Tản mạn về những người trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trường Lam
 

talawas - Tác giả Trường Lam Hồ Sĩ Sênh từng công bố bài viết "Chuyện ở sân sau: Về ông nội và cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh" trên talawas ngày 23/8/2007 và bài "Về bài ký ‘Chuyện ở sân sau’" ngày 29/3/2008. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu bài viết mới của ông về những người trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

***

Cha ông ta có câu: "Con chim có tổ, con người có tông…" Nên chi, ngày tung cánh dọc ngang trên bầu trời cao rộng nhưng chập tối, con chim nào cũng tìm về tổ ấm. Người ta ở đời cũng vậy. Thời trẻ, nghĩa vụ đối với nước cũng như công cuộc mưu sinh đầy gian lao vất vả, phải bươn chải, phải vật lộn để kiếm sống, có mấy ai được xuôi chèo mát mái. Nên con người tạm chưa để ý đến gốc rễ của mình: Cái cây nhờ đâu mà xanh tốt? Bản thân từ đâu mà sinh ra? Phần lớn, khi đã trải hết quãng đời sóng gió người ta mới có dịp ngồi nhớ lại hoặc giả đôi người thành đạt có nghĩ về công đức tổ tiên. Vậy là phải tìm tông.

Cụ Phó bảng Sắc là một người trong số đó. Từ bài kí "Chuyện ở sân sau" tôi có kể rằng: Năm Tân Sửu (1901) cụ Phó bảng vinh qui. Làng Sen giành lấy vinh dự được đón rước. Thật ra, theo các cụ họ Hà, làng Sen và làng Trù suýt chém nhau vì chuyện này. Bọn chức sắc Lâm Thịnh đã xử cho làng Sen thắng cuộc và phải cấp đất, làm cho cụ một căn nhà nhỏ năm gian lợp lá mía… Song cụ Sắc ở đó rất ít, bởi nếu ở thì cái gì cũng không có. Trước hết là lấy tiền gạo đâu mà sống. Cảnh gà trống nuôi con, không có người nội trợ, cái gì cũng không có, cũng phải nhờ vào bà mẹ vợ! Lại còn trách nhiệm đối với mẹ vợ và cũng là mẹ nuôi. Cái nghĩa cương thường to lớn lắm!

Năm 1902 ba cha con cụ Phó bảng lên ở nhà thờ họ Lê. Cụ Phó bảng mở lớp dạy học và dạy cả hai con (Nhà thờ họ Lê nay vẫn nguyên vẹn bên tả ngạn sông Lam cạnh chân cầu Rộ). Năm 1903 ba cha con chuyển qua nhà Phó Bột bên hữu ngạn, ngay chợ Rộ, sau chuyển vào nhà cụ Hàn Kháng họ Phan và tìm tới cụ Hồ Sĩ Tạo (ở làng Lai Nhã, xã Thái Nhã cùng trong tổ Võ Liệt).

Tại sao cụ Phó bảng lại phải lên mãi Thanh Chương để dạy học? Thanh Chương cũng không ít thầy giỏi và Nam Đàn đâu có thiếu học trò?

Đó là cụ Phó bảng đi tìm cha.

Ngày bé, tôi là một đứa trẻ hiếu động, thường xa xẩn để được nghe ông bà, chú bác trò chuyện, đâu có lạ điều này. Sau Cải cách Ruộng đất, vì khiếp sợ, ông bác đã khuyên chúng tôi không nhắc lại nữa!

Mới đây, cụ Phan Tố Đức, cán bộ lão thành cách mạng, ngót trăm tuổi, vẫn minh mẫn khỏe mạnh ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đã xác minh lại lí do này lần nữa (lời kể của cụ Phan Tố Đức trong năm 2008 được ông Hồ Xuân Nhu, nguyên giáo viên trung học phổ thông, ghi âm đầy đủ).

Vậy cụ Phó bảng có mang họ Hồ lần nào không?

Không thấy!

Chỉ thấy trong bức thư đề ngày 1/6/1994 của cụ Võ Thiện Giá gửi Bảo tàng Cao Lãnh. Trong thư cụ kể: Năm 1914, lúc đó cụ khoảng tám chín tuổi, cụ Phó bảng Sắc và con trai có tìm về ở tại nhà cụ thân sinh. Cụ Giá gọi cụ Phó bảng là Hồ Tiến Sắc, gọi ông cả Khiêm là Hồ Thiện Khiêm. (Cụ Võ Thiện Giá là cán bộ lão thành cách mạng, nguyên thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An từ năm 1935, là em ruột ông Võ Nguyên Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Cụ Giá mới qua đời cách đây chưa lâu, thọ 102 tuổi.) Không rõ có phải lần nào đó ở nhà cụ Võ, cụ Phó bảng đã nhận mình là họ Hồ chăng? Cụ Võ Thiện Giá đã nói chuyện này với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lần ba cha con ra thăm Hà Nội. Ảnh chụp chung ba cha con với Thủ tướng nay vẫn còn.

Có điểm sau cũng cần được lưu ý: Các sách báo hiện nay đều nói cụ Phó bảng rời quê hương từ năm 1905 và đi luôn không có lần nào về lại quê hương. Ở đây cụ Võ Thiện Giá lại nói: Cụ Sắc đã về tại nhà cụ Giá ở Diễn Châu vào năm 1914. Vậy bên nào mới chính xác? Có lẽ cụ Võ Thiện Giá đã nhớ nhầm chăng?

Căn nhà lợp lá ở làng Sen liệu tồn tại được bao lâu?

