Tôi không cần biết ông Hồ Chí Minh có mấy vợ

Nguyễn Hưng Quốc
 

Đầu tháng 9, nhân dịp ở trong nước tổ chức rầm rộ các buổi lễ tưởng niệm 40 năm ngày Hồ Chí Minh qua đời, tôi muốn viết một bài về ông, nhưng lại lười, cứ lần khân mãi. Nhưng sau đó, mở báo mạng ra, cứ gặp mãi những bài viết về ông Minh (tôi không thích gọi ông là ông Hồ, nghe nó vô duyên làm sao!) lại đâm bực.

Bực, khi đọc những bài lải nhải khen ngợi ông. Bực cả khi đọc những bài chửi bới ông nữa.

Hầu hết các bài khen tụng hay chửi bới ông Minh đều có điểm giống nhau: Chúng đều tập trung vào đời tư của ông. Lại là những khía cạnh nhí nhách nhất trong đời tư của ông.

Người khen, khen ông biết quan tâm và hy sinh cho người khác. Quan tâm đến đời sống cơ cực của dân chúng: Mỗi bữa, ông ăn ít hơn một chút để dành mớ gạo thừa ấy cho "đồng bào". Quan tâm đến giấc ngủ của từng người bộ đội: Nửa đêm dậy đi dém mùng cho từng người. Quan tâm đến nỗi khách phụ nữ đến thăm, ông hỏi ngay là có mắc đái không, ông chỉ nhà vệ sinh cho! (Ối giời! Cái cô này nhớ mãi cả đời cũng có lý. Được Chủ tịch nước đẹp trai như ông Minh quan tâm đến mức ấy, ai lại chả nhớ?) (1)

Người chửi, cũng chửi thậm tệ. Theo họ, ông Minh là một kẻ giả dối. Giả dối ở mọi mặt. Tự mình viết sách khen mình… khiêm tốn và tài giỏi rồi ký tên khác (Trần Dân Tiên) rồi bắt dân chúng học tập là một sự giả dối. Gặp chị ruột, bà Nguyễn Thị Thanh, người chị duy nhất còn sống sót sau mấy chục năm xa cách mà vẫn hờ hờ hững hững để giữ tiếng là một sự giả dối. Nhưng giả dối nhất là có vợ rồi, lại là vợ Tàu nữa (Tăng Tuyết Minh), mà cứ giấu biệt. Có bồ (Nông Thị Xuân) cũng giấu giấu giếm giếm như mèo giấu cứt. Cuối cùng, bồ bị đàn em hãm hại cũng không dám mở miệng cứu giúp hay can thiệp. Nghĩa là một kẻ vừa giả dối lại vừa tàn nhẫn và hèn hạ.

Thực tình, tôi không quan tâm đến cả những lời khen lẫn những tiếng chê như thế.

Theo tôi, những chuyện ấy, ngay cả khi đúng sự thực, cũng không ảnh hưởng gì đến vị thế của ông Minh với tư cách một chính khách và một lãnh tụ.

Một cái nhìn có tính chuyên nghiệp đòi hỏi chúng ta không được lẫn lộn giữa các phạm trù. Một ông thánh làm chính trị tồi thì cũng vẫn là một chính khách tồi. Ngược lại, một tên lưu manh làm chính trị giỏi, biết cách sử dụng quyền lực cho những mục tiêu lớn và tốt, thì cũng vẫn là một chính khách giỏi.

Tôi thích dân Mỹ ở chỗ đó. Nhớ, trong thập niên 1990, họ, một mặt, lên án cái tật hay cởi quần bậy của Tổng thống Bill Clinton, nhưng mặt khác, lại ủng hộ các chính sách của ông, các chính sách, theo họ, có lợi cho nước Mỹ. Với họ, hai khía cạnh đời tư và công việc khác hẳn nhau.

Ở Việt Nam, chúng ta cứ hay lẫn lộn mọi thứ. Không phải chỉ với Hồ Chí Minh mà cả với Ngô Đình Diệm hay Bảo Đại trước đó nữa, người ta cũng hay tập trung vào đời tư mà rất ít khi quan tâm đến chính sách của họ, với tư cách là những nguyên thủ của một đất nước.

Trong khi đó, ở cương vị của họ, chính các chính sách mới là những yếu tố đáng bàn, thậm chí, là những yếu tố duy nhất đàng bàn vì chúng có ảnh hưởng đến cả hàng chục, thậm chí, hàng trăm triệu người, có khi từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Ông Minh có nhịn ăn mỗi ngày vài chén cơm thì cũng chỉ nuôi được, may lắm, một con chó; nhưng nếu ông có chính sách kinh tế đúng đắn và hiệu quả thì cả hàng chục triệu người được tha hồ ăn no và ăn ngon.

Ông có hàng tá bồ nhí thì cũng chỉ làm mấy chục người ấy khổ nhưng nếu ông có chính sách về gia đình và phụ nữ đúng đắn và có hiệu quả thì hàng chục triệu phụ nữ tránh được cảnh bị lợi dụng, lạm dụng và bạo hành.

