Học theo gương đạo đức Bác Hồ?

Nguyễn Tâm Tâm
 

Bản thu hoạch tổng kết sớm đợt học tập "theo gương Bác"

"… Không thể để người cha đi theo Bác chết rồi, người con của họ tiếp tục theo những người kế tục của bác cũng chết rồi mà ham muốn đó vẫn xa vời, con cháu của họ hiện tại vẫn khổ đau.…"
 

Ở Việt Nam hiện nay, Đảng cộng sản đang giao chỉ tiêu cho các cơ sở đảng hô hào toàn dân hưởng ứng cuộc thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cuộc thi có thời gian dài kỷ lục: 5 năm (2007-2011). Từ cấp thôn bản tới trung ương, tốn kém hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân và hàng triệu ngày công của cán bộ nhân dân.

Cuộc thi đã làm cho một số người được cử đi dự thi rất nhiệt tình sưu tầm tài liệu và có không ít người cảm động tới phát khóc về đạo đức Hồ Chí Minh. Lúc này xuất hiện câu hỏi: Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có đáng để học không? Có đáng để cảm động tới phát khóc lên không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua "tam đoạn luận" sau đây.

1. Có thực Lời nói của Bác đi đôi với việc làm không?

1. "Lời nói đi đôi với việc làm là một trong những tư tưởng nổi bật, hành động tiêu biểu mà Bác Hồ là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Lời nói là thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý trí và tình cảm ở trong mỗi con người. Việc làm là thể hiện hành vi đạo đức cụ thể của con người. Bác Hồ thường nói: "Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin". Trong suốt cuộc đời, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất." (báo Nhân Dân, 04/07/2007)

Bác Hồ nói: "Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian..." (Hồ Chí Minh, Toàn tập. Nxb CTQG, H.1995, tập 6, tr.270); "... kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần" (Hồ Chí Minh, Toàn tập. Nxb CTQG, H.1995, tập 11, tr.388),

Có thực như vậy không? Bác nói thì thật hay rồi, nhưng Bác làm như thế nào?

Việc làm của mỗi con người ở mỗi tầm khác nhau thì phải khác nhau! Bác ở cương vị là Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì việc làm của Bác càng phải khác với người dân, trên người dân nhiều nhiều bậc. Ở cương vị của Bác, việc quan trọng nhất là phải chọn cho được một hướng đi đúng đắn cho đất nước, thì hướng đi đó sao lại suốt ngày sợ chệch? Có nước nào trên thế giới này suốt ngày sợ chệch hướng như ở nước ta không?

Việc lớn thứ hai là phải tạo ra được một cơ chế thông suốt cho đất nước, làm sao để cán bộ không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng. Thế mà học theo tấm gương chói ngời của bác mấy chục năm. Một ông Phó Chủ tịch Quốc hội đã nói thế này: "tham nhũng là do lỗi cơ chế"!

Việc lớn thứ ba là phải tạo ra được một cơ chế bầu cử tự do cho nhân dân để chọn được người tài ra giúp nước. Thực tế thì mấy thế hệ noi gương Bác mà sao lại vẫn "Đảng cử dân bầu", đến nỗi xảy ra cảnh tượng "cười không nổi: ...:"Bây giờ bầu cử giới thiệu có một thì biết chọn ai?". (theo lời đại biểu QH Lê Thanh Long phát biểu tại QH ngày 19/05/2006)

Xét như vậy thì khi Bác nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", như báo Tuổi Trẻ, ngày 31/07/2007 đã trân trọng trích đăng lại lời vàng ý ngọc của Bác, thì để đánh giá việc làm của Bác, ở cương vị Chủ tịch Nước, ta phải đánh giá xem Bác đề ra được cơ chế nào? Hay ít ra cũng là Bác tiếp thu cơ chế nào? Bác yêu cầu cấp dưới nghĩ ra cho Bác cơ chế nào để thực hiện ham muốn đó! Không thể chỉ tự mình thực hiện mà phải làm sao để cả đất nước Việt Nam thực hiện ham muốn đó, không phải chỉ khi mình sống, khi có mặt mình thì người ta mới thực hiện ham muốn đó mà phải cả khi mình chết đi rồi thì ham muốn đó vẫn sống cùng chế độ.

Và quan trọng là ham muốn đó phải đi vào hiện thực trong một tương lai gần. Cụ thể là: sau 10 năm, 20 năm phải có được kết quả của ham muốn đó! Không thể để người cha đi theo Bác chết rồi, người con của họ tiếp tục theo những người kế tục của bác cũng chết rồi mà ham muốn đó vẫn xa vời, con cháu của họ hiện tại vẫn khổ đau. Những người hiện nay phải gọi Bác là Cụ, là Cố mà vẫn phải bán thân, bán nội tạng, bán con đẻ... để sống thì thử hỏi Bác nói có đi đôi với làm không? Vả lại, nhiều nước khác trên thế giới nào có cái ham muốn đó của Bác mà sao đất nước người ta thì ấm no hạnh phúc phồn vinh thế!