Ngót ba năm trời cụ Phó bảng lo dạy học nuôi thân và nuôi con ở mãi Thanh Chương, rỗi rãi còn đi chơi bạn bè khoa bảng. Có lần ra tới nhà thờ tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi. Căn nhà lá không người ở, mốc meo. Thực tế của cha ông ta: nhà lợp rạ hoặc lá mía chỉ ba đến năm năm là nát toang toàng. Ông thầy ngày đó kiếm ăn vừa đủ sống, chưa dám ăn no, mọi chi phí tùy lòng hảo tâm của các bậc phụ huynh, làm gì có lương và làm gì có khoản này, khoản nọ như bây giờ!

Năm 1904 bà Đồ An ốm nặng, ba cha con ông Phó bảng trở về chăm nuôi. Bà ngoại qua đời. Ông Phó bảng được triệu vào Kinh.

Căn nhà tranh ấy người ta đã bán lấy tiền. Sau này có những bài viết về cảnh sống gia đình ấm cúng trong ngôi nhà này. Đó chỉ là tưởng tượng mà có được. Tôi nhớ dạo đầu đánh Mỹ, khi qua đó còn thấy trong nhà bày khung cửi, vong lác. Tiếc thay bà Loan đã mất ở Huế đâu 1901, trước khi có ngôi nhà là lộc của chồng.

Mới đây (14/6/2008) trên Internet, bạn Tháp Bút đã cho rằng: Gọi là Phó bảng Sắc bởi Thanh Chương có Phó bảng Tài, như Kiểu Nhữ Công Chân Khách Khí nói: "Nhất môn hữu hoàng giáp" và được Hồ Sĩ Thích đối: "Toàn gia vô bạch đinh". Đó là sự ganh đua lành mạnh. Nghe ra cũng có lí.

Chuyện này trước kia tôi có nghe chú Phạm Đức Dục (nguyên chủ nhiệm Khoa Sinh vật, Bí thư Đảng ủy Trường CĐSP Hà Nội) kể và sau đó là chú Phạm Đức Huân (bố bạn Tháp Bút), chú cháu chúng tôi tranh cãi chưa ngã ngũ thì 8/10/2004 chú mất. (Mùng 6/10 tôi xuống Vinh ra thăm, ngồi ăn cơm với nhau chú còn đưa tôi xem mấy trang cuối của "Truyện Kiều, hướng về nguyên tác". Chú nói đại ý là như vậy. Tam sao thất bản, bản gốc đã không còn, chúng ta có làm gì cũng hướng về nguyên tác mà thôi! Tôi đọc mấy trang bản thảo chữ rất đẹp. Ngày 8/10 mợ điện cho biết chú đã qua đời. Sáng 9/10 tôi đón ở Nam Đàn để cùng đưa linh cữu về quê.) Vậy là điều tranh cãi vẫn còn bỏ dở. Thật ra, nếu có sự trùng hợp như vậy là điều lí thú.

Cuộc tình duyên giữa ông Nguyên Sinh Nhậm và bà Hà Thị Hy, bố danh nghĩa và mẹ đẻ của cụ Phó bảng thật ra là như thế nào? Những điều tôi viết ở trong "Chuyện ở sân sau" cũng chỉ là được nghe kể từ ngày bé, chuyện đã gần như huyền thoại và đang chìm dần vào quên lãng.

Cụ Hồ Sĩ Tạo dạy học trong nhà ông Hà Văn Cẩn. Tuổi cụ Tạo và bà Hy xấp xỉ nhau. Nếu đúng cụ Tạo sinh năm 1834 (như bà Từ con út cụ nói) thì đến năm bà Hi 30 tuổi (1863) được gán cho ông Nhậm, Lúc đó ông Tạo 29 tuổi (tính cả tuổi mụ cũng là 30). Họ cùng trang lứa với nhau.

Còn ông Nguyễn Sinh Nhậm là bạn ông Hà Văn Cẩn. Có người nói ông Nhậm nhiều tuổi hơn cả ông Cẩn. Nhưng đã là bạn với nhau, ta coi họ ngay tuổi hoặc ông Nhậm ít hơn một vài tuổi cũng chẳng sao. Ông Nhậm chết sau ngày cưới bà Hy được 3 năm. Một năm sau bà Hy cũng ra đi. Bấy giờ ông Cẩn còn khỏe mạnh, đã mang cháu về nuôi khoảng 4 năm nữa. Cậu Sắc 8 tuổi, ông Cẩn mới giã biệt cõi đời.

Ông Cẩn gán con gái cho bạn, một là để tránh tai tiếng, nếu làng có hương ước không chừng ông còn bị phạt vạ nữa. Hai là để ông Nhậm, mồ côi vợ đã lâu, có người nâng giấc. Mối tình gượng gạo của một già một trẻ gàn như là bố con, ta vẽ thêm làm gì? Tán bậy ra lại càng không phải đạo.

Trong cuốn Kể chuyện về gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Thuận Hóa) của nhà giáo Chu Trọng Huyến, nguyên giảng viên trường Đại học Vinh, tác giả đã khéo léo dựng lên một cái khung gồm những cứ liệu làm mốc. Giữa những khoảng trống của chiếc khung, tác giả gán thêm những bức tranh do mình tự vẽ. Ví như chuyện tình yêu lứa đôi của bà Hy và ông Nhậm. Nào là "Bà dồn tất cả tình thương cho chồng và con trai". Nào là "Nhậm cũng đón được từ trái tim người vợ kế một tình yêu vô cùng tròn đầy và nồng thắm". Chuyện nghe ra buồn cười và lạc lõng. Ai biết tròn méo ra sao, tô son trát phấn mà làm gì?

