm nức lòng đám con trai các vùng lân cận và gây nên mối hiềm khích với các cô gái khác làng, khác xã. Người làng Khoai có thể kể vanh vách thời Trần triều bà nào được tuyển vào làm chánh hậu, đời Hậu Lê ai được kết duyên với quan tể tướng, đời Minh Mạng ai được tuyển vào làm ái thiếp, đời Tự Đức ai được làm thứ phi... Cho tới thời cách mạng này, cũng có bà Lan lấy được ông bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình, còn cô Nga được tuyển vào đoàn văn công tổng cục chính trị, nay đi Liên-xô, mai đi Tiệp-khắc như cơm bữa...

Cô Ngân sinh ra trong một làng nghèo với bao nhiêu niềm tự hào về dung nhan của các ái nữ. Mẹ cô đã từng là cô gái xinh đẹp nhất huyện nhưng chưa kịp được một vị quan tỉnh hay vị nha lại đầu huyện dòm ngó đã phải lòng bố cô, anh giáo làng. Anh giáo quèn lại lớn lên trong một gia đình nghèo rớt mùng tơi giữa một làng nghèo, nhưng vì là đứa con duy nhất nên cả cha lẫn mẹ đều thắt lưng buộc bụng cho anh học đủ chữ để trở thành giáo viên cấp một. Như thế, anh giáo quèn vô cùng biết ơn vợ vì cô đã lấy anh, chứ không vào đoàn văn công quân khu hay chờ đợi một vị hôn phu sang giàu nào khác. Từ thuở nhỏ cho đến khi trở thành thiếu nữ, có đến cả ngàn lần Ngân được nghe bố kể:

" Mẹ con đã được tuyển vào đoàn văn công quân khu tả ngạn rồi đấy. Có kém cạnh ai đâu. Chẳng qua bố tốt số nên lấy được mẹ thôi !"

Khi cô lớn lên, nhan sắc còn đậm đà hơn mẹ. Bố cô vừa dạy học, vừa đánh dậm hoặc đan cói vào buổi tối để cô đủ tiền theo học cho đến hết cấp hai. Ông nuôi một niềm ước mơ không che đậy:

" Con xinh đẹp hơn cả mẹ con ngày trước. Con lại được học hành. Sau này nhất định con còn sung sướng hơn cô Nga xóm Mới, nay cưỡi máy bay mai lên tầu thuỷ vượt biển khơi..."

Như vậy, tương lai cô gần như đã được định sẵn, giống như một bức hoạ đã được phác thảo kĩ lưỡng, chỉ chờ ngày hoạ sĩ đủ cảm hứng để phết lên đó những nhát sơn dầu: Cô sẽ được tuyển vào đoàn văn công trung ương hoặc đoàn văn công tổng cục chính trị, sẽ đi Liên xô, Trung quốc và hàng trăm nước khác như cơm bữa, làm vinh hiển cho toàn gia !

Nhưng trong lúc cả ông bố lẫn bà mẹ đang còn bận lo toan nuôi hai đứa con trai và đinh ninh trong dạ rằng Ngân sẽ thực hiện đúng chương trình của họ thì cô đã lớn. Tuy mới mười sáu tuổi, nhưng nhan sắc lộng lẫy của cô quyến rũ không biết bao nhiêu bạn đồng môn, và không ít các anh giáo trẻ trong trường cấp hai của huyện. Tựa ngọn đèn bắt sâu ban đêm giữa cánh đồng, mời gọi lũ bướm đêm bay tới, múa lượn, say sưa mà chết thiêu chết rụi ; vẻ tươi cười nhí nhảnh của Ngân khiến cho bao nhiêu bạn học bị kỉ luật, bởi nhà trường cấm học sinh được tự do yêu đương khi chưa tới tuổi thành niên. Tuổi thành niên, theo quy định luật pháp, là mười tám. Nhưng sau khi đã thiêu chết hằng hà sa số bướm đêm, ngọn lửa đèn ắt phải tắt. Vì một lẽ nào đấy, vì lũ bướm tội nghiệp kia chất chồng khiến nó thiếu ô-xy, vì cạn dầu, vì gió thổi ? Cũng như vậy, sau khi đã chứng kiến bao nhiêu chàng trai ngã ngựa vì mình, đến lượt chính Ngân bị đánh gục, không phải với những gã trai khờ khạo đồng lứa, nhưng bởi ông giáo dạy văn, người mực thước, một vợ ba con. Ông giáo Tường.

