Một vài ý kiến về cuốn phim "Sự thật về Hồ Chí Minh"

Nguyễn Văn Lục
 

Góp thêm một vài ý kiến về cuốn phim "Sự thật về Hồ Chí Minh"

"This book is dedicated to the idealists of the world, for whom history always end in disppointment," Pierre Brocheux

Tôi viết lại một câu nói của Pierre Brocheux trong cuốn sách mới nhất của tác giả: Ho Chí Minh. A Biography, xuất bản năm 2007 để cho thấy rằng cuốn phim Sự thật về Hồ Chí Minh không dễ được mọi người chấp nhận. Sở dĩ như vậy vì chính bản thân Hồ Chí Minh với cuộc sống thực và huyền thoại bao trùm chung quanh ông. Mặt nào là huyền thoại? Mặt nào là cuộc sống thực? Từ xưa đến nay, nhiều tác giả vẫn chưa tìm ra một câu trả lời thỏa đáng. Pierre Brocheux có thể là người "cuối cùng" tìm hiểu con người ấy và cũng không nghĩ rằng có thể quan điểm của ông về Hồ Chí Minh được mọi người chấp nhận.

Xét về mặt cá nhân, con người hay nhân cách thì có thể tạm lột trần con người ấy ra được. Nhưng xét về mặt lịch sử trong đó ông Hồ là một trong những tác nhân ấy. Công việc đặt vấn đề công tội không hẳn dễ.

Cuốn phim Sự thật về Hồ Chí Minh chỉ có giá trị tích cực là giải hóa những huyền thoại chung quanh ông. Đó là bước đầu cần làm.

Cuốn phim được ra mắt tại Orange County, trưa thứ bảy ngày 11 tháng 7. Theo đó thì có khoảng 500 người đã ngồi kín một nhà hàng tại thành phố Westminster và có khoảng 200 người phải đứng ngoài vì không đủ chỗ. Và theo một vị trong ban tổ chức, đây là lần đâu tiên mới có một cuốn phim loại này. Sách viết về ông Hồ thì nhiều, nhưng phim thì chưa có. Thật ra thì đây là cuốn phim đầu tiên đối với người Việt Nam chứ không phải đối với Mỹ. Stanley Karnow, tác giả viết Script, dày gần 800 trang cho một bộ phim dài 10 tập, có nhan đề: Viet Nam, A History. The first Complete Account of Viet Nam at War Viet Nam, A History. The first Complete Account of Viet Nam at War (A companion to the PBS Television Series).

Phim Sự thật về Hồ Chí Minh đi đến đâu được đón tiếp nồng hậu tại đó. Sự thành công của cuốn phim là sự thành công của những người đã cộng tác với ban tổ chức làm cuốn phim đó và cũng là thành công của người Việt Hải ngoại. Chúng ta phải làm một điều gì đó có ý nghĩa chung: Chung tầm nhìn, chung quan điểm không chấp nhận chế độ cộng sản, chung trong hành động và tránh xa những trung tâm chụp mũ, chia rẽ người Việt.

Người Việt hải ngoại phải lớn lên cùng với sự lớn lên của cộng đồng với sự phát triển về mọi mặt và phải đi song đôi với ý thức về dân chủ và quyền tự do tư tưởng.

Người chủ trì cuốn phim, cùng là tác giả muốn đòi lại cái tên Sài Gòn cho miền Nam, linh mục Nguyễn Hữu Lễ, cho hay, "Phim này không phải là cái phim mạt sát, không phải là phim đả kích, không phải một phim tố cộng, mà là phim muốn trình bày một sự thật về con người mà cộng sản cố tình che dấu bằng những huyền thọai, người ta coi như là vị thánh vị thần."

Phần tôi, tôi không đồng ý với phong trào đòi trả lại tên cho Sài Gòn. Đòi trả lại một cái tên thì để làm gì? Thực tế làm thế nào để đòi? Nhưng tôi đồng tình với quan điểm làm phim này không phải để mạt sát, không phải phim tố cộng. Đã đến lúc, chúng ta cần nâng cao tầm nhận thức về bản chất chế độ cộng sản để không chỉ người Việt quốc gia hải ngoại chống lại chủ thuyết ấy mà ngay cả những người dân trong nước mà một nửa là giới trẻ sinh sau 1975 và cũng mong ngay cả những người cộng sản cũng đồng thuận với chúng ta.

Chế độ cộng sản đã lỗi thời, không còn đáp ứng cho khát vọng con người trong vai trò giải phóng con người ra khỏi những bất công xã hội.

Nay là thời đại mới cần có những tư tưởng mới.

Những tư tưởng mới xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của thời đại thế kỷ 21. Mà tư tưởng Mác Xít tỏ ra không đáp ứng được. Nó là một thứ chủ nghĩa thiếu bộ mặt người. Vì nó mà hằng trăm triệu người đã phải hy sinh, trong đó có khoảng 5 triệu người Việt Nam đã hy sinh trong hai cuộc chiến.

Nó nhân danh con người để giết hại hàng triệu, triệu người để làm gì? Đạt được điều gì? Có ba điều mà chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam coi như khẩu hiệu hàng đầu cho cuộc tranh đấu của họ là: Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc. Đất nước ta hiện nay đã đạt được những gì 3 điều đó, ngay cả độc lập?

Đã thế, chống chủ nghĩa cộng sản phải trở thành một ý thức, một quan điểm gắn liền với vận mệnh dân tộc, đến tương lai Việt Nam. Chúng ta không thể chống cộng sản vì họ là cộng sản. Bởi vì có cộng sản những năm 30, 45, cộng sản 54, cộng sản 75 và cộng sản bây giờ.

Chống chủ nghĩa cộng sản bởi vì tương lai đất nước của mình.

Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền cộng sản cũng ý thức được điều đó. Họ lo sợ, nhưng là cái lo sợ mất nồi cơm chứ không phải lo sợ về tương lai đất nước. Cho nên, họ vẫn tìm cách bám vào nó, bám vào bóng dáng Hồ Chí Minh như một điểm tựa.

Nhưng một Hồ Chí Minh không thể vực dậy một đất nước đang băng hoại. Điều mà Hà Nội đang vận động cái được gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" và "Học tập theo gương bác Hồ" để ra khỏi tình trạng băng hoại và trượt dốc, phá sản hiện nay. Nhưng mà ngay bản thân cái xác chết ấy ở Ba Đình liệu có thể tránh khỏi sự mục rữa với thời gian?

Việc giải thể những huyền thoại (Demystification) về Hồ Chí Minh là điều cần phải làm. Một điều mang ý nghĩa thời đại ngày nay. Trong một thế giới tin họ như ngày nay, đáng lẽ Hà Nội phải làm trước chúng ta mới phải.

Cuốn phim nay đã đi khắp nơi trên thế giới. Con số có hy vọng có thể lên đến hàng triệu người sẽ coi nó.

Nó như được mùa.

Đi đến đâu cuốn phim cũng được đón tiếp nồng hậu như vậy. Phải chăng vì cái danh "Bác Hồ"? Hay người ta muốn biết được sự thật về những huyền thoại do nhà nước cộng sản đã viết về ông?

Câu trả lời nằm ở câu hỏi thứ hai. Về cái danh xưng Bác Hồ, tôi có một ý kiến nhỏ về tên bác Hồ. Thường người Việt Nam có thói quen gọi tên người, chứ không ai gọi họ. Chẳng hạn ông Diệm, ông Thiệu, ông Giáp. Nếu ông Thiệu mà gọi là ông Nguyễn thì sẽ có biết bao nhiêu ông Nguyễn.

Ông Hồ là người duy nhất được gọi bằng họ, dù là một họ đi mượn.

Nhưng cái thành công lớn nhất của bộ phim không hẳn ở cộng đồng hải ngoại mà là trong nước. Người ta cũng đua nhau tìm kiếm để xem. Và nay thì nó đã được in tràn lan ở trong nước rồi. Lan tràn trên youtube với hàng chục ngàn người vào xem hoặc trên các blogs.

Hà Nội "bức xúc" lắm. Vì kẻ thù nguy hiểm có cơ nguy làm sụp đổ chế độ là tin học và các blogs. Kẻ nào dùng gươm có nhiều phần chết vì gươm. Kẻ nào dùng tuyên truyền, huyễn hoặc, giả dối sẽ chết vì tin học.

Ba tuần lễ sau, họ trả đũa yếu ớt. Báo đảng cho đăng bài "Những thước phim trái sự thật, trái đạo lý". Cái đạo lý nào đây? Trái đạo lý, trái sự thật ở chỗ nào thì họ không nói. Nói như thế, họ vẫn dùng bài bản cũ. Họ khinh thường lương tri mọi người. Họ nói tới âm mưu, xuyên tạc, bôi nhọ Hồ Chí Minh. Trên tờ báo Quân đội Nhân Dân có bài viết "Cảnh giác với thủ đoạn bôi đen lịch sử", người viết là đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Nhuận.

Đặc biệt, tờ Hà Nội Mới mới cho đăng một bài viết của ông Trần Chung Ngọc, tác giả chính trên các diễn đàn giaodiemonline.com va sachhiem.net với tựa đề Những luận điệu rất rẻ tiền, vô giá trị trích từ Web sachhiếm.net. Tôi vào dò tìm bài của ông Trần Chung Ngọc thì chỉ có một bài tựa đề viết đã lâu, từ 2007 tựa Vài nét về cụ Hồ. Cũng trên tờ tạp chí Hồn Việt do Gs Mai Quốc Liên làm Tổng biên tập, tác giả là Trần Chung Ngọc viết bài với tựa đề 30 năm tôi đi tìm Hồ Chí Minh.

Bài này thì đích thực là của ông Trần Chung Ngọc mà Hồn Việt chỉ đổi cái tựa đề bài. Nhưng sau đó Talawas trích đăng lại trên mục Spectrum. Ông Trần Chung Ngọc đã tức giận cho là Talawas đã vô trách nhiệm vì đổi tên bài. Thật sự chủ bút Talawas chỉ đăng lại nguyên con bài viết đã đăng trên Hồn Việt.

Đáng lẽ điều này, ông Trần Chung Ngọc nên dành lời xỉ vả của ông cho hai diễn đàn trong nước mới phải. Ông lại im lặng.

Phản ứng "bức xúc" của Hà Nội còn được sự hỗ trợ của Web sachhiem.net với việc cho chiếu lại bộ film Lễ quốc táng chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ film này là do hãng Nhật Nihon Dempa News quay lại các diễn biến từ 1962-1969 mà đài truyền hình Việt Nam đã mua lại bản quyền. Kể cũng đáng thương hại vì đài truyền hình Việt Nam đã phải đi mua lại một bộ film tài liệu trong ít phút như thế! Trong film, nhiều cảnh quay trực diện nhiều phụ nữ và trẻ con Hà Nội và các nơi về dự đám tang đã khóc sướt mướt. Nhiều người ngã gục vì thương mến bác Hồ. Ngay Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ôm mặt khóc. Tôi được biết là những người dân được rỉ tai căn dặn là phải khóc. Còn Tổng bí thư Lê Duẩn, người nắm thực quyền cũng cầm lòng không đặng, lấy khăn tay lau nước mắt. Bao nhiêu phần trăm là thực và bao nhiêu phần tăm là giả, là đóng kịch thì không thể biết rõ được. Ông Đồng khóc thì còn hiểu được. Nhưng còn ông Tổng bí thư? Xin đọc đoạn này về số phận ông Hồ để rõ hơn ý đồ của ông Tổng Bí Thư:

"Rumors even circulated in Hanoi that Le Duan planned to replace Ho Chi Minh as president with Nguyen Chi Thanh, while relegating the veteran revolutionary to an innoculous positions as Director of Marxist-Leninist studies. Le Duan, of cousre, would retain control over the party."
(Trích Ho Chi Minh, a life, William J. Duiker, trang 537).

Bằng chứng rõ rệt là trong khi ông Hồ sang Trung Quốc chữa bệnh thì ở nhà, Lê Duẩn quyết tổng tấn công và nổi dậy trong dịp tết mâu thân 1968, "In his absence, the Politburo had engaged in a momentous debate on whether to launch the long-awaited ‘general offensive and uprising’ that had been under consideration since the beginning of the decade." (Trích như trên, trang 557).

Cái hay của cụ Hồ là đã đạt được cả nước đóng kịch và họ đã đóng trọn vẹn trong ngày tang lễ ấy.

Nhận xét nội dung cuốn phim

Để thực hiện bộ phim này, ban tổ chức đã mời 31 nhân chứng là những người đã từng sống ngoài Bắc như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Nguyễn Minh Cần hoặc là người ngoại quốc như bà Sophia Quinn-Judge, tác giả. The missing years 1919-1941 Oliver Todd. Tôi chỉ lấy rất lấy làm tiếc không mời được tác giả William J. Duiker và Pierre Brocheux. Phía những nhà văn, nhà báo, viết sử ở miền Nam trước 1975 chiếm đa số như tác giả quen thuộc Minh Võ với cuốn Hồ Chi Minh, nhân định tổng hợp, các người viết sử như Vũ Ngự Chiêu, Trần Gia Phụng và quý ông Bùi Diễm, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Hữu Mục, linh mục Phan Văn Lợi, Nguyễn Tường Bách và nhiều vị khác như Tôn Thất Thiện trong phần chót cuốn phim...

Trong bấy nhiêu tác giả được mời, tôi mong mỏi qua cuốn Phim sẽ giúp tôi nhìn ra được "chân dung" thật của Hồ Chí Minh.

Nhưng thật công việc đó không dễ làm được. Điều nên tránh là sự mẫn cảm quá độ khi phân tích và suy đoán, Excessive psychoanalysis and speculate trong các nhận định.

Đó là điều căn bản để tìm hiểu Hồ Chí Minh để tránh hai thái cực tuyên truyền và xưng tụng. Nhưng trước mắt, tác động tuyên truyền của phim Sự thật về Hồ Chí Minh thì thực sự có kết quả hữu hiệu. Người chưa biết thì biết thêm, người biết rồi vì thật ra chỉ là sử liệu cũ được biết rồi thì refresh cái trí nhớ của mình.

Mặt trái của con người ông Hồ bị bóc trần ra công khai, khó mà chống đỡ.

Sự có mặt của những nhân vật sống như một số nhân chứng làm cho các sự kiện sống động hơn.

Tuy nhiên những yêu cầu về sự chính xác sử tính và nội dung của sự kiện lịch sử cũng không thể nào thiếu xót được. Không thể bỏ quên những sự kiện trọng yếu vốn làn nên lịch sử ấy, mặc dầu những sự kiện ấy có thể gây bất lợi cho nội dung cuốn phim này.

Về điều này, tôi có cảm tưởng có một số điểm trọng yếu trong cuộc đời Hồ Chí Minh chưa được khai triển đúng mực.

Về phong cách trình bày của các tác giả thì rõ ràng chừng mực. Các nhân chứng đều trình bày một cách khách quan sự thực và không có tính cách bôi nhọ ông Hồ Chí Minh như ông Trần Chung Ngọc hay Hà Nội cáo buộc.

Họ không có nhu cầu phải bôi nhọ, nhưng họ có bổn phận và trách nhiệm tinh thần phải nói lên sự thực.

Sự thể nó như thế là như thế. Các nhân chứng trên chỉ làm công việc rà xét và loại bỏ những huyền thoại, những thổi phồng ngay cả dối gạt của Hà Nội về con người ông Hồ.

Tôi nghĩ rằng giai đoạn sùng bái ông Hồ, The Ho cult, đã qua rồi. Chiến tranh đã qua rồi. Chúng ta không có nhu cầu đó nữa. Như William J Duiker đã viết:

"All people at war must have their founding myths. And many feel today that the official view of of Uncle Ho as the unsullied paragon of revolutionary virtue should be replaced by a more realistic image that portrays him as a fallible human beings."
(Trích Ho Chi Minh , William L. Duiker, trang 575)

Thời những thần tượng giả đã qua rồi. Hãy để ông Hồ là một người bình thường sẽ dễ được chấp nhận hơn.

Tiếp tục thần tượng ông là một phản bội chính ông Hồ vậy.

Cuốn phim Sự thật về Hồ Chí Minh với nội dung trình bày được chia ra làm 6 đề mục như sau: Thân thế, đạo đức, tư tưởng, bản chất, di sản và tội ác Hồ Chí Minh.

Trong sự phân chia này đề mục "tội ác Hồ Chí Minh" có tính cách áp đặt như một thứ tòa án xét ra có thể thay thế bằng một từ khác cho nhẹ hơn. Ta vẫn có thể trình bày một sự kiện lịch sử, dù là tội ác mà không cần phải có một tiêu đề như thế. Tự người đọc đủ thông minh và phán đoán để hiểu.

Có những đề mục được nhấn mạnh khá kỹ càng do nhiều nhân chứng cùng đề cập tới và chắc chắn được độc giả theo dõi kỹ như Thân thế, đạo đức Hồ Chí Minh thì đối với tôi lại tỏ ra không mấy cần thiết. Trong khi đó những đề mục như vai trò của Hồ Chí Minh trong việc chống Pháp, dành độc lập lại ít được nói tới. Mà đó lại là điều quan trọng nhất.

Không thể nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ hay không thể nói tới một cuộc cách mạng ở Việt Nam mà không nói tới Hồ Chí Minh. Lịch sử sau này, dù muốn, dù không cũng phải thấy rằng lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với những hoạt động chính trị của đảng cộng sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh. Ta không thể phủ nhận được điều đó.

Nếu nó có những sai lầm nghiêm trọng thì chuyện đó tính sau.

Về thân thế Hồ Chí Minh

Theo tôi, việc tâng bốc về dòng họ, về thân sinh ông Hồ Chí Minh, cũng như phong thần về con đường làm cách mạng cứu nước của Hồ Chí Minh như những người cộng sản đã tô hồng là không nên. Làm như thể con làm cách mạng thì bố cũng phải làm cách mạng. Làm như thể với 21 tuổi đầu, Hồ Chí Minh đã sớm ý thức được vai trò bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước rồi.

Sau này, lịch sử sẽ cho thấy, những gì người cộng sản tô vẽ cho bố ông Hồ cũng như bản thân ông Hồ Chí Minh chỉ làm hại hình ảnh trung thực về chính ông ấy.

Chính những người cộng sản đã bôi nhọ ông Hồ chứ không phải những người quốc gia hoặc 31 nhân chứng ở trên.

Chính vì thế khi được hỏi về nét chính của ông Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Gia Kiểng đã không ngần ngại cho nét chính ấy là Ông là một con người lý lịch không rõ rệt.

Phần tôi nghĩ rằng lý lịch không rõ rệt của ông Hồ là một điều không quan trọng. Cho dù bố ông Hồ chẳng may có theo Tây thì không phải vì thế làm mờ đi cuộc đời chính trị của ông Hồ.

