Người bị buộc phải gánh vác tư tưởng

Nhượng Tống
 

Những ngày gần đây báo chí trong nước liên tục đăng nhiều bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như tầm vóc lịch sử của nhà lãnh đạo còn gây nhiều tranh cãi này. Động thái này được xem như để chuẩn bị cho đợt lễ kỷ niệm Quốc Khánh 2-9 và Cách Mạng tháng 8.

Sâu xa hơn, có lẽ đây cũng là đợt phản kích luồng tư tưởng chống Hồ Chí Minh ngày càng tăng sau khi Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tung ra cuốn DVD Sự thật về Hồ Chí Minh. Trong một động thái đáp trả, ngày 13/8/2009, báo Tuổi Trẻ loan tin Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia sẽ phát hành cuốn DVD Toàn tập Hồ Chí Minh với nhiều tư liệu và hình ảnh chưa được công bố. Dự kiến, trong đợt đầu sẽ phát hành khoảng 5.000 bộ DVD.

Những nhận định của giáo sư Tương Lai trong bài viết gần đây trên Vietnamnet đã đưa ra nhiều lập luận mới. Tuy nhiên, dù là một học giả có uy tín vị giáo sư này cũng không trình bày được luận chứng khoa học nào về sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, phạm vi công nhận tư tưởng đến đâu ngoài chính những người cộng sản Việt Nam. Thay vào đó, ông cũng giống như những nhà lý luận cộng sản khác sa đà vào việc tung hô, cường điệu hóa quá mức, thậm chí gán ghép những thứ mà bản thân ông Hồ lúc sinh thời cũng không hề nghĩ đến.

"Rộng hơn chủ nghĩa Mác"

Trong loạt bài 4 kỳ đăng trên trang Vietnamnet [đã bị xóa], Giáo sư Tương Lai cho rằng "Khi đặc biệt coi trọng cá nhân con người, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong chừng mực nào đó, là rộng hơn C.Mác". Nhận xét này khiến nhiều người bất ngờ, vì lâu nay người ta vẫn xem Hồ Chí Minh là người đi theo học thuyết Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành dựa trên sự sáng tạo từ học thuyết Mác và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Chuyển biến từ việc lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng đến so sánh tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ ngang bằng mà còn rộng hơn cả chủ nghĩa Mác cho thấy Việt Nam đang nỗ lực khẳng định mạnh mẽ hơn nửa sự chân thật về tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều mà những nhóm ủng hộ dân chủ đối lập luôn luôn bác bỏ. Theo cách lập luận của luồng quan điểm này, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự chấp vá cóp y nội dung chủ nghĩa Mác và ngay chính Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng không nhận mình là người có tư tưởng. Do đó không hề có cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong bài viết "Hiểu kĩ Hồ Chí Minh hãy nói lên tư tưởng người", Giáo sư Tương Lai còn đi xa với những sự so sánh có ý nói Hồ Chí Minh phần nào đó tài giỏi hơn cả tiền nhân. "So với V.I Lênin chỉ có 7 năm lãnh đạo Nhà nước Xô Viết (1917-1924), Hồ Chí Minh có hơn gấp ba thời gian ở cương vị Chủ tịch nước", bài báo viết. Tuy nhiên, luận điểm này có thể gây phả ứng ngược vì người đọc có thể đi đến kết luận ông Hồ độc tài, tham quyền cố vị hơn cả Lenin. Thời gian cầm quyền quá lâu của một nhà lãnh đạo (24 năm từ tháng 8/1945 đến tháng 9/1969) không phải là một yếu tố tích cực để xây dựng nền dân chủ, điều mà Hồ Chí Minh nói ông luôn luôn có cố gằng theo đuổi.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, "người học trò xuất sắc" của ông là Phạm Văn Đồng đã không kém cạnh khi nắm quyền thủ tướng trong thời gian 32 năm (1955-1987), thủ tướng cầm quyền lâu nhất Việt Nam và Châu Á. "Kỷ lục" này mãi đến năm 2003 mới được san bằng bởi nhà độc tài Suharto của Indonesia.

