Chiên & Rán

Tưởng Năng Tiến
 

Vợ tui người miền Nam, quê quán ở tuốt luốt dưới Gò Quao hay Tắc Cậu gì đó. Hồi mới cưới, khi tui còn nhan sắc, nàng mê tui gần chết nên lúc nào cũng hớn hở và vui … như Tết - dù phải sống (chung) với mẹ chồng!

Có bữa, má tui phán ngang “sao tao thèm ăn cá rán quá” hà. Bà già vừa dứt câu là nàng dâu le te xách giỏ chạy ra chợ cấp kỳ. Mấy tiếng đồng hồ sau, nàng thất thểu quay về. Mặt xụi lơ:

“Em đi hỏi tùm lum khắp nơi mà không đâu có ‘cá rán’ hết trơn. Chợ nào cũng chỉ bầy bán cá chim, cá chuồn, cá chép, cá lóc, cá lạt, cá lìm kìm, cá lòng tong, cá mú, cá hú, cá măng, cá cơm, cá cam, cá cờ, cá trê, cá trích, cá trẻm, cá heo, cá hương, cá hố, cá lù đù, cá lìm kìm, cá lia thia, cá dứa, cá đổng, cá đối, cá đèn cầy, cá bè, cá bẹ, cá bống - bống kèo, bống dừa và bống đá - thôi hà. Tội nghiệp má quá anh à!”

Tui cười ngất:

“Trời đất quỉ thần thiên địa ơi, bà già thèm ăn cá chiên đó cưng à. Cá chiên dầm nước mắm là món ruột của bả mà, chớ làm khỉ gì có con cá nào tên là “cá rán.”

Má tui qua đời đã lâu, tình cảm vợ tui dành cho chồng - tất nhiên - cũng qua lâu không kém, đã xa như … dĩ vãng. Bữa rồi, tui cũng làm bộ phán (đại) một câu, coi thử tình đời bạc bẽo (và lạt lẽo) tới cỡ nào cho biết:

- Tự nhiên sao anh thèm nhậu với cá rán quá, mình ơi.

- Sao mà cứ thèm nhậu hoài vậy, cha nội? Hồi đêm mới xỉn gần chết, ói mửa tùm lum, bắt người ta dọn thấy bà luôn mà …

Nói vậy nghe chắc cũng hơi có vẻ phũ phàng - đối với một thằng chồng già đã hết thời, chán đời, và nát rượu - nên ngập ngừng (chút xíu) rồi con mẻ xuống giọng:

- Thích thì ra chợ mà mua, cá chiên free mà.

Mua thì mua. Tui chạy xe ra chợ, xăm xăm tới quầy bán cá nhưng (chả may) gặp lúc đang có chuyện lùm xùm:

- Ý, mèng đéc ơi, sao không thay dầu đi mấy cha? Cứ để chiên hoài vậy cá hôi rình à, ai mà ăn được?

- Hôi đâu mà hôi, dầu mới thay mà cái bà này nói lạ chưa?

- Không dám mới đâu, nghe cái mùi là biết “quá đát” lâu rồi, khét lẹt à. Dầu chiên cá chừng vài ba bữa là phải thay chớ. Tui kêu sở y tế kiểm tra nó phạt cho sặc máu ráng chịu à nha.

Chuyện um xùm tới đây, tất nhiên, phải chấm dứt liền. Làm chợ hay làm nhà hàng (ở Mỹ) mà nghe tới sở y tế hay sở vệ sinh gì đó là chủ nhân lật đật chạy tới tức thì, và xin lỗi rối rít.

Rồi ngay sau đó, một tờ giấy nhỏ - nguyệch ngoạc mấy chữ - được dán ngay trước quầy : “XIN LỖI QÚI KHÁCH CHÚNG TÔI PHẢI TẠM NGƯNG RÁN CÁ ĐỂ THAY DẦU MỚI”.

Người viết, xem chừng, không phải dân miền Nam. Thành ngữ “mèo mù vớ mỡ rán” (chắc chắn) phải có xuất xứ từ miền Bắc. Cũng từ miền đất này, trong vòng gần ba thập niên vừa qua - nhất là từ Đảng và Nhà Nước đã “dũng cảm” và “quyết tâm” đổi mới - người ta hay nói đến chuyện “lấy mỡ nó rán nó.”

