NGƯỜI ANH EM ĐỒNG HAO KHÔNG BIẾT MẶT (3)
 

Thứ bẩy tuần sau đó, An sẽ không còn thời gian để khóc.

Khi anh đạp xe tới nơi, ba người lính mặc thường phục nhìn anh với những con mắt âm u như mắt loài quỷ dơi chuyên sống trong các hang sâu, trước hết, cái nhìn của Nông Tài, gã người Tày duy nhất trong nhóm cận vệ. Dường như trong cái nhìn của gã, ẩn chứa một tiếng thét hãi hùng câm lặng, một hồi còi báo động, một nỗi sợ hãi bị bóp nghẹn. An đưa mắt nhìn lại Nông Tài, gật đầu chào rồi tiến vào hành lang. Những cái nhìn tối tăm của đám cận vệ đuổi theo anh, như rót xuống lưng anh một thứ chì nung lỏng. Nhưng con tim anh không còn đập dập dồn như lần trước. Một tuần lễ đủ cho anh suy ngẫm và dự phóng mọi tai ương có thể xảy đến với gia đình mình. Kho tàng lịch sử tàng trữ trong trí nhớ giúp anh chuẩn bị. Khi bước vào nhà, An khép chặt hai cánh cửa sau lưng và không ngạc nhiên khi thấy hai người đàn bà ôm nhau khóc. Họ chỉ có thể khóc thôi, họ còn biết làm gì hơn vào lúc này?... Nhưng tiếng khóc của họ không còn dừng ở mức độ phiền não mà là tiếng khóc của sự kinh sợ và căm uất. Không còn là sự buồn thương cho số phận mà tiếng than ai oán của kẻ bị dày xéo, bị hà hiếp, sống trong cơn kinh hãi trước cái chết đang từ từ tiến đến như một cỗ xe tăng sẽ nghiền nát họ nay mai. An bước tới, không chờ những người đàn bà lên tiếng đã nhìn thấy ngay gương mặt sưng tím vết đòn của Nàng Nhỏ. Anh ngồi xuống, cầm lấy hai cánh tay nàng, vén áo lên để xem những vết cào xước, những vết máu tụ xanh và dấu vết các lằn trói chưa đủ thời gian tẩy xoá.

- Kẻ nào đã dùng nhục hình với em?

- Quốc Tuỳ.

- Bộ trưởng bộ nội vụ. Cái thằng cha đã đón đường em hồi còn ở trên chiến khu Việt Bắc?

Nàng Nhỏ gật đầu.

An quay sang hỏi vợ:

- Lúc ấy em ở đâu?

- Em ở dưới sân với lũ nhỏ và bà già hàng xóm... Vừa bước chân vào nhà là ông ta đã đuổi em xuống sân. Em không thể chống lại vì ông ta rút súng ra doạ nếu kêu to ông ta sẽ bắn vỡ sọ.

- Em có kêu, tiếng kêu ấy cũng chỉ có bà già hàng xóm và ba cậu lính gác nghe thấy mà thôi. Không phải vô cớ mà chúng nó bố trí cho các em ở ngôi nhà này. Thằng khốn nạn ấy đến đây hôm nào?

- Nó đến đây liên tục từ thứ hai cho đến hôm nay, thứ bảy. Lần nào cũng vào khoảng ba giờ chiều. Lần nào cũng bắt lính gác lui ra ngoài phố, chặn đứng ngoài hành lang không cho ai bước chân vào. Lần nào nó cũng đánh và trói em của chúng ta.

Tới đó, vợ anh bật gào lên:

- Tủi nhục quá anh ơi.

An nhếch mép mỉm cười. Nụ cười đối diện với số phận. Anh không có quyền khóc nữa. Chắc là vì dự cảm mà tuần lễ trước con tim anh đã tan ra trong những dòng nước mắt. Anh phải khóc một lần cho cả kiếp sống của anh. Cầm hai cánh tay nõn nà của Nàng Nhỏ, anh hỏi:

- Nó đã nói những gì với em, thằng chó đểu người Kinh này?

- Nó bảo rằng nó đã để mắt đến em từ hồi trên chiến khu, khi gặp em lội qua suối. Rằng nếu em khôn ngoan thì phải bằng lòng làm vợ nó từ ngày ấy. Rằng nó đã thề rằng trước sau nó cũng phải chiếm được em.

- Rồi sao?

- Rồi em nói rằng tôi là vợ chủ tịch. Chúng tôi đã có đủ mặt con trai con gái, ông không được hà hiếp tôi. Nó nhe răng cười nói rằng lão già của mày ở xa lắm, mày kêu lão ấy cũng không nghe thấy, mày gọi lão ấy cũng không thể trả lời. Ở đây tao là vua. Tao muốn ai người ấy phải chịu. Tao muốn giết ai kẻ đó phải chết. Giờ đây tao muốn mày nằm dưới bụng tao. Bởi đó là nghị quyết của bộ chính trị. Bộ chính trị đã quyết định mày phải là vợ tao. Hãy khôn ngoan lên một chút, tao trẻ hơn lão già của mày nhiều. Nếu cái dùi cui của nó bằng gỗ thì của tao bằng thép. Nếu nó đưa mày lên tầng trời thứ ba tao sẽ đưa mày lên tầng trời thứ chín. Nếu nó cho mày hai đứa con, tao sẽ cho mày mười hai đứa liền tù tì. Khôn ngoan thì câm họng lại và dạng chân ra.

Người đàn bà kể đến đâu, nước mắt nàng tuôn rơi đến đấy.

An nghe những viên sắt nung đỏ lăn trong tim mình. Một đoạn sử quay trở lại văng vẳng bên tai anh:

"...Nhà Chúa hèn nên Đặng Phi thông dâm với Ngự đầu quân, nương dựa vào viên võ quan này để che chở cho đứa em trai ngạo ngược và dâm đãng là Đặng mậu Lân."

Anh nghĩ:

"Em ta không tự ý ngủ với Ngự đầu quân mà bị nó hãm hiếp sỉ nhục và tra tấn.Vậy ông vua già này còn mười lần hèn hơn Chúa Trịnh ngày xưa. Cơ đồ không còn cứu vãn được. Nếu ta không cao chạy xa bay toàn bộ gia đình ta sẽ biến thành những con ma không đầu lang thang muôn kiếp trong bóng tối. Nỗi oan khiên đau đớn của em ta sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi trong câm lặng. Và lãng quên. Một kiếp hồng nhan dạt qua cõi đời như xác vờ bập bềnh trên sóng nước. Em ta chẳng có tội tình gì. Từ nhỏ tới lớn nó chưa nỡ nói một lời phạm tổn đến ai. Tâm hồn nó trẻ thơ và trong trắng. Lòng tốt của nó đong đầy gấp ba lần đấu của những người xung quanh. Ta phải tồn tại để cứu gỡ danh dự bị tổn thương của nó. Ta phải sống để làm nhân chứng cho tội ác ghê tởm này."

Ông thầy huyện Thất Khê đã dậy anh rằng nghề viết sử là nghề của những bậc anh hùng, dám đem mạng mình đổi lấy sự thật. Bởi mọi thứ vua chúa đều kinh sợ sự thật và muốn những người viết sử phải uốn ngọn bút lông theo ý mình. Biết bao nhiêu cái đầu sử gia đã rụng xuống dưới lưỡi kiếm của đao phủ triều đình, nhưng lịch sử vẫn tiếp tục viết lên bằng những dòng máu khô đen của họ.

"Vậy ta buộc phải trở thành người viết sử. Không phải người viết sử quốc gia nhưng là kẻ chép lại cuộc đời những người thân thiết của riêng ta."

Anh ôm chặt cả hai người đàn bà một lúc, nhìn họ một lần cuối như để vĩnh viễn ghi khắc những hình ảnh đó trong con tim lẫn óc não mình. Rồi, anh hỏi vợ:

- Em còn mấy chiếc nhẫn?

- Em còn đủ năm chiếc.

- Em hãy giữ lấy chiếc nhỏ nhất mà anh đánh cho em hồi mình cưới nhau. Còn lại, đưa cả cho anh. Tiền mặt, chắc không có nhiều, nhưng cũng phải cho anh một món để tiêu dọc đường.

- Không, nhà mình còn khá nhiều tiền mặt tích trữ từ năm ngoái. Để em đưa cả cho anh.

- Bao nhiêu?

- Khoảng chừng năm mươi vạn.

- Anh chỉ cần một nửa thôi. Em giữ một nửa để đi chợ.

Vợ anh vào buồng. Anh nhìn theo tấm lưng thon thả của nàng và nghĩ:

"Em sẽ chẳng còn dịp đi chợ, chẳng còn dịp nấu phở chua theo kiểu Lạng Sơn, người vợ yêu dấu của anh. Cuộc sống của chúng ta bị cắt ngang như thân cây lúa ngày mùa. Chao ôi, cái ngày Nàng Nhỏ được tiến vua chính là ngày tai hoạ cho gia đình chúng ta lẫn dân bản Xíu. Và cái việc đổi họ Nông sang họ Chí chính là việc ngu xuẩn nhất trên trần gian."

Nàng Đông quay ra với xấp tiền giấy trên tay. Tay kia, nàng cầm một chiếc túi nhỏ như cái mề gà. Đặt xấp tiền lên bàn, nàng mở túi rút ra một sợi dây dài xâu bốn chiếc nhẫn, loại nhẫn gộc không mặt đá cũng không trang trí mà những người buôn bán đường xa thường mang theo:

- Anh phải cất vàng vào túi quần đùi; cái túi em máy thêm phía trong cạp.

- Anh hiểu rồi.

- Tiền giấy anh chia ra thành nhiều món xếp trong cả túi quần lẫn túi áo, lỡ mất món nọ còn có món kia.

- Anh hiểu.

- Còn lọ dầu xoa chống cảm lẫn thuốc chống đau bụng viên, anh cũng phải cầm theo. Ngoài ra còn đèn pin, bật lửa, dao đi rừng, túi thuốc lá, cao chống rắn độc. Đủ hết chưa?

- Có đủ trong túi dết.

- Để em xem lại cái túi dết của anh.

- Không thiếu gì hết.

An đáp và thầm nghĩ:

"Có cái thiếu trầm trọng nhất là thiếu em, và Nàng Nhỏ của chúng ta. Bởi anh không thể đưa các em cùng đi trong cuộc hành trình khốn khổ này. Nhưng chúng ta sẽ gặp nhau ở cõi khác, vùng đất khác, nơi hẹn hò chung cuộc của tất thảy chúng sinh. Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau. Những người yêu dấu của anh. Nhưng trước khi gặp các em, anh phải làm chuyện này cho ra lẽ."

Lần cuối cùng, anh cúi xuống, ghì xiết hai người đàn bà, ngửi mùi thơm thân thiết từ những mái tóc óng mượt của họ, chà sát mặt anh vào những gương mặt nõn nà ấy, rồi anh đứng lên:

- Các em đừng bước ra cửa. Đừng đi theo anh. Hôn hai đứa bé cho anh.

- Anh!...

