HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 46*
 

HỒ CHÍ MINH từ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 tới Cải Cách Ruộng Đất 1953

 

Hai dấu ấn đậm đà mà chủ nghĩa Cộng Sản ghi lại trên đời sống Việt Nam, đặc biệt tại nông thôn, là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc Cải Cách Ruộng Đất.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là phong trào nổi dậy đầu thập niên 1930 chống chính quyền đương thời lúc đảng Cộng Sản Việt Nam vừa thành lập và phát động đấu tranh với danh nghĩa Cộng Sản.

Cuộc Cải Cách Ruộng Đất được thực hiện vào hai thập kỷ sau, đầu thập niên 1950, khi Cộng Sản thực sự nắm quyền trên một phần đất nước.

Cả hai biến cố đều do Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương nhưng đều có dư luận biện giải là Hồ Chí Minh không chịu trách nhiệm.

Từ giữa thập niên 1930 tới cuối thập niên 1940, gần như các tài liệu Cộng Sản Việt Nam thường coi Xô Viết Nghệ Tĩnh là phong trào tự phát nằm ngoài ý định của Hồ Chí Minh và cách biện giải này đã ảnh hưởng tới nhiều tác giả nghiên cứu về Việt Nam và con người Hồ Chí Minh.

Từ thập niên 1950 trở về sau, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được nhìn theo chiều hướng khác hơn không còn được coi là một cuộc nổi dậy mang tính tự phát nữa.

Sở dĩ có tên Xô Viết Nghệ Tĩnh vì ... khi được tin nông dân nổi dậy ở Nghệ Tĩnh, Nguyễn Ái Quốc đã vội vã báo cáo hồi tháng 11 năm đó (1930) cho Quốc Tế Cộng Sản và Quốc Tế Nông Dân là: “Hiện nay ở một số làng Đỏ,  Xô Viết Nông Dân đã được thành lập”. Từ đó cái tên Xô Viết Nghệ Tĩnh được tung ra và trở thành lịch sử.(1)

Phong trào đã được xác định không khuôn hạn trong hai tỉnh Nghệ – Tĩnh mà phát động trên toàn quốc. Trần Văn Giàu so sánh với cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng như sau: "Nếu Yên Bái nổi lên ở một vài địa phương lẻ tẻ trên chỉ một xứ Bắc Kỳ, thì cao trào 1930-1931 phát triển trên toàn quốc, khắp Trung, Nam, Bắc.(2)

Hồng Hà phổ biến nội dung báo cáo ngày 29-9-1930 của Hồ Chí Minh gửi Đệ Tam Quốc Tế ghi rõ “nông dân Gia Định, Chợ Lớn và Tân An ở Nam Kỳ cũng biểu tình ngày 12-9 (và) ngày 17 nông dân Gia Định lại biểu tình”. (3)

Dương Trung Quốc viết: “Phối hợp với Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng Việt Nam ở các tỉnh Nam Trung Kỳ cũng phát triển mạnh… Các cuộc đấu tranh này đều có vũ trang và uy hiếp các cơ quan chính quyền của địch. Tiêu biểu trong cao trào này là cuộc biểu tình vũ trang thị uy của 3000 nông dân huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) ngày 7-10-1930 …” (4)

Sử gia Pháp Daniel Hémery ghi là trong ít tháng từ tháng 5-1930 đến mùa hè 1931, cộng sản đã tổ chức 124 cuộc biểu tình bạo động khắp nơi.

Tài liệu Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam được giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam hiện nay đưa ra con số gấp mười lần con số của sử gia Hémery – “Từ tháng 2 năm 1930 đến tháng 4 năm 1931 trong cả nước đã có 1236 cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân… Chỉ trong tháng 9 và tháng 10 năm 1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh, 29 cuộc ở miền Bắc, 316 cuộc ở miền Trung, 17 cuộc ở miền Nam ... Đấu tranh của quần chúng đã bùng nổ khắp nơi, tập trung ở các nhà máy, xí nghiệp, vùng mỏ như Hànội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Cẩm Phả, Vinh – Bến Thủy, Saigon, Chợ Lớn vân vân...; ở các vùng nông thôn như Gia Định, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Cần Thơ, Trà Vinh, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hà Nam, Kiến An...(5)

Phong trào được phát động với khẩu hiệu “Trí-Phú-Địa-Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, biểu hiện tính triệt để của giai cấp đấu tranh đã dẫn đến thảm cảnh đẫm máu tại nhiều địa phương. Để đào tận gốc, trốc tận rễ bốn thành phần thù địch là trí thức, phú nông, địa chủ, kỳ hào, đấu tranh bạo động trở thành phương tiện chủ yếu.

