Bệnh sùng bái lãnh tụ

Nguyễn Hưng Quốc
 

Trong bài viết "Khen quá lố, không nên!", Bùi Tín nêu lên nghi vấn về sự kiện Võ Nguyên Giáp được Hội đồng Hoàng gia Anh vinh danh là một trong mười nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại vào năm 1992. Tôi không rành về quân sự và cũng quá bận bịu để tìm hiểu hư thực về chuyện vinh danh ấy thế nào. Tôi chỉ muốn nhân bài viết của Bùi Tín đặt ra một vấn đề khác: bệnh sùng bái cá nhân.

Theo Max Weber, về phương diện chính trị, có ba kiểu quyền lực chính: truyền thống (traditional), pháp lý-duy lý (rational-legal) và sự lôi cuốn (charismatic). Tất cả các chế độ cộng sản đều ra đời sau các cuộc cách mạng cướp chính quyền bằng bạo lực, do đó, hai yếu tố đầu, truyền thống và pháp lý, coi như không có. Chỉ còn yếu tố cuối: Để thu hút sự ủng hộ của quần chúng, họ phải tự biến họ thành một sức lôi cuốn cực kỳ mạnh mẽ; và để có sức lôi cuốn như thế, họ phải đặt trọng tâm vào tuyên truyền; trong tuyên truyền, họ đặt trọng tâm vào chính sách thần thánh hoá đảng và các lãnh tụ của đảng. Hệ quả là tất cả các chế độ cộng sản đều có một đặc điểm giống nhau: sùng bái.

Nói đến sùng bái là nói đến tôn giáo. Trên lý thuyết, cộng sản đối nghịch và thù nghịch với các tôn giáo, nhưng trên thực tế, các chế độ cộng sản lại xây dựng quyền lực của mình theo mô hình của các tôn giáo, bao gồm ba yếu tố chính: một, tính lý tưởng: xây dựng một xã hội cộng sản không có giai cấp trên toàn thế giới; hai, tính phổ quát: không phải chỉ giải phóng một dân tộc mà còn cả nhân loại; và cuối cùng, ba, tính sùng bái, ở đó, mọi lãnh tụ đều biến thành ngẫu tượng.

Người đi tiên phong trong mưu đồ tôn giáo hoá chế độ này chắc chắn là Lenin. Nhưng người hoàn chỉnh nó lại là Stalin. Với Stalin, sự sùng bái đảng và sùng bái lãnh tụ biến thành sự sùng bái đối với cá nhân. Đó là một yếu tố mới. Trước, mọi chế độ quân chủ đều được xây dựng trên cơ sở ít nhiều có tính thần quyền, ở đó ngôi vua được linh thiêng hoá, gắn liền với thiên mệnh: Vua là con Trời. Vua nào cũng là con Trời. Mọi người phải vâng lời và trung thành với vua không phải vì tài năng hay cá tính của ông mà là vì: ông là con Trời. Vậy thôi. Đảng cộng sản không huyền thoại hoá hay thần thánh hoá ngôi vị Chủ tịch hay Tổng bí thư. Họ chỉ nhắm vào người đang giữ chức Chủ tịch hay Tổng bí thư. Nói như Khrushchev, trong bản cáo trạng dành cho Stalin vào năm 1956, ở đây việc sùng bái lãnh tụ biến thành việc sùng bái cá nhân.

Nhưng không phải lãnh tụ nào cũng được huyền thoại hoá hay thần thánh hoá. Trừ trường hợp của Stalin (và với một mức độ nào đó, Kim Chính Nhật ở Bắc Hàn hiện nay), các lãnh tụ được thần thánh hoá là những người sáng lập đảng và nhà nước, từ Mao Trạch Đông đến Hồ Chí Minh, từ Fidel Castro đến Kim Nhật Thành, v.v...

Theo E.A. Rees, trong bài "Leader Cults: varieties, preconditions and functions" in trong cuốn "The Leader Culture in Communist Dictatorship" (Palgrave Macmillan, 2004, tr. 10), chiến lược để thần thánh hoá lãnh tụ ở đâu cũng giống nhau: một, xuất bản các bài viết hoặc bài nói chuyện của họ thành sách để làm "kim chỉ nam" cho cả nước; hai, thêu dệt tiểu sử của họ; ba, dựng tượng và lấy tên họ đặt cho địa phương, trường học hoặc công trường, công xưởng; bốn, sinh nhật của họ được tổ chức rất trọng thể; và năm, khi họ chết thì nơi họ ở được biến thành viện bảo tàng. Xin nói thêm, với những lãnh tụ lớn, xác họ sẽ được ướp và để trong lăng để mọi người chiêm ngưỡng! Ngoài ra, người ta còn không ngớt phát động các chiến dịch làm thơ viết văn soạn nhạc để ca ngợi họ.