Cả hai người bật kêu lên. An hạ giọng:

- Đừng khóc. Hãy coi mọi sự như chưa từng xảy ra, chưa hề xảy ra. Chúng ta không có cách nào hơn...

Anh bước xuống cầu thang, không ngoảnh lại một lần nào nữa.

Trong hành lang, An gọi Nông Tài:

- Cậu có sẵn tiền trong túi không? Cho tôi mượn một vạn? Tôi đang định mua mấy món đồ gửi người mang về quê, nhưng chưa chuẩn bị đủ tiền.

Nông Tài đưa mắt nhìn anh:

- Bao giờ trả?...

- Tuần sau. À, quên... Hai tuần nữa mới tới kì lương. Đến kì lương tôi sẽ trả ngay, không chậm một ngày.

- Trong túi tôi chỉ còn đủ tiền mua vài chiếc bánh rán. Tôi cất tiền ở doanh trại.

- Sắp đến giờ đổi gác rồi còn gì? Nói với các đồng chí thông cảm cho về sớm một giờ được không?

- Được thôi. Chờ tôi hỏi đã.

Hành lang không quá dài để cuộc trao đổi của họ có thể lọt vào tai hai người cận vệ kia. An hiểu rằng màn kịch chắc chắn sẽ thành công bởi thông thường, người miền núi vốn không biết nói dối. Chừng ba phút sau đã thấy Nông Tài quay lại:

- Đi thôi, hai đồng chí đều đồng ý cho tôi về trước. Chúng ta đến chỗ tôi gửi xe đạp rồi cùng đạp về doanh trại.

- Đồng ý.

Họ cùng đi ra..

Khi Nông Tài lấy được xe đạp, hai người lặng lẽ đạp xe qua ba con phố. Hoàn toàn tin tưởng rằng không ai rõi theo họ, An dừng lại:

- Tạt vào hè đã.

Nông Tài hiểu ý anh tức khắc, xuống xe. Hai người lên vỉa hè, đứng dưới bóng một cây xà cừ. An hỏi:

- Hai cậu kia có biết rằng sớm hay muộn họ cũng sẽ phải chết không?

- Không ai dám nói với ai nhưng cả ba chúng tôi đều ngầm hiểu như vậy. Chúng tôi gác ca chiều. Sự việc xảy ra toàn vào buổi chiều nên chỉ ba chúng tôi chứng kiến. Tốp kia đổi ca từ mười hai giờ đêm đến trưa hôm sau, họ không hay biết gì.

- Vậy sao các cậu không bàn nhau trốn đi? Trốn đi đâu bây giờ? Sáng nào cũng điểm quân trước giờ tập thể dục, chiều nào cũng điểm quân trước lúc lên giường ngủ... Vả chăng, nếu muốn trốn họ cũng không bàn với tôi vì tôi là người Tày. Còn tôi, tôi cũng không thể bàn với họ, vì họ là dân Kinh. Bộ trưởng Quốc Tuỳ là người Kinh như họ. Còn Nàng Xuân là người Tày như tôi.

- Liệu họ có ngờ rằng tôi rủ cậu đi trốn không?

- Không.

- Vì sao?

- Vì họ cho rằng chúng ta là dân miền núi, những kẻ cả tin và ngu ngốc không dám hành động liều lĩnh như vậy.

- Tốt. Vì chúng ta là những kẻ ngu ngốc nên có thể chúng ta sẽ thoát chết...Còn họ vì là dân đồng bằng khôn ngoan nên họ sẽ cầm chắc cái chết trong tay. Giờ, không còn thời gian nữa. Chúng ta phải ra ga thôi. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không lỡ tàu với tấm chứng minh thư công an nhân dân của cậu...

- Nhưng...còn quần áo với tiền và đồ đạc của tôi ở doanh trại?

- Cậu có điên không? Cởi truồng mà sống còn hơn chết đắp ba bộ quân phục trong hòm. Đi thôi.

Họ đạp thẳng ra sân ga Hàng Cỏ. Ở đấy, hai người gửi xe vào bãi rồi mua vé tầu xuôi Vinh. Đúng như An dự đoán, tấm thẻ công an của Nông Tài được việc. Họ được ưu tiên mua vé tức khắc với lý do "làm nhiệm vụ đặc biệt". Vừa kịp bước lên toa tầu nhận chỗ, tàu đã hú còi rời ga. An đặt chiếc túi dết ra sau lưng rồi ngồi xuống, đưa mắt nhìn phố phường lướt bên ngoài ô cửa:

"Vĩnh biệt mày, thành phố thù nghịch của tao. Cái thành phố tao từng mơ tưởng bao tháng ngày khi còn ở chiến khu Việt bắc, cái thành phố tao ngỡ là thiên đường nhưng giờ đây lại hoá thành địa ngục. Chính nơi đây sẽ là hầm mộ tăm tối chôn vùi vĩnh viễn những người thân thiết của tao. Vĩnh biệt con quái vật khổng lồ, ghê tởm."

An nghĩ, khi anh đưa mắt nhìn Hà nội. Lần cuối cùng, chắc chắn sẽ là lần cuối cùng anh còn thấy nó.

- Anh Thành.

Nông Tài chưa kịp ngồi yên chỗ đã chồm qua mặt bàn, ghé tai anh thì thầm hỏi:

- Anh Thành, tôi nghĩ rằng.

- Cậu nghĩ gì?

- Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại đi về phương nam? Tiến sâu vào đồng bằng miền Trung, ta sẽ giống con chồn sa xuống ruộng nước; như con cá lăng bị hất lên đồi. Tại sao chúng ta không quay về Thất khê? Ở đó, chúng ta thuộc đường chính cũng như đường tắt, chúng ta biết suối biết rừng. Trốn ở đâu ta cũng có thể đào cây đào củ hay bẫy thú cầm hơi.

- Đồ ngốc, Thất khê sẽ là nơi đầu tiên họ truy tìm. Chúng ta không thể chui lủi trong rừng mãn kiếp. Vả chăng, có thoát được lưới quây vượt sang biên giới cũng sa vào tay lính Tàu. Bọn này sẽ tức khắc dẫn độ chúng ta trả cho cho nhà nước Việt nam.

- Nhưng ở miền Trung, nơi xa lạ?

- Chỉ có ở nơi xa lạ mới hòng thoát thân. Từ Vinh lên biên giới Việt-Lào ngắn hơn nhiều lần từ huyện nhà lên biên giới phía bắc.

- Sao anh biết được?

- Tôi phải biết để có thể thoát thân... Bằng mọi giá tôi phải học để hiểu những điều cần thiết trước khi cất bước.

- Nhưng bên kia biên giới là đất của người Lào. Anh đã biết họ hay chưa?

- Người Lào và người Tầu giống như con nai với con báo, chẳng thể so sánh với nhau.

Cuộc đối thoại thầm thì của họ chìm trong tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray. Rồi An bảo:

- Ngủ đi.

- Tôi chưa đến giấc. Vả lại bụng đói khó ngủ.

- Đúng. Không ai ngủ được khi đói bụng. Giờ cậu xuống căng-tin mua bánh mì. Ăn xong chúng ta sẽ uống thật no nước. No bụng, dễ ngủ. Bằng mọi giá phải ngủ để lấy sức cho ngày mai.

Nông Tài đứng dậy đi xuống căng-tin ở toa cuối cùng đoàn tầu mua về hai ổ bánh mì to tướng rắc muối tiêu và hai bi-đông nước. Hai người lặng lẽ ăn, lặng lẽ uống nước rồi khoanh tay trước bụng, ngủ ngồi. Con tầu dồi lắc cái đầu của họ như đùa rỡn một quả bóng. Nhưng dẫu sao, sau một hồi chập chờn họ cũng ngủ được một giấc thật sâu cho đến khi tiếng loa phóng thanh oang oang báo tin:

- Tàu đã đến sân ga Vinh.. Xin đồng bào kiểm tra lại hành lý.

An mở choàng mắt. Tàu chạy chầm chậm trước khi dừng lại hẳn. Ánh đèn lờ mờ đỏ quạch rọi trên đầu một đám đông nhốn nháo, đang chen nhau tìm kiếm hành lý trên các giá chứa đồ. Hai người ngồi im bởi họ chỉ có vẻn vẹn chiếc túi dết một quai trong đó chứa tất cả những vật dụng cần thiết cho một cuộc chạy trốn. Họ xuống sân ga khi trời mù sương. Mới bốn giờ sáng. Những cỗ xe ngựa sắp hàng dài ngoài cửa sân ga còn các chủ xe ngồi uống trà hoặc rượu xuông trong dãy quán bán đồ ăn dọc phố. Ở đây, chính khách phải đi tìm chủ xe để thương lượng giá cả. Người đi lại đông, xe ngựa không đủ chuyên chở. Còn chờ xe ca của nhà nước thì phải xếp hàng ít nhất mười tiếng mới có thể mua được một tấm vé. An bảo:

- Chúng ta phải nhanh chân lên.

Anh dẫn Nông Tài dạo một lượt đoạn nhìn vào một ông chủ xe dáng điệu ngang tàng với hàng râu ghi-đông vểnh:

- Chào bác. Chúng tôi có nhiệm vụ đặc biệt trên biên giới. Liệu bác có thể giúp hai anh em tôi được chăng?

- Các anh là ai chứ?

- Chúng tôi là công an nhân dân và sĩ quan quân đội. Đây là chứng minh thư của hai anh em tôi.

- Công an nhân dân cũng như sĩ quan quân đội được ưu tiên đi xe nhà nước. Ba ngày một lượt có chuyến xe lên cửa khẩu. Các đồng chí thuê quán trọ rồi báo công an địa phương sắp xếp. Sáng ngày kia khắc có chuyến.

- Nhiệm vụ của chúng tôi khẩn cấp. Chúng tôi không thể chờ được.

- Nhưng các đồng chí cũng không thể thuê xe ngựa của chúng tôi. Ngựa chạy đường núi giá đắt lắm. Ở đây thông thường chúng tôi chỉ chở khách về các thị trấn quanh Vinh mà thôi.

- Đắt mấy chúng tôi cũng chịu. Rồi cơ quan sẽ thanh toán lại.

Chủ xe đưa mắt nhìn họ ngờ vực:

- Một chuyến xe này thông thường chở tám khách.

An cướp lời:

- Chúng tôi trả đủ tám xuất vé và thêm cả tiền hành lý của tám người. Hy vọng bác ưng thuận.

- Được rồi.... Để tôi xem.

Ông râu vểnh ậm ừ.

An nói tiếp:

- Và chúng tôi trả thêm tiền bồi dưỡng ngựa chạy đường xấu. Nếu cần đổi ngựa dọc đường chúng tôi cũng sẵn sàng bao. Miễn sao tranh thủ được thời gian để hoàn thành trách nhiệm vụ đã được giao phó.

- Được.

Tới đó, người chủ xe đứng lên, với vẻ nhanh nhẹn bất ngờ. Ông ta rút trong túi ra vài đồng xu lẻ trả cô bán nước chè rồi dẫn hai người ra xe. An rút tiền trong túi ra đếm rồi tức khắc đưa hai phần ba tổng số tiền sẽ phải thanh toán cho chủ xe, đoạn nói thêm:

- Còn lại, tôi sẽ trả bác ngay khi nhìn thấy đồn biên phòng hiện lên trước tầm mắt.

