KÍ ỨC VỐN BUỒN NHỚ VÀ SẦU THƯƠNG CHO CHÍNH NÓ (3)
 

Khi Vũ tỉnh dậy, ông nằm trong bệnh viện Việt-Xô.

Ấy là giờ cơm trưa nên bệnh nhân ở tất cả các giường đều ngồi dậy chờ người nhà lấy xuất ăn về. Chiếc tủ của ông chất đầy những thứ hoa quả, bánh trái, tất thẩy đều bắt đầu héo úa bởi chưa ai đụng đến.Vũ thấy đầu nặng như đá đè. Ông cố gắng quay sang hai bên để cho các cơ bắp ở cổ mềm trở lại. Những động tác ấy khiến ông đau nhói:

"Ta già rồi... Cơn đau này quật ngã ta"

Ông thầm nghĩ nhưng vẫn tiếp tục cử động một cách kiên nhẫn. Người bệnh nằm đối diện nhìn ông:

- Bác đã tỉnh hẳn rồi chứ? Chúc mừng nhé.

- Cảm ơn... Tôi nằm bất động mấy ngày rồi?...

- Ba ngày rưỡi. A, phải... Bốn ngày chẵn cả thẩy. Bác nhập phòng trưa thứ bảy tuần trước. Hôm nay là thứ tư, mười một giờ rưỡi ngày thứ tư.

- Ở đây các bác đếm từng giờ?

- Bệnh viện cũng tựa như nhà tù, một ngày dài hơn thế kỉ. Bác chưa từng nằm dài hạn bao giờ nên chưa biết.

- Thú thật. Đi thăm mọi người, tôi đã từng. Nhưng chính tôi, đây là lần thứ nhất.

- Tôi cũng nghe nói vậy.

Ông ta cất tiếng cười:

- Cứ ở đây vài tuần rồi sẽ rõ. Trước nghe thiên hạ doạ: ở trong ấy một ngày dài hơn thế kỉ, chẳng tin. Vào đến đây là chân lý sáng tỏ ngay.

- Ra thế...

Ông cũng bật cười. Ngay cái cười cũng khiến các cơ mặt vừa đau vừa co cứng. Nhưng dẫu sao, ông cũng đã tỉnh. Cơ thể ông chưa thể bị huỷ hoại trong giây phút. Đấy là phần thưởng bù trả cho một cuộc sống thanh sạch, điều độ và những bài tập khí công thường xuyên. Ông đưa hai bàn tay lạnh cứng lên xoa vào nhau, chờ cho chúng ấm nóng rồi bắt đầu đưa lên xoa cổ:

"Ta không thể chịu thua trước khi chống cự lại. Tuổi già, ta chấp nhận ngươi nhưng với tinh thần chủ động. Ta không thể là đầy tớ của ngươi."

Bác sĩ phụ trách bước vào phòng. Một người đàn ông trạc tứ tuần, trầm tĩnh và mệt mỏi. Anh ta bước tới gần giường ông, mỉm cười:

- Chúc mừng bác.

- Chúc mừng anh.

Ông vui vẻ đối đáp:

- Tôi sống được là nhờ anh nên phải chúc mừng anh. Như thế chính xác hơn.

- Không hẳn thế. Bác có một thể chất vững trãi nên bình phục nhanh. Nếu là người khác ắt...

- Nếu là người khác ắt bỏ mạng?

- Tôi không định nói thế. Nhưng nếu là người khác rất dễ có những tổn thất lâu dài.

- Ví như đứt mạch máu não, biến chứng tê liệt toàn thân hay bộ phận, ít nhất cũng nghoẹo cổ, méo mồm, v... v... Đúng không?

- Bác thuộc các hội chứng như người trong nghề.

- Tôi có đọc sách y. Không nhiều nhưng cũng tạm đủ những kiến thức sơ giản. Tôi mở được mắt là biết mình gặp may. Như các cụ dậy: gặp thày gặp thuốc. Nói thêm lời nữa người ta dễ cho là khách sáo nhưng dẫu sao tôi vẫn phải nói: Cảm ơn anh. Cảm ơn anh vô cùng.

- Không có gì. Đó là phận sự của chúng tôi.

Bác sĩ có vẻ hơi bối rối. Anh ta vội chào ông rồi bước ra khỏi phòng. Lát sau, một cô y tá đi đến:

- Hôm nay bác uống sữa. Ngày mai cũng vậy. Từ thứ sáu trở đi chế độ ăn uống sẽ thay đổi tuỳ theo tình hình sức khoẻ. Bác sĩ nói rằng có thể bác muốn ăn cháo ngay trong ngày hôm nay nhưng như thế bất lợi.

- Cảm ơn. Tôi sẽ chấp hành mệnh lệnh. Các anh các chị không phải băn khoăn.

- Giờ tôi pha sữa cho bác nhé?

- Không cần. Tôi chưa thấy đói. Lát nữa, tôi sẽ tự phục vụ mình.

Cô y tá bước đi. Ông tiếp tục xoa và lắc cổ. Một nguyên tắc ông đã thực hành từ thuở trai trẻ và chưa bao giờ vi phạm: Không đói thì không ăn. Vả chăng, những ngày ông mê man, người ta đã liên tục tiếp các chất nước khoáng, đường và đạm nên ông không có cảm giác thiếu hụt. Chỉ một sự tê cứng ngự trị toàn thân. Điều ấy khiến ông khó chịu. Ông bắt đầu cuộc chiến đấu. Nhưng dầu ý chí của ông mạnh mẽ, cơ thể ông chưa thể kham nổi cuộc đọ sức quá sớm. Chỉ hai mươi phút sau, tay ông đã rã rời và ông chìm vào giấc ngủ mới. Lần này, ông ngủ một mạch tới chín giờ tối mới thức dậy, thấy cơn đói đang bào dạ dầy. Ông ngồi lên, tuy có một thoáng lao đao nhưng sau đấy mọi cử động trở lại chính xác và chắc chắn. Ông đứng dậy, pha sữa uống, vừa uống vừa lắng nghe cơ thể hồi dần, nghe hơi ấm lan toả từ lồng ngực cho đến chân tay, nghe máu luân chuyển trong huyết mạch, một cảm thức mới mẻ ông chưa từng biết bao giờ: sự hồi sinh!

- Tôi là láng giềng của bác. Bác có nhớ ra tôi không?

Có tiếng ai đó cất lên bên tai ông. Ông quay lại, thấy một người đàn ông ăn bận chải chuốt, đứng tựa lưng vào tường, nhìn ông với đôi mắt ấm áp, tươi cười.

- Hình như...

Ông đáp với vẻ bối rối, cố lục tìm trong trí nhớ cái vẻ đỏm dáng kia, cái mốt của những năm bốn mươi, đầu dợn sóng và cổ áo sơ-mi sáng màu bên trong bẻ ra che chiếc áo khoác ngoài màu đặc biệt sẫm:

- Thú thực, vừa quên vừa nhớ... Tuổi già mà...

Ông đáp, một lần nữa cố lục tìm trong dĩ vãng hình ảnh người đàn ông phương phi, tóc chải kiểu Yve Montand, đôi mắt chạy ngang, sống mũi đều và một cái miệng đỏ hồng, môi cong cong, chắc chắn là loại đàn ông lắm điều, bẻm mép.

- Tôi là Trần Phú, nhưng không phải Trần Phú tổng bí thư đảng hồi tiền khởi nghĩa mà là người khoèo chân sang võng của bác năm bốn mươi bẩy, trong cuộc chỉnh huấn tại bản Nậm Mài. Bác đã nhớ ra chưa?

- A... a... giờ thì tôi đã nhớ ra. Bởi anh tự xưng là láng giềng, tôi cứ lục tìm mãi danh sách người quen trong cái phố huyện xưa, nơi chôn rau cắt rốn.

- Nằm sát nhau suốt hai tháng như thế, võng sát võng, chân cọ vào chân, còn hơn là láng giềng chứ. May mà tôi lẫn bác đều không phải người đồng tính, nếu không ắt xảy ra chuyện.

- Đúng thế thật.

Ông xác nhận và bật cười.

Anh chàng Trần Phú hỏi:

- Bác còn mệt lắm không?

- Đỡ rồi.

- Ngồi cho thẳng lưng rồi cố gắng xuống giường đi lại vài bước. Sau mấy bước đầu tiên, bác sẽ muốn đi một vòng quanh hành lang và tốc độ cứ thế mà thăng tiến. Đấy là cách tốt nhất để giúp máu lưu thông. Bác sẽ hồi sức rất nhanh, tôi tin như vậy.

- Cảm ơn. Tôi cũng hy vọng được như thế.

Ông đáp và đưa mắt tò mò ngắm nhìn anh ta:

- Còn anh, bí quyết nào khiến thời gian không chạm vào anh được?... Từ đấy đến đây đã hơn hai mươi năm, sau giây phút bỡ ngỡ, tôi thấy anh gần như vẫn giữ được phong độ cũ.

- Tôi thay đổi khá nhiều. Hơn hai mươi năm đâu phải là chốc lát. Anh không nhìn thấy cái bụng tôi sao?

Nói tới đây anh ta vạch áo Blu-dông lên cho ông xem. Ông thấy bụng anh ta rất đỗi bình thường. Rất đỗi bình thường ngay cả với một người đàn ông tuổi bốn mươi. Ông bảo:

- Tôi không thấy gì. Nhiều lắm là vòng bụng tám mươi. So với mọi người, nó vẫn là con số lý tưởng.

- Ồ, không... Tôi không thể chấp nhận được. Bác nhớ ngày xưa tôi nổi danh khắp chiến khu là "Trần Phú eo ếch", vòng bụng sáu mươi chẵn, không hơn một ly. Bụng tôi còn nhỏ và săn hơn cả bụng mỹ nữ.

- Anh điên sao? Hơn hai mươi năm rồi còn gì?

- Vấn đề là chúng ta kém nên mới để mình tàn phế theo thời gian. Tôi biết có ông cụ ngoài tám mươi da vẫn không nhăn, vòng bụng vẫn sáu mươi tám, không suy suyển.

- Tám mươi mà da không nhăn? Anh cường điệu. Xin lỗi, tôi không tin nổi.

- Anh phải tin. Rồi anh sẽ phải tin. Tôi lý giải cho ngay đây: Các mỹ nhân vẫn giữ nhan sắc bằng cách xoa mặt. Mát-xa là biện pháp giữ nhan sắc lẫn sức khoẻ cổ truyền. Ở Ba-Tư, người ta bán hàng trăm loại dầu thơm khác nhau cho các phòng tắm phục vụ khách, đương nhiên khách chỉ có thể là vương tôn, vọng tộc hoặc các thương nhân giàu có. Thế nhưng chính mát-xa cũng không thể chống được sự nhăn da bởi khi thao tác, người ta phải kéo da qua lại theo chiều ngang, nghĩa là buộc thớ da giãn nở. Khi đã giãn nở, ắt nó phải biến hình. Vì thế, biện pháp mát-xa tuy khiến cho máu lưu thông, da tươi khoẻ hồng hào nhưng vẫn tiếp tục làm hình thành các nếp nhăn. Để chống lại nhược điểm này, người ta phải tìm đến một phương pháp mới.