Vậy thì, có thể kết luận là Bác mới nói lên được ham muốn thế thôi, còn việc Bác làm sao để hiện thực hoá ham muốn ấy thì bác lại không làm được! Nói cách khác, Bác nói mà không làm!

2. Để nói về việc Bác tiết kiệm thì không thể nói cá nhân Bác tiết kiệm thế nào mà Bác phải làm sao cho mọi người biết yêu quý sự tiết kiệm. Không thể nào cứ nói đi nói lại mãi chuyện cỏn con kiểu như thế này: "Ðồng chí Phạm Văn Ðồng kể: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ quý và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hoà ở một con người".

Cũng không thể tủn mủn như kiểu báo Nhân Dân kể chuyện cổ tích như thế này: "Bác đề nghị thực hiện, chiều thứ bảy hằng tuần để Bác ăn cháo, bớt đi một chút khẩu phần gạo góp cho người nghèo... Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, nhân dân. Khi về thăm các địa phương, Bác mang cơm nắm với muối vừng để tiết kiệm gạo tiền của nhân dân". (báo Nhân Dân, 04/07/2007). Bác có ăn độn cả đời chăng nữa thì tiết kiệm được bao nhiêu? Chưa kể đến sự thật rằng không phải như thế! Lãnh tụ các nước người ta không ăn cháo, ăn cơm độn thì có lẽ dân người ta chết đói cả hay sao?

Cũng chưa tính đến sự thể này: bọn bồi bút nắn nót những câu: "Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, nhân dân", thì đã chẳng làm vinh dự gì thêm cho Bác, vì như thế chỉ có nghĩa là trước khi nói câu đó thì Bác đã có khẩu phần khác nhân dân rồi!

Như vậy đích thì những câu nói hoa mĩ đó chỉ là những trò mị dân! Sự thực thì Bác có tiết kiệm được 1 đồng thì nhà nước có khi mất hàng tỉ đồng vào những việc lãng phí vì quản lí tồi dở. Bác tiết kiệm để đi công cán bằng chiếc xe cà tàng, nhưng con cháu Bác lại phung phí tiền của nhân dân đi xe bạc tỉ thì sao?

3. Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, phải thật sự là người đầy tớ của nhân dân. Bác đã làm gương trước, sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn để làm đúng điều người dạy: "Cán bộ Đảng, chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính". (báo Nhân Dân, 04/07/2007).

Xin trở lại câu chuyện cổ tích mà cụ Phạm Văn Đồng kể trên kia. Cứ giả định chuyện cục Phạm kể là đúng, và lời khuyên của Bác thì đúng, nhưng ta hãy xem Bác đã làm gì để cấp dưới của Bác, thế hệ sau của Bác thực hiện đúng lời khuyên đó.

Hãy xem các cháu ngoan của bác ăn uống như thế nào nhé. Có báo đã kể chuyện bữa cơm thường của một Tướng công an, Chánh, phó văn phòng chính phủ mà phải ở tận khách sạn 5 sao. Hãy nghe Người học trò xuất sắc của Bác nói đây: "Tại hội nghị nghiên cứu nghị quyết Đại hội lần VIII ngày 5-3-1997, Tổng bí thư Đỗ Mười đã phê phán gay gắt các cơ quan từ cấp Huyện đua nhau mua sắm hàng ngoại đắt tiền, ngay nhà vệ sinh cũng dùng loại đắt tiền của ngoại. Ông nói: "Tôi không muốn dùng ôtô sang trọng, đắt tiền nhưng Ban Tài chính quản trị trung ương đòi hỏi tôi phải nhận, lấy cớ các cấp bên nhà nước có xe sang trọng thì cấp cao bên Đảng không thể từ chối". (báo Tuổi Trẻ, 13/10/2006). Học trò xuất sắc còn vậy, những học trò kém hơn thì sao nhỉ? Có phải nhà dột từ nóc rồi không?

Vị Tổng Bí thư không muốn nhưng bị ép dùng ôtô sang trọng, đắt tiền ư? Cấp dưới nào mà tài vậy? Cơ chế thế nào mà cấp dưới đã ép được cả cấp trên? Vậy là "Dưới bảo trên phải nghe!" à? Rõ thật là lộn sòng quá! Phải chăng con cháu của Bác không nghe lời Bác? Một người mà để con cháu không nghe lời thì có thật tốt không?