- Đồng chí là người rất hào phóng.Vì thế trời đã đưa đường dẫn lối cho đồng chí đến gặp tôi. Nói một cách sòng phẳng, con ngựa của tôi là số một trong đám ngựa chạy xe ở thành phố này. Ngoài nó, chẳng có con nào dám ngược đường lên biên giới... Bởi tôi là người duy nhất cho ngựa ăn ngô trộn mật. Những người khác chỉ cho ngựa ăn cỏ quanh năm.

Ông ta dẫn giải với vẻ đầy kiêu hãnh. Rồi khi đã cẩn thận cho tiền vào túi áo, cẩn thận cài khuy nắp túi, ông ta thượng lên ghế xà-ích, ra roi. Cỗ xe quay chiều ngược đường lên phía tây.

Sau một lát lắng nghe tiếng vó ngựa lộp cộp nện trên đường phố, An thò cổ ra quan sát:

- Vinh không lớn hơn thị trấn Thất Khê là bao. Nhưng kiểu nhà ở đây hơi khác. Vì sao đâu đâu cũng nhìn thấy những thùng tô-nô sơn đỏ thế kia?

- Các đồng chí mới lần đầu đặt chân đến đây, đúng không?

Người xà-ích quay lại hỏi.

- Vâng. Quả tình như vậy.

An đáp. Người xà-ích giơ roi chỉ về những giải núi chập trùng nơi chân trời phía trước và nói:

- Phía tây là nơi gió Lào thổi tới. Xứ chúng tôi hứng gió Lào, thứ gió thổi đến đâu cây cối quắt queo tới đấy. Chẳng những cây cối ngoài vườn mà ngay đến đồ đạc như giường tủ bàn ghế hay các thứ vật dụng khác trong nhà cũng đều khô cong khô nỏ và biến thành thứ củi bắt lửa nhanh nhậy. Vì lẽ đó chống hoả hoạn là công việc của toàn dân. Những chiếc thùng tô-nô sơn đỏ kia do chính quyền phân phát cho các nhà để dự trữ nước. Ai lười biếng để thùng vơi nước sẽ bị láng giềng tố cáo và phải chịu cảnh cáo hoặc kỉ luật.

- Đội cứu hoả của thành phố ăn lương nhà nước để làm việc đó. Cớ sao buộc mọi nhà dân?

- Đội cứu hoả ở đây biên chế nhiều gấp ba lần các thành phố khác. Nhưng cho dù có đông gấp hai mươi lần họ cũng chẳng thể chống nổi hoả hoạn trong cơn gió Lào. Gió Lào, còn gọi là gió lửa, chính nó gây nên các vụ cháy chứ chẳng cần thêm vào sự sơ xuất của con người.

- Vậy sao! Thật đáng sợ.

An đáp, trong khi những ý nghĩ khác chạy thoăn thoắt trong óc não anh:

"Gió Lào! Hung hiểm thay. Vậy mà chúng ta đang tiến về hang ổ cái lò lửa đó. Chẳng có thứ thiên tai nào hung hiểm hơn thứ tai hoạ gây nên bởi con người. Chẳng có thiên nhiên nào tàn độc hơn thứ tàn độc của con người đối xử với nhau."

Đoạn, anh quay sang bảo Nông Tài:

- Nghe bác xà-ích nói gì chưa? Từ hôm nay sẽ phải hành quân trong thứ gió Lào bỏng rát đó. Bây giờ ngủ đi mà lấy sức.

- Đường lắc như xóc đĩa, ngủ làm sao?

- Vậy thì nhắm mắt lại.

Người lái xe quay lại góp lời:

- Đúng đấy, nhắm mắt được phút nào hay phút ấy. Chỉ lát nữa, mặt trời lên, mắt sẽ chói như bị kim đâm. Khách từ phía Bắc vào đây đều kêu trời thứ nắng bỏng của Nghệ An.

- Quê hương chủ tịch họ Chí!

- Đích xác là như vậy.

Ông chủ xe râu vểnh đáp và cất tiếng ngâm: "Đất nghèo sinh bậc anh hùng..."

- Bác ngâm thơ hay thật.

An gật gù tán thưởng khi thâm tâm anh cất tiếng cười khinh bỉ:

"Ồ, ông ta đúng là một bậc anh hùng. Nhưng ông ta cũng lại chính là kẻ hèn nhát nhất trên cõi đất này, một người chồng không bảo vệ nổi vợ, một người cha không che chở nổi những đứa con."

Bên ngoài, nhà cửa đã thưa vắng. Ngoảnh lại nhìn, thành phố Vinh chỉ còn là một khối hỗn độn với dăm ba ống khói đang nhả lên trời thứ khói đen nhờ bẩn thỉu.

An hỏi người xà-ích:

- Liệu chúng ta có đến được biên giới trước lúc tối trời?...

- Tuỳ. Tuỳ theo chân ngựa chạy. Tuỳ theo trời nắng hay mưa. Bởi mùa này khí hậu thất thường như trở bàn tay, có khi đang nắng đẹp trời xanh lồng lộng bỗng nhiên mưa giông gió giật ầm ầm kéo đến. Nha khí tượng chưa bao giờ dự đoán chính xác những cơn bão miền Trung. Nhưng nếu chúng ta gặp may, ngựa không giở chứng giữa đường, ta sẽ đến cửa đồn biên phòng khi mặt trời còn đứng cao hơn một con sào trên đỉnh núi.

- Tức là khoảng bốn giờ chiều? Ý bác muốn nói vậy?

- Tôi không hay xem giờ. Nghề đánh xe buộc chúng tôi suốt ngày đêm rong ruổi trên đường, sớm hay muộn cũng vậy. Nhưng tôi nhớ là thường thường, khi xe đến đây, mặt trời còn đứng cao hơn ngọn núi phía tây chừng một con sào.

- Sớm chút nào hay chút ấy. Qua biên giới, chúng tôi còn phải đi bộ một thôi đường khá xa.

- Ô....

Người chủ xe cất tiếng kêu, chẳng ra ngạc nhiên cũng không ra hứa hẹn. Rồi ông ta thủng thẳng buông tiếng:

- Để rồi xem.

An nhìn những giải đồi cằn cỗi phía trước, nơi bắt buộc họ phải vượt qua trước khi tới miền biên giới: Chúng mênh mông trống vắng, dường như có thể phóng tầm mắt đến hút tận chân trời. Không một cụm rừng, cũng chẳng một ngọn núi. Chỉ triền miên những giải đồi trơ trụi trên đó mọc thuần một loài gai thấp lè tè không quá sải tay và các loại dương xỉ. Nếu bị rượt đuổi ở nơi này, cái chết sẽ cầm chắc.

"Liệu hôm nay các đồn biên phòng Thất Khê đã nhận lệnh truy nã hay chưa?"

An thầm nghĩ và hình dung cảnh tượng sẽ diễn ra sau lưng họ. Trước hết đơn vị anh và đơn vị của Nông Tài sẽ báo cáo sự mất tích của hai gã "dân tộc thiểu số". Phaỉ hai mươi bốn giờ sau mới có thể ra lệnh truy nã theo thông lệ nhưng trường hợp này gã bộ trưởng Quốc Tuỳ ắt phải quyết định sớm hơn. Trên các chuyến tàu ngược Lạng Sơn và Lao cai lính sẽ giăng hàng khám xét để bắt hai kẻ "đào ngũ" Liệu chúng sẽ gán cho họ những tội danh nào để hợp lý hoá việc ban bố lệnh "truy nã tội phạm"? Nếu không cướp của giết người ắt chỉ còn là tội làm gián điệp cho ngoại bang. Và đó là tội danh tiện lợi nhất để kích động lòng căm thù cũng như sự khinh bỉ của dân chúng:

"Ta tin chắc rằng giờ đây chúng ta đã trở thành những tên gián điệp nguy hiểm, âm mưu lật đổ nhà nước vì nhận tiền viện trợ của ngoại bang. Sẽ không có một cách giải thích nào khác."

An thầm nghĩ với nỗi buồn chua chát vì nhớ lại bao nhiêu lần từng đứng dưới cờ tuyên thệ trung thành chiến đấu cho tổ quốc, thề tiêu diệt đến kẻ thù cuối cùng dám xâm phạm vào nền chuyên chính vô sản của nhân dân. Giờ đây, anh đã trở thành thứ kẻ thù ấy, chính anh và gã Nông Tài ngồi một bên đang lơ láo đưa mắt nhìn cảnh vật. Cuộc sống quả là trò lường gạt khủng khiếp mà biết bao nhiêu triệu con người chỉ là đám đông khờ khạo bị xỏ mũi dắt đi như một đàn trâu.

"Nhưng còn hai người đàn bà, chúng sẽ làm gì họ?"

"Chúng sẽ không làm gì hết bởi họ đã là hai tù nhân trong căn gác ấy, và họ không có cách nào chống lại chúng. Nhưng hai gã cận vệ kia ắt sẽ bị gọi lên răn đe phải khâu mồm câm họng.

Hai kẻ khốn khổ đó có đủ liều mạng để trốn đi hay chăng?...

Không! Dù có bạo gan họ cũng không còn cơ may để làm điều đó. Sau cuộc bỏ trốn của Nông Tài, họ sẽ thường xuyên sống dưới sự kiểm soát của đồng đội. Họ sẽ phải ngậm đắng nuốt cay giả câm giả điếc, giống như thứ xác chết biết đi hay hình nhân bằng gỗ đứng trong cái hành lang dài dặc và thiếu ánh mặt trời kia.

Gã bộ trưởng dâm đãng sẽ không thay đổi lính gác trong thời gian tới. Một tuần, hai tuần hoặc ba tuần? Tất cả tuỳ thuộc vào cơn dâm dục của y. Khi đã no nê thú tính, hai người đàn bà cùng hai người cận vệ kia sẽ cùng một lượt xuống mồ. Hai gã lính ấy, chắc chắn cũng như anh đã từng giơ nắm tay hàng ngàn lượt dưới quốc kì thề tiêu diệt kẻ thù của nhân dân và bảo vệ tổ quốc!"

- Tại sao anh cười? Anh cười gì vậy?

Nông Tài bất chợt cất tiếng hỏi khiến An giật bắn mình. Anh vội đáp:

- Nhớ ra một chuyện tiếu lâm.

- Vậy thì kể đi cho đỡ buồn.

- Không kể được. Bậy bạ lắm.

Nông Tài lặng im với vẻ bất mãn.

An chợt nhận ra rằng anh đã có thói cười gằn khi những nỗi đau băm chém con tim. Cái thói quen lạ lùng này vừa mới hình thành đã trở nên thuần thục như vốn nó gắn liền với anh từ muôn thuở.

"Gã trai của bản Xíu năm xưa đã chết hẳn rồi, ta chẳng còn nhìn thấy nó."

