Về "Mười nỗi đau của Bác Hồ"

Nguyễn Văn Lục
 

Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật lãnh đạo chính trị cận đại của Việt Nam được báo chí, sách vở trong nước cũng như ngoại quốc đề cập tới nhiều nhất. Có thể đối với một số tác giả ông còn vượt cả Mao Trạch Đông, tác giả Mao tuyển hay Ngữ Lục của Trung Quốc.

Mao Trạch Đông được coi là một nhân vật "vĩ đại" về viễn kiến chính trị, về tư tưởng của ông, và cũng là tác giả của cuộc Đại cách mạng văn hóa hay tác giả "Bài nói chuyện ở Diên An". Ông "vĩ đại" vì khối óc "sáng tạo" với những ý tưởng để đời như lời tuyên bố viễn kiến vào ngày 1 tháng 10 1949 , "Dân tộc Trung Hoa đã đứng lên, không có bất cứ ai còn có thể làm nhục họ được nữa."

Tuy nhiên cái vĩ đại ấy đã được thổi phồng đến độ kinh hoàng, không nói là điên rồ của một thứ vô thức tập thể.

Trong cuốn Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội (1), có một đoạn viết như sau,

"Trong tiềm thức, đông đảo cán bộ, đảng viên quần chúng cảm thấy có tín ngưỡng vô hạn, sùng bái vô hạn Mao Trạch Đông, thì mới có an toàn chính trị cho bản thân và gia đình. Một cao trào sùng bái cá nhân mang tính chất toàn dân vừa bị ép buộc, vừa tự nguyện như một dòng thác lũ tràn ngập đất Trung Hoa."

Người viết đọc đoạn văn trích dẫn trên mà không khỏi rùng mình và tự hỏi phải chăng đối với Hồ Chí Minh, người ta cũng thần thánh hóa bằng một thứ bạo lực "êm dịu", "thúc bách vô thức tập thể" như thế?

Nhưng về mặt con người thì lãnh tụ Mao Trạch Đông được mô tả là người "bình thường". Ông nổi tiếng ham mê sắc dục không dấu diếm, nổi tiếng ở bẩn như không hề đánh răng, không hề tắm, hay ngay cả cái tài ăn ớt của ông.

Người ta viết về ông với đầy đủ cái vĩ đại đến cái xấu cũng như những thất bại của ông.

Trong khi đó, hình ảnh Hồ Chí Minh khác hẳn họ Mao. Nếu Mao vĩ đại, họ Hồ bí mật. Mao sống thực, họ Hồ sống giả. Mao sống như thể "vô đạo đức", giết người không gớm tay, họ Hồ sống như bậc triết nhân, "đạo hạnh", lúc nào cũng như thể lo cho dân.

Câu hỏi là có thực sự là như thế không?

Hình ảnh Hồ Chí Minh bao trùm một bí mật với nhiều huyện thoại "tuyệt vời" đến người ngoại quốc cũng nghi ngại không biết đâu là thật, là giả. Một số không nhỏ các tác giả người Pháp cũng như sau này người Mỹ đã bị mê hoặc về tính chất huyền bí trong nhân dạng Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định chính cái bí mật làm nên con người Hồ Chí Minh.

Như Wiilliam J. Duiker nhận xét trong phần mở đầu cuốn sách đồ sộ của ông về Hồ Chí Minh, "There is an element of mystery in all great men. And few enjoyed the mystery more than Ho Chi Minh himself." Và chính Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận về điều này khi trả lời một cuộc phỏng vấn của Bernard Fall vào năm 1962, "An old man likes to have a little air of mystery about himself. I like to hold on to my little mysteries. I’m sure you will understand that." (Trích Ho Chi Minh, a Life, William J. Duiker, trang 7.)

Khởi đầu là các bí mật về tên tuổi, dòng họ gia đình,cuộc đời hoạt động "ra đi tìm đường cứu nước", hoạt động bí mật bên Pháp, bên Trung Quốc, bên Liên Xô, v.v...

Khi về nước đột nhiên xuất hiện một "huyền thoại" chung quanh ông như "cha già dân tộc" dù mới ở tuổi trên 50. Hình ảnh ấy xem ra dị hợm và lố bịch quá nên sau đó được đổi ra là "Bác Hồ". Chữ Bác Hồ từ đó gắn liền với cuộc đời Hồ Chí Minh cho đến khi chết.

Nhưng giữa những bí mật, những huyền thoại được bôi vẽ hay đóng kịch có nhiều phần nguy cơ trở thành thứ lừa bịp chăng?

Từ những chuyện rất nhỏ như huyền thoại đôi dép râu đi đến mòn mà vẫn đi, chuyện huyền thoại được Trần Dân Tiên bôi vẽ trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho thấy chỉ là câu chuyện vẽ rồng thay vì vẽ rắn. Hình ảnh ông xuất hiện dưới nhiều lăng kính khác nhau như đạo sĩ, cha già dân tộc, Bác Hồ, ôm hôn các cháu ngoan Bác Hồ, lãnh tụ quốc tế, v.v...

