Bài của Vũ Kỳ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự biến Mậu Thân,
xuất hiện trên báo Văn nghệ cách đây 11 năm

Lời của người sưu tầm:

Sau khi đọc "Một chút tư liệu về việc viết và công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" trên viet-studies, tôi dò đến bài  trên báo Công An Nhân Dân đề cập bài của Lữ Phương viết về Hồ Chí Minh và thấy thật sự thì bài viết này của Lữ Phương đã có sẵn nơi "Đặc trang Lữ Phương" của viet-studies (mục "Từ Nguyễn tầt Thành đến Hồ Chí Minh"), trong đó có nhắc đến một bài của Vũ Kỳ tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do Lữ Phương không nói thật cụ thể về xuất xứ bài của Vũ Kỳ, tôi đã nhờ bạn bè tìm hộ và biết chắc đó là bài "Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy", đăng trên Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998, tr. 4. Vì đây là một tư liệu quan trọng, do Vũ Kỳ là thư ký riêng thân tín và lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố như một chứng từ, tôi mạo muội xin báo Văn nghệ cho phép tôi nhờ viet-studies đăng lại, mục đích chỉ muốn rọi sáng thêm một vài chi tiết đáng chú ý xảy ra trong những năm cuối đời của Hồ Chí Minh mà về mặt nghiên cứu nhiều người đã nhắc đến. Sau phần đăng tải bài viết của Vũ Kỳ, với tư cách là một người sưu tầm, tôi cũng xin mạn phép đưa ra một vài ý kiến thô thiển, nhận xét về bài viết có ý nghĩa lịch sử đó.

Triệu Tử
_______________________

Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy

Vũ Kỳ
 

Hội nghị Trung ương 14 khoá ba họp vào tháng 6 năm 1967 đã quyết định mở cuộc tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu thân năm 1968 để đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên một bước mới, giành thắng lợi quyết định.

Suốt 6 tháng rời nỗ lực ráo riết, việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành - cần có một cuộc họp Bộ Chính trị để rà soát lại toàn bộ mọi công tác và hạ quyết tâm chiến lược, cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Lúc này Bác Hồ đang nghỉ ở Bắc Kinh. Ra đi từ ngày 5-9-1967, bây giờ đã vào cuối năm. Sáng ngày 21-12-1967, Văn phòng Trung ương điện sang mời Bác trở về dự hội nghị Bộ Chính trị sẽ khai mạc vào sáng 28-12-1967.

Bấy giờ tối thứ bảy, ngày 23 tháng 12, máy bay đưa bác đến vùng trời Hà Nội. Lượn hai vòng vẫn chưa hạ cánh được vì đèn chỉ huy trên sân bay chệch 15 độ. Đồng chí lái giàu kinh nghiệm quyết tâm hạ cánh không theo đèn. Rất may là an toàn. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ra đón Bác tại sân bay, đưa Bác về nhà và báo cáo công việc với Bác.

Buổi làm việc kéo dài đến tận khuya, Bác nói vui: "Sắp bước vào năm đánh lớn, phải giữ sức để đánh được liên tục". Trước khi đi ngủ Bác gọi dây nói sang Văn phòng Quân uỷ, hỏi sức khoẻ của đồng chí Võ Nguyên Giáp - lúc này nghỉ ở Hung-ga-ri và nhắc gửi thiếp và quà cho vợ chồng chú Văn. Bác nói:

- Dịp Nô-en và Tết dương lịch bên ấy như Tết ta ở bên mình. Tâm lý những người xa quê hương rất mong có một món quà của Tổ quốc.

Trên các chiến trường công tác chuẩn bị khẩn trương vẫn được tiến hành; một số lớn các lượng thuốc nổ, vũ khí bí mật đã được chuyển vào các thành phố, đô thị miền Nam.

Sáng 25 tháng 12 năm 1967, thứ hai, 7 giờ 15 phút, Bác sang hội trường Ba đình, chủ toạ cuộc gặp mặt chúc mừng năm mới của Đoàn Ngoại giao ở Hà Nội. Bác rất vui, chúc năm mới Đoàn Ngoại giao. Tiếng Bác sang sảng và như trẻ ra.