Dù thừa nhận trình độ học vấn của ông Hồ có thấp kém hơn C.Mác, Ph. Angghen và V.I Lênin, nhưng theo giáo sư Tương Lai, ông Hồ có điều kiện thâm nhập vào đời sống thực tế cách mạng hơn. Lâu nay hiếm thấy học giả Việt Nam chỉ ra hạn chế trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng trong bài viết này Giáo sư Tương Lai thừa nhận "cũng như C.Mác, Ph Angghen và V.I Lênin, Hồ Chí Minh không thấy được những biến động dữ dội về đời sống chính trị làm thay đổi diện mạo của thế giới..sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa".

Có lẽ lo sợ người đọc đã quá ngán ngẫm với những khen ngợi từ chính những người cộng sản, bài viết cố tình trích dẫn nhiều mỹ từ ca ngợi Hồ Chí Minh của bạn bè quốc tế. Qua nhận xét của nhà văn Hélène Tourmaire người ta thấy nhiều yếu tố tưởng chừng như đối lập nhau nhưng lại cùng tồn tại trong con người Hồ Chí Minh. Hình ảnh của ông là sự pha trộn giữa tôn giáo và chính trị, giữa Chúa, Phật, Lê Nin và chủ nghĩa dân tộc. Tất cả tạo nên một con người gần như không tưởng, không tưởng như chính lý tưởng cộng sản mà ông giành cả một đời theo đuổi, "hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc", nhà văn Hélène Tourmaire viết. Giáo sư Tương Lai cho rằng đây là một nhận xét "không quá cường điệu", như vậy một cách gián tiếp ông thừa nhận lời ca tụng của nhà văn Hélène Tourmaire là cường điệu, nhưng ở mức độ chấp nhận được.

"Không bỏ một ai"

Theo giáo sư Tương Lai, một trong những đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần đại đoàn kết. Vị cựu Viện Trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam một lần nửa chứng minh tư tưởng của ông Hồ xuất sắc và rộng lớn hơn bậc tiền bối khi cho rằng "Đây là điểm độc đáo.. Trong tư tưởng của C.Mác, Ph Angghen, V.I Lênin không tìm thấy điều này…."

Trong quá trình đấu tranh, Hồ Chí Minh không hề có khái niệm "bạn đường một đoạn", không có chuyện một bộ phận, tầng lớp nào đó không thể đi theo con đường cộng sản. Nếu có phải bị loại ra, không tiếp tục hợp tác với cộng sản thì đơn giản là "vì họ không còn đủ điều kiện theo đến cùng" và đi đến kết luận "Ai đó tự loại trừ chính mình, chứ Hồ Chí Minh không loại trừ ai" hay nói cách khác "chỉ có ai đó đã bỏ Hồ Chí Minh, chứ Hồ Chí Minh thì không bỏ một ai".

Thiết nghĩ cần phải nhìn lại lịch sử để xem có đúng là ông Hồ không hề loại trừ ai mà chính những đối thủ của ông tự nguyện rút lui. Sau khi khi tuyên bố độc lập 1945 và thành lập ra chính phủ liên hiệp với nhiều đảng phái tham gia, Việt Minh trong hoàn cảnh còn yếu kém lực lượng đã phải chấp nhận hợp tác với các đảng phái khác như Việt Quốc và Việt Cách.