Nông dân được tuyên truyền kích động nổi dậy trừng trị kẻ thù của giai cấp bằng mọi biện pháp kể cả tàn sát và tàn sát bất phân già trẻ lớn bé. Vì, dù là trí, phú, địa, hào thì kẻ nào cũng có gia đình, con cháu trong khi khẩu hiệu nêu rõ phải đào tận gốc, trốc tận rễ nên không thể nương tay.

Nhưng không chỉ riêng máu của những thành phần trên phải đổ mà máu của nông dân cũng chan hòa vì sự đàn áp dữ dội của chính quyền thực dân Pháp.

Để đối phó với cuộc bạo động ngày 12-9-1930 của nông dân phủ Hưng Nguyên, Nghệ An, người Pháp đã đưa máy bay tới thả bom vào giữa các đám đông sát hại 217 người. (6)  Bạo động kéo dài cho tới mùa hè 1931 và trải rộng trên nhiều địa phương nên thảm cảnh chém giết đã tạo một ấn tượng kinh hoàng đối với quần chúng khắp nước. Hai tiếng Cộng Sản trở thành mối đe dọa khủng khiếp vì là ám ảnh chết chóc từ cả hai phía, Pháp và những người đấu tranh cách mạng.

Trong Lời kêu gọi được thông qua vào dịp thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam vào đầu tháng 2-1930 tại Hong Kong, Hồ Chí Minh đã viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng” (7)

Đi vào bước ngoặt lịch sử này, Đảng đưa ra công việc đầu tiên cho giai cấp vô sản được đánh giá đã trưởng thành là nổi dậy triệt hạ 4 kẻ thù trí-phú-địa-hào. Đảng đã theo đúng quan điểm chiến lược Lênin chọn giai cấp bần nông làm nòng cốt với mục tiêu cụ thể là tịch thu tài sản ruộng đất của các thành phần thù địch chia lại cho dân – tức giai cấp vô sản. Cảnh sống khó khăn và trình độ dân trí thấp kém đã giúp các cán bộ tuyên truyền nhanh chóng lôi cuốn được những đám đông.

Phong trào được hưởng ứng và kết quả những ngày đầu có vẻ thuận lợi nên lập tức các kiểu mẫu chính quyền Xô Viết được thành lập gây hứng khởi cho nhóm lãnh đạo khiến Hồ Chí Minh vội vã báo cáo ngay với Đệ Tam Quốc Tế về việc đã có những làng Đỏ tại Việt Nam với các Xô Viết Nông Dân.

Nhưng, hành động đấu tranh mang tính thúc đẩy những cuộc cướp của giết người đã gây ác cảm trong dư luận.

Nhà báo Nguyễn Phan Long trên tờ Đuốc Nhà Nam trong số ra ngày 8-8-1930 đã có một bài viết về những cuộc nổi dậy này được Trần Văn Giàu trích lại như sau: "Tôi dám chắc rằng trong đám dân biểu tình, ngoài mấy anh đầu đảng ra không nói, còn mấy người sau đều là đám dân ngu khờ khạo bị chúng cám dỗ hết thảy. Thiệt vậy, theo người ở Hốc Môn nói với tôi, có nhiều người ở trong làng xưa nay là dân nghèo khù khờ ngu dại thế mà bị Cộng Sản đến diễn thuyết, nói những lời dưới đất trên trời, làm cho những người ấy hóa ra những người biểu tình rất hăng hái!

Trần Văn Giàu cũng trích lại lời phát biểu của nhà báo Dương Bá Trạc trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn: “Làm cộng sản là những thằng dốt, theo cộng sản là những đứa ngu.”

Như thế, ngay trong lần đầu công khai xuất hiện tại Việt Nam, Cộng Sản đã không thu phục nổi nhân tâm.

Đây là lý do khiến đảng Cộng Sản phải ẩn mình dưới chiêu bài Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm và cũng là lý do khiến một thời gian dài về sau cán bộ Cộng Sản các cấp thường xuyên coi Xô Viết Nghệ Tĩnh là phong trào tự phát.