So với những lãnh tụ khác, việc thần thánh hoá Hồ Chí Minh, ngoài các điểm chung nêu trên, có mấy điểm dị biệt. Thứ nhất, ăn theo Stalin và Mao Trạch Đông. Ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã tự giới hạn vai trò của ông là ở Việt Nam. Sân khấu thế giới cũng như về phương diện lý thuyết, ông nhường cho Stalin và Mao Trạch Đông. Với họ, ông chỉ là học trò, một vị á thánh. Thứ hai, tận dụng truyền thống và cách xưng hô Việt Nam, Hồ Chí Minh trở thành "Bác" của cả nước. Ở Liên Xô, hình ảnh nổi bật của Stalin là hình ảnh một vị Tổng tư lệnh uy nghi; ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông là một vị Chủ tịch có chủ thuyết riêng; ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là một ông Bác hiền lành và nhân hậu. Thứ ba, ở Hồ Chí Minh, yếu tố "đức" được nhấn mạnh một cách đặc biệt, không phải chỉ ở lòng yêu nước hay thương dân mà còn ở cung cách xử thế, và nhất là, ở đời sống độc thân của ông. Khi yếu tố "đức" được nhấn mạnh, tính chất cách mạng được hoà quyện với tính chất nho sĩ và hiền sĩ; với chúng, Hồ Chí Minh mất đi chút uy nghi vốn dễ thấy ở Stalin và Mao Trạch Đông; bù lại, ở ông, có sự gần gũi mà những người kia không có. Thứ tư, trong khi việc thần thánh hoá Stalin và Mao Trạch Đông là do cả một bộ máy đảng và nhà nước; trong việc thần thánh hoá Hồ Chí Minh còn bàn tay của chính ông nhúng vào qua việc tự yêu cầu người khác gọi mình là "Bác" và nhất là, việc tự mình viết sách ca tụng mình. Lý do, có lẽ vào năm 1945, khi mới lên cầm quyền, bộ máy đảng và nhà nước ở Việt Nam còn quá yếu, trình độ cán bộ thấp, Hồ Chí Minh buộc phải tự mình ra tay chăng?

Ngày trước, lúc Hồ Chí Minh còn sống, việc thần thánh hoá ông được sử dụng như một nhu cầu để đoàn kết đảng, nhà nước và xã hội, để nâng cao lòng tự hào dân tộc, để khích động tinh thần của quần chúng, và cũng để nô lệ hoá quần chúng. Sau này, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ, lý tưởng cộng sản đã tan tành, bảng giá trị cách mạng bị lung lay, các huyền thoại về độc lập và tự do trở thành thoi thóp, đảng Cộng sản biến hình ảnh "Bác Hồ" thành tư tưởng Hồ Chí Minh, ở đó, vai trò của ý thức hệ nổi bật hơn vai trò của hình ảnh; tính duy lý được đề cao hơn quan hệ gia đình hay thân tộc. Nhưng tôi sợ là họ không thành công. Hồ Chí Minh chỉ là một người hành động. Ông không có khiếu về lý thuyết. Ông biết điều đó và thừa nhận điều đó ngay từ thời kháng chiến chống Pháp lúc tuyên bố mọi vấn đề quan trọng đã được Stalin và Mao Trạch Đông nói hết rồi, ông không còn gì để thêm cả. Từ những cuốn sách hay những bài phát biểu đơn sơ và đơn giản của ông, khó có ai có hy vọng xây dựng nên được một hệ thống tư tưởng mạch lạc, sâu sắc và có sức thuyết phục. Huống gì bọn còn chút nhiệt tình nhảy ra đảm trách công việc đó chỉ là đám nịnh bợ và bất tài. Thành ra, cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh", đến nay, vẫn chỉ là một khẩu hiệu suông. Không có một nội dung cụ thể nào cả.

Điều cần chú ý là, ở Việt Nam, ngoài Hồ Chí Minh - người được thần thánh hoá, chỉ có một người duy nhất được huyền thoại hoá: Đó là Võ Nguyên Giáp. Lê Duẩn: không có. Trường Chinh: không có. Phạm Văn Đồng: cũng không có. Chỉ có một mình Võ Nguyên Giáp là có thật nhiều huyền thoại.