4. "Bác căn dặn cán bộ, đảng viên sống trong sạch, không cậy quyền thế mà đục khoét, nhất là những người có chức, có quyền phải gương mẫu". (VietNamNet, 13/05/2007). Lời nói thì hay lắm rồi, còn việc làm của Bác? Bác phải làm ra cơ chế, nghĩ ra cơ chế, vận dụng, học tập cơ chế của năm châu bốn biển thế nào để cán bộ của Bác lúc đó và cả sau này đều phải là "đầy tớ của nhân dân", không lợi dụng để đục khoét nhân dân?

Phiền một nỗi là nói và làm hình như không ăn khớp!

Về Cơ chế: "Ở các nước dân chủ phát triển, Chính phủ là cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân việc điều hành đất nước. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ phải gánh vác trọng trách đó. Gánh trọng trách nên cũng được giao quyền lực tương xứng. Thủ tướng là người có quyền tổ chức nội các, có quyền lựa chọn các thành viên và đệ trình Quốc hội thông qua. Do đó, Thủ tướng cũng có quyền miễn nhiệm, cách chức các thành viên nội các nếu họ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ." (Việtnamnet, 25/07/2006)

Cơ chế ở ta: Bộ chính trị mới có quyền miễn nhiệm, cách chức các thành viên nội các chứ không phải ông Thủ tướng!

Bộ chính trị là một tập thể! Vậy là lỗi lại đổi cho tập thể! Cuối cùng chẳng ai sai cả! "Ở một mức độ nào đó, chính những cơ chế gây "đóng băng" đã góp phần hạn chế việc thực thi quyền hạn của những người đứng đầu Chính phủ và khiến cho bộ máy công quyền trở nên trì trệ và kém hiệu quả."(Việtnamnet, 25/07/2006).

Còn nhớ, lúc mới bổ nhiệm ông Thủ tướng trẻ tuổi tài cao (!), báo chí khen nức nở: "Những chỉ đạo kiên quyết của Tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian gần đây đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước..." (Việtnamnet, 25/07/2006), ấy thế mà mới đây ông chủ hội chống tham nhũng bị một gáo nước lạnh: Nguyễn Việt Tiến đã trắng án, Tướng Quắc, người đã bắt Nguyễn Việt Tiến hôm nào thì nay đbị quy tội! Hai nhà báo tích cực đưa tin thì nay cũng vào tù! Các báo đưa tin về việc bắt Tướng Quắc và hai nhà báo rầm rộ được hai hôm thì hai tháng nay đã phải im re!

Kết quả cơ chế của Bác tạo ra là: "Trước sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức từ nhiều năm nay ở bộ phận người có chức có quyền nhưng vẫn giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, đang làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc, đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào Đảng, vào chế độ. " (VietNamNet, 13/05/2007).

"Vào Google, gõ hai chữ: 'tham nhũng", sau 0,19 giây, sẽ hiện lên 897.000 từ, cụm từ có nội dung liên quan. Vấn đề tham nhũng nóng đến mức nhà sử học Dương Trung Quốc từng ví: tham nhũng là giặc nội xâm". (Vietnamnet, 27/07/2006)

"Có người nói rằng nếu chiếu theo định nghĩa chung có tính quốc tế mà xét, có lẽ gần hết hệ thống công chức Việt Nam đều... mắc tội tham nhũng".(Vietnamnet, 27/07/2006)

Cơ chế của Bác tạo ra cho đất nước này là như thế này hay sao? Sao lại thế này? "Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, người dân vẫn chứng kiến những vụ việc tham nhũng được phanh phui nhưng tệ nạn này lại không thấy dấu hiệu giảm. Có nghĩa là dù chúng ta không tuyên bố: 'Sống chung với tham nhũng" nhưng tham nhũng vẫn tồn tại như một quy luật khách quan. Có nghĩa là "chủ quan" của chúng ta có vấn đề. Nhiều người gọi đó là "Lỗi hệ thống" (Vietnamnet, 27/07/2006).

Như thế thì phải nói trắng ra là: lời nói của Bác đã không đi đôi với việc làm mất rồi! Thật đúng như Bác đã dạy: "Nói miệng, ai cũng nói được!" như báo chí (chẳng hạn, VietNamNet, 13/05/2007) đã trang trọng nhắc lại lời Bác!

5. Kết luận: Bác nói thì không ai bằng. Nhưng bác làm ra sao? Bác chẳng có biện pháp nào để yêu cầu mọi người thực hiện những lời nói đó, những mục tiêu đó! Bác chẳng có quyết tâm gì để thực hiện những lời nói đó!

Không thể nói bác làm tốt cho riêng Bác thôi, để báo chí có chuyện mà ca công tụng đức, còn xã hội không làm tốt thì tại xã hội tồi tệ, Bác không chịu trách nhiệm! Bác là người đứng đầu chính phủ cơ mà!