Ngày 28 tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt ngay bên nhà Bác Hồ, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và nhiều tướng lĩnh đến báo cáo.

Từ sự phân tích và nhận định tình hình, Bộ Chính trị đề ra: "Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa đề giành thắng lợi quyết định".

Chiều tối sau phiên họp Bộ Chính trị kéo dài và căng thẳng, Bác trở về nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ có một điều gì đó khiến Bác chưa thật an tâm. Cuộc họp hôm nay Bác chủ trì, ngồi ở ghế đầu bàn, đồng chí Lê Duẩn báo cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận.

Đèn trên buồng ngủ Bác đêm nay tắt chậm hơn mọi tối.

Chiều 29 tháng 12, Bác Hồ mời Bác Tôn đến cùng ăn cơm. Ngắm hai cụ già thân mật đi bên nhau, thanh thản, ung dung, nói cười vui vẻ, ta cảm thấy cuộc đời đẹp biết bao, tưởng như đất nước thanh bình.

Ngày 30 tháng 12 thứ bảy, buổi sáng từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 30 Bác lại dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng, báo cáo thêm những diễn biến mới nhất của tình hình chiến sự miền Nam. Bác ngồi nghe, một tay giữ lấy kính, chăm chú nhìn vào bản đổ khổ lớn treo trên tường.

Buổi chiều từ 17 giờ đến 18 giờ, Bác tham dự phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ. Bác tặng mỗi người, từ Bộ trưởng đến nhân viên phục vụ một quả cam hái từ vườn Bác và một thiếp hồng chúc mừng năm mới. Nói chuyện trong phiên họp, Bác biểu dương những thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam Bắc, khen ngợi sự cố gắng của các Ngành, các Bộ. Bác đặc biệt khen ngợi các cháu thanh niên, thiếu niên, cả gái và trai. Bác nói: "Chúng ta là những người tham gia cách mạng lâu, đã chống Pháp thắng lợi, cứ tưởng chúng ta có nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng bây giờ phải học tập chiến sĩ, học tập thanh niên. Thanh niên ta bây giờ hăng hái làm việc, không kể giờ giấc, ngày đêm, dám đánh giặc, không sợ chết. Một người đã không sợ chết, một dân tộc đã không sợ hy sinh, gian khổ thì nhất định sẽ chiến thắng".

Bác nhận xét về hoạt động của Chính phủ: "Trong Chính phủ ta, tuy đã cố gắng, nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải luôn luôn tự nhận xét mình về mọi hành động, về công tác cũng như về đạo đức cách mạng, chú ý tự phê bình và phê bình hơn nữa, có như vậy mới theo kịp quần chúng, theo kịp chiến sĩ".

Lời dạy của Bác cách đây tròn 30 năm, trong một bối cảnh hoàn toàn khác, mà vẫn vô cùng cần thiết cho chúng ta hôm nay.

Họp Hội đồng Chính phủ về, Bác mời cơm chị Cúc, vợ đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và hai cháu. Anh Thanh vừa mất đột ngột cách đó 5 tháng. Bác tiếc thương vô hạn và muốn dành tình cảm thân thiết, yêu thương để an ủi gia đình.

Ngày chủ nhật 31-12-1967, ngày cuối cùng của một năm chiến đấu quyết liệt và chiến thắng vẻ vang trên khắp hai miền đất nước. Bảy giờ 30 sáng, Bác Hồ ung dung ra Phủ Chủ tịch để thu thanh chúc mừng năm mới Mậu Thân mà có lẽ Bác đã ngẫm nghĩ và trao đổi có lẽ đến 3 tháng ròng. Bài thơ "Toàn thắng ắt về ta" như bài hịch đã đi vào lịch sử. Chị Trần Thị Tuyết trực tiếp ngâm cho Bác nghe, vừa để ghi tiếng vào băng phát lúc Giao thừa. Bữa cơm chiều nay Bác lại cho mời khách đặc biệt: 3 phụ nữ miền Nam Thành đồng tổ quốc. Chị Hai Hùng, vợ đồng chí Phạm Hùng; chị Mười Cúc, vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh; chị Mười (Đồng Tháp). Tấm lòng của Bác đối với cả miền Nam là như thế. Đồng chí Phạm Hùng, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đang ở chiến trường xa nhận được tin này chắc hẳn càng nhớ Bác rất nhiều.