Anh thầm nghĩ. Nhưng lát sau, một câu hỏi não lòng lại vang lên bên tai:

"Nhưng còn hai đứa trẻ? Liệu lũ chó đểu kia sẽ làm gì chúng?"

Anh hình dung đôi mắt đen như hạt nhãn của con bé Mùi, hơi thở thơm tho của nó khi nó thỏ thẻ bên tai anh, cái cảm giác mềm mại khi những sợi tóc của nó cọ vào bên má, một thứ tình ngọt ngào êm ấm dâng lên mỗi khi con bé đặt hai bàn tay bé xíu của nó vào bàn tay rộng lớn của anh. Đôi bàn tay người thợ săn. Nghĩ tới đó, An lại thấy một lưỡi dao quắm bén nhọn đang thọc ngoáy tim mình. Máu chảy ròng ròng từ những vết thương ấy:

"Không! Ta không thể nghĩ đến những điều ấy nữa. Coi như phía sau lưng ta chỉ là một nấm mồ lặng câm và tăm tối. Không còn ai, không còn bản Xíu, không còn cả chú thím ta và ông bố vợ. Tất cả đều bị xoá đi trên mặt đất này. Ta sẽ là kẻ cuối cùng. Kẻ cuối cùng buộc phải sống để tố cáo lũ đao phủ người Kinh. Ta phải làm được điều đó bằng mọi giá."

Đột nhiên, An cảm thấy mệt mỏi. Anh bảo Nông Tài:

- Nằm xuống đi. Tôi đau lưng lắm. Mỗi băng ghế đủ cho bốn người ngồi nên ta có thể nằm duỗi chân cho thoải mái. Đừng quên rằng qua đồn biên phòng chẳng còn xe ngựa cũng chẳng có xe trâu. Chỉ có hai bàn chân thôi. Đường xa dốc ngược. Chẳng dễ đâu.

- Đồng ý.

Gã trai đáp ngoan ngoãn và chuyển sang bên chiếc ghế băng đối diện. Người xà-ích quay lại bảo:

- Các đồng chí cứ nghỉ ngơi. Đến nơi, tôi khắc gọi.

An nhắc lại:

- Khi nhìn thấy đồn biên phòng tôi sẽ trả nốt tiền cho bác. Nếu ngựa chạy tốt, đến sớm hơn lệ thường chúng tôi sẽ gửi thêm tiền để bác mua ngô mua mật bồi dưỡng cho nó.

- Được thôi.

Người chủ xe vui vẻ đáp đoạn cất tiếng hát một điệu hát cổ mà An chưa từng nghe. Giọng ông ta khá ấm, vang rất to giữa miền đồi hoang. Chắc hẳn thời trai trẻ ông ta phải là một ca sĩ nơi thôn xóm, cũng như những tài tử thổi tiêu thổi sáo thâu đêm trên bản Xíu quê anh. An nằm xuống ghế, lắng nghe câu hát một cách chăm chú. Câu hát xứ này trộn lẫn một cách ngô nghê ý thơ lẫn những câu nói dung tục, tầm thường:

"...Này, cô nàng ở bên kia sông,
Cô nàng áo thắm, cô nàng quấn khăn hồng,
Có chồng rồi hay còn chờ đợi người tới gọi,
Dẫu có chồng mà chồng đi vắng thì lội sang với anh,
Nơi đây vắng vẻ đìu hiu chẳng ai nhìn thấy,
Ngại ngần chi, cuộc sống ngắn chẳng tầy gang,
Hãy lội sang đây, cô nàng xinh đẹp,
Giải áo phất phơ của em bay khiến tim anh bồn chồn nóng cháy
Anh như bước đi trên lửa, như đang ngồi trên than...."

Bước chạy của con ngựa đường trường gieo một thứ điệp khúc buồn tẻ, hoà cùng tiếng hát rền rĩ tiếc thương của người xà-ích nhiễm đầy đầu óc lẫn con tim An. Dần dà, giấc ngủ đến, cuốn anh vào những làn sóng đen ngòm của nó.
 

***
 

- Dậy thôi. Đồn biên phòng kia rồi.

Tiếng hô của người chủ xe khiến cả hai người đều bật dậy.

- Ối cha, chói mắt quá....

Nông Tài vừa lật chiếc mũ úp trên mặt đã kêu váng lên.

Không kêu nhưng An phải vội vàng nhắm ngay mắt lại vì thứ ánh sáng chói chang như muôn ngàn chiếc kim đâm làm họ chảy nước mắt tức thì.

Sau một hồi nhắm mắt, úp trở lại chiếc mũ lên mặt cho quen dần với thứ ánh sáng gay gắt này, An mới dám mở mắt ra. Người chủ xe nói:

- Tôi đã nói trước mà. Người nào từ xứ Bắc vào cũng la ó hoảng hồn vì nắng Nghệ An. Đó còn là may mắn vì hôm nay không có gió Lào.

- Nếu có gió Lào nữa thì sao?

- Các đồng chí sắp sang bên đó. Không cần tò mò ngày mai khắc biết.

- Đồn biên phòng đâu?

- Nhìn thấy chưa? Cái đốm đỏ cao nhất, đó là nơi cắm cờ của đồn lính. Thời trước là cờ Pháp. Sau ngày cách mạng là cờ đỏ sao vàng.

An rút tiền đếm rồi đưa cho người chủ xe:

- Bác cầm lấy. Chắc dư tiền mua mật và thóc cho chú ngựa.

Người xà-ích bỏ tiền vào túi rồi cúi xuống gầm xe lôi lên hai bó lá chuối khô:

- Đồng chí hào phóng quá, tôi cũng phải biết phận sự của mình. Người ta bảo: có đi có lại mới toại lòng nhau. Đây là hai cân đường phèn hảo hạng. Các đồng chí có thể ngậm khi đi rừng cho đỡ khát. Nếu muốn may mắn vượt qua đồn biên phòng thì có thể tặng lính một nửa. Trên đó họ buồn nên hễ cứ có người là họ tìm đủ cách vặn vẹo giấy tờ để chuyện vãn cho vui.

- Có cái lệ đó hay sao?

- Chẳng có lệ nào cả nhưng ở đó họ buồn... Thi thoảng lắm mới có một chuyến xe ngựa ngược lên đây. Còn lại là xe quân đội. Xe khách chẳng qua lối này. Nếu đồng chí bị nhốt ở đồn biên phòng ấy quanh năm đồng chí cũng sẽ làm như họ thôi.

- Cảm ơn bác.

An nói và đưa gói đường phèn lên ngửi. Quả là thơm. Anh bảo:

- Cũng phải tặng họ một nửa thôi. Chúng tôi cần phải đi khi còn ánh mặt trời.

- Nếu không có đường phèn ắt hai đồng chí phải ngủ đêm ở đó sáng mai mới lên đường được. Đa phần lính là dân Bắc. Họ phải lục hỏi đủ thứ chuyện ngoài quê hương.

An lặng thinh. Nhưng Nông Tài chăm chú nhìn một hồi rồi quay lại bảo anh, giọng hốt hoảng:

- Anh Thành, họ đứng dàn hàng đón đường chúng ta trên đỉnh đồi.

Anh đưa mắt nhìn lên thấy ngọn cờ đỏ đã hiện rõ. Đúng là lính đứng giăng thành hàng chắn ngang đường. Vẻ như một cuộc vây ráp đã chuẩn bị sẵn. Bất giác An đưa tay rờ khẩu súng bên hông. Cùng một lúc, Nông Tài cũng làm cử chỉ đó. Hai người đưa mắt nhìn nhau. Rồi An trấn tĩnh lại và hạ giọng thản nhiên hỏi người xà-ích:

- Vì cớ gì họ đứng thành hàng như thế kia?

- Vì buồn.

Ông ta đáp gọn lỏn, tay không ngừng ra roi trên lưng ngựa. Xe đang lên dốc và con ngựa có vẻ như bắt đầu chùng chân.

- Hây, hây... Dấn lên! Con mẹ mày, sắp tới nơi rồi đừng giở chứng. Cố lên, lát nữa ông sẽ cho ba đấu thóc trộn mật. Cố lên, chỉ còn đoạn này nữa thôi.

Ông ta mắng con vật. Dường như con vật khôn ngoan này hiểu được ý chủ nên nó lại lên vó. Chiếc xe chồm lên rồi tiếp tục chạy bon bon. Lúc ấy, người xà-ích quay lại:

- Tôi đã bảo rằng bất cứ ai ở tình thế của họ cũng sẽ làm thế thôi. Họ ra đây để nhìn xe ngựa. Lát nữa họ sẽ nhìn các đồng chí rồi tranh thủ chuyện vãn. Mong sao họ sẽ để cho các đồng chí đi một cách sớm sủa.

- A... Ra thế.

An cất tiếng, rời tay khỏi vũ khí. Anh trù tính cách thức có thể vượt qua cửa ải này một cách mau lẹ và an toàn.

"May sao chúng ta là dân Tày. Chúng ta chẳng biết gì nhiều mà chuyện vãn với đám lính Kinh. Mà giờ đây, cũng chẳng còn chút cảm tình cỏn con nào để nói những chuyện vớ vẩn."

Nghĩ một lát, anh nói:

- Bác thật là người tốt bụng. Bác có thể đứng chuyện vãn với họ một lát để họ buông chúng tôi đi sớm hay không? Đường rừng ban đêm không dễ dàng mà ngủ lại thì lỡ nhiệm vụ. Chúng tôi có thể biếu thêm tiền bác.

- Không phải mua tôi bằng tiền.

Người xà-ích đáp cộc lốc:

- Tôi chỉ lấy đầy đủ phần quyền lợi của tôi cũng như của con ngựa thôi. Nếu tôi tham quá ắt trời giáng hoạ. Nhưng tôi hứa là giúp các đồng chí. Tôi sẽ ngồi tán chuyện với họ ở đó chừng nửa giờ. Mặt trời còn đứng trên đỉnh núi một con sào rưỡi.

Chừng mươi phút sau họ lên tới đỉnh đồi. Đám lính không chậm một giây, quây lấy chiếc xe ngựa, mặt anh nào anh nấy tí tởn như bắt được quà:

- Chào các đồng chí.

Người xà-ích cất tiếng oang oang:

Lính tranh nhau đáp:

- Chào bác. Lâu lắm mới thấy xe ngựa leo lên đây.

- Ồ; ngựa lên đây một lần về phải bồi dưỡng cả tháng. Chỉ có những dịp đặc biệt tôi mới ra roi. Hôm nay, tôi chở hai đồng chí quân nhân làm nhiệm vụ đặc biệt.

- Nhiệm vụ nào thì cũng xuống đây chuyện trò cái đã.

An và Nông Tài nhẩy xuống, rút chứng minh thư xuất trình. Nhưng một anh chàng túm cả hai tấm thẻ cho vào túi áo mà chẳng thèm đưa mắt liếc qua. Rồi, anh khác, đeo lon thượng uý bảo:

- Mời các đồng chí vào đồn chơi.