Người tiên phong trong “chiến thuật” này, có lẽ, là đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Phim (Chuyện Tử Tế) do ông làm đạo diễn, mở đầu bằng câu: ”Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình,” và được chú thích rằng đó là lời của của Karl Marx.

Chuyện Tử Tế được sản xuất năm 1985, hai năm sau mới được phép công chiếu. Hai năm sau nữa thì chủ nghĩa Marx (bỗng) chuyển sang từ trần. Từ đó, dường như, không còn ai dùng mỡ Marx để chiên/rán gì nữa ráo.

Loay hoay một thời gian, thiên hạ xoay ra hay dùng … mỡ Bác. Trong cuốn Nhật Ký Rồng Rắn (mỏng tang) của cố trung tướng Trần Độ, ông Hồ Chí Minh được trích dẫn đến sáu bẩy lần. Dù vậy, tác phẩm vẫn bị cấm lưu hành ở Việt Nam và bản thân tác giả vẫn bị bôi bẩn - ngay cả sau khi ông đã từ giã cõi đời!

Gần hơn, trong một bài viết của nhà báo Tống Văn Công (“Góp Ý Với Đại Hội XI Đảng Cộng Sản Việt Nam“) tác giả đã cẩn thận trích dẫn cụ Hồ cả chục lần. Dù vậy, ông vẫn bị báo Quân Đội Nhân Dân phê phán là có “mưu đồ thâm hiểm … diễn biến hoà bình.”

Gần hơn nữa là “Thư Cảm Ơn Đồng Bào Trước Ngày Xử Phúc Thẩm Của Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ,” trên diễn đàn Dân Làm Báo, với câu kết như sau:

“Tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của những người đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam!”

Bức thư đã gây một cuộc tranh cãi um xùm với 219 phản hồi. Phần lớn đều tỏ thái độ ngỡ ngàng (hay thất vọng) vì sự xuất hiện đột ngột của “tinh thần chủ tịch Hồ Chí Minh” ở một nơi mà họ ít ngờ đến nhất.

Chiến thuật “lấy mỡ nó rán nó,”qua bức thượng dẫn, không mang lại kết quả mong muốn trong việc tranh thủ cảm tình của công luận, và cũng không thay đổi được gì bản án trong phiên toà chung thẩm. Mỡ Bác, rõ ràng, đã quá “date” rồi, theo như nhận định của nhà văn Phạm Đình Trọng:

“Hồ Chí Minh có những phẩm chất đáng quí của thời nghèo khổ thắt lưng buộc bụng đánh giặc. Chiếc chiếu cói trải giường ngủ của Hồ Chí Minh trên nhà sàn đã cũ rách nhưng Hồ Chí Minh không cho thay. Nó mới rách một chỗ mà bỏ cả chiếc chiếu thì phí quá! Nói vậy và Hồ Chí Minh lấy kim chỉ tự khâu chỗ rách lại! Nhưng ngày nay ngân sách nhà nước vừa phải đổ ra hàng ngàn tỉ đồng để kích cầu, kích thích tiêu dùng để phát triển sản xuất. Cái chiếu cói cũng như mọi hàng hóa khác đều có giới hạn sử dụng. Giới hạn sử dụng ấy được ngôn ngữ quốc tế hóa là “đát”. Hết đát thì phải bỏ, thay cái khác. Hàng hóa có tiêu thụ được, sản xuất mới phát triển. Một thí dụ để thấy một phẩm chất rất đáng quí của Hồ Chí Minh ngày nào nay cũng không thể ‘học tập’ được nữa!”

Nhân vật lịch sử dù vĩ đại đến đâu cũng đều có đát. Hết đát, hết thời đại của mình thì lui về quá vãng, lui về thời của mình để thời đại khác xuất hiện, để nhân vật lịch sử khác thay thế. Ồn ào lôi nhân vật lịch sử từ quá vãng ra hiện tại là việc làm trái tự nhiên, trái qui luật, là phủ nhận hiện tại. Với công tác tư tưởng, đó là sự yếu kém, không biết làm việc, đành lôi bài bản cũ ra xào xáo lại!”

Không “xào xáo lại” thức ăn cũ, hay không dùng thực phẩm quá hạn - nói nào ngay - là tiêu chuẩn sống của con nhà khá giả. Cái gì quá đát là bỏ vô thùng rác.