Ông có hỏi hết người này đến người khác có mắc đái mắc ỉa không để ông chỉ nhà vệ sinh cho thì cũng giải quyết được nhu cầu của một số người nhưng nếu ông có chính sách đúng đắn và có hiệu quả về xây dựng cơ sở hạ tầng và văn hoá tiếp dân thì không ở đâu, kể cả ở các văn phòng uỷ ban nhân dân từ trung ương xuống địa phương hay các tụ điểm công cộng, từ nhà ga đến bến xe, từ trường học đến công viên, dân chúng lại phải chịu cảnh nhịn đái nhịn ỉa hay phải chịu đựng mùi hôi thối đến kinh người như họ từng chịu đựng cả trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.

Một nhà lãnh đạo không cần những cái tốt lặt vặt. Thậm chí có khi cái gọi là tốt lại có hại. Tại Úc, nhiều chính khách bị dân chúng mất tín nhiệm chỉ vì quá tốt bụng. Đứng trước Quốc Hội, nghe báo cáo về sự khốn cùng của người thổ dân, họ khóc; nghe tin thiên tai đâu đó, họ rơm rớm nước mắt. Dân chúng cảm động ư? Vâng, họ cũng cảm động. Nhưng khi được hỏi sự cảm động ấy có ảnh hưởng đến lá phiếu của họ trong các cuộc bầu cử hay không, phần lớn đều lắc đầu quầy quậy: Không. Nhiều người còn cho đó là sự yếu đuối không những không cần thiết mà còn có hại. Người ta chờ đợi ở lãnh tụ một cái đầu lạnh, lúc nào cũng tỉnh táo cân nhắc chuyện lợi hại chứ không cần những người quá dễ xúc động và chỉ biết phản ứng theo tình cảm như thế.

Bởi vậy đánh giá một người làm chính trị, chúng ta chỉ cần tập trung vào chính sách của họ.

Với ông Minh, cũng vậy.

Trước hết, cần phân biệt ở ông Minh có hai khía cạnh: một nhà cách mạng và một nhà lãnh tụ.

Với tư cách nhà cách mạng, ông Minh có thể vấp phải một số sai lầm, nhưng nói chung, các chính sách ông đưa ra khá đúng đắn và nhất là có hiệu quả. Nhờ đó, ông trở thành nhà cách mạng thành công nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20: Ông đánh đuổi được thực dân Pháp và ông giành được chính quyền vào tay đảng của ông.

Không đồng ý với ông, thậm chí, căm thù ông, người ta cũng không thể phủ nhận những thành công vang dội ấy. Ông đã thành công ở chỗ tất cả các nhà cách mạng khác, trước ông, từ các nhà Cần Vương đến các nhà Duy Tân, từ Phan Bội Châu đến Phan Châu Trinh và tất cả các nhà cách mạng quốc gia khác đều thất bại.

Với tư cách một lãnh tụ, hơn nữa, lãnh tụ tối cao, vừa là Chủ tịch đảng vừa là Chủ tịch nước, ông Minh có những chính sách đúng và sai, những chính sách có hiệu quả đồng thời cũng có những chính sách hoàn toàn vô hiệu.

Đánh giá những chính sách ấy cần có công phu nghiên cứu và sự công tâm nhất định. Đó là công việc của giới sử học. Đã có nhiều sử gia làm điều đó. Một số người làm rất tốt. Nhưng công việc ấy sẽ còn kéo dài mãi. Nếu lịch sử là những gì luôn luôn được viết lại, việc đánh giá những chính khách lớn như ông Minh sẽ không bao giờ hoàn tất cả. Mỗi thời đại hay mỗi thế hệ, người ta sẽ lại tiếp tục tìm kiếm và đặt lại vấn đề về sự nghiệp của ông.

Trong bài này, tôi chỉ xin góp một ý nhỏ: Nói đến chính sách, cần phân biệt chính sách có tính giai đoạn và chính sách có tính dài hạn.

Trong số các chính sách, chính sách quan trọng và căn bản nhất là chính sách liên quan đến thể chế.

Trong vấn đề thể chế, có hai khía cạnh quan trọng và căn bản nhất: ý thức hệ và cơ chế tổ chức guồng máy nhà nước.

Về phương diện ý thức hệ, ông Minh chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là một lựa chọn có tính lịch sử; và vì có tính lịch sử, nó vừa là trách nhiệm của ông vừa không thuộc trách nhiệm của ông.

Nhưng việc lựa chọn cơ chế tổ chức guồng máy nhà nước thì hoàn toàn nằm trong tay ông. Chính ông là người quyết định nó, xây dựng nó và điều hành nó một thời gian dài. Có thể nói cái cơ chế ấy hoàn toàn là sản phẩm của ông. Là đứa con của ông.

Cái cơ chế ấy như thế nào?

Thời gian đã đủ dài để người ta nhận ra tất cả các khuyết điểm của nó. Trong đó, khuyết điểm đầu tiên là nó quá cứng nhắc, làm tê liệt hết mọi khả năng sáng tạo của ngay cả những người sáng suốt, nhiệt tình và nhiều quyền thế nhất.