Và Hà Huy Giáp đã không ngần ngại tạc tượng. Và nay người ta còn tạc tượng để thờ ở những nơi tôn nghiêm như một ông thánh. Khi được tin người ta tạc tượng ông, ông đã khiển trách: "Ai cho phép các chú làm? Đồng để dùng vào việc quân, không phải để tạc tượng." Mắng thì mắng, nhưng tượng đã tạc xong nên mắng như thế là lối tuyên truyền tuyệt vời rồi!

Phải nói Hồ Chí Minh là muôn mặt.

Như vậy, nói về Hồ Chí Minh trong thời đại bây giờ thì công việc thiết yếu phải chăng là giải trừ những huyền thoại, những bí mật chung quanh con người ấy?

Có lẽ vì vậy mà trong truyện Sinh ra để chết của Tạ Duy Anh, ông mượn lời một thằng bé để tố cáo gián tiếp sự lừa phỉnh của lãnh tụ như sau:

"Ối dào, mình là cái thá gì cơ chứ. Biết bao kẻ đánh lừa cả một dân tộc, một quốc gia, thậm chí cả nhân loại mà hắn cứ phây phây sống khi sống, long trọng chết khi chết và được thờ cúng, phết tên tuổi vào bia đá bảng đồng. Kẻ nào ngu lại cả tin thì mặc mẹ chúng nó."

Trích tiểu thuyết Sinh ra để chết, Tạ Duy Anh, trang 23, nxb Tiếng Quê Hương.

Hoàng Hữu Quýnh trong Tôi bỏ Đảng, tập 1, cũng viết, "Nghĩ đến đó, tôi bỗng giật mình, sợ bác (Hồ) như sợ ma. Tôi không tin ở bác. Hình như bác có cái gì như bí ẩn giấu giếm. Vẻ mặt bác gian ác, con người bác nhiều thủ đoạn. Tôi lạnh toát mồ hôi." (Trích Tôi bỏ đảng, tập 1, Hoàng Hữu Quýnh, trnag 130, xuất bản năm 1989.)

Tuy nhiên một trong những "bí mật" của bí mật của Hồ Chí Minh có thể lần đầu tiên được tiết lộ là "Những nỗi Đau" của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh có thể có những nỗi đau bí mật mà không ai biết?

Thật vậy, theo ông Hoàng Tùng, Hồ Chí Minh có những nỗi đau mà chưa hề có một tác giả trong nước cũng như ngoại quốc nào nói tới? Phải chăng đây là những nỗi đau liên quan đến số phận dân tộc, đất nước mà ông đã giữ kín ngay cả lúc đã chết? Và nếu có thì là những nỗi đau gì?

Với tư cách gì, dù là một người thân cận với Hồ Chí Minh có thể nhận ra được những nỗi đau thầm kín trong tâm tư Hồ Chí Minh? Nó cùng một cung cách như khi viết về tâm tư TT. Nguyễn Văn Thiệu?

Bài viết Mười nỗi đau của "bác Hồ" của Hoàng Tùng thật ra có nhan đề là: Những kỷ niệm về "Bác Hồ". Nhưng ngay cả tựa đề Những kỷ niệm về "Bác Hồ" thì thật ra cũng chỉ là trích đoạn rút ra trong tập tài liệu toàn tập của ông Hoàng Tùng có nhan đề là: Hồ Chí Minh, Trung Quốc và Liên Xô.

Ông Hoàng Tùng là Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên ủy viên Ban Bí Thư Trung Ương Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là bài ghi lại một trong các buổi nói chuyện của ông về chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa lên Blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Ông Hoàng Tùng, tác giả 10 nỗi đau của Bác Hồ tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh năm 1920 mới qua đời ngày 19 tháng sáu 2010 vừa qua, thọ 90 tuổi.

Hoàng Tùng
Hoàng Tùng (Trần Khánh Thọ)
Nguồn: hanoimoi.com.vn

Ông Hoàng Tùng cho biết, trong khoảng thời gian 25 năm làm việc gần Bác đã cho phép ông có được cái tư thế đặc biệt để viết về ông Hồ Chí Minh. Và phải nói ông là một trong vài người thân cận sát cánh với ông Hồ từ cách mạng tháng 8, lúc ông mới 15 tuổi cùng với các ông Phùng Thế Tài (cận vệ, 1940-1945, tác giả cuốn Hồi Ức, Những kỷ niệm không quên), Vũ Kỳ còn có tên là Nguyễn Chuẩn (bí thư riêng của Hồ Chí Minh, tác giả bài viết rất quan trọng: “Bác Hồ vui tết Mậu Thân năm ấy”).

Theo ông Hoàng Tùng, phần lớn những sự việc ông viết lại về ông Hồ chỉ liên quan trực tiếp đến vấn đề giao thiệp với Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt những thúc ép của phía Liên Xô và Trung Quốc về vấn đế “thực hiện chủ nghĩa xã hội” hay Cải cách ruộng đất , v.v... Cho nên hậu quả của những chính sách sai lầm ấy đều do Liên Xô hoặc do Trung Quốc ép buộc cả.