Năm mới 1968, sáng mùng một 1 tháng 1, Bác đi thăm một số nơi bị máy bay Mỹ bắn phá tại Hà Nội.

2 giờ 30 phút chiều, Bộ Chính trị đến làm việc, Bác căn dặn công việc trước khi Bác lên đường tiếp tục đi nghỉ ở Trung quốc. Đó là quyết định của Bộ Chính trị và Hội đồng bác sĩ.

Thế trận đã dàn xong. Ba quân đã sẵn sàng. Lời hịch đã phát. Bác Hồ ra đi chuyến này an tâm hơn.

Ngoài liên lạc hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thay nhau đến Bắc Kinh, trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Bác. Bốn giờ chiều 20-1-1968, đồng chí Lê Đức Thọ sang làm việc với Bác đến 6 giờ tối. Sáng ngày 25 tháng 1 năm 1968, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trực tiếp báo cáo với Bác từ 8 giờ đến 9 giờ 15 phút. Tối 26 tháng 1 năm 1968, đã gần Tết Mậu thân, từ 7 giờ đến 8 giờ, hai Bác cháu ngồi im lặng trong phòng vặn nhỏ Đài tiếng nói Việt Nam.

Ở Miền Nam những binh đoàn chủ lực, theo kế hoạch đang bí mật áp sát các bàn đạp tiến công. Chỉ thị cụ thể của Bác cho các chiến trường là:

Kế hoạch phải thật tỉ mỉ
Hợp đồng phải thật ăn khớp
Bí mật phải thật tuyệt đối
Hành động phải thật kiên quyết
Cán bộ phải thật gương mẫu

Ngày 29 tháng Chạp ta. Năm nay 29 là 30 Tết. 6 giờ chiều, nhận được điện của Bộ Chính trị và Trung ương chúc mừng Bác Hồ năm mới.

Tối nay từ Bắc Kinh xa xôi, hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau, nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Thời gian trôi đi chầm chậm. Thấy vẻ Bác trầm ngâm đượm buồn. Chắc Bác đang nhớ về đất nước, nhớ chiến sĩ đồng bào, nhớ các cháu thiếu nhi. Từ ngày Bác trở về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, có năm nào Tết đến mà Bác không đến với đồng bào và chiến sĩ đâu… Chỉ có mùa Xuân này Bác phải xa Tổ quốc.

Bác bảo tôi: Chú mở cái băng gì vui vui cho Bác nghe với. Tôi biết Bác thương nhớ nhất các cháu nhỏ nên tôi chọn một băng có nhiều bài hát thiếu nhi mở cho Bác nghe. Khi một giọng hát ngây thơ của một em bé hát bài "Bé bé bồng bông… em đi sơ tán, mai về phố đông", tôi thấy Bác mỉm cười.

Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!

Trong căn phòng vắng chỉ có hai người. Tiếng Bác Hồ ngân vang. Lời Bác Hồ chúc mừng năm mới trong Đài được truyền đi khắp mọi miền đất nước và cả thế giới nữa. Khi Đài đọc xong câu cuối của bài thơ "Tiến lên toàn thắng ắt về ta" tôi bỗng nghe Bác nói khẽ: "Giờ này miền Nam đang nổ súng…".

Phải đến gần hết sáng mồng Một Tết Mậu thân, mới có tin chiến thắng báo cáo Bác Hồ: "Đánh khắp miền Nam". Ánh mắt Bác rực sáng niềm vui.

Ngày 3 tháng 2 năm 1968, mồng Bốn Tết, cũng là ngày thành lập Đảng. Mới 6 giờ Bác bảo tôi chuẩn bị giấy bút, làm việc sớm hơn mọi ngày. Bác ngồi nhìn ra cửa sổ và đọc:

- Đã lâu không làm bài thơ nào, phẩy xuống dòng

Tôi ngừng bút hỏi:

- Thưa Bác, thơ à?