Không ai biết đầu cuối tình sử của họ. Bởi ông giáo Tường sống với vợ con ngay trong khu gia đình giáo viên trường huyện. Một dãy nhà lợp ngói chạy dài với hàng hiên hẹp, chia thành từng lô nhỏ, giống nhau cả về hình dáng lẫn chất liệu, được xây cất một cách tùng tiệm và ẩu tả, trông hệt như một dãy hộp các-tông. Trước khu nhà đó là khoảng đất trống với dăm cây bàng, được dùng làm sân chơi bóng chuyền, bóng rổ của giáo viên lẫn học sinh. Sau khu nhà ấy là vườn tăng gia của các giáo viên giúp cho họ cải thiện đời sống vì đồng lương không bao giờ đủ, nhất là với những ai đã có gia đình. Người ta vẫn thấy ông giáo Tường cầm ô-doa tưới su hào bắp cải vào các buổi chiều, vẫn thấy vợ ông quần ống thấp ống cao te tái lùa gà vào chuồng lúc nhọ mặt người hoặc vẫn thấy chị ta cầm đèn pin đi nhặt trứng lúc gần nửa đêm. Đấy là một người đàn bà nhỏ bé, gầy nhẳng, vẻ buồn rầu không lúc nào thiếu vắng trên gương mặt nhọn như mặt chim. Họ đã sống trong khu tập thể ấy từ khi mới cưới nhau, anh Tường được bổ nhiệm về trường huyện sau khi tốt nghiệp sư phạm trung cấp tỉnh, còn chị vợ bán thuốc trong cửa hàng dược phẩm. Từ bấy đến nay họ đã có ba đứa con trai, đứa lớn nhất mười ba tuổi, đứa thứ hai mười một, đứa út, chắc là vỡ kế hoạch nên mới lên ba. Trong tình cảnh như vậy, không ai tưởng tượng nổi có một mối tình lãng mạn, say đắm nảy nở giữa một cô thiếu nữ mười sáu, đẹp lồng lộng như trăng rằm, với một ông giáo sắp sửa tứ tuần, râu một ngày quên cạo thì mặt tối như hũ nút, áo quần cũ nát, răng lẫn ngón tay ám thuốc lá vàng khè.

Khi mọi chuyện vỡ lở, nghĩa là khi Ngân có thai, thiên hạ gần như cuồng lên vì sửng sốt. Đám học sinh đã đành. Nhưng những người lớn, giáo viên, cán bộ huyện, công nhân các nhà máy trung ương đóng trong vùng, và cả dân thường... tất cả đều muốn biết căn nguyên một mối tình phi lý hoàn toàn, theo ý họ. Chuyện thầy trò yêu đương lan khắp nơi cùng chốn, ào ào như lửa bỏng, nước sôi:

- Quỷ ám, đích thị là quỷ ám !

- Làm chó gì có quỷ, chuyện dị đoan. Tôi cho rằng thằng cha này dẻo mồm tán. Người ta bảo:đàn ông yêu bằng mắt ; đàn bà yêu bằng tai.

- Mắt với tai thì cũng phải có lý. Đời thuở nhà ai con bé lại tự nguyện yêu một lão bằng tuổi bố nó bao giờ ? Hoạ là điên ! Nếu không điên, ắt hẳn thằng cha này bỏ bùa yêu cho nó. Trước đây, em họ tôi đi dân công trên Tây bắc, bị một đứa con gái Thái đen bỏ bùa yêu. Cứ mỗi lần tìm cách quay về đồng bằng là lên cơn điên, mắt trợn trừng, mồm lảm nhảm nói toàn tiếng Thái. Gia đình đành phải đưa lên sống với đứa con gái kia.