Bệnh ấu trĩ và vĩ cuồng của người cộng sản một lần nữa cho thấy họ thiếu ý thức và hiểu biết nên mới che dấu, man khai về tiểu sử của ông Hồ. Thật ra về mặt nhân bản thì nên chấp nhận ông Hồ như là ông Hồ trong cái xấu lẫn cái tốt của ông ấy. Trong nhân cách cuộc đời một con người, bao giờ cũng có phần lỏng chảy (fluidity) từ xấu tốt qua lại.

Nhưng phần những người quốc gia, tôi không thấy cần thiết phải xoi mói để tìm ra những gian trá, bất nhất về ngày sinh tháng đẻ khác nhau cũng như đến 40 tên khác nhau của Hồ Chí Minh. Việc che dấu tên tuổi, đổi tên là một việc chẳng những bình thường và cần phải làm đối với một người làm chính trị như ông Hồ. Chẳng lẽ không che dấu tên tuổi và cứ chường mặt ra để bị bắt sao? Và mặc dù đã che dấu mà ông vẫn còn bị bắt như thế ở Hồng Kông. Xin được trích dẫn tài liệu báo chí ở Hồng Kông loan tin về việc ông bị bắt giữ này:

"Nguyen Ai Quoc, the supreme leader of the Annamite revolutionist has been arrested in Hong Kong. Nguyen, surnamed ‘The patriot’ by Frenchmen and Annamites, was a close associate of the late Dr. Sun Yat-sen. He was a prominent speaker at the Pan-Asiatic. Congress of Asiatic peoples at Canton in 1925, and as a honorary member of the Chinese Kuomingtan he had appeared at sessional meetings at which he spoke on the identity of aims between the Chinese and Annamite people."
(Trích như trên, trang tài liệu về hình ảnh)

Ông Hồ đổi tên, có đến 5 ngày sinh tháng đẻ khác nhau là điều hiểu được và đừng coi đó như một sự dối trá bản chất cần phanh phui ra. Ngay thời đó, ông đã "nổi tiếng" lắm rồi và người Pháp coi ông như một đối tượng phải truy lùng ở Trung Quốc và đồng thời tìm cách để dẫn độ ông về Việt Nam.

Thay đổi bất nhất về ngày tháng năm sinh cũng như tên tuổi không phải là lý do để lên án ông Hồ được. Có lẽ hay nhất là hãy xét đến những hoạt động của ông ấy và dựa trên đó đánh giá về ông.

Về đơn xin nhập học trường thuộc địa của Nguyễn Tất Thành

Mặc dầu rất trân trọng một số tài liệu lưu trữ mà ông Vũ Ngự Chiêu đã tìm được trong thư khố ở Paris, tôi vẫn không đồng ý việc suy diễn có nhiều hậu ý về hai lá thư sau đây. Hai ông Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu sao lục được hai lá thơ xin học trường thuộc địa Paris trong thư khố Paris và trong đó cho thấy Nguyễn Tất Thành bị bác đơn. Ông Vũ Ngự Chiêu nhân cơ hội đó đã viết bài, "Từ mộng làm quan đến đến đường Cách Mạng Hồ Chí Minh và trường thuộc địa" đăng trên báo Đường Mới, số 1, Paris, 1983, trang 8-25 (Trích lại trong Án tích cộng sản Việt Nam, Trần Gia Phụng, trang 403). Tôi cho rằng tựa đề bài báo trên có phần ác ý. Nguyễn Tất Thành muốn sang Pháp thì phải tìm mọi cách đi làm bồi Tầu, rồi nghĩ cách để học hành. Học ở đâu, nếu không phải là xin vào trường thuộc địa ở Paris. Làm đơn thì không khỏi có chỗ năn nỉ. Cho dù có xin học trường thuộc địa thì căn cứ vào đâu để nói ông có tham vọng đi làm quan? Cho dù ông có được nhận vào học trường thuộc địa đi nữa thì ông vẫn có thể tranh đấu chống Pháp.

Và cả đời ông đã chứng minh điều đó. Con người ông là con người muôn mặt. He is multifaceted. Và kể từ khi vào Sàigòn năm 1911, mỗi bước đường ông di là một kinh nghiệm một học hỏi, một khám phá, một nhẫn nhục chịu đựng, một cách đối phó, ứng xử để tồn tại và ông có thể làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu mong muốn. Một thanh niên quê mùa lần đầu tiên vào Sài Gòn được thấy đèn điện, được mút cây kem lần đầu đều là những khám phá. Rồi đến khi lên Tầu buôn, Nguyễn Tất Thành trở thành Văn Ba, học ăn cơm tây, ăn thịt bò, ăn khoai tây và ăn súp cũng bằng cái xiên trên tầu Amiral Catouche-Tréville. Và làm thế nào để thuyết phục được viên thuyền trưởng chấp nhận cho một thanh niên gầy ốm yếu như thế làm bồi Tàu? Phải phấn đấu để lo cho cái dạ dày trước đã.

Đến Paris, chữ Tây ăn đoong, Quốc gạ gẫm một cô đầm, làm bồi để cô ấy kèm thêm tiếng Pháp và sau đó dời Marseille lênh đênh thêm hai năm nữa.

Nhưng trước khi dời Marseille, Quốc đã viết hai lá thư xin nhập học trường thuộc địa. Và chính vì hai lá thư này bổ xung thêm vào những tranh cãi về cuộc đời của ông.

Việc xin đi học trường thuộc địa sẽ không gây một tì vết gì đến cuộc đời làm chính trị của ông sau này nếu hồ sơ này được bạch hóa ngay từ đầu.

Cái sai lầm, cái làm hoen ố cuộc đời chính trị của ông Hồ vẫn là cái tội che dấu của Hà Nội. Đáng nhẽ thay vì che dấu thì viết như thế này, Để đi tìm con đường cứu nước, Bác Hồ bắt đầu xin làm bồi trên các thương thuyền và sau đó muốn khởi đầu sự nghiệp tranh đấu, xin học trường thuộc địa... Nhưng đơn bị người Pháp từ chối. Việc đã không thành. Bác tiếp tục con đường tranh đấu...

Viết như thế thì sau này ai bắt bẻ được? Và cái công sao lục của ông Vũ Ngự Chiêu lúc đó chỉ có giá trị như một tấm giấy hành chánh thông thường. Nhưng nếu ta trích dẫn đầy đủ nguyên văn câu của cậu Quốc thì như sau, "Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được hưởng những ích lợi của nền học vấn."

Chỉ căn cứ vào một lá đơn xin học này đã vội cho rằng ông Hồ có mộng làm quan thì có phần quá đáng chăng? Cuộc đời của ông Hồ ở Paris là một cuộc đời hoàn toàn của một người làm chính trị, tìm con đường cứu nước như tất cả những người khác. Năm 1925, ai là người đưa ra Le Procès de la colonisation Francaise? French colonisation on trial. Viết thì có thể nhiều người tài giỏi trí thức hơn ông như Phan Văn Trường viết gì chả được. Nhưng dám công khai đưa ra lại là một chuyện khác. Thật rõ ràng như vậy.

Mà nếu chỉ căn cứ vào những lá đơn như thế thì chẳng những không phải chỉ cậu Nguyễn Tất Thành mà ngay cả khi đã là Hồ Chí Minh, ông Hồ đã viết nhiều thư năn nỉ như thế: 8 lần gửi thư cho TT Mỹ không được trả lời. Thư năn nỉ J. Sainteny, năn nỉ Staline, năn nỉ Mao Trạch Đông, hối lộ tướng Lư Hán bằng tiền quyên được trong tuần lễ vàng, đi phò Borodine, đi theo Tôn Dân Tiên, liên lạc tìm sự giúp đỡ của Tình báo chiến lược Mỹ OSS tại Tuyên Quang, liên lạc với thiếu tá Allison K. Thomas. Và người nào đã gặp Hồ Chí Minh rồi thì đều không thiếu lời khen ngợi. Nguyễn Tất Thành năn nỉ mọi người, tất cả những ai có thể năn nỉ miễn là đáp ứng được nguyện vọng của ông.

Các nhà viết sử sau này lấy làm tiếc là nhà trắng có thể đã bỏ cơ hội bắt tay với Hồ Chí Minh, "There is good reason for kepticism, then, that a conciliatory gesture from the White House in 1945 or 1946 would have been sufficient to lure Ho Chi Minh and his colleagues onto the capitalist road." (Trích như trên)

Không nên nhìn ông Hồ đơn giản như thế.

Phải nhìn ông Hồ Chí Minh như một người của thời cuộc. Pierre Brocheux gọi là "Man of Situations" biết lợi dụng thời cơ, hơn nữa là một event-making man.

Đó là một con người làm chính trị muôn mặt. Việc đánh giá cũng phải muôn mặt.

Vấn đề tổ chức sinh nhật 100 năm sinh nhật Hồ Chí Minh như một danh nhân thế giới

Theo ông Nguyễn Văn Trần ở Paris trình bày cho biết, nhà nước cộng sản qua ông Nguyễn Đông Giang đã gửi một đơn lên Unesco ghi vào chương trình tổ chức sinh nhật thứ 100, sinh nhật Hồ Chí Minh như một danh nhân thế giới. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Trần cho hay, nội dung Quyết nghị này không có câu: Hồ Chí Minh là danh nhân thế giới và đồng thời Unesco từ chối đứng ra tổ chức sinh nhật thứ 100 của Hồ Chí Minh.

Người viết xin gửi thêm một thông tin do ông Phương Nam, viết trên Văn Tuyển để phơi bày sự dối trá của chính quyền trong nước. Theo ông Phương Nam thì tại Việt Nam cho thấy, sách Giáo dục công dân lớp 7, nhà xuất bản giáo dục năm 1997, trang 53 đã công khai có một bài đọc thêm nhan đề Tinh hoa của dân tộc Việt Nam góp phần vào tinh hoa thế giới. Nội dung khẳng định một sự kiện là Tổ chức giáo dục và khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, tức Unesco United Nations Educational, Scientific and Cultural Organisation đã ra một nghị quyết công nhận ông là một danh nhân thế giới, trong đó có đoạn:

"Chủ tich Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng cho nhân dân Việt Nam, góp phần vào công cuộc đấu tranh chung cho các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ."
(Trích Nghị Quyết Unesco, sách đã dẫn).

Thật ra Hồ Chí Minh mới chỉ nằm trong danh sách tên những người được đề cử và cụ thể chưa có một nghị quyết nào như vậy. Hồ Chí Minh chưa bao giờ được chính thức công nhận là danh nhân thế giới cả.

Hà Nội dám phịa ra như thế đấy.

Vấn đề vợ con của Hồ Chí Minh

Đây thực sự là một vấn đề "nhạy cảm" chính trị, nhưng thật ra lại là vấn đề bình thường. Một lần nữa cho thấy đảng cộng sản đã làm một việc vô bổ khi tìm cách che dấu đời sống tình dục của ông Hồ. Việc ông Hồ có nhiều mối tình lang bang chưa hẳn đã xấu xa.

Chính việc che dấu làm cho nó trở thành bậy bạ, nhảm nhí, lừa dối dân chúng.

Mao Trạch Đông là một lãnh tụ hàng đầu của cộng sản quốc tế, có bao giờ đám cận thần cần che dấu đời sống tình dục rất tham lam vô độ của Mao Trạch Đông? Bây giờ mọi việc che dấu cho một "lãnh tụ hy sinh cho đại cuộc, không vợ con" đã bị đổ bể và được phanh phui ra cả...Thật ê mặt.

Việc phanh phui này trở thành nỗi nhục ê chề cho đảng và nhất là đụng chạm đến uy tín của ông Hồ. Ông Hồ là người thiếu đạo đức vì có vợ nọ con kia. Cái vô đạo đức của ông nằm ở chỗ ông Hồ biết chắc cô Xuân có con với mình và để bảo vệ uy tín cá nhân, ông đã sẵn sàng để cho bộ hạ thủ tiêu người con gái xấu số đó.

Ông đã giết vợ con ông. Đó là điều không thể tha thứ được. Và như ông Bùi Tín nhận xét, đứa con ông Hồ suốt đời mang nỗi hận mình là con rơi vô thừa nhận.

Chỉ việc này thôi, cá nhân ông Hồ cũng như bọn cận thần của ông trở thành một bọn người bất nhân, bất nghĩa, tàn bạo không tha thứ được

Theo Duiker, trong một dịp tiếp một phái đoàn chính thức của Trung Quốc dưới quyền đồng chí Tao Zhu khi viếng thăm xã giao Hồ Chí Minh, bất ngờ, ông Hồ yêu cầu ông Tao Zhu, một người bạn cũ của ông giới thiệu cho một phụ nữ Tàu còn trẻ để làm bạn, người tỉnh Quảng Đông. Quảng Đông nhắc nhở chúng ta đến mối tình của ông mấy chục năm trước khi còn bôn ba bên Tầu. Ông Tao Zhu có hỏi lại Hồ Chí Minh tại sao không nhờ các đồng chí trong Ban Trung Ương đảng kiếm cho một đồng chí nữ trong nội bộ đảng. Ông Hồ cười và trả lời giản dị, Everyone calls me Uncle Ho. Khi về nước, Tao Zhu báo cáo lên Thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai). Ông Chu Ân Lai thấy đây là một vấn đề tế nhị nên hỏi lại các đồng chí ở Bắc bộ phủ. Sau đó không hiểu sao vấn đề bị chìm xuồng.

Hình ảnh ông Hồ thực sự là như thế đấy, sắp chết mà vẫn còn đèo bồng gái trẻ.

Vào tháng tư năm 2001, khi Nông Đức Mạnh, một cán bộ cộng sản ít ai biết tới được bầu làm Tổng bí thư đảng, rất nhiều dư luận Hà Nội lúc bấy giờ cho rằng Nông Đức Mạnh là con rơi của Hồ Chí Minh. Tin đồn hay dư luận thì có thể vẫn là tin đồn, nhưng tin đồn chỉ có thể phát triển trong một chế độ mà mọi chuyện đều bị che đậy, dấu kín.

Một lần nữa, ai bôi nhọ uy tín ông Hồ? Chính họ, những người cộng sản Hà Nội, chứ không phải những nhân chứng trong bộ phim này.

Vấn đề "tội ác" Hồ Chí Minh, thủ tiêu, ám sát người của các đảng phái và Tết Mậu Thân

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chính quyền cộng sản không bao giờ chính thức thừa nhận việc họ đã ám át các người củcác đảng phái. Họ cũng không nhìn nhận chính thức về những việc sát hại mấy ngàn đồng bào vô tội ở Huế. Những danh từ quen thuộc thời kỳ những năm 1940-1945 đó là những chữ: Khủng bố, ám sát, thủ tiêu, trôi sông, chém đầu, ném lựu đạn, chôn sống, thả biển, mò tôm.

Ngày nay, không có những số liệu, không có thống kê, chỉ có những lời, những chữ, những nỗi sợ và những nhân chứng còn sót lại.

Người ta ước định có 100 triệu nạn nhân trên thế giới này đã chết vì các cuộc tàn sát của các chế độ cộng sản. Ở Việt Nam, con số ước tính trong hai cuộc chiến là 5 triệu người.

Chúng ta không có cách gì biết được con số đích xác những người quốc gia đã bị giết do tay cộng sản. Nhưng bổn phận chúng ta vẫn là phải nhắc lại cho mọi người biết về sự tàn sát ấy.

Các tác giả nổi tiếng viết về Hồ Chí Minh kể từ thời Pháp1945-1954 như Paul Mus, Jean Lacouture, Jean Saniteny đều có khuynh hướng tả phái đến những tác giả thời 54-75 như Stanley Karnow, Daniel Ellsberg, David Halberstam, Bernard Fall, Frank Snepp thường cũng theo cái hướng đó nên thường không đề cập đến những vấn đề bất lợi cho cộng sản nếu không nói là tránh né vấn đề này.

Phần lớn các tác giả Tây Phương thường lạnh giá đến thản nhiên trước những lời tố cáo tội ác Hồ Chí Minh ngay từ thời 1945-1954 và 1954-1975. Những tác giả mới đây như William. J Duiker, Pierre Brocheux và Sophie Quinn-Judge thì tương đối khách quan hơn. Dầu vậy bây giờ như Pierre Brocheux vẫn còn nghi ngại, ít coi những ghi chép của Vũ Thư Hiên trong Đêm giữa Ban ngày về những câu chuyện kể lại của ông Vũ Đình Huỳnh là tư liệu đáng ghi lại. Họ chỉ muốn căn cứ vào tài liệu chính thức thay vì thứ oral history.

Sau khi đọc khá nhiều các tác giả ngọai quốc ở trên, tôi thấy họ vấp phải một quan điểm nhìn khá "ngây thơ" đến khờ khạo về con người Hồ Chí Minh. Và ai trong bọn họ gặp Hồ Chí Minh rồi thì đều không khỏi bị hấp dẫn bởi con người ấy: giản dị, bình dân đến chất phác pha trộn cái học thức với cái cung cách nhà quê, chân thực, nồng ấp, đầy đạo lý Cách mạng và luân lý Khổng Mạnh và chan hòa tình người.

Họ đều nhầm lẫn. Nói trắng ra, họ bị lừa.

Lý do là họ không hiểu được cá tính con người Việt Nam và người Á Đông nói chung. Người Việt Nam, nhất là người Trung Hoa có một lối xã giao, cư xử đến cực kỳ lễ phép, khéo léo che đậy mà không dễ nắm bắt được ý đồ bên trong của họ. Họ giả lả, cười nói đấy, nhưng "nói dzậy mà không phải dzậy".

Con người Hồ Chí Minh cũng như việc làm của Hồ Chí Minh đều che đậy, đều nhiều mặt mà chỉ người Việt Nam may ra mới biết được bộ mặt thật của ông ta, mặt trái cũng như mặt phải. Tôi cũng chưa đọc được một cuốn sách do người Tàu viết trong đó ca tụng ông Hồ. Phải chăng hơn ai hết, họ hiểu những lá bài tẩy sất của ông Hồ ...

Vậy người Việt quốc gia có bổn phận phải phá lớp băng nguội lạnh thản nhiên của những tác giả khuynh tả và cho thấy rằng có những mặn ngọt chua cay đủ thứ trong chủ nghĩa cộng sản, trong con người ông Hồ. Vấn đề là chính chúng ta phải viết trung thực.

Cho đến hiện nay, người cộng sản không nhìn nhận một cách chính thức bất cứ một vụ thủ tiêu hay ám sát người của các đảng phái hay "Việt gian" nào một cách chính thức.