Thật ra, điều đó cũng dễ hiểu. Những kỳ tích của Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc chiến 1946-54 và 1954-75 vốn được cả thế giới chú ý, rất dễ đi vào huyền thoại. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý điều này: trước đây, những huyền thoại ấy chỉ được truyền tụng râm ran trong dư luận chứ không hề được đăng tải công khai trên báo chí. Thậm chí, có thời gian, hơn nữa, thời gian khá dài, việc nhắc đến tên Võ Nguyên Giáp cũng gây nên nhiều ái ngại. Bởi vậy, sẽ rất hợp lý nếu chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao gần đây những câu chuyện có tính giai thoại về Võ Nguyên Giáp lại nở rộ đến vậy? Ở đâu cũng có. Báo in: Có. Báo mạng: Có. Sau việc nở rộ ấy có động cơ gì không? Tôi nghĩ là có. Tuy Võ Nguyên Giáp thỉnh thoảng có những phát biểu đi ngược lại chủ trương của Bộ chính trị, nhưng, theo tôi, đảng Cộng sản vẫn cần, rất cần hình ảnh của ông, một người chiến thắng vang dội trong hai cuộc chiến tranh lớn. Để làm gì? Để gợi cho quần chúng nhớ đến truyền thống chống ngoại xâm ngày trước. Nếu không, chỉ nhìn vào hiện tại, có khi dân chúng chỉ thấy một đám hèn.

Võ Nguyên Giáp là người duy nhất ở Việt Nam hiện nay, với những huyền thoại chung quanh ông, làm một dấu nối với quá khứ hào hùng trước đây. Đó là tất cả những gì đảng Cộng sản - đang phải cúi mình trước một Trung Quốc hung hãn và bạo ngược - đang cần.

Ngày trước, đảng Cộng sản xây dựng quyền lực trên huyền thoại một thế giới đại đồng và viễn tượng một đất nước độc lập và giàu mạnh trong tương lai. Bây giờ, họ lại âm mưu củng cố quyền lực của mình trên hào quang và huyền thoại của quá khứ.

Cái hào quang và huyền thoại ấy lại được xây dựng trên một người đang nằm trong lăng và một người đã 100 tuổi!

Kể cũng mong manh lắm, phải không?

Nguồn: VOA, 22.03.2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/Benh-sung-bai-lanh-tu-03-22-10-88828802.html

Chúng tôi chọn đăng lại ở đây một số ý kiến của bạn đọc của VOA.

* Thứ Ba, 23 tháng 3 2010 tranhung (vietnam)

Tại tỉnh đồng khởi Bến Tre có một chuyện rất lý thú là nhà nước buộc mỗi gia đình phải bỏ ra 38 ngàn đồng để mua tấm ảnh "Bác Hồ" về thờ trang trọng giữa nhà, dưới tấm ảnh có ghi dòng chữ "học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM". Chỉ cần bỏ ra 38 ngàn đồng là có thể được công nhận là gia đình tốt, biết "học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM".

* Thứ Ba, 23 tháng 3 2010 Thanh Trần (Việt Nam)

Hay quá, ông Nguyễn Hưng Quốc viết rất hay, đúng là chẳng có cái gì gọi là Tư tưởng HCM cả thế mà tất cả sinh viên VN đang phải học cái thứ gọi là Tư Tưởng này...Thích nhất câu "Nếu không, chỉ nhìn vào hiện tại, có khi dân chúng chỉ thấy một đám hèn."

* Thứ Ba, 23 tháng 3 2010 Sáu Xị (VN)

Bài viết của ông NHQ làm tôi nhớ đến câu chuyện chiều 28 Tết năm rồi. Một cán bộ về quê thăm dượng đã ngoài 80. Bên nồi bánh Tét to, lửa cao vút, thấy dượng đang ngồi thổn thức ôm cái khung hình. Cháu hỏi dượng sao khóc, dượng trả lời: "Vì đảng viên lúc này tha hoá, đớn hèn, không còn noi gương bác Hồ". Ông dượng vừa nói vừa giơ tấm khung hình lên cho xem. Người cháu thấy thế cười nói với dượng: "Bác cũng còn đâu, chỉ còn cái khung, thôi dượng cứ cho nó vào bếp rồi quên đi".

* Thứ Ba, 23 tháng 3 2010 KHỔ (VN)

Đúng như bài viết của anh Quốc trong những ngày nầy ở VN rùm beng xe hoa cờ xí ông Hồ ngự trên bông sen. Cứ nhai lại muôn năm, vỉ đại đạo đức sống trong sự nghiệp mất nước của chúng ta!