Trong sách đó tác giả Chu Trọng Huyến còn nói ông Nhậm chết sau bà Hy một năm. Vậy sao có chiếc lều ở rìa làng và xác bà Hy thì con trai làng Sài cùng ông Tạo phải sang chôn cất?

Mới đây, cụ Nguyễn Văn Do, phụ trách câu lạc bộ người cao tuổi thành phố Việt Trì có điện hỏi tôi về phần mộ bà Hà Thị Hy. Điều bất ngờ này khiến tôi giật mình: ba mươi mấy năm làm con rể làng Sen tôi chưa một lần tìm hiểu vấn đề này. Mộ bà Hy được con trai làng Sài mai táng ở đâu? Mất hay còn? Nấm mồ mới xây kia là thật hay là giả? (Tôi nói vậy bởi vì ngay mộ bà Hoàng Thị Loan có người còn mách với  tôi: Mộ thật nằm trên ngôi mộ đã xây một quãng. Cụ cả Khiêm ngày ấy điểm 9 huyệt, vùi vào trong 9 quả trứng, mấy ngày sau 8 quả bị thối, còn một quả nguyên lành và cụ táng mộ mẹ vào huyệt ấy. Cả 9 huyệt đều được đắp thành nấm, chẳng ai rõ mộ thật là cái nào.)

Vậy là tôi phải lo sửa chữa thiếu sót. Sửa làm sao để nắm trọn toàn bộ sự thật. May mắn thay, mọi điều tôi được toại nguyện: Ông bà Hung Khầm, nguyên trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, bạn học của vợ tôi ngày ở trường phổ thông, cùng một số cụ hậu duệ họ Hà làng Sài cho tôi biết những điều cần tìm hiểu:

Mộ bà Hà Thị Hy không có trong khu mộ Nguyễn Sinh, bởi bà không được họ thừa nhận, mà nằm trong phần khu mộ của họ Hà. Hơn 130 năm qua, người họ Nguyễn Sinh không hay biết gì về phần mộ này. Khu bảo tàng Kim Liên hình thành và phát triển, người họ Hà đã vài ba lần liên hệ để thông báo những đều bị bỏ qua. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người của Sở Văn hóa cũng đôi lần về tìm hiểu, nhưng không mặn mà lắm nên con cháu họ Hà cũng không chỉ cụ thể.

Mãi năm 2002, do yêu cầu của đông đảo khách về thăm quan khu di tích, đòi được viếng mộ bà Hà Thị Hy, con cháu họ Hà quyết định cải táng mộ bà vào vị trí hiện nay, gần với mộ bà Hoàng Thị Loan. Mộ bốc xong, con cháu họ Nguyễn Sinh mới biết và họ đã bỏ tiền ra chung tay xây lại đàng hoàng (có người nói tiền xây mộ bà Hy là của ông Nguyễn Sinh Hùng). Trước  đây, phía mộ bà Hy là lối xuống từ mộ bà Loan, nay đã được thay đổi ngược lại. Việc làm của con cháu họ Nguyễn Sinh tuy muộn song đã giúp sửa chữa chút ít thiếu sót của người xưa, đó là điều đáng quý.

Đầu Xuân Mậu Tí (2008) con cháu họ Hồ ở Vinh tổ chức giao lưu. Rằm tháng 1 âm lịch, họ Hà làm lễ khánh thành nhà thờ Tổ. Con cháu hai họ về dự đông vui và lại được nghe những bậc cao tuổi kể về mối tình giữa cậu giáo Hồ Sĩ Tạo với cô con gái rượu của ông Cẩn. Kết quả là bé Sắc chào đời. Cha ông họ từ xưa truyền miệng lại như vậy.

Nhà thờ họ Hà nhỏ cũ nát, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh đã tài trợ tôn tạo và xây mới đàng hoàng để thờ phụng tiên linh, có người đã sinh ra bà mẹ bất tử Hà Thị Hy.

Còn việc ông Nguyễn Sinh Sắc thành thân với bà Hoàng Thị Loan tôi cũng được nghe kể hơi khác với tác giả Chu Trọng Huyến đã viết. Buổi đầu, khi ông Cẩn mất, bé Sắc phải về chăn trâu cho anh cả, cụ Hoàng Xuân Đường hiểu đây là con ai và đã nhận làm nghĩa tử. Hai con gái của cụ Đường coi Sắc là anh cả. Về sau, vợ cụ Đường không sinh thêm đứa con nào nữa. Nhà thiếu con trai. Quan niệm phong kiến xưa: Không con trai là đại bất hiếu. Vì vậy cụ Đường thay đổi ý định và tác thành đôi lứa cho hai con Sắc và Loan. Chẳng có thành viên nào khác xâm nhập được vào gia đình. Dầu sao, kẻ thờ phụng mình sau này mang 50% dòng máu họ Hoàng vẫn hơn. Bà Loan ngỡ ngàng và không đồng ý với cha. Cụ Hoàng Xuân Đường đã phải vận dụng đến tiếng nói của ông ngoại các con, là cụ Tú điệp Nguyễn Văn Giáp, người Kẻ Sía, bàn bạc khuyên giải, bà Loan mới xiêu lòng.

