Hồ Chí Minh Viết Báo Pháp (Bàn về Tự do Ngôn luận)

Vũ Hải Đăng
 

Hồ Chí Minh từng viết báo và tham gia sáng lập nhiều tờ báo cách mạng ở Pháp. Các bài viết của ông chủ yếu là các bài chính luận nảy lửa và các bài châm biếm sâu sắc nhằm tố cáo tội ác của chính quyền thuộc địa. Nhưng ít người biết rằng, các bài báo được chính quyền xem là “nguy hiểm” đấy lại được xuất bản công khai ở nước Pháp, nơi mà quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được pháp luật bảo vệ.

Luật pháp nước Cộng hoà Pháp cho phép người dân được quyền tự do ngôn luận, Hồ Chí Minh am hiểu luật pháp nước Pháp, chuẩn bị cho mình đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấp phép lao động tại Pháp, như vậy ông được hưởng đầy đủ quyền tự do như các công dân Pháp. Hồ Chí Minh đã khôn khéo sử dụng các quyền tự do đó để hành nghề báo chí và hoạt động chính trị ngay tại nước Pháp. Tác phẩm báo chí đầu tiên của ông là “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam”, viết bằng tiếng Pháp, đề ngày 16-6-1919, hàng cuối cùng ký tên “Nguyễn Ái Quốc - Hội những người Việt Nam yêu nước”.

Bản yêu sách được viết vào thời điểm đang diễn ra Hội nghị của nguyên thủ các cường quốc đồng minh tại Véc-Xây, nội dung đòi những quyền tự do cho người dân Việt Nam; trong đó có quyền độc lập chính trị, quyền tự do dân chủ, quyền tự do lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận và báo chí, đòi trả tự do lập tức cho các tù chính trị. Tự tay Hồ Chí Minh đã phát tán bản yêu sách này ở nước Pháp và bí mật truyền về Việt Nam . Các thành viên tham gia hội nghị Véc-Xây cũng nhận được bản yêu sách này, ông còn cho đăng bản yêu sách trên báo Nhân đạo. Ngay lập tức, ông trở thành nhân vật “cần quan tâm đặc biệt” của chính quyền, mạng lưới mật vụ được tung ra trên khắp nước Pháp và Việt Nam để tìm tung tích người Việt Nam có tên Nguyễn Ái Quốc. Họ đã nhanh chóng tìm ra tung tích của ông, nhưng không thể bắt giam ông, bởi vì bản yêu sách đó không thể coi là hành động gây rối trị an chống lại nước Pháp, đó là tự do ngôn luận.

Ngược lại, ở Việt Nam hiện nay những quyền tự do cơ bản của con người đã bị tước đoạt. Khi đọc đến đây, các bạn sẽ tự hỏi: Ngày nay, khi nước Việt Nam độc lập, người dân đã được hưởng các quyền tự do cơ bản đấy chưa? Các bạn có thể tự tìm ra câu trả lời cho mình, chỉ cần làm một phép so sánh; nếu như ngày nay ở Việt Nam xuất hiện một Bản yêu sách tương tự đòi các quyền tự do cho người dân: Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội. Hàng cuối cùng ký tên: “Hội liên minh Dân chủ và Nhân quyền Việt Nam ” thì việc gì sẽ xảy ra? Ngay lập tức, chính quyền Cộng sản sẽ tịch thu, nghiêm cấm xuất bản và đàn áp không thương tiếc. Các hành động đàn áp bằng bạo lực này tương tự như những gì mà chính quyền thuộc địa đã từng làm để đàn áp các phong trào yêu nước. Vậy đấy, dân tộc ta đấu tranh kiên cường hơn 100 năm, chịu đựng biết bao hi sinh mất mát, cuối cùng tời giờ này vẫn mất tự do.

Năm 1918, Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Xã hội Pháp, hai năm sau, ông là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Khi uy tín của bản thân được nâng cao, ông đã đề nghị với cụ Phan Chu Trinh cải tiến “Hội Thân ái” thành “Hội những người Việt Nam yêu nước”, và trở thành Tổng thư ký điều hành của Hội. Từ những hoạt động thực tiễn đầu tiên đấy, ông bắt đầu chuyển sang viết báo. Tờ báo mà ông thường xuyên cộng tác là báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của TƯ Đảng Xã hội Pháp, do những Đảng viên cách tả phụ trách. Bài báo đầu tiên của ông đăng trên báo Nhân đạo là bài: “Vấn đề bản xứ”. Sau đó ông đã viết nhiều bài đăng trên các báo cánh tả ở Pháp lúc đó: Nhân đạo, Tạp chí Cộng sản, Đời sống công nhân, Dân chúng, Lao động, Tự do, Nhân dân Pari… Các bài báo này đều tập trung vào việc vạch trần tội ác của chính quyền thuộc địa gây ra với nhân dân Đông Dương, nói lên tình cảnh khốn cùng của người dân bị mất tự do, bị đầu độc bằng rượu, thuốc phiện và chính sách ngu dân. Năm 1921, Hồ Chí Minh tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa” và sáng lập tờ báo “Người cùng khổ” là cơ quan ngôn luận của Hội. Ông trở thành linh hồn của tờ báo: Chủ nhiệm kiêm chủ bút, biên tập, trình bày báo, vẽ tranh sửa bản in.