Không thể nói lúc Bác sống thì tốt, không may bác chết sớm! Giá mà Bác sống tới ngày nay thì đâu có tham nhũng thế! Vì người lãnh tụ giỏi là người mà khi chết đi vẫn để lại được đường lối cho con cho cháu đi theo! Không thể lãnh đạo theo kiểu vắng mình thì chúng nó chết!

Hơn nữa khi Bác sống tham nhũng cũng đâu hiếm: Vụ "Đại tá Trần Dụ Châu" là một điển hình đấy. Dù bộ máy tuyên truyền có kín kẽ đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng che được miệng thế gian (tức là nhân dân đấy!) thác ngụ qua những câu vè kiểu như:

"Một người làm việc bằng hai,
Để cho Chủ nhiệm mua đài mua xe"
...

Cho hay, lời thế gian thế mà hay. Rằng:

"Nói chín thì nên làm mười,
Nói nhiều làm ít kẻ cười người chê"

2. Bác nói một đằng làm một nẻo!

1. Bác là người đã từng sang Pháp và các nước phương tây để học hỏi những điều hay của người ta. Hẳn là bác phải được thấy tận mắt là họ tôn trọng tự do nhân quyền, tự do tư tưởng, tự do báo chí như thế nào rồi chứ. Chắc bác đã đọc Bàn về Tinh thần pháp luật của Montesquieu, Bàn về khế ước xã hội của J.J.Rousseau, Bàn về tự do của John Stuart Mill rồi chứ gì! Đi ngày đàng xa thế mà chưa đọc thì thật phí của!

Sách vở của nhà nước "ta" vẫn khẳng định chính Bác là tác giả của bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Hoà bình Versailles ngày 19 tháng 6 năm 1919 chứ không phải của Ngũ Long Paris hồi đó! Trong số những yêu sách đề ra, có những điều sau đây:

Điều 1: Yêu cầu ân xá đối với tất cả chính trị phạm.
Điều 2: Đòi cải cách nền công lý ở Đông Dương nhằm đảm bảo cho người bản xứ được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu.
Điều 3: Tự do báo chí.
Điều 4: Tự do hội họp.
Điều 5: Tự do đi lại (xuất nhập cảnh), tự do cư trú.
Điều 6: Tự do giáo dục, và được lập trường kỹ thuật, trường chuyên nghiệp tại các tỉnh cho dân bản xứ.
Điều 7: Đòi thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.
Điều 8: Đòi có đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ cử ra tại Nghị viện Pháp.

Vậy chỉ xin hỏi nhỏ vong linh Bác một câu: Bác có thi hành tự do nhân quyền, tự do tư tưởng, tự do báo chí cho nhân dân ta không?

Và lại xin hỏi thêm một câu nữa thôi: Có thật là ở ta có những chuyện như thế này không: Hồ Chí Minh kêu gọi cán bộ, nhà giáo phải biết tôn trọng ý kiến người khác không nên có thành kiến đối với các ý kiến trái với ý kiến của mình: "Mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy"... "Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý". (Tạp chí Triết học, 18/10/2006)? Nếu có thì sao Đảng cộng sản không cho đối lập hoạt động?

Đây là tự do tư tưởng, tự do báo chí ư? Ta hãy nghe ông Nguyễn Đình Nhã Cục trưởng cục xuất bản khẳng định: "Xuất bản là hoạt động văn hoá tư tưởng. Vì thế, cho đến bây giờ chúng ta chưa có nhà xuất bản tư nhân". (VnEpress, 23/06/2006). Trong khi đó không khí báo chí thời thuộc Pháp của chúng ta như sau (trích theo chính báo của Đảng cộng sản phát hành):

Nhà báo, nhà cách mạng Trần Huy Liệu

"Năm 1924, ông làm chủ bút tờ Nông cổ min đàn (nghĩa là uống nước trà, nói chuyện làm ruộng đi buôn) do Lâm Hiệp Châu làm chủ nhiệm; nhưng ông chẳng bàn gì đến cái thú ẩm thực hay cách đi buôn mà viết ngay tiếng bom của liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu ở bài đầu tiên với bút danh Đẩu Nam... Từ năm 1925 đến 1927, ông làm chủ bút các tờ Ngòi bút sắt, Đông Pháp thời báo, Pháp - Việt nhất gia... Là một trong những người sáng lập "Đảng Thanh niên" với mục đích chống Pháp theo tư tưởng Khang - Lương, nên báo Đông pháp gần như trở thành cơ quan ngôn luận của "Đảng Thanh niên" với những bài nảy lửa đề cập đến sự kiện chính trị sôi động toàn Đông Dương lúc đó. Trong cao trào dâng lên sôi nổi, báo Đông Pháp từ 2.300 số tăng lên 11.000 số một kỳ.