Khi nghèo khó, đôi khi, người ta phải sống theo kiểu khác. Đồ quá đát vẫn cứ dùng đại, và thường thì vẫn còn dùng được, chả chết ai đâu. Đồ dởm mới thực là nguy hại.

Ngày 5 tháng 1 năm 2012, vnexpress đi tin:

“Dầu lạc giả gây vô sinh xuất hiện nhiều ở Trung Quốc. Chính quyền thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông mới đây đã tịch thu gần 600 chai dầu lạc giả… Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng phát hiện dầu lạc giả tại Quảng Đông. Tháng 3 năm ngoái, cảnh sát tại thành phố Thiều Quan cũng phát hiện một cơ sở sản xuất dầu lạc giả trái phép bằng cách trộn dầu đậu tương, tinh dầu và chất tạo màu. Hơn 700 chai dầu giả đã bị tịch thu.”

Dầu ăn một khi đã được đóng gói, dán nhãn thì rất khó để phân biệt hàng thật giả vì chúng được dán nhãn của những thương hiệu nổi tiếng.

Cùng thời điểm này, nhà xuất bản Tiếng Quê hương cũng cho phát hành cuốn Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc (*) của nhà phê bình văn học Thụy Khuê. Trong phần lời tựa bà cho biết:

Trong quá trình làm việc, có những ngã rẽ bất ngờ: khảo sát về Phan Khôi, tôi thấy sau khi đi Pháp về, Phan Châu Trinh giao cho Phan Khôi nhiệm vụ viết lại lịch sử đời mình, từ đó, phải tìm hiểu về những ngày Phan Châu Trinh ở Pháp, dẫn đến mối tương quan giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, người tự nhận là lãnh tụ đầu tiên của phong trào Việt kiều Yêu Nước.”

“Tôi tìm đọc nguyên văn tiếng Pháp các bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc, mới thấy tác giả những bài viết này phải là người biết tiếng Pháp rất sâu và có văn tài; không thể là người mà Trần Dân Tiên mô tả trong cuốn hồi ký ‘Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch’. Vậy có một sự giả mạo lịch sử quan trọng cần phải tìm hiểu đến nguồn cội. Đó là lý do tại sao có phần biên khảo về Vấn đề Nguyễn Ái Quốc trong cuốn sách này.”

“Sự giả mạo lịch sử quan trọng” này, và công việc “tìm hiểu đến nguồn cội” của Thụy Khuê đã đưa đến lời khẳng định của tác giả, ở đầu chương 16, như sau:

Tiểu sử Hồ Chí Minh là một bí mật. Chỗ nào ông muốn viết (hoặc sai người viết), chỗ nào giấu đi hoặc thêm thắt vào, đều có chủ đích rõ ràng. Và ông không hề ngần ngại nhận mình là tác giả những bài viết và những công trình không phải của ông. Trong phạm vi khảo luận này … chỉ chú ý đến thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Pháp, từ 1919 đến1923. Thời gian này, ông tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc và chính những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc đã xây dựng nên huyền thoại Hồ Chí Minh.”

Té ra: huyền thoại, và “nền móng tư tưởng Hồ Chí Minh” đều là đồ dởm. Tuy thế, nó vẫn được chăm chút, giữ gìn, thêm thắt và bồi đắp cẩn thận (không ngừng) mãi cho đến hôm nay, theo ghi nhận của Wikipedia:

“Tại Việt Nam, hình ảnh Hồ Chí Minh phổ biến khắp nơi như là một ‘tấm gương sáng ngời về đạo đức’, một ‘nhân cách cao thượng’, được coi là một ‘thần tượng.’ Những tác phẩm nói về Hồ Chí Minh thường ca ngợi những đức tính tốt đẹp của ông. Các cấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, lối sống của Hồ Chí Minh.”

Thảo nào càng “học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức, lối sống” của Bác thì toàn Đảng và toàn dân càng xa vào con đường lụn bại, không lối thoát.

Tưởng Năng Tiến
____________________________

(*) Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, biên khảo của Thụy Khuê, sách dầy 976 trang, bìa cứng, Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2012, giá bán 40 M.K, có thể đặt mua theo địa chỉ sau:
-Tủ Sách Tiếng Quê Hương
P.O.Box 4653
Fall Church, VA 22044
- Email: [email protected]

30/03/12
© 2012 Đàn Chim Việt. - www.danchimviet.info
 

www.geocities.ws/xoathantuong