Hồ Chí Minh, hướng đạo sinh Việt Nam số 1?

Công hay diễu
 

Thân tặng “anh Thiếu trưởng”

Hello anh, em đây.

Chào em, cả nhà khoẻ mạnh chứ, có gì lạ không?

Thường anh ạ. Em đang bận làm tí việc về kỳ đi trèo núi ở Trại Philmont mùa hè rồi với các em thiếu sinh và vài trưởng khác.

Chúc mừng các thiếu sinh và các trưởng; hay quá!

À, anh này, hôm trước anh Thiếu trưởng có hỏi em, “Anh có biết ai là hướng đạo sinh Việt Nam đầu tiên là ai không?”

Thế em trả lời sao?

Em nói, “Làm sao biết được. Mình chỉ biết trưởng Sếu siêng năng và trưởng Hổ sứt là những huynh trưởng thành lập các đoàn hướng đạo đầu tiên ở ngoài Hà Nội vào năm 1930. Làm sao biết được đoàn sinh của các trưởng ấy ai là người đầu tiên, ai là người thứ nhì…”

Thế mà anh Thiếu trưởng đoàn em biết.

Ai thế?

Anh Thiếu trưởng nói, “Trên mạng người ta nói ông Hồ Chí Minh là hướng đạo Việt nam đầu tiên.”

Ai da! Thế này đi nhé. Hai đứa mình cùng chơi trò chơi lớn, đi tìm và giải mật thư để tìm hiểu sự kiện ông “Hồ Chí Minh là hướng đạo sinh Việt Nam đầu tiên” xem thế nào.

OK anh. Có gì mới em sẽ gọi cho anh hay.
 

Đó là một phần câu chuyện giữa hai anh em hướng đạo vào một ngày cuối tháng Tám, 2011.

Bài viết này là những chia sẻ với khoảng hơn 5000 hướng đạo sinh và huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam hiện đang sinh hoạt chui-công khai ở trong nước, từ miền Trung vào đến miền Nam, và hy vọng một ngày không xa có thể cũng sẽ có ở miền Bắc, và với tất cả hướng đạo sinh gốc Việt Nam đang sinh hoạt ở hải ngoại.

Bài viết bắt đầu bằng những thông tin đã tìm được, từ cũ đến mới, trong và ngoài nước, liên quan đến sự kiện “Hồ Chí Minh là hướng đạo sinh Việt Nam đầu tiên”. Kế đến là những sử liệu và hồi ký về khoảng thời gian ông Hồ Chí Minh ở nước Anh. Sau đó là một số nhận định, phân tích và cuối cùng là kết quả tìm hiểu của người viết và kết luận.

“Hồ Chí Minh là hướng đạo sinh Việt Nam đầu tiên”

Hồ Chí Minh, 1917

Từ năm 1996 đến nay, 2011, đã có nhiều bài viết về việc ông Hồ Chí Minh “đi hướng đạo” hay là “hướng đạo Việt Nam đầu tiên”.

1996 - Nguyễn Phước Huỳnh, tác giả bài “Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ nhận làm Danh dự Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam” (Nguyễn, 1996) viết,

“Trong những năm bôn ba hải ngoại, đi tìm đường cứu nước, lúc đến nước Anh, Bác đã tham gia phong trào Hướng đạo. Năm 1915, Bác đã đi cắm trại ở Êcốt (Ecosse), đã chụp ảnh ở trại gửi về tặng một người bạn - Cụ ĐÀO NHẬT VINH - làm kỷ niệm. Trước khi rời nước Anh để tiếp tục cuộc hành trình, và sau này trong chuyến đi Pháp năm 1946, Bác đã tặng cụ Đào Nhật Vinh một số kỷ vật. Những di vật ấy cụ Đào Nhật Vinh đã trao lại cho nhà văn SƠN TÙNG. Nhà văn đã lưu giữ trong nhiều năm.

Ngày 19 tháng 12 năm 1993 […] nhà văn SƠN TÙNG đã trao lại các di vật ấy cho anh HOÀNG ĐẠO THUÝ.”