- Cho đến tận bây giờ ?

- Chính thế. Con vợ nó chờ đến năm năm rồi cũng phải xin xã làm thủ tục ly dị để đi lấy chồng. Hai đứa con gửi cho chú thím tôi nuôi.

- Tôi không tin chuyện bỏ bùa yêu.

- Tôi tin.

- Tôi cho rằng lão giáo này có thuật chài đàn bà con gái mà chúng ta không biết được.

- Thuật gì ?

- Thôi miên chẳng hạn. Thằng cha này trông hom hem thế nhưng khi nó nhìn ai, người ta cứ như bị đóng đinh câu rút, không động cựa nổi. Tôi cho là con bé bị cặp mắt nó hút hồn.

- Có thể ! Nhưng nếu thế sao từ trước tới nay nó không chài những đứa khác ? Khoá học nào chẳng có vài cô xinh ?

- Đúng vậy. Từ trước đến nay ông ta có chuyện trăng gió nào đâu ? Nếu là kẻ chuyên mồi chài ong bướm hẳn mọi sự đã phải xảy ra từ lâu. Mười lăm năm qua, thiếu gì học trò đẹp, tại sao phải chờ đến lượt con Ngân ?

- Vì số mạng định thế. Đến ngày đến tháng, cái thai mới chui ra khỏi bụng mẹ. Cũng như vậy, đến ngày đến tháng, tai hoạ mới hiện hình.

- Ông cho thế là tai hoạ à ? Tôi lại cho là phúc cơ đấy. Đương nhiên, được ngủ với một đứa con gái còn trinh tiết, lại xinh đẹp như tiên. Chẳng khác chi được bước vào thiên đường.

- Nhưng sau thiên đường là địa ngục. Mọi người chưa biết chuyện bố con Ngân lồng lộn kiện nhà trường, vác dao đòi giết lão giáo Tường. LãoTường phải trốn lên tỉnh. Bây giờ, nghe đâu đã nhận kỉ luật chuyển đi nơi khác.

- Chuyển đi đâu ?

- Tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn là một tỉnh biên giới. Trên đó, ông ta bị phân công tới một nơi khỉ ho cò gáy, dạy đám tân binh trong trường đào tạo hạ sĩ quan. Các trường đào tạo sĩ quan cao cấp thường ở gần thành phố lớn, nhưng các trường đào tạo hạ sĩ quan bao giờ cũng bị tống vào những miền chó ăn đá, gà ăn sỏi. Ở những nơi ấy, ngọn rau muống cũng hiếm. Thức ăn đầu bảng quanh năm là cá khô với mắm tôm.

- Đáng kiếp thằng dê già. Luật nhân quả chẳng bao giờ sai. Đã hưởng lộc trinh tiết, đã nếm da thịt con gái trắng như trứng gà bóc thì sau đó mãn kiếp mút cá mắm khô cũng là phải.

- Địa vị tôi là bố con bé Ngân, tôi cũng vác dao cho thằng cha này một nhát. Hết một đời con gái. Uổng một kiếp giai nhân !

- Ông cho nó một nhát thì ông cũng phải ngồi bóc lịch trong tù. Mà đã dan díu nhau ắt hẳn phải tự cả đôi bên, cả anh lẫn ả... can cớ chi đâm chém người ta ?

- Ông ngu thật. Theo luật, mười tám tuổi mới thành niên. Con cái Ngân mới mười sáu... Ngủ với nó tức là thằng cha kia phạm luật. Tội ấy gọi đích danh là: Quyến rũ trẻ vị thành niên. Đáng lẽ nó phải bị truy tố và tù ngồi ít nhất bốn năm. Nhưng bác ruột nó là chánh án toà án tỉnh.Vì lẽ ấy mới thoát được cửa tù.

- Ra thế, tôi không biết.

- Ông không đọc luật à ?

- Thời giờ đâu mà đọc luật. Ngày làm hai ca, có khi ba ca thông tầm. Tuần làm sáu buổi, có khi chủ nhật còn phải lao động công ích xã hội chủ nghĩa. Về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ. Trèo lên bụng vợ còn lười huống chi ngồi đọc luật ?