Nghe nói, lúc còn tại chức, Phạm Văn Đồng thường than thở là trên thế giới không có ai làm Thủ tướng lâu như ông, và cũng không có ai làm Thủ tướng mà bất lực như ông.

Lại cũng nghe nói, trong một chuyến công du sang Úc cách đây khoảng trên dưới mười năm, Phan Văn Khải, lúc ấy đang là Thủ tướng, giữa một buổi họp mặt với giới trí thức Việt kiều, kể, đại khái, là: "Nhiều vị lãnh đạo Tây phương cứ hay nói về Việt Nam thế này thế nọ. Nhưng cứ cho họ làm Thủ tướng ở Việt Nam thử xem họ làm sao. Có khi họ làm chưa tới một ngày đã phải chạy làng rồi. Việt Nam mình nó phức tạp lắm chứ đâu đơn giản như họ tưởng. Ở Việt Nam đâu phải là Thủ tướng thì có thể làm được mọi việc!"

Lại cũng nghe nói nữa, vào những năm cuối đời, tuy ông Minh vẫn còn tại vị, nhưng thực quyền thì đã lọt hết vào tay của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Ông muốn làm nhiều chuyện nhưng đành bất lực. Tôi chẳng biết lời đồn ấy thực hư thế nào. Nhưng nếu đúng, ông Minh đã bị chính cái guồng máy ông lập ra ghiền nát; ông đã bị chính đứa con ông sinh ra quay lại ăn thịt ông.

Cái cơ chế chính quyền ở Việt Nam, một mặt, loại trừ khả năng sáng tạo, mặt khác, lại tạo cơ hội cho cái Ác, cái Tham và cái Ngu tha hồ nảy nở. Trong cái cơ chế ấy, không ai có thể làm điều đúng hay điều tốt được, nhưng mọi đứa ác, mọi đứa tham và mọi đứa ngu đều có thể dễ dàng tác oai tác quái.

Cái Ác, cái Tham và cái Ngu thì ở đâu cũng có. Không có một lãnh tụ nào có thể loại trừ hay tiêu diệt chúng hết được. Nhưng trong một cơ chế tốt, chúng luôn luôn bị kiềm chế; nếu có bộc lộ, chỉ bộc lộ một cách rụt rè và lén lút; và vì rụt rè và lén lút nên không thể trở thành phổ biến, hơn nữa, lúc nào chúng cũng đối diện với nguy cơ bị phát hiện và trừng phạt.

Trong cái cơ chế chính quyền do ông Minh sáng lập, không có những sự kiềm chế và kiểm soát. Cấp lớn có cái Ác, cái Tham và cái Ngu lớn. Cấp nhỏ thì có cái Ác, cái Tham và cái Ngu nhỏ. Ở đâu chúng cũng nghênh ngang hoành hành được. Dân chúng không những bị bịt miệng mà còn bị bịt cả tai nữa.

Bởi vậy, bất cứ cái Ác, cái Tham và cái Ngu nào ở Việt Nam lâu nay cũng đều có một phần trách nhiệm của ông Minh.

Người ta hay hỏi: Liệu ông Minh có biết những người bị giết oan trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào giữa thập niên 1950 không? Có biết những vụ trù dập dã man đối với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm không? Có biết các vụ giết người tập thể ở Huế trong trận Mậu Thân không?

Với tôi, đó là những câu hỏi vớ vẩn. Biết hay không biết, chúng cũng thuộc về trách nhiệm của ông Minh. Biết, ông có tội. Không biết, ông có lỗi. Khi cái lỗi gây thành tội ác: Cái lỗi trở thành cái tội.

Trong bất cứ một hành vi tham nhũng công khai nào, bất cứ một hành động chà đạp nhân quyền và dân chủ nào ở Việt Nam hiện nay, cho dù được thực hiện bởi một tên công an cấp phường, cấp xã, cũng đều có bàn tay ông Minh trong đó.

Ông Minh đã chết lâu rồi nhưng cái cơ chế ông tạo ra vẫn còn đó. Nó còn đó và nó tiếp tục tạo cơ hội và cung cấp phương tiện cho những sự tàn ác, tham lam và ngu xuẩn. Để cho chúng tha hồ hoành hành và tàn phá đất nước, cái đất nước mà ông bỏ gần cả đời để dành lại từ trong tay thực dân Pháp.

Đứng trước cái di sản tệ hại khổng lồ ấy, những chuyện ông còn tân hay có vợ, chuyện ông nhịn ăn để đồng cam cộng khổ với dân chúng hay lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá của Mỹ, chuyện ông có nung gạch để tránh cái rét ở Paris lúc còn trẻ hay không… chỉ là những chuyện tầm phào.

Hết sức tầm phào.

Chú thích:

Trong cuốn "Hồi ký" được phổ biến rộng rãi trên internet, Nguyễn Đăng Mạnh kể, nguyên văn:

Năm 1965, Mỹ cho không quân ra đánh phá miền Bắc. Cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá, là một trọng điểm oanh tạc của chúng. Anh chị em dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng phối hợp cùng với pháo binh tải đạn và bắn máy bay giặc. Nổi lên có hai nữ dân quân được tuyên dương công trạng xuất sắc: Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng.