2001 - Trương Xuân Hùng tác giả bài “Kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác Hồ 19/5: Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” (Trương, 2001), theo lời Vũ Kỳ, viết,

“Đầu năm 1946 [...] Bác nói với Bộ trưởng Thanh niên: “Chú Hiền nhớ, 33 năm trước, Bác đã từng là Hội viên Hội hướng đạo sinh nước Anh đấy!””

2003. Trong quyển “Ho Chi Minh - du révolutionnaire à l’icône” tiếng Pháp, xuất bản năm 2003 và bản Claire Duiker dịch sang tiếng Anh xuất bản 2007 (Brocheux & Duiker, 2007), Pierre Brocheux viết,

“Hồ Chí Minh đã biết đến Phong trào Hướng đạo khi ông ở Anh Quốc, và có người cho rằng ông Hồ đã đọc cả Robert Baden-Powell và đã đi trại hướng đạo.” (Lược dịch).

2006. Trong một lá thư (Mai, 2006) đề ngày 26 tháng 5, 2006, gởi “Ban tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhận làm Danh dự Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam”, ông Mai Chí Thọ viết:

“[…] tôi được biết rằng không những Hồ Chủ Tịch nhận làm Hội trưởng danh dự mà Bác Hồ còn là hướng đạo sinh đầu tiên của Việt Nam đã gia nhập vào tổ chức hướng đạo của Anh Quốc vào năm 1915.”

2006. Trong bài “Hồ chủ tịch và Quốc tế ngữ” (Trần, 2006) tác giả Trần Quân Ngọc viết,

“Nhà văn Sơn Tùng chậm rãi kể lại với tôi câu chuyện sau đây để trả lời câu hỏi của tôi:

Năm 1977, hai năm sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với cụ Đào Nhật Vinh […]

Cụ Đào Nhật Vinh cho chúng tôi biết, là trong thời gian anh Văn Ba sống tại Luân Đôn, nước Anh, từ năm 1914 đến 1917, […] và hoạt động trong Hội những người lao động hải ngoại và trong tổ chức hướng đạo sinh (tiếng Anh là Scout) của nước Anh. Những kỷ vật và thư từ mà cụ Đào Nhật Vinh tặng và gửi cho tôi có liên quan tới sự hoạt động của Bác tại tổ chức hướng đạo sinh nước Anh, tôi đã gửi biếu cụ Hoàng Đạo Thúy, […]”

2008. Trong Tư liệu Sơn Tùng, P3 (Sơn Tùng, 2008), tác giả viết:

“Năm 1975, 30 tháng tư Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi vào Cố đô Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Sa Đéc, Cao Lãnh… để sưu tầm tư liệu Bác Hồ ngay từ tháng 5-1975 […]

Tôi gặp được cụ Đào Nhật Vinh ở 13 phố Nguyễn An Ninh, gần chợ Bến Thành […] sau những ngày làm việc với cụ, cụ tặng lại tôi những kỷ vật về Bác Hồ với cụ ngày còn làm việc ở nước ngoài.”

2008. Câu chuyện ông Hồ Chí Minh tặng quà cho ông Đào Nhật Vinh năm 1946 (Nguyễn, 1996), rồi ông Đào Nhật Vinh đưa những kỷ niệm đó cho ông Sơn Tùng vào tháng 5, 1975 (Sơn Tùng, 2008), rồi đến năm 1993 ông Sơn Tùng giao lại cho ông Hoàng Đạo Thúy (Trần, 2006), được tác giả Phạm Thanh Hiệp nhắc đến trong bài “Phong trào Hướng đạo tại miền Bắc sau 1975” đăng trên Thiệp Hoa số 109, ngày 7 tháng 8, 2008 (Phạm, 2008), như sau:

“Tuy nhiên có một chi tiết được ghi trong biên bản bàn giao các kỷ vật cho thấy có những chứng tích như “Tấm hình thiêng liêng Anh Nguyễn Tất Thành đi dự trại Scout đã kỷ niệm cho tôi, hồi còn ở Luân Đôn (1915) đã không tới ông” … Đây là thư của Ông Đào Nhật Vinh gởi cho Nhà văn Sơn Tùng cho thấy tấm ảnh Bác Hồ (chắc là mặc đồng phục HĐ dự trại Scout ở Anh) được Bác Hồ gởi cho ông Đào Nhật Vinh đã bị thất lạc hay hư hỏng (?).”