Đây là một cách thức “chạy tội” cho Hồ Chí Minh của một thuộc hạ trung thành với chủ. Giá trị lịch sử và trách nhiệm của một người lãnh đạo coi như được xóa trắng chăng?

Đọc văn bản của Hoàng Tùng chạy tội cho Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất thấy không đủ thuyết phục.

Nhưng trước hết xin được tóm tắt 8 nỗi đau của ông Hồ như sau:

1. Nỗi đau gia đình tan nát: Mẹ và người em út mất sớm vì nhà nghèo. Người anh cũng cũng bị tù đầy và mất sớm. Bố bị hàm oan, bị đầy đi biệt xứ.

2. Nỗi đau thứ hai Bác không được quốc tế cộng sản công nhận.

3. Nỗi đau thứ ba là Bác bị bắt cầm tù trong lúc Cách mạng đang cần người.

4. Nỗi đau thứ tư, sau 1945, Liên Xô và Trung Quốc không công nhận đảng ta, đảng cộng sản Pháp cũng nghi ngờ.

5. Nỗi đau thứ năm là là 1950-1952, Mao Trạch Đông và Stalin "gọi" Bác sang (chữ gọi do chính Hoàng Tùng dùng) buộc ta phải thay đổi đường lối dẫn đến sai lầm trong cải cách ruộng đất.

6. Nỗi đau thứ sáu là sự xung đột giữa Trung Quốc và Liên Xô. Hai "Mặt trời" không ai chịu ai.

7. Nỗi đau thứ bảy là sự bất hòa giữa mấy người lãnh đạo của ta. Nói chung là sự tranh chấp trong nội bộ đảng. Bác chủ trương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

8. Nỗi đau thứ 8, Bác không muốn có chiến tranh và cuộc kháng chiến kéo dài. Bác rất đau lòng.

Sau đó, ông Hoàng Tùng kết luận, Tất cả những nỗi đau kể trên, Bác không thể thổ lộ với ai, kể cả các anh Trường Chinh, Lê Duẩn. Muốn hiểu Bác, không thể nào không tìm hiểu những nỗi đau của Bác để thấy con người bác chín chắn, sự đứng đắn của Bác trong đường lối chính trị.

Phải chăng khi nói đến nỗi đau của ông Hồ là một cách gián tiếp nói tới những thất bại của ông Hồ Chí Minh? Phải chăng đây là một điểm son của tác giả dám nói lên một số sự thật về sự thất bại của Hồ Chí Minh?

Thực sự không hẳn vậy, trình bày những nồi đau, những thất bại những bất như ý của ông Hồ thật ra ông Hoàng Tùng gián tiếp biện hộ cho ông Hồ, coi ông Hồ không trách nhiệm gì về những đường lối chính sách ấy.

Đọc toàn văn nội dung bài viết bàng bạc một lối biện hộ, chia xẻ cái khó của ông Hồ, muốn mà không làm được, không muốn mà vẫn cứ phải làm. Người ta đặc biệt không thể tìm thấy bất cứ trách nhiệm nào có thể gán cho ông Hồ.

Ông là người của tình thế trong suốt quãng đời làm chính trị, trong những quyết định sinh tử liên quan đến chuyện đất nước và trong 4 thắng lợi lớn thường được rêu rao là: Một là Tổng khởi nghĩa thắng lợi, hai là kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ba là kháng chiến chống Mỹ thắng lợi và cuối cùng là công cuộc đổi mới thắng lợi.

Còn về những thất bại? Dưới mắt ông Hoàng Tùng, Bác Hồ là con người vô can, con người có lòng, có đạo nghĩa mà bất lực.

Tâm tình và những cảm nghiệm cũng như suy nghĩ của ông Hoàng Tùng cũng một phần nào được chia sẻ ngay cả đối với những người đã ra khỏi đảng, chống lại đường lối của đảng, hoặc được hiểu là những kẻ bị khai trừ. Chỉ cần kể một số tên tuổi như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Văn Hoan, nhạc sĩ Tô Hải ngay cả Vũ Thư Hiên, Bùi Tín và một phần Dương Thu Hương cho thấy người ta nhìn ông Hồ như thế nào. Người ta có thể chống đảng, nhưng e dè trước bóng dáng Hồ Chí Minh.

Không còn sự biện hộ nào khéo léo và kín đáo hơn cách bào chữa của ông Hoàng Tùng.