Trong "Chuyện ở sân sau" về việc tại sao Bác lấy họ Hồ làm họ của mình, tôi nói: Điều đó có lẽ chúng ta đã vĩnh viễn không còn được biết! Chẳng rõ có sự dặn dò nào của cụ Phó bảng khi cha con còn sống bên nhau không? Chỉ biết theo tài liệu về cụ Phan Chu Trinh, kí tên Lưu Cao, M. Slotjom, 15/1 số 272: Mật báo của Edouard lên thượng cấp đề ngày 17/11/1919. Trong đó y viết: "tôi đã dặn Nguyễn Ái Quốc tối qua. Anh ta giả danh là Hồ Ba nhưng tôi nhận ra đúng là Nguyễn Ái Quốc. Sáng nay anh ta và tôi đã gặp nhau ở phòng đợi của Bộ. Anh ta nói đã gặp ông Pasquier… Anh ta nói rời Đông Dương năm 1914. Nói được tiếng Anh, tiếng Tàu tốt, biết ít tiếng Đức." Edouard là một mật thám chuyên theo dõi những hoạt động của Bác ở Pháp vào những năm đầu thế kỉ 20. Pasquier là Bộ trưởng Thuộc địa. Như vậy là Bác đã mang họ Hồ từ trước tháng 11/1919. Lúc đó Bác biết bốn ngoại ngữ: Pháp, Anh, Hán, Đức.

Năm 1938–1940 Bác lấy họ là Hồ Quang. Ông Lăng Tuấn (Trung Quốc) đã viết: Hồ Quang là ai? Cuối năm 1938 tại "Phòng cứu nguy dân tộc" thuộc văn phòng đại diện Bát lộ Quân ở Quế Lâm, Trung Quốc, người ta thấy xuất hiện một nhân viên tên là Hồ Quang. Ban đầu, ngoài ông Lí Khắc Nông, chủ nhiệm văn phòng Bát lộ Quân ra, không ai biết lai lịch của người mới tới này. Về sau, dần dần người ta mới vỡ lẽ rằng Hồ Quang chính là Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ Bác mang lon thiếu tá trong đạo quân thứ tám chống Nhật.

Tháng 2/1942 Bác lấy tên là Hồ Chí Minh. Trước tôi chỉ căn cứ vào bài "Kết luận" trong Ngục trung nhật kí rằng Bác đội ơn sâu của ông Hầu Chí Minh, để lấy tên mình là Chí Minh… Nhưng có lẽ tôi đã nhầm to! Mới đây, được đọc bài của Lăng Tuấn, đặc biệt là bài của Hoàng Tranh, Phó Giáo sư, Phó Viện trưởng Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc, các ông ấy đều kể: Tháng 12/1942 Bác vượt biên giới vào Tĩnh Tây, Trung Quốc, cùng ông Lê Quảng Ba, với tấm bưu thiếp đã chuẩn bị sẵn mang tên Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Vậy là tên Hồ Chí Minh đã có trước cả Ngục trung nhật kí. Thời gian này ông Lê Quảng Ba bị đau chân phải nằm lại Tĩnh Tây. Tháng 8/1942 Bác cùng Dương Đào, một đồng chí Trung Quốc rời Tĩnh Tây đi Điền Đông, đến Bản Túc Vinh thì bị bọn lính canh trụ sở thôn của Quốc dân Đảng bắt giữ. Bác bị giải đi qua nhiều nhà ngục ở Quảng Tây và bấy giờ Ngục trung nhật kí mới ra đời. Tháng 9/1943 Bác được thả ra và bắt liên lạc với các đồng chí đang hoạt động trong nước.

Chúng ta biết, suốt cuộc đời Bác Hồ có rất nhiều tên khác nhau, nhưng gắn với họ Hồ chỉ có vậy!

Việc Bác đội ơn sâu ông Hầu Chí Minh có lẽ là nhầm chăng? Việc Bác được thả ra có công sức của rất nhiều người. Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh được tin Bác bị bắt liền can thiệp với bên Quốc dân Đảng. Đồng chí Chu Ân Lai tự tìm đến Phùng Ngọc Tường, một viên tướng Quốc dân Đảng yêu nước ở Trùng Khánh nhờ giúp đỡ. Tường nhận lời. Sau đó ông ta gặp cố vấn Liên Xô, xin chỉ vẽ. Xong Tường đến gặp Lí Tôn Nhân, rủ Nhân cùng đến gặp Tưởng Giới Thạch. Phùng chất vấn Tưởng mấy điểm sau:

  1. Hồ Chí Minh có phải là Đảng viên Đảng Cộng sản hay không tạm chưa bàn, mà dù có thì đó phải là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có cần thiết và có quyền bắt giam người của Đảng Cộng sản ngoại quốc hay không? Thành viên đoàn cố vấn Liên Xô chẳng phải là đảng viên cộng sản đây sao? Tại sao ta không bắt giữ họ?
  2. Việt Nam ủng hộ cuộc kháng chiến của chúng ta, nên coi Hồ Chí Minh là bạn chứ sao lại coi là tội phạm?
  3. Nếu coi bạn quốc tế tán thành cuộc kháng chiến của chúng ta là tội phạm, thế chẳng hóa ra cuộc kháng chiến của chúng ta là giả dối? Như thế sẽ mất hết sự đồng tình và ủng hộ trên quốc tế.
  4. Rốt cục cuộc kháng chiến của chúng ta là thật hay là giả?

Lí Tôn Nhân cũng nói luôn: "Về lí ông Phùng đã nói rồi. Tôi xin hỏi ngài, tại sao lại bắt Hồ Chí Minh ở Quảng Tây? Như thế chẳng phải đổ vạ cho Quảng Tây hay sao? Việc ấy do ý cấp dưới hay lệnh của ngài?" Tưởng Giới Thạch chẳng còn lí do gì để chối cãi.

Cơ quân Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cũng triển khai kế hoạch cứu Bác, với danh nghĩa "Phân hội Việt Nam – Hiệp hội chống xâm lược quốc tế" cũng gửi điện tới Trùng Khánh cho Tôn Khoa, Viện trưởng Viện Lập pháp Quốc dân Đảng, yêu cầu thả Hồ Chí Minh. Tôn Khoa liền đệ trình lên Ngô Thiết Thành, chánh thư kí Trung ương Quốc dân Đảng. Thành điện cho chính quyền Quảng Tây yêu cầu "điều tra rõ để thả". Đồng thời Phân hội cũng gửi cho Thông tấn xã TASS đóng ở Trùng Khánh để đánh thức công luận.

Cuối cùng Tưởng Giới Thạch phải kí lệnh thả cụ Hồ Chí Minh. Hầu Chí Minh chỉ là người nhận lệnh, mang về thi hành mà thôi!

Người Nghệ nói chung thường hay chữ, hay nghĩa. Chơi chữ và nói lái là một thú vui tao nhã, có khi nói lái để che khuất những điều trần tục tầm thường. Ví dụ như trong thơ Hồ Xuân Hương, câu "Vì gió nên chi phải lộn lèo" hay "Tràng hạt vơi dần đếm lại đeo" là chơi chữ kiểu nói lái của dân địa phương.

Cụ Hồ Doãn Văn, nguyên chánh Sở Dây thép Phủ Quỳ nói, "Chí Minh" là "chính mi", ý nói lái chính Bác là họ Hồ. Đây có lẽ chỉ là một cách suy diễn, nhưng biết đâu lại là chuyện có thật?

Xứ Nghệ nhiều vùng có tiếng địa phương rất riêng và số ít nay vẫn còn. Tiếng "công" người vùng Kim Liên gọi trại đi thành "côông". Cũng như tiếng "ông" gọi là "ôông", ra đồng gọi là "ra đôồng"… Vì vậy cái tên Công hay Côông cũng chỉ là một mà thôi, dù âm tiết có khác. Cái tên "Khơm Công" nói lái thành "Không Cơm" cũng có thể là "Khơm Côông" là " Khôông Cơm", ý nói nhà rất nghèo chẳng có gì!

Bạn Tháp Bút kể: Mới nhìn bức ký họa đơn sơ về Bác Hồ, Thị Lang Phạm Hoàn đã nhận ra đó là con ông Phó bảng Sắc. Kể cũng kì tài. Tôi cũng đã được nghe bố bạn Tháp Bút kể chuyện này. Có những người am hiểu môn hình tướng học, chỉ thoáng qua họ có thể nói người này giống ai hoặc con ai. Chả thế mà cha ông ta có câu: "Giỏ nhà ai, quai nhà nấy". Huống nữa từ bé cụ Hoàn đã là học trò cụ Phó bảng cùng với cậu Khơm, cậu Công tại nhà thờ họ Lê. Và có lẽ nay nhìn bức ảnh Bác mới ra tù, đầu trọc, ta lại thấy khá giống Thượng tọa Thích Chân Quang.

Ngày nay, các sách đều nói Bác rời quê hương từ năm 1905, mãi đến tháng 6/1957 mới trở về thăm quê. Theo cụ Thái Kim Đỉnh, một nhà nghiên cứu uy tín của Nghệ Tĩnh: "Sau cuộc xin sưu năm 1908, Nguyễn Tất Thành có về Nghệ một thời gian, sau đó mới trở lại Huế". Anh Trần Lê Hiến, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tĩnh kể lại chuyến đi của cha Trần Hữu Đoài với cậu Thành, con trai cụ Phó bảng Sắc từ Huế ra Nghệ Tĩnh để tránh bị bắt bớ vào năm 1908: "Đến Kì Anh, họ vào quán ăn cơm vừa hay tin quan Tây đang đi bắt người làm loạn trốn về. Cậu Đoài vội hướng dẫn cho cậu Thành tìm đường lặn qua thôn xóm, về quê."

Lại có người nói năm 1929 Bác Hồ từ Thái Lan đã bí mật qua Lào về Nghệ An và từ Nghệ An Bác đã bắt liên lạc với tổ chức để đi ra nước ngoài.

Bà Thanh ở lại quê nhà, ruộng nương phát canh thu tô trang trải việc gia đình: giỗ chạp, sửa sang nhà cửa bên ngoại, đảm đang tháo vát có thừa. Khi ông Cử Vương Thúc Quý mất, ông Khiêm rời Huế, về chịu tang thầy và ở lại quê nhà. Hai chị em đều tham gia hội kín Việt Nam Quang phục của ông Phan Bội Châu nhằm đánh đổ Đại Pháp và lật đổ Nam Triều. Bà Thanh bị Pháp bắt và bị án tù khổ sai chín năm. Ra tù bà vẫn không được tự do mà chịu án quản thúc suốt đời. Dù ở Huế hay về Nghệ đều phải  thường xuyên đến trình diện quan sở tại.

Thời gian quản thúc ở Huế, bà Thanh đã tranh thủ mang hài cốt mẹ là bà Hoàng Thị Loan về quê chôn cất trong mảnh vườn tại làng Sen, đó là vào năm 1926.

Trước Tổng Khởi nghĩa tháng Tám, bà Thanh bị quản thúc tại Nam Đàn và đã chứng kiến cảnh dân chúng quê nhà nổi dậy cướp chính quyền. Bà thực sự mừng vui khi chính quyền về tay Việt Minh, về tay nhân dân trên toàn đất nước Việt Nam. Bà xuống Vinh gặp bạn bè thời Duy Tân. Nhà ai cũng mở tiệc ăn mừng nước mình độc lập. Bà Hàn Bình (mẹ của Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Minh Thái), bạn hoạt động của bà Thanh vừa mừng vừa băn khoăn: "Cụ Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, dân chúng đến đông như nước lũ để nghênh đón cụ Hồ và chính phủ mới do cụ Hồ đứng đầu. Anh Võ Nguyên Giáp của chúng tôi cũng tham gia chính phủ cụ Hồ, o Thanh ạ! (Chị Thái là vợ tướng Giáp, đã hi sinh ở trong tù). Rất tiếc không biết ông Nguyễn Ái Quốc bây giờ ở đâu?"