- Thế con gái ông lên mấy rồi ?

- Mười hai.

- Vậy thì hãy lo đọc luật từ bây giờ. Có ngủ chỉ nên nhắm một mắt, mắt kia phải mở mà ngó nghiêng, mà liếc ngang liếc dọc. Nếu không lại có thằng cha nào bằng tuổi ông nó ngấp nghé gọi ông là bố vợ bây giờ.

- Đồ đểu ! Tại sao ông độc mồm độc miệng thế ? Ông cầu cho tôi khốn nạn như lão giáo làng Khoai hay sao ?

- Tôi không cầu cho ông khốn khổ như vậy. Nhưng biết lo xa thì tránh được cái hoạ gần.

Quả tình, tất cả những gia đình có con gái tuổi dậy thì đều nháo nhác sau câu chuyện tình oái oăm trên. Người ta hiểu được nỗi đau đớn của ông giáo làng Khoai. Vì sao một con người hiền lành nhu thuận như thế lại vác dao lên huyện giữa thanh thiên bạch nhật. Ông giáo Tường chỉ kém bố cô Ngân hai tuổi, nhưng vì mắt sâu, râu rậm nên trông mã còn có vẻ già hơn. Giá như ông ta là đại gia đại phú, hoặc là quan lớn đầu tỉnh hoặc bậc lương đống triều đình, người ta còn có thể châm chước. Nhưng đằng này, ông giáo dạy văn trường huyện lại là kẻ "trên răng dưới dái", mà đã thế lại là dái già... nên thiên hạ bất khoan dung.

Lúc ấy, cái thai trong bụng cô Ngân đã sang tháng thứ tư ; kể thì cũng khá muộn nhưng nhà trường vẫn cho giấy giới thiệu vào bệnh viện huyện xin " nạo thai cho nữ sinh vì lý do tai nạn đạo đức ". Mẹ Ngân đưa con gái nhập viện buổi tối, cả hai đều lấy khăn bịt mặt chỉ để hở hai con mắt, nón đội sụp xuống ngang mày. Bố Ngân tuyên bố từ con gái. Ông giáo làng bảo vợ:

" Giá nó cầm dao đâm thẳng vào tim tôi còn hơn là nó đẩy tôi vào tình cảnh này. Kể từ nay, dưới mái nhà này có nó thì chẳng có tôi, và ngược lại. Tuỳ mình chọn..."

Vợ ông không dám chọn, bởi bên chồng bên con đều là máu thịt cả. Đưa Ngân vào viện nạo thai xong, bà giáo dẫn con về gửi mẹ. Ở đó, Ngân sống với cậu mợ và bà ngoại. Hơn một năm sau, cậu Ngân vốn là thợ nề tay nghề cao xin cho cô chân thợ quét vôi dưới công trường. Còn ông giáo Tường, không nghe thấy tin tức gì nữa. Có tới một năm ròng, người ta thấy vợ ông, người đàn bà teo tóp như cây rau cải phơi nắng vẫn bán thuốc trong cửa hàng phố huyện. Gương mặt vốn dĩ nhọn như mặt chim nay càng quắt lại, trơ cả xương hai gò má lẫn xương sống mũi. Qua tết, không còn thấy chị ta trong cửa hàng dược phẩm huyện. Bốn mẹ con nghe đâu dắt díu nhau về tỉnh Thanh, quê ngoại. Gian nhà của ông giáo Tường khoá cửa một vài tháng rồi được phân cho giáo viên thể dục mới về.
 