2010. Trong bài báo “Bác Hồ bốn lần học võ” (Trịnh, 2010) đăng ở Tiền Phong Online, tác giả Trịnh Tố Long viết:

“Năm 1913, tại London, Anh quốc là quê hương của phong trào hướng đạo thế giới […]

Trong thời gian ngắn ở London, nhận thấy tổ chức này có thể có ích về sau để tập hợp thanh thiếu niên vào tổ chức giáo dục, rèn luyện nhiều mặt, khơi dậy lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, gắn bó trong cộng đồng bình đẳng..., Bác Hồ đã tham gia, là hướng đạo sinh đầu tiên của Việt Nam.”

2011. Gần đây nhất người xướng danh Hồ Chí Minh là “hướng đạo Việt Nam đầu tiên” là ông Đặng Văn Việt. Trong lá thư (Đặng, 2011) đề ngày 25/05/2011, gởi ông Lê Tiến Thọ - Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch Việt Nam, Đặng Văn Việt viết:

“Bác Hồ là người Hướng đạo sinh số 1 của Việt Nam (từ 1915 ở Anh)...”

Trong một lá thư ngỏ (Đặng, 2011) viết ngày 10 tháng 06 năm 2011, gửi cho Bí thư thứ nhất Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh - Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam - Chủ Tịch Hội Sinh Viên Việt Nam, Đặng Văn Việt viết:

“Những Hướng Đạo Sinh cũ như Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Văn Thái, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy,…”

Những nguồn tin về “Hướng đạo sinh Hồ Chí Minh”

Thời biểu những câu chuyện “Hồ Chí Minh đi hướng đạo”
Thời biểu những câu chuyện “Hồ Chí Minh đi hướng đạo”

Theo thời biểu trên, những câu chuyện “Hồ Chí Minh đi hướng đạo” từ 1996 đến 2011 người đọc thấy những mẩu chuyện này bắt nguồn từ Đào Nhật Vinh-Sơn Tùng.

Như thế nguồn tin chính về sự kiện “Hồ Chí Minh đi hướng đạo” là từ Đào Nhật Vinh. Theo lời kể cho Sơn Tùng, tác giả bài “Tìm về Hạnh phúc”, đã đăng trên báo Lao động số 34 (2936), ngày 25-31, tháng 8, 1978 (Nguyễn, 2011), Đào Nhật Vinh nói:

“Buổi sáng mùa xuân năm 1917, tôi làm trên chiếc tàu Li-ge từ Ác-hen-ti-na ghé về Đa-ca (nay là thủ đô của Xênêgan) tôi may mắn được gặp anh Ba tại đây. Anh đang làm việc trên chiếc tàu chở than Sác-bông 2 - Xi-sác-bon-ni-ê.”

Theo tư liệu (20 trang về Hồ Chí Minh- Phạm Quỳnh viết xong ngày 8/12/2008) của Sơn Tùng, Đào Nhật Vinh là người phụ bếp trên các chuyến tàu đi biển và năm 1917 gặp ông Hồ Chí Minh. Năm 1919, Đào Nhật Vinh đến sinh sống ở Bordeaux, liên lạc với Hồ Chí Minh đang hoạt động ở Paris cho đến năm 1923 khi ông Hồ bí mật đi qua Liên bang Sô Viết. Đến năm 1946, trong chuyến sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh đã tặng một số kỷ vật cho Đào Nhật Vinh (Nguyễn, 1996).

Tất cả những bài viết của Đặng Văn Việt, Trịnh Tố Long, thư của Mai Chí Thọ, và ngay cả sách của Pierre Brocheux nghe người ta nói “ông Hồ đi hướng đạo” đều không có dẫn chứng; Nguyễn Phước Huỳnh và Phạm Thanh Hiệp viết theo thông tin của Sơn Tùng; Trần Quân Ngọc viết theo lời kể của Sơn Tùng; Trương Xuân Hùng viết theo lời kể của Vũ Kỳ trích dẫn lời Hồ Chí Minh nói năm 1946. Giá trị của câu chuyện của Vũ Kỳ sẽ được xét sau ở phần phân tích.