Trong khi đó, người cộng sản thực sự trở thành một ám ảnh sợ hãi đối với dân chúng cả miền Nam lẫn miền Bắc. Cảm giác đó còn đọng lại như một kỷ niệm khó quên khi tôi nhớ lại lúc tuổi còn nhỏ. Tôi đã biết sợ cộng sản từ đó rồi. Tác giả Dương Thu Hương đã cho thấy tận mắt cảnh tượng người dân vô tội bị chết oan như thế nào lúc bà được 8 tuổi. Riêng trong cải cách ruộng đất, cộng sản đã nhìn nhận đã có hơn 100.000 người đã bị chết oan.

Không có một nhân chứng sống nào để làm chứng cho những vụ này. Trong bộ film nhiều tập Viet Nam: A History, Stanley Karnow đã lôi ra được những nhân chứng cả hai phía trong vụ Tết Mậu Thân, trong đó đặc biệt có lời trần tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Phải nghe một vài phút phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường mới hiểu rõ bản chất con người thật của ông như thế nào.

Cho nên nhìn lại cuộc di cư 1955, tôi nghĩ rằng, yếu tố duy nhất và then chốt làm người ta bồng bế nhau chạy trốn khỏi miền Bắc là sự sợ hãi cộng sản...

Phần cuốn phim, tôi cũng thấy sự trình bày chưa được đầy đủ về vấn đề này. Nhất là việc thủ tiêu, giết hại người của các đảng phải.Thiếu những nhân chứng sống gián tiếp hay trực tiếp đã chứng kiến những vụ thủ tiêu, tàn sát này. Cũng vậy, thiếu những nhân chứng sống mà gia đình vốn là nạn nhân của các vụ Cải cách ruộng đất.

Bộ phim chưa lột tả cho đủ những hình ảnh bắt cóc, thủ tiêu, trôi sông của thời kỳ 45.

Thật tiếc lắm.

Xem thêm chú thích 1

Có những nhân chứng sống ấy kể lại cha ông mình, bạn bè mình, bộ phim chắc hẳn có giá trị thuyết phục hơn nhiều.

Ông Hồ Chí Minh là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp các cuộc khủng bố và thủ tiêu các đảng phái, các người Quốc Gia.

Nhưng về vụ tết Mậu Thân thì có một số tác giả như William J Duiker, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín đồng ý rằng lúc ấy, ông Hồ đang ở Bắc Kinh mà tình trạng sức khỏe rất là suy sụp. Ông không thể trực tiếp hay gián tiếp can thiệp vào vụ Tổng tấn công tết Mậu Thân. Tất cả đều do phe cánh Lê Duẩn chủ động như thể "qua mặt" ông Hồ và cũng không thể căn cứ vào 4 câu thơ của ông làm để gán trách nhiệm cho ông được.

William J. Duiker đã viết về vấn đề này như sau:

"Poliburo member Le Duc Tho visited Ho Chi Minh, who was still in Beijing, to brief him on the results of the Tet offensive... Ho was delighted. When Tho informed him of his own upcoming trip to the South to evaluate post-Tet conitions, Ho expressed a fervent wish to accompany him . Tho attempted to dissuade him.. .. In Ha Noi, the request was qietly shelved ..."

"In this absence, the Politburo had engaged in a momentous debate on whether to launch the long-awaited "general offensive and uprising" that had been under consideration since the beginning og the decade" (Trích Ho Chi Minh, a life, William J . Duiker, trang 557-558).

Nhưng mới đây, với một bài viết khá quan trọng của tác giả Minh Võ, nhan đề "Dương Thu Hương, hãy đọc chương trình này", đăng trong DCVOnline.net, ngày 15/09, tác giả muốn chứng minh ngược lại bằng đủ nguồn tài liệu và luận cứ cho thấy rằng quan điểm của một số tác giả phương Tây cũng như Việt Nam về vai trò Hồ Chí Minh trong một số quyết định là sai lầm. Tác giả Minh Võ cho rằng tất cả những biến cố chính trị quan trọng như cải cách ruộng đất, trận đánh Tết Mậu Thân đều có bàn tay Hồ Chí Minh đứng đằng sau. Lê Duẩn là người được ông Hồ chọn lựa trong vai trò bí thư thứ 1 không phải "tiếm quyền" "qua mặt ông" như mọi người lầm tưởng. Duẩn, Thọ, hay Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, thuộc phe cánh nào đi nữa không thể quyết định bất cứ điều gì mà không được sự thỏa thuận của ông Hồ. Ông Hồ vẫn giữ vai trò quyết định và chủ chốt trong mọi sách lược.

Quan điểm của tác giả Minh Võ không phải là không có chứng lý đủ mạnh để thuyết phục mọi người .

Vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh

Toàn thể các vị được phỏng vấn đều cho rằng ư tưởng Hồ Chí Minh là không có. Và Hồ Chí Minh không có đủ tư cách trí thức gì để thực hiện được điều ấy? Trong khi đó đã có sẵn tư tưởng của Marx-Lenin rồi? Người duy nhất trong các lãnh tụ cộng sản, sau Lenin có thể làm được điều ấy là Mao Trạch Đông. Các nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác đều đồng ý cho rằng Mao là người kế thừa kế duy nhất tư tưởng cách mạng vô sản của chủ nghĩa Marx-Lenin. Những tư tưởng ấy sau này được coi là tư tưởng Maoist.

Và câu khẩu hiệu chiến lược của cộng sản Việt Nam là: Chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng.

Quay lại với Hồ Chí Minh, ông đã đề ra tư tưởng gì? Xuất hiện từ lúc nào?

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh

Nếu chịu khó tìm hiểu và truy lục điều lệ Đảng thì trong đại hội 2 của đảng cộng sản Việt Nam có ghi rõ như sau: Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông và phong cách Hồ Chí Minh. Nghĩa là chỉ có một chủ nghĩa cộng sản Mác-Lênin soi đường và tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Rồi áp dụng tư tưởng Mao Trạch Đông trong những đường lối, sách lược trong cải cách xã hội. Chữ phong cách Hồ Chí Minh mà người ta gán cho ông thì cho đến nay tôi chưa có cơ hội được giải thích như thế nào. Một thứ vá víu, một thứ nửa sự thật, một thứ thêm vào cho có lệ, một thứ trang hoàng. Có thể là phong cách ấy được áp dụng trong đời sống thường ngày?

Nhưng sang đến đại hội 9, người ta đã đưa ra một bản báo cáo, trong đó có chữ tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ phong cách Hồ Chí Minh sang Tư tưởng Hồ Chí Minh đã hẳn có một bước nhảy vọt. Xin trích dẫn bản báo cáo:

"Đến nay, đảng ta đã bước đầu hình thành những nét cơ bản một hệ thống công cuộc đổi mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, làm cơ sở khoa học cho đường lối của Đảng, góp phần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội."

Như vậy phải chăng từ đại hội 9, tư tưởng Hồ Chí Minh chính thức thay thế phong cách Hồ Chí Minh? Sự thay đổi này theo Trần Gia Phụng và Nguyễn Hữu Thống là do sự sụp đổ các nước Đông Âu và tiếp theo đó Liên Xô. Chủ nghĩa chiến lược vốn là điểm tựa chiến lược cho đường lối của đảng nay đã sụp đổ không lẽ cứ bám vào nó? Vì thế, cộng sản Việt Nam thấy cần thiết phải thêm vào đó cái đuôi tư tưởng Hồ Chí Minh, mặc dầu Hồ Chí Mình đã chết. Nhưng tư tưởng ấy là tư tưởng gì?

Thông thường thì đó chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền tùy theo mỗi thời kỳ. Gọi là tư tưởng là gọi một cách gò ép. Nhưng nếu chính thức thì theo như bà tiến sĩ Đặng Thị Nhiệt Thu, tạp chí lịch sử đảng tháng 3, 2005 thì tư tưởng Hồ Chí Minh có thể tóm tắt trong phần mở đầu tác phẩm "Dân Vận 1949"

nhiêu lợi ích đều là của dân. Bao nhiêu quyền hạn cũng thuộc về dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Chính quyền từ xã tới Trung Ương do dân tổ chức nên đoàn thể từ Trung ương đến xã cũng do dân xây dựng. Người còn chỉ rõ: "Dân chủ thì mọi người có quyền tự do tư tưởng thảo luận, tranh luận cùng nhau tìm tòi chân lý. Khi chân lý đã tìm thấy, thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý."

Tôi đã viết một bài trong tạp chí Đi Tới mang tựa đề: Về một môn học... Trong bài này, tôi đã trích dẫn đoạn trên và cho rằng tôi thấy nó mỉa mai quá, trân tráo quá coi thường lương tri con người... Nó là một thứ lý luận ngụy biện hơn cả ngụy biện. Một thứ ngụy biện quỷ quyệt đến khôi hài.

Cái gì cũng thuộc về dân, của dân, do dân làm chủ. Như toàn thể đất đai là của dân. Mà thực tế dân không có mảnh đất cắm dù. Với tương lai 10 triệu dân thành phố, Sài Gòn sẽ trở thành mảnh đất mà người dân khi chết không có chỗ mà chôn.

Mỉa mai thay cái tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sau đó được áp dụng vào giáo dục theo thông cáo Bộ giáo dục, theo đó "Sinh viên các đại học, Học viện, các trường Đại học, CĐ hệ chính quy, nếu đủ điều kiện quy định theo quy chế phải thi cuối khóa các môn khoa học Mác-Lêninn, tư tưởng Hồ Chí Minh." (Trích Hạ Anh, Vietnamnet, ngày 22/12/2004)

Với môn học bắt buộc ấy nên nó trở thành một môn học mà thày không muốn dạy và trò không muốn học.

Nay thì chính quyền đã phát động Học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh và theo gương bác hồ do ông Nông Đức Mạnh ký 2007 bao gồm: "Tập trung vào các phẩm chất cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng lãng phí." Xem thêm chú thích 2.

Theo thông tin do VTV cung cấp thì phong trào học tập này đã "lan sâu vào lĩnh vực tôn giáo" và các vị sư sãi nay đã bắt đầu học tập theo gương bác Hồ. Tại sao chưa thấy các ông cha, bà sơ học tập?

Thay cho lời kết

Mỗi người xem xong cuốn phim Sự thật về Hồ Chí Minh có thể có được một hình ảnh chân dung đích thực về con người Hồ Chí Minh không? Tùy theo câu trả lời sẽ cho biết kết quả và tác dụng của cuốn phim này. Tôi không thể trả lời thay cho người khác.

Nhưng với tư cách người đã xem bộ phim, tôi thấy có trách nhiệm tinh thần góp một số ý kiến thêm với quý vị đã làm bộ phim.

Tôi thấy nó ngắn quá và cái scenario diễn ra rồi kết thúc khá đột ngột. Thiếu sinh động. Đến là một phim tài liệu cũng không có. Thiếu, thiếu nhiều thứ. Nó có vẻ thiếu một chiều sâu. Vấn đề nào cũng được đề cập tới một cách phiến diện... Người viết script không đào sâu được đầy đủ con người của Hồ Chí Minh.

Trong tương lai, nếu cần làm một bộ phim về Hồ Chí Minh cho thật đúng tầm, tôi thấy không ai đủ tư cách hơn tác giả Minh Võ, tác giả cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp trong vai trò viết thuyết minh. Có thể nói, ông là một. Stanley Karnov của người Việt Hải ngoại. Chẳng những ông đọc nhiều tác giả ngoại quốc, ông còn thu thập đầy đủ các tài liệu trong nước và đưa ra những nhận đích rất là thích đáng và hiểu biết. Rất tiếc, trong bộ film này, vai trò của ông rất mờ nhạt.

Phần cá nhân tôi, tôi theo dõi những bài nhận định của ông một cách thích thú nhất là bài "Dương Thu Hương, hãy đọc chương này" của ông.

Phải dựa trên lịch sử, dựa trên những diễn biến ấy xem sự tác động của Hồ Chí Minh như thế nào, dựa trên trục thời gian kéo dài từ 1911 đến 1969 chứ không dựa trên đề tài 6 điểm.

Đó là cái làm cho bộ phim trở thành một thứ tài liệu chết chứ không phải cuộc sống của con người ấy trong mỗi giai đoạn lịch sử. Muốn làm như vậy, phải xây dựng lại Sài Gòn vào những năm 1911, Trung Quốc, Hồng Kông, Paris, Marseille, Liên Xô, chiến khu, Hà Nội, v.v…

Và như thế, chúng ta sẽ có đến ít lắm 10 con người Hồ Chí Minh chứ không phải đơn thuần là một.

Tôi chỉ lấy một tỉ dụ khi xem bộ phim Viêt Nam, A History do Stanley Karnow viết script... Đạo diễn đưa ra hình ảnh Hồ Chí Minh đội nón, sắn quần, tay chống gậy, lội qua một con suối.. Theo sự kể lại của nhà văn Vũ Thư Hiên thì đây chỉ là màn trình diễn, đóng kịch. Hồ Chí Minh đang đi dép, thấy con suối đã bỏ dép ra và "lội chơi" để cho chụp. Con người thật của Hồ Chí Minh là như thế đậy

Trong khi đó, một hình ảnh thứ hai quay chụp cảnh ông Diệm đi thăm đồng bào bị bão lụt. Người quay phim cũng như cán bộ địa phương đều thiếu tâm lý quần chúng chụp cảnh ông Diệm ngồi trên một con thuyền gỗ, các sĩ quan lội nước đến đầu gối đi hai bên đẩy thuyền. Phần ông Diệm đội mũ phớt, mặc bộ complet trắng, tay chống một chiếc ba toong, rồi thay vì ngồi trên một ghế đẩu, cán bộ địa phương đã bê cả một ghế bành lên thuyền, trông ông Diệm oai vệ lắm.

Xem xong hai cảnh đó, tôi rất buồn. Không có một thứ cố vấn dám chỉ cho ông Diệm không nên mặc như thế, không nên ngồi như thế, coi "mất lòng dân lắm". Cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc than làm tùy viên cho ông cụ vất vả lắm, ông cụ chịu khó đi thăm dân, nhiều khi ngủ lại xã ấp, hai thày trò mỗi người một cái ghế bố qua đêm. Cảnh đó thì cán bộ điện ảnh bộ thông tin lại không dám quay, chỉ thấy quay ông cụ đi duyệt hàng quân, chào cờ, hoan hô Ngô Tổng Thống, đi đâu cũng quang cảnh đó tái diễn... thật là chán.

Mao Trạch Đông hành quân ngồi trên mình ngựa và điều làm cho uy tín của ông vang dội đi khắp nơi là cảnh ông cởi trần bơi qua sông. Trong khi đó, Tưởng Giới Thạch đi đâu cũng mũ kép, lon chậu oai vệ lắm. Dưới tay có 8 triệu binh đội mà để thua một người có lúc binh đội chỉ còn vỏn vẹn có 5000 người .

Phim là dùng ngôn ngữ bằng hình ảnh nói thay cho lời nói. Điều đó, tôi không thấy trong các cảnh trí của cuốn phim...

© DCVOnline
___________________________________________

Chú thích 1 ‒ Xin ghi lại một vài vụ qua tài liệu sách vở.

Vụ Ôn Như Hầu vào giữa năm 1946 ở Hà Nội. Song song với chiến dịch khủng bố, cộng sản dàn cảnh cho vùi một thây ma đã rữa nát trong khuôn viên trụ sở Việt Nam Quốc Dân đảng ở đường Ôn Như Hầu, trước mặt hồ Ha-Le rồi vu khống đảng viên Việt Quốc thủ tiêu người để đoạt của... Trong cuốn Lớn Lên Với Đất nước, tác giả Vi Thanh đã sưu tập được rất nhiều tài liệu, bằng cớ về sự tàn bạo của cộng sản.

Trong đó, tác giả Tôi Bỏ Đảng thuật lại như sau:

"Trong đại đội anh hùng chiến sĩ thi đua 1952 được đón bác Hồ đến thăm, Bác căn dặn: Mỗi lần giết được Tây hoặc Việt gian thì phải viết giấy cài lên áo công bố tội trạng. Nếu muốn cho xác người chìm xuống thì các chú phải mổ bụng và bổ đôi thì cái xác mới chìm xuống được."

Trong tác phẩm Lòng Nhơn Ái: 200 năm khai khẩn, tác giả là nhân chứng đã sống trong vùng sông Hậu kể lại truyện "mò tôm" trong những năm sau ngày 19 tháng 8 như sau:

Chủ trương "thà giết lầm còn hơn thả lầm" của Việt Minh làm ban đêm "chó không dám sủa". Rồi thì sáng hôm sau có cái xác trong bao bố lềnh bềnh trôi tấp vào cảng gạch, đó gọi là "bịt miệng bao". Còn cái xác cột vào cục đá chìm xuống đáy sông thì gọi là "đi mò tôm". Đôi khi trôi tấp vào cảng gạch không phải một hai cái xác bị bỏ xâu! Ở nhượng nơi gót chân bị cọng dây chì gài xỏ qua rồi cột vào cây tre, đó gọi là "khất nhượng xỏ xâu".

Ai mà biết được những xác đó là những ai? Nước lớn trôi vô, nước ròng trôi ra! Cá tôm rỉa tưa tải hết đâu còn nhận diện được.

Và đây là Hồi ký trích lại từ chính những người cộng sản đổ trách nhiệm cho Phật giáo Hòa Hảo trong những vụ thủ tiêu người. Ai đúng, ai sai? Lấy gì để kiểm chứng? Nguyễn Đăng, tham mưu trưởng Việt Minh trong hồi ký Hành trình Cần Thơ-Hà Nội kể lại truyện trên đường đi ra Bắc dự khóa 1 Quốc Hội, có nói đến cảnh "mò tôm" dưới mắt người cộng sản như sau:

"Điều khổ tâm, đau xót hằng ngày trên suốt đường đi phải chứng kiến nỗi cực nhọc, đau khổ của đồng bào. Cứ qua một đoạn kinh hay sông, rạch thì gặp xác người cột chung vào một cây tre, nổi lình bình. Đó là những nạn nhân của bọn Hòa Hảo phản động trong thời kỳ này. Đó là những cán bộ chiến sĩ bị sa cơ, là những người dân lành bị nghi là Việt Minh hoặc những người bị vu là Việt Minh do có tư thù. Chúng đánh đập nạn nhân rồi nhận chìm dưới sông cho chết, gọi là đi "mò tôm".

"Vì vậy, chúng tôi không dám lấy nước dưới kinh, rạch để uống hay nấu ăn mà phải đợi trời tối, lén chèo ghe ra giữa sông lớn múc nước để dùng."