- Lý thuyết của anh xem ra chừng hấp dẫn. Tôi bắt đầu tò mò rồi đây.

Ông vừa nói vừa cười, một nụ cười vừa cởi mở vừa đầy tinh thần cảnh giác. Trần Phú cũng cười:

- Anh chưa tin đâu. Nhưng anh tin hay không tin đối với tôi cũng vậy. Tôi chẳng phải thằng Sơn Đông mãi võ bán thuốc ê giữa chợ để moi trong túi anh mấy đồng tiền? Tôi chỉ hành động theo đúng phương châm:Thấy điều gì tốt đẹp mà chẳng nói cho mọi người cùng hay chính là kẻ biển thủ, cũng như thấy cái hố giữa đường không kêu to cho thiên hạ biết là kẻ có dã tâm.

- Ồ... Đừng đao to búa lớn như vậy... Nào, anh hãy nói về biện pháp của ông lão tám mươi mà da chưa hề nhăn kia.

- Ông lão ấy chính là trưởng môn phái Nhất nam. Nhà ông cụ ở sát gò Đống Đa. Nếu anh muốn, hôm nào tôi sẽ dẫn đến thăm, tiện thể xem đám đệ tử của cụ biểu diễn. Tôi tin là anh sẽ mê môn võ này tắp lự. Còn về phép giữ da cho khỏi nhăn, biện pháp của ông cụ vô cùng đơn giản: Tát!

- Tát?...

Ông gần như không tin vào tai mình nữa:

- Anh nói gì? Tát?

- Tát!

Trần Phú khẳng định một cách lạnh lùng:

- Tát...Nghĩa là tát. Người ta chẳng thể tìm ra từ nào khác để diễn tả cái động tác: Tát...

- Tát? Tôi không hiểu?

- Tát, nhưng không phải tát quân thù, tát nảy đom đóm mắt, tát sặc máu mũi máu mồm, tát sái quai hàm rơi răng cửa. Không phải tát để cho người bị tát phải chịu thương tổn hoặc toi mạng. Cùng là tát, nhưng động tác vừa đủ cho máu huyết tuần hoàn, chống lại sự lão hoá, nhưng vẫn giữ được nguyên hình dạng cũ của làn da. Đây, tôi làm mẫu cho anh xem.

Dứt lời, anh ta giơ hai bàn tay cùng một lúc tát lên mặt, trước hết là hai hàm rồi những cái tát nhịp nhàng lan dần dần lên hai gò má, hai thái dương và sau rốt hai bàn tay cùng hội tụ trên trán:

- Bốp, bốp, bốp, bốp, bốp....

Ông không thể ngăn anh ta lại, vừa sửng sốt vừa bối rối trước cuộc thị phạm đầy hào hứng kia, một lát sau ông mới hạ giọng thì thầm:

- Thôi, thôi. Tôi hiểu rồi. Chúng ta không nên làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Anh ta lập tức hạ giọng thì thầm theo:

- Bác để ý làm quái gì mấy cái xác chết di động ấy? Muốn sống cho vui vẻ, coi như họ không tồn tại trước mắt mình.

Ông kinh hoàng vì lối nói ngang ngược của anh ta nên vội vàng đứng lên, dù động tác ấy khiến ông hơi choáng váng:

- Chúng ta ra hành lang. Tôi thử xem sao.

Ông vội nói.

- Tốt, để tôi dìu bác đi.

Trần Phú đáp đoạn đưa tay ôm vòng lưng ông. Tay anh ta ấm nóng, rắn chắc, báo hiệu một cơ thể còn vững vàng. Ông thấy dễ chịu khi đi bên cạnh con người này, một cảm giác an toàn và ấm áp. Họ đi dọc hành lang. Cùng với những bước chân, trí nhớ của ông dần le lói ánh hồi quang của những đêm rừng hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy, anh chàng sĩ quan Trần Phú loẻo khoẻo, tuy đã nổi danh là bậc chỉ huy đầy triển vọng nhưng suốt ngày chỉ ham làm dáng khoe "eo ếch" trước đám lính. Hễ anh ta ngồi đâu là lính xúm đen xúm đỏ ở đấy, há hốc mồm nghe anh ta nói chuyện. Chẳng ai biết chính xác những câu chuyện ấy nhưng chắc chắn đó là thứ chuyện tếu táo, bởi sau một hồi yên lặng lại thấy cả đám rú lên cười, cười bò lăn bò toài, cười như mắc chứng động kinh tập thể, cười như lũ điên. Cấp trên, tuy vô cùng tín nhiệm anh ta về kinh nghiệm trận mạc song cũng đầy hồ nghi vì tính cách kì quái của gã trai Hà thành.

Hồi ấy, ban ngày họ phải tham dự các cuộc chỉnh huấn. Ban đêm, lên võng rồi nhưng Trần Phú vẫn không chịu ngủ, thò chân sang khoèo chân ông khiến ông buộc phải chui đầu khỏi màn để nghe anh ta thì thầm đủ loại chuyện tiếu lâm rồi cả hai lấy tay bụm miệng lại cười rinh rích... Ngày ấy, họ là những chàng trai... Giờ, tuổi xuân chỉ còn là hoài niệm... Hẳn Trần Phú cũng đang nghĩ ngợi điều gì đó nên cái miệng muôn đời tép nhảy của anh ta cũng ngừng hoạt động. Cứ thế, họ im lặng đi mấy vòng quanh hành lang rồi ngồi xuống chiếc ghế dài:

- Bác đã mệt chưa?

- Lúc đầu, hơi choáng váng. Nhưng sau khi đi hết vòng đầu lại thấy bình thường.

- Như thế là tốt. Cơ thể bác sẽ bình phục một cách hoàn hảo.

- Ai bảo anh thế?

- Bác sĩ.

- Bác sĩ trưởng phòng? Người buổi sáng vừa gặp tôi?

- Đích xác. Bác đã gặp may. Đó là người có tay nghề cao nhất viện. Chính anh ta ra chỉ định kéo dài thời gian hôn mê của bác một cách nhân tạo. Như thế, tránh được khả năng chịu đựng các di chứng đồng thời cơ thể cũng hồi phục nhanh hơn. Tôi theo rõi nhịp thở của bác khi chúng ta đi, và tôi chịu anh chàng này là lão luyện.

- Tôi thấy anh cũng lão luyện không kém.... Anh có học y hay sao?...

- Không. Nhưng tôi đọc. Tôi là giám đốc nhà xuất bản văn hoá thông tin. Vì thế, tôi buộc phải đọc. Vả chăng, khi ta tiến đến tuổi già, sớm hay muộn, muốn hay không bệnh tật cũng sẽ kéo đến. Tốt nhất là phải hiểu chúng trước khi lũ khách không mời này đột nhập vào nhà.

- Anh chuyển ngành từ hồi nào vậy?

- Tắp lự. Ngay sau ngày giải phóng thủ đô.

- Nhưng...

Ông định hỏi rồi bất chợt ngưng lại. Thời quen biết ông, Trần Phú đã là tiểu đoàn trưởng 5O7, tiểu đoàn quân khu thủ đô. Anh ta được đánh giá là một trong những sĩ quan nổi trội nhất, vì vốn kiến thức, óc sáng tạo và khả năng linh cảm khác thường. Với dáng điệu mảnh dẻ của gã trai Hà thành và cặp môi đỏ như son, vừa bẻm mép vừa đa tình, anh ta khiến biết bao cô nàng chết mê chết mệt đã đành, nhưng cũng thuộc loại chỉ huy được tín nhiệm, có thể bảo lính nhẩy vào lửa mà không sợ phản ứng. Tại sao anh ta lại giã từ quân đội một cách uổng phí khi sự nghiệp đầy hứa hẹn? Vũ tự hỏi. Nhưng rồi, ông tự biết rằng có những sự thật nằm bên ngoài thứ lô-gic thông thường. Và thứ lô-gic thông thường mà số đông chấp nhận lại dung chứa những phi lý khi ta nhìn từ hướng khác.

Có lẽ, cũng phải trả giá khá đắt ông mới hiểu điều này.

Dường như đoán được những ý nghĩ thầm kín của ông, Trần Phú ngoạc mồm ra cười:

- Bác nuối tiếc cho sự nghiệp quân sự của tôi, đúng không? Vì rằng đám lính dưới quyền tôi giờ này đã nhất loạt đeo lon tướng? Trong khi tôi chỉ là anh cán sự văn hoá quèn, chẳng thứ bộ trưởng đã đành, cũng chẳng leo lên nổi chức cục,vụ? Nhưng đấy chính là tự do của tôi, sự lựa chọn của tôi. Khi đất nước lâm nguy, vì phận sự của công dân tôi đành cầm kiếm. Nhưng trận mạc đã xong, tôi trả lại cho người khác giữ, sự nghiệp của võ quan chẳng phải thứ tôi ham. Giữa mũ mãng cân đai và sự thanh nhàn, tôi chọn vế sau.

- Trước đây, có thể tôi còn băn khoăn, nhưng giờ tôi hiểu là anh có lý.

- Cảm ơn, cái lý của tôi có thể là sự phi lý đối với kẻ khác. Cũng ví như những lời lẽ của tôi có thể làm chướng tai kẻ khác, đám người cùng phòng với anh chẳng hạn. Nhưng cuộc đời chẳng quá dài để khiến ta phải chiều lòng tất thảy chúng sinh.Ta cứ làm điều ta muốn miễn đó chẳng phải những hành vi phi đạo đức hay phi nhân. Nào, tôi tháp tùng anh về phòng. Giờ anh uống thêm cốc sữa nữa rồi đi ngủ. Tôi cam đoan rằng ngày mai anh sẽ ăn được cháo thịt.

Họ về phòng. Ông ngoan ngoãn uống đầy một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ. Và quả thật, giấc ngủ của ông viên mãn. Sáng hôm sau, khi ông tỉnh dậy đã thấy Trần Phú đang đấu hót với bác sĩ trưởng phòng ngoài hành lang. Cả hai đều có vẻ hào hứng. Hẳn ông thầy thuốc vừa kinh ngạc vừa thú vị vì gặp được một con bệnh thuộc lòng như cháo chảy mọi ngón nghề của mình. Thấy ông tỉnh giấc, họ quay lại:

- Xin chúc buổi sáng tốt lành.

Trần Phú lên tiếng trước. Bác sĩ mỉm cười tiếp theo:

- Hôm nay bác sẽ ăn cháo thịt. Xin chúc mừng vì bác chuyển giai đoạn dinh dưỡng nhanh gấp bội những người bình thường.

Ông cũng cười, đáp:

- Hẳn là anh bạn tốt bụng của tôi đã đề nghị thầy thuốc cho tôi được leo thang?