***
 

Khi ông Quảng và cô Ngân quyết tâm gắn bó keo sơn, họ tính chuyện hợp lý hoá cuộc sống đôi lứa. Trong tình cảnh gia đình như vậy, cô Ngân không muốn cưới xin linh đình theo cách của mọi người. Trước hết, cô không muốn khuấy lại dòng nước đã lắng. Vết thương cũ của ông giáo làng chắc chắn chưa lành, nếu cơn cớ chi chạm tới, ắt máu lại ròng ròng chảy. Người làng vẫn nhắc lại cảnh bố Ngân bỏ lên lớp, bỏ ruộng cày cả tháng, băm nát mớ đồ nghề đánh dậm, chũm cá sông. Đêm đêm, ông giáo đi như cuồng cẳng trên đường làng, chốc chốc lại ngửa cổ lên tru như chó sói gọi đàn khiến chủ tịch xã là cậu ruột, phải bỏ tiền mời bác sĩ tỉnh về tiêm. Ai cũng ngỡ ông ta sẽ khăn gói vào nhà thương điên, không chóng thì chầy. May phúc đức tổ tiên, và cũng nhờ tay nghề bác sĩ tỉnh mà ông ta đã hoàn hồn, tuy thi thoảng vẫn có những cử chỉ hoặc những câu nói không thật sáng suốt. Cô con gái chính là toàn bộ giấc mơ vinh quang của người cha. Giấc mơ ấy tan tành như chiếc gương bị đập vụn. Ông giáo làng không muốn chấp nhận sự thực đau lòng ấy. Ông tìm cách tẩy xoá mọi dấu vết của thời mơ mộng cũ. Tất thảy những gì liên quan đến Ngân đều bị ông đem đốt hoặc trôi sông. Những tấm ảnh xinh đẹp treo đầy tường. Hòm quần áo. Rổ đồ khâu khi cô học nữ công gia chánh. Những con búp-bê vải cô tự khâu. Những quyển vở chi chít điểm son từ khi cô còn học cấp một. Tất thảy những kỉ niệm của một niềm tự hào quá lớn chung sống với một giấc mơ ban ngày kéo quá dài.

Ông Quảng đã từng làm cha. Ông hiểu lòng tự ái tổn thương sẽ xô đẩy con người vào thứ địa ngục nào. Những năm tháng lăn lộn trên đủ miền đất, rong ruổi trên mọi nẻo đường dậy cho ông biết cảm thông và nhẫn nhịn. Hạnh phúc của ông ắt sẽ đòi thử thách. Chính ông là người gánh vác chứ không phải Ngân. Sau khi tính đi tính lại, họ quyết định nhờ người cậu Ngân mời mẹ cô xuống công trường chơi. Ở đó, đêm thứ nhất bà mẹ được nghe cô con gái kể lại tình sử của cô với một người đàn ông hơn cô bốn mươi ba tuổi, bậc Từ Hải tái sinh đã dang tay che chở cứu cô thoát khỏi kẻ hung đồ. Ngày thứ hai, cô đưa mẹ đi chơi phố, sắm sanh cho gia đình tất thảy những gì làm cho con mắt mọi người có thể sáng rực lên như đèn điện. Ngày thứ ba, mới là bữa cơm chính thức giữa bà mẹ vợ và chàng rể tương lai hơn bà hai mươi bốn tuổi. Có một sự trùng hợp khiến cho cả hai bên đều không tránh được ngượng ngùng: bố của Ngân sinh cùng tháng cùng năm với Quý, con trai đầu ông Quảng, họ chỉ khác biệt nhau về ngày sinh.

Tuy nhiên, mẹ Ngân là người thực tiễn. Bà hiểu rằng con gái mình đã lỡ trớn không thể nào tìm lại được cơ hội cũ. Như con thuyền bị lũ cuốn xuôi chẳng thể quay ngược dòng. Nếu cô cảm thấy sung sướng với những người đàn ông hơn cô nhiều tuổi chắc chắn vì số mạng của cô đã định sẵn một lối kết duyên trái khoáy, ngược đời như vậy. Không ai chống lại được luật trời. Từ ông giáo Tường đến ông Quảng, đường đời của cô đã vạch sẵn theo những đường chỉ kẻ trên lòng bàn tay. Bà thở dài, nhưng bà chấp thuận tất thảy những gì không thể thay đổi được. Thêm nữa, đối với người làng Khoai, vật chất có giá trị mạnh mẽ. Người chồng tương lai của Ngân sẽ đem lại cho cô một đời sống vật chất tối đa. Và đó là sự bù trả của định mệnh.

