Những vị thánh 70% của Châu Á

Roger Cohen

Trần Quốc Việt dịch
 

Bắc Kinh - Tôi đã có dịp đến thăm các vị thánh Châu Á trong những lăng tẩm có hàng dãy cột của họ và lòng tự hỏi họ sẽ nghĩ gì về các xã hội đã được kiến tạo nhân danh họ. Tương lai của các vị thánh này rồi ra sao sẽ là một câu hỏi trọng tâm trong thế kỷ 21.

Trước tiên, ở Hà Nội, có Hồ Chí Minh, con người phiêu bạt khắp thế giới (có một dạo đã dừng chân ở Brooklyn), một khắc tinh quỷ quái của quân đội Pháp và Mỹ, người thống nhất một nước Việt Nam độc lập, "Bác" của cả nước, giờ bị ướp xác ngược lại ý nguyện của ông là muốn tro mình được đem rải. Cậu con trai 15 tuổi của tôi, lóng ngóng vụng về như thường thấy ở Brooklyn, bị khiển trách là đã đút hai tay vào túi vì làm như thế là thiếu tôn kính.

Tôi nghĩ con tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy một xác chết, lại càng chắc chắn chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy một xác chết đã được ướp suốt trong bốn thập niên. Những người lính Việt Nam bảo vệ lăng lại lầm tưởng sự vụng về là thái độ. Đầu óc ta cứ quay cuồng theo ý nghĩ miên man về vị thánh đã không còn dương khí ở ngay trước mặt.

Rồi, ở đây trong một Bắc Kinh lạnh như cắt thịt, vào một buổi sáng trời đầy nắng ở quảng trường Thiên An Môn, sau khi đi ngang qua một tiệm McDonald, tôi chợt nhận ra rằng chỉ có mỗi mình tôi với Mao Trạch Đông, Người Cầm Lái và Người Thầy Vĩ Đại, người trông hơi hồng hào hơn so với Hồ. Thấy chẳng có ai khác xung quanh, tôi định nấn ná thêm, nhưng người lính bảo vệ không cho phép.

Tưởng chừng như mấy phút với các vị thánh Châu Á im lặng ngàn thu này đều được bấm giờ chi li như mấy phút với một luật sư ở New York.

Nói nhiều người chết vì các tư tưởng của Mao và Hồ là cách nói nhẹ nhàng lịch sự. Theo ước tính, chỉ riêng nạn đói tại Trung Quốc diễn ra từ năm 1958 đến năm 1961 đã cướp đi sinh mạng của 35 triệu người. Đó là trước "thập niên kinh hoàng" của Cuộc Cách mạng Văn hoá, khởi đầu vào năm 1966, đã làm tan nát bao tâm hồn giống như cái đói đã làm tan nát bao hình hài.

Hồ, mà những chuyến lang thang dài qua khắp Châu Âu và Mỹ là sự gợi nhớ rằng các tư tưởng cách mạng được nhen nhúm lên trong thời gian tha hương ở Phương Tây không có gì là mới (dù có khác với Hồ là những kẻ theo đuổi thánh chiến chống Tây Phương ngày nay trưởng thành ở London hay Hamburg), đã không làm những chuyện tầm cỡ như Mao. Nhưng hơn ba thập niên chiến tranh, rồi tiếp đến là chương trình tập thể hoá toàn diện, đã gây ra cái chết cho hàng mấy triệu người.

Những vị thánh này một thời đã có quyền lực tuyệt đối và các đòi hỏi của họ về sự tuân phục rất lớn. Vậy tại sao họ vẫn được tôn kính? Tôi nghĩ trước hết là vì họ đã khẳng định sự kiến quốc, mối đoàn kết, lòng tự hào và nền độc lập của quốc gia của họ chống lại nạn thực dân hoá Tây Phương hay chống lại nạn ngoại xâm và qua đó giải thoát đất nước họ ra khỏi những hình thức tủi nhục.

Thật ra ta phải chấp nhận sự thực là, ở một mức độ  nào đó, Mao và Hồ là những vị thánh chống Tây Phương trong một thời đại khi quyền lực và thẩm quyền đạo đức của Tây Phương đang bị chất vấn khắp nơi, một khuynh hướng mà lòng hâm mộ toàn cầu dành cho tổng thống Obama cũng chẳng vớt vát được gì.

Tất nhiên, Mao và Hồ cũng duy trì được ảnh hưởng thống trị của mình như hiện nay vì các đảng cộng sản mà họ đã lãnh đạo vẫn còn đang cai trị những nhà nước theo chế độ độc đảng, và vì các đảng này đã viết lại ý thức hệ của hai người. Tư tưởng của Mao không chấp nhận tiệm McDonald đó.