- Không. Chẳng ai có quyền đề nghị. Chỉ định chuyên môn bao giờ cũng độc đoán. Nó chỉ tuân theo những nguyên tắc nghề nghiệp thôi.

Bác sĩ trả lời đoạn giơ tay chào ông rồi vội vã ra đi vì người ta đang gọi anh ta dồn dập từ phía cuối hành lang. Trần Phú vào phòng, trước những ánh mắt hoặc gườm gườm hoặc ghẻ lạnh của đám người xung quanh. Nhưng anh ta tỏ vẻ phớt lờ. Bước tới đầu giường Vũ, anh ta lục soát đống cam, chuối và các loại bánh kẹo chất chồng trên chiếc tủ nhỏ:

- Bác không nên dùng những thứ này...Để tôi đem phân phát cho mấy phòng xung quanh. Tuy gọi là viện Việt-Xô, chuyên dành cho cán bộ cao cấp song cũng ối người chẳng đủ tiền mua hoa quả. Còn những gói bánh này nữa, đem làm từ thiện được rồi; tuổi bác không nên ăn loại bánh kẹo "quốc doanh". Tôi có thể san sẻ cho bác phần bánh của tôi.

Nói xong, không chờ ông đáp lời anh ta quay quả bước khỏi phòng rồi lát sau trở lại với chiếc làn nhôm. Bỏ tất thảy đám hoa quả, bánh trái vào làn, anh ta mang đi không nói thêm nửa lời. Ông cũng không dám nói gì, lẳng lặng pha sữa uống, thầm ngượng ngùng vì ánh mắt theo rõi của đám người xung quanh. Nhưng cảm giác đói đã trở lại với tốc độ ngựa phi nước đại khiến ông bình tâm. Vừa uống sữa, ông vừa nhìn những vòm cây đung đưa ngoài trời, tưởng như mình đang ở một miền đất lạ, nơi ông chưa từng đặt chân tới và do đó, nó cắt rời với thế giới ông từng sống, nó là sự gián đoạn vĩnh viễn với những ngày sau lưng ông, nó là lục địa mới vừa được mở ra cùng một lần với cuộc trở về từ cõi chết.

Sau bữa cơm trưa, Trần Phú quay trở lại, với một làn đầy hoa quả mới. Anh ta xếp chúng một cách thứ tự lên chiếc tủ đầu giường:

- Anh bắt đầu ăn cháo mặn có nghĩa là anh có thể dùng tất thảy những thứ hoa quả này, chẳng cần kiêng cữ. Còn đây là bánh Phơ-lăng và Ma-đơ-len, chính tay cô em gái tôi làm. Anh có thể ăn kèm khi uống sữa hoặc trà nóng.

- Cảm ơn. Nhưng tôi thật khó nghĩ khi anh quá tốn kém.

- Ồ không. Không quá tốn kém như anh tưởng. Tất cả do em gái tôi chuẩn bị. Tôi vốn được chiều từ nhỏ, dù gia đình khá đông. Thôi, anh nghỉ trưa đi, mai sẽ gặp lại.

- Để tôi đưa chân anh, tiện thể vận động cho sảng khoái.

- Nhất trí.

Khi họ đã ra cầu thang, ông ghé tai anh ta nói nhỏ:

- Những người quanh giường tôi đều nhìn anh với con mắt lạ lùng. Vì sao vậy?

- Vì sao?

Trần Phú hỏi lại với giọng ngạc nhiên:

- Anh không hiểu được điều đơn giản ấy hay sao?

- Thú thực. Tôi không hiểu. Tôi cũng không thể giả vờ làm ra hiểu khi lòng tôi còn đầy thắc mắc. Xin anh thứ lỗi.

Trần Phú quay sang nhìn ông chăm chú, dường như bối rối, dường như cảm động. Đoạn anh ta hạ giọng:

- Nếu người khác đặt câu hỏi này tôi sẽ cho rằng anh ta đóng kịch "con nai già ngơ ngác" Nhưng với anh, tôi tin đấy là câu hỏi thực tình. Có thể vì sự thơ ngây này tạo nên phẩm chất của anh, và có thể vì thế mà chúng tôi yêu anh, coi anh là người anh hùng cuối cùng của thời đại...

- Ồ...

Giờ, lại đến lượt chính ông bối rối. Ông không quen nghe người ta bầy tỏ tình cảm trực tiếp như thế bao giờ. Trần Phú tiếp tục chăm chú nhìn ông như nhìn một bức tranh trong phòng triển lãm, rồi anh ta cất tiếng:

- Anh không biết rằng xã hội của chúng ta là xã hội phân cấp một cách quyết liệt và dã man cho dù nó vẫn thường xuyên được quảng cáo là bình đẳng, tự do và dân chủ.? Ngay ở đây, người ta cũng vẫn phân hạng, và nhòm ngó nhau theo tiêu chuẩn cấp bậc. Đám người cùng phòng với anh đều là chuyên viên bậc tám, bậc chín, nghĩa là bậc tót vời trong hạng ngạch chuyên viên. Trong khi đó, tôi chỉ là cán sự sáu, vừa đủ ngót nghét nhận sổ vào đây điều trị. Bởi vậy mà họ coi thường tôi. Nhưng trong khi họ vênh váo vì cấp bậc thì về mặt nhân dạng họ chỉ là một đám xác chết biết đi. Anh đã để ý cách họ khua thìa khoắng bát cháo hay họ xêu từng hạt cơm bỏ vào mồm hay chưa?

- Chưa. Thú thực tôi chưa dám nhìn thẳng hoặc trò chuyện lâu với họ vì ngại.

- Vì sự có mặt của tôi. Và vì họ nhìn tôi với con mắt ác cảm nên anh cũng tự thấy họ không thể có thiện cảm với anh?

Ông mỉm cười thay cho lời thú nhận. Tức khắc Trần Phú cũng cười phá lên:

- Tôi biết ngay mà. Tính anh vốn cả nể. Bản chất anh nho nhã thanh lịch hơn tôi, cho dù tôi gốc trai Hà thành còn anh là dân tỉnh Bắc. Nhưng trong tôi luôn có một kẻ bất cần, một thằng khiêu khích. Đối với hạng người dở dói như vậy, tôi xem như đám nộm bằng giấy bồi. Tôi dìm thói hợm hĩnh của họ chết sặc trong vũng bùn ghen tuông. Anh xem đây...

Trần Vũ vén ống tay áo để cho ông nhìn thấy cánh tay anh ta còn nổi vồng bắp thịt, da đỏ au phủ đầy lông:

- Họ hơn tôi bao nhiêu cấp bậc nhưng cẳng chân họ không nhỉnh hơn cánh tay tôi. Cùng một năm sinh nhưng hai hàm răng họ là của giả trong khi tôi mới rụng một chiếc răng số tám. Buổi sáng, tôi xơi vèo bát phở với hai cái đùi gà trong khi họ khua thìa trong bát cháo loãng ngoét. Buổi trưa tôi chén hai bát cơm đầy với cá nhà kho trong khi họ nhai mãi không hết xuất cơm thịt bò xào dai nhoách của bệnh viện. Đó, chính là lý do mà họ nhìn tôi với những cặp mắt ghen tức nếu không muốn nói thẳng là căm thù. Con người luôn luôn như vậy, muôn kiếp như vậy, cho dù họ đã đứng sát cửa mồ. Anh chẳng cần phải bận tâm. Thôi, anh về phòng nghỉ trưa đi. Mai tôi sẽ đến.

Trần Phú giơ tay chào ông rồi xuống cầu thang. Đúng là anh ta mới chỉ đủ quyền nhận sổ vào viện này, nên phải ở khu nhà cuối cùng, nơi dành cho những bệnh nhân xoàng nhất, không được quyền ưu đãi về thuốc men cũng như chế độ phục vụ. Nhưng những bất lợi về địa vị xã hội lại khơi gợi cho con người này tính vui vẻ bất tận và sự hả hê mà anh ta tìm được trong trò chơi khiêu khích. Tinh thần lạc quan là vũ khí đích thực của anh ta. Ông nghe tiếng gót giầy của Phú nện trên cầu thang một cách nhẹ nhõm, và cùng nhịp chân bước, tiếng hát anh ta khe khẽ vọng lên:

"Rồi sóng sẽ xoá đi tất thảy trên bờ cát
Dấu chân xưa của các lứa đôi và những cặp tình nhân..."

Bài hát của những năm bốn mươi. Những chàng sinh viên mơ mộng và những cô nàng thướt tha áo trắng. A! Tuổi trẻ của ông. Bóng ma của nó theo về cùng bài ca cũ. Nhưng ông lập tức xua đuổi chúng bởi một nỗi sợ hãi bóp nghẹt con tim:

"Không!... Không!... Không!..."

Ông vội vã trở lại phòng, lên giường nằm hòng kiếm giấc ngủ nữa nhưng giấc ngủ không tới. Sau cùng, ông đành tung chăn ngồi dậy. Người bệnh nằm đối diện với ông mở mắt ra:

- Bác chịu thua, không ngủ được?

- Vâng.

- Tôi cũng vậy. Không ai thắng được tuổi già.

- Vâng.

- Anh chàng bảnh trai bạn của bác tối nay có đến chơi không?...

- Không. Anh ấy hẹn ngày mai.

- Anh ta không nhớ tôi nhưng tôi biết anh ta rất rõ.

- Thật vậy sao?

- Trước đây tôi từng là đồng cấp khi anh ta cầm quân 507.

- Rồi bao lâu sau bác mới chuyển ngành?

- Tôi không chuyển nhành. Tôi vẫn phục vụ trong quân ngũ cho tới tận giờ.

- Ô...Vậy sao?

- Bác muốn hỏi vì sao tôi lại lạc vào đây mà chẳng điều trị ở viện IO8, đúng không? Bởi tôi ở đây cũng giống như con ngựa lạc sang chuồng dê vậy?

Ông ta nhắm mắt lại. Đôi môi khô thâm xì vừa co vừa giãn trong một nụ cười nhăn nhó và chua chát:

- Bởi giám đốc viện ấy là kẻ thù sinh tử của tôi. Tôi không thể đem thân vào đấy để nó thịt tôi như thịt một con gà.

Vũ lặng thinh, không biết nói gì hơn. Nụ cười nhăn nhó vẫn đọng trên môi người bệnh, khiến mặt ông ta giống chiếc mặt nạ bằng sáp.

Hơi thở ông ta dập dồn và có những tiếng khò khè rất mạnh kèm theo. Thi thoảng, những tiếng khò khè ấy kết thành chuỗi nhất loạt trút ra như gió rít, một thứ âm thanh ma quái.

"Tất thảy đều dẫn tới cái kết thúc. Mọi ngả đường đều dẫn tới một nơi cuối cùng. Nhưng ngay trong hành trình tiến về cõi chết, con người cũng vẫn sống với những ân oán của họ, những giằng trói không thể nào tháo cởi."

Ông nghĩ, khi nhìn con người tội nghiệp kia.