Những luận điệu này cho tới năm 2000 còn được nhiều tác giả tiếp tục vận dụng để chứng minh sở kiến của mình như Douglas Pike, William J. Duiker…cho rằng Hồ Chí Minh không chủ trương bạo động nên không chịu trách nhiệm về những thảm cảnh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Douglas Pike còn thu hẹp phong trào vào phạm vi vài huyện của 2 tỉnh Nghệ Tĩnh để cho đó là những biến cố địa phương nhỏ hẹp.

Thực ra, chính Hồ Chí Minh vẫn coi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một thành tích lớn của Đảng Cộng Sản Việt Nam với sự đánh giá: “Tuy đế quốc đã dập tắt phong trào đó trong bể máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam” (8)

Dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh xác nhận chỉ 2 tháng sau khi thành lập, đảng Cộng Sản Việt Nam đã phát động những cuộc tranh đấu lan rộng khắp nước kéo dài suốt 13 tháng, từ tháng 4-1930 đến tháng 5-1931 và viết: “Trong những tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhân dân Việt Nam đã lật đổ chế độ cai trị của Pháp và phong kiến, và lập chính quyền Xô Viết.” (9)

Những người như Douglas Pike, William J. Duiker… có vẻ muốn thu hẹp cái bể máu Xô Viết Nghệ Tĩnh vào phạm vi một địa phương và cố đẩy thần tượng của mình ra xa bằng các màu sắc hiếu hòa ghét bạo lực, nhưng Hồ Chí Minh lại không che đậy nổi sự hứng khởi trước những cuộc nổi dậy.

Thêm nữa, riêng việc Hồ Chí Minh thường xuyên báo cáo cho Đệ Tam Quốc Tế ngay lúc vừa bắt đầu có các cuộc bạo động đã đủ để không thể bảo rằng Hồ Chí Minh không chịu trách nhiệm về những thảm cảnh đã xẩy ra.

Trong bản báo cáo ngày 29-9-1930, Hồ Chí Minh còn nêu rõ số người bị chết và cho biết đã chỉ thị cho đảng viên, đồng thời xin chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế về những bước đi tiếp: “Hơn 200 người đã bị Pháp giết... Chúng tôi đã chỉ thị ngay cho các đảng viên Nam Kỳ ở trong nước cố gắng hết sức mình thu xếp một cuộc họp của trung ương để quyết định mọi việc....Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ.”  (10)

Báo cáo này chỉ có thể giúp Hồ Chí Minh trút trách nhiệm cho Đệ Tam Quốc Tế với lập luận không thể làm trái chỉ thị thượng cấp. Nhưng trút tội theo cách này thì khác gì kẻ cầm dao giết người trút tội cho kẻ trả tiền mướn.

Tuy vậy, cách trút tội này đã được vận dụng khá nhiều vào hai thập kỷ sau, khi Cộng Sản Việt Nam tiến hành cải cách ruộng đất tại miền Bắc.

Cải Cách Ruộng Đất là việc bắt buộc phải làm tại các nước nặng về nông nghiệp với nhiệm vụ phá bỏ quyền tư hữu tiến tới hợp tác hóa nông nghiệp để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Liên Xô, Trung Quốc đều thực hiện cải cách ruộng đất sau khi Cộng Sản giành được chính quyền.Việt Nam cũng bước vào diễn trình này sau khi Cộng Sản kiểm soát một phần lãnh thổ và tái xuất hiện dưới tên gọi mới Đảng Lao Động Việt Nam.

Nhưng, Cải Cách Ruộng Đất không chỉ nhắm riêng về kinh tế mà đặc biệt chú trọng về chính trị với mục tiêu củng cố quyền lực cho Đảng. Được hướng dẫn trực tiếp bởi các đặc phái viên thổ địa Trung Cộng, giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã thuộc lòng bài học kinh nghiệm Hoa Lục sau khi Quốc Dân Đảng Trung Hoa thất bại như sau: “… Quốc Dân Đảng là đảng vốn có thế lực cực lớn ở Hoa Nam, bắt rễ khá sâu trong xã hội Trung Quốc… Số người của Quốc Dân Đảng bỏ chạy sang Đài Loan hoặc ra nước ngoài rất ít so với số dân khổng lồ. Có một số người chỉ trốn loanh quanh, tạm lánh rồi trở lại quê hương. Cho nên cải cách ruộng đất là biện pháp cơ bản để phát hiện rồi triệt hạ hết mọi tổ chức Quốc Dân Đảng và vô vàn tổ chức thanh niên, phụ nữ, xã hội, tôn giáo, từ thiện, thể thao, nghệ thuật có dính đến Quốc Dân Đảng … Tay chân của Quốc Dân Đảng hoặc  liên quan đến Quốc Dân Đảng thâm nhập rất sâu, leo lên rất cao, cần cảnh giác phát hiện và nếu cần, giải thể hết bộ máy cũ, tạo nên bộ máy hoàn toàn mới gồm những trung kiên, cốt cán, phát hiện và được rèn luyện trong cuộc đấu tranh “long trời lở đất” này…” (11)