Bà Thanh không được nhà cách mạng nào cho biết tin tức của em trai mình! (Ngôi nhà bà Hàn Bình, mẹ của hai liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Thái, mẹ vợ của Lê Hồng Phong và Võ Nguyên Giáp, bạn hoạt động thời Duy Tân của bà Thanh, ông Khiêm, một địa chỉ xứng đáng có trong khu lưu niệm, nay vẫn chưa được xác định.)

Rồi một ngày, cậu Vương Thúc Oánh (con trai cụ Vương Thúc Quý, rể cụ Phan Bội Châu) mang ảnh cụ Hồ tới khoe với bà Thanh: "Ảnh cậu Thành! Cậu Thành của chúng ta là cụ Hồ chị ơi!"

Bà Thanh cầm tờ báo, run run cố nhìn thật kĩ: "Ồ! Cụ Hồ… Cậu Thành? Tất Thành ư?"

Nước mắt chảy tràn xuống gò má nhăn nheo khiến bà nhìn không rõ. Cậu Oánh khẳng định: "Em đã dự lớp huấn luyện do ông Nguyễn Ái Quốc phụ trách ở Quảng Châu. Bấy giờ là Lí Thụy, nhưng em vẫn nhận ra cậu Nguyễn Sinh Công… Cậu Tất Thành. Bây giờ em vẫn nhớ như in mà!"

Bà Thanh tần ngần trước tấm ảnh và chỉ thấy giống em trai bởi đôi mắt long lanh sáng và hai cái tai, còn khuôn mặt ở đây gầy gò, hốc hác với bộ râu lưa thưa nom lạ quá! Đúng là vẫn nửa tin nửa ngờ…

Để cho chắc chắn, năm 1946, là công dân của nước tự do, bà đã ra Hà Nội, gặp Cụ Hồ cho rõ đầu đuôi. Quà quê mang theo chỉ là mấy con vịt tự tay nuôi lấy, mấy cân nếp nhà cấy hái trên mảnh đất từng gieo vãi để nuôi Chủ tịch lớn lên. Chị em gặp nhau, bà kéo tai Bác xuống nhìn rồi nói: "Đúng rồi! Cái sẹo ở tai còn đây, lạc vào đâu được!" Đó là cái sẹo ngày bé câu cá với bạn Phương bị lưỡi câu móc vào. Lần về quê thứ nhất, bạn già gặp gỡ Bác còn vạch tai mình nói với ông Phương: "Cậu giật lưỡi câu móc vào tai mình. Cái sẹo còn đây!"

Bà Thanh ở vậy không lấy chồng. Ngày trẻ có anh Nho Bảy, con ông Cửu Ne, dưới Hưng Nguyên có ý định chọn bà Thanh làm vợ. Một lần anh lên chơi và bị mật thám bắt đem về giam ở Vinh. Ông Cửu Ne ở nhà lâm bệnh mà chết. Cô Thanh hay tin liền xuống gặp Tổng đốc Nghệ An, xin được ở tù thay. Quan Tổng đốc hỏi: "Bảy là chồng mày hay sao mà đòi ngồi tù thay nó?"

"Không! Người nhà quan bắt oan anh ta. Anh ấy chỉ lỡ độ đường ghé vào. Giờ các ông bắt khiến bố người ta ở nhà đổ bệnh mà chết. Tôi vô tình mang vạ. Anh ấy phải về chịu tang cha. Anh ấy và tôi đều vô tội. Các ông giam tôi hay anh Bảy thì có khác gì nhau?"

Nghe những lời nghĩa khí, Tổng đốc đuối lí, không lâu sau đành ra lệnh tha anh Bảy.

Bà Thanh là người ủng hộ tích cực đội Quyên, đội Phấn đánh Pháp. Khi làm chủ hiệu thuốc ở Vinh, bà tổ chức trộm súng giặc giúp nghĩa quân. Việc bại lộ, bọn mật thám ập đến khám xét thấy trong người bà còn giấu qui lát súng, chúng liền tống giam. Tổng đốc Tôn Thất Trạm giận dữ quát: "Đàn bà người ta chửa đẻ ra con, còn mày thì chửa đẻ ra súng".

Phiên tòa ngày 4/6/1918 chúng xử bà 9 năm tù khổ sai và phạt đánh 100 roi. Thời gian ngồi tù bà chữa khỏi bệnh cho vợ Án sát Quảng Ngãi nên tù được nới lỏng, bà được lui tới nhà quan án. Thời gian này bà chữa bệnh cho nhiều người. Năm 1922 chúng đưa bà về an trí tại Huế. Năm 1944 lại chuyển về Nghệ An.