Rồi ông rón rén đứng dậy, đi ra ngoài. Chính lúc ấy, người bệnh lại cất tiếng dù đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Sau một hồi khò khè, giọng anh ta xìu xuống như bánh mì gặp nước:

- Bác nói với Trần Phú rằng anh ta chính là kẻ khôn ngoan và may mắn. Anh ta biết sống đúng cuộc sống của anh ta.

- Vâng, tôi sẽ nói.

- Chớ kể gì về tôi...Cứ bảo rằng một sĩ quan đồng cấp nhắn như vậy.

- Vâng.

- Rằng tôi chúc anh ta càng về già càng vui vẻ.

- Vâng.

- Tôi...cũng chúc bác được như vậy...

- Cảm ơn.Tôi không may mắn có được cuộc sống vô tư như anh bạn kia.

- Tôi biết.... Tôi biết... bác là ai....

Ông ta ngừng lại để thở vì một chuỗi tiếng khò khè lại dồn đến và cái khí cụ ma quái trong lồng ngực ông ta rít lên từng hồi. Lát sau, ông ta nói tiếp:

- Nhưng dù sao... tôi cũng vẫn chúc bác... được hạnh phúc.

Một nụ cười nhăn nhó và chua chát lại xuất hiện trên đôi môi đen tím của ông ta khiến Vũ ái ngại. Ông hỏi:

- Bác có cần tôi đi gọi bác sỹ trực phòng không?

- Cảm ơn. Tôi biết bệnh của tôi. Bác cứ ra ngoài mà dạo chơi cho thanh thản. Đi đi.

Ông không biết làm gì hơn là đi ra hành lang một cách vội vã. Một cách vội vã, ông xuống cầu thang rồi ra giữa sân bệnh viện, đứng như bức tượng, mắt dán vào những bóng cây như tìm nơi trú ẩn cho tâm hồn đang run rẩy của mình. Nỗi sợ đang dồn đuổi ông:

"Ồ, mấy ngày trước, không hiểu bộ dạng ta có thảm hại như họ hay không? Ôi, nếu ta cũng có gương mặt vàng xám như sáp ong bẩn, nếu miệng ta cũng há hốc ra như mồm cá ngão chết trên mẹt hàng cá, nếu hai bên mép ta cũng chảy dãi dớt như những kẻ nằm cùng phòng? Chao ôi, kinh khủng thay cho kiếp người!"

Ý nghĩ ấy khiến ông rùng mình liên tục. Những cơn rùng mình làm sởn gai ốc, thật giống cơn rùng mình khi nhiễm lạnh hoặc khi nghe chuyện ma quái:

"Ta cần một cuộc sống lành mạnh và hữu ích. Nếu mai đây, khi ý trời không thuận, ta sẽ tìm đến cái chết một cách thanh thản. Như thế, là cuộc giải phóng tối ưu."

Trước mặt ông, hàng cây đứng la đà trong nắng. Thuần là cổ thụ. Những cây sấu già, những cây xà cừ và những cây bằng lăng hoa tím. Chúng mọc chen chúc nhau, chẳng ra hàng lối nhưng tạo thành hòn đảo giữa khoảnh sân mênh mông. Hẳn là khối diệp lục phì nhiêu này từng cứu vãn nhiều người bệnh trong những cơn khủng hoảng tâm lý, như nó cứu vãn ông vào chính lúc này.

Vũ ngồi xuống ghế, nhắm mắt lại để nghe tiếng lá xạc xào và tiếng chim chành choẹ nhau. Bất chợt, một vật gì đó ướt nhão rơi toẹt vào mặt ông, ngay chính mũi. Ông mở choàng mắt ra và hiểu rằng một con chim hỗn xược nào đó vừa ỉa đúng mặt mình. Ông lục túi, tìm khăn lau bãi cứt chim. Lúc ông đang cắm cúi lục soát, một bàn tay đã chìa ra trước mặt ông, với một chiếc khăn tay:

- Anh hên đấy. Chim ỉa đúng đầu đúng cổ là có lộc. Chẳng lộc to như tiền tệp vàng khối thì cũng lộc nhỏ như gói bánh, hòn xôi.

Không ngẩng đầu lên, ông vội túm ngay lấy chiếc khăn, vội vã lau mặt:

- Anh tìm ở đâu ra thứ lý thuyết ấy?

- Thứ lý thuyết ấy có lâu rồi, đại huynh ạ.

Một giọng lạ hoắc cất lên khiến Vũ vội vã ngẩng đầu: Trần Phú không đến một mình mà với một người đàn ông khác. Chính vị khách này vừa cất lời đối đáp ông:

- Đại huynh không biết từ xưa dân chúng đã tin rằng nằm mê thấy phân là có lộc?

- Cũng đôi lần tôi nghe nhưng không để ý.

Vũ đáp.

Người đàn ông kia ngoác miệng cười, miệng anh ta rộng mênh mông, kéo đến tận hai mang tai khoe ra hai hàm răng vàng khè khói thuốc, đôi mắt hấp háy sau cặp kính cận dày. Gương mặt đen đủi, chẳng có một đường nét khả dĩ vậy mà vẫn toát ra một vẻ hấp dẫn, một thứ hấp dẫn khó cắt nghĩa. Anh ta tiếp tục diễn giảng ý kiến của mình:

- Bởi chúng ta là dân trong xứ trồng lúa nước, nên buộc phải hiểu hàm ý biểu tượng của những giấc mơ phân.

Ông cười. Lúc ấy, Trần Phú mới giới thiệu:

- Đây là anh Trần Vũ, người anh hùng của thời đại... Còn đây là bạn tôi, nhà văn Lê Phương. Chúng tôi cùng bỏ nhà đi theo cách mạng năm bốn mươi lăm, lúc ấy vừa tròn hai mươi tuổi.

Họ bắt tay nhau rồi Trần Phú đề nghị đi đến căng-tin bệnh viện, nơi khả dĩ có đủ bàn ghế ngồi và có thứ để giải khát. Ba người đi hết khoảnh sân là đến căng-tin, một gian nhà rộng thênh thang, vài chục dẫy bàn ghế xếp hàng chờ khách nhưng thực khách lưa thưa chỉ dăm bẩy người, người nào cũng có vẻ đăm chiêu, hờ hững. Họ chọn chiếc bàn ít bụi nhất, phỏng chừng như thế, vì nó được kê gần quầy bán hàng, cũng sát khuôn cửa sổ. Khuôn cửa này mở ra mảnh vườn phía sau viện, tuy nhỏ nhưng cũng xanh rờn bóng cây me, cây dâu da lẫn cây hoa sữa. Quầy bán hàng vắng tanh. Trần Phú đứng giữa khuôn cửa, cất tiếng:

- Này!... Các em bán hàng ơi.

Chẳng thấy ai đáp. Anh ta lại cao giọng hò:

- Này, các nàng căng-tin ơi.

Cũng chẳng ai trả lời. Anh ta phải gần như hét lên:

- Này, căng-tin bệnh viện đâu rồi? Ai? Ai bán hàng ở đây?

Lúc đó, một ông khách đang ngồi ăn bánh rán khuyên:

- Bác phải ra giữa sân mà gọi... Mấy con bán hàng đang đú đởn trong phòng bảo vệ kia kìa...

- Cảm ơn.

Phú đáp, đoạn anh ta rảo bước qua sân, đến chính giữa cửa phòng bảo vệ mà hỏi:

- Ai bán căng-tin ở đây? Chúng tôi chờ nửa tiếng rồi.

- Đây! Chúng em đây...

Hai ba cô tranh nhau đáp rồi cả đám chạy nhao về phía căng-tin, vừa chạy vừa cười rinh rích. Trần Phú quay lại, giọng không còn cợt nhả mà đầy vẻ khó chịu và đe doạ:

- Nhanh tay lên. Hai phin cà-phê và một ấm trà loại một. Tôi sẽ bỏ qua cho các cô chuyện này.

- Cảm ơn thủ trưởng ạ... Chúng em xin lỗi ạ...

Mấy cô gái đáp, không còn cười mà bắt đầu sợ hãi. Một cô vội vã lấy giẻ ra lau chiếc bàn họ đang ngồi. Cô thứ hai pha trà và cô thứ ba đổ cà-phê vào phin.

Lúc ấy, Trần Phú ngồi vào bàn:

- Anh Vũ đã nhìn thấy chưa?

- Tôi có thấy.

- Không hiểu cái ông Trần Phú bí thư đảng cộng sản kia nếu còn sống, ông ta sẽ nghĩ gì về cái tình cảnh này?

- Thôi, chuyển đề tài.

Lê Phương gàn:

- Chui vào loại đề tài này là chui vào sừng trâu. Một đường hầm không ánh sáng. Bởi chẳng cứ Trần Phú mà biết bao nhiêu con người tài cán hơn ông ta cũng không thể hình dung nổi cái xã hội mà họ tạo ra sẽ mang gương mặt nào. Cách mạng bao giờ cũng là một cuộc hoài thai mà đứa bé ra đời nếu chẳng phải quái thai thì cũng hoàn toàn khác với giấc mơ hay trí tưởng tượng của những người tác tạo nên nó. Chúng ta trở lại với cuộc sống nhỏ bé của mình. Hôm nay là một ngày vui, bởi anh Vũ chính là người mà lâu nay tôi thầm muốn gặp mặt. Câu xưa là "danh kì thanh, tướng bất kì hình"

- Ồ... Tôi không dám.

- Khi xưa tôi đọc "Một anh hùng thời đại" của Léc-mông-tốp, biết đây là thứ tiểu thuyết- tự truyện, và nhân vật chính rất đẹp trai. Giờ gặp anh, tôi thấy anh cũng đẹp trai như vậy.

- Ồ, các anh quá khen. Tôi đâu phải tài tử điện ảnh?

Vũ đáp, cảm thấy hai mang tai nóng rần vì ngượng.

Trần Phú lẫn Lê Phương chăm chú nhìn ông như những gã buôn đồ gỗ ngắm một cái tủ khảm trai đủ long, ly, quy, phượng, rồi cả hai cùng ngoác miệng cười:

- Thật sung sướng thay cho ai được làm vợ anh. Một người đàn ông đẹp trai dường ấy mà còn thẹn đỏ tai vào tuổi ngũ tuần.

- Ồ...

Vũ chẳng biết nói năng ra sao. Hai gã đàn ông này lạc từ một miền xa lạ tới, ngôn ngữ của họ, cách biểu đạt của họ, và những ý tưởng của họ, tất thảy đều lạ lùng với ông, với thế giới của ông, thế giới của những con người nằm trong guồng máy quyền lực. Ông đành lái câu chuyện sang hướng khác:

- Đêm qua tôi cứ nghĩ mãi. Hà nội bé như thế vậy mà vì sao sau hơn hai mươi năm chúng ta mới gặp lại nhau, kể từ ngày ở bản Nậm Mài?