Song hành với báo chí, nhà in Cường học thư xã do ông lập ra đã xuất bản nhiều tác phẩm do chính ông viết để cổ vũ con đường cứu nước theo chủ thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) và Mông-te-ki-ơ (Pháp): Một bầu tâm sự, Ba người anh kiệt nước Ý, Khai quốc vĩ nhân, Hiến thân cho nước, Thần Cộng hoà, Tân quốc dân, Gỡ mặt nạ bọn thượng lưu Nam kỳ… Cùng với những người đồng chí hướng cứu nước như Nguyễn Khánh Toàn - chủ bút báo Le Nhà quê, Nguyễn An Ninh, chủ bút báo Tiếng chuông rè, Bùi Công Trừng, Nguyễn Trọng Hy các ông đã thổi luồng gió mới vào phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX... (báo An ninh thủ đô, 21/06/2008)

Điều thứ 24 Của Hiến Pháp 1946 nêu: "Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần". Vậy mà Bác chỉ đạo thế nào để 14 năm sau (1960) mới bầu lại quốc hội? Trong thời gian đó Bác không đồng ý ai thì giao quốc hội truất quyền. Quốc dân đồng bào bầu ra được 333 đại biểu thì sau đó Bác chỉ đạo truất quyền đại biểu của 47 vị đại biểu, có tỉnh Bác truất hết cả đoàn luôn, như tỉnh KonTum!

2. Tại sao khi bầu cử Quốc hội 1946 bác không cho các đảng khác tham gia? Đến khi thấy trí thức phản đối, và đứng trước nguy cơ chia rẽ thì sẽ mất nước Bác mới lại cho mời một số đảng khác tham gia vào Quốc hội cho có đủ thành phần? Và lại bằng cách chỉ định luôn không tổ chức bầu cử gì cả? Trong đó Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội 20 đại biểu, sau đó truất quyền hết chỉ còn lại 6 vị, Việt Nam Quốc Dân Đảng 50 đại biểu sau đó truất quyền hết chỉ còn 1 vị! (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Thực sự thì cả nước đã biết tỏng rồi: Bác làm được điều đó vì quốc hội thực chất là của Cộng sản có phải của dân đâu? Đúng là giả hiệu hết chỗ nói!

3. Vì sao năm 1959 Bác lại chỉ đạo cho quốc hội sửa đổi hiến pháp mà không trưng cầu dân ý? Hiến Pháp 1946 đã ghi:

"Điều thứ 21: Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp.
Điều thứ 70:
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết"

Vậy mà Hiến Pháp 1959 lại chỉ được Quốc hội thông qua (Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 31-12-1959), và Hiến Pháp đó đã quy định tại Điều 112 thế này: Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp!

Thật mỉa mai khi trả lời báo chí, khi phỏng vấn ông về bản dự thảo hiến pháp 1946 Nhà thơ Xuân Diệu phát biểu quan điểm của mình:

"Trong Hiến pháp tôi sẽ bênh vực quyền bãi miễn của dân chúng. Có quyền ấy thì mới không ai ăn hiếp dân được. Không có gì khả ố bằng sự ăn hiếp dân. Nhưng dân sẽ không để cho ai ăn hiếp. Vì dân có những đại biểu xứng đáng, có tài lực". (Vietnamnet, 17/05/2007)

Không biết vào cái ngày quốc hội tước bỏ quyền của người dân đó thì ông đại biểu Ngô Xuân Diệu có giơ tay biểu quyết không? Chắc là có, nếu không ông đã bị truất quyền rồi!

Vậy là chỉ sau đó 13 năm (1959) và cho tới tận hôm nay nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Bác đã bị ăn hiếp! Vậy là Bác đã chỉ đạo để quốc hội tước bỏ quyền của người dân! Tước bỏ quyền bãi miễn của dân chúng.

Vậy Bác có xứng đánh không?

4. Bầu cử ư? Bác đã chỉ đạo bầu lấy lệ thôi, bầu cho xong thôi chứ có tranh cử gì đâu? Dân có biết gì đâu mà bầu?

Bằng chứng: "Khi biết sắp đến Tổng tuyển cử, cụ Don đã tranh thủ những lúc rảnh việc nhà, nhờ thằng cháu dạy xoá mù cho mình. Cụ viết vào tấm thẻ cử tri của mình mấy dòng chữ: "Hồ Chí Minh". Anh cán bộ phụ trách hòm phiếu giải thích: "Cụ ơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Thủ đô Hà Nội, mình ở Nghệ An nên chỉ chọn những người ứng cử ở Nghệ An để bầu". (Vietnamnet, 17/05/2007). Thật tội nghiệp cho cái sự "bỏ phiếu kín" mà nhân dân được tuyên truyền dạy dỗ. Anh cán bộ phụ trách hòm phiếu lại biết cụ bầu ai mà giải thích? Có phải là anh ta đóng vai trò giám sát cử tri hệt như kiểu làm việc ở xứ Zimbabwe năm 2008 này? Lá phiếu như thế mà là một viên đạn để diệt quân thù ư? Dân chủ ở đâu hỡi trời!

