HIỆN TẠI MỚI QUAN TRỌNG

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

MỤC LỤC

 

1. ĐỨC YÊSU, VỊ THƯỢNG TẾ CẢM THƯƠNG CHÚNG TA.. 2

a. Ngài nên giống anh em mình mọi đàng (Dt. 2,17; 4,15) 2

b. Ngài chiến đấu đến nỗi đổ máu (Dt.12, 4) 3

2. NHÂN HỌC TỪ LỜI KINH CHÚA DẠY.. 3

a. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. 4

i). Cám dỗ. 4

ii). Yếu đuối mỏng dòn. 4

b. Chúa biết con cần Chúa. 5

i). Người ta chỉ xin điều ngoài khả năng. 5

ii). Xin chớ để chúng con ... 5

3. TRONG CHÚA TÔI CÓ THỂ LÀM TẤT CẢ (PL. 4,13) 6

a. Bây giờ tôi phải làm gì 6

i).Cầu nguyện để khỏi sa ngã. 6

ii). Bắt đầu ngay cách cụ thể. 7

b. Thánh Thần khơi bùng lửa khao khát Chúa. 9

i). Lửa tình yêu có thể tàn lụi 9

ii). Thánh Thần sưởi ấm tình yêu. 10

 


 

 

            Một bận tâm của nhiều người:

tại sao tôi vẫn phạm tội dù đã bao lần tôi quyết định sẽ không bao giờ như vậy nữa?

tại sao lúc tĩnh tâm hoặc linh thao người ta nói rất hay, tưởng rằng họ sẽ ra khác, nhưng thực tế khi trở về đời thường họ lại vẫn vậy?!

            Sau nhiều lần tái phạm, một số người thất vọng về chính mình. Họ chán nản bỏ cuộc buông xuôi, không muốn cố gắng nữa. Cố gắng mà làm gì khi chẳng thấy thành công?! Một số người không còn đánh giá tốt về những cuộc tĩnh tâm hoặc linh thao nữa!

            Linh Thao không là liều thuốc thần, làm người ta không phạm tội nữa! Với nhiều người, Linh Thao là khởi đầu của một đời sống mới đặc biệt hơn với Chúa.

            Khi trở về đời thường, Linh thao đã là “qúa khứ”, giây phút hiện tại mới quan trọng, tất cả hoàn toàn tùy thuộc ta lúc này! Làm sao để sống trung thành với Chúa giây phút hiện tại này?

            Chúng ta sẽ nhìn Chúa Yêsu, xem thân phận con người, để biết chúng ta phải làm gì.

1. ĐỨC YÊSU, VỊ THƯỢNG TẾ CẢM THƯƠNG CHÚNG TA

            Theo đức tin ki-tô của chúng ta, Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể. Ngài đã chấp nhận thân phận con người như chúng ta mọi đàng. Ngài là một người hoàn toàn.

a. Ngài nên giống anh em mình mọi đàng (Dt. 2,17; 4,15)

            Đức Yêsu là con đức trinh nữ Maria, được sinh nơi hang chiên cừu tại Bê-lem, được nuôi nấng dạy dỗ, lớn lên và kiếm sống bằng nghề thợ mộc tại Na-da-rét miền Ga-li-lê.

            Ai nghèo bằng Ngài?

Có ai được sinh nơi một chuồng thú vật như Ngài?

Ngài cảm được nỗi lòng của người nghèo cũng như cách hành xử của người ta đối với những người làm nghề khiêm tốn như nghề thợ mộc!

Ngài cảm được cái đói, và thông cảm với cơn đói cồn cào của các tông đồ đến độ phải bứt gié lúa mà ăn (Mc.11, 12; Mt.12, 1);

Ngài có thể thông cảm với tất cả những ai lâm cảnh màn trời chiếu đất, vì Ngài vẫn thường phải ngủ ngoài trời (Lc.21, 37).

            Ai bị xỉ nhục  bằng Ngài?