- Vì chúng ta đã rẽ sang những ngả đường khác nhau, và những ngả rẽ ấy càng ngày càng cách xa theo năm tháng. Rồi chúng ta lại gặp nhau ở đây, vì đây là trạm trung chuyển giữa cuộc sống và cái chết. Tất cả những kẻ bước chân vào đây là những kẻ đã được thần chết điểm danh từ xa. Họ cố kéo dài được chút nào hay chút ấy trước cuộc đầu hàng vĩnh viễn.

Trần Phú đáp, bộ điệu hớn hở của anh ta khiến ông phì cười:

- Tôi trông anh giống một thương gia chuẩn bị cưới vợ bé hơn là người chuẩn bị đi đến nghĩa trang.

- Chính xác một nửa. Tôi vào đây vì u tiền liệt tuyến. Bác sĩ đòi mổ nhưng tôi không chịu. Tôi kết hợp uống thuốc với dùng các thực phẩm có dược tính, ví như cà rốt sống, mộc nhĩ, cà chua sống. Đặc biệt phải loại trừ thịt, dù thịt lợn hay thịt bò. Thi thoảng được phép ăn gà vịt, với điều kiện lọc bỏ da và mỡ. Thực phẩm chủ yếu của tôi là cá đồng, tôm sông. Đương nhiên những thứ này do gia đình cung cấp. Qua bốn tháng xét nghiệm lại, phần u đã teo hai trăm gờ-ram. Giờ tôi cố công tìm một em xinh tươi, có khả năng khiến tôi "hoạt động cách mạng" một cách phi thường. Nếu được như vậy, ắt mọi thứ u đều tan biến.

- Tôi nghĩ là anh nói cho vui...

Ông đáp. Lúc ấy Lê Phương xen vào:

- Anh có lý của anh và Phú có lý của nó. Bởi quan niệm sống của chúng ta khác nhau, nghiệm sinh cũng khác nhau nên niềm tin cũng khác nhau... Nhưng nếu anh chẳng còn nhớ ca dao, tục ngữ, tôi xin biếu anh câu này:

"Thông đái, ngon cơm."

- Tôi cũng đã từng nghe, nhưng quên sạch. Các anh tài tình thật, làm sao mà những câu tục ngữ cổ xưa ấy còn đọng lại trong não đến tận bây giờ?

- Bởi chúng tôi sống với chân lý của đám dân đen. Chân lý của dân đen là món hàng tồn kho nhưng không bao giờ mốc. Khi cần thiết, người ta có thể móc chúng ra và đem xài tức khắc, chẳng cần nấu nướng hay thêm hành thêm tỏi. Theo chân lý ấy, nếu đời sống tình dục của người đàn ông được hưng phấn, chính nó sẽ mang lại khả năng tái thiết những bộ phận bắt đầu lão suy.

- Ồ, chân lý của anh nguy hiểm thật. Nó sẽ xui khiến những người đàn ông bỏ gia đình để lao vào những cuộc phiêu lưu tìm hưng phấn.

- Chính xác như vậy. Nhưng không chỉ đàn ông mà cả đàn bà, vì hai nửa âm dương luôn luôn bình đẳng trước quỷ thần về khả năng phạm tội. Vấn đề phải tính ở đây là những trường hợp cụ thể và những nhân cách cụ thể. Không có mẫu số chung cho toàn thể nhân loại trong cuộc truy tìm hạnh phúc. Cũng không có một hằng số cho các cuộc phiêu lưu. Điều cốt yếu là.....

Lê Phương ngừng lời, rút trong một túi áo ra chiếc tẩu to đùng, trong túi áo bên kia gói thuốc lá rời sợi sẫm, rồi từ từ nhồi thuốc vào nõ tẩu. Vũ nhận ra rằng anh chàng nhà văn này có lối nói chuyện theo kiểu chương hồi, nghĩa là anh ta luôn luôn bắt mọi người chờ đợi. Chắc hẳn gã đàn ông xấu xí này đã quyến rũ không ít đàn bà với lối nói duyên dáng bẩm sinh. Ông cười:

- Anh bắt đầu khiến tôi tò mò rồi đây.

- Tôi tiếp tục.

Lê Phương đáp, nhưng anh ta còn rề rà châm lửa, rề rà rít thuốc, rề rà nhả khói...và khoảng thời gian chùng chình ấy khiến ông nghe rõ tiếng ong bay ngoài vườn, rù rì trên đám me xanh.

"Không chỉ đàn ông mà cả đàn bà, vì hai nửa âm dương luôn luôn bình đẳng trước quỷ thần về khả năng phạm tội. Sao đến tuổi này ta mới biết? Moị sự quá muộn màng."

Ý nghĩ ấy đưa ông trở lại với hình ảnh người đàn bà của ông: Tố Vân! Lần đầu tiên, kể từ lúc ông bừng mắt tỉnh cơn hôn mê, cái tên ấy quay trở lại.

"Không.... Không... Không..."

Ông chối từ quyết liệt vì cảm thấy giông bão sắp nổi lên quanh mình, và ông có nguy cơ bị cuốn vào luồng gió dữ.

Quay đầu lại, ông buộc mình tập trung vào cuộc đối thoại với nhà văn:

- Rồi sao nhỉ? Tôi đang chờ anh đây.

Lê Phương nhe răng cười:

- Nhưng người đứng đắn như đại ca, nghe làm gì những lý thuyết xằng bậy của lũ đàn em, lũ đực rựa ưa rong chơi trên cõi đời?

- Vì sao lại phân biệt đối xử như thế?

- Vì đại ca thuộc loại người lo những việc quốc gia đại sự, chúng em là bọn chỉ thích sống cuộc sống riêng của mình. Chúng em e rằng những lời lẽ buông tuồng của bọn em khiến đại huynh không chấp nhận nổi. Ồ, tôi đã nghe mãi những chuyện tiếu lâm của anh Phú trên rừng năm trước. Có cớ gì mà phải kiêng dè?

- Vâng. Nhưng hơn hai mươi năm đã qua và thời gian phân cách.

- Quả vậy.

Bất giác, ông buông tiếng thở dài rồi chậm rãi nói tiếp:

- Thời gian phân cách con người, không riêng ai mà cho toàn nhân loại. Nhưng dẫu sao, chúng ta vẫn còn những giá trị chung; lòng tốt chẳng hạn, hoặc tình bạn, hoặc tình quyến luyến trong gia tộc... Những thứ tình cảm ấy không thể tiêu tán theo thăng trầm của thời cuộc và thời gian...

- Vâng.

- Những lúc khó khăn nhất trong đời, tôi đều cầu cứu người anh trưởng. Ông ấy có thể hiểu tôi ngay trong im lặng. Ông ấy sẵn sàng ghé vai gánh gánh vác gia đình, để tôi được cất bước thênh thang.

- Vâng.

Vũ ngừng lại vì chợt nhận ra rằng ông đang ngỏ nỗi lòng trước hai gã đàn ông mà một người đã quên lãng hơn hai mươi năm và người kia vừa gặp mặt chưa đầy nửa tiếng. Đó là điều ông chưa từng làm. Nâng tách trà lên, ông uống liên tục từng ngụm nhỏ để che cơn bối rối. Và rồi, ông cất tiếng hỏi:

- Còn anh, anh vào đây chữa bệnh gì?

- Tôi?

Anh chàng nhà văn hỏi lại, rồi lắc đầu cười:

- Tôi chẳng có bệnh gì mà nếu có bệnh tôi cũng chưa đủ tiêu chuẩn vào đây.

- Anh nói gì? Anh tham gia cách mạng từ năm bốn mươi nhăm, cùng lần với anh Trần Phú?

- Vâng, nhưng tôi không đủ tiêu chuẩn để vào đảng. Đã không là đảng viên thì chắc chắn mãn kiếp cũng không được bổ nhiệm vào một chức vị ra hồn. Chẳng những thế, tôi lại can tội luôn luôn yêu các cô nàng xinh tươi. Đối với tôi, đảng cao quý trên lý thuyết, còn các em xinh tươi thì tuyệt vời trên phương diện thực tiễn. Tôi vốn không thích "Thả mồi bắt bóng". Tôi chọn giá trị thực mà sống, còn đảng vĩ đại, tôi xin nhường cho người khác hưởng.

Nói tới đây, cả hai gã đều cười ha hả. Ông buộc lòng phải cười theo, lòng hồ nghi chẳng biết hai gã đàn ông chớt nhả này nói thật hay nói đùa. Chừng như hiểu được sự phân vân của ông, Trần Phú đỡ lời bạn:

- Lê Phương nói đúng đấy, nó chưa đủ tiêu chuẩn cán sự năm để vào đây chữa bệnh. Nhưng ngày nào cậu ta cũng đến thăm tôi. Nhiệm vụ duy nhất phải hoàn thành là "Nâng cao tinh thần cho đội bạn". Chi bộ đảng của các anh ít nhất cũng có ba người. Chi bộ của chúng tôi chỉ có hai, thành lập từ năm bốn mươi nhăm đến nay nhưng đặc biệt vững bền, chưa ai đâm dao găm vào lưng ai cả.

- Chính xác như vậy...

Lê Phương khẳng định, tiếp lời anh bạn vàng với điệu bộ quen thuộc của một cặp bài trùng, kẻ tung người hứng:

- Tình đồng chí của chúng tôi không dựa trên lý thuyết vĩ đại "liên hiệp vô sản toàn thế giới". Chi bộ của chúng tôi dựa trên nền tảng của những thứ tương liên tầm thường vụn vặt, những tình cảm cỏn con.Ví dụ, hồi còn ở trên rừng Việt bắc, nếu gia đình gửi tiếp tế ra thì dù nhiều dù ít phải chia đều làm hai nửa, từ tiền bạc cho tới quần áo,thuốc men. Gặp khi đau ốm thằng nọ phải cõng thằng kia, dù có chảy mồ hôi bẹn, có còng sống lưng cũng phải rán chịu. Còn trong hoà bình, dựa vào nhau mà "tác chiến"

- Tác chiến?

Thấy vẻ thắc mắc của ông, cả hai đưa mắt nhìn nhau tủm tỉm cười. Rồi, Lê Phương quay lại bảo Trần Phú:

- Đại huynh không có chút khái niệm nào về ngôn ngữ của đám "rong chơi giữa cuộc đời". Thôi, âu cũng là dịp giải trí cho bậc cao nhân trong lúc anh ấy buộc phải nghỉ ngơi, tôi sẽ bật mí những bí mật cỏn con trong cuộc đời cỏn con của chúng ta. Cậu bằng lòng chứ?

- Được. Chi bộ thông qua nghị quyết.

Trần Phú đáp và bộ mặt hớn hở mãn kiếp của anh ta đỏ rực lên vì vui thú. Lê Phương rút tẩu thuốc khỏi miệng, đặt một cách cẩn trọng xuống chiếc gạt tàn bằng gốm rồi nói:

- Bọn chúng tôi không được may mắn như anh, hoặc những người đàn ông như anh, chiếm được một nàng tiên xinh đẹp và mãn nguyện cho đến phút chót cuộc đời. Vợ chúng tôi, hoặc nói cho đúng hơn là "những bà lão khả kính sinh ra đám con của chúng tôi" lại luôn luôn có niềm tin vững chắc rằng chúng tôi là những thằng tù chung thân, chung thân dưới quyền cai quản của họ, giống như cái tràng kỉ gụ hay chiếc tủ chè gia bảo đặt năm này qua tháng khác trong nhà. Vì coi chúng tôi là những thứ đồ vật như vậy, nên họ có thể tuỳ tiện phơi ra ngày này qua tháng khác những thứ của nả họ với sự bình tâm của Bao Công Đại nhân trước giờ phán quyết.