Nói xong, cả bọn kéo nhau đi trước, An và Nông Tài buộc phải lẽo đẽo theo. Chừng như nhìn thấy vẻ lo âu trên mặt họ, người chủ xe lên tiếng:

- Các đồng chí cứ vào nghỉ chân uống nước. Tôi cho ngựa ăn rồi lên ngay. Nhớ đem theo gói đường phèn chưa?

- Tôi cầm theo đây rồi.

An đáp.

Đồn biên phòng xây trên đỉnh đèo, ba toà nhà hình chữ môn như kiểu nhà người Việt ở đồng bằng với mảnh sân ở giữa lát đá hộc. Cây cột cờ trồng ngay phía trước toà nhà chính, thân gỗ đã mốc từng đám và trắng phếch màu thời gian. Đầu hồi toà nhà chính giáp một lô-cốt nhỏ bằng xi-măng, chắc chắn xây từ thời Pháp thuộc. Kề đó, một trạm kiểm soát bằng gỗ. Phía sau lưng toà nhà bên trái, tụt xuống sườn đồi chừng dăm chục thước là tàu ngựa có chừng hơn chục con đang đứng nhai cỏ. Tầu ngựa này có ba lần rào thép gai bảo vệ vì ở đây, ngựa là phương tiện giao thông chính của lính biên phòng:

"Ngày mai, chính lũ ngựa kia sẽ rượt đuổi chúng ta. Rồi xem ta có thoát nổi hay không. Nhưng trường hợp rủi ro, ít nhất ta cũng phải cho nửa tá bọn bay xuống âm phủ trước khi ta nhắm mắt."

Anh trù liệu trong khi quan sát cảnh vật. Rồi họ bước vào gian nhà chính, rộng thênh thang với chiếc bàn lớn như bàn bóng ping-pông kê giữa, trên đó ngổn ngang nào ấm nước, nào báo chí vừa mới vừa cũ, nào ra-đi-ô, nào bao thuốc, dao găm, dao nhíp, mũ vải, đèn pin...Bốn bức tường xung quanh dán la liệt các tấm ảnh cắt từ hoạ báo ra, thuần là các cô nàng xinh đẹp trong các đoàn văn công và các nhà hát, nào là Thị Mầu lên chùa, nào là Xuý Vân giả dại, nào là đám múa Hoa đăng hay đội múa Hoa thơm bướm lượn...tất cả chen chúc nhau lộn xộn chẳng ra hàng lối chi. Tay thượng uý, ắt hẳn là trưởng đồn, ném một cái lệnh giữa khoảng không:

- Cậu nào đi đun nước pha ấm chè mới.

Một tiếng đáp từ ngoài sân tức khắc vọng lại:

- Báo cáo thủ trưởng, tổ anh nuôi nhen lửa rồi...

"Mình sẽ chết tắc ở đây với bọn chúng....Phải tìm cách thoát thôi..."

An thầm nghĩ và lên tiếng:

- Báo cáo đồng chí....

- Được rồi. Uống nước xong báo cáo cũng chưa muộn. Chúng ta đều là lính cả. Đồng chí bộ binh, tôi biên phòng. Cùng dân phải thức dậy khi nghe kèn tò tí te buổi sáng. Mấy khi gặp nhau. Đồng chí có đi bây giờ cũng không kịp. Nhìn mặt trời thế thôi nhưng tối nhanh lắm. Vùng này ban ngày nắng chói mắt ban đêm sương núi dày như bông.

An cảm thấy như gần tắc thở. Thứ " tình ái " lính này quả thật nguy hiểm cho anh. May sao lúc đó, người xà-ích đã quay trở lại. Ông ta vừa thong thả bước vào nhà vừa cất giọng ngâm nga cái bài hát ghẹo gái lẳng lơ hồi nãy:

"....Dẫu có chồng mà chồng đi vắng thì lội sang với anh,
Ở đây vắng vẻ đìu hiu chẳng ai nhìn thấy...."

Tay thượng uý quay sang người xà-ích, ngoác mồm cười:

- Sao bố già lại rủ vợ người ta sang với mình mà không sợ tội?

- Tôi có rủ ai đâu? Bài hát của các cụ từ thời xửa thời xưa đấy chứ?

- Các cụ ngày xưa cũng bậy bạ ghê nhỉ?

- Các cụ ấy cũng có cái lưỡi để uốn, hai con mắt liếc gái như chúng ta bây giờ thôi. Nhưng dẫu có muốn phê bình hay kỉ luật thì họ cũng đã ngủ ngon dưới ba thước đất. Chẳng ai có thể túm gáy họ lên mà tra khảo nữa.

Nói rồi ông ta đưa mắt nhìn An, vẻ như bảo anh yên tâm. Thấy thế, An cất tiếng hỏi:

- Bác đã cho ngựa ăn xong rồi hay sao?

- Xong làm sao được. Nó tha hồ nhẩn nha. Còn đồng chí, đã xuất trình giấy tờ chưa?

- Tôi đã đưa cả hai tấm thẻ quân nhân rồi nhưng lính của đồng chí thượng uý đây lại cất vào túi áo. Ồ, ra thế.

"....Này cô nàng áo thắm, này cô quấn khăn hồng..."

Ông ta hát tiếp một câu rồi quay sang tay thượng uý:

- Hai đồng chí này đang phải làm nhiệm vụ khẩn cấp không thể chờ xe ca quân đội. Thế nên công an thành Vinh mới chỉ đến tôi. Chẳng có lời sức mấy tôi dám cho ngựa lên tận đây? Hai người này chẳng có thời gian uống chè với chúng ta đâu. Nhưng họ có đường phèn ngon lắm, trên xe họ cho tôi vài miếng ngậm thử, thơm như phấn hoa vậy.

Quay sang An, ông hỏi:

- Đồng chí có thể tặng anh em trong đồn một ít được không? Chúng tôi sẽ ngồi uống trà cho ngọt giọng.

An đặt gói đường lên mặt bàn, đáp:

- Có đây. Để làm quà cho các đồng chí.

Anh tủm tỉm cười nhìn tay thượng uý:

- Tôi trung uý, kém đồng chí một hàm. Đáng lẽ có thời gian ngồi tâm sự hẳn là vui. Nhưng rủi chúng tôi đang phải làm nhiệm vụ khẩn cấp.

- Thế hả?

Thượng uý thò cổ ra khỏi cửa, hỏi vọng đám lính đứng túm tụm ngoài sân:

- Cậu nào lúc nãy cầm chứng minh thư quân nhân của hai đồng chí?

- Dạ em.

- Xem chưa?

- Dạ, trung uý Chí văn Thành và thượng sĩ công an nhân dân Nông Tài. Hai đồng chí đều là dân tộc Tày.

- Đem trả cho các đồng chí ấy. Thật đáng tiếc là họ phải làm nhiệm vụ khẩn cấp.

Cậu lính mang hai tấm thẻ trả cho họ.

Thượng uý trưởng đồn nói:

- Thôi, lúc các đồng chí quay về sẽ gặp lại nhau. Tôi có đứa em trai họ lấy vợ người Tày, con bé xinh ơi là xinh, da nó trắng nõn như bông, còn đẹp hơn da mấy bà vợ chuyên gia Liên-xô, Tiệp khắc. Nếu kiếp sau còn có duyên gặp nhau tôi xin làm rể dân Tày. Chấp thuận chứ?

- Cảm ơn.

An và Nông Tài chào khắp lượt đám lính rồi quay trở lại con lộ. Tiếng hát người xà-ích đuổi theo sau lưng:

"... Giải áo phất phơ của em bay khiến tim anh bồn chồn, nóng cháy,

Anh như đang đi trên lửa như đang ngồi trên than..."

An bảo:

- Nếu thoát được, chúng ta phải ngàn lần cảm ơn người chủ xe ngựa này.

- Đồng ý.

Ven đường, con ngựa đã ăn hết chậu thóc trộn mật đang đứng liếm mép một cách thoả mãn, giương mắt nhìn hai vị khách. An bảo:

- Giờ thì co cẳng lên.

Hai người hướng về phía đất Lào, cắm đầu đi như chạy.

Họ đi như thế chừng một giờ liên tục, mồ hôi chảy đầm đìa khắp mặt và thấm đầy lưng áo. Mặt trời đã tụt xuống một con sào, lơ lửng treo như trái cầu sáng chói trên đỉnh núi phía Tây. Nắng vẫn tràn ngập mênh mông nhưng không khí đã nguội bớt. Vừa chậm bước chân một chút, An cảm thấy thấm lạnh hai vai. Phía sau lưng họ, những giải đồi lúp xúp gai và dương xỉ chạy cho tới hút tầm mắt. Trước mặt, khoảng một thôi đường nữa là tới rừng. Đường viền sẫm của nó đã hiện lên dọc theo những con đèo liên tiếp. Nông Tài kêu to:

- Rừng kia rồi. Chúng ta sống rồi.

- Xin quỷ thần hai vai phù trợ cho chúng ta. Nhưng phải đi nhanh lên. Sau lưng là khoảng trống, đường quang. Nếu lũ ngựa biên phòng đuổi theo chắc không thoát.

- Đồng ý.

Nông Tài đáp và cả hai tiếp tục lao đầu cun cút chạy. Vừa chạy, họ vừa nhìn mặt trời, như nhìn thứ đồng hồ báo giờ trong cuộc đua việt dã sinh tử. Cứ như thế, khi đặt chân vào cửa rừng cũng là lúc mặt trời vừa chạm trên đỉnh núi cao nhất và ngự trị ở đó, kiêu hãnh trong sắc vàng lộng lẫy. An thấy thấm mệt, bước chậm lại. Nhưng Nông Tài bảo:

- Chưa chậm chân được đâu. Khoảng rừng này thưa lắm, ngựa chạy tha hồ. Ta phải vào được đến lòng rừng, lối đi vừa lọt bước chân mới mong thoát hiểm.

Nói rồi, cậu ta len lên đi trước anh, chừng như muốn khích lệ bạn đồng hành. Dẫu sao, đi dưới bóng cây, tim họ đã bớt đi cơn phấp phỏng. Hai người vượt qua một cánh rừng dốc xuôi xuống trảng. Một trảng cỏ tí hon, nói cho đúng là một rẻo chân núi phủ đầy thứ cỏ dài lông xám bạc. Qua đó chừng mươi phút, họ tới một cánh rừng bằng phẳng hơn nhưng rậm rịt dây leo, lối đi chỉ vừa lọt một người. Nông Tài vừa thở vừa vuốt mồ hôi mặt:

- Chưa hẳn là lòng rừng nhưng ngựa khó chui vào đường này vì thòng lọng bẫy.

- Ờ. May cho chúng ta thật.

An vừa nói vừa ngước nhìn những đám dây leo đong đưa trên đầu, những cánh tay tua tủa như tay bạch tuộc của các vòi cây, trông xa giống hệt lũ rắn xanh đang ngóc đầu ngoe nguẩy. Dọc lối đi chăng đầy những thứ dây leo lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau nhưng đều tạo thành những nút thòng lọng mà bất cứ con ngựa nào rúc vào rừng cũng vướng. Nếu là một đoàn ngựa thì lại càng khó khăn hơn. Ít nhất, cũng phải có một kẻ mở đường dùng dao quắm phạt hết đám dây nhợ ngựa mới hòng nhích vó.

