Phỏng Vấn Nhân Vật Trực Tiếp Tham Gia Hai Cuộc Cách Mạng Tháng Tám

Bảo Vũ PV ông Nguyễn Minh Cần
 

“Trong cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam lúc bấy giờ tôi còn rất trẻ, 17, 18 tuổi thôi; cho nên ý thức chính trị cũng không rõ ràng lắm. Vì thế, khi tham gia cuộc cách mạng đó, tôi đã vô tình đưa Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền. Còn đến cuộc Cách Mạng Tháng Tám ở Nga, ngày 19 tháng 8 năm 1991, tôi tham gia cách mạng lúc bấy giờ với ý thức rất rõ ràng là để hạ bệ Đảng Cộng Sản xuống; vì tôi ý thức được rất rõ ràng sự thống trị của Đảng Cộng Sản gây ra bao nhiêu tai họa cho người dân.”
 

LỜI DẪN: Thưa quý thính giả, ông Nguyễn Minh Cần, người nói câu vừa rồi có lẽ là người Việt duy nhất từng trực tiếp tham gia hai cuộc cách mạng tại hai phương trời khác nhau: Việt Nam và Liên Sô.

Sau khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc, người “vô tình đưa Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền” vừa đề cập, đã nắm giữ một số chức vụ trong chính quyền ở miền Bắc, trong đó có chức Ủy Viên Thường Vụ Thành Ủy Hà Nội, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính Thành Phố Hà Nội và Chủ Nhiệm báo Thủ Đô Hà Nội.

Trong mục Thời Sự Quốc Tế Chủ Nhật tuần này và tuần tới, Bảo Vũ sẽ mời quý vị nghe quan điểm của nhân vật độc đáo này.

Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin nói qua về ông:

Ông Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế, gia nhập Đảng Cộng Sản vào tháng Năm năm 1946.

Tuy nhiên, đến năm 1962, khi được gởi đi du học tại Liên Sô, vì bất đồng quan điểm với giới lãnh đạo Đảng, ông đã xin tỵ nạn chính trị.

Ông Nguyễn Minh Cần hiện cư ngụ tại thủ đô Mas Cơ Va của Nga.

Ông cho biết tiếp:

NGUYỄN MINH CẦN: Thực ra thì vai trò của tôi trong Cuộc Cách Mạng Tháng Tám ở Việt Nam cũng rất nhỏ. Lúc bấy giờ tôi vẫn chưa phải là đảng viên Cộng Sản.

Lúc đó tôi còn là một thanh niên 17 tuổi tham gia vào phong trào cách mạng vào thời kỳ đó. Tôi tham gia vào hồi sau tháng Ba năm 1945 tức là trước Cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Cho nên vai trò của tôi rất nhỏ nhoi.

Nhưng thời buổi lúc bấy giờ thì cờ đến tay phải phất. Cơ hội nghìn năm có một để cho đất nước mình được giải phóng.

Vì thế những anh em học sinh, bạn trẻ của chúng tôi, 17,18 tuổi, tập hợp lại với nhau theo tiếng gọi nổi dậy để đi cướp chính quyền.

Lúc bấy giờ chúng tôi cướp chính quyền trong khu vực Thành Phố Huế; đồng thời tiến ra các vùng phụ cận của Thành Phố Huế.

Thời kỳ đó vai trò của tôi nó nhỏ nhoi như vậy.

Chúng tôi làm việc đó với tất cả tấm lòng của tuổi trẻ.

BẢO VŨ: Thưa ông, ông tham gia Cuộc Cách Mạng Tháng Tám là ông tham gia theo lời kêu gọi của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Phải vậy không ạ ?

NGUYỄN MINH CẦN: Phải nói thật với anh rằng lúc bấy giờ Đảng Cộng Sản không hề ra mặt. Không hề ra mặt.

Lúc bấy giờ chúng tôi được tin ở ngoài Hà Nội đã vùng lên khởi nghĩa rồi. Trong Huế đồng bào rất sôi sục. Chính quyền lúc bấy giờ hầu như không còn nữa. Phải nói rằng tình thế lúc bấy giờ chính quyền cũ như là một trái cây chín muồi nó rụng xuống, ai muốn lượm thì lượm.

Thế cho nên chúng tôi hăng hái đứng ra làm việc ấy.

Tất nhiên cái đó cũng có sự liên quan và ảnh hưởng của những người cộng sản; vì lúc bấy giờ, tôi còn nhớ những người cộng sản có tìm cách liên hệ với chúng tôi.

