Thân mẫu của TBT Nông Đức Mạnh

Nguyễn Văn Tuấn
 

nvt_thanmau.jpg -NongDucManh.jpgHôm nay thấy trên mạng có một bài viết về nhân thân của Tổng Bí thư (TBT) Nông Đức Mạnh rất thú vị. Bài viết hơi dài, nên tôi cố gắng tóm lược và sắp xếp lại vài thông tin chính để tham khảo. Có một số thông chưa rõ nguồn nên tôi không trình bày ở đây.

Theo tài liệu trên wikipedia thì ông sinh ngày 11/9/1940 (tức nay đã hơn 70 tuổi) ở xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ông là người dân tộc Tày. Trang này không thấy đề cập đến thân phụ và thân mẫu của ông.

Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn cho một tờ báo Mĩ thì ông TBT có nói đến tên cha và mẹ. Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Time vào năm 11/1/2002 (bản tiếng Việt có đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam) thì ông cho biết cha ông tên là Nông Văn Lại, và mẹ là Hoàng Thị Nhình (hay Hoàng Thị Gái) [1].

Nhưng thông tin trên một tạp chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hơi khác với những thông tin trên. Ngày 30/4/2001, tạp chí Thế Giới Mới (cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam) có đăng bài "Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong ký ức của một người thầy" của thầy giáo La Văn Ngâm, người thầy cũ của ông tổng bí thư. Trong bài viết, thầy Ngâm cho biết thân mẫu của ông là Nông Thị Trưng và ông cũng có ghé qua thăm nhà bà cụ [2].

Vậy bà Nông Thị Trưng là ai? Từ điển wikipedia cho biết thêm nhiều chi tiết về những hoạt động của bà trong thời gian kháng chiến với cụ Hồ. Bà tên thật là Nông Thị Bày (có tài liệu ghi là Nông Thị Ngát) sinh ngày 6/12/1920 trong một gia đình dân tộc Tày. Trong thời gian kháng chiến 1941-1942, bà làm giao liên cho cụ Hồ (lúc đó có bí danh là "Già Thu"), và tên Nông Thị Trưng chính là do cụ Hồ đặt cho bà với ý nghĩa noi gương hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị trong cổ sử [3].

Bài viết trong wikipedia về bà Nông Thị Trưng còn trích tạp chí Công Nghiệp cho biết thêm rằng bà từng theo học chính trị do cụ Hồ dạy trong 8 tháng trời [4] trong thời gian 1941-1942. Cụ Hồ còn dạy chữ cho bà, thậm chí còn làm thơ "Tặng cháu Nông Thị Trưng" [5]. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 25/12/1941, và sau này trở thành một thành viên nòng cốt của Đảng. Bà từng giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng. Bà qua đời ngày 26/1/2003. Tuy nhiên, trong bài trên wikipedia, không thấy nói gì về gia đình hay con của bà.

Đối chiếu những thông tin chính thức trên đây cho thấy câu trả lời của ông TBT Nông Đức Mạnh về thân mẫu của ông thiếu tính nhất quán với thông tin từ báo chí Việt Nam. Trả lời báo chí Mĩ thì ông nói rằng tên mẹ là Hoàng Thị Nhìn, nhưng báo chí "lề phải" ở Việt Nam thì cho rằng thân mẫu ông là bà Nông Thị Trưng. Không biết thông tin nào đúng. Có thể nào hai người chỉ là một, vì trong thời kháng chiến người ta hay dùng bí danh và thay tên đổi họ? Cũng có thể hai người khác nhau. Vì ông TBT sinh năm 1940, còn bà Nông Thị Trưng thì năm 1941 (lúc đó đã 21 tuổi) vẫn chưa có chồng.

Do đó, nếu dựa vào thông tin này thì có 2 khả năng:

(a) Bà Nông Thị Trưng không phải là mẹ ông, và báo "lề phải" đã sai lầm.

(b) Ông Nông Đức Mạnh là con bà Nông Thị Trưng, trường hợp này báo chí "lề phải" đúng; và ngài TBT đã... nhớ nhầm lí lịch (cả năm sinh của mình và tên mẹ). Nếu giả thuyết này đúng, như thế thì ông mang họ mẹ. Điều này cũng phù hợp với việc bà Trưng cho tới năm 1941 vẫn chưa có chồng (nhưng không có thông tin nào nói bà không có con trong thời gian đó cả).

Ông TBT vẫn minh mẫn và đang tại chức, báo chí đưa tin hẳn phải có căn cứ, thế tại sao lại bất cập như thế, về chi tiết thân mẫu của một vị Tổng Bí thư (còn có thể coi là đại kị). Có thể vì lẽ đó nên không ai ngạc nhiên khi thấy báo chí nước ngoài đặt câu hỏi về tên thân phụ của ông.