Giờ đây, về cơ bản, họ chỉ còn là các vị thánh 70 phần trăm, tức những vị thánh đã bị rút nhỏ lại. Đặng Tiểu Bình đưa Trung Quốc theo con đường phát triển nhanh chóng, đã và đang thay đổi thế giới qua việc thừa nhận rằng Mao đã sai lầm (khoảng độ 30 phần trăm) và rằng một cuộc cách mạng vô sản để cho người dân đói nên nhường chỗ cho một cuộc cách mạng qua đó người dân có thể làm giàu theo kiểu hơi giống tư bản. Tương tự như vậy, khi Việt Nam rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, tầng lớp cộng sản cai trị ở Việt Nam chợt khám phá ra, hay có lẽ đã chế ra, một lời kêu gọi của Hồ là "người nghèo nên giàu và người giàu nên giàu hơn" để biện minh cho việc ngả sang nền kinh tế thị trường.

Những vị thánh 70 phần trăm này là những con người hấp dẫn. Họ đã buông dao đồ tể. Họ không bắt giam tập thể. Họ không cố gắng tiến nhanh lên thiên đường không tưởng.

Không, họ xây tường lửa thay vì thành quách. Họ sợ phản đối ôn hoà hơn sợ các phong trào bạo lực. Họ cấm Facebook thay vì lưu đày người dân đến các trại tù. Họ ít tàn bạo hơn nhưng lại gây phiền toái nhiều hơn. Tóm lại, họ đã trải qua nhiều lần son phấn lại dung nhan trong thế kỷ 21.

Những lớp son phấn mới này đã thành công. Tuy vẫn có thể, nhưng thật khó mà tưởng tượng sự tồn tại của các nhà nước độc đảng Việt Nam và Trung Quốc nếu không có sự phát triển thần kỳ do chủ nghĩa cộng sản thị trường tạo ra.

Tuy nhiên, có điều là những xã hội năng động như thế ắt sản sinh ra nhiều người có giáo dục hơn, giàu có hơn; rồi theo thời gian chính những người này sẽ trăn trở về những điều xa hơn chuyện tậu được cái nhà lớn hơn hay mua được chiếc xe hơi. Họ bắt đầu trăn trở xem họ nên chọn ai làm lãnh đạo. Họ trăn trở về tự do ngôn luận. Họ lấy làm bất mãn trước tệ nạn tham nhũng. Họ lấy làm lạ tại sao họ không thể Twitter.

Cho nên một nghịch lý rất lớn là những kẻ chăm sóc các vị thánh 70 phần trăm này trong lòng lại thấy rất bất an ở ngay chính thời điểm khi mà mọi thứ đều diễn ra theo như ý họ, khi họ có sự phát triển mà Tây Phương nằm mơ cũng không thấy, khi ai ai cũng nói về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chỉ khi xét đến sự bất an như thế người ta mới có thể hiểu được việc kết án quá nặng tới 11 năm tù của Trung Quốc dành cho Lưu Hiểu Ba, một nhà văn và cũng là nhà hoạt động chính trị. Ông Lưu là nhân vật chính đằng sau một văn bản kêu gọi nên tự do hoá về chính trị có tên là Hiến Chương 08 trong đó tuyên bố: "Chúng ta nên chấm dứt thói quen xem lời viết là tội."

Và cũng chính sự bất an tương tự giải thích việc Việt Nam bắt giam Lê Công Định, một luật sư có sức lôi cuốn. Hành động thúc đẩy sự đa nguyên của ông Định khiến ông bị kết tội cấu kết với "các thế lực phản động trong và ngoài nước."

Các vị thánh của Châu Á đã chứng tỏ là biết thích nghi theo thời thế. Nhờ đó thành quả tạo ra thật choáng ngợp, cho xã hội của họ và cho thế giới. Nhưng những lời viết của những người tù này, hoàn toàn, không phải là tội, và tình cảnh của họ là một sự định lượng về mức độ căng thẳng ẩn dưới các lớp son phấn làm đẹp của chế độ.

Nguồn: New York Times ngày 7 tháng Giêng năm 2010;
http://www.nytimes.com/2010/01/08/opinion/08iht-edcohen.html

Bản tiếng Việt © 2010 talawas, 05/03/2010
http://www.talawas.org/?p=16925
 

www.geocities.ws/xoathantuong