Năm ấy, tôi phụ trách một đoàn sinh viên Đại học Sư phạm Vinh ra thực tập ở trường Lam Sơn, Thanh Hoá, sơ tán ở ngoại ô thị xã. Tôi đưa mấy sinh viên văn ra gặp Nguyễn Thị Hằng ở nhà riêng. Hằng là một cô gái quê mà rất trắng trẻo, cao ráo. Cô cho xem bức hình chụp mặc quân phục trông rất đẹp đẽ, oai phong. Cô khoe vừa được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ra Hà Nội, đi đâu cũng có một anh cảnh vệ hay công an đưa đi. Hành trình qua rất nhiều chặng. Đến mỗi chặng, anh dẫn đường lại bảo, cô chờ ở đây, người khác sẽ đưa đi tiếp. Chặng cuối cùng, anh dẫn đường nói, cô ngồi đây, Bác xuống bây giờ. Một lát ông Hồ tới. Ông không vội hỏi han gì về thành tích chiến đấu của Hằng. Câu hỏi đầu tiên của vị Chủ tịch nước là: "Cháu có buồn đi tiểu, Bác chỉ chỗ cho mà đi."

Câu chuyện của Nguyễn Thị Hằng về chủ tịch Hồ Chí Minh hôm đó, tôi nhớ nhất chi tiết này. Chi tiết rất nhỏ nhưng nói rất nhiều về con người Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hưng Quốc

Nguồn: VOA - 14/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-14-voa18.cfm

Ý kiến: (Chúng tôi chọn một số ý kiến để đăng lại trong phần sau. xtt)

1. Cứu cánh biện minh cho phương tiện?

Đây cũng là một trong những quan điểm của csvn: làm bất cứ điều gì miễn đạt được mục đích! Kết quả sẽ nói thay cho "cách làm." Nếu vậy tôi phải khen Phát-xít Đức, rồi đến Stalin, hay Tần Thủy Hoàng... - vì bỏ ra ngoài cái "đức" thì họ rất "thành công" trong cái mưu đồ chính trị của họ, bất chấp mọi thủ đoạn. Thế giới nầy cần không những con người "có tài mà không có đức?"
Người gởi: Anh Võ (OR)
09-17-2009 - 15:49:20

3.

Bài viết thật hay nhưng tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩ rằng: "Tài mà ko có đức là Ác, Nếu Đức mà ko có Tài là Phá hoại". Vậy nếu xem xét về Tài Đức của ông Minh thì thuộc loại nào?
Người gởi: ngoc thi (sai gon)
09-17-2009 - 14:51:43

6. Quá xa rời thực tế Việt Nam thời bấy giờ!

Với những luận điệu mà tác giả nêu trên bản thân tôi thấy tác giả chưa hiểu được nhân vật đặt vào thời điểm bấy giờ - hay đúng hơn từ đầu đến cuối tác giả chỉ muốn phê phán nhân vật từ nhiều góc độ... Tôi xin nêu ví dụ mà tác giả viết: "Ông Minh có nhịn ăn mỗi ngày vài chén cơm thì cũng chỉ nuôi được, may lắm, một con chó..." nếu tác giả nói như vậy xin thưa tại thời điểm ấy Việt Nam đang lâm vào cảnh thiếu lương thực (do chế độ thực dân Pháp bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay...) vì thế HCM kêu gọi toàn dân sẻ chia lương thực "lá lành đùm lá rách" và tất nhiên HCM làm gương trước! Nói tới đây tôi xin tự ngắt lời và xin hỏi tác giả "Nếu là ông thì ông sẽ có những chính sách gì để giải quyết tạm thời Nạn Đói"??? Xin lổi trước với tác giả nói đến đây là tôi muốn bảo "tác giả là người giỏi võ mồm" lắm rồi nhưng vì tôi là người lịch sự...
Người gởi: Nguyen Cuong (Việt Nam)
09-17-2009 - 03:46:11

7. Bàn với NHQ... (tiếp theo)

George Washington (1732-1799) vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (USA) cũng từng nói: You must be an excellent educated man before leading the people... Mấy thí dụ trên đủ thấy một người lãnh đạo, một chính tri gia cần phải làm những gì, cần đức độ hạnh kiểm ra sao. Nước Mỹ dân chủ, tự do cá nhân được tôn trọng, bảo vệ miễn là không phương hại tới người khác, không vi phạm pháp luật. Không ai cần biết bạn có bao nhiêu vợ, bao nhiêu chồng, bao nhiêu tiền bạc. Là người dân, bạn làm sao cũng được. Nhưng nếu bạn muốn làm tổng thống, hay nghị sĩ, dân biểu thì lại khác. Dân Mỹ vô cùng khắt khe về tài năng, đức độ, hạnh kiểm của bạn. Thống đốc tiểu bang New york bị báo chí, dân chúng, và đảng đả kích tơi bời, buộc phải từ chức, vì giao thiệp 'thân mật ' với một cô gái mãi dâm. Tổng thống Bill Clinton cũng bị báo chí, và mọi ngưới chỉ trích nặng nề, đòi cách chức, vì liên hệ 'sống sượng' với cô sinh viên Monica Lewinsky. (tiếp)
Người gởi: Tiến sĩ HUY (hy/ngt ) (Paris, France)
09-16-2009 - 17:45:05