Nông Tài quay lại bảo anh:

- Rừng quê ta ít loại dây leo này.

- Ờ.. Nhưng nhiều cây lớn hơn đây.

- Dây leo ở đây nhiều màu lạ. Xem kìa, búi dây bên trái chúng ta có màu da cam. Còn đám dây quấn ngang thân cổ thụ lại trổ đầy lá tím như cà dái dê vậy.

- Ờ. Đất khác, rừng khác, cây cũng phải khác...

An đáp, tiếp tục ngẩng lên nhìn những tua dây leo phất phới trong các kẽ nắng hiếm hoi của hoàng hôn. Khi ánh nắng lướt qua, lớp lông tơ phủ lên chúng óng ánh như giấy thiếc. Nông Tài không nói gì thêm, lặng lẽ bước. Đột nhiên, An nghe một tiếng " Roạt", một tiếng động trầm đục nhưng rất nặng, kèm theo mùi hôi khủng khiếp. Mùi hôi khủng khiếp ấy gợi lại màn đêm quen thuộc của những năm xưa trong các cánh rừng bản Xíu. Óc anh vụt lóe lên tiếng kêu: Hổ!

Nhẩy ba bước, An vồ lấy thân cổ thụ gần nhất và leo lên với tất cả sức lực còn lại sau quãng đường chạy bộ. Vượt qua ba đốt chẽ, nơi thân cây chia nhánh, anh leo tới đốt chẽ cuối cùng tiếp giáp với ngọn cây, yên trí hoàn toàn rằng hổ không thể nào nhẩy lên được, An mới dừng lại. Tìm cành ngang lớn nhất, anh ngồi lên hai

chân quắp chặt lấy cành, hai tay ôm vòng quanh thân cây. Xong xuôi, anh mới dám cúi đầu nhìn xuống: Con hổ đang đặt Nông Tài phía dưới hai chân trước của nó, ngửa cổ giương mắt nhìn anh. Bốn tia mắt giao nhau ngay tức khắc. An lạnh toát sống lưng. Cặp mắt chúa rừng mở rộng, rọi thẳng vào anh những tia sáng màu thép trộn lẫn màu vàng ốc. Cặp đồng tử co giãn nhè nhẹ, hai hàng ria cũng nhúc nhích rung rinh nhè nhẹ trong cái nhìn chăm chú khó cắt nghĩa. An nghĩ:

"Nó biết còn con mồi thứ hai. Nó sẽ tiếp tục rình cho tới lúc mình tụt xuống. Giờ là lúc phải hết sức bình tĩnh để vượt qua cơn nguy hiểm này."

Trước hết, anh cố trấn tĩnh cơn run rẩy để lục túi-dết lấy ra sợi dây dù vạn năng. Rồi anh tự trói mình vào thân cây, biết đó là cách tốt nhất để bảo vệ mạng sống. Bởi đã từng có tấm gương của tiền nhân để răn dậy kẻ đi sau. Thời chú anh còn trẻ có một số thợ săn hoặc kiếm sĩ sống bắng nghề bảo kê. Hoặc bảo vệ những nhân vật con dòng cháu giống, lắm tiền nhiều của và cũng đầy rẫy kẻ thù. Hoặc bảo vệ những thương gia trên các chặng đường vùng biên giới. Lần ấy, một người thợ săn tháp tùng một tay lái buôn thuốc phiện. Anh ta đi trước, nhưng con hổ lại vồ người đi sau. Người thợ săn trèo lên cây tìm cách thoát thân, trong khi trèo hoảng hốt đánh rơi khẩu súng. Không còn vũ khí, người thợ săn chẳng có cách nào hơn là bám chặt lấy cái cây như kẻ chết đuối bám lấy chiếc bè hộ mạng. Rủi ro là anh ta đã gặp một con hổ thành tinh. Sau khi chén sạch con mồi thứ nhất nó ngủ ngay dưới gốc cây chờ tiếp con mồi thứ hai. Trong trường hợp ấy, nếu đủ lòng can đảm và sự tự tin, nạn nhân có thể lừa lúc con vật ngủ say nhất mà thoát thân. Nhưng người thợ săn này không đủ bản lĩnh bước qua lưng thú dữ. Anh ta mắc cứng trên cây, suốt đêm gà gật trong nỗi hãi hùng và trong giá lạnh của khí núi. Hôm sau, con hổ thức dậy, vươn vai duỗi chân để tìm lại khí thế sau giấc ngủ dài. Rồi nó chuẩn bị tấn công con mồi mới. Lượn quanh gốc cây vài lượt, nó dừng lại giương mắt trừng trừng nhìn con người tội nghiệp kia, đoạn buông tiếng gầm thét. Sau một hồi gầm thét, nó lại lượn vòng quanh gốc cây như một con chó lượn quanh bãi nước đái của chính mình, đoạn nó lại tiếp tục uy hiếp nạn nhân bằng những tiếng gầm thét. Kẻ xấu số không chịu nổi ánh mắt loài độc thú và tiếng gầm của nó, thêm nữa, sau một đêm mỏi nhừ vì sợ hãi, đói khát, anh ta không còn đủ sức bám lấy cành cây nên rơi xuống, làm bữa ăn linh đình của ngày thứ hai cho chúa sơn lâm.

Câu chuyện này phường thợ săn thường kể đi kể lại sau mỗi mùa săn chính, quanh bếp lửa và chảo nấu cao. Từ thuở đi theo phường săn, An đã thuộc lòng. Giờ, nó giúp anh cẩn trọng. Quấn ba vòng dây dù để trói thân mình vào thân cây, An kiểm tra kĩ các nút thắt, rồi cài lại nắp chiếc túi dết, chỉnh lại khẩu súng sau lưng cho thuận tiện khi sử dụng. Đoạn, anh cúi xuống tham dự cuộc thôi miên với con thú. Nhưng, ngược với sự phỏng đoán của anh, con hổ đã cúi xuống con mồi đặt sẵn dưới hai chân. Tội nghiệp Nông Tài, hẳn từ cú vồ đầu tiên của dã thú, chàng trai đã chết, không kịp bật một tiếng kêu. Con hổ này đã quen ăn thịt người. Phải quen vồ người từ lâu lắm, nó mới có thể quật chết họ mau lẹ như vậy....

Chắc chắn nó phải được liệt kê vào loại hổ thành tinh, loại độc thú đã thừa thãi kinh nghiệm để biết con người là thứ mồi hảo hạng. Gặp nó, cửa địa ngục tự động mở ra.

"Từ đầu đến khấu đuôi nó phải dài đến thước tám."

An ước tính. Con hổ này chưa già vì lông còn vàng au và các vằn đen còn sắc nét như vẽ. Cứ nhìn cách nó vần cái đầu của con mồi khắc biết nó khéo léo và nhanh nhẹn đến nhường nào. Một sức mạnh không thể gìm nén khiến An không thể rời mắt nhìn con thú. Có thể là sự sợ hãi. Có thể là nỗi tò mò. Hoặc cả hai thứ nhào trộn lại. Từ năm mười ba anh đã theo ông chú và phường săn bản Xíu lên rừng. Chú anh hạ thủ vô số gấu ngựa, lợn lòi, hươu hoẵng và hơn một tá hổ. Nhưng với anh, sự hiện diện của loài thú này chỉ là hai ngọn lửa xanh lè từ cặp mắt nó phóng ra khi bắt ánh đèn săn. Mùi hôi và gây đặc biệt không thể nhầm lẫn với mùi các loài thú khác. Tiếng sột soạt của các đám lá cọ vào vai họ trong những đêm rừng ẩm lạnh. Và sương giá mịt mùng trong những thời khắc đợi chờ. Người thợ săn không có quyền chậm trễ nửa giây, nếu họ muốn tồn taị. Nhiều khi cuộc chờ đợi kéo dài từ chập tối đến quá nửa đêm, ai nấy gần như hoá đá vì rét lạnh. Nhưng vào thời khắc con thú tiến đến, và khi cặp mắt nó hắt lên những tia phản chiếu sắc lạnh chính là lúc súng phải nổ ngay. Đạn nhằm vào điểm giữa hai con mắt. Rồi sau đó, hoặc là con thú chết tại chỗ vì lượng đạn bắn đủ và trúng các điểm dễ tổn thương, hoặc là phường săn phải theo đuổi con vật cho đến khi nó chết vì vết thương quá trầm trọng, cuộc rình rập này có khi kéo đến ba bốn ngày... Cuối cùng, con vật được chở về bản, xẻ thịt, róc xương, và những chiếc vạc lớn nấu cao được bắc lên bếp lửa.

Như thế đó, là thợ săn nhưng anh chưa từng nhìn thấy hổ sống, lại càng chưa hình dung tường tận cách nó thịt con mồi. Chưa bao giờ.

"Đây chính là đầu tiên tao tận mắt thấy mày, hỡi chúa sơn lâm"

Anh thầm nghĩ.

Con vật đang đặt một chân lên cái đầu của Nông Tài, vần qua vần lại như trẻ con vần quả bóng. Rồi, đột ngột, nó ngoác mồm ra đớp một nhát vào cổ nạn nhân. An nghe tiếng xương ròn răng rắc vụn giữa hai hàm răng thú. Con vật táp rất nhanh miếng thứ hai. Cái đầu đứt lìa khỏi thân người lính. Con thú lấy chân hất nó ra xa như ta ném một viên bi. An nhìn thấy cái đầu đỏ ngòm của người bạn đường lăn mấy vòng trước khi bắn vào bụi cây gần đó. Anh dường như tắc thở, nỗi kinh hoàng khiến anh tê liệt chân tay. Một cơn băng giá từ từ lan toả khắp toàn thân. Anh cảm thấy cơ bắp trở thành co cứng và bất động như gỗ đá.

"Nếu ta không kịp trói thân vào cây, ắt ta rơi xuống mà chết như người thợ săn xấu số ngày xưa mà không cần phải đợi qua một đêm trên cây, cũng không cần bị nó gào thét để uy hiếp."

Ý nghĩ đó thoáng qua óc anh như tia chớp. Đồng thời, một làn nước ấm nóng đâu đó tuôn chảy trên tấm thân đông cứng và tê liệt vì kinh hoàng của anh. Phải một lúc sau, An mới biết rằng nước tiểu đã vọt ra mà anh không hay biết. Nước tiểu chảy dọc theo hai đùi, thấm ướt hai ống quần, tiếp tục bò xuống hai bàn chân. Khi gió thổi nguội đi chúng khiến anh càng lạnh.