Kinh nghiệm nêu trên dẫn đến ý kiến khắp các địa bàn, cơ cấu chính quyền Cộng Sản Việt Nam khó tránh tình trạng bị phản động mai phục và Cải Cách Ruộng Đất chính là biện pháp cơ bản để phát hiện, tiêu diệt những phần tử này –  Hoàng Văn Hoan gọi là “mở rộng thành vấn đề chỉnh đốn tổ chức”.

Ngay sau đại hội Đảng kỳ 2 tháng 12-1951 tại Việt Bắc, vấn đề Cải Cách Ruộng Đất được chuẩn bị và chuẩn bị khá kỹ từ thực tế đến pháp lý.

Trường Chinh trở thành Trưởng Ban Cải Cách Ruộng Đất gồm Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng, Chu Văn Biên. Một số địa phương thuộc Thanh – Nghệ – Tĩnh và Thái Nguyên được chọn làm thí điểm phát động trong thời gian chuẩn bị các văn kiện pháp lý.

Ngay trong thời gian mở đầu này, một chuyện chấn động đã xẩy ra: “Khi đội phát động đến vùng đồn điền Đồng Bẩm sát ngoại ô thành phố Thái Nguyên làm thí điểm phát động nông dân, chủ đồn điền là bà Nguyễn Thị Năm. Bà từng ủng hộ các chiến sĩ Cộng Sản từ thời bí mật, từ những năm 1937-1938… Chính các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã được bà che chở nuôi dưỡng. Hai con trai của bà hoạt động Việt Minh từ thời bí mật, đi bộ đội giải phóng…Cố vấn Trung Quốc nhận định bừa rằng đây là mụ địa chủ ác bá, có nghĩa là cần lấy đầu. Một số nông dân chất phác ngây thơ kể rằng bà Năm rất tốt, nhân từ, hay đi chùa, làm việc thiện, có nhiều cán bộ chiến sĩ là con nuôi của bà. Những người này bị cố vấn Tàu và ông Đội Trưởng quê ở Nghệ An kết tội là tay sai, định bênh che, chạy tội cho địa chủ. Không khí ngột ngạt bắt đầu, sau bắt rễ xâu chuỗi, đến bước đấu tranh trực diện của nông dân, kể tội và luận tội về kinh tế và chính trị, chuẩn bị cho tòa án nhân dân với màn xử bắn”. (12)

Hoàng Quốc Việt là người từng được bà Nguyễn Thị Năm che chở, nuôi dưỡng đã tới báo cáo với Hồ Chí Minh và thuật lại: “Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu: “Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ và lại là người từng nuôi cán bộ Cộng Sản và mẹ một chính ủy trung đoàn Quân Đội Nhân Dân đang tại chức”. Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói ông Trường Chinh về chuyện hệ trọng và cấp bách này! Thế nhưng không có gì động đậy theo hướng đó cả”. (13)

Sau đó nạn nhân đã bị đưa ra xử bắn và “khắp đồng quê miền Bắc” diễn ra “những cuộc đấu tố kinh hoàng giai cấp “địa chủ” (mà phần lớn chỉ là phú nông hoặc trung nông lớp trên); vợ tố chồng, con tố cha, con dâu tố bố mẹ chồng, anh chị em đấu tố nhau…Họ đều được biểu dương là lập trường giai cấp vững chắc và dứt khoát, giác ngộ giai cấp sâu sắc, là những đảng viên trung kiên của Đảng, thấm nhuần tận xương tủy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, được nêu gương để toàn đảng học tập!…Hơn 10 ngàn người đã bị bắn trong các tòa án nhân dân vừa hừng hực khí thế kích động căm thù, vừa mù quáng kỳ quặc, một chiều theo kiểu a dua của đám đông – những cơn động kinh của đám đông cuồng tín ít học.(14)