Phần người viết bài này, xin được góp một số ý kiến như sau về 10 nỗi đau của Bác

1. Nỗi đau cá nhân vì gia đình tan nát

Để chứng tỏ Bác là người có nhân nghĩa, trọng chữ hiếu, có tình nghĩa với gia đình, dòng họ. Ông Hoàng Tùng nói đến sự mất mát ngoài ý muốn của Bác đã chịu thiệt thòi vì gia đình phải chia lìa. Mẹ và em út mất sớm vì nghèo. Bố bị đi tù vì tính ngay thẳng. Người anh cũng đi tù và mất sớm. Tuy nhiên ông không đưa ra bất cứ chi tiết cụ thể nào về tình trạng gia đình Hồ Chí Minh. Gia đình có bao nhiêu anh em, ai bị giết, ai bị tù, ai còn, ai sống, tan nát vì lý do gì? Ông cũng không cho biết, ông Hồ có chia sẻ tâm sự về nỗi đau mất mát này trong một trường hợp duy nhất nào chăng? Ông chỉ vỏn vẹn kể câu chuyện bà Bạch Liên, chị ruột ông Hồ Chí Minh ra Bắc vào tháng 10 năm 1945 ở Hà Nội gặp em

"Gặp Bác, bà nắm tai Bác kéo lên và kêu: ‘Đúng nó đây rồi’. Bà nhận ra vì bác có cái sẹo nhỏ ở tai, khi còn bé ở nhà câu cá, giựt câu bị lưỡi câu mắc vào tai. Để bà ở Bắc bộ phủ thì không tiện, Bác đưa bà về nhà tôi ở. Bà ăn trưa, ngủ đêm ở nhà tôi, còn ban ngày đưa bà đi chơi thăm các nơi. Sau chuyến này, tôi không biết bà có ra thăm Bác lần nào nữa không. Lúc đó tôi ở 23 Hàng Nón. Bà ra có mang theo ra biếu Bác hai chục trứng gà. Bác bảo đem luôn về nhà tôi."

Chị em xa cách khoảng hai chục năm làm gì đến nỗi không nhận ra nhau đến nỗi phải nắm tai em kéo lên như con nít? Không có một dòng nào về sự hàn huyên giữa hai chị em sau bao nhiêu năm xa cách? Ngày ngày đưa bà đi chơi thay vì đưa bà đến gặp Hồ Chí Minh để chị em tâm sự hay ăn một bữa cơm. Một bữa cơm chung giữa hai người chắc cũng không có. Đọc thấy có điều chi không ổn? Giả tạo và ngượng ngập? Phần bác đau nỗi đau gia đình thất tán như thế nào coi mơ hồ quá? Có bao giờ bác tâm sự về cảnh gia đình tan nát không? Toàn câu chuyện có vẻ như viết lấp liếm cho có. Và kể từ lần đó, không bao giờ ông Hồ có dịp gặp lại bà chị cả.

Ông Hoàng Tùng kể ra với vẻ "ngậm ngùi" và thú nhận không bao giờ quên được tấm lòng của Bác khi đi Liễu Châu gặp Chu Ân Lai về thì được biết bà chị Bạch Liên đã qua đời. Nhận được điện báo từ khu bốn, anh Trường Chinh "ngậm ngùi", nhưng không nói phải làm gì. Khi về, tôi bá cáo lại Bác hỏi tôi: "Thế các chú có nhân danh Bác điện vào chia buồn và xin lỗi gia đình và địa phương là Bác bận việc không về được không?" Tôi trả lời: "Thưa Bác không ạ." Bác nói, "các chú ngốc quá."

Một vài dẫn chứng như thế không đủ thuyết phục được ai. Nếu quả thực bác có lòng với chị thì dù có trễ mấy đi nữa vẫn có thể tự tay viết vài dòng về thăm hỏi gia đình. Thật quý hóa biết bao nếu gia đình nhận được vài chữ chia buồn từ tay Bác!

Việc dễ như thế bác cũng không làm còn trách ai nữa.

Nhưng điều tối quan trọng là việc đời tư của Bác, ông Hoàng Tùng cố lờ đi tất cả những mối tình vụng trộm của ông Hồ có quan hệ với nhiều phụ nữ khác nhau.

Đây là tảng lờ cố ý, bất chính và thiếu lương thiện. Ông không nói tới thì sự việc cũng có người khác nói tới. Nói tới đầy đủ, chi tiết và có bằng cớ hẳn hoi. Mà nay người ta lôi ra ánh sáng cho thấy cuộc đời ông Hồ đầy những chuyện bất nhân, bất nghĩa, tàn bạo đến vô đạo đức.

Càng che dấu thì cái tội của ông Hồ càng trở nên đáng nguyền rủa.

2. Nỗi đau lớn nhất của ông Hồ đối với các nước XHCN

Ông đã là bị bè bạn các nước như Trung Quốc, Liên Xô bỏ rơi, coi thường? Hoàng Tùng viết:

"Về quan hệ của Bác với bên ngoài. Vì quan hệ của ta với Trung Quốc và Liên Xô không được thuận tiện, cho nên khi chính quyền của ta khi được thành lập hai nước đều không công nhận. Trung Quốc thì quan hệ không chính thức. Hai người sang ta đầu tiên nhân danh Đảng mà cũng là Đảng địa phương thôi. Đó là Chu Nam và Trang Điện. Một người là chính ủy, một người là tư lệnh quân khu Hoa Nam sang nhờ ta giúp họ tiêu phỉ ở Thập Vạn Đại Sơn.