Còn không biết bao nhiêu tài liệu, nhân chứng viết về vấn đề này như Hồi ký Nam Đình, Minh Võ trong bài Hồ chí Minh và vị đại anh hùng ái quốc, Ngô Văn trong Việt Nam 1920-1945, Hoàng Hoa Khôi trong Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam, Vi Thanh trong Lớn Lên Với Đất Nước.

Chú thích 2 ‒ Và sau đây trong một bài viết nhan đề Đạo đức Hồ Chí Minh chỉ để rao giảng chứ không để thực hành. Theo Blogger Dòng sông Xanh tiết lộ cho biết khi tứ trụ Việt Nam đi công tác ở nước ngoài thì đều xử dụng chuyên cơ. Có nghĩa là xử dụng riêng một máy bay của Hàng không Việt Nam. Bốn tứ trụ là Tổng Bí thư, chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nhà nước, Thủ tướng.Tính ra trung bình mỗi vị đó đi nước ngoài 2 lần rưỡi thì chi phí cho ngân sách phải chi trả cho hàng không Việt Nam là 5 triệu đô la, tương đương với 90 tỉ đồng...

Trong khi đó Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore, một nước nhỏ giàu gấp bội lần Việt Nam khi tham dự Hội Nghị Apec ở Việt Nam năm 2006, ông đã dùng máy bay hàng không dân sự Tiger Airway, giá rẻ để sang Việt Nam. Các thủ tướng Thái và nhiều quốc gia khác khi sang Việt Nam cũng xử dụng máy bay dân dụng như mọi hành khách...

Đó là cách thực hiện chủ trương làm theo gương Bác Hồ của các vị lãnh đạo Việt Nam...

Đặc biệt blogger Nguyễn Văn Tuấn (một chuyên gia, nghiên cứu, giáo sư y khoa ở Úc) kể chuyện đi tham dự một khóa hội thảo chuyên đề gồm 270 người ở đảo Phú Quốc. Măc dầu có giữ vé trước và giữ phòng ở khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort. Nhưng thứ trưởng Hoàng Trung Hải và đoàn tùy tùng ra thị sát Phú Quốc đồng thời. Một số khách đã bị đuổi đi thuê phòng ở chỗ khác để dành các phòng đó cho đoàn tùy tùng của ông Hoàng Trung Hải. Và 10 vị không tham dự được Hội thảo vì phải dành vé cho người của ông Hoàng Trung Hải mặc dầu vé đã đặt mua vé trước đó cả tháng.

Riêng Nguyễn Văn Tuấn thì có thói quen ngồi ăn sáng ở lầu hai để ngắm cảnh biển. Nhưng Hoàng Trung Hải và đoàn tùy tùng đã dành trọn tầng hai và theo nguyên văn của Nguyễn Văn Tuấn: "Nhưng vì sự có mặt của Hoàng Trung Hải nên tôi và một số bạn bị đuổi xuống tầng dưới. Làm quan lớn cỡ như ông Hoàng Trung Hải đúng là sướng thiệt vì được ăn trên ngôi trước cũng là một hình thức đóng vai các quan thuộc địa của Pháp."

Nguyễn Văn Lục

Bài viết này từ DCVOnline - Ngày: 21-09-2009
www.dcvonline.net

Ý kiến Bạn đọc
(DCVOnline không chịu trách nhiệm về nội dung của những ý kiến đóng góp từ bạn đọc)

(Chúng tôi chọn một số ý kiến của bạn đọc để đăng lại trong phần sau. xtt)


Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-18 23:43:30
bandoc

Trích:
Cái sai lầm, cái làm hoen ố cuộc đời chính trị của ông Hồ vẫn là cái tội che dấu của Hà Nội. Đáng nhẽ thay vì che dấu thì viết như thế này, Để đi tìm con đường cứu nước, Bác Hồ bắt đầu xin làm bồi trên các thương thuyền và sau đó muốn khởi đầu sự nghiệp tranh đấu, xin học trường thuộc địa... Nhưng đơn bị người Pháp từ chối. Việc đã không thành. Bác tiếp tục con đường tranh đấu...

Viết như thế thì sau này ai bắt bẻ được? Và cái công sao lục của ông Vũ Ngự Chiêu lúc đó chỉ có giá trị như một tấm giấy hành chánh thông thường. Nhưng nếu ta trích dẫn đầy đủ nguyên văn câu của cậu Quốc thì như sau, “Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi.Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được hưởng những ích lợi của nền học vấn.”

T/g phán như thánh ! Căn cứ vào đâu mà t/g cho rằng đảng CSVN biết NAQ đã viết thơ "xin học trường thuộc địa...", rồi sau đó trách đảng CSVN đã không đưa điểm này vào tiểu sử HCM "thì sau này ai bắt bẻ được?".

Hì hì hì ! HCM ( Hồ Tập Chương ) / Tình báo TQ còn chưa biết hết về Nguyễn Tất Thành ( Nguyễn Ái Quốc ) thì làm sao mà đảng ta biết hết được về lý lịch của NTT/NAQ ?.....cũng y chang đảng CSVN cũng không hề hay biết Bác có vợ Tàu ...mãi cho đến khi Daniel Hémery viết sách và kèm bản chụp lá thơ của Lý Thụy gởi cho người vợ Tăng Tuyết Minh vào năm 1990.

Lý Thụy (*) là tên cuối cùng của Nguyễn Tất Thành ( bị chết vì bịnh lao phổi trong ngục thất ở Hồng Kông vào năm 1933 ) và sau đó nhân vật P.C.Lin / HTC bổng nhiền xuất hiện ở Moskau chơi màn “Tráo Rồng Đổi Phượng”, quay về TQ làm Tình Báo cho HVB với Tên Hồ Quang, sau đó Hồ Quang về Pắc Bó chuẩn bị cho nhân vật HCM xuất hiện ở VN và Thế Giới....Và chỉ khi sách của Trần Dân Tiên ra mắt ở Hà Nội vào năm 1950 thì người VN mới "ngộ" rằng: Thì ra Bác Hồ nhà ta chính là NTT/NAQ. Đáng ngạc nhiên ở đây là sách của Trần Dân Tiên ra mắt đầu tiên bằng tiếng Tàu ở Bắc Kinh vào năm 1948 ( HCM viết tiếng Tàu giỏi hơn tiếng Việt là đây !)

(*) Cuối năm 1933, Tuấn đọc mấy tờ báo Pháp và An nam xuất bản ở Saigon và Hà Nội, thấy ở trang 4, trong một cột chữ nhỏ, một tin vắn tắt đại khái như sau đây :
Nguyễn Ái Quốc đã chết tại Hồng Kông vì bịnh lao "Tin người Anh cho biết vừa rồi Nguyễn Ái Quốc, kẻ phiến loạn cách mạng An nam (agitateur révolutionnaire annamite) bị chết vì bịnh lao phổi trong ngục thất ở Hồng Kông. “.....

Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc được lịnh trở lại (từ Nga) Hồng Kông tiếp tục hoạt động, nhưng bị người Anh bắt bỏ tù ngày 6 tháng 6 năm 1931. Bắt rồi được tha, Nguyễn Ái Quốc lẻn đi Singapore, nơi đây ông lại bị người Anh bắt lần thứ hai, đưa về Hồng kông, vào bịnh viện vì bịnh lao phổi.....

Dù sao họ cũng đã loan tin rằng Nguyễn Ái Quốc chết vì bịnh lao ở ngục thất Hồng Kông. Tờ báo Daily Worker, của đảng Cộng Sản Anh ở Luân Ðôn, cũng đăng tin xác nhận rằng Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ Cộng sản An nam, bị bịnh lao phổi đã từ trần trong ngục thất Anh ở Hồng Kông.
Nguồn: Tuấn, chàng trai đất Việt / Nguyễn Vỹ - 1969 -
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 01:18:10
Cửu Bình

Bác bandoc ơi,

Bọn Tàu Cộng chơi cái chiêu “Tráo Rồng Đổi Phượng” với ý đồ làm cho Việt Nam tiêu hao nhân tài nhân lực cùng tài nguyên quốc gia và tàn phá văn hóa truyền thống chống giặc Tàu phương Bắc thật là độc địa. Tôi xin đề nghị là nếu sau này NVHN có làm thêm cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh năm 2009, 2010,...." (tôi sẽ hết lòng ủng hộ--thí dụ tài chánh, nhân lực với khả năng của tôi) thì nhớ đừng quên cái điểm tối quan trọng là ông Hồ Chí Minh chính là một người Tàu gốc Hẹ tên là Hồ Tập Chương mạo danh lên nắm quyền nước Việt Nam.

"ông Nguyễn Gia Kiểng đã không ngần ngại cho nét chính ấy là Ông (Hồ Chí Minh) là một con người lý lịch không rõ rệt."

Cửu Bình tôi cũng rất đồng ý với sự nhận định trên của ông Nguyễn Gia Kiểng.
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 10:24:54http://[email protected]
Conglao

Theo ông Banđoc "Căn cứ vào đâu mà T/G viết NAQ làm đơn xin học truờng pháp"có đấy ông banđộc à! Trên diễn đàn nầy có post nhiều lần cái đơn đó ,xin ông Banđoc nhờ nguòi nào post truớc đây họ post lên trở lại cho ông rõ,hoặc nhờ BBT /DCV post cho ông thì rõ.
Cuốn phim SỰ THẬT VỀ HCM còn sai sót ở chỗ là HCM tức là Hồ tập Chuơng một nguời Tàu học tiếng VN sẵn sàng thay thế HCM thật ,sau khi chết 1931.DVD nầy cũng chưa lột hết đời tư của HCM như hàng trăm nguời tình và hàng ngàn cô vợ ,và Nông Đức Mạnh là con của NÔNG THỊ ....... với ông Hồ ,và Nguyễn Tất Thành con của Hồ với Nông thị Xuân .Sau khi sợ lộ tẩy giết Nông thị Xuân và chị là Nông thị Váng .Nguyễn Tất Thành đang sống cù bơ ,cù bất ở HN hiện giờ .Thế nên ,đám Hán gian nâng Nông đức Mạnh lên làm Vua nuớc Việt của cha hắn để lại .
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 11:35:05
bandoc

Bác Conglao hiễu sai ý tớ rồi, tớ chỉ muốn nói là t/g cho rằng đảng CSVN biết HCM xin vào "học trường thuộc địa" từ lâu rồi:

Căn cứ vào đâu mà t/g cho rằng đảng CSVN biết NAQ đã viết thơ "xin học trường thuộc địa..." ...trước cã khi Vũ Ngự Chiêu phát hiện ra được đầu tháng 2/1983 (*)

(*)TS Vũ Ngự Chiêu:
Ðầu tháng 2/1983, khi làm việc trên kho tài liệu trường Ecole coloniale, tức học hiệu huấn luyện các viên chức thuộc địa Pháp, trên đường Oudinot, quận 7, Paris, tôi vô tình khám phá ra nhiều hồ sơ học viên người Việt tại học hiệu này, như Bùi Quang Chiêu, Ðèo Văn Long, Phan Kế Toại, Trần Trọng Kim, Lê Văn Miễn, v.. v... tổng cộng khoảng 97 người (CAOM (Aix), Ecole Coloniale, cartons 27, 33 & Registers). Mục đích của tôi là tìm hiểu về những viên chức thuộc địa Pháp cùng thế hệ Tây học Việt Nam đầu tiên (ngoài những người tốt nghiệp các lớp huấn luyện ở các tu viện như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, v.. v...) để dùng cho chương Biến đổi văn hóa và xã hội của luận án Tiến sĩ. Thật vô tình, tìm thấy tập hồ sơ xin nhập học nhưng không được chấp nhận của Nguyễn Tất Thành, tức HCM sau này, cùng một người bồi khác được chủ Pháp mang về Paris. Ngoài hai lá thư viết tay gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Thuộc Ðịa, đề ngày 15/9/1911 tại Marseille, còn thêm ba tài liệu của Hội đồng quản trị trường. Trong biên khảo tam ngữ Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành (Paris: 1983) tôi đã trình bày khá rõ: Người mà chúng ta biết như HCM sau này đã rời nước không vì muốn tìm đường cứu nước, mà chỉ vì những tao ngộ bản thân (cha bị cách chức, tống giam, nên phải bỏ học nửa chừng, v.. v...). Từ cổng hậu đóng kín của trường Thuộc Ðịa, HCM sẽ tìm thấy cánh cửa mở rộng của Ðại Học Phương Ðông của Liên Sô Nga 12 năm sau.
Nguồn: Phỏng Vấn Sử Gia Vũ Ngự Chiêu Về Những Nghiên Cứu Lịch Sử Liên Quan Đến Hồ Chí Minh
Nguyễn Vĩnh Châu Thứ Tư, Ngày 26 tháng 8-2009
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 16:06:47
CHIỀU TÂY ĐÔ

TRÍCH:...
"Căn cứ vào đâu mà t/g cho rằng đảng CSVN biết NAQ đã viết thơ "xin học trường thuộc địa..." ... trước cã khi Vũ Ngự Chiêu phát hiện ra được đầu tháng 2/1983 (*)"...
---------------

Có thể tham khảo nơi đây(như là 1 cách chứng minh, để trả lời câu hỏi của anh "bạn đọc"):

Những chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn [nghean24h.com]
...
Trích (từ Link hướng dẫn trên):...

"Bác Cả Khiêm thổ lộ thêm:
- Năm 1911, bác được cụ Thượng thư Hồ Đắc Trung, bảo trợ cho bác vào làm một viên chức nhỏ trong Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Bác nhận được thư của chú Thành ngỏ ý với bác về việc xin vào trường thuộc địa. Bác có viết một lá thư lên toàn quyền Đông Dương, An-be-Xa-rô (Albert Sarraut). Nhưng chẳng có một sự đáp lại nào (5)... Một nụ cười héo hắt trên môi khô, bác cả Khiêm phải lướt nhẹ lưỡi thấm quanh vành môi, nói:
..."
-------------------
.......
(5) Mới đây, nhà nghiên cứu, bà Lê Thị Kính - Phan Thị Kinh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh đã phát hiện về tư liệu này - "Tại CAOIN - hồ sơ Tòa Khâm Sứ. Trung Kỳ có lưu công văn số R28-6971 ngày 25/5/1912 - Trang 191, Phan Châu Trinh.
.....
*****************************

Ghi chú thêm (từ CHIỀU TÂY ĐÔ):
Trích(từ link tham khảo trên):
....
"Tôi hỏi:
- Thưa O, hồi bấy giờ cậu Hồ Đắc Khải trên tuổi cậu Đạt, cậu Thành hay...
- Cậu Tất Đạt tuổi Mậu Tý (1888), cậu Tất Thành tuổi Tân Mão, còn cậu Hồ Đắc Khải tuổi Giáp Ngọ (1894). Quả là "con nòi của giống", cháu ạ. Về sau này, cậu Hồ Đắc Khải, cử nhân khoa Duy Tân ất Mão (1915), làm quan tới Thượng thư. Còn cậu Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di đều là "ông Nghè" tân học. Năm O mới ra tù đang bị quản thúc ở Huế, O được kiến diện bà con đất thần kinh đón rước ông nghè Hồ Đắc Điềm vinh quy bái tổ, người đông kín từ Đập Đá về làng. "....
---------------------
@ Theo tài liệu trên: Bà Thanh, chị ruột của Nguyễn tất Thành(tức Hồ chí Minh) cho biết: "...cậu Tất Thành tuổi Tân Mão... "
...
Có nghĩa là HỒ CHÍ MINH sinh năm 1891(*), năm TÂN MÃO (khác với trên giấy tờ là sinh năm 1990)!
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 16:13:54
CHIỀU TÂY ĐÔ

Link trên vào trực tiếp khó khăn, xin vào Link sau :

http://nghean24h.com/diendan/showthread.php?t=434&page=2
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 22:43:14
bandoc

Cám ơn bác CHIỀU TÂY ĐÔ chp cái Link, đây là 1 bào Viết lấy từ báo "Báo Sức khoẻ và Đời sống, số 150, 151, 152, tháng 12/2002". Bác tin lời nói "Bác Cả Khiêm" vào nằm 2002 trên báo đảng ta 1 cách dễ dàng như soa ?

Đảng ta phịa và bịa ra mấy hồi !
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 23:54:29
CHIỀU TÂY ĐÔ

VC bịa và phịa thì nhiều, nhưng không có nghĩa là: 'TẤT CẢ MỌI VIỆC đều PHỊA! " , nên duy nghĩ của anh: ..."Đảng ta phịa và bịa ra mấy hồi !"... , cũng khó mà nói là ĐÚNG hay CHÍNH XÁC được!.

Hơn nữa, nó lại là bài viết 'độc lập' với bài trả lời phỏng vấn của Vũ ngự Chiêu và tác giả SƠN TÙNG(ở trong nước) cũng không dễ dàng có các bài viết khác nhau của Vũ ngự Chiêu viết về Hồ chí MINH ! (để mà so sánh và tìm ra mọi cách để 'BỊA' khác nhau được !)

Hơn nữa, nếu nói như vậy, thì người ta cũng có thể nói Vũ ngự Chiêu cũng 'BỊA' 1 số dữ kiện
(Chỉ cần BỊA với 1 sai số rất nhỏ, thì SỰ KIỆN đủ SAI LỆCH LỚN rồi!)

Bởi vì vẫn chưa có người, làm KIỂM CHỨNG LẠI các tài liệu của Vũ ngự Chiêu đã từng đưa lên, đúng SỰ THẬT được bao nhiêu phần %?!
Thí dụ như: Bài COPY bằng tiếng Pháp, bức thư của NGÔ ĐÌNH KHẢ, cha của NGÔ ĐÌNH DIỆM, mà VNChiêu đưa lên công bố, có 1 số đoạn rất mờ (khó đọc được!); để rồi Vũ ngự Chiêu dịch theo "Ý của VNChiêu" mà người đọc khó lòng SO SÁNH được với các đoạn 'MỜ ẢO' bằng Pháp Văn, để rồi VNChiêu 'kết tội' ông KHẢ là TAI SAI của Pháp, đi tiêu diệt cụ PHAN ĐÌNH PHÙNG!...

@ Riêng Bài viết của Sơn Tùng được đăng lại năm 2002( thì chưa rõ, được viết thực sự vào thời điểm NĂM nào!).
Nhưng trong đó, TÌNH CỜ Sơn Tùng lại " BỊA"(?) cho biết :" NGUYỄN TẤT THÀNH SINH NĂM TÂN MÃO(1891)"
(Khác với trên giấy tờ là HỒ CHÍ MINH SINH NĂM 1890!)?...

Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 00:36:34
Trần quang Hạ

Theo tôi, cuốn phim tài liệu STVHCM là phim hay nhất hải ngoại đã làm được. Chuẩn bị công phu, dẫn chứng thuyết phục, phỏng vấn sôi động... Đặc biệt sự chừng mực ngôn từ đã góp phần làm bộ phim thành công. Đối tượng của phim phải là người trong nước, phải là các anh chị em SVHS, thậm chí là các đảng viên CS bị bộ máy tuyên truyền nhồi nhét. Thật ra dân chúng trong nước không phải không biết sự thật về HCM, nhưng họ không dễ dàng đọc những tài liệu tố cáo tội ác cũng như những bài viết lên án quá mạnh mẽ. Tôi tán đồng với tác giả Nguyễn Văn Lục về cách tiếp cận với giới trẻ trong nước khi nói về thần tượng HCM.

Tác phẩm nào cũng có khiếm khuyết, cách nhấn mạnh của nhóm chủ trương phim STVHCM có thể chưa thật đúng ý tác giả NVL. Cần khuyến khích những bộ phim tài liệu nói về sự thật. Bộ phim thành công sẽ khích lệ người ta làm thêm những bộ phim khác, không chỉ về HCM mà còn những đề tài chung quanh như: Giải phóng miền nam, cách mạng, giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác Lê... để vạch trần sự gian dối của đảng Cộng Sản. Ngôn ngữ điện ảnh có thế mạnh về khả năng truyền đạt. Với sự giúp sức của internet, loại hình ngôn ngữ nầy sẽ phá vỡ mọi bức tường bưng bít thông tin.

Đồng ý với tác giả: Đòi trả tên Sài Gòn để làm gì? Đòi bỏ tên "thành phố HCM" nghe có lý hơn. Ông Hồ chỉ đáng đứng tên một con đường đâu đó trong Sài Gòn là đủ.
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 01:28:53
Cửu Bình

TQH: "Ông Hồ chỉ đáng đứng tên một con đường đâu đó trong Sài Gòn là đủ."

Theo tôi thì ông Hồ chỉ được đứng tên cho những nhà xí--nói cách khác những "nhà xí" có thể đổi tên gọi là "Hồ Chí Minh".
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 02:48:12
Nga My

Ông Hồ đổi tên, có đến 5 ngày sinh tháng đẻ khác nhau là điều hiểu được và đừng coi đó như một sự dối trá bản chất cần phanh phui ra. Ngay thời đó, ông đã “nổi tiếng” lắm rồi và người Pháp coi ông như một đối tượng phải truy lùng ở Trung Quốc và đồng thời tìm cách để dẫn độ ông về Việt Nam.

------------

Thật ra xét về mặt nhân đạo của bọn THỰC DÂN PHÁP đối với HỒ CHÍ MINH rõ ràng là trong sáng hơn hẳn tên HỒ đã cư xử với những ĐỐI THỦ của hắn !
Người PHÁP đã có quá nhiều cơ hội để thủ tiêu tên này nhưng họ không làm , kể cả lúc hắn đã nổi tiếng !
Phải chăng vì tinh thần nước lớn , họ đã thấm nhuần tư tưởng văn minh thời bấy giờ không cho phép họ làm chuyện mờ ám ! nên tên HỒ CHÍ MINH mới đi TÂY về TA dễ dàng như thế !

Nếu bọn TÂY cũng vô nhân đạo như tên HỒ CHÍ MINH , thì đất nước VN đâu phải chịu THẢM HOẠ về sau này như thế .
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 03:03:32
Nga My

5 ngày sinh tháng đẻ có cần phải tiếp tục dấu diếm nữa hay không sau khi thực dân PHÁP đã ra đi ???
chứng tỏ tên HỒ CHÍ MINH còn muốn dấu diếm LỊCH SỬ rất nhiều điều !

Bác LỤC đã không lưu ý về điểm này !
 
Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 16:46:01
Lê Văn

1.
"Đòi trả tên Sài Gòn để làm gì? Đòi bỏ tên "thành phố HCM" nghe có lý hơn"

Chỉ bỏ tên "thành phố HCM" là đủ... vậy đổi thành T/P Nguyễn Chí Thanh hay Lê Duẩn (tên những đồng chí đã xả thân trong việc chiếm Sài Gòn và miền Nam) thì cũng tốt hay sao?

2.
Nếu Sài Gòn lấy lại tên cũ, thì cũng cần phải nhưng tên đường vớ vẩn như Nguyễn Văn Trổi - hay còn bà mẹ nào đó.

Đặt tên đường Hồ Chí Minh, theo tôi, cũng chấp nhận được, nhưng không để thể đứng cạnh những Lê Thành Tôn, Nguyễn Huệ, Lê Lợi... gần Cầu Ông Lãnh thì tốt!

Nhân tiện đề nghị thêm: sẽ phải có tên của Ngô Đình Diệm, Bảo Đại v.v.

Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 02:35:20
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Khi những dối trá xung quanh cuộc đời ông Hồ được phơi bày thì đồng thời các câu hỏi về đạo đức của những người đã tham gia vào công cuộc thần tượng hóa ông Hồ được đặt ra. Trong cuốn phim Sự Thật Về Hồ Chí Minh nhiều chi tiết đưa ra khiến cho người đọc thấy là về mặt đạo đức những kẻ tham gia vào việc lừa dối dân, làm cho dân tôn sùng lãnh tụ là những kẻ dối trá, đáng bị lên án.

Nhưng thế sao lại có một đảng to lớn với đông đảo đảng viên lại nắm quyền lực lâu năm lại làm các việc dối trá lâu dài như thế mà không có mấy ai tự hổ thẹn vì thái độ vô đạo đức của mình? Nhìn sang các đảng CS khác thì các cơ quan ngôn luận của đảng CS như Pravda của đảng CS Nga, Nhân Dân Nhật Báo của đảng CS Trung Quốc, báo Nhân Dân của VN đều nổi tiếng về sự dối trá và đều bị người dân nước đó không tin vào những điều viết trên mặt báo. Vì sao lại có một phong trào dối trá vĩ đại lan tràn ra nhiều nước như vậy? Nguyên do là phương châm "Cứu cánh biện minh cho phương tiện" của người Bôn Sê Vích. Cứ nói láo, cứ vi phạm tất cả mọi luân lý, đạo đức của nhân loại rồi thì hành động này sẽ được tha thứ khi người CS đạt đến được cứu cánh là đạt đến xã hội CS vô cùng hạnh phúc. Nhưng điều rõ rành rành nhất là một xã hội mà người dân sống như đàn cừu, ngu ngơ, mù mờ đầu óc đầy những hiểu biết sai lạc của người trên nhồi nhét vào đầu, một xã hội mà con người nhìn nhau ngờ vực vì sự dối trá lan tràn chắc chắn không phải là một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc.

Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 04:05:54
god

Trích:
Không nên nhìn ông Hồ đơn giản như thế.

Phải nhìn ông Hồ Chí Minh như một người của thời cuộc. Pierre Brocheux gọi là “Man of Situations” biết lợi dụng thời cơ, hơn nữa là một event-making man.

Đó là một con người làm chính trị muôn mặt. Việc đánh giá cũng phải muôn mặt

Từ lúc nào ông Lục làm chuyên gia bào chửa và ca tụng ông hồ "biết lợi dụng thời cơ...".

Oh God ! Học Gỉa và Sử Gia NVHN lẩm cẩm cả rồi chăng ? Trì phi viết bài theo đơn đặt hàng ở Hà Nội !

Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 04:17:12
Ho Hui

"Sự Thật Về Hồ Chí Minh" giống như là cái hũ mắm, càng bịt càng thối"

Tôi hiểu ý tác giả Nguyễn Văn Lục khi ông khuyến khích (xúi... khôn) bọn Việt cộng là (đại ý) :

-Thôi thì sự thật đã rành rành ra đấy, đã không còn chối cãi được nữa thì thà nhận quách đi cho xong, rồi sau đó, với những cái đầu đầy chất xám (xịt) và vô cùng gian manh của một tập thể đông dảo các nhà trí thức xhcn như "Giáo xư" Tương Lai hay như "xử da" Dương Trung Quốc v.v....đảng ta sẽ nghĩ ra cách để lấp liếm (chẳng hạn như) việc Hồ xin học trường thuộc địa là vì tinh thần "học địch để biết địch mới thắng được địch" của bác Hồ v.v và v.v.....(*)

(*) Cũng như việc Hồ Chí Minh giả danh Trần Dân Tiên viết "tác phầm" Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh để tự "thủ dâm" mình, sau một thời gia hơn bốn mươi năm "đậy nắp", nay đã được "đảng ta" thừa nhận và rồi cũng đã có một đám "chí thức xhcn" lên tiếng biện bạch, chống chế một cách rất ư là "tục tĩu" mà có sao đâu ?!

Re: Góp một vài ý kiến thêm về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 04:39:30
Nguyễn Quân

Câu trả lời nằm ở câu hỏi thứ hai. Về cái danh xưng Bác Hồ, tôi có một ý kiến nhỏ về tên bác Hồ. Thường người Việt Nam có thói quen gọi tên người, chứ không ai gọi họ. Chẳng hạn ông Diệm, ông Thiệu, ông Giáp. Nếu ông Thiệu mà gọi là ông Nguyễn thì sẽ có biết bao nhiêu ông Nguyễn.

Ông Hồ là người duy nhất được gọi bằng họ, dù là một họ đi mượn


Vói câu trích trên, ý kiến nhỏ này của ông Lục có sự trùng lắp với bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc trong blog của ông trên trang VOAnews ("tựa: "Tôi không cần biết ông Hồ Chí Minh có mấy vợ"). Không rõ là đây sự trùng hợp ngẫu nhiên hay ông Lục "để ý" đến bài của ông NHQ. Nếu ông Lục mượn ý này của ông Quốc thì nên chú thích rõ ràng, do sự lịch sự tối thiểu.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 08:10:44
hoctro

1.
“Trong sự phân chia này đề mục “tội ác Hồ Chí Minh” có tính cách áp đặt như một thứ tòa án xét ra có thể thay thế bằng một từ khác cho nhẹ hơn. Ta vẫn có thể trình bày một sự kiện lịch sử, dù là tội ác mà không cần phải có một tiêu đề như thế. Tự người đọc đủ thông minh và phán đoán để hiểu.” (Trích)

Vấn đề là chỉ cần “trình bày ra sự kiện lịch sử… “ để người đọc phán đoán. Điều nầy đúng, nếu DVD chỉ dành cho giới nghiên cứu, hoặc thành phần trí thức. Nhưng với giới bình dân thì chẳng mấy ai “cần suy nghĩ” cả! Vì cần suy nghĩ thì thần tượng HCM đã bị bóc mẻ từ đời tám huýnh rùi ạ! CSVN lợi dụng dân trí thấp để đánh lừa cả mấy mươi năm nay nên DVD mới “lật mặt nạ” thẳng thừng cho bàng dân thiên hạ rõ mà khỏi cần suy nghĩ!

2.
Chính vì thế khi được hỏi về nét chính của ông Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Gia Kiểng đã không ngần ngại cho nét chính ấy là: Ông là một con người lý lịch không rõ rệt. (Trích)

Ông Hồ đổi tên, có đến 5 ngày sinh tháng đẻ khác nhau.(Trích)

Nhưng phần những người quốc gia, tôi không thấy cần thiết phải xoi mói để tìm ra những gian trá, bất nhất về ngày sinh tháng đẻ khác nhau cũng như đến 40 tên khác nhau của Hồ Chí Minh. (Trích)

Ông Hồ Chí Minh có 5 ngày sinh tháng đẻ khác nhau hay có 40 tên trong suốt thời gian hoạt đông chính trị chỉ là chuyện rất bình thường. Cái cái mất bình thường là sau khi ông trở thành chủ tịch nước VNDCCH ông đã không dám minh bạch về tên, họ, tuổi của mình! Tại sao? Vì chính đương sự không xác minh nên chúng ta có quyền phỏng đoán. Đoán là, trong quá trình dài thay tên đổi họ đó chắc chắn ông đã để lại nhiều dấu vết không tốt (có vô số chuyện đang được phanh phui…) Những dấu vết đó nếu ông tự xác nhận sẽ làm lu mờ tính cách thần tượng của ông! Chính ông cũng tự tô vẽ thêm thần tượng mình nên mới viết sách tự ca ngợi! Một điều khá buồn cười đến độ ngô nghê là cảnh một thanh niên đương độ, vì trời Paris lạnh, thay vì ôm một cô tóc vàng cho ấm lại nằm ôm một cục gạch nóng gửi ở lò bánh mì buổi sáng để tối mang về ôm ngủ, thế mà ông HCM vẫn làm ngơ!

3.
“Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi.Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được hưởng những ích lợi của nền học vấn.”

Chỉ căn cứ vào một lá đơn xin học này đã vội cho rằng ông Hồ có mộng làm quan thì có phần quá đáng chăng? (Trích)


Cứ cho là “quá đáng” đi! Nhưng tác giả sẽ lý giải như thế nào về câu: “Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi” ? Và tại sao ông HCM không tự mình giải thích mà phải đợi đến bây giờ bàn cãi? Đã bảo ông HCM nhìn xa hiểu rộng thì tại sao căn bản khi khởi đầu sự nghiệp chính trị của ông ông lại không thanh minh thanh nga?

4.
Túm lại, theo tui thì cái đề của DVD là “Sự thật về HCM” mang tính phản biện về nhiều điểm mà đảng CSVN đã tô vẽ cho thần tượng HCM chứ không phải là công trình nghiên cứu về thân thế sự nghiệp HCM!

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 13:02:54
Hoàng Hựu

Nhìn chung cuốn phim tài liệu Sự Thật về Hồ Chí Minh là một thành công lớn - có lời khen ngợi cho các vị chủ trương và đóng góp trong việc sản xuất và phổ biến cuốn phim này. Mọi người nên xem nếu vẫn còn "ngáo ộp" về HCM.

Có một đoạn trong phim lúc phỏng vấn ông Vũ Ngự Chiêu, ông VNC vừa hút thuốc vừa trình bày quan điểm của mình về HCM. Nếu tôi là người góp mặt trong ban điều hành tôi sẽ yêu cầu ông VNC dập tắt thuốc lá. Đó là hình ảnh phản cảm.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 13:13:07
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Chỉ căn cứ vào một lá đơn xin học này đã vội cho rằng ông Hồ có mộng làm quan thì có phần quá đáng chăng? Cuộc đời của ông Hồ ở Paris là một cuộc đời hoàn toàn của một người làm chính trị, tìm con đường cứu nước như tất cả những người khác.

Dù sao thì lá đơn cũng đã hiện diện . Nói là mộng làm quan cũng là một cách nói nhưng nếu nói một cách khiêm nhượng hơn là để kiếm sống . Vì thế nói cuộc đời lúc đầu của ông Hồ hoàn toàn là làm chính trị thì không đúng vì sự hiện diện của lá đơn xin học trường Bảo Hộ sờ sờ ra đó .

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 13:25:33
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Trích: Các nhà viết sử sau này lấy làm tiếc là nhà trắng có thể đã bỏ cơ hội bắt tay với Hồ Chí Minh, “There is good reason for kepticism, then, that a conciliatory gesture from the White House in 1945 or 1946 would have been sufficient to lure Ho Chi Minh and his colleagues onto the capitalist road.”

Dù cho một số người cho rằng năm 45, 46 có thể lôi kéo ông Hồ về phía tư bản thì cũng chỉ là họ tưởng như thế mà thôi mà có rất nhiều người tưởng sai lầm về ông Hồ. Một người như ông Hồ lúc 45 là đã gia nhập Đệ Tam Quốc tế hơn 20 mươi năm, lăn lội nhiều nước phụ trách nhiệm vụ của Đệ Tam giao cho, lại còn đưa bao nhiêu là thanh niên VN sang Trung Quốc học, rồi sau đó xây dựng lực lượng riêng cho mình, thanh niên nào không theo chủ nghĩa CS thì thủ tiêu hoặc báo cho Pháp bắt, một người đã từng làm đó việc để xây dựng lực lượng CS cho mình thì không dễ gì vì nhận trợ giúp mà bỏ hết quá trình mình đã làm việc cho Đệ Tam. Một người nằm trong tổ chức Đệ Tam bao nhiêu năm, tuân thủ theo kỷ luật của tổ chức này thì phải có niềm tin vào chủ nghĩa CS thì mới có thể chịu đựnng gian khổ hoạt động như vậy. Linh mục Cao Văn Luận kể lúc gặp ông Hồ khi ông sang Pháp họp hội nghị thì ông Hồ nói với lm Luận là giáo hội Thiên Chúa giáo chỉ bênh nhà giàu. Đó là cái nhìn của người Mác xít, xem giáo hội là tay sai, công cụ của giai cấp phản động. Niềm tin vào chủ nghĩa Mác ăn sâu vào đầu ông Hồ rồi, dễ gì mà ông ta tự xóa bỏ được. Cái vòng kim cô Mác xít đã tròng vào đầu ông Hồ từ lúc còn trẻ và nó ôm chặt cho đến khi ông Hồ lìa đời, ao ước được gặp cụ Mác dưới suối vàng.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 13:31:12
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Trích: Phải nhìn ông Hồ Chí Minh như một người của thời cuộc. Pierre Brocheux gọi là “Man of Situations” biết lợi dụng thời cơ, hơn nữa là một event-making man.

Quả đúng là ông Hồ là người biết lợi dụng cơ hội, nhưng không có nghĩa là ông Hồ vì cơ hội nhất thời mà bỏ mục tiêu mà ông theo đuổi. Việc lợi dụng cơ hội có thể là nhận sự trợ giúp của bất cứ nước nào nhưng mục tiêu không đổi là vẫn đứng về phe Xô Viết để đi đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa CS. Cái muôn mặt của ông Hồ cũng chính là sự thấm nhuần phương pháp hoạt động của Lênin, Stalin.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 14:21:10
Lê Văn

Ý kiến tranh luận về một số nhận định trong bài chủ.

1. "Phần tôi, tôi không đồng ý với phong trào đòi trả lại tên cho Sài Gòn. Đòi trả lại một cái tên thì để làm gì? Thực tế làm thế nào để đòi?"

Đây chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả, do đó tự thân nó không có điểm gì để bàn luận. Thế nhưng, tác giả đã "phản đối" lại việc đòi trả lại tên cho Sài Gòn, do đó cần phải bàn luận.

Trước hết, hãy đặt thử một giả thuyết: ngày 1 tháng 10 (ngày quốc khánh của Trung Quốc) năm tới, 2010 (nghe nói cũng là ngày được nhà cần quyền Hà Nội chính thức chọn là ngày kỷ niệm một ngàn năm ngày sinh của thành Thăng Long) Hà Nội quyến định đổi tên Hà Nội thành ra... Đại La hay Giao Chỉ Thành (chỉ là thí dụ) thì cảm giác của tác giả sẽ như thế nào? Tác giả có đặt câu hỏi "Đòi trả lại một cái tên thì để làm gì?" hay không?

Theo tôi, đặt câu hỏi kiểu đó, vô hình trung tác giả NVL đã ngang nhiên bước lên trên "nỗi buồn mất tên" của nhiều người. Nỗi buồn này có thật, như nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã diễn tả qua lời bản nhạc làm không lâu sau ngày "mất nước", mất Sài Gòn: "Sài Gòn ơi, ta mất người như Người đã mất tên..."

Còn câu hỏi: "Thực tế làm thế nào để đòi?" hoàn toàn "lạc đề", hay có thể nói là "trái khoáy"! Trước hết, chính "Phong trào đòi trả lại tên cho Sài Gòn" đã là câu trả lời cho câu hỏi "làm thế nào" rồi. Nếu phong trào có được sự đồng tình của tuyệt đại đa số của chính người dân Sài Gòn (điều này đã hiển nhiên là sự thật, vì cả nước ai cũng chỉ dùng tên Sài Gòn hơn là cái tên "mới" quái quỷ "Thành Phố HCM" kia) thì đó là tiếng trống lịnh để chính người dân Sài Gòn lên tiếng...

2. "Ngay thời đó, ông đã “nổi tiếng” lắm rồi và người Pháp coi ông như một đối tượng phải truy lùng ở Trung Quốc và đồng thời tìm cách để dẫn độ ông về Việt Nam."

Đối với một bài quan điểm chính trị, câu này thiếu hẳn sự chính xác và ý nghĩa rõ rệt. Tác giả không nói là "nổi tiếng" với ai, nên người đọc có thể hiểu là nhiều người Việt Nam biết đến ông, và (vì thế) "người Pháp" phải truy lùng. Sự thật là: Ngay thời... gần 20 năm sau, tức là lúc ông Hồ về nước để lãnh đạo việc "cướp chánh quyền", 1945, chỉ có một số rất nhỏ đảng viên Việt Minh (cộng sản) là biết phong phanh ông là ai.

Còn từ thập niên 1920 cho đến ngày ông Hồ đặt chân về nước, chỉ có nhưng cơ quan tình bào là thật sự biết là có một người từng có tên là Nguyễn Ái Quốc, và là "đặc công" của Đệ Tam (cộng sản Liên Xô) gửi về Á Châu "làm việc". Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc cũng là vay mượn từ bút hiệu chung của nhóm cách mạng dân chủ Phan Chu Trinh, Phạm Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền.

Như vậy, phải viết là: Vào thời đó, khác với cụ Phan Chu Trinh chẳng hạn, người Việt ở trong nước không biết ông Hồ là ai mà cũng chẳng hề nghe tới. Chỉ có mật thám của Pháp là biết đến ông qua danh hiệu Nguyễn Ái Quốc...
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-20 14:54:22
Tàng

"Ngay thời đó, ông đã “nổi tiếng” lắm rồi và người Pháp coi ông như một đối tượng phải truy lùng ở Trung Quốc và đồng thời tìm cách để dẫn độ ông về Việt Nam."

Năm 1945, theo lời ông Nguyễn xuân Tiếu kể lại, thì vào tháng 7 năm 1945, Ông Nguyễn Xuân Tiếu và các ông trong ban cách mạng ở Hà nội, chuẩn bị nhận bàn giao chính quyền, lúc đó mực nước sông Hồng dâng gần ngang mặt đê Yên Phụ. Đội xung kích dưới quyền điều khiển của ông Tiếu báo cáo là bắt được nhiều nhóm 3 người một với cuốc sẻng chuẩn bị phá đê để nước sông Hồng tràn vào Hà nội. Ông bèn cho dẫn những người nàytới để "điều tra" và những người này đều trả lời một khuôn duy nhất " chúng tôi được lệnh, nếu trong danh sách tiếp thu chính quyền không có tên Hồ chí Minh làm chủ tịch, thì chúng tôi có nhiệm vụ phải phá đê , để cho Hà nội ngập lụt.."Lúc đó đại đa số không biết Hồ chí Minh là ai, trừ những vị như cụ Tiếu, cụ Lý đông A, Nguyễn tường Tam ...v..vv.
Vì vậy suy luận về cái "nổi tiếng của HCM" theo bạn Lê Văn rất là chính xác.
Tác giả NVL, tôi theo dõi những bài viết của ông về lịch sử nước Việt,trên diễn đàn này, thì hình như ông cố ý :nói ngược lại, dựa trên tài liệu .. của Tây của tầu ..để cho chúng ta mổ xẻ ..cho bài viết của ông xôm tụ.....

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 16:09:15
Tàng

Theo tôi thì HCM với VN thì cũng như Lê nin với Liên sô cũ .... Vì vậy khi mà Liên sô hết sô nhau liên tục được nữa rùi thì thằng nào ngã (fall down) theo thằng đó thì "ông thánh" lê nin cũng 'đi ra bãi tha ma. Thành ra ở VN cứ đem cái đảng thổ tả VC Ba đình ra "làm mắm" thì sự thực Hồ chí Minh chỉ là tên tay sai của CS quốc tế .. đưa về tàn phá đất nước VN vốn đã bần thì cho thành cùng luôn ... Lúc đó thì cã triệu thằng Học giả học thiệt trên quả điạ cầu này nó sẽ "lột mặt nạ ra".. chớ bây giờ có nói gì thì nói cái bọn Ba Đình nó sẽ 'bù lu bù loa" kêu oan rùi thuê mướn bọn bồi bút, thất nghiệp minh oan .. cãi chày cãi cối.
Cái hay nhất để định giá về con người Hồ chí Minh là cứ đi lòng vòng trong mấy xóm dân lao động bần cùng, nghèo đói.. để nghe họ thì thầm 'đêm mưa" :

Từ khi ta có Bác Hồ,
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào .
Ăn rau, khỏi đau dạ dày,
Bác Hồ bảo vậy, chúng mày nghe chưa,?
Ăn sáng thì khỏi ăn trưa,
Thay trời lao động làm mưa cấy cày,
Đảng béo mà dân thì gầy,
Nhịn ăn, nhịn mặc chờ ngày ...quang vinh.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 17:31:47
lt

Tác giả đang biện hộ cho thân chủ HCM. Mặc dù có chê đảng cs. Những cái chê đó dùng để mà biệt hộ cho thân chủ hơn là để lên án đảng cs.

Giả thiết & nghi vấn với cuốn phim "Sự Thật về HCM".
1."..bản thân Hồ Chí Minh với cuộc sống thực và huyền thoại bao trùm chung quanh ông. Mặt nào là huyền thoại? Mặt nào là cuộc sống thực? Từ xưa đến nay, nhiều tác giả vẫn chưa tìm ra một câu trả lời thỏa đáng."
2. "..xét về mặt lịch sử trong đó ông Hồ là một trong những tác nhân ấy. Công việc đặt vấn đề công tội không hẳn dễ.
3."..tôi có cảm tưởng có một số điểm trọng yếu trong cuộc đời Hồ Chí Minh chưa được khai triển đúng mực.

Những cái sai của bộ phim (theo NVL).

1."Bệnh ấu trĩ và vĩ cuồng của người cộng sản một lần nữa cho thấy họ thiếu ý thức và hiểu biết nên mới che dấu, man khai về tiểu sử của ông Hồ."; "Việc che dấu tên tuổi, đổi tên là một việc chẳng những bình thường và cần phải làm đối với một người làm chính trị như ông Hồ."
2."hai lá thơ (của HCM) xin học trường thuộc địa Paris trong thư khố Paris .... Nguyễn Tất Thành muốn sang Pháp thì phải tìm mọi cách đi làm bồi Tầu, rồi nghĩ cách để học hành.
3."Chỉ căn cứ vào một lá đơn xin học này đã vội cho rằng ông Hồ có mộng làm quan thì có phần quá đáng chăng? Cuộc đời của ông Hồ ở Paris là một cuộc đời hoàn toàn của một người làm chính trị, tìm con đường cứu nước như tất cả những người khác."


Kết luận - lổi là ở đảng cs, không phải HCM - HCM là một người tài.

1."Cái sai lầm, cái làm hoen ố cuộc đời chính trị của ông Hồ vẫn là cái tội che dấu của Hà Nội"
2."Phải nhìn ông Hồ Chí Minh như một người của thời cuộc... Đó là một con người làm chính trị muôn mặt...Và người nào đã gặp Hồ Chí Minh rồi thì đều không thiếu lời khen ngợi."


Một luật sư biện hộ giỏi như vậy thì ông HCM có thể ngậm cười nơi chín suối với cụ Lênin, cụ Mác.

Phản biện.
1. Che dấu tên tuổi trong lúc hoạn động có thể hiểu được. Sau khi thành bác & sự nghiệp vững chắc thì lấy lý do gì tiếp tục che dấu tên tuổi, ngày sinh, ngày chết?
2. Lá thơ xin vào trường thuộc địa của HCM không đủ chứng minh HCM lết theo Tây không được nên đâm ra làm cách mạng. Tuy nhiên nó củng không đủ chứng minh ngược lại theo như ông NVL là HCM chỉ ráng tìm mọi cách sang Pháp đặng kiếu nước.
3. Cái sai lầm và làm hoen ố cuộc đời chính trị của HCM là do chính HCM với chủ nghỉa cs - Cải Cách Ruộng Đất, đấu tô Nhân Văn Giai Phẩm, phát động chiến tranh Nam Bắc cho cs quốc tế III, v.v...
4. Người nào khen ngợi HCM? - đám trí thức khuynh tả (extreme leftist) mà sau này một số đã từ bò ý nghỉ đó.
3. HCM là một người của thời cuộc như bao người quốc gia khác, tiếc là HCM điếm đàng thủ tiêu người QG yêu nước. Tạo thời cuộc kiểu này tội nhiều hơn công. HCM là một chính trị muôn mặt, nhưng những mặt đó là do chỉ thị và chỉ đạo của Liên Xô và Mao. Thế thì tệ hơn là chỉ có một mặt - mặt HCM.
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 20:38:17
Lê Văn

Rất OK bác lt... Tôi xin góp thêm ít mắm muối cho nồi canh chua cá lóc.

1.
Đối với người dân Việt - cả Nam chí Bắc - ông Minh (gọi theo kiểu nhà phê bình thơ mới bước sang địa hạt chính trị, NHQ) đã chết năm 1969. HCM thể quay trở lại, dù là dưới hình thức nào (tùy bạn đọc tưởng tượng ra...)!

2.
Việc đảng CSVN ướp xác của HCM mang triển lãm có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Một hiện tượng trái với tập tục văn hóa của người Việt - và cả người Tàu, Nhật, Đại Hàn v.v. - không những thế còn "ghê rợn".

3.
Tại sao CSVN lại làm vậy và tại sao CSTQ lại không ướp xác ông Mao? Mao Trạch Đông là người có công thống nhất nước Tàu, đầu tiên kể từ Tần Thủy Hoàng Đế, mà không vĩ đại với người Tàu sao?

Theo tôi, chẳng qua chỉ vì CSVN, ngoài lãnh tụ HCM ra chẳng họ có cái gì để tự đề cao!

(còn tiếp)
 
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 20:44:10
Lê Văn

(tiếp)
4.
Trước 1975, tôi thấy người Việt mấy ai nhắc nhở gì đến HCM. Chương trình tuyên truyền của đài Quân Đội (VNCH), "Dạ Lan", cũng chỉ nói đến kẻ thù Trung Cộng (Câu chào từ giã của "em gái" Dạ Lan, cuổi chưong trình: chúc các anh chiến sĩ một giác ngủ an lành, để ngày mai chống kẻ thù chung là Trung Cộng!)

5.
Ngay cả đám sinh viên du học ở Tây Đức thiên tả cũng chỉ thấy họ ca tụng nhân dân miền Bắc oai hùng chống Mỹ hay ca tụng Marx-Engels như những nhà tư tưởng cách mạng xuất chúng v.v. chứ không thấy ai tung hô HCM cả...

Có chăng là đám sinh viên thiên tả Tây Phương, thích dùng hình ảnh của Hồ, Che như là biểu tượng chống lại sức mạnh chính trị áp đảo của Hoa Kỳ. Điều này có thể làm cho những tay sinh viên du thiên tả VNCH cảm thấy hãnh diện phần nào, nhưng hồ hởi thì quả thật là không!

Sau ngày "thống nhất", 1975, khi nhận ra rằng CSVN có chủ trương "phân biệt đối xử" với người miền Nam, nhất chính sách "học tập cải tạo" vô nhân đạo, áp dụng cho toàn bộ thanh niên miền Nam thì tuyệt đại đám sinh viên thiên tả Việt (ở Tây Đức) đã chối từ sự ủng hộ chế độ CS ở VN. Mọi tuyên truyền ca tụng
bác Hò không hề xoay chuyển khuynh hướng "trở về nguồn" của đám sinh viên đó...

5.
Ở VN, sau 1975, chính quyền CS lại gia tăng việc dựng hình tượng HCM trở lại và dữ dội hơn bao giờ hết. Ở đâu cũng thấy trương biểu ngữ "danh ngôn Bác", tượng Bác bán đầy đường (có ai mua không?).

Tôi không biết là ở miền Nam có mấy ai để ý đến tượng Bác, "tư tưởng" Bác chứ ở nước ngoài (Tây Phương), từ người Việt đến cả các thành phần "tiến bộ thiên tả" họ không còn nhắc đến HCM nữa. (Nhưng trí thứ cthiên tả lừng danh như J.P.Sartre, A,Glucksman, B.Russell ... cũng im hơi lặng tiến, dàn dần tiến đến việc chon lựa thái độ "phản động" (Sartre, Glucksman...) đứng hẳn về phía nhưng kẻ bị áp bức "mới" ở VN. Đó là người dân miền Nam...

6.
Mà không ít người quan sát cho rằng việc CS thắng ở Việt Nam chính là bước đầu tiên của sự xụp đổ của phong trào CS thế giới - xảy ra 14 năm sau đại thắng 1975!

Thế nhưng, sau 1975, CSVN đã làm gì trên mặt trận chính trị? Họ cũng chỉ gia tăng việc xùng bái ông Hồ. Trong nước, chỗ đấy trống nào có nhiều người qua lại đầu đặt tượng bác Hồ... đặt hết chỗ, tượng Bác đưọc khuân vào chùa chiền...

Trong khi đó, trong các cộng đồng người Việt nưóc ngoài, tên HCM được nhắc đi nhắc lại bằng đũ mọi cách - mánh lới thông dụng nhất là lập ra những tờ báo "hải ngoại", rất là chống cộng, nhưng nhấm ngầm ca tụng HCM...

Việc này xẩy ra từ 30 năm nay, duy ít người để ý... thế lại có những người "mắc hỡm", cho rắng người dân VN tôn thờ HCM thật, nhẩy vào cuộc ... Từ đó sinh ra hiện tượng tương đối phổ biến: vì chống bác Hồ, quên cả chống cộng!

Chuyện còn dài, dĩ nhiên, xin tạm chấm dứt ở đây...

TB. Nói đến hiện tượng chống bác Hồ quên chống cộng, tôi không có ý nói đến cuốn băng "Sự thật...". Với tôi, đó là việc nên làm và nhóm chủ trương đã làm tuyệt đối đúng cách (và được đa số đồng bào hải ngoại ủng hộ): chỉ cần và nên nói lên sự

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 19:34:15
thibang

Tội Đồ Dân Tộc: Cáo Hồ.

Tên cáo Hồ,
Đứa gian ác tiểu nhân,.
Đã đem thuyết vô thần,
Tàn phá đất nước Việt Nam
Chỉ để được vinh thân,

Ôi! sáu mươi năm!
Dân khổ muôn vàn
Bởi một bọn hung tàn, quên nguồn gốc!.

Mặt lang sói, mồm luôn hô độc lập,
Lưng khom khom,
Đội đít bọn Nga, Tàu,
Gạt muôn dân,
Dâng bán đất cho thiên trào,
Mong ơn mưa móc: mũ cao áo dài!

Suốt mấy ngàn năm chiều dài lịch sử,
Chưa bao giờ từng thấy,
Một lủ đại gian manh!
Đấu cha, tố mẹ,
Chỉ vì giành miếng ăn!
Xem nhân phẩm phụ nữ,
Chỉ đáng bằng đồng đô.

Vì cơm gạo,lợi danh,
Sẵn sàng cúi cổ,
Làm nhục côi nguồn,
Khinh nhờn chư quốc tổ,
Đạp giống nòi,
Thờ tổ Cộng: Mác Lê
Lũ Cộng nô quốc tế,
Chỉ đóng vai hề!
Mà vênh váo tự cho là “đỉnh cao trí tuệ”

Gặp thời thế, chó nhảy lên bàn độc.
Bày ra trăm ngàn,
Chính sách bất nhân
Hung hăng cướp bóc,
Gian ác bất cần!
Chà đạp mọi quyền công dân căn bản!
Phá phong hóa,
Diệt cội nguồn,
Tham tàn bức hại!
Miệng lưỡi gian manh:
Luôn luôn hô “hòa giài” tòan dân.
Sắp mưu gian, kế độc, để diệt dần,
Những người yêu nước, muốn gần sói lang!

Vì vận nước còn đang trong thế bỉ,
Bọn tay sai Cộng phỉ tung hòanh,
Khom lưng, dâng đất ngọai bang!
Mưu cầu danh lợi giàu sang riêng mình.

Ôi! Ải Nam Quan!
Bao lần đuổi Minh, phá Tống…!
Bản giốc! khóc óan hờn,
Tuôn giòng thác bạc gầm vang!
Còn đâu Hòang-Trường đảo
Thưở huy hòang!
Đất Tây nguyên,
Nay cũng tang thương màu máu đỏ!

Bốn ngàn năm văn hiến,
Thời vang son còn đó!
Thời buổi nào cũng có,
Các bậc Anh hùng hào kiệt.
Quên thân mình,
Cứu lấy non sông
Sẵn sàng chịu cảnh cầm giam,
Xả thân quỵết cứu giang san nước Việt!