Hoàng Văn Chí là người từng đứng trong hàng ngũ Việt Minh chống Pháp trước 1954 chia Cải Cách Ruộng Đất làm 2 đợt, đợt đầu gọi là “Giảm Tô”, mỗi xã trong khoảng 10 ngàn xã tại Bắc Việt phải chọn ra một địa chủ để hành quyết. Như vậy 10 ngàn chỉ là số nạn nhân của đợt đầu. Sang đợt 2, con số phải chết ở mỗi xã theo tiêu chuẩn đề ra tăng lên 5. Nếu cộng cả 2 đợt ít nhất phải có 60 ngàn người bị hành quyết tại chỗ. Nhưng theo Hoàng Văn Chí, “chính sách cô lập nổi tiếng từng phải chịu trách nhiệm về số người chết có lẽ 10 lần nhiều hơn số đã bị xử bởi các “tòa án nhân dân đặc biệt”. (15)

Sắc lệnh 149-SL qui định về chính sách ruộng đất và sắc lệnh 151-SL qui định về trừng trị địa chủ do Hồ Chí Minh ký ngày 12-4-1953 là thời gian đang tiến hành chiến dịch giảm tô mà ý nghĩa đã được diễn tả như sau: “Nhà Nước Việt Nam đã quyết định đưa đấu tranh phản phong tiến lên một bước mới, tiếp thu kinh nghiệm của Trung Quốc đã sử dụng bạo lực chính trị của quần chúng đấu tranh đòi địa chủ phải giảm tô, giảm tức.” (16)  Đây cũng là đợt thí điểm của Cải Cách Ruộng Đất.

Ngày 4-12-1953 các sắc lệnh trên được Quốc Hội thông qua và Hồ Chí Minh chính thức ban hành ngày 19-12-1953 nhân kỷ niệm Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến mở đầu cho các đợt chính thức của Cải Cách Ruộng Đất trên khắp miền Bắc.

Thực tế của việc sử dụng bạo lực chính trị quần chúng và con số nạn nhân tại một số địa phương từ ngày chính thức ban hành chính sách tới khi có quyết định sửa sai theo ghi nhận của tạp chí Nghiêu Cứu Lịch Sử số 267 tháng 4-1993 và nội san Cải Cách Ruộng Đất các số 10,11,14 xuất bản tại Hà Nội đầu năm 1956 như sau: “Ở đồng bằng Bắc Bộ trong số 2033 xã đã có 63,111 hộ bị qui là địa chủ nay sửa lại 31,844 không còn là địa chủ. Con số địa chủ chỉ có 31,269 hộ tức chiếm 2.2% trong tổng số hộ ở nông thôn. Ở một xã như xã Trường Vân Thanh Hóa chỉ có 11 địa chủ bị qui lên 65 tức 54 người bị tố oan, bị đấu tố, tù đầy và kể cả bị đánh chết. Trong số 2033 xã, số người bị qui kết là địa chủ lên tới 14,908 người sau đợt sửa sai chỉ còn 3,932 người tức tố sai 10,976 người…

Trong đấu tranh thoái tô, rất nhiều cán bộ dùng nhục hình: treo, đánh, bắt cởi quần áo đứng ngoài đêm rét… Đồng chí L. ở xã Đảng Cương bắt con địa chủ ra truy tố không được, bực quá ra lệnh cho anh em du kích trói chặt cánh khuỷu nó lại và treo lủng lẳng lên cành cây…

Ở xã Hồng Phong, T. bắt con địa chủ Thị Công truy tố. Đồng chí gọi đứa con nó mới 13 tuổi đến giải thích để phản hóa rồi cho nó về với mẹ nó không được. Đồng chí T. nổi giận cho trói đứa bé lại treo ngược lên xà nhà, kéo lên kéo xuống. Một mặt bắt mẹ nó quỳ xuống, dang hai tay ra, mỗi bên đeo một hòn đá nặng rồi đổ nước mắm vào mũi. Đồng chí tưởng nhục hình như thế là moi được tô nhưng rút cục chẳng ăn thua gì (17)

Theo Thành Tín tức cựu đại tá Cộng Sản Bùi Tín, Cải Cách Ruộng Đất gồm đợt thí điểm và 5 đợt tiếp nối, nhưng bắt đầu bước sang đợt 5 vào khoảng đầu năm 1956 thì phải ngưng, vì hậu quả có thể dẫn tới một tình thế bi đát khó lường đoán. Nguyễn Quang Ngọc trong Tiến trình lịch sử Việt Nam cũng cho biết Cải Cách Ruộng Đất gồm 5 đợt tiến hành trong 3653 xã, đã chia khoảng 334,100 ha ruộng đất cho khoảng 2 triệu hộ nông dân không có hoặc thiếu ruộng (18)
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:46 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong