Bác Hồ … của tôi

Thằng Sáu San Jose
 

Lời cảm tạ: Bài “Dũng hương rừng cà mau” được nhiều bạn đọc góp ý kiến từ đó Thằng Sáu học thêm được nhiều điều mới lạ. Thành thật cám ơn bạn đọc.
 

Ngày 30/4/1975, tôi 10 tuổi, con gia đình ngụy “cớm”(1). Đang lúc gia đình đang bồn chồn lo âu, tôi trốn nhà, chạy ra đường lớn, chen lấn qua đám đông hiếu kỳ, đứng ngay dưới chân cầu trên con đại lộ chính dẫn vào thành phố, đón quân … “Giải Phóng”. Lòng phấn khởi, tự hào, vì gia đình nội ngoại chưa ai dám ra coi “Việt Cộng”…

Hình ảnh đầu tiên được thấy là mấy chiếc xe nhà binh chở mấy anh “Việt cộng”- lúc đó chưa biết danh từ “bộ đội” - vẫy vẫy tay chào bà con hai bên đường. Bà con cũng vẫy tay lại, ai ai cũng vui vẻ, dù tâm trạng “confused, mơ hồ, lẫn lộn” không biết rồi chuyện gì sẽ đến. Một không khí và cảm giác là lạ, nhất là cái lá cờ nửa xanh nửa đỏ ở giữa có ngôi sao vàng bay quất phới trên đầu mấy chiếc xe.

Vài tháng sau, tôi “được” chuyển trường, từ trường ở thành thị gần nhà, họ chuyển tôi ra trường ngoại ô xa nhà khoảng 5-6 cây số. Có khi sáng sớm phải đi bộ, có khi đi xe lam (2), và đôi lúc không có tiền mấy bác tài xế cũng thông cảm cho học sinh. Sau này mua được xe đạp bạn bè đi chung cũng vui vẻ với thú đồng quê. Lúc đó người lớn không cho chúng tôi biết tại sao cả đám chúng tôi “được” chuyển trường. Sau này lớn hơn chúng tôi mới biết là do lích lịch hạng “xấu”, nên chúng tôi bị bạc đãi dài dài...

Một buổi tối, cả đám công an trang bị súng ống rần rần ập vào nhà tôi, cho rằng nhà tôi có chứa phản động. Sau một chập khám xét khắp nơi không có “nhân chứng” “vật chứng”, họ phán “chắc nó chạy rồi”. Họ khám xét mọi thứ trong nhà, duy có cái ngăn tủ dưới của cái bàn thờ Phật thì không mở được vì chìa khóa bị mất. Họ đòi đập tủ ra, nhưng một số người già trong xóm nói bàn thờ mà đập thì tội lắm. Nên đề nghị để má tôi kiếm chìa khóa rồi sáng mai đưa cho họ. Thấy cũng khuya nên họ đồng ý mai trở lại.

Đêm đó má tôi kiếm không ra chìa khóa. Thật tình má tôi cũng không biết trong tủ có cái gì. Sau khi tìm kiếm không thấy chìa khóa, một số người đề nghị nạy cửa tủ, vì nếu có “vàng” trong tủ thì sợ bị họ “trưng dụng”, mất uổng. Khi cửa tủ được nạy ra thì trong đó toàn là hồ sơ phục vụ trong quân đội của ba tôi (lúc này ba tôi đã bị “quản lý” ở tỉnh khác, vì ông không làm việc ở tỉnh nhà). Hẳn nhiên là tất cả hồ sơ được đốt hết trong đêm.

Rồi vài tháng sau, gia đình tôi cũng bị “mượn” nhà (tuy nhà tôi chỉ là nhà gạch tường, không lầu) và cho về vùng kinh tế mới. Chúng tôi bỏ tỉnh nhà, dọn về xây một căn nhà lá ở vùng ven ruộng, ngoại ô tỉnh Sa Đéc-Đồng Tháp. Từ đó chúng tôi bắt đầu trở thành “em là búp măng non, em lớn lên trong lòng cách mạng”.