Ngài bị những người thân coi là người mất trí (Mc.3, 21);

bị coi là người tội lỗi (Ga.9, 24);

bị coi là người qủy ám (Mc.3, 22; Ga.8, 52), nhờ tướng qủy mà trừ qủy (Lc.11, 15);

bị coi là người phạm thượng (Mc.14, 62) nên phải bị ném đá hoặc tử hình cách nào đó (Ga.8, 59; 10, 31).

            Ai bị hành hạ bằng Ngài?

Có ai lớn như Ngài mà còn bị tạt tai? bị nhổ nước miếng vào mặt? bị giựt râu? bị đánh đấm vào mặt? bị đánh đòn? bị nhạo báng cho đội mão gai?

            Ai bị chết ô nhục bằng Ngài? bị lột trần truồng và chết thê thảm trên thập giá?

            Ngài cũng đau lòng trước sự chai cứng tâm hồn của con người thời đó:

của người làng Nadarét (Lc.4, 22b-30);

của người tới xin Ngài chữa bệnh: “ôi thế hệ tà vạy và cứng tin...” (Lc.9,41);

của những người biệt phái và ký lục (Lc.20, 4tt).

            Ngài nên giống chúng ta mọi đàng!

b. Ngài chiến đấu đến nỗi đổ máu (Dt.12, 4)

            Nhiều người kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân, muốn xin Chúa cất tự do của mình, để mình không phản bội Chúa nữa. Nhiều khi họ than trách Chúa đã để họ yếu đuối sa ngã như vậy. Mệt mỏi vì phải chống trả với những cám dỗ, thất vọng vì chính mình, ... họ muốn buông xuôi, không còn tin vào mình nữa! Những người này quên rằng, họ hoàn toàn tự do để phạm tội hay không! Nếu họ không muốn họ không phạm tội.

            Bản chất con người không phải là tội lỗi, vì Thiên Chúa tạo dựng tất cả đều tốt đẹp (St.1, 31). Cái mới “trở nên tệ hơn” của con người, là do tự con người. Con người có thể hạ phẩm giá mình bằng hành vi “tội” của mình, và con người cũng có thể làm tăng phẩm giá mình bằng hành vi siêu vượt[1]. Con người có thể phạm tội và cũng có thể không phạm tội!

            Không ai không bị cám dỗ, nhưng không phải tất cả đều đã sa ngã. Đức Maria đã không phạm tội riêng: không bao giờ Mẹ đã phạm tội, không bao giờ Mẹ đã không vâng phục Thiên Chúa. Chính Đức Yêsu cũng bị cám dỗ.

            Đức Yêsu không chỉ bị cám dỗ một lần trong đời khi ở hoang địa bốn mươi đêm ngày (Mt.4, 1-11), mà Ngài còn bị cám dỗ trong suốt đời. Ngài cũng bị cái đói hành hạ[2]; Ngài không chỉ bị ma qủy cám dỗ thách thức nhẩy từ đỉnh đền thờ xuống (Lc.4, 9-11) mà còn bị người ta thách thức xin dấu lạ bởi trời(Lc.11, 16.29-30), còn bị thượng tế ký lục và dân chúng thách thức xuống khỏi thập giá để họ tin (Lc.23, 35-37). Trong vườn dầu Ngài bị cám dỗ đến mức độ toát mồ hôi máu (Lc.22, 44), Ngài bị cám dỗ cả về đức tin nữa “Lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài nỡ bỏ tôi?” (Mc.15, 35).

            Con người có thể và thường bị cám dỗ, nhưng con người có thể không phạm tội. Chính Đức Yêsu cũng bị cám dỗ, và bị cám dỗ cho đến giây phút cuối cùng trong đời Ngài, ngay cả về đức tin. Cũng vậy, chúng ta có thể bị cám dỗ, và ngay cả bị cám dỗ rất nhiều và dai dẳng, nhưng điều này không hàm chứa rằng mình “dở”. Đức Yêsu bị cám dỗ, nhưng Ngài không “dở” vì Ngài đã chiến thắng dù phải chiến đấu, chiến đấu đến độ “đổ máu” (Dt.12, 4).

            Thiên Chúa không miễn trừ cho con người khỏi cám dỗ, vì đó là thân phận con người “tự do”; nhưng nếu con người bám vào Thiên Chúa, trông cậy vào Thiên Chúa, con người có thể chiến thắng và không phạm tội. Đức Yêsu và đức Mẹ Maria là mẫu gương và là bảo đảm cho chúng ta.