Mâu thuẫn. Người duy nhất đưa nguồn của thông tin về việc ông Hồ Chí Minh tham gia hướng đạo tại Anh là tác giả Sơn Tùng (Sơn Tùng, 1978). Sơn Tùng ghi chép lại sự kiện theo lời kể của Đào Nhật Vinh (Sơn Tùng, 2008) và Sơn Tùng cũng kể lại chuyện Hồ Chí Minh “đi hướng đạo” cho Trần Quân Ngọc (Trần, 2006).

Tuy nhiên, tác giả Sơn Tùng đã không thống nhất về thời gian và địa điểm đã gặp Đào Nhật Vinh lần đầu tiên.

Trong tư liệu (Sơn Tùng, 2008) Sơn Tùng cho biết đã gặp ông Đào Nhật Vinh vào tháng 5, 1975 tại Sài Gòn:

“Tôi vào Cố đô Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Sa Đéc, Cao Lãnh… để sưu tầm tư liệu Bác Hồ ngay từ tháng 5-1975 […] Tôi gặp được cụ Đào Nhật Vinh ở 13 phố Nguyễn An Ninh, gần chợ Bến Thành […] sau những ngày làm việc với cụ, cụ tặng lại tôi những kỷ vật về Bác Hồ với cụ ngày còn làm việc ở nước ngoài.”

Hai năm trước đó, 2006, khi kể cho Trần Quân Ngọc (Trần, 2006), Sơn Tùng nói,

“Năm 1977, hai năm sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với cụ Đào Nhật Vinh.”

Phân tích

Về thời gian ông Hồ Chí Minh tham gia Hướng đạo tại Anh, các nguồn tin trên đưa ra hai thời điểm khác nhau:

Nguyễn Phước Huỳnh, Phạm Thanh Hiệp và Trần Quân Ngọc (viết theo Sơn Tùng và Đặng Nhật Vinh) nhắc lại việc ông Hồ có tham gia hoạt động với Hội Hướng đạo Anh, nhưng không nói rõ năm nào. Họ cũng nhắc đến tấm hình Hồ Chí Minh đi dự trại Hướng đạo năm 1915 và một số kỷ vật khác của ông Hồ Chí Minh. Riêng Trần Quân Ngọc viết rõ lời Sơn Tùng kể, “Những kỷ vật và thư từ mà cụ Đào Nhật Vinh tặng và gửi cho tôi có liên quan tới sự hoạt động của Bác tại tổ chức hướng đạo sinh nước Anh, tôi đã gửi biếu cụ Hoàng Đạo Thúy.” (Trần, 2006).

Các thông tin trên phần lớn dựa vào lời kể của ông Đào Nhật Vinh cho Sơn Tùng (Nguyễn Phước Huỳnh, Trần Quân Ngọc, Phạm Thanh Hiệp), hoặc người viết không cho biết nguồn tin (Pierre Brocheux, Mai Chí Thọ, Trịnh Tố Long, Đặng Văn Việt), hoặc người viết lại lời kể khơi khơi là chính ông Hồ tự nhận (Trương Xuân Hùng) đã tham gia sinh hoạt hướng đạo bên Anh. Bằng chứng duy nhất, có thể tin được phần nào, đã đề cập trong các câu chuyện về việc ông Hồ có tham dự vào sinh hoạt Hướng đạo ở Anh là tấm ảnh đi trại ở Ecosse (Scotland) năm 1915. Tấm ảnh này có thể đã bị mất hay đã hư hỏng (Phạm, 2008).

Một trong những nguồn tin để tìm hiểu về đời hoạt động của Hồ Chí Minh là tự truyện của ông. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (Trần, 1975), Trần Dân Tiên - cũng là Hồ Chí Minh hay Nguyễn Tất Thành - không nói tới việc ông đi hướng đạo (như Vũ Kỳ kể lại với Trương Xuân Hùng). Trần Dân Tiên còn cho biết Nguyễn Tất Thành đã sang Pháp trước 1915, khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Vì thế, các nguồn tin nói Nguyễn Tất Thành đi trại hướng đạo ở Anh hay Scotland năm 1915 đều không đúng với sách của ông Hồ viết.