Ngày thứ tư, bà mẹ khệ nệ xách hai chiếc hòm quay về làng . Bà không nói gì với ông giáo về cuộc gặp gỡ cô con, chỉ lẳng lặng thu dọn đồ đạc và dáo dác:

- Ít bữa nữa thế nào cậu cháu cái Ngân cũng gửi thợ về làm nhà. Dưới đó, nó dành dụm được ối tiền.

- Tôi đã bảo mình là đừng bao giờ nhắc lại tên nó trước mặt tôi.

- A, tôi quên. Vậy từ giờ tôi chỉ nhắc tới cậu nó. Tháng tới cậu ấy sẽ giúp chúng ta sửa nhà.

- Làm gì tuỳ ý. Nhà này quyền ở mình từ xưa đến nay.

Ông giáo đáp chủng chẳng rồi chắp tay sau đít đi ra ngõ.

Hai tuần sau, em bà giáo dẫn một tốp thợ tám người về làng Khoai. Kèm theo họ là ba xe tải chở gỗ, gạch, xi-măng lẫn các phụ liệu khác. Dân làng xúm lại xem như đêm rằm tháng tám trẻ con xem đèn kéo quân.

Làng Khoai chưa từng có một mái ngói. Cả làng thuần một kiểu nhà lợp rơm hoặc lá cọ, tường xây bằng đủ loại chum vại sành, tiểu sành hư hỏng, mua ở làng bên. Làng láng giềng là Quách Thổ, một làng bề thế với trên bốn ngàn dân, giàu có từ nhiều đời đổ lại . Họ giàu vì họ không làm ruộng mà chỉ chuyên làm đồ sành. Đất vùng Quách Thổ là thứ đất sét tuyệt hảo để chế tác các loại vật dụng bằng sành , trước hết là tiểu. Tiểu lại là mặt hàng đời đời kiếp kiếp cần thiết cho chúng sinh. Dù giàu hay nghèo, bất luận muốn hay không muốn, nhà nào cũng có người chết, qua ba bốn năm phải rửa xương cốt cho vào tiểu sành chôn lại lần thứ hai. Lần này mới thực là lần hoàn tất thủ tục ma chay, và như thế chiếc tiểu sành được coi như nơi trú ngụ cuối cùng của vong linh, ngôi nhà vĩnh cửu nếu vong linh đó không có cơ may đi đầu thai lại. Bởi thế, tiểu sành là thứ mặt hàng bắt buộc phải tiêu dùng đối vớ tất thảy dân cư. Nghề làm tiểu sành được coi như thứ nghề danh giá nhất trong vùng. Người ta không cho phép kẻ ngoại nhân được học nghề ấy. Con gái con trai làng Quách Thổ buộc phải kết hôn nội trong ba dòng họ thống lĩnh nghề này. Nếu kẻ nào dám mạo muội vượt qua lề luật, buộc phải đi biệt xứ, hoặc vào Nam kì, hoặc ngược lên biên giới phương Bắc. Nếu quanh quẩn trong vùng châu thổ sông Hồng, thế nào cũng bị phát hiện và rượt đuổi. Còn trường hợp hãn hữu, những kẻ bạo phổi to gan dám mở lò nung tiểu sành hay chum vại theo nghề cũ ; ắt phải liệu thân ; cuối mọi ngả đường đều có kẻ rình đánh cho tàn tật. Vì lý do ấy, cả vùng nhìn dân làng này như nhìn những kẻ thù bất dung thứ, vừa là lũ giàu sang ngạo ngược vừa là những kẻ độc ác, tay dính máu người. Để mua lại đôi chút tình cảm vờ vĩnh của dân các vùng phụ cận, tức khách hàng vĩnh cửu của mình, dân làng Quách Thổ bán lại những chum vại nổ, vỡ, méo mó hoặc non lửa hoặc già lửa và những chiếc tiểu không đủ tiêu chuẩn với giá rẻ như bèo . Khách hàng đầu bảng của họ chính là dân làng Khoai, làng bần cùng nhất trong đám làng bần cùng. Xây cả một ngôi nhà năm gian bằng những thứ chum méo, vại thủng hay tiểu sành vỡ đáy này chỉ tốn bằng tiền mua một chiếc tiểu đúng chất lượng. Thế là ngôi nhà dành cho cả chục người sống cũng chỉ trị giá như nấm mộ cỏn con dành cho người dưới tuyền đài. Dân làng Khoai quen với hình dáng kinh dị của những ngôi nhà xây bằng đồ phế thải. Nhưng nếu khách giang hồ lạc đường ghé qua đây, ắt hẳn phải giật mình kinh sợ vì những bức tường cong queo, lồi lõm, khi phình ra như những chiếc bụng ỏng, khi dúm lại như vỏ quả bóng xì hơi. Chúng đem lại nỗi ngần ngại hãi hùng, vì với hình dạng kì dị như thế, chúng gần với hang hốc, nơi trú ngụ của gấu ngựa hay hùm beo chứ không phải những ngôi nhà dành cho con người. Vì lẽ đó, hình ảnh những ngôi nhà ngay ngắn, đẹp đẽ, với mái ngói đỏ au là giấc mơ tót vời của người dân ở đây. Và là một giấc mơ bất khả trong hiện tại. Như thế, đủ hiểu vì sao người ta xúm đen xúm đỏ xem những chiếc xe chở vật liệu và toán thợ tỉnh về làng như du khách xem bảo tàng.