Về quan hệ với Liên Xô, tôi biết, nhất là Stalin coi Bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương từ năm 1928. Sau lại thêm việc Bác bị bắt ở Hồng Kông rồi lại được tha khiến Liên Xô nghi ngờ. Bác đến Liên Xô năm 1934-1938 chỉ làm công tác ở ban Thuộc Địa của Quốc tế cộng sản, không được giao nhiệm vụ cụ thể. Người được giao làm luận án phó tiến sĩ về vấn đề thuộc địa. Bác xin được làm nhưng không được trả lời. Người xin về nước.Tại Đại Hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII, Người không tham gia đoàn đại biểu Đảng ta, chỉ là đại biểu dự thính."

Nhận xét về điều này, thiết tưởng không thể gọi là nỗi đau của Bác Hồ, mà phải nói là nỗi nhục của Bác.

Nhận xét thứ hai là "Bác" chỉ mong được làm tay sai cho cộng sản Liên Xô và Trung Quốc mà không xong. Hoàng Tùng nói rõ thêm, " Sang Trung Quốc, Mao đưa "Bác" vào quỹ đạo của Mao. Sang tới Liên Xô, Stalin lại đưa "Bác" vào quỹ đạo Liên Xô. Chuyến đi của "Bác" năm 1950 sang Trung Quốc và Liên Xô là chuyến đi gian khổ."

Cũng theo Hoàng Tùng, cả hai bên Trung Quốc đều muốn lôi kéo Bác. "Bác" bị giằng xé trong suốt những năm của cuộc đời.

Nếu quả đúng như lời nhận xét của Hoàng Tùng thì cũng tội nghiệp cho ông Hồ Chí Minh thật.

Như lời Nguyễn Văn Trấn viết trong Viết cho mẹ và Quốc Hội,

"Ông Hồ chung thủy với Liên Xô mà đồng thuận với chiến lược hòa bình. Nhưng ông không đồng thuận được với Đảng. Nó đem ông ra mà làm tình làm tội. Cái đó ít ai biết. Tôi biết, tôi sẽ nói đây."

(Trích Viết cho mẹ và Quốc Hội, Nguyễn Văn Trấn, trang 325.)

Điều đó cho thấy "Bác" như con cờ, một thứ tay sai của hai nước đàn anh. Nó cũng chứng tỏ rằng vai trò của "Bác" trong guồng máy Quốc Tế cộng sản không quá quan trọng như sự tuyên truyền của bộ máy Đảng nhà nước kể từ năm 1928 đến 1938.

Nhưng mục đích của Hoàng Tùng trong bài viết này là cố gắng làm nhẹ vai trò của ông Hồ nhằm biện hộ cho những sai lầm của Hồ Chí Minh trong cải cách ruộng đất, đồng thời coi ông Hồ như một người Mác xít không giáo điều, nhưng là một người Mác xít theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Mục đích bài viết của Hoàng Tùng nhằm biện hộ cho những sai lầm của Hồ Chí Minh đã không đủ thuyết phục. Chẳng những thế nó có tác dụng ngược chiều.

Ông Hoàng Tùng xem ra càng bảo vệ cho uy tín ông Hồ thì càng lật tẩy cái mặt trái của ông Hồ. Cái được gọi là nỗi đau của ông Hồ vì không được Quốc tế cộng sản trong thập niên 1928-1938 nhìn nhận thật ra chỉ là nỗi nhục chẳng những cho riêng cá nhân ông Hồ mà cho cả cái Đảng cộng sản Việt Nam.

Mặc dầu vậy, có một chỗ nhận xét của Hoàng Tùng không kém phần lý thú và kể như lần đầu tiên được tiết lộ công khai. Đó là chỗ ông Hoàng Tùng cho rằng, " Khi đánh công thương nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra. Hậu quả hơn một triệu người di cư vào Nam."

Ít ra thì nhận xét này cũng phản ánh một phần sự thật. Dù chỉ là một sự thật rất nhỏ trong việc đồng bào di cư miền Bắc chạy trốn vào miền Nam.

Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng có lẽ điều tốt hơn hết cho ông Hồ Chí Minh là không có những bài viết biện hộ kiểu Hoàng Tùng!

3. Nỗi đau quan trọng thứ ba là nội bộ trong đảng chia rẽ nhau

Theo Hoàng Tùng, nỗi đau thứ bảy là nỗi đau về sự chia rẽ trong nhóm lãnh đạo Đảng. Hoàng Tùng kể,

"Tôi biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bảy, "Bác" lại cho làm cơm và nói: "Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra. Không nên để bụng". Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những buổi đó cho đến khi anh vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết điều này thì không thể hiểu hết tại sao trong di chúc của "Bác" lại phải dặn đoàn kết đảng, từ trung ương đến địa phương."

Thật ra, sự chia rẽ trong nội bộ Đảng xảy ra ngay từ những ngày Đảng còn trong trứng nước. Từ Đại Hội I ở Ma Cao, Hà Huy Tập đã phê phán Hồ Chí Minh theo như luận điệu của Quốc Tế cộng sản và đã phê phán ông Hồ Chí Minh trong một nghị quyết "Phê phán sai lầm dân tộc chủ nghĩa cải lương của Nguyễn Ái Quốc, (tức Hồ Chí Minh). Ở khu bốn, có những thành phần bất mãn như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Dực, Trần Ngọc Danh, Lê Hy, Nguyễn Chương.