8. Bàn với NHQ... (tiếp theo)

Machiavelli (niccolo di Bernardo 1469-1527 A.C, Italian Political philosopher) một lý thuyết gia chính trị lẫy lừng phương Tây, một chánh khách chủ trương chiếm đoạt quyền lực bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn, là bậc thày của bọn chính trị gia gian xảo, tà đạo. Vậy mà ông cũng dạy: When you gain power, it's your duty to make your country stronger, richer, and happier. - Clausewitz ( Karl von 1780-1831 A.C ) một thiên tài quân sự của nước Germany, tác giả nhiều binh thư, nhiều sách về khoa học quân sự (Military science) tuy sở trường về chiến tranh, binh bị, ông cũng phát biểu giống như Machiavelli.
Người gởi: Tiến sĩ HUY (hy/ngt ) (Paris, France)
09-16-2009 - 16:59:39

9. Bàn với NHQ... (tiếp theo)

(Dĩ nhiên bọn chính trị gia tà đạo không bao giờ làm như vậy. Mục đích của chúng chỉ là chiếm quyền lực, và thụ hưởng lợi danh bất chấp thủ đoạn. Tuy nhiên chúng vẫn đóng kịch, vẫn mỵ dân là chúng yêu nước thương nòi, mưu cầu hạnh phúc trăm họ, trong mọi hành động của chúng, như một người tài đức. Sẽ bàn thêm sau.) - Vài thí dụ chứng minh: Cuối thế kỷ thứ 5, Khổng Tử dạy: Người làm chính trị trước hết phải tu thân, tề gia rồi mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Socrates (469- 399 B.C, Athenian Philosopher) - Plato (427-347 B.C, Greek philosopher) - Aristotle (384-322 B.C, Greek philosopher) ba ông tổ của nền triết học Tây phương cũng viết: Before governing your country, you must be a talented, respectable man first. (c.tiếp)
Người gởi: Tiến sĩ HUY (hy/ngt ) (Paris, France)
09-16-2009 - 16:22:27

11. Bàn với NHQ... (tiếp theo)

Vì vậy, tôi xin góp vài ý kiến, mặc dầu tôi không có nhiều thời gian, lịch biểu hoạt động không khe hở. Trước khi vào phần chính là nhận xét, phê bình HCM. Ông có công hay có tội với dân tộc và đất nước VN, ông có đức hay vô hạnh, là tiểu nhân hay quân tử, là anh hùng hay tên hèn, là yêu nước hay bán nước? Tôi sẽ vô tư, công bằng chấm điểm sau. Tôi xin vắn tắt vài hàng về chính trị luận. Vắn tắt, ngắn gọn thôi, vì trình độ học thức, lý luận của bạn đã đủ để không cần nghe ai nói nhiều. Từ phương Đông đến phương Tây, tất cả danh nhân kim cổ đều chung một phát biểu: Điều kiện căn bản, cần có và đủ cho một chính trị gia, một người lãnh đạo là TÀI và ĐỨC, hy sinh hết lòng vì dân, vì nước, vì phú cường, hạnh phúc của thiên hạ. (còn tiếp)
Người gởi: Tiến sĩ HUY (hy/ngt ) (Paris, France)
09-16-2009 - 14:43:03

12.

Cái khó là không phải người Việt nào cũng nhìn thấy và đánh gía lãnh tụ qua sự vận hành của thể chế và tác động của nó lên đời sống nhân dân. Nhân dân vẫn bị giới cai trị dẫn dắt và tuyên truyền tư tưởng này hay tư tưởng nọ bởi vì họ không có cơ hội nhìn thấy một thế giới khác với một thể chế khác để so sánh. Và tệ hơn nữa là giới trí thức trong nước trở nên thụ động, ngậm miệng ăn tiền, không cất lên được tiếng nói của lương tri, thậm chí còn đồng lõa với cái sai, cái quấy của cơ chế.
Người gởi: Quoc Bao (USA)
09-16-2009 - 11:31:23

13. Ba điểm nhất

Tôi xin đưa ra ba điểm nhất về bài viết của tác giả Nguyễn Hưng Quốc: Mâu thuẫn nhất: mục đích chính của tác giả là phê phán: "Hầu hết các bài khen tụng hay chửi bới ông Minh đều có điểm giống nhau: Chúng đều tập trung vào đời tư của ông. Lại là những khía cạnh nhí nhách nhất trong đời tư của ông." Phần chú thích tác giả lại nhắc đến hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh kể: "Cháu có buồn đi tiểu, Bác chỉ chỗ cho mà đi." và nhấn mạnh "Câu chuyện của Nguyễn Thị Hằng về chủ tịch Hồ Chí Minh hôm đó, tôi nhớ nhất chi tiết này. Chi tiết rất nhỏ nhưng nói rất nhiều về con người Hồ Chí Minh." Khác nhất giữa tôi và tác giả: tác giả viết "tôi không thích gọi ông là ông Hồ, nghe nó vô duyên làm sao". Với tôi cái tên Minh nghe không phải của Hồ. Hồ là một "nhãn hiệu" có cầu chứng quốc tế. Tôi ngược lại lại thích gọi ông Mạnh (Nông Đức Mạnh) là Nông.
Người gởi: Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Úc Đại Lợi)
09-16-2009 - 03:44:53