2. NHÂN HỌC TỪ LỜI KINH CHÚA DẠY

            Một kinh được dùng rất nhiều lần, là lời kinh chính Chúa Yêsu đã dạy:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời,

nguyện danh Cha cả sáng,

nước Cha trị đến,

ý Cha thể hiện...

Xin Cha cho chúng con,

lương thực cần dùng,

xin tha nợ chúng con...

xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

            Câu cuối cùng của kinh Lạy Cha “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” làm chúng ta phải suy nghĩ.

a. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

            Một lời nguyện, có thể là lời tạ ơn chúc tụng, nhưng chủ yếu là lời xin.

            Xin là thái độ của một người nghèo, không có nên phải xin. Người ta chỉ xin khi người ta không có hoặc không thể làm được điều gì đó.

            Con người tự do, con người có thể không phạm tội; nhưng bao nhiêu người đã phạm tội. Đã bao lần tôi phạm tội và rồi ngay khi vừa phạm tôi xong tôi lại hối hận liền... dù trước đó tôi đã dốc lòng thề hứa với Chúa, hay với người khác hoặc với chính mình rằng sẽ không phạm tội nữa!

            Chúa Yêsu đã nói với Phê-rô hai lần cùng một buổi tối, trong vườn dầu: “hãy cầu nguyện kẻo sa cám dỗ” (Lc.22, 40.46). Tại sao phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ[3]?

i). Cám dỗ

            Không ai trong chúng ta không bị cám dỗ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, Ngài không phạm tội dù Ngài bị cám dỗ rất nhiều. Ngài đã phải chiến đấu rất quyết liệt và cam go trước những cơn cám dỗ.

            Ngài chiến đấu đến nỗi đổ máu (Dt.12, 4).

            Chúa đã chết và sống lại, để chúng ta được sống lại với Ngài, nhưng chúng ta vẫn không được giải thoát khỏi cám dỗ. Thực ra khi bị cám dỗ phạm tội, chúng ta không trở thành dở hơn; chúng ta chỉ dở khi chúng ta chiều theo cám dỗ, ưng thuận với cám dỗ. Nếu chúng ta chống lại cám dỗ, chúng ta có công phúc trước mặt Chúa; nếu chúng ta bị cám dỗ khủng khiếp và dai dẳng, mà chúng ta chống trả quyết liệt và chiến thắng, thì chúng ta không chỉ không dở mà còn có công phúc lớn trước nhan Chúa (LT.33-34).

ii). Yếu đuối mỏng dòn

            Chúng ta thường sợ cám dỗ. Tại sao vậy?

            Vì chúng ta ngại chiến đấu? Hay vì chúng ta sợ chính chúng ta? Vì chúng ta đã có kinh nghiệm về chính con người của mình: yếu đuối và mỏng dòn?

            Một điều cần lưu ý: nếu tôi không muốn, tôi không phạm tội. Trước khi phạm tội tôi không muốn, và sau khi phạm tội tôi cũng không muốn, nhưng chính tôi đã muốn khi phạm tội!

b. Chúa biết con cần Chúa

            Dù tôi yếu đuối và mỏng dòn, nhưng tôi không phạm tội nếu tôi không muốn. Phạm tội, là hành vi tự do của con người ở giây phút hiện tại. Qúa khứ, không quan trọng. Dù qúa khứ tôi có tốt mấy đi nữa, có làm được bao nhiêu điều kỳ diệu chăng nữa, mà nếu ở giây phút này tôi không vượt lên trên chính mình, thì tôi chẳng là gì! “Nếu kẻ công chính bỏ đường công chính mà phạm tội, nó phải chết. Và nếu kẻ tội lỗi bỏ đường gian ác mà trở lại, nó sẽ được sống” (Ez.33, 18-19).

            Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh (2Cor.12, 10). Tự sức tôi, e rằng tôi sẽ sa ngã chiều theo cám dỗ; nhưng nếu tôi cậy dựa vào Chúa, tôi sẽ không sa ngã, cho dù cả hỏa ngục tấn công cũng không thắng nổi tôi, vì Chúa ở với tôi, Ngài là khiên che thuẫn đỡ cho tôi.

i). Người ta chỉ xin điều ngoài khả năng

            Không có lương thực, con người sẽ chết. Cơm bánh là điều cần thiết đối với con người, nhưng nhiều người không biết rằng, cơm bánh người ta ăn hằng ngày cũng là hồng ân của Thiên Chúa.

            “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” (Lc.11, 3).

            Lời kinh Chúa dạy giúp chúng ta ý thức tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cũng như thân phận con người phải luôn tùy thuộc Thiên Chúa, ngay cả những điều rất bình thường trong đời sống con người như lương thực hằng ngày.

ii). Xin chớ để chúng con ...

            “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm.2, 4). Thiên Chúa không muốn ai phạm tội. Vậy tại sao tôi (đã hoặc sẽ) phạm tội dù (bây giờ) tôi không muốn?! Thực ra, nếu tôi không muốn thì tôi không phạm tội; nhưng chính lúc tôi phạm tội thì tôi đã muốn, dù trước đó tôi không muốn, và sau đó tôi cũng không muốn.

            Tôi muốn lúc tôi phạm tội, dù trước đó đã nhiều lần tôi dốc lòng và quyết định. “Điều tôi muốn tôi không làm, còn điều tôi không muốn tôi lại làm” (Rm.7, 15.19). Càng sống lâu, con người dường như càng có kinh nghiệm về điều này!

            “Vô phúc thay con người của tôi! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?” (Rm.7, 24). Tạ ơn Chúa, vì nhờ Đức Yêsu Ki-tô.

            “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc.11, 4). Lời Chúa cho chúng ta biết rõ thân phận con người của chúng ta: yếu đuối, mong manh mỏng dòn, cần Chúa giúp để có thể sống không phạm tội. Chúng ta cần Chúa, để ở trong tình yêu của Ngài. “Không có Thày, các con không thể làm gì” (Ga.15, 5).

            “Hãy cầu nguyện để khỏi sa cám dỗ” (Lc.22, 40.46). Nếu không cầu nguyện, e rằng khó có thể không sa cám dỗ, vì “tinh thần tuy nhanh nhẹn nhưng xác thịt thì yếu nhược” (Mc.14, 38). Những lời này do chính Chúa Yêsu nói, và Ngài cũng cảm nghiệm được sự nặng nề của thân xác “Lạy Cha nếu có thể, xin cất chén này đi khỏi con, nhưng đừng theo ý con mà là ý Cha” (Mc.14, 36).

            Con người tự do. Con người có thể không phạm tội nếu chính đương sự không muốn. Thế nhưng có nhiều người sợ chính mình, sợ “tự do” của mình! Nếu bởi tự do mà tôi phạm tội chống lại Chúa, thì thà không có tự do còn hơn: “Thà làm thân cỏ cây, đóa hoa rừng ngả nghiêng trước gió, kiếp chim xanh .....”.

            “Cầu nguyện để khỏi sa cám dỗ”(Mc.14, 38). “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”(Lc.11, 4). Điều này hàm chứa: tôi cần Chúa để khỏi sa ngã. Chúa luôn quan tâm đến tôi, Ngài sẵn sàng trợ giúp tôi, để tôi không sa ngã phạm tội chống lại Chúa nữa.

            Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, cũng quan trọng và cần thiết như cần phải xin cho có lương thực hằng ngày.

3. TRONG CHÚA TÔI CÓ THỂ LÀM TẤT CẢ (PL. 4,13)

            “Hôm nay Ta đã sinh ra con[4]”. Ngôi Lời được Cha sinh ra từ vĩnh cửu và hôm nay Ngài vẫn được Cha sinh ra. Sự hiện hữu của ngôi Lời tùy thuộc Cha, không có Cha thì không có Con. Ngôi Lời hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, Chúa Yêsu luôn tùy thuộc Cha. Ngay bây giờ, sự hiện hữu và chân tính của Đức Yêsu là ở nơi Thiên Chúa.