Nhưng sự hợp tác này chẳng kéo dài được bao lâu, khi cộng sản liên tục bố ráp, ám sát, thủ tiêu và trừ khử nhiều nhân vật đối đập và cuối cùng những đảng phái này đều tan rã và thay nhau bỏ chạy sang Trung Quốc như trường hợp của lãnh đạo Quốc Dân Đảng. Như thế thì ai bỏ ai và ai loại trừ ai? Thật khó thuyết phục khi cho rằng các đảng đối lập tự nguyện trao quyền lực cho cộng sản nắm quyền vì họ cảm thấy mình "không còn đủ điều kiện theo đến cùng". Họ có đủ điều kiện nhưng cộng sản đã tước bỏ tất cả những điều kiện đó.

Xét đến hoàn cảnh hiện nay khi chính quyền đang mở một chiến dịch vi mô chưa từng có về học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, đảng viên nào cũng tuyên bố thấm nhuần cái gọi là "tài sản vô giá của dân tộc". Nếu thật sự làm theo những gì ông Hồ mong muốn, thì bây giờ hãy cho phép những nhóm đối lập như Đảng Dân Chủ, Nhóm 8406 và những nhân vật bất đồng chính kiến khác tham gia vào bộ máy Nhà nước vì Hồ Chí Minh đã không loại bỏ ai thì không có cớ gì Đảng Cộng Sản được quyền loại bỏ họ.

Cũng chỉ là con người

Ngoài những lời ca tụng, trong một động thái hiếm hoi loại bài này mạnh dạn chỉ ra sai lầm của Hồ Chí Minh cũng như hạn chế trong tư tưởng của ông. Theo tác giả, Hồ Chí Minh không phải là thánh mà chỉ là một con người. Cần tránh "tụng ca và vĩ nhân ca" vì sự cường điệu là "không trung thực, hoàn toàn không cần thiết".

Về hạn chế lịch sử, giáo sư Tương Lai cho rằng "Chính cương và Sách lược" của Đảng do Nguyễn Ái Quốc đề ra đã không đề cao được lợi ích giai cấp đấu tranh và sau đó đã bị thay thế bởi "Luận cương chính trị" của Trần Phú. Ông cũng nhắc lại lại sai lầm trong cải cách ruộng đất và xem đây là một "ví dụ đau xót" , chính sai lầm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Giáo sư Tương Lai nói đã đến lúc cần phải trung thực nêu lên vấn đề này, nhưng thực tế cho thấy chính quyền hiện nay rất hiếm khi nhắc lại vấn đề cải cách ruộng đất.

Bài báo viết "Đừng cố tìm ở Hồ Chí Minh cái gì cũng đều có, cũng đều "vĩ đại", vì như vậy chính là xuyên tạc, hạ thấp hoặc là bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh". Nếu gói ca tụng ông Hồ quá mức là một sự bôi nhọ thì có lẻ rất nhiều đảng viên cộng sản đã bôi nhọ chính tượng đài của mình. Chính tác giả cũng biết là thật khó để tìm ra việc làm nào đó của Hồ Chí Minh được cho là nhỏ bé và tầm thường vì tất cả dưới sự tuyên truyền của Nhà nước đều vĩ đại và cao cả.

Rỏ ràng, chính quyền đang loay hoay không biết chỗ nào trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói rằng Việt Nam nên đi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập với quốc tế. Ông Hồ có lẻ cũng không nghĩ những hậu duệ sau này của ông sẽ bắt tay làm bạn với những nước "đế quốc" như Anh, Pháp, Mỹ…

Tất cả mọi ban ngành công sở đều phải học tập và áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, và cứ mỗi ngành cụ thể người ta lại cố gán ghép một câu nói hay việc làm nào đó có liên quan của ông Hồ. Thế nên mới có chuyện có tư tưởng Hồ Chí Minh trong phòng cháy chữa cháy, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thể dục thể thao... Sự gán ghép khiển cưỡng này chứng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh là tập hợp những tư duy và cách làm lỗi thời và có nhiều hạn chế, không bắt kịp với đời sống không ngừng biến đổi hiện nay./.

28 Tháng 8, 2009.
Nguồn: www.x-cafevn.org
 

www.geocities.ws/xoathantuong