18. XHCN: một lựa chọn lịch sử?

Tôi vẫn còn ngạc nhiên vì sao nhiều bạn đọc dễ dàng đồng ý với NHQ như vậy!? Cứ cho rằng, đi theo XHCH là một 'lựa chọn lịch sử', nhưng đừng quên rằng: HCM đã cũng lựa chọn con đường đó với sự chỉ đạo của CS Quốc tế và đã lựa chọn bắt bớ thủ tiêu hàng vạn người VN; Xua hàng triệu người xâm chiếm miền Nam, đẩy Dân tộc vào con đường tàn sát lẫn nhau... Đấy không phải là những lựa chọn chính trị có ' tính cách lịch sử'! Đấy rành rành càng không phải vì ấm no hạnh phúc của người dân Việt Nam. Đấy là tham vọng CS và CS đã dùng bất chấp mọi thủ đoạn... Đã hơn 30 năm ngắm nhìn thiên đường CS, cần gì phài đợi các Sử gia, 80 triệu người VN không để cho CS lừa bịp mãi đâu NHQ ạ.
Người gởi: dpa (London)
09-15-2009 - 22:18:34

21. Tên lạ

Lần đầu tiên trên một trang báo tôi thấy có nguời gọi ông Hồ Chí Minh bằng "ông Minh". Lạ! Và đúng với cách gọi tên của người Việt. Cách gọi bằng họ là ta nhiễm từ người Tàu, sau này mới biết là ngưới Âu, Mỹ cũng gọi như vậy. Tại sao người ta cứ mãi gọi ông Hồ mà không gọi ông Ngô (Ngô Đình Diệm)? Có gọi bằng tên thì dễ nói chuyện, nói thân mật và ...hoạch toẹt! Và ông Quốc (xin lỗi ông Nguyễn) cũng khá hoạch toẹt với ông Minh! Gọi HCM là ông Minh nghe gần gũi hơn, Việt hơn.
Người gởi: Nguyễn Quân (Đức)
09-15-2009 - 17:54:58

22. Cần đi xa hơn nữa

Tôi rất đồng ý với anh Nguyễn Hưng Quốc về cách đánh giá một nhà chính trị. Tuy nhiên bảo rằng HCM phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì đang xảy ra thì cực đoan và bất công quá! Một nhân vật lịch sử dù vĩ đại đến đâu thì cũng vẫn là một tù nhân của hoàn cảnh lịch sử. Thử nghĩ nếu George Washington mà sinh ở Nghệ An năm 1890 (hay gì đó) thì không biết ông có "đẻ" ra được một nền dân chủ sáng chói toàn cầu hay không. Hơn nữa, quy hết tội cơ cấu cho HCM thì cũng là giải tội cho những người đồng hành và kế nghiệp ông, nhất là chính quyền hiện nay! Theo tôi, đánh giá như NHQ là đúng nhưng cần đi xa hơn một bước nữa: tốt hơn hết, hãy GẠT HẲN HCM sang một bên với và đánh giá cơ chế hiện thời trên căn bản chính nó – đó mới là thái độ chín chắn nhất để đối xử với chính sách "phong thánh" của chính quyền CS.
Người gởi: Phạm Quang Tuấn (Sydney)
09-15-2009 - 17:03:10

24. NHQ nói về HCM

Bài viết nầy của NHQ quá thuyết phục và sâu sắc. Tôi thích một bài đầy tính trung thực như thế này; chê hay khen phải không thiên vị và phải chỉ rõ cụ thể điểm nào. Hay tuyệt! NHQ.
Người gởi: Van Tran (Australia)
09-15-2009 - 11:49:25

25. Trà dư tửu hậu về... lịch sử với NHQ

"Nhưng việc lựa chọn cơ chế tổ chức guồng máy nhà nước thì hoàn toàn nằm trong tay ông. Chính ông là người quyết định nó, xây dựng nó và điều hành nó một thời gian dài. Có thể nói cái cơ chế ấy hoàn toàn là sản phẩm của ông. Là đứa con của ông." Có thật đúng như vậy không? Hay nó cũng là một "...lựa chọn có tính lịch sử; và vì có tính lịch sử, nó vừa là...' Tôi lựa chọn một cái xe máy cà tàng vì chỉ đủ tiền cho cái thứ cà tàng ấy thôi, có nghĩa là một cái xe máy cà tàng thì "hoàn toàn nằm trong tay" tôi (còn những cái khác thì không!). Tôi "điều hành nó một thời gian dài" và có không ít lần bị nó làm cho dập mặt, nhưng tôi không nghĩ rằng nó "hoàn toàn là sản phẩm" của tôi hay nó là "đứa con" của tôi (làm sao tôi có thể đẻ ra một cái xe máy được?)... Bạn nghĩ sao?
Người gởi: F (VN)
09-15-2009 - 10:29:33