Thành thật, tuổi hoa niên của tôi trong những năm đầu giải phóng rất hồn nhiên, vui thú với cuộc đời học sinh. Sáng khoảng 5-6 giờ, khi loa “cách mạng” báo giờ thể dục, chúng tôi (lũ học sinh trong xóm) thức tập thể dục, đá banh, nhảy xuống sông tắm (tôi biết bơi là do lũ trẻ nhà quê ở đây dạy cho)…, đến trường trên vai với chiếc khăn quàng đỏ chói, đầy hãnh diện. Tôi rất thích ca các bài hát thời mới, như bài “giải phóng miền nam”, “lá đỏ”, “người đi xây hồ kẻ gỗ”, “một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”… Nhưng bài ca tôi khoái nhất là bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

“...đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác… cả đoàn quân tiến theo người như thác đổ…” mỗi lần nghe bài này tôi thấy xúc động lạ thường, có lẽ vì nhịp điệu và lời thơ ca hùng tráng của nó. Hình ảnh Bác Hồ trong quân phục bộ đội đi giữa đoàn quân trùng trùng điệp điệp…

Từ đó tôi bắt đầu “kết” Bác Hồ. Tôi học tiểu sử Bác Hồ rất chăm chỉ, và tự hào chưa có học sinh nào cùng trường có thể thắng tôi trong những cuộc thi về lịch sử của Bác Hồ. Nhưng rồi tôi cũng không có duyên lâu với Bác. Lý do? Xóm bên kia cách xóm tôi mấy thửa ruộng, có một ông cán bộ hạng gộc, tướng tá vừa nông dân vừa trí thức, người miền nam, ông là chuyên gia đi bộ. Mỗi ngày ông đi bộ băng qua mấy thửa ruộng… ra thành phố, đến ủy ban tỉnh làm việc. Buổi chiều về ngang qua nhà tôi, thấy tôi và mấy đứa trẻ cùng xóm tắm dưới sông, ông thường nói vu vơ “ở đây sống không được con ơi, nước dơ quá”, dần dần nó lọt vào tai má tôi. Năm 1981 má tôi cho tôi đi vượt biển… bỏ lại tuổi thơ khăn quàng đỏ… và Bác Hồ kính yêu.

Tôi vượt biển (chuyện vượt biển nói sau) đến trại tỵ nạn “Buồn Lâu Bi Đát - Pulau Bidong” ở Malaysia rồi đến Hoa Kỳ. Tôi vào trung học rồi lên đại học và tiếp tục tìm hiểu thân thế Bác Hồ của tôi qua sách báo, Việt có, ngoại có. Không biết tôi có nên gọi sách báo ở bên ngoài Việt Nam là “phản động” không!? Đã lâu, từ ngày ra nước ngoài tôi chưa thấy ai dùng danh từ này, có lẽ đó là “copyright - bản quyền” của CHXHCN Việt Nam”. Sách báo hải ngoại, kể cả tiếng ngoại quốc, “tắm rửa” Bác Hồ rất sạch sẽ lộ ra từng đường nét “untold” (chưa tiết lộ bao giờ) trên thân thế Bác. Nào là Bác có qua Mỹ làm phụ bếp, Bác có xin học trường làm quan cho pháp nhưng pháp không nhận. Bác từng được Mỹ cho thuốc men trị bịnh, cho súng ống, Bác giận Mỹ nên qua chơi với cộng sản, Bác đã sai lầm khi nghe lời cộng sản Trung Quốc cho tiến hành vụ cải cách ruộng đất, vụ nhân dân giai phẩm, Bác không phải họ Nguyễn (Nguyễn Sinh Cung - như tôi đã học) chính gốc Bác họ Hồ… Ôi đủ thứ chuyện mới… nhưng phần tôi khoái nhất về Bác là Bác rất “bảnh củ tỏi”, từ của một thằng bạn Bắc cờ của tôi hay dùng, nên Bác có nhiều bạn gái và vợ, hàng nội có, hàng ngoại cũng có.

Đến nay tôi vẫn thích nghe bài ca “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, một bài ca hay… Nhưng Bác Hồ trong tuổi thơ của chúng tôi bị “tô son trét phấn” từ lúc nào, có lẽ lâu quá rồi mà chúng tôi không biết, nay tôi không còn nhận ra chân dung thật của “Người”. Xin những người có “thẩm quyền” hãy đem lại chân dung thật cho ông Hồ dù đó chỉ là một chân dung bình thường nhưng thật “người”… dù có nhiều đào cũng không sao vì đó chỉ là “bảnh củ tỏi”.

Bác Hồ đã “yên” giấc. Riêng bọn trẻ chúng tôi, từ 45 tuổi trở xuống, gần suốt cuộc đời bị “confused - rối mù” không biết sự thật “trắng - đen” ra sao!? vì có một lớp “đàn ông, đàn cha, đàn anh” của Việt Nam 4000 năm… “dở ẹt”.

San Jose, California, USA, Oct. 2006

Copyright © 2006 DCVOnline
_________________________________________

(1): “cớm”, tiếng lóng dùng chỉ cảnh sát, công an
(2): Một loại che thùng chở 5-10 người khách, loại xe máy hiệu Lambretta của Ý.
 

www.geocities.ws/xoathantuong