            Hiện tại là giây phút quan trọng nhất, đối với tôi và đối với cả đối với Chúa Yêsu nữa. “Hôm nay Cha đã sinh ra Con”, Đức Yêsu là như vậy; và cả tôi cũng vậy. Thiên Chúa làm thành con người tôi, và tôi cũng làm thành con người tôi vì tôi là hiện hữu tự do. Tôi như thế nào là tùy ở tôi, tùy tôi quyết định ở giây phút hiện tại này.

            Tôi có thể được biến đổi hoàn toàn, tùy tôi có quyết định trở lại với Thiên Chúa ở giây phút hiện tại này không! Để có thể không phạm tội phản bội Chúa nữa, để thuộc trọn về Chúa, để nên thánh, tôi phải làm gì bây giờ? Qúa khứ cho tôi biết về con người của tôi, tôi đã quyết định nhiều nhưng đã không giữ được điều mình quyết định! Tôi đã thất vọng về chính con người của tôi, và đã có lúc như tuyệt vọng! Bây giờ tôi phải làm gì?

a. Bây giờ tôi phải làm gì

            “Tôi phải là gì?”, đó cũng là câu mà anh thanh niên giầu có hỏi Đức Yêsu (Mc.10, 17). Nếu chỉ biết mà không làm, thì chắc cũng buồn như anh thanh niên sau khi được Đức Yêsu trả lời (Mc.10, 22). Ai biết mà không thực hành, thì giống như người ngu xây nhà trên cát... (Mt.7, 26). Không phải chỉ biết, mà chính yếu là làm, là thực hiện...

i).Cầu nguyện để khỏi sa ngã

            Kinh nghiệm cho thấy tôi rất yếu đuối, mong manh mỏng dòn, dễ sa ngã! Thân phận con người là vậy! Bị cám dỗ, con người không thể được miễn trừ, kể cả Đức Yêsu và Đức Mẹ.

            Chúa Yêsu, trong lời kinh Ngài chỉ cho các tông đồ, Ngài dạy “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc.11, 4). Cầu nguyện để không sa chước cám dỗ! Nếu tự sức mình, mình có thể không phạm tội, chắc chắn mình chẳng cần phải cầu xin.

 

j). Tinh thần lanh lẹ nhưng xác thịt yếu nhược

            “Tinh thần tuy lanh lẹ nhưng xác thịt yếu nhược” (Mc.14, 38). Chúa Yêsu cũng biết và có kinh nghiệm về điều này.         Hãy tránh dịp tội, hãy làm hết sức mình để tránh dịp tội, đừng ảo tưởng về mình. “Ai tưởng mình đứng vững, hãy ý tứ kẻo té” (2Cor.12, 10).

jj). Thiên Chúa ban Thánh Thần

            “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc.11, 9).

            Nếu tôi xin mà không được, chắc điều đó lúc này không tốt cho tôi, vì nếu tốt thì Thiên Chúa đã ban cho tôi rồi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất cho tôi, dù tôi có xin Ngài hay không xin!

            “Vậy nếu các ngươi tuy là ác, còn biết lấy của lành làm qùa cho con, thì huống hồ Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người” (Lc.11, 13).

            Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta, để Thánh Thần giúp chúng ta sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

ii). Bắt đầu ngay cách cụ thể

            Hiện tại tôi phải làm gì để tôi thuộc về Chúa, trung tín với Chúa, không phạm tội ở giây phút này? Tôi phải làm gì để tôi chọn Chúa trên tất cả ở giây phút này? Tôi phải làm gì ở giây phút này để tương lai tôi không chọn gì trên Chúa?

            Cố gắng làm tốt nhất giây phút hiện tại.

j).Giữ ngũ quan, đặc biệt con mắt

            “Đèn của thân thể tức là mắt ngươi. Khi mắt ngươi đơn thuần thì toàn thân ngươi sáng láng; một khi nó vạy vọ thì mình ngươi tối sầm. Vậy hãy xét xem có khi ánh sáng trong ngươi lại là tối tăm chăng” (Lc.11, 34-35).