26. Oan ức với người

Qua bài viết trên tôi hiểu biết thêm về con người mà dân VN đang gọi là "Thánh"! Thực ra thì ông cũng nhiệt tình với cách mạng thật, đó là điều người dân VN biết, nhưng cái nhiệt tình đó mà đi với tài giỏi, có tâm, thì việc cải cách ruộng đất nông dân và các nhà trí thức cũng như là bồ Nông Thị Xuân. Theo tôi, có vợ có con là điều hạnh phúc sao mà chối bỏ nhỉ, là con người mà. Tại sao ông ta nhiều tên vậy? Đó là điều mà tôi không hiểu nổi con người này.
Người gởi: Van Thanh (Ha Noi)
09-15-2009 - 09:11:55

28.

Nhẹ nhàng, thâm thúy, đây là bức tranh thật về ông Hồ, tư tưởng HCM nằm trong bài này. Cám ơn ông Hưng Quốc thật nhiều vì tôi thật sáng mắt sáng lòng khi xem bài này.
Người gởi: culisaigon (saigon)
09-15-2009 - 08:31:37

33. Đừng ra vẻ khách quan

Trong chương trình thời sự trên VTV tối qua người ta chiếu cảnh một bé gái học lớp Hai một trường tiểu học ở tỉnh Kon Tum kể vanh vách về tấm gương đạo đức HCM. Trông em có vẻ xúc động thực sự. Rồi cảnh cả một lớp học đang nuốt lấy từng lời cô giáo thao thao về Bác Hồ. Toàn là những thứ cao đẹp, thơm tho về ông này. Vậy hỏi ông NHQ, nếu ông có con hay cháu nhỏ, ông có chấp nhận để nó được tiếp nhận một kiểu giáo dục như vậy không? Nếu không, ông làm ơn cho biết, làm cách nào để con hay cháu ông bị "nhồi sọ" như những em bé kia? Hay ông sẽ giáo dục cho con hay cháu ông rằng, nó cần có "một cái nhìn có tính chuyên nghiệp" để "không được lẫn lộn giữa các phạm trù", rằng "người ta chờ đợi ở lãnh tụ một cái đầu lạnh, lúc nào cũng tỉnh táo cân nhắc chuyện lợi hại..." v.v...?
Người gởi: Nguyễn Van Phu 
09-15-2009 - 04:12:39

38. TÁN ĐỒNG

Tôi hoàn toàn tán đồng bài viết của tác giả này. Thời buổi này mà còn làm những chuyện tầm phào? Nó đã quá lỗi thời rồi. Moi móc những chuyện này nọ của cá nhân ra làm trò hề ư? Hay ru ngủ lòng dân, rồi xúc phạm đến người chết, khinh thường khán thính giả...Tôi thấy rằng cần bỏ qua những quá khứ đi. Người chết thì để họ nằm yên. Đừng đào bới Ông lên như chính quyền CSVN đang làm. Nếu có nhìn lại thì hãy nhìn nhận một cách thẳng thắn, điều sai, xấu thì bỏ đi, điều tốt thì phát huy. Mà nói chung là đừng có thần thánh hóa Ông Minh lên. Nghe chán lắm rồi. Ông là con người tầm thường thôi. Có gì đâu mà phải rùm beng lên vậy? Điều cần hơn cả của người dân Việt hôm nay không phải là ca ngợi hay khinh chê ông Minh. Mà là hãy nhìn vào sự thật, thực tế để xây dựng một đất nước xứng tầm với các nước khác, người dân được tự do, được hạnh phúc, được sống với những quyền căn bản của một con người. Nói chung là cái đường lối của Ông Minh có thể đúng lúc đó, nhưng bây giờ đã quá lỗi thời.
Người gởi: MINH (LÂM ĐỒNG)
09-15-2009 - 01:09:27

39. Nói về một con người

Cái "tít" của bài viết đã kích thích tính tò mò của tôi. Tôi đã xem một cách chăm chú. Ông bảo ông không cần biết những cái đó nhưng ông đã biết. Ông bảo ông không cần nói nhưng ông đã nói, ông đã đem đến cho mọi người một số thông tin xem được. Sự việc chẳng là gì nếu cho nó qua, nhưng có nhắc lại lại là có chuyện. Có ông già tâm sự với tôi, thời hiện đại có nhiều cái phức tạp quá... như chuyên "đái ỉa" chẳng han nhiều khi làm người ta lúng túng... Cho nên Ông nhắc đến chuyên việc ông Hồ... tôi cho đấy là một việc làm rất nhân văn(!) Phải không Ông? Mọi sự hiểu biết bao giờ cũng hơn điều muốn nói ông ạ! Chỉ biết cám ơn Ông, NHQ đã đem đến những thông tin mí và sự giải mã của ông một cách rât khôn khéo và hiểu biết. Nhưng sự trân trịu quá làm người hơi khó chịu Ông ạ.
Người gởi: Nguyễn Chính Viễn ([email protected])
09-15-2009 - 00:54:03