Dưới kia, con hổ đã xé tan quần áo Nông Tài, bắt đầu bữa cỗ ngon lành của nó. An không dám mở mắt ra nữa. Nỗi tò mò cũng đã tắt ngấm như ngọn lửa bị tưới nước. Cơn sợ hãi chưa qua nhưng nỗi đau kéo tới. Lúc này anh mới hoàn toàn hiểu rằng người bạn đồng hành trong cuộc chạy trốn định mệnh này đã chết, chết một cách thảm khốc ngay dưới mắt anh:

"Nông Tài ơi, chúng ta chạy trốn một cái chết để rồi cái chết khác lại chờ đón ở nơi đây. Vào lúc cậu ngỡ là bước vào cửa sinh thì lại sa chân vào cửa tử. Hãy tha lỗi cho tôi vì tôi không đủ sức bảo vệ cậu. Hãy tha lỗi cho tôi vì tôi không làm trọn phận sự kẻ đưa đường. Lẽ ra, tôi phải là người đi trước chứ không thể là cậu. Nhưng số phận hay sự rủi ro xui khiến nên cậu phải thiệt thân. Từ nay, cái chết của cậu đè lên vai tôi, cùng với những người ruột thịt. Từ nay, lòng oán hận của tôi dệt thêm một mạng sống giống như sợi dây thắt thêm một nút để ghi nhớ mối thù này."

Anh thầm nói với người xấu số.

Một tình bạn ngắn ngủi kéo dài không quá hai ngày và một đêm. Nhưng vẫn là một tình bạn thật sự vì nó lôi dẫn họ qua biên giới mong manh giữa cõi sinh và cõi tử; nếu đã một lần đi qua bờ vực này, cuộc gắn bó sẽ kéo đến chung thân.

Những tia nắng rọi qua lá rừng không còn màu vàng nữa. Chúng nhạt màu chín của vỏ chanh. Điệu này chẳng mấy chốc mà tối. Anh phải thoát khỏi cánh rừng này trước khi đêm sập xuống. An bắt đầu xoa hai bàn tay thật mạnh cho máu lưu thông. Khi áp hai bàn tay lên má thấy hơi ấm trở lại bình thường anh mới gỡ khẩu súng khỏi lưng, lên đạn. Mục tiêu thật gần nhưng không dễ vì con hổ đang cắm cúi ăn, cần cổ và đầu nó di động liên tục. Chỉ có phần lưng và mông nó là chĩa thẳng về phía anh nhưng đấy lại là chính là những phần không gây nguy hiểm cho con thú.

Chợt một con tính chạy qua óc não anh:

"Tại sao ta lại tiêu diệt nó? Nếu bọn lính biên phòng đuổi theo bắt gặp xác hổ, ắt chúng sẽ truy nã ta sang tận đất Lào. Biên giới Lào-Việt chỉ vẽ trên bản đồ, không tồn tại trong thực tiễn. Đó là những gì ta đã biết từ cuộc kháng chiến năm xưa. Giờ cũng vậy thôi. Thời gian chưa thay đổi tình thế. Tốt hơn cả là ta để con thú thoát thân, và bày trò rằng chính ta cũng đã bị xé xác giữa hai hàm răng hổ. Đó chính là lối thoát chắc chắn nhất trong hoàn cảnh này."

Sự xác quyết đến mau lẹ. An nhắm vào phần mông gần nhất phô ra trước nòng súng, bóp cò. Đường bay của viên đạn vô cùng chính xác.

Con vật gầm lên một tiếng khủng khiếp, quay ngoắt lại phía anh. Cặp mắt nó chiếu thẳng vào anh những tia sáng hung cuồng. Nó buông con mồi quay lại lấy đà nhảy vọt lên. Cú nhảy ấy khiến hơi gió tạt vào mặt anh mùi hôi sặc sụa. Nhưng An dự đoán chính xác, con thú không thể với tới nơi anh ngồi. Nó chỉ khiến tim anh gõ trống và da anh sởn gai ốc. Viên đạn chỉ phá vào phần mềm trên mông con thú, cú nhảy của nó hoàn toàn bình thường. Một cú nhảy dũng mãnh. Ngay trong trí tưởng tượng anh cũng không thể hình dung con vật có thể nhảy cao được đến thế. Và động tác của nó chuẩn xác, nhẹ nhàng, mềm dẻo như động tác của một con mèo đang độ trai tơ. Không vồ được mồi, cặp mắt con thú long lên ánh man dại xen lẫn đau đớn. Nó bước loạng choạng quanh gốc cây vài bước đoạn lùi lại, gào lên tiếng thứ hai rồi vọt lên cú nhảy tiếp. Cây súng trong tay anh rớt xuống mà anh không kịp nhoai theo. Khẩu tiểu liên rớt theo chiều dọc, va đập, tự nổ phát đạn nữa. Con hổ quay ngoắt lại, nhảy bổ vào thứ kẻ thù có hình dạng lạ lùng đó, táp một miếng với tất cả sức lực và sự điên cuồng vốn có. Rồi nó gầm lên một tiếng thê lương, có lẽ bởi thứ thép kia khiến hai hàm răng nó bị tổn thương và cơn đau mới cộng với vết thương nơi mông khiến nó không chịu nổi. Ngẩng đầu lên nhìn cái con mồi nhỏ bé trên cây với cái nhìn kinh ngạc, nó nhảy vọt vào bụi rậm và biến đi. An nhìn theo vết cây lá rùng rùng chuyển động, biết rằng con thú đã đi thẳng. Chờ một lúc lâu để tin chắc con hổ không quay lại nữa anh mới tháo sợi dây dù, nhét vào túi-dết rồi tụt xuống. Một thứ dính dáp làm anh vướng víu dưới mông. Lúc ấy, anh chợt hiểu rằng cơn sợ hãi không chỉ khiến anh vọt nước tiểu mà còn tống cả phân ra ngoài ruột:

"À, người ta nói sợ vãi cứt chính là thế này đây"

Nhưng ý nghĩ đó biến đi nhanh chóng bởi anh không còn thời gian suy ngẫm. An cởi áo xé ra thành nhiều mảnh, thấm vào đám máu bê bết dưới cái đầu lâu của Nông Tài, đoạn bưng chiếc đầu lâu đó thả vào một bụi gai dày rậm mà chắc chắn không con chó săn, sói rừng hoặc lợn lòi nào rúc vào nổi. Rồi anh vứt chiếc áo tả tơi đẫm máu của mình bên cái xác không đầu của người xấu số, giờ đây chỉ còn trơ trọi phần bụng và khung xương. Đoạn, anh ném khẩu súng của mình xuống gần sát khẩu súng của người đồng hành. Nhìn cảnh tượng ghê rợn đó lần cuối, anh quay lưng co cẳng chạy về phía trước, nơi văng vẳng tiếng chảy của một con suối. Đến bờ suối, anh định bước xuống tắm thì một cơn buồn nôn trào thốc lên họng khiến anh không thể nào kìm giữ. Cứ thế, những gì còn lại trong dạ dày anh vọt ra. Vọt ra cho đến những gợn chất lỏng màu xanh chen màu vàng và sau đó là thứ nước đen đắng như mật cá. Anh phải quì gối chống hai tay xuống mặt đất để khỏi ngã gục vì cơn nôn kì lạ. Nôn xong, ruột anh đau quặn từng hồi. Anh có cảm giác ruột anh đang bị cắt đứt bởi những lưỡi dao vô hình. Anh định đứng lên cởi khuy quần nhưng cơn đau rút thân anh co rúm lại như một con tôm bị trụng nước sôi. Anh đành lại quỳ gối xuống, cố gắng nín giữ để có thể lột chiếc quần ra. Những cơn đau nối tiếp khiến anh không còn đủ sức để làm việc đó. Anh đành úp mặt xuống cỏ để lấy điểm tựa rồi buông thân nằm nghiêng. Cũng lúc ấy những luồng phân phọt ra một cách đột ngột như một thứ nước chứa trong chai bất thình lình bị rút nút. Anh hoàn toàn không còn điều khiển được cơ thể của mình. Anh nằm nghiêng như thế, chờ cho cơn bệnh khủng khiếp đó đi qua. Khi không còn gì trong ruột, anh bắt đầu run lên vì rét. Một thứ gía lạnh từ xương tuỷ toả ra, hoà với hơi lạnh của rừng chiều.

"Mình chưa thể tắm ngay. Mình sẽ chết vì cảm. Mình sẽ chết ngay trong dòng nước."

Anh nghĩ. Với tay mở chiếc túi dết, anh kéo ra tấm chăn dù mà Nàng Đông đã kì công khâu từng mũi cho anh từ những tấm dù chiến lợi phẩm trận Điện Biên. Tung tấm chăn ra, anh trùm kín toàn thân. Rồi nhắm mắt thở từng hơi dài, anh chờ cơ thể ấm dần lại. Khoảng thời gian đó thật nặng nề. Anh có linh cảm lũ ngựa biên phòng đang trên đường đuổi theo mình. Không nghe thấy một tiếng động nhỏ, nhưng chỉ là những hình ảnh được mường tượng theo thuần tuý theo linh giác.

"Ta cần phải thoát thân. Ta phải sống bằng mọi giá."

Anh nghĩ. Ý nghĩ đó cứ lặp đi lặp lại không ngơi nghỉ giống như gió thổi liên hồi vào lò than. Cũng như gió lùa vào lò than, nó hun nóng lại dần cơ thể băng giá và lả lướt của anh bằng thứ nghị lực của một kẻ cùng đường, bằng ý chí sống của con thú bị dồn vào bẫy. Chừng hai mươi phút sau, An cảm thấy nhịp đập của con tim trở lại bình thường. Lật tấm chăn, anh ngồi dậy, lội xuống suối tắm rửa, giặt bộ quần áo dơ gói vào tấm áo mưa, nhét cẩn thận vào túi-dết. Đoạn, lội sang bờ suối bên kia anh mặc bộ đồ mới rồi tiếp tục chạy. Rừng bắt đầu sẫm tối. Anh cố gắng chạy thêm chừng mươi phút nữa mới chịu lấy cây đèn pin ra dùng. Từ nay trở đi, cuộc sống của anh chỉ còn cây rừng bảo trợ. Anh phải tiết kiệm từng giọt ánh sáng. Anh cũng phải tiết kiệm từng mảnh bánh khô cho đến khi tìm được nơi ẩn nấp. Một cơn chóng mặt thoáng qua khiến anh phải dừng lại, mở túi-dết, móc ra một cục đường phèn bỏ vào miệng. Vị ngọt thấm vào lưỡi khiến bước chân anh đỡ run rẩy. Rồi lát sau, chất nước đường chảy xuống, làm hồi sinh cái dạ dầy trống rỗng và bị thương tổn của anh, khiến những cơn chòng chành chao đảo mất dần đi và anh cảm thấy các động tác của mình trở nên chính xác. Cứ như thế, An tiến sâu vào con đường tối đen mà anh ngỡ như đã đi được nhiều lắm. Nhưng nửa giờ sau, anh nghe vẳng đến tiếng vó ngựa dập dồn, tiếng nói xen lẫn tiếng la hét. Tất thảy những thứ tiếng động ấy vang xa trong vùng trời đen như mực vùng biên giới.

"Tại sao tiếng vó ngựa nghe gần đến thế? Hay ta đã lạc đường và quay vòng trở lại? Hoặc là chính con đường chạy theo hình vòng thúng bởi khi ta vượt qua suối, rừng chẳng còn bằng phẳng mà đổ nghiêng như sườn dốc. Rất có thể là lối mòn này dẫn ta quay lại cánh rừng kề cận nơi Nông Tài đã bị hổ ăn."