            Trong linh thao, để giúp cầu nguyện dễ dàng hơn, thánh Y-nhã khuyên người ta nên giữ cẩn thận ngũ quan, đặc biệt là con mắt (LT.80-81). Ngũ quan là những cơ quan giúp chúng ta giao tiếp với ngoại giới. Nếu chúng ta không tập làm chủ, chúng ta sẽ dễ dàng bị ngoại cảnh chi phối. “Không làm chủ được miệng lưỡi, thì cũng không làm chủ con người mình được” (Gc.1, 16).

            Để có thể chống trả cám dỗ phạm tội trong tương lai, bây giờ tôi phải có thể làm chủ con người tôi, cụ thể là giữ ngũ quan. Không thể làm chủ mình lúc này, thì làm sao có thể làm chủ mình trong tương lai?

            Giữ ngũ quan, là một thử nghiệm trong việc làm chủ mình.

 

 

jj). Giữ thinh lặng nội tâm

            Giữ ngũ quan có thể được coi như giữ thinh lặng bên ngoài. Thinh lặng bên trong, thinh lặng nội tâm còn quan trọng và đáng qúy hơn thinh lặng bên ngoài nhiều. Một người sống trong một nơi thâm u cùng cốc, vắng lặng bóng người, nhưng có thể lòng họ đang nổi ba đào. Một người có thinh lặng nội tâm, thì cho dù có sống giữa chợ hoặc nơi phố phường đông đúc, họ vẫn có thể bình an thanh tịnh.

            Để giúp có thinh lặng nội tâm, một cách tiêu cực cần gạt bỏ những vướng bận; một cách tích cực, biết rõ “tất cả chỉ là phù vân ... không có gì mới dưới ánh mặt trời” (Gv.1,1.9). Sự thinh lặng nội tâm thực sự chỉ có với tâm hồn chọn Thiên Chúa và ý định của Ngài trên tất cả.

            Luôn tâm niệm chọn Thiên Chúa trên tất cả, và gạt bỏ mọi ý tưởng không tốt khi nó xuất hiện trong trí.

jjj). Ý thức Thiên Chúa luôn ở với tôi

            Thiên Chúa yêu thương tôi, và Ngài luôn ở với tôi (Ga.14, 23; 14, 16; 1Cr.3, 16-17), để quan phòng và bảo vệ tôi. Những điều khác mất, không quan trọng; chỉ một điều quan trọng là không ai giựt được tôi khỏi vòng tay yêu thương của Ngài (Rm.8, 35.38-39).

            Không chỉ là nhớ Chúa hiện diện, nhưng chủ yếu sống trong tâm tình Chúa luôn ở với mình. Thiên Chúa hạnh phúc được ở với con người vì Ngài yêu con người. Chúa cùng ngồi với mình khi mình đang nói chuyện với ai đó; Ngài chia sẻ nỗi đau của mình trước cách đối xử không tốt của ai đó với mình...

            Cố gắng ý thức Chúa đồng hành với mình, và nói chuyện với Ngài liên lỉ.

jv). Yêu mến Chúa Yêsu Thánh Thể

            Yêu mến Chúa Yêsu Thánh Thể được thể hiện cụ thể qua việc năng tham dự Thánh Lễ và rước lễ, năng viếng Thánh Thể.

            Chính vì yêu chúng ta, Chúa Yêsu đã tự nguyện ở lại với chúng ta một cách “cụ thể” qua bí tích Thánh Thể. Yêu mến Thánh Thể, là dấu chỉ cho thấy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa vẫn còn nồng thắm.

            Tình yêu với Chúa Yêsu Thánh Thể, được biểu lộ qua thái độ cung kính của chúng ta khi đứng trước hay đi ngang qua Thánh Thể, và đặc biệt qua việc năng viếng Thánh Thể.

            Xin cho con tình yêu nồng thắm với Chúa Yêsu Thánh Thể. “Lạy Chúa Yêsu, xin cho con yêu Chúa nhiều”.

v). Từ bỏ và chấp nhận tất cả

            Đức Mẹ và Chúa Yêsu, hai con người nêu gương cho chúng ta, để chúng ta bước theo các Ngài. Cả Mẹ lẫn Chúa, đều là những con người hoàn toàn như chúng ta, nhưng các Ngài đã thuộc trọn về Thiên Chúa một cách tuyệt vời.