Mỉa mai thay bầu như thế mà nó vẫn là một cuộc bầu cử dân chủ hơn nhiều lần các lần bầu cử sau đó, hơn cả lần bầu cử sau đó 60 năm! Bác đã dựng nên một thế chế chính trị như thế nào mà lẽ ra phải ngày một dân chủ thì nó lại ngược lại thế này? Nhà sử học Dương Trung Quốc khi đánh giá về cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã nói: "Đó là một kỳ tích phi thường...Xét trên nhiều nội dung hoạt động cụ thể của Quốc hội thì đúng là Quốc hội hiện nay đang phấn đấu theo kịp… ngày xưa..." (Vietnamnet, 17/05/2007)

Đúng vậy, giờ đây đảng cử ra 4 người thì nhân dân được quyền chọn lấy 3, vừa rồi cố gắng lắm thì đảng chọn ra 5 để nhân dân bầu lấy 3, trong đó thì đã có 2 ông xếp bự có bắn cũng chả rụng, còn lại thì 2 hoặc 3 quân xanh xẽ lập tức trúng 1, cái quân xanh đó vào quốc hội thì cho tới cuối khoá cũng chả chín, chả đỏ được, suốt khoá quốc hội 5 năm chẳng có lấy một ý kiến riêng của mình, Mà cũng chẳng cứ gì quân xanh, cả quân đỏ có phát biểu gì thì cũng phải qua trưởng đoàn duyệt trước!

Dân chủ ở đâu hỡi trời?

Những Bộ trưởng là người đảng khác chỉ là hữu danh vô thực, quyền lực lại chủ yếu rơi vào tay các vị phó là người của Đảng Lao động (Thực chất là đảng cộng sản) Làm cho các Bộ trưởng đó chán ngán, nói chẳng ai nghe và để rồi họ phải xin từ chức gần hết? Số còn lại thì Bác lại tổ chức đuổi họ ra khỏi Quốc hội và Chính phủ.

Để che mắt mọi người, Bác lại tạo dựng ra hai đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ thực chất họ chỉ là những đảng viên đảng cộng sản trá hình! Và rồi đến 1988 thì thấy rẳng chẳng cần trá hình nữa thì đàn em của Bác đã giải tán nó đi!

5. Vì sao cải cách ruộng đất (1956) Bác đã để tình trạng chém giết man rợ, sao lại giao chỉ tiêu đấu tố địa chủ? Đến khi thực hiện xong việc trả thù một cách man rợ đó, để làm yên lòng dân Bác lại để ông Trường Chinh đứng ra xin lỗi nhân dân và chịu tội cách chức? Bác là Chủ Tịch nước, Chủ Tịch đảng người đứng đầu cao nhất nước lẽ ra phải là người chịu trách nhiệm cao nhất mới phải? Vì sao 1956 Bác đã đàn áp trí thức (Vụ Nhân văn giai phẩm)? Vì sao năm 1967 Bác để xảy ra "Vụ án chống đảng" thực chất là trả thù trí thức, bắt bớ giam cầm rất nhiều trí thức?

Vì sao Bác để xảy ra nội chiến Nam - Bắc tương tàn suốt hơn hai mươi năm ròng và được nguỵ trang bằng từ giải phóng đất nước? Về kinh tế thì miền Nam giàu có hơn miền Bắc, Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông còn Hà nội có ai biết đến? Về chính trị thì họ thi hành thể chế dân chủ, bầu cử đa đảng còn miền Bắc ta thì thể chế độc tài, bầu cử độc đảng (đảng cử dân bầu) thực chất là chẳng có bầu cử gì cả! Vậy thì bên nào lẽ ra phải giải phóng bên nào? Điều này có lẽ chính những người cầm súng giải phóng miền Nam là những người rõ hơn ai hết họ sẽ phải là người trả lời cho con cháu hôm nay rõ!

Đó là những việc lớn mà những người hàng cháu chắt của Bác hôm nay được biết, còn những việc chúng tôi không biết thì sao?

Vì sao Võ Nguyên Giáp là người công thần số 1 của triều đại cộng sản thì lại không được trọng dụng? Có phải hết thỏ thì chó săn sẽ bị tiêu diệt, như Hàn Tín ngày xưa?...

Đàn em của Bác hôm nay đã giải thích với chúng tôi rằng tất cả các việc trên Bác không chỉ đạo như thế, ý của Bác không thế, Bác không muốn thế nhưng đó là do cấp dưới làm sai! Không đúng! Tất cả mọi việc thì người cao nhất phải chịu trách nhiệm! Bác phải chịu trách nhiệm! Hơn nữa, nếu đúng vậy thì phải chăng Bác không bảo được cấp dưới?