Chúng tôi cũng tìm cách liên hệ với họ để hỏi ý kiến, trao đổi nhau. Chứ chúng tôi làm là làm với tinh thần như vậy.

Lúc bấy giờ rất nhiều người không hề biết có Đảng Cộng Sản lãnh đạo, hay có ai lãnh đạo hết.

Tình thế nó đến thì dân chúng nổi dậy.

Đấy là tinh thần chung của thời kỳ 45 nó như vậy.

BẢO VŨ: Thưa ông, ông vừa nói là Đảng Cộng Sản không hề ra mặt. Thế nhưng các tài liệu tại Việt Nam thì nói rằng Đảng Cộng Sản đã lãnh đạo nhân dân để đứng lên lật đổ … để đứng lên làm cuộc cách mạng. Thưa ông như vậy thì vấn đề nó như thế nào ạ? Ong có thể vui lòng giải thích thêm ?

NGUYỄN MINH CẦN: Phải nói rằng Đảng Cộng Sản họ có vai trò của họ. Nhưng tình thế lúc bấy giờ ở nhiều địa phương chưa có Đảng Cộng Sản đâu ….

BẢO VŨ: Ở Huế thì sao ạ ?

NGUYỄN MINH CẦN: … Bây giờ mọi người cần phải biết là Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ không đông.

Bây giờ trên sách báo (tại Việt Nam) người ta bảo rằng có 4.000 người trong Đảng.

Nhưng thực ra, sau này chúng tôi tìm hiểu và hỏi những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản hồi bấy giơ, thì họ bảo rằng thực tế chỉ độ năm, sáu trăm người trong cả toàn quốc.

Đảng Cộng Sản lãnh đạo ở phía miền Bắc thì có. Ở miền Trung rất là ít. Còn ở miền Nam thì tôi không biết.

Vấn đề ảnh hưởng của Đảng lúc bấy giờ thì chắc có lẽ là ảnh hưởng về mặt đường lối, chủ trương thế nào đấy.

Chứ còn người dân họ không biết, họ không nghe nói là cộng sản hay không cộng sản gì cả.

Cần nổi dậy là nổi dậy để cướp chính quyền. Cái tâm của người dân lúc bấy giờ nó như thế.

Còn bây giờ, tất nhiên người ta phải tuyên truyền vai trò của Đảng, phải nói rất mạnh mẽ, đầy đủ dẫn chứng này nọ.

Nhưng mà lúc bấy giờ Đảng Cộng Sản dấu mặt . Dấu mặt cho đến năm 1946 thậm chí Đảng Cộng Sản tuyên bố giải tán và lấy tên là Hội Nghiên Cưú Chủ Nghĩa Mác.

BẢO VŨ: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về chủ nghĩa cộng sản ?

NGUYỄN MINH CẦN: Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản là một tư tưởng. Nó đã xuất hiện trong ý niệm của con người từ xưa và dần dần cho đến nay vẫn còn.

Đó là ý niệm có tính chất không tưởng.

Người ta ước mơ có một xã hội tốt đẹp không còn giai cấp, không còn bóc lột, không còn giàu nghèo, tất cả đều giống nhau hết, v.v.

Trước đây, ngày xưa trong tâm trí của những người nghèo khổ họ đều mơ ước như vậy.

Nhưng mà nói về chủ nghĩa cộng sản của ông Mác, ông Lê Nin, của ông Hồ Chí Minh, của ông Mao Trạch Đông thì phải nói rằng đó là một chủ nghĩa đầy ảo tưởng.

Người ta tưởng rằng có thể tạo ra một xã hội tốt đẹp tốt đẹp như thế trên quả đất này bằng … Bằng cái gì?

Bằng xương, bằng máu, bằng đấu tranh giai cấp, bằng bạo hành, tức là bạo lực.

Nhưng mà kết quả cho ta thấy họ không đạt được xã hội tốt đẹp mà họ mong muốn.

Mà trái lại người dân phải tiếp nhận một xã hội đầy đau thương, đầy đau khổ, đầy nước mắt, đầy máu. Đấy là một thực tế.

Một thực tế khác nữa là: ở Liên Sô, ở nước Nga cũ đã chứng minh trong hơn 70 năm trời. Ở Việt Nam, ở Trung Quốc, ở Bắc Triều Tiên, ở Cuba thực tế cũng đã chứng minh rất rõ rệt những điều như thế.