Nhất là Nguyễn Sơn luôn luôn chỉ trích và "coi thường" Võ Nguyên Giáp. Hoàng Tùng viết:

"Chỉ có Nguyễn Sơn về sau có vấn đề phải ra đi. Trước khi mất, Nguyễn Sơn có tâm sự với tôi rằng sai lầm thì phê bình chứ sao lại đuổi đi. Ông ta trách Bác. Lúc đó, tôi hỏi anh Võ Nguyên Giáp, anh ta hay hục hặc như thế để anh ta làm phó cho anh có được không, Võ Nguyên Giáp nói làm thế nào được. Anh ta suốt ngày chửi tôi, anh ta còn phê bình trường Nguyễn Ái Quốc rất ghê. Sau Bác nói chú Nguyễn Sơn hữu tài nhưng nên mời chú đi."

Trong khi đó Phi Vân, Trần Văn Giàu, những người xuất thân từ Liên Xô, một cách nào đó coi thường ông Hồ vì trình độ lý luận Mác xít không chính quy và bài bản như họ. Chính Hoàng Tùng viết, " Khoảng năm 1935, ở tù cùng Phi Vân, tôi hỏi Phi Vân nhận xét về Nguyễn Ái Quốc, Phi Vân nói: ‘Ông này không có gì đâu, ở nhà cứ tưởng là nhân vật quan trọng lắm, chứ ông ta dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém.’"

Trần Văn Giàu vốn là nhân vật chính trị nổi bật ở miền Nam. Ông là Bí thư xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Đã có thời một đảng viên vào khoảng năm 1941-1942 bị thẩm vấn hỏi ai là người đứng đầu đảng cộng sản. Đồng chí ấy trả lời là Trần Văn Giàu. Nay ông đã 100 tuổi sống khuất bóng.

Khi ra Bắc dự Hội Nghị Tân Trào cùng với Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thị Thập, Trần Văn Giàu đã không được thừa nhận. Chính phủ Lâm thời lúc đó có tên những người như Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, v.v... Thế của Trần Văn Giàu yếu đi và cứ thế bị bỏ rơi vào quên lãng. Bị điều đi Xiêm sau rốt làm một giáo sư sử học và ngồi dịch thuật. Nghề dịch thuật là thứ nghề giam lỏng, ngồi chơi sơi nước.

Sách của Trần Văn Giàu
Sách của Trần Văn Giàu
Nguồn: phomuaban.com

Trần Văn Giàu có viết một cuốn Hồi ký, Hồi ký 1940-1945 kể lại cái thời kỳ huy hoàng nhất của một thanh niên trí thức đi học Liên Xô về, làm cách mạng chống Pháp ở trong Nam. Tuy vậy, cuốn Hồi ký đã không được chính thức xuất bản. Mà chỉ được in và phổ biến dưới dạng Photocopy mà thôi.

Hy vọng đến một lúc nào đó, người ta sẽ được đọc những màn tranh chấp, hạ bệ và thanh trừng trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam mà tiêu biểu là số phận đã được dành cho Trần Văn Giàu trong suốt 75 năm. Được biết Trần Văn Giàu có viết một cuốn Hồi Ký khác đợi khi chết mới tung ra, người viết vẫn trông chờ một thứ Hồi ký Tô Hải cao cấp, nói đến những tranh chấp, thanh lý nội bộ nơi những đảng viên lão thành cỡ Hoàng [Trần] Văn Giàu viết để lại cho thế hệ mai sau.

Người mà có lúc đã gọi Hồ Chí Minh là anh thay vì chữ "bác" kính cẩn như thiên hạ quen dùng.

Nếu ngoài Bắc có những kẻ bị thất sủng như Trần Đức Thảo thì trong Nam tiêu biểu có Trần Văn Giàu.

Trường hợp Hoàng Văn Hoan là đồng chí thân cận của Hồ Chí Minh bị Hoàng Tùng coi là loại người nổi tiếng "nhiều chuyện", kèn cựa ngay từ đầu. Năm 1979, Hoàng Văn Hoan trốn sang Tầu để khỏi bị Lê Duẩn thanh trừng và năm 1988, ông viết hồi ký Giọt nước trong biển cả. Đây là một cuốn Hồi ký rất quan trọng vì nó nói lên tính chất cục bộ chia rẽ trong nội bộ Đảng chỉ vì theo Tàu hay theo Liên Xô.

Tính chất chia rẽ trong đảng trở thành tính "thường trực", "tính đảng" bao lâu còn nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô hoặc Trung Quốc.

Việc tranh chấp và thanh trừng Hoàng Văn Hoan của tập đoàn Lê Duẩn-Lê Đức Thọ nêu rõ tính chất xung đột phe phái (factionalism) mà cho đến nay vẫn còn tồn tại. Tính chất này cũng đã được Vũ Thư Hiên dành phần cuối cuốn sách Đêm giữa ban ngày của ông về trường hợp phe Lê Đức Thọ-Lê Duẩn đối xử tàn tệ với Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp cũng như nhóm "Xét lại Chống Đảng" như thế nào.