Đúng như Nguyên thủ quốc gia, Thủ Tướng Phan Văn Khải sau này đã thú nhận tại Quốc hội rằng: ..."Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề. Đã xuất hiện hiện tượng "Trên bảo dưới không nghe!" (báo Tuổi Trẻ, 03/12/2004)

Bác chọn cơ chế thế nào mà ra nông nỗi đó?

3. Bác nói không đúng!

1. Dàn đồng ca báo chí và xuất bản nhà nước nói thế này về đời tư của Bác: "...Người làm gương, sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn. Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Ðông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ. Ðến sau này khi nhận một chút tài sản của dân, của nước dành cho thì Người đã nhận một ngôi nhà sàn, đúng như điều Người đã nói: "Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, trồng rau... không dính líu gì với vòng danh lợi". Là Chủ tịch Ðảng, Chủ tịch nước, nhưng Bác Hồ đi dép lốp, mặc áo vá vai, dùng ô-tô cũ. Bác cho đó là "cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi".

Người chỉ ôm ấp một ước nguyện, một đạo lý: "Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi, đó là tất cả những gì tôi cần, tất cả những gì tôi muốn" (báo Nhân Dân, 04/07/2007).

Có đúng là Bác Hồ không bao giờ đặt cái tôi lên trên hết không?

Xin trích lại đây một đoạn phỏng vấn báo chí:

"PV: Bẩm Cụ theo như chỗ cháu thấy thì phụ nữ nước nhà tiến bộ chậm lắm, hầu hết còn rụt rè, nhút nhát vì không có nhiều cuộc họp chung để trao đổi ý kiến, tuy cũng có một vài đoàn thể song phạm vi không rộng lắm, phần nhiều chỉ những tổ chức riêng, hội họp riêng cho một số đoàn viên thôi.

Hồ Chủ tịch gật đầu: Cái đó là lỗi ở các đoàn thể không biết mở rộng phạm vi nhưng cũng là lỗi ở các chị đã không biết tin đến…"

Tại sao năm 1945 bác mới 55 tuổi đầu mà bác dám để nhà báo "Bẩm Cụ", rồi gọi nhà báo là "các chị" có đúng giọng ông chủ nói với đầy tớ không?

Dưới đây là một chuyện cổ tích về Bác nữa: "Bác Hồ dạy chúng ta "Ðem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc", "Làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước", và Người nêu tấm gương sống chân thành, khiêm tốn. Vào dịp sinh nhật của mình, Người thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà." (báo Nhân Dân, 04/07/2007). Người đời sau chẳng biết có thật hay không! Vì nếu có, sao lại có chuyện này:

"Ngày 19-5-1946, một đoàn cán bộ của Ban vận động Đời sống mới vào chúc thọ Bác. Nhân lúc trò chuyện, một nhà văn lão thành thưa với Bác: - Thưa cụ, hôm nay đến chúc thọ cụ Chủ tịch, xin cụ cho Ban đời sống mới chúng tôi một khẩu hiệu, để Ban chúng tôi vận động nhân dân thực hiện. Bác Hồ vui vẻ, Người nói..."(Theo trang thông tin điện tử tỉnh Nghệ An)

Bác có vắng nhà đâu? Bác đã vui vẻ nhận lời chúc thọ khi mới 56 tuổi đó chứ! Mới 56 tuổi đầu mà Bác còn để: "một nhà văn lão thành thưa với Bác: - Thưa cụ..."

Tại sao mới ngoài 50 tuổi đầu mà bác dám xưng danh "Bác" với nhân dân? Với các cụ 80, 90 và cả trên 100 tuổi? Đó có phải là tương đương nghĩa với từ "Trẫm" của các vua phong kiến?

Ở câu chuyện "Bác có phải là vua đâu mà cung với tiến", nếu chúng ta tinh ý một chút thì sẽ biết ngay là người mà đã phải thanh minh mình không phải là vua thì tức là người đó đã giống vua lắm rồi! Khi bà mẹ mắng đứa con: "Người chứ có phải quỷ sứ đâu mà..." Thì đứa con đó đã vừa nghịch giống quỷ sứ lắm rồi!

Xét như vậy thì những chuyện sau đây chỉ nói lên đó là Bác mị dân quá đáng mà thôi:

"Một đồng chí ở Hội Luật gia Việt Nam kể lại: Đến hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Bác không cho hội nghị làm cơm thết Bác. Buổi trưa, Bác bày ra bãi cỏ nắm cơm, lọ cà, lọ thịt kho và cho gọi tôi cùng ăn. Tôi gắp miếng thịt nhai không đứt, phải dúi xuống cỏ. Bác mang cơm nắm, vì rằng: ...Bác nói: Người ta dọn ra một bữa cơm sang, có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng đấy....Bác còn chỉ thị cho những người phục vụ: Vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác..." (Vietnamnet, 11/05/2007)

2. Bác có biết triết học không? Có biết phép biện chứng nói gì không? Tại sao Bác lại để đàn em đề ra các khẩu hiệu:

"Chủ nghĩa Mác- Lênin vô địch muôn năm !"
"Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm !"
"Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!"