Các bài báo đăng trên “Người cùng khổ” đã hướng mục tiêu vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc các xứ thuộc địa. Trong bài cổ động độc giả mua báo, ông đã viết: “Tờ báo này là của bạn, giúp bạn thoát khỏi ách nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm, trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ.” Lúc này những hoạt động của Hồ Chí Minh ở Hội liên hiệp thuộc địa và những bài báo đăng trên Người cùng khổ đã trực tiếp chống lại chính quyền. Nước Pháp, một nước đế quốc hàng đầu với hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới không thể “làm ngơ” trước sự chống đối này, không thể để yên cho mầm mống của chủ nghĩa Cộng sản đang nảy nở ngay trên nước Pháp. Nhưng chính quyền không thể muốn làm gì thì làm. Hiến Pháp nước Cộng hoà Pháp đã quy định rất rõ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội, các quyền tự do đó của người dân được Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ.

Đến đây, các bạn hẳn đã nhận ra điều thú vị của câu truyện, nhà báo Hồ Chí Minh được tự do viết báo và hoạt động chính trị ở Pháp, nhưng các bài báo “cách mạng” này đã bị cấm phát hành ở các xứ thuộc địa. Hồ Chí Minh trở thành nhà báo lừng danh và nhà cách mạng nổi tiếng ở Pháp, nhưng lại trở thành kẻ “Phiến loạn, phản động” ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa đã xét xử vắng mặt ông. Có thể kết luận: Chính quyền thuộc địa đã tước đoạt của người dân mọi quyền tự do, kết tội vô cớ những người yêu nước, khiến dân ta phải chịu ách cai trị còn hà khắc hơn thời trung cổ. Theo cách lập luận này, có thể kết luận tương tự với ách thống trị chuyên chế mà người dân Việt Nam đang phải chịu đựng trong thế kỷ 21 này. Dân mất quyền tự do, mọi tiếng nói của dân bị chặn đứng, người chiến đấu cho Dân chủ - Tự do thì bị kết tội “Phiến loạn, chống đối”, người bảo vệ Nhân quyền thì bị gọi là “Phản động”. Chính quyền không chỉ siết chặt chế độ kiểm duyệt báo chí mà còn thẳng tay đàn áp các lực lượng Dân chủ không cùng quan điểm chính trị. Về mặt này, chính quyền Cộng sản có thể sánh hơn cả chính quyền thuộc địa về mức độ hà khắc và tàn bạo.

Sau nhiều năm hoạt động ở Pháp, được hưởng những quyền Tự do - Dân chủ, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ ý nghĩa của tự do, đó là khát khao cháy bỏng của hàng triệu người dân các xứ thuộc địa. Với tư cách là một nhà báo, ông hiểu sâu sắc nỗi thống khổ của người dân bị tước đi quyền tự do ngôn luận, ông hiểu bản chất tàn bạo của chính quyền thuộc địa đã bóp nghẹt và chặn đứng mọi tiếng nói của nhân dân. Chắc chắn Hồ Chí Minh hiểu phải đem lại Tự do - Dân chủ cho người dân Việt Nam . Nhưng toàn bộ những gì người dân Việt Nam được hưởng ngày nay chỉ là một nền chuyên chính Đảng trị, Đảng siết chặt việc kiểm duyệt hoạt động của các Hội, tổ chức Đoàn thể và báo chí, Đảng bóp nghẹt mọi quan điểm chính trị đối lập, đàn áp thẳng tay mọi phong trào Dân chủ.

Thật nực cười, ở đây là cười ra nước mắt, khi một thực tế hiển nhiên rằng: “Hồ Chí Minh được hưởng những quyền Tự do - Dân chủ của văn minh phương Tây, để rồi chính ông và các thế hệ lãnh đạo sau ông lại tước đi của Nhân dân Việt Nam mọi quyền Tự do - Dân chủ đấy.”

Hà Nội - Ngày 2-9-2007
Vũ Hải Đăng - Đảng DCND

http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&task=view&id=165&Itemid=9
 

www.geocities.ws/xoathantuong