- Phải nói cho rõ ràng. Anh Vũ không hiểu "những thứ của nả" là cái gì đâu.

Trần Phú chêm vào.

Nhà văn gật đầu, đôi mắt hấp háy:

- Những thứ của nả này là những thứ phụ tùng đã bị cũ nát. Chắc rằng đại huynh đã từng thấy những ngôi nhà bị trốc vôi tường, dột mái, sụt lở hay gãy kèo gãy cột. Hãy hình dung con người cũng như những ngôi nhà bị bom dội, bão đánh hay thời gian huỷ hoại. Xin đại huynh bỏ qua cho những ngôn từ dung tục này. Nhưng khó có thể tìm những danh từ xác thực hơn để thay thế. Những thứ của nả của các bà là những cặp vú sệ, những cặp mông nhão chảy xuống tận đũng quần, những cặp mắt chẳng còn chút long lanh nào mà chỉ thấy ghèn với nhử. Tóm lại, tất thảy những thứ mà nàng thơ nhìn thấy sẽ bỏ chạy mất dép còn hoạ sĩ tiếp kiến sẽ phải cúi xuống giả bộ mắt loà. Ấy là chưa kể các bà còn xài những thứ áo quần lố lăng hay dơ dáy.

Tới đây, anh ta e hèm hắng giọng như điệu ca sĩ sắp lên sân khấu rồi cạn chén cà-phê. Ông bật cười vì biết rằng anh ta chuẩn bị cho phần chính của câu chuyện, cái phần được mệnh danh một cách điệu đàng là "những bí mật cỏn con của những cuộc đời cỏn con". Nhưng nhà văn lại đặt chiếc chén rỗng xuống bàn, quay sang bảo bạn:

- Bảo chúng nó pha phin khác đi mày. Cà-phê này còn thua nước giặt tất. Nền ẩm thực cổ truyền của chúng ta đã bị phá huỷ vì thứ mậu dịch quốc doanh này.

- Ờ... Tởm thật.

Trần Phú đáp đoạn anh ta quay lại bảo mấy cô gái bán hàng:

- Pha cho tôi phin cà-phê đúp rồi tính hai lần tiền. Giống như sáng hôm qua.

- Thưa thủ trưởng, có ngay ạ...

Một cô bẻo lẻo đáp. Hai cô kia hí hoáy chuẩn bị nước sôi và cà-phê. Lê Phương quay lại nhìn Vũ với cặp mắt tươi cười:

- Chắc chắn những điều tôi sắp nói sẽ là thứ bị cấm kị trong môi trường của đại huynh, và cũng chắc chắn là sau những lời tự thú này, chúng tôi sẽ trở thành lũ vô đạo đức trước mắt bậc chính nhân quân tử.

- Ồ... Chớ nên rào đón như vậy. Mỗi người có một cuộc sống riêng, chẳng nên ví ai với ai.

- Cái bất tiện nhất cho chúng ta là con người khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng hệ thống giá trị quy chiếu lại chỉ có một. Mà hệ thống giá trị này lại được áp đặt bằng luật pháp và quyền lực, buộc mọi người phaỉ tuân theo. Như thế cũng giống như đặt một cái giường chuẩn rồi bắt mọi người phải nằm vào đó, phải cố vừa vặn với cái giường ấy bằng mọi giá... Có lẽ anh không nhớ rằng thời trung cổ, người ta dùng chiếc giường bằng sắt để tra tấn và hành hạ tù nhân, hễ người nào dài quá khổ thì bị chặt chân, còn kẻ nào lùn nằm không kín giường sẽ bị căng tay chân về hai phía...Nhưng thôi, dẫu sao chúng ta cũng đang ngồi trong căn phòng này, được hưởng sự yên tĩnh này, trong cuộc hội ngộ được chờ đón từ lâu. Dù có bị sụt giá hay lên giá trước mắt anh, đối với tôi cũng chẳng có gì quan trọng.

Dứt lời, anh ta lại nhoẻn miệng cười đoạn giơ tay vẫy đám nhân viên bán hàng. Các cô hối hả bưng cà-phê ra. Lần này, khói bốc lên đã có chút hương vị. Hai anh bạn vàng xì xụp uống cà-phê nóng trong khi ông nhâm nhi tiếp cốc trà. Không hiểu vì sao, ông thấy lòng nhẹ nhõm khi ngồi trước hai gã đàn ông bẻm mép này, một cảm giác đã từ lâu biến mất. Có chút gì đó gợi cho ông những cuộc chuyện gẫu thời trai trẻ, một chút hàm hồ, một chút hồ hởi, một chút hóm hỉnh. Và không mảy may ngụ ý hay mưu tính nào ẩn náu phía sau.

- Chà... Thế này mới tạm gọi là cà-phê. Nhưng nếu so với cà-phê của Hà-nội xưa thì chỉ đáng gọi là nước rửa chén.

- Nếu nói tới thời xưa thì suốt ngày chỉ có ngồi than thở: Bao giờ cho đến ngày xưa? Bánh cốm ngày xưa, mứt sen ngày xưa, chè tàu ngày xưa. Nhưng thôi, đừng nói nữa anh Vũ đau lòng. Anh ấy là một trong những tác giả hăm hở nhất đã tạo nên cái xã hội này.

- Đúng, tôi cũng đau lòng thật. Nhưng tôi đang chờ câu chuyện "đi tác chiến" của hai anh.

- Đây, tôi xin hầu anh tức khắc. Chúng tôi vốn là những kẻ tầm thường, ham sống cuộc sống bình thường, nên luôn luôn nghe theo tiếng gọi của cái thứ mà anh vừa nói là nguồn hưng phấn mới. Tâm hồn chúng tôi chia làm hai nửa, một nửa dành cho những nghĩa vụ, và nửa kia chúng tôi dành riêng cho bản thân. Phải làm sao cho lương tâm không bị cắn rứt nhưng cũng không thể để cho tâm hồn ủ dột mốc meo. Vì thế, cuộc sống của chúng tôi là một chuỗi những mưu mẹo để cân bằng hai vế của phương trình. Tiền lương hàng tháng, các phúc lợi xã hội, chúng tôi đem nộp đều đặn cho vợ, bởi đó chính là người chăn dắt đàn con và cai quản mái nhà. Nhưng các khoản thu nhập khác, chúng tôi gọi là "quỹ đen" để giành cho các cuộc rong chơi. Để chuẩn bị cho các cuộc rong chơi này, buộc phải làm quen với toàn bộ hệ thống các nhà nghỉ, nói đúng hơn là phải tìm mọi cách kết thân với đám cán bộ quản lý các nhà nghỉ, từ núi xuống biển, từ đồng bằng ngược lên thượng du... Việc này, chúng tôi gọi là "cài đặt hệ số an toàn", điều kiện cần nhưng chưa đủ. Muốn đủ, còn phải có trong tay một mớ lệnh điều hành khống chỉ. Khi vào việc, chỉ cần điền lên đó ngày, tháng và một chữ kí bí ẩn như rồng bay phượng múa là xong. Điều may mắn là cả hai bà vợ chúng tôi đều thiếu chỉ số thông minh, đọc thông quốc ngữ nhưng không đủ trình độ để phân biệt các nét chữ thật giả hoặc các loại lệnh công tác khẩn thật hay khẩn vờ. Cả hai điều kiện tiên quyết này do Trần Phú đảm nhiệm vì cậu ta là đảng viên, và dẫu sao cũng có quyền chức hơn tôi.

- Trong trường hợp này thì đảng là hữu dụng.

Trần Phú đế thêm vào một cách khoan khoái:

- Và mỗi lần hành sự tôi lại buộc Lê Phương ca bài "Nhớ ơn Đảng đời đời" Đảng ở đây chẳng phải một khái niệm mơ hồ mà là chính tôi. Tôi phải mất bao nhiêu công sức ngồi họp chi bộ, chịu đựng sự buồn thiu buồn thối hoặc những mưu toan đấu đá, giành giật bẩn thỉu trong những cuộc tụ tập đó.

- Đúng rồi, ăn quả phải biết ơn kẻ trồng cây. Tôi đã ca cái điệp khúc này hơn hai mươi năm ròng, và hy vọng sẽ còn được ca tiếp. Bây giờ, tôi sẽ kể cho anh nghe những thú vui cỏn con của những gã đàn ông coi cuộc đời này là cuộc rong chơi, một hành trình không ngưng nghỉ từ tuổi thành niên cho đến chiếc quan tài. Ngoài phần nghĩa vụ với vợ con, công việc, đôi khi một ngọn gió mới thổi tới, một bóng hồng bỗng nhiên lạc vào cuộc đời chúng tôi, một em xinh tươi nào đó đang phòng không ôm gối, hoặc đang sùi sụt khóc vì thất tình, hoặc đang nổi máu giang hồ muốn bứt khỏi cái lồng thép của gia đình vì chán một anh chồng yếu gân cốt hoặc vì không chịu nổi sự đàn áp của một bà mẹ chồng phù thuỷ. Tóm lại, trong tất thảy những trường hợp ấy, các quân tử như chúng tôi đây sẵn sàng giúp đỡ. Nếu cánh én xinh tươi bay tới đậu trên vai Trần Phú thì tôi sẽ là người viết và kí lệnh:

"Điều hành đột xuất đến nghiên cứu chương trình N, A, Z..; ". Hoặc là:

"Làm báo cáo tường trình chi tiết về các lễ hội dân tộc, trong sự hợp đồng với viện dân tộc học."

Và ngược lại. Bao giờ cuộc thám hiểm cũng phải có hai người. Tôi vác ba-lô đến nhà Trần-Phú cho vợ con anh ta thấy rõ ràng là hai bậc gia trưởng đang lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi ngồi ăn bữa cơm cuối cùng trước lúc ra đi với vẻ trịnh trọng như lính cảm tử Nhật uống chén rượu "quyết tử" trước khi xích chân vào máy bay lao thẳng xuống phi hạm Mỹ...

Tới đó, Trần Phú đột ngột cất tiếng cười sằng sặc. Rồi lát sau, vừa lau nước mắt anh ta vừa hỏi bạn:

- Mày có nhớ hồi đi Tam Đảo không?

- Nhớ. Nhớ như ngày hôm qua.