Theo một số cụ già thì tô, tức của bà Thanh là rất nghiêm ngặt. Người cày ruộng rẻ hay nợ nần cứ nhất nhất thỏa thuận trước với nhau mà nộp đủ. Việc được miễn giảm là rất ít. Bà Thanh sinh năm 1884, năm ấy Triều đình Huế bán đứt nước ta cho giặc. Tên hiệu của bà là Bạch Liên. Bà mất năm 1954, cuối năm 1954 đầu năm 1955 là cuộc Cải cách Ruộng đất với nhiều đau thương tang tóc, nếu bà còn sống chắc gì đã thoát khỏi đấu tố nhục hình…

Khí phách của bà Thanh còn lưu lại tại bản báo cáo đề ngày 8/3/1911 do Bộ Lại thảo trình về "Tri huyện Nguyễn Sinh Huy" đã viết: "Con gái ông ta đang ở Nghệ An, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn. Cô ta là bạn thân của bon cướp và thường cho chúng ở lại trong nhà. Bọn này đến đây nghỉ ngơi sau những ngày hoạt động, nhất là các tên đội Quyên và Ấm Võ… Ấm Võ đã ca ngợi nó bằng một câu: Các quan lại ở Nghệ An đã biết rõ về cô gái này nhưng họ không dám bắt."

Bố vợ tôi người làng Sen. Mẹ vợ họ Nguyễn Sinh. Nhà ông bà chỉ cách nhà cụ Phó bảng ở làng Sen chừng 300 mét. Lúc sinh thời cụ kể với tôi rằng: "Ông Khiêm tuy là con thứ hai nhưng vẫn được gọi là cậu cả, thuở bé thông minh, được người làng coi là "Không học cũng biết".

Cậu Khiêm (hay Khơm) hiệu là Tất Đạt theo cha vào Huế cho đến khi ông Cử Vương mất, cậu về chịu tang thầy rồi ở lại quê nhà, cũng có thời gian ở Huế sinh sống tự lao động nuôi thân. Nhưng rồi vì tham gia phong trào chống thuế nên lại phải trở về quê để tránh khủng bố.

Cậu Khiêm cũng mang đầy đủ tính cách của một ông Đồ Nghệ. Nghĩa là cũng có tính gàn. Thời gian giúp sưu tầm văn hóa dân gian cho Ôgiê, chánh văn phòng tòa sứ Nghệ An, cậu chỉ cung cấp cho y những câu mình cho là có thể. Ôgiê, người đã tốt nghiệp Khoa Đông phương học tại trường thuộc địa Pari, quở trách cậu vẫn không nghe, ông  ta co chân đá nhưng bị cậu nhanh nhẹn tóm lấy, giúi cho suýt ngã. Ôgiê làm lành nhưng cậu Khiêm nhất quyết bỏ về, không thèm lấy tiền công.

Cậu Khiêm bị bắt cùng chị gái khi giúp đỡ Đông Du, giúp Quang phục Hội, che chở cho những người thuộc phe Ám xã. Chúng phỉnh phờ, cho cậu một số tiền và được thả về, song ông lại gửi số tiền ấy cho ông đội Quyên để đánh Pháp. Bực tức vì bị mắc lừa ngày 1/4/1914 chúng ra lệnh bắt cậu Khiêm. Phiên tòa xét xử mở ngày 25/9 năm đó, kết tội cậu liên lạc với đội Quyên, đồng mưu với bọn phản bội và kết án 3 năm tù khổ sai, trong tù cậu Khiêm cùng giáo Chức, cũng người làng Sen, tổ chức vượt ngục. Việc bại lộ, ngày 6/1/1915 chúng xử tăng án lên thành 9 năm. Ngày 31/7/1920 chúng đổi án, đưa về quản thúc tại Huế. Bố vợ tôi kể rằng ở Huế cậu Khiêm có mở lớp dạy trẻ trong làng, cả chữ Nho, Quốc ngữ và tiếng Tây. Quãng 1929, khi ở làng Phù Lễ (Huế) cậu cũng đã xây dựng gia đình. Sau vài lần sinh nở không thành, gia đình tan vỡ theo. Từ đó cậu Khiêm mượn rượu giải buồn, không thiết tha mấy đến tiền đồ sự nghiệp. Ngoài ngũ tuần, mức độ nghiện rượu của cậu Khiêm khá nặng. Sonhi, chánh mật thám Trung kỳ trong bức điện số 289 đã trình lên cấp trên rằng: "Nguyễn Tất Đạt quê Kim Liên, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An), anh ruột của Nguyễn Ái Quốc, là người nghiện rượu nặng, trí não suy nhược nên không nguy hiểm nữa." Khâm sứ Trung kỳ muốn vô hiệu hóa hoàn toàn cậu Khiêm nên thỉnh thoảng lại sai người đến biếu rượu. Ngày 6/2/1940 cậu Khiêm được chúng thả cho trở về quê nhà.

Bố vợ tôi kể: "Thuở ấy làng quê còn nghèo khổ lắm. Làng Kim Liên còn được gọi là làng "đai khố" (không có khố, chỉ có cái đai). Cậu Khiêm trở về mở lớp dạy võ, dạy chữ Quốc ngữ cho thanh thiếu niên, tổ chức diễn tuồng nhằm tập hợp những người chung chí hướng. Tính cậu Khiêm hơi tàng tàng nhưng rất giản dị, đi đâu cũng mang bầu rượu đi theo, gặp bữa ai mời gì, bất kể khoai sắn hay rau cháo cậu đều vui vẻ ngồi rót rượu mời và ăn uống ngon lành, không phân biệt sang hèn giàu nghèo. Nghề chính của cậu bấy giờ là làm thầy địa lí, chuyên lấy hướng nhà cửa, kiến trúc, chọn hướng mồ mả, cổng ngõ… lấy chén rượu làm vui. Gặp đau ốm cậu có thể bắt mạch, kê đơn giúp đỡ mọi người. Tính tàng tàng của cậu, bố vợ tôi bảo rằng tại viên Khâm sứ sai biếu rượu đã cho thuốc độc vào để làm hại hệ thần kinh nhằm phục vụ cho mưu đồ của chúng.