Chú thích:

[1] Phóng viên hỏi: "[…] Như vậy, tôi có thể hỏi tên thật của cha mẹ Ngài không ạ?", Ông trả lời:

"Được, tôi có thể trả lời. Bố mẹ tôi đều đã qua đời. Bố tôi tên là Nông Văn Lại, mẹ tôi tên là Hoàng Thị Nhình, nếu dịch ra tiếng phổ thông là Hoàng Thị Gái. Để xác minh điều này không khó, về quê tôi hỏi ai cũng biết. Còn về khuôn mặt hơi giống, thì trên đất nước Việt Nam có rất nhiều người giống nhau. Tôi nói rằng tất cả người dân Việt Nam ai cũng là con, cháu của Bác Hồ. Chúng tôi đều coi ông là người cha già của dân tộc Việt Nam." (nguồn: Bộ Ngoại giao).

[2] Tạp chí Thế giới mới viết rõ: "bà Nông Thị Trưng là thân mẫu đồng chí Nông Đức Mạnh".

[3] Tờ báo Xuân Phụ Nữ năm Đinh Sửu 1997 xuất bản trong nước một bài viết có tựa đề "Cô Học Trò Nhỏ của Bác Hồ" được tác giả Thiên Lý viết theo lời kể của chính Nông Thị Trưng có đoạn:

"Tháng 7 năm 1941, được tin (chính quyền) châu Hà Quảng đưa lính cơ tới bắt, ngay đêm ấy tôi trốn ra rừng, rồi được Châu uỷ đem qua Bình Mãng (Trung Quốc) lánh nạn tại nhà một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một hôm đồng chí Lê Quảng Ba và Vũ Anh đến đón tôi từ Trung Quốc về Pắc Bó gặp Bác. […] Về Pắc Bó đã nửa đêm, anh Đại Lâm người giữ trạm đầu nguồn đưa ngay chúng tôi đi gặp ‘ông Ké’. Lội ngược suối càng đi nước càng sâu, khi đến thác thứ ba, anh Đại Lâm thổi sáo, từ trên thác có thang tre thả xuống. Trèo thang lên, thấy một cái lán dựng ngay trên bờ suốị. Trong lán có ông cụ ngồi đọc sách. Tôi chắp tay ‘Cháu chào cụ ạ’. Ông cụ nhìn lên hai mắt rất sáng, ân cần bảo: ‘Cháu đến rồi à, cháu ngồi xuống đây nói chuyện.’ Tôi nhìn xuống sàn, thấy toàn cây to bằng bắp chân. Cụ bảo hai lần tôi mới dám ngồi. Cụ tỉ mỉ hỏi gia cảnh, rồi khuyên tôi: ‘Từ nay cháu đã có một gia đình lớn là gia đình cách mạng, đừng luyến tiếc gia đình nhỏ nữa. Cháu cặm cụi làm ăn cũng không đủ để nộp sưu thuế đâu. Mình lấy lại được nước rồi từng gia đình sẽ được đàng hoàng. Từ nay ai hỏi thì cháu nói mình là cháu chú Thu, tên Trưng’. Bác đặt tên ấy là muốn tôi noi theo gương bà Trưng."

[4] Đoạn hồi kí về học tập chính trị của bà Nông Thị Trưng được đăng trên Tạp chí Công nghiệp như sau:

"Từ đấy tôi ở lại lán anh Đại Lâm, mỗi ngày vào lán của Bác một giờ để học tập. Bác dạy cho tôi từ chuyện thế giới, chuyện cộng sản chủ nghĩa đến cả những cách ứng xử thường ngày như ‘Đừng làm một việc gì có thể khiến dân mất lòng tin. Mượn một cái kim, một con dao, một buổi là phải đem trả. Trong ba lô nếu có màn, phải để ở ngoài cửa, hỏi xem chủ nhà có bằng lòng mới đem vàọ. Cháu là nữ, trước bàn thờ có cái giường để các cụ ngồi ăn cỗ, cháu không được ngồi...’. Tám tháng được Bác chỉ dạy tôi học được hơn cả mấy chục năm học lý luận tập trung sau này".

[5] Entry về Nông Thị Trưng trên wikipedia có đoạn viết:

"Khi biết Nông Thị Trưng là người ham học, hàng ngày lấy than và que để viết chữ và vẽ hình, Hồ Chí Minh đã gửi cho bà một số vở, bút viết, với bài thơ mà sau này được đưa vào sách giáo khoa Việt Nam:

Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nguyên thì bài thơ được viết năm 1944 và có tên ’Tặng cháu Nông Thị Trưng’."

Nguồn: blog Nguyễn Văn Tuấn
Tháng 6/2010.
 

www.geocities.ws/xoathantuong