Lê Phương đáp, đoạn quay sang Vũ giải thích:

- Đấy là một kỉ niệm thuộc loại "không thể nào quên" Bận ấy, có một em nữ diễn viên tập sự bị đuổi khỏi đoàn vì tội không chồng mà chửa. Chẳng hiểu duyên cớ nào hoặc do ai mách bảo mà em tìm đến nhà tôi, khóc lóc. Tôi hoảng hồn vì lúc ấy đã hơn mười giờ. Chỉ một tiếng sau vợ tôi và hai đứa con sẽ về nhà ăn bữa cơm trưa, nếu họ thấy nàng khóc trên vai tôi ắt hẳn là mâm cơm sẽ bay ra sân, và sau đó là những ồn ào náo loạn khác. Nhưng tôi cũng không thể buộc nữ nhân xinh đẹp như thế ra khỏi nhà một cách thô lỗ. Nghĩ mãi không ra giải pháp mà kim đồng hồ cứ phóng như bay, sau cùng hoảng quá tôi đành chở em đến vườn hoa, mua kem cho em giải khát, rồi phóng đến nhà Trần Phú. Đứng dưới cổng, tôi gọi với lên gác hai:

"Phú, mặc quần áo đi ngay.Thằng Đoàn chết rồi."

Nhưng chẳng phải Trần Phú mà là vợ nó thò cổ ra:

"Chết sao nhanh thế? Chiều qua lão ấy còn ngồi đây uống rượu đến sẩm tối mới chịu về?"

"Tôi không biết, vừa nghe báo tin nó chết tôi liền chạy đến đây."

Nói xong, tôi tắc cả họng, chẳng hiểu sao lại bịa ra một chuyện rồ dại như vậy. Nhưng lúc đó, tôi nghe trên nhà tiếng vợ Phú thúc chồng mặc quần áo và rồi tiếng chân nó chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang. Hai thằng vừa nhìn vào mặt nhau đã phá lên cười, chẳng ngờ vợ Phú cũng le te chạy xuống. Tôi chỉ kịp kêu:

"Vợ mày kìa!"

Rồi còng lưng cúi gập đầu xuống bụng, tôi rặn ra một tràng ho như nổ cổ nổ họng. Từ cười đổi sang ho, lại trong tư thế cúi gần như gập đôi người, ho giả bỗng hoá thành ho thật. Tràng ho nọ tiếp tràng ho kia, cứ thế tuôn ra không thể kìm chế. Nước mắt tôi chảy ràn rụa, và khi tôi đứng thẳng lên, hẳn là tôi có bộ mặt của một kẻ đích thị mắc chứng ho gà. Tôi phải rút khăn tay lau nước mắt. Đứng trước tôi, vợ Phú cũng khóc sùi khóc sụt:

"Bao giờ đưa đám bảo em nhá. Lão ấy khoẻ như voi mà chết nhanh đến như vậy. Chẳng ai biết được mệnh trời."

"Được rồi, cô cứ lên nhà, cơ quan định đưa ma ngày nào tôi sẽ rủ cô đi."

Tôi nói, đoạn bảo Phú ngồi lên xe rồi phóng đến vườn hoa. Dọc đường, Phú chửi:

"Tiên sư thằng điên, sao lại bịa ra một lý do quái gở đến thế?"

Lúc đó tôi cũng ân hận vì Đoàn là bạn chung thuỷ từ thời thơ ấu của Trần Phú nhưng gặp lúc bối rối nên chẳng thể sáng tác ra màn kịch nào thích hợp hơn. Bởi muốn kéo ai đó tức khắc ra khỏi nhà, chỉ viện đến tai nạn hoặc cái chết của người quen thân mới có thể bảo đảm trăm phần trăm thành công. Vì vậy, tôi bảo Phú rằng, trước hết hãy cứu nguy cho tôi đã, rồi sẽ giải quyết việc khác sau. Đưa anh bạn vàng đến vườn hoa, tôi giới thiệu với người đẹp rằng đây mới chính là bậc quân tử có thể dang tay che chở cho nàng. Đoạn bỏ mặc hai người ngồi tìm hiểu lẫn nhau, tôi phóng về nhà vừa đúng lúc bữa cơm, bà lão khả kính thân sinh ra các con tôi đã gườm gườm nhìn lên cây kim chỉ giờ của chiếc đồng hồ. Nếu tôi chậm chân mươi phút nữa ắt là nước tương nước mắm phải đổ ra mâm và tiếp theo là phần trình diễn những khúc ca dai như chão.

Vũ bật cười, ông bị cuốn vào câu chuyện một cách bất ngờ, và có thể do bản tính thật thà, ông đâm ra lo thay hai gã đàn ông đàng điếm:

- Thế rồi anh giải quyết ra sao về cái chết bịa tạc kia?

- Ồ, non cao phải có đường trèo chứ. Sau bữa cơm, chờ cho vợ đi làm, con đi học, tôi liền ngồi vào bàn viết bức thư ngắn cho vợ Phú, trong đó nói rằng có một sự nhầm lẫn đã xảy ra. Người anh họ dưới quê tên là Toàn vừa chết nhưng khi nhận điện tín tôi hoảng hốt trông gà hoá cuốc nên đọc nhầm thành Đoàn. Tóm lại, mọi sự đều yên lành, chỉ có riêng tôi phải về quê đưa đám. Viết xong, tôi phái cậu đàn em trong xưởng phim tôi đang công tác mang thư tức khắc đến nhà Phú.

- Chịu các anh thật.

- Tôi đã nói trước rằng những người mũ cao áo dài như các anh lo việc đại sự. Còn chúng tôi chỉ có mấy thứ mẹo vặt để rong chơi mà chẳng làm tổn hại đến ai.

- Thế cô diễn viên bất hạnh kia sẽ được giải quyết ra sao?

- Nàng kết Phú. Vậy nàng sẽ trở thành người tình của cậu ta trong thời gian họ còn duyên còn nợ. Việc nàng tìm tôi là nhầm lẫn, ví như con cừu lạc vào chuồng vịt, bởi nàng mê những gã đàn ông cao, to, bóng mượt. Người tình cũ của nàng, tác giả cái thai trong bụng nàng cũng là một gã đẹp mã và bạc tình như Sở Khanh. Tuy nhiên, con người không thay đổi. Nếu tiêu chuẩn cái đẹp đã được định vị một lần thì nó sẽ vĩnh viễn ngự trị như một thứ hình mẫu kêu gọi và dung chứa tình yêu. Theo quy tắc ấy, nàng sẽ chọn Phú. Bởi Phú đẹp trai hơn tôi nhiều nên chẳng những lần ấy mà trong những cuộc phiêu lưu sau này của chúng tôi, em nào thích kẻng trai sẽ thuộc về quyền cai quản của nó. Còn tôi, vừa nhỏ con vừa xấu xí nhưng giỏi hót, em nào thích bùi tai sẽ ngả vào vai tôi. Ấy là sự phân phối theo định luật "lực hấp dẫn tự nhiên". Chín năm trường kì kháng chiến đã dậy chúng tôi tinh thần yểm trợ tác chiến và khả năng nhường nhịn lẫn nhau. Giữa hai chúng tôi truyền thống ghen tuông, đố kị nổi tiếng của dân Việt nam không tồn tại. Cái thứ "dân tộc tính" đó nằm ngoài khuôn khổ tình bạn của chúng tôi. Chính vì thế, hơn hai mươi năm qua chi bộ này tuyệt đối vững chắc... Sự vững chắc của tình bạn tựa trên nguyên tắc dung chứa và bổ sung lẫn nhau. Phú đẹp trai, tôi xấu xí đen đủi. Nó hào phóng vì xuất thân là cậu ấm Hà nội, tôi keo kiệt "Ăn tép ỉa ra tóc, có chín xu đổi lấy một hào" vì bố mẹ chết sớm, thân tự lo thân từ thuở lên mười. Nó sạch sẽ hơn cả lũ đàn bà đỏm dáng, ngày nào cũng tắm như vịt bất kể mùa đông hay mùa hè; đi đâu thì chải chuốt trước gương, rồi dí mũi vào cổ áo nách áo hít đi hít lại xem có thơm tho hay không bởi lỡ may giữa đường gặp em nào ngả đầu vào tựa vai đấng anh hùng thì không phải ngất xỉu vì hôi hám. Tôi ngược lại, không thích tắm. Mùa đông một hai tháng không mò vào buồng tắm lương tâm cũng không bị cắn rứt mà linh hồn cũng không đau khổ. Mụ vợ tôi thi thoảng không chịu nổi lại đổ canh riêu cua hay canh thịt lên người tôi để tôi buộc phải tắm.

Vũ không nén nổi bật lên cười và hỏi:

- Thế nếu bà ấy đổ nước rau muống luộc hay canh xuông lên người ông thì ông không chịu bước vào buồng tắm hay sao?

- Không! Nước rau muống luộc cũng như nước lã, tôi thay áo là xong. Các vị lãnh đạo thường tự tuyên truyền rằng trong nhà tù đế quốc, họ cương quyết không khai các cơ sở cách mạng. Tôi nghĩ rằng mười ông nói chưa chắc tin được một ông. Còn tôi, tôi cương quyết hơn nhiều: nếu không thực sự bẩn và nhu cầu tắm chưa trở thành cấp bách, tôi không tắm. Bây giờ, để thoả mãn cơn tò mò của anh, người chẳng có mảy may khái niệm nào về những cuộc đời nhỏ bé tầm thường của lũ rong chơi, tôi xin kể nốt hồi cuối. Chúng tôi dẫn em diễn viên xinh đẹp bụng to kia đến nhà nghỉ Tam Đảo. Ở đó, em đóng vai hiền thê của Phú, còn tôi rủ tay giám đốc nhà nghỉ đi săn gà gô ở các vùng rừng lân cận. Qua ba tuần, tay giám đốc này chết mê chết mệt vì đủ loại tiếu lâm. Đêm nào gã cũng dính vào tôi như sơn, ăn tối xong còn pha đến hai ấm chè để ngồi hóng chuyện. Sang tuần thứ tư, đã đến lúc sắp hết hạn "công tác", tôi mới ngỏ lời nhờ gã giúp cho cô em xinh đẹp vào viện huyện nạo thai. Anh ta hăng hái nhận lời tức khắc. Sáng hôm sau, ô-tô nhà nghỉ chở Trần Phú và phu nhân rởm đến bệnh viện huyện giải quyết nỗi buồn, với lý do "nhỡ kế hoạch". Tóm lại, mọi sự được thu xếp hoàn hảo. Khi chúng tôi quay về Hà-nội, em gái xinh tươi đã cất tiếng cười khanh khách, chẳng còn vẻ tuyệt vọng và hoảng loạn như ngày leo lên căn gác nhà tôi. Rồi sau đó ba năm.

- Cậu nhầm rồi, hơn bốn năm chứ. Nói chính xác là bốn năm hai tháng.