Cũng thời gian này cậu còn bị mật thám bắt lần nữa. Ngày 20/8/1940 chúng phạt cậu hai tháng tù và 20 đồng bạc.

Nói tóm lại, tính tình của cậu Khiêm mang nét đặc trưng của một ông đồ Nghệ, hơi gàn nhưng rất tài hoa, thông thạo nho, lí, số, sống rộng rãi, bao dung, rất gần gũi với người dân bình thường.

Người quê tôi kể rằng: "Cậu Khiêm cùng với người giúp việc là ông Cú Đẹn đã lang thang tìm kiếm huyệt đất vừa ý để táng mộ mẹ, cuối cùng dừng lại ở Động Tranh, một thế đất đẹp trên dãy Đại Huệ. Và năm 1942 cậu đã lần nữa dời mộ mẹ trong vườn quê lên táng ở Động Tranh, vị trí được xây dựng đẹp của ngày nay. (Nên nhớ rằng mộ tổ của vua Quang Trung cũng táng cuối núi Đại Huệ. Theo một số cụ truyền lại: Phần mộ vua Quang Trung cũng có thể đã được bí mật mang về mai táng ở đây. Vua quan nhà Nguyễn đã tốn nhiều công sức đào bới nhưng không tìm thấy.)

Giống như bà Thanh, ông cả Khiêm cũng được hưởng trọn niềm vui của ngày nước nhà độc lập. Ngày ấy ông như trẻ lại hàng chục tuổi, đội ca lô, vác dáo dài theo đoàn người đi cướp chính quyền ở Nam Đàn, tưng bừng và phấn chấn.

Năm 1946 ông Khiêm cũng ra Hà Nội gặp em trai, mục đích của chuyến đi là trước là thăm em, vì đã quá lâu anh em không gặp nhau, sau là để nói với em về những gia đình trong hàng ngũ quan lại nhà mình từng chịu ơn sâu nặng. Hồi tưởng lại chuyện này, giáo sư Phan Ngọc viết: "Bác Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột Bác Hồ có đến nhà và bảo bố tôi: Tôi phải gặp anh thì có chết mới nhắm được mắt. Tình hình hiện nay không khỏi những xáo trộn. Tôi đã ra Hà Nội bảo chú Công: ông Phan Võ là ân nhân gia đình ta. Phải chú ý đừng để gia đình ông ta quá thiệt thòi…". Ông Phan Võ đậu Giải nguyên năm 20 tuổi, đậu Phó bảng năm 21 tuổi, làm quan vói cụ Nguyễn Sinh Sắc. Số sách thuốc cụ Sắc hành nghề là của cụ Phan Võ trao cho.

Ông Nguyễn Sinh Khiêm tự Tất Đạt sinh năm 1888 mất năm 1950. Khi ông mất, Bác Hồ gửi điện về: "Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách mà lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hi sinh tình nhà và phải lo việc nước." (Điện số 1229 ngày 9/11/1950).

Người có cuộc đời ngắn ngủi nhất trong gia đình Bác là bé Nguyễn Sinh Xin. Theo tài liệu của mật thám Pháp ghi lại lời bà Thanh có đoạn nói rõ: "Sau khi chấm thi cuối cùng (thi Hương ở Thanh Hóa) ông (Nguyễn Sinh Huy) lợi dụng chuyển qua ngang Vinh, về làng quê ở Kim Liên để lo cất bốc mộ họ. Trong khi ông ở đó ba tháng thì được tin vợ ông từ trần ở Huế ngày 19 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12" (7/2/1901). Cũng theo lời bà Thanh thì cậu Xin sinh khoảng cuối 1900, "chỉ sống một tháng rưỡi thôi". Như vậy cậu Xin mất sau mẹ chả mấy ngày. Hai cái tang trút cả lên đầu cậu bé 11 tuổi Nguyễn Tất Thành. Chi tiết này đã được ông Nguyễn Đắc Xuân thẩm định qua việc tìm gặp cụ Lê Xuyến (cháu Lễ Bộ Thượng thư Lê Trinh) và con gái cụ Viễn Diệu, là những người chứng kiến sự việc xảy ra: Vợ một vị khoa bảng từ trần: "Không để lại cho con một bát gạo, một đồng tiền nào! Xóm giềng đang chuẩn bị cúng đưa ông táo, gặp vận bĩ của gia đình cậu Cung, họ cúng ít lại, để dành một phần quà bánh, thức ăn chuyển qua giúp cậu cúng lễ mẹ." Gia cảnh như thế làm sao bé Xin sống nổi? Và nếu như bây giờ, người ta sẽ xét trách nhiệm cụ Phó bảng đối với gia đinh ở mức độ nào?

Tác giả Chu Trọng Huyến viết rằng: bé Xin được đưa về Nghệ rồi mới mất. Điều đó nghe thật hoang tưởng. Đường bộ từ Huế ra Nghệ mịt mù xa tít, làm sao bế được đứa bé tháng tuổi, mất mẹ, đi cho nổi?

Cuối cùng nhìn lại, chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ nhất vẫn là phụ nữ, đặc biệt là hai bà mẹ trong gia đình: Bà Hà Thị Hy và bà Hoàng Thị Loan. Họ đều mất ở tuổi 33, 34. Xin những người cầm bút hãy để sự thật được nguyên vẹn, chớ có tô hồng lên mà làm gì!

Cuối chạp năm Mậu Tí, Nam Nghĩa, Nam Đàn, Nghệ An

© 2009 Trường Lam Hồ Sĩ Sênh

© talawas 2009 - 27/10/2009
http://www.talawas.org/?p=12096
 

www.geocities.ws/xoathantuong