Cho nên về chủ nghĩa cộng sản thì phải nói hai mặt: một ước mơ rất tốt đẹp của con người. Nhưng mặt khác, vấn đề thực hiện, áp dụng vào thực tế của ông Mác, ông Lê Nin, của ông Mao Trạch Đông, của ông Kim Nhật Thành, của ông Hồ Chí Minh, của ông Fidel Castro thì chúng ta thấy rằng nó chỉ đem lại xương máu cho đồng bào, đau khổ cho đồng bào mà thôi.

BẢO VŨ: Ông vừa nói chủ nghĩa cộng sản là thứ chủ nghĩa không tưởng. Bây giờ xin hỏi ông như sau: ông nhận xét như thế nào về người lãnh đạo cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam, tức là ông Hồ Chí Minh ạ ?

NGUYỄN MINH CẦN: Ong Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử. Tôi nghĩ rằng đã là nhân vật lịch sử thì để cho lịch sử, để cho nhân dân khách quan nhận xét. Tôi không phải là nhà sử học cho nên tôi không muốn đi sâu vào việc nhận xét ông Hồ Chí Minh.

Nhưng mà tôi muốn nói mấy điều:

Trước hết mình phải biết ông Hồ Chí Minh vẫn là một con người như tất cả những con người khác.

Người ta muốn huyền thoại hóa ông Hồ Chí Minh; và chính bản thân ông Hồ Chí Minh cũng muốn huyền thoại hóa mình.

Tôi nói điều đó để cho thấy là những điều về ông Hồ Chí Minh mà người ta nói ra chưa chắc đã thật, mà đó là huyền thoại.

Tôi nói “ông Hồ Chí Minh tự huyền thoại hóa mình” thì điều đó tôi nói có sách mách có chứng:

Chính ông Hồ Chí Minh tự nhận mình là nhà báo ký tên Trần Dân Tiên để viết về tiểu sử của mình, để tô đẹp cho mình, để tự coi mình là Cha Già Của Dân Tộc.

Đấy, điều đó cho thấy chính ông tự huyền hoặc mình.

Vì thế cho nên tôi muốn nói rằng phải nhìn vào con người Hồ Chí Minh như nhìn vào con người thật, tức là có mặt tốt, mặt xấu.

Bây giờ lịch sử càng ngày càng gỡ ra những mặt mà trước đây người ta huyền thoại hóa. Nào là ông ra đi để cứu nước cứu nhà.

Nhưng cho tới nay, bao nhiêu tài liệu lịch sử cho thấy những điều huyền thoại hóa đúng sai ra sao ? Sự thật lịch sử cho thấy những điều đó chẳng qua chỉ là huyền thoại thôi.

Nào là ông không vợ không con, một lòng một dạ, toàn tâm toàn ý, chỉ để cho cách mạng mà thôi. Nhưng bây giờ càng ngày người ta càng gỡ ra những việc trong đời tư của ông, v.v. và v.v. Tôi không nói hết.

Đó là một điểm. Điểm thứ hai nữa là những lời ông nói và những việc ông thực hiện khác nhau.

Chẳng hạn như trước khi làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám, ông kêu gọi và ông nói rất nhiều, đồng thời hứa hẹn rất nhiều: nào là tự do, nào là dân chủ, nào là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, v.v.

Nhưng đến khi cầm quyền rồi thì những điều đó không được thực hiện. Không được thực hiện dưới thời của ông mà còn cả dưới thời những nguời kế tục ông nữa.

Cho đến bây giờ đất nước vẫn không có dân chủ.

Cho nên nhận xét về ông Hồ Chí Minh thì mình phải nhận xét khách quan trên tinh thần như vậy. Không nên huyền thoại hóa mà nên coi ông như con người, con người trong lịch sử và để cho lịch sử nhận xét.

Nói một từ cho thật xứng đáng là: hãy để cho lịch sử phán xét và đặt vị trí của ông đúng vào cái thực tế của lịch sử.

BẢO VŨ: Thưa ông, đất nước Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã trải qua rất nhiều biến động. Và một trong những biến động lớn nhất là cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Thưa ông các thế hệ sau này tại Việt Nam, tức là những thành phần sinh sau năm 1945, đặc biệt giới trẻ hiện nay tại Việt Nam có thể rút ra được bài học gì cuộc cách mạng đó ?

NGUYỄN MINH CẦN: Cuộc Cách Mạng Tháng Tám là một biến động rất lớn, nó thay đổi lịch sử của Việt Nam.

Biến động đó chứng tỏ lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Tuy bị đô hộ trong suốt gần một thế kỷ; thế nhưng người dân vẫn nung nấu lòng yêu nước và chờ khi có cơ hội là vùng lên.