Tên gian ác Cáo Hồ,
Tội: Trời tru đất diệt
Đáng bị đời nguyền rủa muôn năm,
Thằng bán nươc hại dân,
Đứa phá họai núi sông,
Làm nhục nhã giống Tiên Rồng,
Chiếu theo luật Hồng Đức- Gia Long,
Thân phải bị ngựa xé voi dầy,
Nếu đã chêt, phải bị giam thây ngàn năm trong hố xí!
20/9/2009

(thibang tôi xin nghiêng mình bái phục tất cả các anh hùng hữu danh hay vô danh đã và đang tranh đấu, để lật bọn Công gian ác ,mong mang lại ấm no hạnh phúc cho muôn dân VN. Đồng thời khinh bị bọn trí thưc theo đóm ăn tàn, cố ra sức bào chữa cho tội ác của tên Hồ Cáo. Ước mong bài này không bị xóa, mong lắm thay)

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-19 23:40:19
Phục Việt

Nói gì thì nói, xin mọi người NHỚ tìm đủ mọi cách để truyền tải DVD "Sự thật về hcm"vào trong nước. Đó mới là trận tuyến phải giành thắng lợi!
Nói thì thế nhưng tôi ngoài việc làm Blog, gởi email giới thiệu những trang web, blog,về quốc nội, tôi vẫn loay hoay CHƯA BIẾT NHIỀU CÁCH KHÁC ĐỂ CHUYỂN PHIM TÀI LIỆU QUÝ GIÁ NÀY về trong nước cho đồng bào mình.
Kính xin các bạn góp ý thêm để tôi và những người khác rộng đường làm việc
Cám ơn trước!

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-20 00:16:14
xoathantuong

Phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” ra mắt khắp nơi trên thế giới và còn tiếp tục.

Cho tới nay "qua 20 buổi ra mắt vừa qua đã đủ để hoàn trả 100 nghìn mỹ kim các mạnh thường quân ứng trước cho Phong Trào làm phim."

Chúc mừng!

Trích đoạn từ tường trình -Phim "Sự Thật Về Hồ Chí Minh" Ra Mắt Đồng Hương Tại Pháp, Triệu Vũ

"Sau phần trình chiếu đoạn phim 11 phút giới thiệu cuốn ST/HCM, Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Tổ chức Phục Hưng Việt Nam và là Trưởng Ban Điều Hành PTSG, trình bày về diễn tiến công tác thực hiện và kế hoạch quảng bá phim ST/HCM. Trong phần tường trình tài chính, Ông cho biết số tiền đồng hương ủng hộ qua 20 buổi ra mắt vừa qua đã đủ để hoàn trả 100 nghìn mỹ kim các mạnh thường quân ứng trước cho Phong Trào làm phim. Tuy nhiên, Ông nhấn mạnh, để hoàn tất toàn bộ dự án, gầm cả chi phí in và chuyển gửi 30 nghìn DVDs và tổ chức gần 40 buổi ra mắt các nơi trong năm 2009, thực hiện và quảng bá bản tiếng Anh và tiếng Pháp, Phong Trào cần thêm 100 nghìn mỹ kim, chậm nhất là phải có vào tháng 4 năm 2010."

Ai muốn biết thêm các chi tiết, tường trình, coi hay lấy phim trong internet,... xin nhắp chuột trên link này để tới trang web của chúng tôi để biết.

xtt

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (I)
2009-09-20 14:05:58
oc

Hồ Chí Minh có thể là chủ tráo trong một sòng bài 3 lá . Chủ tráo và tay chơi chỉ là mặt nổi . Mặt chìm mới khủng khiếp và đáng kể . Mặt chìm ,đó là những tên cò mồi + những tên cản địa , bảo vệ + một vài em "ngọt nước" câu khứa ....Thì mới hình thành một canh bạc bịp .

Ở hải ngoại, cũng có những tổ chức chống cộng , những tác giả chống cộng , họ hoạt động và viết sách tập trung lý luận phân tích vào tội ác của ĐẢNG CSVN , trong đó có cá nhân HCM .
Đối với các tác giả ngoại quốc , họ nghiên cứu về cá nhân HCM theo nhiều góc cạnh . Họ có cái hay là lối hành văn khách quan (đương nhiên) +lý luận sắc bén . Nhưng đa phần , họ khó thể hình dung nổi một sự thật : CSVN và CSTQ mặt nào đó kế thừa những nết xấu của mỗi dân tộc .

Người Tây Phương khó chấp nhận một em bé trai hoặc gái 12,13 tuổi mà mẹ còn có thể tắm cũng như lo lắng tỉ mĩ vấn đề chi li khác trong đời sống. Cũng như thói quen gia tộc dựng vợ gả chồng cho con cháu v.v...
HCM là một lãnh tụ của đảng CSVN , tập đoàn chỉ huy cá nhân phụ trách .
Nói về Hồ mà không kể tới những phù thuỷ hung thần như: Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ , Trần Quốc Hoàn, Mai chí Thọ , Phạm Hùng , Trần Bạch Đằng v.v...là một thiếu sót trầm trọng .
Theo tui nghĩ , bọn họ bất khả ly cách . Có chủ tráo bài HCM mà không có cò mồi , cản địa , gái mời ...thì không có sòng bài bịp VC !!

"Trách nhiệm duy nhất và lớn lao mà đảng CSVN tự nguyện gánh vác là triển dương ý hệ xã hội chủ nghĩa chứ không phải sự ổn định và thăng hoá đời sống xã hội Việt Nam”. Đó là lời giải đáp cất lên từ những diễn biến trong hậu trường chính trị Việt Nam đã lộ hình khi bức màn đỏ được cuốn lên."(Hoàng Dung)

Sau Bức Màn Đỏ -Hoàng Dung [www.tiengquehuong.com]

@v@
(..)//
ww
!!!!

Hây a, ngộ pàn pạc dzí tồng chí của
ngộ kỹ lắm mà . Mà các tồng chí chú
pa ,chú năm , cô út ...cung cấp cho ngộ
đìu đìu , ngộ đâu có thíu cái dzì ...chế !
muốn con...ngái có con ngái ! hết xài thì
mấy chú cán pộ đem nó đi chổ khác ...chơi .
hehehe !

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-20 22:06:31
bandoc

Trích:
Mao Trạch Đông hành quân ngồi trên mình ngựa và điều làm cho uy tín của ông vang dội đi khắp nơi là cảnh ông cởi trần bơi qua sông. Trong khi đó, Tưởng Giới Thạch đi đâu cũng mũ kép, lon chậu oai vệ lắm. Dưới tay có 8 triệu binh đội mà để thua một người có lúc binh đội chỉ còn vỏn vẹn có 5000 người ....

Người Tàu có thể chê trách Mao hoang dâm vô độ và là thủ phạm của 65 triệu nạn nhận bị giết chết tại Trung quốc qua bước tiến nhảy vọt, trăm hoa đua nở, đại cách mạng văn hóa…..

Nhưng hầu hết các Sử Gia / Học Gia TQ đều công nhận Mao là người duy nhất đã có công thông nhất , dành độc lập và mở mang bờ cỏi cho TQ sau Tần Thuỷ Hoàng, ông cũng được xem là bạo chúa vì chính sách cai trị hà khắc và tàn bạo của mình.

Còn HCM chỉ có công đưa duy nhất là đưa cả nước VN vào vòng nô lệ TQ, và cũng là thủ phảm của 2 cuộc chiến ngu xuẩn và vô nghĩa trong LSVN sau đệ nhị thế chiến ( có 14 nước ở châu á kễ cả VN đều được lần lược trao trả độc lập mà đánh nhau.

Qua đến thế kỹ 21, người TQ tràn ngập VN khắp nơi, từ đồng bằng cho đến cao nguyên và ngoài biển đông mà nhiều vẩn Sử Gia / Học Giả vần còn mù mờ ú ớ nói ngọng về "công tội HCM" thí cũng xứng đáng thay chổ cho "Thằng Hèn" Tô Hải vậy.
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-20 22:28:11
bandoc

Xin đọc là: có 14 nước ở châu á kễ cả VN đều được lần lược trao trả độc lập mà không cần phải đánh nhau.
 
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 11:39:59
le phong

Ý bác là: Có 14 nước ở châu Á kể cả VN đòi độc lập và rốt cuộc tất cả (trừ VN ra) đều được lần lược trao trả độc lập từ trước năm 1960 - mà không nước nào cần phải đánh nhau như VN.

VN đánh đá năng nổ nhất mà rốt cuộc cho đến ngày hôm nay 2009 (gần 50 năm sau) - vẩn bị còn mất độc lập - vẩn còn tiếp tục bị cai trị bởi TQ.
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 05:00:31
bandoc

Đúng vậy bác le phong !

Chúng ta đã có 1 nhà nước độc lập qua TT Trần Trọng Kim được giao thành lập nội các vào ngày 17/4/1945. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Và HCM đã ăn cướp nền độc lập VN dâng cho Mao vào ngày 2/9/1945 qua bản "Tuyên Ngôn (Cướp) Độc lập VN" ở Ba Đình.

Kễ từ lúc đó chiến đến ngày hôm nay VN ta chỉ có võn vẹn 4 tháng rưởi Độc Lập mà thôi.
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 07:29:01http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Trích: Nhưng hầu hết các Sử Gia / Học Gia TQ đều công nhận Mao là người duy nhất đã có công thông nhất , dành độc lập và mở mang bờ cỏi cho TQ sau Tần Thuỷ Hoàng

Không biết sử gia nào của Trung Quốc mà dốt thế? Nước Trung Hoa có bao nhiêu lần bị chia năm xẻ bẩy thì có bấy nhiêu người có công thống nhất Trung Hoa. Thời trước 1949 Trung Hoa đâu có bị chia làm nhiều nước nước như một số giai đoạn trước trong lịch sử mà vẫn là một nước nhưng có nội chiến. Mao chỉ là người thắng một cuộc nội chiến, còn có những người khác đã từng thống nhất Trung Hoa khi TH đã bị chia thành nhiều nước.
 
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 08:07:04
bandoc

Thưa bạn Minh Đức. Ai đã có công thống nhất / mở mang bờ cỏi TQ...Tây Tạng, Tân Cương, Mãn châu, Nội Mông...cho TQ vậy ?
 
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 08:44:55
bandoc

Một tràng pháo tay râm rang trỗi lên khá dài. Đợi cho tiếng vỗ tay ngưng hẳn, Khang Sinh lại tiếp:

Chủ tịch Mao Trạch Đông thật xứng đáng với danh hiệu Mặt Trời Đỏ, mặt trời duy nhất thuở người còn sống ở cõi trần. Từ một hoàn cảnh bi đát nhất của Trung Hoa, thời Thanh mạt hủ bại chuyển tiếp sang chế độ Tưởng Giới Thạch độc tài thối nát, một phần lãnh thổ bị quân phiệt Nhật Bản chiếm đóng, bóc lột, cướp giết cực kỳ dã man, ông Mao đã anh dũng đứng lên dìu dắt dân tộc đánh bại mọi kẻ thù để xây dựng lại nước Trung Hoa hùng mạnh như ngày nay! Người đã có công hợp nhất các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng vào đại gia đình Trung Hoa! Với tài năng quán thế, người đã đưa Trung Hoa từ địa vị một dân tộc suy yếu mới bị liệt cường xâu xé trở thành địa vị một nước mạnh nhất hoàn cầu có thể đối đầu ngang ngửa với đế quốc Mỹ, qua mặt cả các đế quốc Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật... Mặc dầu trước kia có nhiều vị thánh quân từng tạo được sự cường thịnh, cảnh thanh bình cho đất nước nhưng thật sự lúc nào ta cũng còn phải lo sợ các giống rợ chung quanh có thể trỗi dậy quấy nhiễu bất thần. Ngày nay, ta có thể hãnh diện mà nói: "Đố có thằng giặc nào dám cả gan rớ tới Trung Quốc nữa!". Thực tế đó có phải là công lao của Mao chủ tịch không? Mao chủ tịch có xứng đáng để nhận lấy giải thưởng cao quí nhất của Ngọc Hoàng Thượng Đế không?
Trích từ: Tột Đỉnh Vinh Quang / Ngô Viết Trọng
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 15:19:22
Bạn đời của dân hèn

Luận điệu của cs cò mồi thì bao giờ chả vậy? cs xứ nào cũng hát...quang vinh, hãnh diện vì...cứu dân độ thế, dấu đi những vụ tàn sát, giết người, khũng bố kinh tỡm, chưa kể đến việc bại hoại trật tự luân thường...

Có một điều, phải công nhận là bây giờ bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành chiến tranh, đánh Tàu Cộng rất khó. Chúng đã kiễm soát được....từng người Tàu trong lục địa, hiếm có chuyện nỗi dậy chống Cộng từ người dân Tàu. Từ ngoài đánh vô, Tàu Cộng bây giờ vũ khí tối tân không thua các cường quốc khác trên thế giới, dân Tàu đông, lại liều mạng. Đến Mỹ còn chịu không thấu ờ mặt trận Triều Tiên, phải ký kết chia đôi lãnh thổ.

Tàu lục địa, có lẽ rồi phải chịu ách cs lâu dài, trừ phi có thế chiến...kế tiếp. Có cách nào xúi được Mỹ hay Nga đánh Tàu, may ra cs Tàu mới tan tành xí quách....

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-20 22:08:22
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Trích: Thiếu sinh động. Đến là một phim tài liệu cũng không có. Thiếu, thiếu nhiều thứ. Nó có vẻ thiếu một chiều sâu. Vấn đề nào cũng được đề cập tới một cách phiến diện...

Cuốn phim trình bày các dối trá chung quanh ông Hồ vì những điều dối trá nhiều quá nếu làm chi tiết của từng vụ thì cuốn phim sẽ rất dài. Người làm phim có thể chọn cách nói ra cho đủ các sự việc và để cho người xem đi tìm hiểu thêm chi tiết hoặc làm rất đầy đủ chi tiết nhưng không thể gói trong một cuốn phim được mà phải làm thành nhiều tập. Yếu tố tài chánh cũng là điều chi phối . Nếu làm chi tiết, kéo dài ra nhiều tập thì chi phí sẽ tốn kém hơn. Phim tài liệu ngoại quốc về chiến tranh VN chẳng hạn cũng có những cuốn làm để bao gồm toàn bộ cuộc chiến thì phải chọn một số sự kiện quan trọng cho người xem có cái nhìn tổng quát và bỏ đi rất nhiều chi tiết. Có phỏng vấn khá nhiều nhân chứng và có một đoạn phim của đấu tố thật . Tôi cho là khá sinh động nhất là cách chọn hình ảnh, đoạn phim phù hợp với ý nghĩa của lời nói.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-20 23:03:27
Nga My

Tôi đồng ý với bác LỤC là cuốn phim Sự thật về Hồ Chí Minh còn rất sơ sài , phiến diện .
Chưa nói hết được những cái gian manh của tên cáo Hồ ! tuy nhiên đó là cuốn phim đầu tiên mà người Việt hải ngoại đã làm được , vạn sự khởi đầu nan !!! Như vậy cũng đã là một sự cố gắng ghê gớm .
Đối tương mà nhóm làm phim muốn gửi gấm là người dân Việt , đặc biệt là trong nước , những thế hệ con em chúng ta đã đang bị bọn CS bưng bít và và làm cho méo mó !
Với người ngoại quốc thì chắc chắn không mang kết quả như chúng ta mong muốn , vì cuốn phim không có vẻ chuyên nghiệp , cũng chưa được coi là phim tài liệu !
Tuy nhiên cuốn phim này cũng đủ làm cho tập đoàn Việt gian bán nước CS bị một vố choáng váng và khó chối cãi về những điều chúng hằng che dấu người dân còn đang sống dưới vòng kềm toả của chúng .

Hy vọng là trong tương lai sẽ có nhiều cuốn phim khác nói về tên gian manh này với nhiều chi tiết hơn '
nhiều nhân chứng sống hơn và dài hơn .
 
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 00:22:52
Phục Việt

Rất đồng ý với bác Lục là:
"Trong tương lai, nếu cần làm một bộ phim về Hồ Chí Minh cho thật đúng tầm, tôi thấy không ai đủ tư cách hơn tác giả Minh Võ, tác giả cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp trong vai trò viết thuyết minh. Có thể nói, ông là một. Stanley Karnov của người Việt Hải ngoại. Chẳng những ông đọc nhiều tác giả ngoại quốc, ông còn thu thập đầy đủ các tài liệu trong nước và đưa ra những nhận đích rất là thích đáng và hiểu biết. Rất tiếc, trong bộ film này, vai trò của ông rất mờ nhạt."

Bác Minh Võ nên được giao trách nhiệm viết thuyết minh. Minh Võ viết rất hay, rất bén (còn văn nói thì không đạt lắm, có lẽ do tuổi tác, và không có khiếu).
Tuy cuốn phim Tài liệu"Sự thật về hcm"còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh nhưng cũng là công trình giá trị nhất mang tính tấn công vào bộ mặt gian trá hcm và đảng cộng.
Vậy mọi người nên ĐEM HẾT KHẢ NĂNG ĐỂ TRUYỀN TẢI VỀ VN, NƠI MÀ DÂN CHÚNG ĐANG BỊ "BƯNG TAI BỊT MẮT"...
đỒNG THỜI, ĐÊ NGỌN LỬA SỰ THẬT THIÊU RỤI BỌN GIAN MANH, chúng ta mỗi người nên góp một tay.
Ai có khả năng nào làm theo khả năng đó: Làm thơ, viết văn, viết bình luận, chuyển tin tức, vẽ tranh, sáng tác nhạc v.v...theo cùng chủ đề:"VẠCH MẶT HCM".
Nói tóm lại là GÓP GIÓ THÀNH BÃO, THÀNH CUỒNG PHONG PHÁ TAN ÁC QUỶ HCM VÀ ĐỒNG ĐẢNG!

tôi dốt, cũng xin góp bài thơ sau:

TẨY TRỪ GIAN TẶC HCM

Quỷ đã hiện hình Hồ chí Minh
Mặt người, dạ thú, cốt chồn tinh
Tay sai cúi lạy hồn Mao Trạch
Gián điệp chui lòn háng Sta-lin
Dẫn rước quân nô giày mả tổ
Đưa về Cộng thuyết giết sinh linh
Hỡi ơi, ma khí còn vương nặng
Đất nước tang thương phải hận tình

Đất nước tang thương phải hận tình
Bao năm mà mãi vẫn điêu linh
Bởi loài cộng phỉ: đồ oan nghiệt
Vì đứa lưu manh xác chết sình
Phản quốc, tham ô càng ác dữ
Độc tài vơ vét đến cùng đinh
Thây ma ác quỷ đang cần đánh
Lật xác tên Hồ, đảng thất kinh

Lật xác tên Hồ, đảng thất kinh
Văn nô tô vẽ uổng công trình
Nay đà lộ mặt thằng ăn cướp
Rồi đã lòi ra đứa bạc tình
Gian ác, dâm ô là Cáo thú
Hại dân, bán nước ấy Hồ tinh
Đánh ngay tử huyệt phường vô lại
Cả nước, nhân dân ắt chuyển m ình
Cả nước, nhân dân ắt chuyển m ình
Cùng nhau vạch rõ sự u minh
Phá tan tượng ác thành tro bụi
Diệt nát thây ma hóa đất sình
Cởi trói người ngay bằng chính khí
Chặt đầu kẻ nịnh với gươm linh
Khải hoàn dân chủ toàn dân muốn
Miên viễn Việt Nam hưởng thái bình

PV

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 05:11:30
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Trích: Xem xong hai cảnh đó, tôi rất buồn. Không có một thứ cố vấn dám chỉ cho ông Diệm không nên mặc như thế, không nên ngồi như thế, coi “mất lòng dân lắm”.