Công việc xây dựng tiến hành một cách hối hả. Cậu em bà giáo ở lại trực tiếp chỉ huy. Ngôi nhà hai tầng hiện lên như trong chuyện cổ tích. Nó vượt qua trí tưởng tượng của mọi người. Nhà mình xây xong, bà giáo có nhã ý tặng cho ông cậu chồng đương kim chủ tịch xã nửa xe gạch và xi-măng còn thừa, động viên ông cậu: " Dấn lên, cháu ghé vai gánh đỡ một nửa ". Ông chủ tịch dấn lên thật, vì cơ hội ngàn năm có một mà bỏ qua thì hoạ là điên... Bà giáo hỗ trợ ông để có thể thay đủ bốn bức tường gạch với lên một mái ngói. Còn cậu em bà tự nguyện chờ đến năm sau.

Hôm khánh thành nhà mới, bà giáo làm hai mươi mâm cỗ mời họ hàng. Một tuần sau, ông chủ tịch quyết định cho cửa hàng kinh doanh xã dời về tầng chệt nhà bà bởi không thể tìm đâu ra một nơi lý tưởng đến thế cho dân làng tụ họp, nhận các phần tem phiếu và mua mọi loại nhu yếu phẩm, từ mắm muối, len vải sợi, đến sách bút cho trẻ em, thuốc thang cho người ốm, từ quần đùi, may-ô, sơ-mi dệt cho các ông cho đến gương lược, kim chỉ, sáp chống nẻ môi và nước hoa rẻ tiền cho các cô các bà. Bốn gian phòng thênh thang khả dĩ vừa làm cửa hàng, vừa làm kho chứa, vừa là nơi khách ngồi chuyện gẫu. Như thế, đương nhiên bà giáo được bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng, thay cho cô cửa hàng trưởng cũ vừa bị kỉ luật vì tham ô. Ông giáo lẫn hai cậu con trai rút lên tầng trên. Tầng này, cũng có ba gian rộng rãi, ngoài nơi làm việc, ăn uống của ba bố con, ông vẫn còn nơi thờ cúng tổ tiên, hoặc ngồi ngắm cảnh. Cuộc đổi đời xảy ra gần như trong chớp mắt, giống như chiếc đũa thần của bà tiên chạm vào mớ áo quần rách rưới của nàng Lọ Lem và biến chúng thành xiêm y lộng lẫy, chạm vào quả bầu để biến nó thành cỗ xe ngựa xa hoa chở nàng đến với Hoàng tử trong Vương quốc của những chiếc giầy thuỷ tinh.