Điểm thứ hai là lòng thiết tha đối với dân chủ.

Không những người ta muốn thoát khỏi chế độ nô lệ, chế độ thuộc địa mà người ta còn muốn trở thành một con người thật, con người có quyền.

Tiếc thay, khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, người dân vẫn chưa có quyền thực sự; và cho đến nay người dân vẫn chưa có quyền thực sự.

Cho nên bài học Cách Mạng Tháng Tám là để cho giới trẻ ở đất nước ta thấy rằng, họ phải có phần đóng góp vào công cuộc chung để tiếp tục cuộc cách mạng đó.

Tức là làm sao để cho người dân có quyền, để cho người dân được hưởng dân chủ, được hưởng nhân quyền.

Nghĩa là nguời dân là một con nguời thực sự; được ăn nói tự do, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp.

Tự do thực sự chứ không phải sống dưới sự kìm kẹp của một đảng độc tôn nắm quyền.

Cho nên bài học lớn là: cuộc cách mạng chưa thành công đâu mà phải tiến tới hoàn thành nhiệm vụ dân chủ hóa nước nhà.

Trong vấn đề này, thanh niên phải có phần đóng góp rất quan trọng chứ không phải thờ ơ lãnh đạm đối với công cuộc của đất nước.

BẢO VŨ: Ông nói là cuộc cách mạng chưa thành công. Vậy theo ông liệu Việt Nam có cần một cuộc cách mạng nữa hay không, thưa ông ?

NGUYỄN MINH CẦN: Theo tôi không cần một cuộc cách mạng nữa, mà phải làm thế nào chuyển biến từ chế độ độc tài toàn trị của một đảng độc tôn …

BẢO VŨ: Làm thế nào để làm điều đó ?

NGUYỄN MINH CẦN: … trở thành ra một xã hội dân chủ. Tức là phải làm thế nào chuyển biến hòa bình sang một xã hội dân chủ. Sang một xã hội công dân thực sự.

Không cần phải làm cách mạng mới thực hiện được điều vừa đề cập.

Điều đó có thể thành tựu qua sự đấu tranh của dân chúng, bằng sự giác ngộ của dân chúng. Dân chúng đòi hỏi thay đổi.

Việc này rất khó, nhưng vẫn còn có thể làm được. Hiện nay tình hình càng cho chúng ta thấy rằng có thể làm được.

Vì sao ?

Vì Việt Nam bây giờ đã gắn mình vào trong thế giới chung; mà thế giới đó đang toàn cầu hóa.

Các cơ chế, các định chế quốc tế càng ngày càng áp lực vào xã hội Việt Nam, vào những nguời cầm quyền ở Việt Nam.

Giới cầm quyền Việt Nam muốn cố thủ vào vị trí lãnh đạo của họ, vào đường lối của họ.

Nhưng bây giờ, như chúng ta đang thấy, sức ép càng ngày càng mạnh và họ cứ lùi. Họ lùi một cách thủ đoạn. Nhưng mà thủ đoạn gì thủ đoạn; dần dần sức ép bên ngoài cộng với sức ép bên trong cũng sẽ làm cho họ thay đổi, và sự thay đổi đó có thể dẫn đến những sự thay đổi khác.

Cái đấy người ta gọi là chuyển biến hòa bình.

Diễn tiến hòa bình là điều mà giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay sợ nhất. Họ chống lại điều đó. Nhưng họ sẽ không chống lại được đâu, vì đó là quy luật chung trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.

KẾT: Thưa quý thính giả, vừa rồi là quan điểm của ông Nguyễn Minh Cần. Trong phần thứ nhì, sẽ được phát vào Chủ Nhật tuần tới, ông sẽ đề cập tới những vấn đề như cuộc Cách Mạng Tháng Tám, nổ ra vào ngày 19 tháng 8 năm 1991 tại Liên Sô, vai trò của giới trí thức Việt Nam và Nga, v.v.

Mục Thời Sự Quốc Tế Chủ Nhật tới đây chấm dứt, Bảo Vũ xin kính chào và hẹn quý vị vào tuần tới.

XIN LƯU Ý: Vì thời lượng phát thanh dành cho cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần có giới hạn; do đó phần âm thanh quý vị đang nghe ngắn hơn phần văn bản quý vị đang xem.

Nguồn: www.doi-thoai.com
Monday, 18 August 2003
 

www.geocities.ws/xoathantuong