- Chú cứ viết tiếp: Nay lại thử làm thơ xem sao?, phẩy, xuống dòng

Tôi nghĩ đúng là thơ rồi. Nhưng sao như câu nói chuyện bình thường.

Bác đọc tiếp: Lục khắp giấy tờ vẫn chẳng thấy, phẩy xuống dòng.

Tôi phân vân quá vẫn chẳng thấy thơ đâu.

Bác nhìn tôi bảo:

- Chú viết tiếp.

Rồi Bác đứng dậy đọc to câu cuối cùng, giọng sảng khoái, ánh mắt vui:

- Bỗng nghe vần "thắng vút" lên cao!

Vũ Kỳ
Nguồn: Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998, tr. 4.
_______________________

Vài nhận xét của người sưu tầm:

* 23-12-1967, Hồ Chí Minh từ Bắc Kinh về nước để họp Bộ Chính Trị. Đối với một lãnh tụ, trong một chuyến trở về quan trọng như vậy, không hiểu sao lại có sự cố máy bay "Lượn hai vòng vẫn chưa hạ cánh được vì đèn chỉ huy trên sân bay chệch 15 độ. Đồng chí lái giàu kinh nghiệm quyết tâm hạ cánh không theo đèn. Rất may là an toàn". Nếu người phi công lái máy bay hạ cánh đúng "theo đèn" thì sao? Có thể coi là lỗi kỹ thuật để giải thích sự kiện chết người này hay không? Trên máy bay có ai khác không? Đó có phải là một chuyên cơ? Việc nhờ "quyết tâm" của phi công mà may mắn thoát hiểm sau đó có được đem ra kiểm điểm ở một cơ quan chức năng thích hợp hay không, người ta không biết nhưng chỉ thấy Vũ Kỳ kể lại như một "sự cố" rồi cho qua một cách tự nhiên như không có gì quan trọng lắm. Nhưng có thật là không quan trọng qua sự bộc lộ và diễn tả của Vũ Kỳ?

* Ngày 28-12-1967 Bộ Chính Trị họp về chủ trương Mậu Thân, hôm 25-12-1967, Võ Nguyên Giáp vẫn còn đi nghỉ ở Hung-ga-ri. Tại sao? Nhưng qua cách trình bày của Vũ Kỳ thì có vẻ như Đại tướng đi nghỉ dài ngày. Vì Vũ Kỳ cho biết: "Trước khi đi ngủ Bác gọi dây nói sang Văn phòng Quân uỷ, hỏi sức khoẻ của đồng chí Võ Nguyên Giáp - lúc này nghỉ ở Hung-ga-ri và nhắc gửi thiếp và quà cho vợ chồng chú Văn. Bác nói: - Dịp Nô-en và Tết dương lịch bên ấy như Tết ta ở bên mình. Tâm lý những người xa quê hương rất mong có một món quà của Tổ quốc."

Có thể cho rằng Võ Nguyên Giáp đã bị cho đi nghỉ dài ngày hay không? Vì nếu không như thế thì Hồ Chí Minh không nói việc Đại tướng đi nghỉ là việc "xa quê hương" và không cần phải ra lệnh gửi đi một "món quà của Tổ quốc" như gửi cho một người con xa xứ. Như vậy trong cuộc họp quan trọng ráo riết của Bộ Chính Trị chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân vào ngày 28-12-1967, người ta có thể cho rằng rất khó có sự tham dự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Sự thật ra sao? Phải chăng nghi vấn đó xác nhận thêm sự kiện tướng Giáp bị phe cánh các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ gạt ra ngoài như thực tế đã chứng minh? Về mặt sử học, vấn đề gợi ra sẽ là: vai trò thực sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là gì trong Mậu Thân và cả trong chiến tranh Đông Dương lần thứ 2?