* Thứ Ba, 23 tháng 3 2010 nguyen Hà noi (Viet nam)

Việc CNCS sùng bái lãnh tụ chỉ có thể phát triển ở những nước trình độ dân trí còn thấp mà thôi. Ở Việt Nam cũng vậy khuôn mẫu Hồ Chí Minh chỉ có thể loè bịp người dân của những năm 1980 trở về trước thôi chứ sau này thì nó phản tác dụng thôi. Dân Việt Nam bây giờ đang luận công và tội của Hồ Chí Minh.

* Thứ Tư, 24 tháng 3 2010 hoàng phi (vn)

Nếu không có hình ảnh của ông Hồ và ông Giáp thì chế độ độc tài hiện nay ở VN đã sụp đổ rồi. Vì còn nhiều người VN thế hệ 50 tuổi trở nên tin yêu ông Hồ và ông Giáp, vì vậy chế độ VN phải dựa vào đó để làm bình phong thôi. Lớp trẻ VN hiện nay có ai tin mấy ông lãnh đạo là cs đâu, họ chỉ lo vơ vét thật nhiều trong nhiệm kỳ của mình thôi. Vì vậy thế hệ sinh sau 1975 ở VN sẽ không bị bọn độc tài mị dân loè bịp nữa đâu.

* Thứ Tư, 24 tháng 3 2010 hải đăng (VN)

Sùng bái lãnh tụ là ác bệnh do CNCS gây nên bằng hành động tàn bạo, cách thức hiểm độc xảo trá, ám thị, chỉ có dân ngu bị lừa bịp. Dân trí thức thì các lãnh tụ CS: Mao, Lê, Xít, Hồ coi là cứt của CNCS. Với lãnh tụ cần được kính trọng, còn công lao đáng được ca ngợi thì hãy để cho lịch sử và thời gian phán xét. Tự làm, tự ca ngợi, bắt người ta ca ngợi là đê hèn và khả ố. Huống chi bắt toàn dân sùng bái lãnh tụ bằng mọi giá là không thể chấp nhận. Đã là bệnh thì phải trị gấp để dân ngu tỉnh ngộ.

* Thứ Tư, 24 tháng 3 2010 hải đăng (VN)

Bao nhiêu tiền bạc đất đai, và thời gian bỏ ra để làm khu di tích, lưu niệm, bảo tàng khắp nước để tôn vinh, học tập, ca ngợi lễ bái từ ông Hồ, Chinh, Phú, Tập, Duẩn, Đồng... nếu CS tồn tại vài ba thế kỷ nữa e con cháu ta hết đất sống và sản xuất. Bệnh chi quái ác làm bần cùng quốc gia, làm chết yểu tinh hoa nòi giống vậy bác Quốc. Rõ là: "vận nước đau lòng anh Quốc Quốc.Thương nhà mỏi miệng chị Công Nhân".

* Thứ Năm, 25 tháng 3 2010 Anh Thi (ĐàLạt)

Thế giới ai cũng có thời, có tật tôn sùng lãnh tụ, nhưng khuyến khích con dân thắp hương dưới bàn thờ lãnh tụ thì chỉ có chính quyền CSVN ta. Khác hẳn với thế giới. Nó đã vượt trên phạm vi tôn sùng, ở đây là tôn thờ, người ta đang muốn nâng cấp từ lãnh tụ lên giáo chủ.

* Thứ Năm, 25 tháng 3 2010 Dân Đen (Việt Nam)

Thật ra, chuyện ấy chẳng có gì đáng nói, trong 1 xã hội thời bấy giờ. Đáng nói là ĐCS và ông Hồ dựng một trong vô vàn chuyện có thành không, tự đáng bóng chính mình, để trở thành bậc thánh. Và theo thời gian mọi chuyện đều sáng tỏ. Như thế danh từ "thánh nhân" Hồ Chí Minh dần dần xuống cấp, để rồi cuối cùng trở thành một tiếng gọi mỉa mai! Sùng bái lãnh tụ ích nước lợi dân là bình thường. Sùng bái lãnh tụ bịp dân hại nước là bệnh - Bệnh sùng bái lãnh tụ!

* Thứ Năm, 25 tháng 3 2010 Lê Bình Nam

Sau bao năm theo cộng sản, những ngày về hưu bác tôi thường kể cho con cháu nghe chuyện tiếu lâm Xã Hội Chủ Nghĩa. Một trong những chuyện ấy là chuyện "Chung Quy Cũng Tại Cái Dây Thừng". Bác tôi kể như thế này: Ngày anh Ba làm bồi trên tàu qua Pháp, tàu gặp sóng dữ, anh Ba suýt văng xuống biển, nhưng cũng may vớ được sợi dây thừng. Đến đây ông vỗ đúi cái đét, rồi bảo: Chung Quy Cũng Tại Cái Dây Thừng!

-//-
 

www.geocities.ws/xoathantuong