Xây dựng quần thể tượng đài 1400 tỷ ở Sơn La - Dư luận nhìn nhận thế nào?

Tác giả: Alex Phan & Thanh Tâm
 

20 Tháng Tám , 2015

Ngày 8/7 HĐND tỉnh Sơn La, Việt Nam đã ra Nghị quyết 127 thông qua Đề án xây dựng Tượng đài ‘Bác Hồ với đồng bào và các dân tộc Tây Bắc’ cùng quảng trường trung tâm thành phố Sơn La với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Đề án đã gây ra tranh cãi và nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận trong nước về việc xây dựng tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là gây tốn kém không cần thiết.


Ảnh minh họa: Tượng đài Hồ Chí Minh, bhxhhoabinh.gov.vn

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam. Nằm cách Hà Nội 320 km trên trục Quốc lộ 6. Sơn La được đánh giá là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp Huyện gồm 11 huyện và 1 thành phố, gần một 1/2 trong số đó đang thuộc Chương trình hỗ trợ 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ Việt Nam).

Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5/62 huyện nghèo nhất cả nước; đến hết năm 2013, toàn tỉnh còn gần 69.000 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; hơn 30.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 12% tổng số hộ; năm 2014 có hơn 31.000 hộ với hơn 141.000 nhân khẩu thiếu đói.

Đề án xây tượng đài 1400 tỷ

“Sơn La là một tỉnh không “dư giả” gì, chỉ tạm “đủ ăn”, chưa nói đến đầu tư để “thoát nghèo”. Tỉnh đang gặp hàng loạt vấn đề như: thiếu cầu đường, việc làm, nước sạch, thiếu các cơ sở phúc lợi xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm xá)”, theo Vietnamnet.

Theo đề án dự kiến, quần thể tượng đài Hồ Chí Minh có tổng diện tích khoảng 20 hecta đất, nằm ở vị trí ở trung tâm Thành phố Sơn La, gần các trục giao thông chính.

Chính quyền tỉnh Sơn La cho biết, mục tiêu của đề án: “Xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng báo các dân tộc Tây Bắc nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng báo các dân tộc Tây bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu”. Đồng thời, chính quyền tỉnh Sơn La xem đây như là một thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử, tính giáo dục, tính truyền thống và nhân văn sâu sắc, là di sản văn hóa vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Ảnh chụp nội dung Nghị quyết 127/NQ-HĐND được tải về từ sonla.gov.vn

Dư luận “dậy sóng”

Cư dân mạng có lẽ là những người phản ứng nhanh chóng và “sục sôi” nhất trước thông tin này. Nhiều người bày tỏ sự ngỡ ngàng “không thể hiểu nổi” với quyết định của chính quyền tỉnh Sơn La. Một số người khác thì tỏ rõ sự tức giận, thất vọng, và có phần chua xót.

Nhiều người cũng ngay lập tức “quy ra thóc” những gì mà 1.400 tỷ có thể làm được.


Infographic mang tính chất tham khảo từ Facebooker Chung Chí Công

Một Facebooker tên Pham Trong Thuc bình luận:

1400 tỷ đem gửi ngân hàng với lãi suất 7% năm, sinh ra khoản tiền lãi là 98 tỷ, gốc còn nguyên.

98 tỷ chia cho 12 tháng, mỗi tháng được hơn 8 tỷ 166 triệu.

Số tiền đó chia tiếp cho 30 ngày, mỗi ngày sẽ có hơn 272 triệu.

Với một người nghèo hoặc lang thang cơ nhỡ, một ngày ăn 3 bữa, mỗi bữa 20 nghìn đồng, thì 1 ngày hết 60 nghìn. Với 272 triệu có thể nuôi ăn số người là: 272tr : 60k = 4537 người trong một ngày. Số người này chắc cũng phải tương đương 1 xã chứ không ít. Hoặc quy ra học sinh cũng bằng vài trường gộp lại.

Chính sách phúc lợi xã hội là đây chứ đâu mà phải mơ đến nước tư bản nào. Chỉ khác là ở Việt Nam thì số tiền nêu trên được đem đi xây tượng”.


Ảnh từ facebook Hoàng Dũng

Một người khác tên Hoàng Trường Giang cũng viết: “Mình chỉ nghĩ đơn giản, nhà nghèo thì nên tiết kiệm thôi. Con còn thất học thì bố từ từ hãy mua xe hơi đắt tiền. Ngân sách hay xã hội hoá gì thì mà chẳng là tiền từ nhân dân… Và mình trộm nghĩ sẽ có hàng vạn người lớn trẻ em ở những nơi xa xôi đó [khắp Tây Bắc] cả đời sẽ không ra tới trung tâm tỉnh lỵ để ngắm Tượng Bác đâu. Họ còn mải gieo neo lo đủ ăn đủ mặc đã.

Không chỉ dừng lại ở đó, phong trào “phản đối” đề án đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng bằng cách viết lên những tấm bảng, tờ giấy, sau đó chụp hình đăng lên mạng.


Bạn ‘Sói mát’ thể hiện ý kiến trên facebook, ảnh chụp màn hình

Liệu sức mạnh của mạng xã hội có thể xoay chuyển tình thế?

Theo thống kê từ Facebook, hiện Việt Nam có khoảng 20 triệu người sử dụng facebook mỗi ngày, chiếm 22% dân số. Facebook cũng là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook với một môi trường tương đối tự do để trao đổi, cập nhật thông tin đã biến mạng xã hội này trở thành một “đối trọng đồng thời là đối tác” không nhỏ của truyền thông chính thống trong nước trong việc lên tiếng đối với nhiều vấn đề xã hội.

Điển hình phải kể ra vụ phản đối chặt cây tại Hà Nội, phản đối làm cáp treo tại Sơn Đoòng. Nhờ những ảnh hưởng trên mạng, báo chí chính thống cũng phải lên tiếng, khiến chính quyền phải rà soát và thay đổi lại.

Gần đây nhất có thể nhắc tới việc bình trà đá miễn phí ở Hà Nội bị tịch thu, gây phản cảm cho dư luận, mạng xã hội cũng đã “đáp trả” hết sức quyết liệt. Trước sức ép lớn đó, cuối cùng thì người ta phải trả lại bình trà kèm theo lời tuyên dương vì hành động cao đẹp ấy.

Với sự kiện nóng này, dư luận trên Facebook đang sôi sục. Một lần nữa sức ép của dư luận trên mạng đã góp phần khiến cho chính quyền phải xem xét lại. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo và làm rõ nội dung Tượng đài ‘Bác Hồ với đồng bào và các dân tộc Tây Bắc’ xây dựng được phản ánh, gửi Chính phủ trước ngày 15/8. Mong rằng việc này sẽ khiến các cấp chính quyền tỉnh Sơn La xem xét lại lương tâm và trách nhiệm của mình đối với đồng bào, và có những bước đi đúng đắn để thật sự chăm lo cho cuộc sống của người dân.

Chưa có hồi kết

Theo tin từ Văn phòng chính phủ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La phải lập dự án xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và quy định pháp luật.

Bài viết do các cộng tác viên tổng hợp và gửi cho Báo Việt Đại Kỷ Nguyên. Những ý kiến thể hiện trong bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của Việt Đại Kỷ Nguyên.

Chia sẻ bài viết này: http://vietdkn.com/1j9
 

www.geocities.ws/xoathantuong