40. Đạo đức lãnh tụ

NHQ nói nhiều cái đúng về giá trị của một lãnh tụ/chính khách, nhưng CS khôn hơn như vậy, biết đánh bóng đạo đức cá nhân của lãnh tụ để thu phục nhân tâm và đã từng rất thành công trong lãnh vực này. Obama sẽ không bao giờ giành được ghế Tổng thống nếu ông ta đã từng là một tên giết người. NHQ có tin như vậy không? Chắc ông còn nhớ vì sao Kerry thua Bush chớ? Vì người ta khám phá ra Kerry đã từng xạo về vết thương để đào ngũ trong cuộc chiến VN, và Kerry đã bi tuột điểm ngay sau đó đối với cử tri Mỹ. Uy tín ông Clinton không còn được như trước đâu dù người Mỹ vẫn sáng suốt khi đánh giá tài năng của ông. Hơn thế nữa, ở Mỹ, báo chí phải tốn biết bao giấy mực moi móc đời tư của nhau trong những cuộc chạy đua tranh phiếu. Nói tóm lại, đạo đức cá nhân rất quan trọng đối với người dân khắp nơi trên thế giới. Người ta có thể có khi không muốn nhắc đến nó chớ không bao giờ quên hoặc coi nhẹ nó.
Người gởi: dpa (London)
09-15-2009 - 00:31:57

41. Hay Thì Hay Thật Là Hay..

Bài viết của ông NHQ hay quá! Nhưng nhận xét của tôi về cái hay của bài viết của ông NHQ không giống như ông bạn "bb" ở trên. Cái hay tôi nhìn thấy ở chỗ "nó đồng-điệu, nó nhất-quán" giữa bài viết của biên-tập-viên VOA cùng ý-kiến của người đọc. Tất cả nó tạo thành một bản nhạc để "Ru Em Một Giấc Xuân Nồng". Tại VN, viết một bài thế như nầy quá dễ, vì nó có khuôn mẫu sẵn; nhưng tại Hoa-Kỳ viết được một bài thế nầy quá hiếm! Vậy ai mất ngủ xin đọc bài của ban Việt-ngữ đài VOA.
Người gởi: Sun-Toong (USA)
09-14-2009 - 23:32:13

42. Ngậm ngùi

Các nước Cộng Sản đều có một bài như nhau, dù giai cấp công nhân là không đáng kể như ở Nga và các nước Đông Âu hoặc không hề có như Trung Hoa và Việt Nam. Chính Hồ Chí Minh cũng tự nhận rằng mình chẳng có tư tưởng gì và cũng chẳng quan tâm suy nghĩ làm gì, vì đã có Mark, Lenin, và Mao Trạch Đông dọn sẵn chủ nghĩa, cũng như thể chế và cách cai trị rồi và chỉ cần triệt để áp dụng thôi. Cái "hay" của CSVN là tiêu diệt tư sản và phú nông đạt chỉ tiêu để thành công áp đặt SỢ HÃI lên trí thức và toàn dân, dù VN chẳng có bao nhiêu người giàu hay người có nhiều ruộng. Có lẽ anh Quốc hơi quá khen "anh Minh" đấy, vì lý thuyết, cơ chế, cũng như chính sách cai trị của các nước CS đều giống nhau mà từ anh bí thư xã cho đến tổng bí thư hay một anh sinh viên giỏi học thuộc lòng, đều có thể giảng thuyết y như nhau; và dĩ nhiên không phải do "anh Minh" nghĩ ra. Anh Minh, anh Duẩn, và các anh sau này chỉ là thi hành và chỉ khác nhau ở mức độ triệt để "chuyên chính" mà thôi!
Người gởi: Quang Nguyen (San Jose)
09-14-2009 - 23:27:24

46. NHQ viết chính trị!

NHQ viết chính trị giống như tôi bàn về văn học vậy! Câu dư, câu thiếu, câu đủ, câu không, kết luận tùm lum, chỗ thì bén, chỗ thì abc, trúng tùm lum mà trật thì chắc cũng quá trời!... Tôi lại thích nhìn NHQ ở những góc cạnh này, nó thật, nó không cần làm duyên õng ẹo. Hình như càng viết, tôi càng thấy mình chỉ thích viết mạnh ý như 'đang đánh võ' của NHQ; viết nhẹ ý thì lại không có hứng hoặc kiên nhẫn. Thấy NHQ liều lĩnh nhào vô chính trị làm tôi tâng thêm can đảm, cứ chịu chơi như ông, thấy gần gũi với ông hơn. Một chút cường điệu, liều lĩnh..., có lẽ là cái gạch nối nhỏ gìữa doan phu an va nguyen hung quoc sau này. Ông có thể trả lời tôi vài hàng không? NHQ hãy ráng trả lời một ý kiến không khen mình 'hay quá thầy ơi' thử đi!
Người gởi: dpa (London)
09-14-2009 - 18:40:03

-//-

www.geocities.ws/xoathantuong