 

 

Xin vâng như Mẹ

            Nhìn cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy đậm nét chữ “xin vâng”. Với Mẹ, Thiên Chúa và ý định của Ngài là tuyệt đối.

            Khi thần sứ truyền tin, Mẹ chấp nhận dù không biết tương lai ra sao, Mẹ chỉ một niềm phó thác cho Thiên Chúa. Mẹ xin vâng chấp nhận những gì xảy đến khi phải trở về Bê-lem, khi sinh hạ hài nhi trong máng cỏ. Mẹ vui sống những ngày “bình thường” tại Na-da-rét, với bữa ăn thanh đạm và cuộc sống không tiện nghi của một gia đình nghèo. Mẹ chấp nhận biến cố Đức Yêsu ở lại đền thờ năm Ngài 12 tuổi với bao lo lắng vất vả.

            Mẹ vẫn chờ Lời Chúa nói với Mẹ qua thần sứ được ứng nghiệm, dù bao năm tháng trôi qua.

            Biến cố Đức Yêsu chết trên thập giá là kinh khủng với Mẹ. Ở biến cố này, Mẹ bị thử thách khủng khiếp cả về đức tin: liệu Thiên Chúa có thực hiện những điều Ngài đã nói với tôi qua thần sứ không? Thế nhưng Mẹ vẫn một niềm tin tưởng phó thác, cho dù trước biến cố Đức Yêsu chết, như thể không tài nào tin được lời thần sứ nói với Mẹ “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu David cha Ngài, nước Ngài rộng vô biên”.

            Mẹ sống cuộc đời tưởng như rất bình thường nhưng thực sự Mẹ sống rất tuyệt vời.

Từ bỏ và chấp nhận tất cả theo gương Chúa Yêsu

            “Hy sinh và lễ vật Chúa không ưng; Ngài đã ban cho con một thân xác; vậy con thưa: này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt.10, 5.7). Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể để thi hành ý Cha: làm cho con người ngày nay biết Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng.

            “Đức Yêsu đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl.2,8). Đức Yêsu đã đi đến cùng mầu nhiệm nhập thể, tự hủy đến độ chết như một con người bình thường và thấp hèn nhất, đó là cái chết treo thập giá.

            Không phải Đức Yêsu vô cảm, không cảm thấy gì nơi con người của Ngài! “Ngài đã kinh hoàng sợ hãi, buồn phiền muốn chết được; nếu có thể được xin Cha cho khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con một theo ý Cha mà thôi” (Mc.14, 33-34.36).

            “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc.23, 46); “Đã hoàn tất” (Ga.19, 30). Đức Yêsu hoàn toàn chấp nhận và phó thác tất cả trong tay Chúa Cha. Không phải là Đức Yêsu không có dự tính như một con người, nhưng Ngài phó thác tất cả trong tay Thiên Chúa, dù thế nào chăng nữa thì điều Thiên Chúa Cha muốn, sẽ là điều tốt nhất cho Ngài và cho con người.

b. Thánh Thần khơi bùng lửa khao khát Chúa

            Không phạm tội, thuộc trọn về Chúa, là một ơn; tự sức con người, chúng ta không thể làm được điều đó; nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta luôn sống trong tình yêu Ngài, luôn luôn thuộc trọn về Ngài.

            Chúa Yêsu nói “không có Thầy các con không thể làm gì” (Ga.15,5) nhưng Ngài lại nói thêm “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga.15, 9). “Muốn độc lập với Chúa” là một điều điên rồ, và không thể thực hiện được. Đó là tội. Adam và Eva cũng có thái độ như vậy khi muốn thành thần linh cách độc lập với Chúa.

            Kinh nghiệm bản thân sau những lần sa ngã: tôi đã muốn nhưng tôi không làm như tôi đã muốn được. Thiên Chúa yêu tôi, Ngài luôn trợ giúp tôi, vậy “hãy tin tưởng, Ta đã thắng thế gian” (Ga.16, 33).