Tại sao Bác dám nhận câu nịnh hót của đám cận thần: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mãi mãi sống trong sự nghiệp của chúng ta !" ?

Đã biện chứng thì làm gì có "muôn năm"?

3. Về con đường giải phóng đất nước, dàn đồng ca nhà nước nói mãi "chân lí không hề thay đổi này: Bác về Chủ nghĩa Mác- Lê nin: " Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản", chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ".(theo trang báo điện tử Tỉnh Quảng Ngãi, ngày 02/02/2007)

Sai 100% các nước châu Phi, 100% các nước châu Mỹ -trừ Cu Ba- có đi theo chủ nghĩa cộng sản đâu mà họ vẫn giải phóng được đất nước? Bzazin với Cu Ba nước nào giàu hơn? Tự do hơn? Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nước nào giàu hơn? Tự do hơn? Việt Nam và Đài Loan nước nào giàu hơn? Tự do hơn?...100% các nước ở Châu Âu đã vứt bỏ cái CNXH, chủ nghĩa cộng sản đi rồi! Không lẽ họ sai?

Cần nhớ rằng Nguyễn Trường Tộ đã từng nói: "Học thuật mà không sáng tỏ thì phong tục ngày càng bại hoại, nhân tâm tiến dần đến chỗ phù hoa xảo trá", "nhân tâm đã hỏng thì tìm cho được những kẻ có nhiệt tình đối với việc nghĩa là điều cũng khó lắm vậy". (Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám.Nxb. Chính trị quốc gia, 1996)

Kết quả ở Việt Nam hiện nay là: "Nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng ở nước ta đã trở nên quốc nạn. Không phải chỉ một hai cá nhân hay một vài đơn vị tha hoá mà căn bệnh hình như đang lan rộng khắp guồng máy. Thừa nhận hay đến lúc bắt buộc phải thừa nhận: tham nhũng xuất phát từ cơ chế mà trong đó mỗi sai phạm của cá nhân chỉ đóng vai trò hệ quả. Cái nhân của nó nằm tận bên trong...

Giải thích đưa ra phần lớn chỉ tập trung vào phầm mềm là đạo đức và tính cách của đối tượng, thường là: do kinh tế thị trường làm cán bộ ta tha hoá... Những lý giải này phần nào làm che mất phần chìm cuả tảng băng. Nếu chỉ dừng ở đó thì hàng loạt câu hỏi sau sẽ mãi không có câu trả lời thoả đáng: Tại sao ngày càng nhiều cán bộ tha hoá mất đi phẩm chất cách mạng; nhiều người trước đây là công dân tốt, đảng viên gương mẫu, sao chức vụ càng cao thì tính xấu tăng dần mà tính tốt giảm đi... (VietNamNet, 30/07/2006)

"Sửa chữa phần cứng của một máy tính cần người thợ nhiều khi phải dũng cảm. Đó là dám thay thế những gì không còn xài nổi và thay vào một cái mới.

Tuy vậy, với phần cứng của một hệ thống chính trị, đáp số bài toán phức tạp hơn gấp trăm ngàn lần.

Người ta không dám mạnh tay cắt đi khối u mà bắt buộc phải sống chung với nó." (VietNamNet, 30/07/2006)

Và thực tế thì Trung Quốc và Việt nam chỉ còn cái CNXH, chủ nghĩa cộng sản giả cầy, bọn lãnh đạo tham lam dựa vào đó để duy trì ách thống trị một đảng mà thôi. Và khi họ dựa vào đó để duy trì ách thống trị một đảng thì cũng là lừa dân thôi có ông Mác hay Ăngghen nào nói là xây dựng CNXH, chủ nghĩa cộng sản thì chỉ cần một đảng thôi đâu?

Và mọi người nên tỉnh táo để tiếp thu rằng: Tinh hoa Hiến Pháp nước Mỹ trong cơ chế check and balances (kiểm soát và cân bằng) đã chỉ cho thế giới thấy: Guồng máy nhà nước muốn hoạt động tốt phải luôn tồn tại trong tư thế đối trọng giữa các quyền lực. (VietNamNet, 30/07/2006)

Thôi nhé, đừng u u mê mê mãi như thế nữa! Thế giới và "loài người tiến bộ" người ta cười cho thối óc!
 

Làng Sen quê Bác, một ngày đại hội Trung ương khoá 7

Nguyễn Tâm Tâm

ThongLuan, Ngày: 13/07/2008
www.thongluan.org
 

www.geocities.ws/xoathantuong