Anh tắt đèn pin, chui vào một bụi rậm, hiểu rằng khi không thể xác định lối thoát thân thì tốt nhất là ngồi yên một chỗ trong bóng tối. Như thế còn đỡ nguy hiểm hơn là gây nên tiếng sột soạt và rắc vào đường mòn ánh sáng nhân tạo của cây đèn. Bọn lính biên phòng sẽ dễ dàng phân biệt được thứ ánh sáng này với các loại lân tinh. Quả nhiên, tiếng vó ngựa mỗi lúc mỗi gần hơn và gió đưa đến tai anh tiếng chửi thề của đám lính:

- Từ từ đã. Thúc mẹ nó vào ngựa của tao rồi.

- Tối thế này tránh làm sao được?

- Đằng nào cũng phải chờ chúng nó vạc đường mới tiến lên được. Mày đừng có thúc ngựa làm gì.

- Tao có thúc đâu. Tự nó chồm lên đấy chứ.

Một giọng can thiệp, chắc chắn của tay thượng uý trưởng đồn:

- Thôi đi các cậu. Chớ có cáu kỉnh với nhau. Lát nữa quay về, anh nuôi khắc có nồi cháo gà bồi dưỡng.

Bọn lính im. Và giọng tay thượng uý lại cất lên:

- Nhanh tay lên một chút. Chớ quên rằng bọn thổ mừ này thạo đường rừng gấp ngàn lần chúng ta. Bọn họ sinh ra với rừng cây mà.

- Báo cáo thủ trưởng bọn em vẫn cố sức ra tay nhưng lắm dây nhợ quá. Đoạn đường này thật là chó đểu.

- Có chó đểu mới cần đến ngọn dao nhà nghề của cậu. Rán sức lên. Tôi cho rằng chúng ta sắp đến nơi. Tài mấy chúng nó cũng không thể chạy nhanh hơn ngựa...

Những tiếng động chen lẫn tiếng hí của đàn ngựa vọng đến rõ mồn một. Lính tiên phong đang phạt dây dọn đường cho ngựa tiến lên. Vậy là chúng đã nhận được lệnh đuổi bắt họ từ lúc tắt mặt trời. Nhưng đám ngựa bị cản lại khi tiến vào rừng. Nếu lối mòn không chằng chịt những đám thòng lọng xanh, hẳn bọn lính đã tóm gọn anh khi anh còn đang nằm trùm chăn bên bờ suối, trong cái tình trạng thê thảm nhục nhã chưa từng có trong đời.

"Dẫu sao giờ đây ta cũng đã lấy lại được tư thế, và nếu có chạm trán nhau ta vẫn có thể tiêu diệt một vài thằng trước khi chịu nhắm mắt xuôi tay."

An nghĩ. Ý nghĩ đó giống như niềm an ủi. Một con côn trùng nào đó đốt vào gáy đau buốt khiến anh xuýt bật tiếng kêu. Quài tay ra sau gáy, anh tóm được một con kiến độc to bằng hạt đậu đen, bóp chết nó tức khắc nhưng con vật cũng kịp chích nọc vào đầu ngón trỏ của anh khiến ngón tay anh buốt nhói lên. Cũng lúc đó, một tiếng thét vẳng đến:

- Hổ! Hổ!

Một loạt đạn tới tấp và rối loạn cày lên tức khắc sau tiếng kêu kinh hoàng đó.

Anh cười thầm:

"Chúng mày có quá nhiều đạn để thị uy với chúa sơn lâm"

Khi loạt đạn dứt, anh nghe rõ tiếng tay thượng uý:

- Cậu nhìn thấy nó ở đâu?

- Không. Báo cáo thủ trưởng tôi nhìn thấy đám xương lồng ngực bị gặm hết thịt ở ngay sát chân ngựa.

- Đâu?

Chưa có tiếng trả lời, đã nghe tay trưởng đồn hét:

- Xuống ngựa đi. Đem đèn chạy ắc-quy lại gần đây.

Tiếng chân chạy, tiếng hò ngựa, tiếng roi vút đen đét. Rồi sau đó là sự im lặng. Có lẽ đám lính đang dò dẫm xung quanh cái xác không đầu và đám xương của Nông Tài. Rồi giọng tay thượng uý vang lên, không còn oang oang hùng hồn như thường lệ:

- Hai khẩu súng? Con hổ này chén sạch cả hai thằng?

- Vâng. Chắc nó phải lớn lắm.

- Chưa nghe ai nói hổ ăn thịt được một lần cả hai người.

- Báo cáo thủ trưởng, hổ chưa từng tạt chết một lần cả hai người vì khi nó vồ được con mồi thì những người khác đã kịp chạy hoặc nổ súng. Nhưng nó cõng cả con bò chạy bay bay. Lần này, có lẽ hai thằng thổ mừ tận số. Hoặc chúng nó ngồi nghỉ. Hoặc chúng nó đi cặp díp nhau. Tuy là dân miền núi nhưng chúng nó chưa lường được những cánh rừng xứ này.

- Không tìm thấy đầu lâu.

- Hổ không bao giờ ăn đầu lâu. Chỉ có sói và lợn lòi. Loài sói không đứng ăn một chỗ mà thường tranh cướp nhau và kéo mồi ra xa. Tôi cho rằng chính lũ sói kéo đi một cái xác và cả hai chiếc đầu lâu. Đàn sói này phải đông lắm.

- Đúng rồi. Chỉ có sói bầy với lợn lòi mới có thể dọn sạch đi nhanh thế. Tôi chắc rằng loạt đạn chúng ta bắn khi vào rừng đã đuổi chúng đi. Nhìn đám xương sườn kia cũng biết chúng phàm ăn đến nhường nào.

Một khoảnh khắc im lặng nữa trôi qua. Rồi tiếng một cậu lính trẻ cất lên:

- Báo cáo thủ trưởng, chúng ta quay về thôi. Ở đây mùi máu tanh quá.

- Sợ hả?

Tay thượng uý hỏi với giọng vừa thị uy vừa trịch thượng nhưng ngay sau đó anh ta quát:

- Cậu nào thu hai khẩu súng kia lại. Nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn thành mà không tốn một giọt máu. Những tên phản bội tổ quốc, làm gián điệp cho ngoại bang đã bị thú dữ trừng trị thay vì toà án của nhân dân.

An nghe tiếng ho sặc sụa của một cậu lính, chắc là kẻ không may mắn bị sai đi lượm hai cây súng bê bết máu khô. Sau đó, tiếng giục giã lên ngựa, tiếng roi vút, tiếng xì xào và sau cùng, tiếng vó ngựa dồn dập, nhưng lần này mỗi lúc mỗi nhỏ dần đi.

Chờ cho tiếng ngựa chạy gần như tắt hẳn trong không gian, An mới chui khỏi bụi rậm. Anh quỳ xuống, thầm thì:

- Chúa sơn lâm ơi, mày đã cứu mạng ta.
 

*
* * *
 

Từ năm đó, anh sống trong một bản Vân kiều heo hút, nơi chính người Lào cũng ít khi đặt chân tới. Hai năm đầu trôi qua trong niềm tin đinh ninh rằng anh sẽ không bao giờ còn nhìn lại mảnh đất quê hương. Tổ quốc của anh không còn là Việt nam bởi cái tên đó chỉ còn là niềm oán hận. Anh ngồi viết đi viết lại câu chuyện bi thảm của gia đình mình bằng một mẩu bút chì, trên mặt sau của những tờ truyền đơn mà thi thoảng anh nhặt được dưới chợ, một cái chợ nhỏ xíu trong một thị trấn Lào cũng nhỏ xíu và hẻo lánh, nơi chỉ có những người lái buôn ít vốn liếng và dư thừa lòng can đảm tìm đến để mua các loài xạ hương, chồn trắng, trầm hương hay khỉ vàng nuôi làm cảnh. Đến năm thứ ba, anh bắt đầu hiểu rằng anh phải quay về, anh cần phải quay về mảnh

đất thù nghịch đã từng là tổ quốc của anh. Anh phải quay về Hà nội, cái thành phố địa ngục mà anh ngỡ không bao giờ còn nhìn thấy. Bởi lịch sử nào cũng phải chết trong lãng quên và câm lặng. Ở giữa vùng núi non mù mịt này, giữa đám dân nói một thứ tiếng khác sống một nền văn hoá khác, dầu anh có viết cả ngàn trang giấy cũng không ai thèm đọc, chẳng ai thèm biết tới và như thế, cuộc chạy trốn của anh là vô nghĩa. Anh kéo dài cuộc sinh tồn này là để rửa hận nhưng sau cùng chính cuộc sinh tồn ấy dìm anh vào một đời sống tăm tối vô dụng.

Vậy thì, anh ra đi để còn có ngày về. Anh phải về chính mảnh đất đã diễn ra tội ác, nơi linh hồn những người ruột thịt chờ đợi anh...

Trước đây, để sống anh đã ra đi bằng mọi giá. Giờ đây, để trả thù anh cũng phải quay về bằng mọi cách. Quay về! Quay về! Quay về!

Quyết định như vậy, nhưng anh phải chờ năm năm sau, An mới tìm được lối thoát. Đó là khi những tốp lính Việt nam đầu tiên vượt Trường sơn để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh hoành tráng mà mục tiêu của nó là giải phóng Sài-gòn và sau đó, kéo dài đường biên giới cho đến tận Xiêm rệp. Năm ấy là năm Quý Mão, mùa xuân năm Quý Mão. Đến mùa thu, máy bay đối phương bắt đầu săn tìm quân tiên phong trên các cánh rừng dọc Trường sơn. Bom bắt đầu dội xuống những khu rừng bị đánh dấu nghi hoặc trên bản đồ là có quân Bắc Việt chui lủi hoạt động. Bởi nước Mỹ là kho vũ khí khổng lồ nên quân đội Sài-gòn có thể ném bom một cách hào phóng, kiểu như các công tử tỉnh Bạc Liêu thời xa xưa ném tiền vào canh bạc. Nhờ cơ may đó, anh tìm gặp được một tốp lính bị bom diệt trọn gói, và trở lại quân đội dưới tấm thẻ quân nhân: Thượng sĩ bộ binh Hoàng An, dân tộc Tày, quê Đồng Mỏ, Lạng sơn.

Anh được sáp nhập vào đội quân gom góp từ tất cả những tiểu đoàn, đại đội, trung đội bị xoá sổ rồi sau đó không lâu, lại sáp nhận vào một cánh quân khác. Trú ẩn dưới cái tên của một người đã chết, anh hiểu rằng cuộc sống của anh giờ đây chỉ còn lại một mục tiêu. Ngày đó, anh thề trước đất trời:

Nông văn Thành đã chết vĩnh viễn.

Chí văn Thành cũng vĩnh viễn chết theo.

Chỉ còn lại trên cõi đời một kẻ tên là Hoàng An mà thôi.
 

(Hết) NGƯỜI ANH EM ĐỒNG HAO KHÔNG BIẾT MẶT
 

www.geocities.ws/xoathantuong