            “Hỡi đoàn nhỏ, đừng sợ, vì Cha đã khấng ban Nước cho các ngươi” (Lc.12, 32).

i). Lửa tình yêu có thể tàn lụi

            Hiện tại tôi ao ước khao khát gì? Tình yêu của tôi với Chúa còn được như ngày nào không? Nếu tình yêu, lòng khát khao thuộc về Chúa đã suy giảm, hãy cẩn thận, coi chừng sa ngã. Hãy nài xin Chúa Thánh Thần trợ giúp!

            Thường mỗi người chúng ta có điểm yếu nào đó (LT.327), hãy cố gắng nhận ra. Nếu mình bắt đầu bị cám dỗ nhiều về điều đó, hãy xét xem tình yêu và khát vọng của mình với Chúa đang trong tình trạng nào. Hãy gia tăng cầu nguyện hoặc hy sinh hãm mình, nếu cần có thể đi tĩnh tâm để thêm lòng yêu mến và khao khát Chúa.

            Nếu thấy mình bắt đầu sao nhãng việc thiêng liêng như cầu nguyện xét mình, cũng phải xét mình xem mình đang như thế nào...

            Nếu thấy mình thiếu kính trọng Chúa Yêsu Thánh Thể, thiếu tế nhị trong cách giao tiếp với người khác, hãy cẩn thận, đó là dấu chỉ thiếu tình yêu đối với Chúa.

            Không có tình yêu, không có lửa tình yêu, không có Thánh Thần, con người không thể trung thành với Chúa đến cùng được.

            Xin Chúa làm cho con yêu Chúa, và ơn đó là đủ cho con” (LT.234).

ii). Thánh Thần sưởi ấm tình yêu

            Điều tôi không làm được tự sức tôi, thì Thiên Chúa giúp đỡ tôi nhờ Thánh Thần Ngài đã ban cho tôi. Thánh Thần là lửa tình yêu, là lòng mến, là sức mạnh, là nguồn sống, là mạch suối mát,

làm nguội đam mê dục vọng,

sưởi ấm con tim chai cứng,

thêm sức thân xác rã rời,

ban sức sống cho tâm hồn như đã chết.

            Thánh Thần làm tôi khao khát Chúa. Thánh Thần làm cả con người của tôi hướng lên Chúa, khơi dậy lửa mến trong tôi, Ngài tác động trên cả tinh thần lẫn thể xác tôi.

            Khao khát không chỉ là cái muốn của lý trí[5], mà còn là cái tham muốn của thân xác[6] nữa. Khi lòng khao khát thuộc trọn về Chúa của một người tắt hoặc suy tàn, nguy cơ phạm tội rất gần rồi. Phạm tội là dấu chỉ cho thấy lúc đó đương sự không còn yêu Chúa nữa. Cám dỗ nhiều và gay gắt có thể[7] là dấu chỉ cho thấy tình yêu của người đó đối với Chúa đã suy giảm.

            Xin Chúa ban Thánh Thần cho con.

            Xin Chúa thêm đức tin và tình yêu con.

 

LNC

141252

121096

 

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]

 



[1] Vượt lên trên những khuynh chiều tự nhiên của thân xác mình.

[2] Mt.21, 18tt: “Sáng sớm khi vào thành thì Ngài đói. Thấy một cây vả bên vệ đường, Ngài đến bên cây, nhưng không gặp được gì cả...”

[3] Có nhiều người không muốn lúc nào cũng phải cầu nguyện. Họ muốn độc lập với Thiên Chúa, họ không muốn tùy thuộc Thiên Chúa.

Adam và Eva cũng muốn thành thần linh cách độc lập với Thiên Chúa, và hậu qủa là không thể được: họ đã phạm tội. Muốn thành thần linh độc lập với Thiên Chúa, coi chừng sẽ thành qủy.

[4] Dt.1, 5; 5, 5; 11, 17; Tv.2, 7

[5] Cái tôi muốn tôi lại không làm (Rm.7, 15a)

[6] “nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn” (Rm.7, 15b.16a)

[7] Cũng có thể chỉ là dịp cho một người đã rất tiến bộ trong đường thiêng liêng lập công thôi (LT. 322b).