Về việc so sánh ông Diệm và ông Hồ trong việc ăn mặc, xử sự như thế nào để đạt được sự ủng hộ của dân thì tôi cho rằng không phải là vấn đề là không có cố vấn chỉ mà nói chung là anh em ông Diệm không nhạy bén trong việc tuyên truyền, lấy lòng dân. Việc ông Diệm mặc áo vét đi kinh lý là ông Diệm tiếp tục hành xử nhưng thời Pháp, viên chức chính quyền mặc đồ lớn đi kinh lý, khiến cho người dân có cảm tưởng chế độ ông Diệm là sự nối dài của chế độ Bảo Đại. Còn ông Hồ cố tình làm khác đi để cho ra vẻ cách mạng. Trong tình hình như vậy, nếu ông Nhu là người nhạy bén thì ông ta sẽ tạo ra hình ảnh ông Diệm khác với hình ảnh viên chức thời Pháp mặc vét trang trọng trong các buổi lễ lạc. Có nhiều điều đáng gọi là thất nhân tâm hay mất quan điểm quần chúng khác mà ông Nhu không nhìn ra chẳng hạn việc để cho bà Nhu vào quốc hội ăn nói hách dịch, át giọng các dân biểu khác. Làm như vậy những dân biểu khác họ sẽ có cảm giác họ là gia nô cho gia đình họ Ngô chứ không phải là làm việc nước. Hay trong lúc chính giới Mỹ có ác cảm với chế độ ông Diệm mà bà Nhu đi sang Mỹ ăn nói hách dịch, coi thường những người dân đang phản kháng. Một người giỏi tuyên truyền sẽ rút bà Nhu về không để cho bà ta đi ra ngoài công chúng ăn nói. Thà là cho một người yếu hơn về ngoại ngữ nhưng khiêm tốn, ăn nói nhã nhặn hơn là dùng một người giỏi ngoại ngữ kiêu căng. Còn nhiều điều thất thố khác khiến cho ông Diệm lúc đầu lên năm 1956 được dân ủng hộ về sau gần như là bị ác cảm từ người Mỹ đến người quốc gia cho đến kẻ dưới quyền và VC thì tuyên truyền lan tràn ở nông thôn. Đó là bài học mà người quốc gia cần phải nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm để làm việc tuyên truyền tốt hơn.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 05:17:14
http://minhduc7.blogspot.com/
Minh Duc

Trích: ôi thấy không ai đủ tư cách hơn tác giả Minh Võ, tác giả cuốn Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp trong vai trò viết thuyết minh.

Tôi thì thấy nội dung của phim này giản dị và đa dạng rất thích hợp với phổ biến cho đại chúng. Đại chúng chỉ cần xem và biết sự việc chứ không cần đào sâu vào chi tiết. Còn cách viết của ông Minh Võ thì quá chi li, đưa ra nhiều chi tiết, lý luận rườm rà, dài dòng, có khi chủ quan. Cách viết cũng như lối nhìn vấn đề của ông Minh Võ chỉ thích hợp mới một số người nào đó. Trong khi nội dung cuốn phim này đề cập các vấn đề và trình bày khá ôn hòa dễ cho số đông chấp nhận hơn.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 06:05:21
Nam Phương

Sự thật về Hồ chí Minh : Tội Đồ Dân Tộc ! [danchutudo.wordpress.com]

Qùy, qùy xuống xưng tội đi, dân sẽ tha chúng mày !
Anh đem mẹ ruột anh ra đấu
Anh đem mẹ ruột anh ra giết
Cho nên bây giờ anh chết mẹ anh rồi !
Anh đem cha ruột anh ra tố
Anh đem cha ruột anh ra giết
Cho nên bây giờ anh chết cha anh rồi !
Qùy, qùy xuống xưng tội đi, dân sẽ tha chúng mày !

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 11:09:15
Bạn đời của dân hèn

Thưa, cho đến bây giờ em vẫn còn thắc mắc, không hiểu tên Việt Cộng nào đã đưa ra cái việc đỗi tên Sài Gòn ra tên....Hồ chí Minh?

Kể ra thì tên này đáng được mang danh hiệu là....giang hồ đệ nhị...nịnh, sau Tố Hữu,

Những cái nịnh buồn cười, nhưng...chết người!...
Bắt chước Nga Xô với những Leningrad, Stalingrad...

Chúng muốn người miền Nam, phải quên đi Sài Gòn, chính phủ Sài Gòn VNCH.

Việt Cộng đánh bóng Hồ chí Minh lên đến tận mây xanh, lập đi lập lại liên tục hằng ngày, chẳng bao giờ biết chán. Thậm chí, đến nay chúng....tung Hồ chí Minh vào các giãng đường của Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hoả Hảo, Tin Lành. Tăng sinh nào không thuộc bài tư tưởng đạo đức Hồ chí Minh, tăng sinh đó sẽ không được...lên lon...

So với người việc hãi ngoại, có được bao nhiêu tác phẫm về sự thật, bộ mặt thật của Hồ chí Minh? Thỉnh thoảng DCV đưa lên được vài bài, thì có kẽ kêu rằng...nhàm, chán...

Với sự việc Việt Cộng đánh bóng rỡm Hồ chí Minh trong nước....bền như thế. Tác phẫm nào viết về, vạch trần sự thật Hồ chí Minh, hay mỗi một phát hiện nào dù nhỏ, về việc csVN láo lừa cũng đều quí cả...

Em hoan nghênh cuốn phim "Sự thật về Hồ chí Minh"...

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-21 18:53:25
thibang

Hãy Nhìn Đúng Sự Thật!

Nếu không có chống lưng, xúi bảo!
Của quan thầy Nga- Tàu
Thử hỏi tên gian manh Hồ cáo
Cùng đảng Việt cộng bố láo!
Làm sao phá nổi cơ đồ!

Hỡi các ngài trí thức gà mờ!
Đừng bơm nó lên quá cao!
Trí khôn nó máu đầu chưa ráo,
Chỉ được tài ba que bố láo,
Như cần câu kiếm miếng ăn
Cộng thêm tánh bạo tàn
Được tiếp hơi bằng súng đạn!

Ẩn uất thưở thiếu thời: bị khinh khi!
Khiến Cáo trở nên sắt máu
Khi nắm trọng quyền cao!
Trả thù bằng cách giết hại đồng bào
Cùng nòi giống, cùng màu da với nhau!

Một dân tộc nhỏ bé hiền hòa
Làm sao chống nổi hai nước lớn Nga- Hoa!
Nhưng cũng đã oai hùng chiến đấu’
Đánh lũ cáo bầy chồn,
Hơn ba mươi năm qua!

Chỉ vì mấy anh trí thức nửa mùa,
Ăn cơm quốc gia
Thờ ma cộng sản
Nên cái lũ tay sai đại hán:
Một đám cáo chồn ma lanh, nho nhỏ,
Được vẽ thêm móng nanh,
Nhuộm màu, để trở thành quỷ đỏ.
Chúng cam tâm chịu làm thân trâu chó!
Ôi! Lũ cáo chồn từ hang Pác bó
Theo Tàu tàn phá giang san,
BiếnViệt nam thành huyện An nam!

Các anh trí thức nửa mùa!
Cũng vì muốn kiếm miếng ăn,
Hoặc chứng tò với đời,
Mình tài cao, học giỏi,
Đã tiếp tay cho bọn gian manh,

Sao không về Việt nam?
Để lảnh chức trọng quyền cao?
Đừng ở đây khua môi múa mỏ,
Dân đen đã biết rỏ:
Tội trí thức chồn lùi các anh,
Không nhỏ!

‘Ai chiến thắng không từng chiến bại’
Sau năm bảy mươi lăm (1975),
Đại hòang kỳ vẫn tung bay trước gió,
Khắp năm châu hải ngọai,
Hẹn ngày đòan hùng quân trở lại!
22/9/2009

(thi bang tôi xin tặng mấy ngài trí thức nửa mùa, ăn cơm quốc gia , thờ ma VC tàn phá quê hương, hãm hại dân lành. Có ngày quí vị sẻ phải trả lời tội ác này trước lương tâm & công lý!)

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 08:25:06
xoathantuong

Đối tượng của một sản phẩm: Văn xuôi, văn vần, phim, nhạc, ý kiến, ... là ai? Những nhà chuyên môn? Những người nghiên cứu? Đa số quần chúng? Giới bình dân? Sinh viên, trí thức? Cho một tổ chức nào đó dùng làm tài liệu học tập?

Phim làm cho đa số quần chúng thường theo cách mà các nhà làm phim chuyên nghiệp (Hollywood) đã và đang làm là đừng quá dài, đừng quá ngắn. Các quyển truyện dầy hàng trăm trang khi mang vào phim đều phải rút ngắn lại, chọn những điều cần thiết mà theo người quay phim và tác gỉa cùng đồng ý để phim không bị sai lệch với cốt truyện. Đã có nhiều trường hợp người đọc sách về một truyện nào đó rồi khi đi coi phim về cảm thấy thất vọng vì theo họ phim nó kỳ quá, thiếu chỗ này sai chỗ nọ,... không lột tả đúng được cốt truyện.

Đa số quần chúng không có nhu cầu đi vào các chi tiết, các trích dẫn như các người tìm hiểu, các nhà sử học . Theo tôi, phim "Sự thật về HCM" trả lời vừa đúng cho đa số quần chúng. Cách bố cục của phim hợp lý, giọng đọc lời dẫn truyền cảm. Chỉ có tiếc là một vài đoạn phỏng vấn âm thanh không được tốt.

Xin cám ơn tất cả những người đã tham gia vào việc làm phim này.

xtt

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 08:38:43
xoathantuong

Nói về vụ UNESCO.

Muốn biết rõ về nó xin nhắp chuột lên link này để coi bản chính về resolution (nghị quyết, quyết định) của Unesco - Records of the General Conference Twenty-fourth Session Paris, 20 October to 20 November 1987

Nguyên bản (Original) có tất cả 208 trang. Ghi lại nhiều điều trong kỳ họp thứ 24, ngày 20 tháng 10 năm 1987, ở Paris.

Resolution (nghị quyết, quyết định) này như thế liên quan đến nhiều vấn đề của Unesco (cách tổ chức, những tường trình, chương trình lớn,... ). Trong đó khuyến nghị (Recommends) tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh HCM chỉ có hơn 1/2 của trang số 134 & 135. Tiếp theo là phần 100 ngày sinh của Jawaharlal Nehru.

Trong mục "B General programme activities" (những chương trình hoạt động tổng quát)

"18.6 Commemoration of anniversaries ......... 132
...
18.65 Centenary of the birth of President Ho Chi Minh...134
18.66 Centenary of the birth of Jawaharlal Nehru . . . . . .135
...."

Trích:
"18.65 Centenary of the birth of President Ho Chi Minh [trang 134]

...Considering that President Ho Chi Minh, an outstanding symbol of national affirmation, devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people, contributing to the common struggle of peoples for peace, national independence, democracy and social progress,

Considering that the important and many-sided contribution of President Ho Chi Minh in the fields of culture, education and the arts crystallizes the cultural tradition of the Vietnamese people which stretches back several thousand years, and that his ideals embody the aspirations of peoples in the affirmation of their cultural identity and the promotion of mutual understanding,

1. Recommends to Member States that they join in the commemoration of the centenary of the birth of President Ho Chi Minh by organizing various events as a tribute to his memory, in order to spread
knowledge of the greatness of his ideals and of his work for national liberation;
..."


Như thế,

UNESCO có chính thức khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của HCM do "các đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật", và ông "đã dành cả cuộc đời mình cho sự giải phóng nhân dân Việt Nam, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"

Ở đây Unesco không ghi rõ "ông là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa" hay "dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc [trên thế giới] như chép ở phần Wikipedia tiếng Việt.

Nếu Unesco biết là văn bản của mình đã bị xuyên tạc không biết họ sẽ nghĩ sao? Nếu cho là không xuyên tạc thì mời quý vị đó dịch thử ngược lại từ tiếng Việt ra tiếng Anh thì sẽ rõ trắng đen.

Tuy Unesco có khuyến nghị đấy, NHƯNG chẳng có ai tổ chức hết vì sao?

Xin coi:
Jean-François REVEL, UNESCO và Hồ Chí Minh, 1990.

Bùi Tín, UNESCO Không Hề Tổ Chức Sinh Nhật Hồ Chí Minh, 2005

xtt

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 11:33:36
Freesia

Khi đưa ra hình ảnh Cố TT Diêm và Hồ Chí Minh kèm với tiết lộ của nhà văn Vũ Thư Hiên là tác giả muốn nhấn mạnh về mục tiêu tuyên truyền của CSVN. Cộng sản sống còn là nhờ tuyên truyền Chính Hồ Chí Minh cũng đã viết sách dạy thanh thiếu niên là cái gì thuộc về Đảng và nhà nưóc là phải viết tốt, còn địch cho dù tốt cũng phải viết giải thích đó là xấu.Có lẽ vì thế mà người CS nói láo không biết ngượng. Những huyền thoại xây dựng chung quanh “Bác Hồ” không ngoài mục đích làm cho Hồ Chí Minh trở thành thần tượng của cả nước, có thế dân miền Bắc mới lao đầu vào cuộc chiến, mới lăng chiêng bò càng ra khóc khi “Bác” đi theo hai ông Mac và ông Lê, mới có sự việc cả một cái làng nọ ở miền Bắc đã đồng tình đòi xoá bỏ Họ của ông cha mình thay vào đó lấy họ Hồ của “Bác”!
Nếu bảo rằng những huyền thoại về “Bác Hồ” là do Bộ Chính Trị thêu dệt ra là không đúng vì, như chuyện vợ con chẳng hạn, chính Hồ Chí Minh cũng đã từng hãnh diện khuyên các thanh niên “đừng bắt chước Bác hút thuốc và không lấy vợ nhé!”. Trong một buổi học tập, các cô gái nhờ “Bác” gỡ rối tơ lòng, “Bác” ví von “chuyện này mà mang hỏi Bác thì chằng khác nào hỏi nhà sư mà mượn cái lược!”. Tự ví mình diệt dục như một nhà sư đó là đường lối chủ trương của Hồ Chí Minh. Chính vậy mà cô gái Tày Nông Thị Ngác, người phục dịch cho Hồ Chí Minh khi Hồ mới về nước ở hang Pác Bó đã chỉ tiết lộ “ chồng tôi là nhà cách mạng năm 1930”, và đứa con chung của hai người, Nông Đức Mạnh, cũng đã ỡm ờ “Mọi người Việt Nam đều là con của HCM” để trả lời câu hỏi thẳng thừng của một nhà báo ngoại quốc “ HCM có phải là cha của ông không?”
 
Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 11:40:11
Freesia

Quyển “Ho Chi Minh- A Life” của William J Duiker được CSVN xin dịch ra tiếng Việt nhưng lại yêu cầu loại bỏ chương nói về chuyện vợ con của Hồ Chí Minh, nhà xuất bản dĩ nhiên không chấp nhận. Điều này cho thấy tài liệu mà William J Duiker tham khảo, ngoại trừ chuyện quan hệ tình cảm với phụ nữ, còn thì dựa vào một số tài liệu có thể do CS cung cấp nên đã không nêu lên hết được sự thật về nhân vật này. Điều thiếu sót đáng trách là viết về Hồ Chí Minh mà William J Duiker không thấy tham khảo đến cuốn sách “ Từ Thực Dân Đến Cộng Sản”( From Colonialism To Communism) xuất bản bằng tiếng Anh năm 1964 của Hoàng Văn Chí, là người đi sát cạnh HCM nên đã chứng kiến tận mắt nghe tận tai tất cả những tội ác của HCM trong CCRĐ.

. Được biết trong tương lai phim “Mặt Thật Của Hồ Chí Minh”sẽ phát hành bằng hai thứ tiếng Anh Pháp. Đây là điều nên làm , cần phổ biến rộng rãi cho giới trẻ và người bản xứ. Đối với người tây phương quan niệm tình cảm họ rất dễ dãi phóng túng nên phần vợ con của Hồ Chí Minh nên rút ngắn lại, khai triễn tội ác trong CCRĐ, cần nhấn mạnh sau đợt giết địa chủ để san bằng giai cấp, Hồ Chí Minh cho thi hành chính sách Sửa Sai là để bắt trọn những ai không trung thành tuyệt đối với Đảng chứ không phải HCM ăn năn hối hận vì đã giết quá nhiều địa chủ kể cả thành phần đã theo kháng chiến nhưng gia đình thuộc thành phần tư sản. Kết quả của SỬA SAI là “Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm” ra đời mà trong đó Nguyễn Hữu Đang một công thần hiến trọn đời mình cho Đảng để rồi bị HCM bỏ tù chỉ vì nghe lời Hồ sừa sai để xây dựng Đảng! Đọc bài “Rẻo Đất Cuối Đời” mà Phùng Quán mô tả về Nguyễn Hữu Đang mới thấy tội ác tày trời của HCM và Đảng CSVN. Theo nhà thơ Nguyễn Chí Thiện thì thời gian ông còn ở trong nước, năm 1992 Phùng Quán và Phùng Cung có đứng ra mừng thọ 80 cho Nguyễn Hữu Đang. Thiệp mời được gửi đi mời cả quan chức nhà nước trong đó có Đỗ Mười., Lê Đức Anh… Thiệp mời thay vì Mừng Tuổi Thọ lại ghi ba chữ “MỪNG SỐNG DAI”!!! Độc hết chỗ nói.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 16:19:27
mythanh

A, cũng theo nhà thơ Nguyễn Chí Thiện thì cuốn DVD còn kể thiếu một tội ác nữa của HCM là đã chà đạp hệ thống pháp lý VNDCCH vào thập niên 1960s bằng lệnh bắt người ba năm không cần xét xứ. Chính nhà thơ đã ... từ từ được hưởng ba lệnh tiếp nối nhau (ba năm một lệnh) mà không hề qua toà án.

Re: Một vài ý kiến về cuốn phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” (Kết)
2009-09-22 21:21:38
DA10

"Họ đều nhầm lẫn. Nói trắng ra, họ bị lừa.
Lý do là họ không hiểu được cá tính con người Việt Nam và người Á Đông nói chung."

Thích nhất câu này của ông Lục. Đúng đến mức không thể đúng hơn!

www.geocities.ws/xoathantuong