Dân làng Khoai dù đã được mời ăn cỗ nhưng vẫn điên lên vì bỗng dưng chuyện cổ tích hiện về. Mà nếu chuyện cổ tích đã hiện về thì những nén vàng thoi bạc phải chia đều cho chúng sinh, cớ sao bao nhiêu ân sủng dồn cả cho lão giáo làng ngơ ngẩn ? Thế là người ta cố công moi cho ra bí ẩn của sự việc.

Cuộc dò tìm không mấy khó khăn bởi tám gã thợ kia trong lúc làm nhà đã đủ thời gian để liếc các cô gái làng và chết mê chết mệt vì nhan sắc của họ. Trong đám thợ ấy ngoài những gã đã hai ba mụn con với một nái xề giữ chuồng gà chuồng lợn nơi quê nhà cũng còn được hai chàng chưa vợ. Hai gã thợ xây trẻ nếm cơm thiên hạ đã mòn môi , nhận ngay ra vẻ đẹp của các cô gái trong cái làng nghèo xa lắc xa lơ, nơi cùng sông cuối núi này. Cả hai quyết tâm cưa bằng đổ các cô, quyết tâm " đi theo gót ông già kháu lão chịu chơi tên là Quảng ". Vài bữa cơm rượu trong nhà người đẹp đủ cho hai chàng trai phun ra tất thảy mọi bí mật về tình sử "cô Ngân, ông Quảng", kèm theo những bình phẩm của mọi loại dân trên công trường. Sau rốt, người ta được thoả mãn vì đã tìm thấy chiếc đũa thần của bà tiên, chiếc đũa biến những con cóc thành cặp giầy thuỷ tinh tuyệt mỹ.

Lần này, mọi dư luận không còn chạm tới ông giáo làng được nữa, bởi ông cố thủ trên căn gác, suốt ngày ngồi đọc sách. Cậu em vợ khuân hai thùng sách cũ thư viện công trường thải ra đem về làng, làm quà tặng cho ông anh rể, kèm theo ngọn đèn điện chạy ắc-quy. Người ta thường xuyên nhìn thấy ông qua khuôn cửa sổ thênh thang của căn gác, nghiêng đầu trên chồng sách , thay vì hì hụi đánh dậm ban đêm hoặc chổng mông lên mò cua giữa trưa hè một thuở chưa xa. Bà giáo tươi cười như hoa, càng ngày càng béo phây phây, má đỏ hồng như má con gái. Bà mặc vải phin nõn hoa, tai đeo nụ chân đi dép Trung Quốc tím trong suốt, kể như thế đã là giấc mơ tột đỉnh của đám đàn bà cầy cuốc đương thời.

Tuy nhiên, bà không bao giờ dám nhắc đến tên con gái. Vài tuần sau ngày khánh thành nhà mới; nghe đâu ông Quảng cô Ngân về làng đăng kí kết hôn. Nếu quả thực như vậy, chắc chắn chủ tịch xã sẽ đích danh làm thủ tục. Còn nhân chứng hẳn không thể là ai khác ngoài bà mẹ vợ và cậu em trai của bà. Tất thảy diễn âm thầm và vô cùng mau lẹ, người ngoài cuộc chẳng thể biết. Bởi chính chủ tịch xã không hé môi nói nửa lời. Người ta đồn thổi hoặc suy đoán như vậy vì bắt gặp cặp vợ chồng mới quay trở lại chiếc xe ô-tô chờ họ bên kia sông để trở về thành phố. Đưa chân họ là bà mẹ và ông cậu. Chủ tịch xã tươi cười vẫy tay chào . Cô Ngân nhỏ nước mắt trước khi trèo lên xe. Cô nhìn vài lượt làng cũ, con sông, cánh đồng... nơi chôn rau cắt rốn, nơi đớn đau thân thiết, nơi cô sẽ không còn có cơ quay trở lại.
 

Coi tiếp: Truyện Xóm Tiều Phu (3)
 

www.geocities.ws/xoathantuong