Trong lá thư không đề ngày gửi cho Phan Châu Trinh, trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Nguyễn, 1913) và được trích dẫn trong tác phẩm của Quinn-Judge, Gaspard và Duiker, Nguyễn Tất Thành viết về đời sống của ông ở Anh như sau:

“…Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm việc khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng bốn, năm tháng nữa, lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều…”

Nguyễn Tất Thành kể rõ hoàn cảnh mới bắt đầu học tiếng Anh cùng lúc làm việc với người Pháp và luôn nói tiếng Pháp. Vì phải lo kiếm ăn cho khỏi đói nên học cũng chẳng được bao nhiêu. Trong thời gian ở London, ông Hồ Chí Minh có đời sống chật vật và vốn liếng tiếng Anh chưa đủ, vì thế việc ông đi cắm trại ở tận Scotland, phía bắc nước Anh, như Đào Nhật Vinh nói là chuyện khó có thể làm được.

Hơn nữa, sinh hoạt hướng đạo tại Anh trong Thế chiến thứ nhất thu hẹp rất nhiều, các huynh trưởng tham gia vào cuộc chiến, mọi nỗ lực đổ dồn cho chiến tranh, và chuyện hướng đạo sinh Anh quốc đi cắm trại khó có thể xẩy ra ngay cả ở London hay vùng lân cận để ông Hồ tới dự vào năm 1915 như các bài viết đã ghi.

Và lá thư này của Nguyễn Tất Thành cũng dập tắt lý luận vu vơ của Pierre Brocheux cho rằng “…có người cho rằng ông Hồ đã đọc cả Robert Baden-Powell và đã đi trại hướng đạo...”

Ông Hồ đã chết từ năm 1969. Ai có thể trả lời những câu hỏi rằng ông Hồ Chí Minh có đi hướng đạo bên Anh không, và nếu có thì ông tham gia từ năm nào, 1913 hay 1915? Để tìm tới tận nguồn tư liệu về việc ông Hồ Chí Minh là hướng đạo sinh ở Anh, người viết liên lạc với Hội Hướng đạo Anh (The Scout Association)[1] để yêu cầu lục trong văn khố của họ.

Vào tháng 9/2011, chúng tôi hỏi,

“Ông Nguyễn có phải là hướng đạo sinh nước Anh hay không?”

The Scout Association trả lời:

“For someone of that age range it would be more likely would have been a Scout Master. The warrants issued 1908-1914 for Middlesex and London show no one of that name holding a warrant as a Scout Master.”

Lược dịch:

“Với một người trong khoảng tuổi đó, có nhiều khả năng đó là một Đoàn trưởng. Giấy bổ nhiệm [Đoàn trưởng] trong khoảng 1908-1914 ở Middlesex và Londoncho thấy không có người nào mang tên đó là Đoàn trưởng cả.”

Thế còn những Giấy bổ nhiệm Đoàn trưởng vào những năm sau đó? The Scout Association viết:

“Warrants weren’t issued during the First World War so we can’t check the records for him.”

Lược dịch:

“Hội không cấp giấy bổ nhiệm trong Thế chiến thứ nhất vì vậy chúng tôi không thể tìm kiếm hồ sơ cho ông ấy.”

Trong cố gắng cuối cùng, chúng tôi yêu cầu tìm trong văn khố 1908-1914 của Hội Hướng đạo Anh có Đoàn trưởng nào mang tên họ Á Châu hay Việt Nam hay chăng? The Scout Associaton trả lời:

“I’m happy to confirm that no warrant was issued to an Asiatic or Vietnamese sounding name in London or Middlesex in the period 1908-1914.”

Lược dịch:

“Tôi xin xác nhận rằng không có giấy bổ nhiệm Đoàn trưởng nào được cấp cho một người mang tên nghe có vẻ như người Á châu hay Việt Nam ở London hoặc Middlesex trong giai đoạn 1908-1914.”

Vì thế, cho tới nay vẫn chưa ai tìm được và trưng dẫn bất kỳ tài liệu cụ thể nào cho biết ông Hồ Chí Minh đã là hướng đạo sinh trong thời gian ông ở bên Anh.