* Vũ Kỳ cho biết trong cuộc họp với Bộ Chính Trị, Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ trì nhưng cũng lại viết thêm rằng tất cả đều do Tổng Bí Thư Lê Duẩn "báo cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận". Trong buổi họp "kéo dài, căng thẳng" ấy, Hồ Chí Minh tỏ vẻ trầm ngâm, không biết có nói gì không mà khi trở về thì tâm trạng lại lảng vảng một điều gì đó khiến ông "chưa thật an tâm" đến nỗi phải trằn trọc mãi như Vũ Kỳ viết: "Đèn trên buồng ngủ Bác đêm nay tắt chậm hơn mọi tối." Những sự kiện kể lại mơ hồ nhưng dường như chứa đựng một cái gì đó có vẻ nặng nề không thể nói ra. Có thể đó là một dấu hiệu, cùng với với nhiều dấu hiệu khác, cho biết trong nội bộ Đảng đã có sự không nhất trí về chủ trương Mậu Thân biểu hiện giữa Hồ Chí Minh/Võ Nguyên Giáp với phe các ông Lê Duẩn/Lê Đức Thọ?

* Qua sự mô tả của Vũ Kỳ, những ngày đi "nghỉ" ở Bắc Kinh, bệnh tình của Hồ Chí Minh không có vẻ gì trầm trọng lắm. Và cũng không biết bệnh gì đã khiến vị chủ tịch phải đi nghỉ dài hạn như vậy. Từ Bắc Kinh về Hà Nội làm một số thủ tục trình diễn trong một tuần rồi lại vội vàng rời Hà Nội đi Bắc Kinh nữa. Cũng không có vẻ gì bệnh hoạn cả cho nên cũng không thể không nghĩ rằng đó là một ép buộc phải đi như Vũ Kỳ viết: "2 giờ 30 phút chiều, Bộ Chính trị đến làm việc, Bác căn dặn công việc trước khi Bác lên đường tiếp tục đi nghỉ ở Trung quốc. Đó là quyết định của Bộ Chính trị và Hội đồng bác sĩ". Mấy chữ "quyết định" của Bộ Chính trị ở đây như muốn nhấn mạnh một điều gì không bình thường khi Vũ Kỳ viết thêm sau đó "Chỉ có mùa Xuân này Bác phải xa Tổ quốc" với tâm trạng nhớ nhà da diết, khiến người đọc có cảm giác thấy chủ tịch không thật sự "an tâm công tác" cho lắm, sự "an tâm" mà ông thường dặn dò cán bộ như một phẩm chất của "tính đảng" cao.

* Không rõ Hồ Chí Minh có biết chính xác giờ G Mậu Thân nổ ra hay không nhưng phải chờ đến sáng hôm sau qua báo cáo từ nhà ông mới cho biết đã: "Đánh khắp miền Nam". Trong khi đó thì chờ đón Giao thừa, ông lại tỏ vẻ buồn bã đến nỗi bảo Vũ Kỳ cho nghe một cái băng gì vui vui một chút.  Và cái bẳng gọi là "vui vui" ấy không phải là "Tiến về Sài gòn" mà chỉ là bài hát mẫu giáo "bé bé bồng bông … em đi sơ tán, mai về phố đông"! Ta có cảm tưởng như Vũ Kỳ biết rõ cái "gu" thích nhạc mẫu giáo là đồng nghĩa với lòng yêu mến thiếu nhi của chủ tịch, nên lúc nào cũng mang theo sẵn (ngay cả khi qua tận Bắc Kinh xa xôi) để có dịp thì vặn lên làm cho "Bác mỉm cười"!

Toàn bộ bài viết có nhiều điều thiếu hẳn cái không khí "hồ hởi cách mạng" như thường lệ, nhất là trong không khí Mậu Thân, ý nghĩa có nhiều điều dường như khó hiểu, không bộc lộ hết, vì thế không thể không gợi ra nhiều điều ẩn tàng trong những dòng chữ của người thư ký thân cận của lãnh tụ. Dĩ nhiên với một thường nhân như tôi thì đó vẫn chỉ là những suy đoán. Xin nhường lời lại cho những sử gia chuyên nghiệp!

Ngày 16-7-2009
Triệu Tử

Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/VuKy_HoChiMinh.htm
 

www.geocities.ws/xoathantuong