- Ờ, lâu quá nên tôi chẳng còn nhớ chính xác. Bốn năm sau, chúng tôi giúp cho em được tuyển vào đoàn kịch nói tổng cục chính trị. Trong môi trường mới, em gặp được ý trung nhân, một diễn viên xoàng nhưng là người chồng lý tưởng. Trước ngày em lên xe hoa, chúng tôi tổ chức bữa cơm tiễn biệt. Một bữa ăn thịnh soạn nhất có thể có được trong điều kiện sống thời đó. Bữa cơm ly biệt nhằm liệt kê lại những kỉ niệm lần chót như người ta kiểm nghiệm lại mớ quần áo của thây ma lần chót trước lúc đóng hòm. Đôi giọt lệ ngậm ngùi nhỏ xuống và vài lời cảm ơn nồng thắm. Sau đó, đường đời lắm nẻo, nàng ra đi, bóng hồng biền biệt. Còn chúng tôi, quay về với những lão bà khả kính thân sinh ra đám con mình.

Nhà văn ngừng lời, đưa tay sửa cặp kính trên sống mũi rồi hỏi Vũ:

- Sao, anh đã bao giờ nghe những câu chuyện nhảm nhí như thế này chưa?

- Ồ...thú thực là chưa.

Vũ lúng túng đáp, rồi thú nhận:

- Trong cơ quan của chúng tôi, những sự việc như thế buộc phải đưa ra chi bộ kiểm điểm và cán bộ buộc phải nhận kỉ luật.

- A... ha... ha...

Cả hai gã đều cất tiếng cười như đập pháo. Rồi Lê Phương lau nước mắt và hỏi ông:

- Vậy những người chịu thi hành kỉ luật có bao giờ dám há mồm ra đề nghị chi bộ kiểm điểm các cấp lãnh đạo cao hơn không? Bởi ai cũng biết rằng quá nửa số uỷ viên bộ chính trị có hai vợ. Còn bí thư Ba Danh chẳng những hai vợ mà còn một bầy cung phi dưới danh nghĩa y tá. Liệu khi kiểm điểm các đồng chí của mình, anh có nghĩ đến những người cùng phạm một thứ khuyết điểm, cứ coi là như thế, thậm chí còn trầm trọng hơn, sự tái phạm còn nặng nề hơn nhưng vì họ đứng ở vị thế cao hơn, quyền lực mạnh hơn nên họ nghiễm nhiên được tha bổng hay không?

- Có chứ! Tôi có nghĩ. Nhưng tôi là kẻ đơn thương độc mã và lực bất tòng tâm.

Ông đáp, không khỏi buông tiếng thởi dài. Và Lê Phương tiếp lời:

- Còn cái guồng máy khổng lồ kia, cái guồng máy quyền lực cứ tiếp tục quay, tiếp tục nghiền nát biết bao con người, với tất cả thói đạo đức giả và sự bất công của nó?

Ông không biết trả lời ra sao nên đành im lặng. Nỗi ngao ngán tràn ngập tâm hồn. Những điều gã đàn ông đen đủi xấu xí này vừa nói đâu có mới lạ đối với ông? Ông đã từng nghĩ thầm nghĩ vụng. Nhưng ông chỉ nghĩ một cách lén lút vì không dám và không muốn tin đó là sự thật.

Chẳng lẽ tuổi thanh xuân của ông và của bao người khác dâng hiến cho cách mạng để cuối cùng phải chấp nhận một kết quả thảm thương như thế hay sao? Chẳng lẽ máu của bao nhiêu người đổ xuống, vàng bạc tài sản của bao nhiêu kẻ hảo tâm đóng góp để cuối cùng tạo dựng nên một chính thể đê tiện và phi nhân như vậy? Sự đê tiện và phi nhân đó, ông từng biết nhưng ông vẫn muốn tin rằng nó chỉ dành riêng cho một số người trong guồng máy quyền lực. Bởi cuộc cạnh tranh quyền lực từ cổ chí kim và cho đến vĩnh viễn muôn đời vẫn là cuộc đấu tàn khốc nhất trong kiếp nhân sinh, nó tước bỏ mọi phẩm chất tốt đẹp chỉ còn để lại cho con người sự tham lam ô nhục, sự mưu toan đểu cáng và những cuộc trình diễn thói độc ác. Nhưng dẫu sao, ông vẫn không muốn chấp nhận rằng toàn thể cái xã hội mà ông đã đặt biết bao kì vọng lại là xã hội vô đạo đức, lưu manh. Dẫu sao, nó vẫn là canh bạc mà ông cũng như bao nhiêu người cùng thời đã đặt cược toàn bộ cuộc đời. Dẫu sao, nó vẫn là tạo phẩm chung, một cuộc hoài thai tập thể. Không người mẹ nào muốn công nhận rằng mình đẻ ra một quái thai...

Giờ đây nghe chính những hồ nghi ấy thốt ra từ cửa miệng một người xa lạ, kẻ vừa gặp mặt vài giờ, ông hiểu rằng những gì ông còn ngờ vực một cách sợ hãi trong những đêm mất ngủ đã được công chúng coi như sự thực hiển nhiên. Và ông, giống như kẻ trú ngụ trong cung cấm, chỉ có thể nhìn thấy loạn quân khi thành đã vỡ và lửa cháy bốn bề.

Cúi xuống nhìn những ngón tay mình một cách vô thức, Vũ nhận thấy những chiếc móng đã dài mà chưa được cắt, ông giơ lên gẩy móng nọ vào móng kia. Nhà văn nhìn cử chỉ đó, tủm tỉm cười đoạn tiếp lời:

- Giờ anh hiểu vì sao chúng tôi chọn kiếp sống của những kẻ rong chơi, hài lòng cuộc đời cỏn con với những vui thú cỏn con. Đấy là cũng là một cách mà cổ nhân gọi là ở ẩn. Bởi ngay sau ngày giải phóng thủ đô, chúng tôi biết rằng đại sự hỏng rồi, rằng thuyền tình đã vỡ, rằng ước mộng đã tan. Ngày lên đường kháng chiến, tất cả mọi người đều có chung một giấc mơ. Cách mạng, đối với một xã hội trì trệ, hoặc một dân tộc nô lệ là cơ hội thanh lọc vĩ đại, là cơn bão quét sạch rác rưởi và đem lại sức sống mới mẻ, mạnh mẽ. Vì thế, người ta mới chấp nhận chết vì nó. Người ta chết vì non sông, nói đúng hơn, vì một tương lai tươi sáng. Những cuộc cánh mạng thật sự bao giờ cũng giải phóng sức sản xuất và nới rộng vùng đất cho tự do. Nhưng cuộc cách mạng này, ngoài cái phần đã làm được là giải phóng dân tộc, nó chẳng những không đem lại tự do, cũng không mở rộng được sức sản xuất mà ngược lại nó thiêu huỷ toàn bộ những giá trị văn hoá đã vĩnh định của dân tộc, nó phá huỷ luôn sức sản xuất. Cải cách ruộng đất chính là cuộc tàn sát có hệ thống và quy mô tầng lớp nông dân có năng lực. Như thế, về phương diện xã hội, cuộc cách mạng này chỉ làm một việc ghê tởm là lật nhào lớp bùn dưới đáy ao lên mặt nước. Và cùng với thứ bùn đó là xác cóc nhái chết cùng mọi thứ rác rưởi lẫn rong bèo.

Anh ta ngừng lời. Ông cảm thấy như vừa bị ai tát một cú nổ đom đóm mắt. Một cái tát không kiêng dè. Một cái tát tàn bạo. Nhưng người đàn ông kia đâu có định nhằm vào cá nhân ông? Anh ta tuyên bố một sự thật. Sự thật đó cũng chính là giá treo cổ đối với tuổi trẻ của anh ta, và của bao nhiêu chàng trai khác đã chết oan cho ảo vọng. Bởi khi nói lên điều đó mắt anh ta buồn đến thế. Bởi những nếp nhăn hằn trên gương mặt anh ta một cách sầu thảm khi anh ta không cười. Phải chăng những câu chuyện bông lơn nhảm nhí kia cũng chính là một cách để lãng quên đi mối thất vọng lớn lao? Mối thất vọng của toàn dân tộc!

Cả ba người đều im lặng. Những người khác đã rút đi từ lâu. Chỉ còn lại ba cô bán hàng đứng hí hoáy nhổ lông mày, cô nọ vành mặt cô kia ra mà thực thi cuộc làm đẹp. Họ hồn nhiên coi như trên cõi đất này không có ai. Trần Phú ngứa mồm bảo:

- Ba con bé kia chắc mới từ quê lên. Bọn mình ngồi đây chút nữa chắc chúng nó vén áo lên nhổ lông nách.

- Ồ, không loại trừ khả năng đó. Vì họ chẳng có nhu cầu làm duyên làm dáng hay chơi trò thẹn thùng trước mặt ba lão già.

- Không lẽ bọn mình đã thật sự biến thành giẻ rách hay sao?...

- Cũng chưa đến nỗi, nếu nhận định một cách khách quan. Hàng hoá hãy còn xài được nếu gặp các mợ nạ dòng ba, bốn chục. Nhưng đây toàn lũ trẻ nõn ra; mười sáu mười bẩy là cùng. Tuổi đó là tuổi con cháu chúng ta.

- Ôi, tuổi già! Tuổi già xồng xộc đến sau lưng. Này anh Vũ, anh có cảm thức ra sao đối với tuổi già?

- Tôi chấp nhận và chung sống hoà bình với nó, trong chừng mực còn có thể.

- Đấy là cách ứng xử khôn ngoan.

Trần Phú nói đoạn đứng lên trước:

- Sắp tới giờ cơm chiều, bệnh nhân phải trở về phòng thôi. Lê Phương tháp tùng anh quay lại khu điều trị. Tôi thanh toán xong sẽ đuổi theo hai người.

Khi ông cùng anh chàng nhà văn bước ra sân, nghe tiếng Trần Phú oang oang bảo mấy cô bé:

- Này, làm đỏm làm dáng thì phải tìm nơi tìm chốn. Đây có phải phòng triển lãm đồ nghề phụ nữ đâu?

Chẳng nghe thấy tiếng ai trả lời. Hẳn là mấy cô gái kia sợ đến tắc họng. Lát sau, Trần Phú đã đuổi kịp hai người. Họ thong thả quay trở lại khu nhà dành cho cán bộ cao cấp rồi chia tay ở chân cầu thang:

- Chúc đại huynh mau lành bệnh. Hôm nay, thấy mặt người anh hùng, tôi hoàn toàn thoả mãn.

Nhà văn nói lời cuối.

Khi Vũ quay lại phòng, gặp đám y tá xúm quanh bác sĩ trực, một phụ nữ đãy đà trạc ngũ tuần. Họ mang máy hô hấp nhân tạo đến cho người bệnh nằm giường đối diện với ông. Mặt anh ta xám ngoét, mắt nhắm nghiền. Cặp môi mím lại chỉ còn là một vệt thâm. Vũ bước vào vừa đúng lúc y tá chụp mũ thở ô-xy lên mặt người bệnh. Ông lẳng lặng lách sau lưng họ về giường mình.
 

Coi tiếp: Kí Ức Vốn Buồn Nhớ Và Sầu Thương Cho Chính Nó (4)
 

www.geocities.ws/xoathantuong