Những sử liệu về thời gian Hồ Chí Minh tại nước Anh và quyển tự truyện của Trần Dân Tiên. 1913-1916 được xem là thời gian ông Hồ sống tại Anh Quốc là giai đoạn ít thông tin nhất trong đời hoạt động của Nguyễn Tất Thành. Bảo tàng Hồ Chí Minh và một một số sách sau đây - sử dụng tài liệu mới giải mật gần đây nhất - đã trưng dẫn những sử liệu tương tự về giai đoạn ông Hồ Chí Minh ở nước Anh nhưng tất cả đều hoàn toàn không đề cập đến việc ông Hồ Chí Minh tham gia sinh hoạt hướng đạo.

Kết luận

Những người còn sống, đã và đang tiếp tục đưa tin ông Hồ Chí Minh là hướng đạo sinh tại Anh Quốc, năm 1913 hay năm 1915, có hai việc cần làm để làm sáng tỏ một sự kiện có thể là lịch sử.

Một là trưng dẫn mọi tài liệu cụ thể xác minh sự kiện đó. Kỷ vật liên quan tới hoạt động hướng đạo tại nước Anh của ông Hồ Chí Minh được nói là đã giao lại cho ông Hoàng Đạo Thuý ở Hà Nội vào năm 1993 cho tới nay cần được liệt kê ra để biết gồm có những gì.

Hai là ngưng viết hay nói không có chứng cớ như đã làm từ gần hai mươi năm nay. Không có bằng chứng cụ thể, câu chuyện ông Hồ Chí Minh đi hướng đạo chỉ là một hư cấu, bâng quơ tôn sùng lãnh tụ, và trực tiếp làm nhơ lịch sử.

Chuyện bịa đặt dù lập đi lập lại thêm ngàn năm nữa vẫn không thành sự thật được.

Hư cấu đời hướng đạo của Hồ Chí Minh có thể có một mục đích khác. Kỷ vật hướng đạo của ông Hồ Chí Minh xuất hiện cùng lúc với buổi họp mặt tại nhà ông Hoàng Đạo Thuý ở Hà Nội vào năm 1993 giữa các cựu hướng đạo sinh đảng viên cộng sản và một số trưởng hướng đạo đã sinh hoạt tại miền Nam trong khoảng 1954-1975. Sau đó là cuộc vận động với Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam để cho hướng đạo được sinh hoạt trở lại. Cuộc vận động của nhóm này đến nay đã gần 20 năm vẫn không có một kết quả tích cực nào dù ông Hồ Chí Minh - Danh dự Chủ tịch Hội Hướng đạo Việt Nam năm 1946, hay “hướng đạo sinh Việt Nam số 1” - đã luôn luôn được sử dụng làm con bài tẩy trong canh bạc với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đời hoạt động của ông Hồ Chí Minh đã quá nhiều huyền thoại. Hư cấu thêm chuyện “ông Hồ đi hướng đạo” chẳng lợi ích gì cho sinh hoạt hướng đạo Việt Nam hôm nay và mai sau.

chd_hochiminh3.png

Allo, allo, tôi đây.

Gì thế ông?

Nghe nói ông đang đi tìm hướng đạo sinh Việt Nam số 1.

Ừ, anh em đang chơi trò chơi lớn.

Thế ông đã giải mật thư xong chưa, đã có kết quả gì chưa nào?

Ừ, mật thư mật mã mình đã giải tất tần tật nhưng có là có thế nào cơ chứ?

Thì “ai là hướng đạo sinh Việt Nam số 1?”

Ái dào, cái này thì chưa biết!

Thế thì hôm nay ông may lắm.

Như thế là làm sao, may là may thế nào?

May là tôi cho ông ngay đáp số. Tôi trân trọng tin cho ông biết, theo gia phả hai họ thì ông nội của tôi đã gia nhập hướng đạo, là kha sinh tại Thanh Hoá từ 1904, và ông ngoại của tôi là thiếu sinh ở Nam Định từ 1905. Oách chưa nào?

?!?

Tôi định chụp ảnh cuốn gia phả thiêng liêng đó gửi cho ông, nhưng tiếc là không còn vì ông bác tôi đưa cho ông chú giữ, rồi ông chú lại đưa cho bà cô, và bà cô cất trong tủ búp phê bị mối ăn mất đúng cái trang các cụ đi hướng đạo.

?!?

Đầu máy bên kia giọng anh bạn đang huýt sáo,

“Anh em chúng ta chung một đường lên,
Chung một đường lên đến nơi nguồn thật.
Nguồn thật là đây sức sống vô biên,
Sống vô biên là sống…”

Lưu hành nội bộ Hướng đạo Viêt Nam
Montréal, cuối tháng 9, 2011

Tài liệu tham khảo

Brocheux, P., & Duiker, C. (2007). Ho Chi Minh: a biography. Cambridge University Press.

Đặng, Văn Việt. (2011).Thư của Đặng Văn Việt (25/5/2011 và 10/6/2011). Truy cập ngày 30/9/2011 tại http://giupich.org/Gop-y-quy-trinh-HDVN-2.html.

Duiker, W. J. (2000). Ho Chi Minh, A Life. Theia.

Gaspard, T. T. (mai 2000). Ho chi minh à paris - 1917-1923. L'harmattan.

Mai, Chí Thọ. (2006). Thư gởi Ban tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhận làm Danh dự Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam. Truy cập google cache ngày 30/9/2011 tại
cache: http://trangdoanchuongduong.net/forum/archive/index.php/t-832.html.

Sếu mơ mộng Songuyên sưu tầm, Lời hay ý đẹp, GVMD Tập 2, trang 76 trích lại từ báo Sài Gòn Giải Phóng mục thời sự ra ngày thứ ba 17 tháng 10 năm 2006 trang 3.

Nguyễn, Phước Huỳnh. (1996). Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ nhận là, Danh dự Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam. Truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://www.giupich.org/huongdaocantho/bachonhanlamdanhduhoitruong_190806.html.

Nguyễn, Tất Thành. (1913). Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh ở Pháp. Bảo tàng Hồ Chí Minh - Ho Chi Minh Museum. Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch. Truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://baotanghochiminh.vn/TabId/495/ArticleId/303/PreTabId/503/Default.aspx.

Nguyễn, Văn Thịnh. (2011). Câu chuyện về chiếc áo bác hồ được tặng ở Paris. Truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://blog.yume.vn/xem-blog/tu-lieu-cau-chuyen-bac-ho-o-paris.nguyenvan-thinh.35D430C6.html.

Phạm, Thanh Hiệp. (2008). Phong trào Hướng đạo tại miền Bắc sau 1975 - Hồi Ký Phạm Thanh Hiệp. Thiệp Hoa số 109, truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://www.giupich.org/giupich2008/diembao/trichthiephoa109.html.

Quinn-Judge, S. (2003). Ho Chi Minh: The missing years, 1919-1941. C. Hurst & Co.

Sơn Tùng. (25-31 tháng 8, 1978). Tìm về hạnh phúc. Báo Lao Động.

Sơn Tùng. (2008). Tư liệu Sơn Tùng, P3. Pham Ton's Blog, truy cập ngày 30/9/2011 tại http://snipurl.com/10ivoa.

Trần, Dân Tiên. (1975). Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Hà Nội: Sự Thật.

Trần, Quân Ngọc. (8 tháng 7 năm 2006). Hồ chủ tịch và Quốc tế ngữ. Truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://blogo.quoctengu.com/2010/01/ho-chu-tich-va-quoc-te-ngu.html.

Trịnh, Tố Long. (2010). Bác Hồ bốn lần học võ. Tiền Phong Online, truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/186290/Bac-Ho-bon-lan-hoc-vo.html.

Trương, Xuân Hùng. (2001). Kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác Hồ 19/5: Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Tạp chí Thể thao, truy cập ngày 30/9/2011 tại
http://www.tapchithethao.vn/home/detail.asp?iData=1621&nChannel=News.

[1] The Scout Association, Gilwell Park, London, E4 7QW, Tel 020 8433 7195,
www.scoutsrecords.org/ www.scouts.org.uk

Nguồn:
https://sites.google.com/site/scoutabound/Downhome/Chuyen-bay-gio/HoChiMinh-HuongDao
posted Feb 8, 2011 8:53 PM by Cong Haydieu [ updated Nov 12, 2011 7:41 PM ]
 

www.geocities.ws/xoathantuong