Sự thanh trừng trong nội bộ Đảng là tàn bạo và khủng khiếp mà theo Vũ Thư Hiên, "Ông Hồ cũng chẳng phải vô can."

Những việc tranh chấp trong nội bộ Đảng không ai viết tách bạch, thẳng thừng, hay và lý thú và bạo trợn hơn Nguyễn Văn Trấn. Từng trang, từng đoạn như sau.

"Mà trời ơi dưới triều đại Hồ Chí Minh, ai được Lê Đức Thọ để ý có cảm tình là má thằng đó đẻ nó đêm rằm tháng bảy.

Tao nói cho mày nghe nha, Bùi Công Trừng nói tiếp, về chuyện lão Hồ Chí Minh, tao nghe thằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn Chí Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên viên nghiên cứu lý luận Mác Lê-nin. Chuyện nước giao Nguyễn Chí Thanh. Việc đảng, statu-quo Lê Duẩn. Cái thằng tự nhiên muốn làm Khổng Tử này, khó lật nó lắm. Vì nó công trạng ở Nam Bộ, và mấy bà má ôm nó chum chủm trong lòng.

Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà quay mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay, để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc-Hà: "Bác hãy để cho anh em người ta nói đã nào "Tao đếm lão Hồ đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn."

(Trích Viết cho mẹ và quốc hội, Nguyễn Văn Trấn, trang 328).

Nhưng nếu nhận diện cho kỹ thì sự xung đột phe phái có nguồn gốc nằm trong chính bản chất chế độ ấy. Các cá nhân, những thành phần nằm trong chế độ ấy trước sau gì cũng phải có việc thanh lý nội bộ vì một lẽ giản dị nó là một tổ chức độc tài, thiếu dân chủ.

Độc tài đẻ ra tranh chấp xung đột, thanh trừng và phe phái.

Cho dù Hồ Chí Minh có thật sự đau xót hay "giả vờ đau xót" về sự chia rẽ trong Đảng thì điều đó chứng tỏ rằng, ông đã thật sự mê muội vì nguồn gốc tranh chấp nằm ngay trong bản chất của Đảng cộng sản rồi.

Không có Lê Duẩn-Lê Đức Thọ này thì sẽ có Lê Duẩn khác như nhận xét của Vũ Thư Hiên trong Đêm giữa ban ngày.

Bởi vì tranh chấp, bè phái là lẽ sống còn, là sức mạnh của đảng để có thể tồn tại nhờ bạo lực trấn áp. Sở dĩ cho đến ngày hôm nay, đảng ấy đã vấp phạm không biết bao nhiêu sai lầm, cán bộ đảng viên phần đông hủ hóa, mất bản chất mà nó vẫn đứng được chỉ nhờ vào tính chất bạo lực, trấn áp ấy!

Cho nên, nói tới bất cứ hình thức dân chủ nào trong đảng thì đều là thứ dân chủ giả hiệu như hiện nay đang có xu hướng như thế. Cái dân chủ ấy không phải thực chất dân chủ mà là "trò chơi dân chủ".

Mọi chuyện sẽ y nguyên như cũ Như mới đây việc bầu đảng bộ Đà Nẵng mà tỉ lệ phiếu thuận đạt 99,99%.

Đảng tồn tại là nhờ bạo lực.

Chỉ có bạo lực là cứu cánh cho "sinh mệnh" của đảng. Kẻ vào đảng là tự bán mình, là một vong thân chính trị như một thứ nô lệ tự nguyện.

4. Về hai Nỗi đau của ông Hồ không được nhắc tới

Khi được tin ông Hoàng Tùng mất vào tháng 6 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đưa bài Mười nỗi đau của Bác Hồ lên mạng như một "tưởng niệm Hoàng Tùng" với một vài ghi chú về xuất xứ của bài viết. Theo ông Nguyễn Trọng Tạo, ông Hoàng Văn Dzư đã cho nhà thơ NTT một bản chép tay với đầy đủ chữ ký của tác giả là ông Hoàng Tùng.

Tuy vậy bài ghi lại này không đầy đủ. Thay vì Mười nỗi đau của "Bác" Hồ thì trong tập tài liệu chỉ ghi có 8 nỗi đau. Để giải thích về việc thiếu hai nỗi đau này, ông Nguyễn Trọng Tạo có gi chú ở cuối bài viết là:

"Sau đó chỉ kể ra tám nỗi đau, không rõ người kể đếm nhầm, hoặc không kể, hoặc có thể người ghi chép thiếu. Chúng tôi không nghĩ rằng bản này (được chuyền tay trong giới cán bộ đã bị kiểm duyệt). Đây cũng không phải là sự bất nhất duy nhất trong hồi ký này, nhưng vẫn cho rằng tính trung thực của bài thì không có gì đáng ngờ."

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh, Nhận định Tổng Hợp của tác giả Minh Võ, một cuốn sách không thể thiếu được khi muốn tìm hiểu về con người Hồ Chí Minh. Tác giả Minh Võ cũng dành chương 35, trang 407 với bài viết của Hoàng Tùng: Hồ Chí Minh, Trung Quốc Và Liên Xô. Trong đó vấn đề 10 cái đau của "Bác" được nhắc lại sơ lược như sau: "Hoàng Tùng kết thúc câu chuyện bằng việc kể ra 8 điều khiến Hồ Chí Minh đau khổ trong số ‘10 cái đau của bác’".

Người viết cũng đã qua điện thoại hỏi tác giả Minh Võ cho biết rõ thêm về chi tiết hai nồi đau còn lại của Hồ Chí Minh là điều gì? Tác giả Minh Võ cho biết cũng không biết hai nỗi đau còn lại của Hồ Chí Minh.

Vấn đề đặt ra ở đây là chính Hoàng Tùng tự ý chỉ giới hạn vào 8 nỗi đau. Vậy tại sao ông ta lại nói tới 10 nỗi đau và dấu hai nỗi đau để làm gì? Hai nỗi đau không được nói tới trở thành nỗi thắc mắc không có lời giải đáp vĩnh viễn vì lý do giản dị là ông Hoàng Tùng đã không còn nữa?

Không bằng lòng với chỉ có 8 nỗi đau của Hồ Chí Minh và trong nhu cầu tìm hiểu hai nỗi đau kia, người viết đã nhờ bạn bè quen biết với ông Nguyễn Trọng Tạo và qua thư từ điện tử, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở trong nước đã công khai gửi cho người viết hai nỗi đau còn lại của Hồ Chí Minh.

Và đây là nội dung lá thư của ông Nguyễn Trọng Tạo gửi ngày 12 tháng 9, 2010 từ trong nước gửi cho người bạn và đồng thời cho tác giả bài này.

Anh L. yêu quý,

Trước đây, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Dzư có cho Tạo biết là ông Hoàng Tùng nói có 10 nỗi đau của "Bác" Hồ, nhưng chỉ công bố có 8. Còn 2 nỗi đau nữa là:

- Cuộc kháng chiến thắng lợi. Nhưng chết quá nhiều người.
- Bộ chính trị chưa thật đoàn kết.

Tạo chỉ nhớ đại ý vậy. Vì ông Hoàng Tùng không công bố mà chỉ nói riêng với một số người.

Nếu tin tưởng vào lời xác nhận của ông Nguyễn Trọng Tạo thì nỗi đau thứ 9 cho thấy, một cách gián tiếp và vô tình phủ nhận giá trị của cuộc kháng chiến. Phải chăng, người ta đã trả giá quá đắt cho cuộc kháng chiến ấy! Và vì thế, không ai dám nói thẳng và minh bạch về thành tựu của kháng chiến chống Pháp? Và rồi chống Mỹ? Không một ai cho phép đưa ra một con số, dù là "phỏng chừng" vì sự thiệt hại về nhân mạng trong hai cuộc chiến này? Phía bên này thì cho rằng một người lính Mỹ chết đổi lấy 10 người bên phía cộng sản. Có cuốn sách viết mỉa mai: Un million de dollars, un Viet Cong.

US casualties
U.S. Department of Commerce, Bureau of the Census, "Vietnam Conflict - U.S. Military Forces in Vietnam and Casualties Incurred: 1965 to 1972," table 428,

Nguồn: Statistical Abstract of the United States, 1973 (Washington, D.C.: U.S. Department of Commerce, Social and Economic Statistics Administration, Bureau of the Census, 1973), 267.

(Viet Cong) casualties
NLF (Viet Cong) casualties
Nguồn: knowledgerush.com

Kháng chiến chống Pháp đã trả một giá không nhỏ. Nhưng trong công cuộc "chống Mỹ cứu nước" thì hậu quả hầu như không lường được là bao nhiêu? Cho đến nay, mặc dầu hai cuộc chiến đã qua trên dưới nửa thế kỷ, nhưng chưa bao giờ đảng Cộng sản Việt Nam dám công bố con số đầy đủ về con số thương vong của binh lính cũng như của thường dân.

Họ huyênh hoang về chiến thắng thần thánh, nhưng lại quên đến số phận những người lính đã chết trận trong hai cuộc chiến đó!

Phải chăng đó là điều mà ông Hoàng Tùng không bao giờ dám công khai tiết lộ nỗi đau thứ 9 cũng như thứ 10 của "Bác" Hồ?

________________________

(1) Cuốn "Mao Trạch Đông ngàn năm công tội" (Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông -千 秋功罪 毛澤東- của tác giả Tân Tử Lăng, Xin Ziling, 辛子陵) do nhà xuất bản Thư Tác Phường ấn hành, ra mắt tại Hồng Công tháng 7-2007 và tới bạn tháng 6-2008, là một trong những cuốn sách đang được dư luận Trung Quốc hết sức quan tâm, với những luồng ý kiến nhận xét trái ngược nhau, từ hoan nghênh đến bất đồng, thậm chí phản đối gay gắt." (Trích trang "Cùng bạn đọc" bản tiếng Việt do Thông Tấn Xã Việt Nam giới thiệu).

© DCVOnline, 04-10-2010
www.dcvonline.net
 

www.geocities.ws/xoathantuong