HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 21*
 

ROBERT SHAPLEN và The Lost Revolution


Robert Shaplen (1917- 1988) là sử gia Mỹ chuyên về chiến tranh Việt Nam, được nhiều nhà phê bình văn học cho là một trong vài cây viết có uy tín nhất về vấn đề này. Trong số gần chục tác phẩm của ông có 2 cuốn về cuộc chiến Việt Nam, The Lost Revolution – Cuộc Cách Mạng Bị Bỏ Lỡ The Road From War – Con Đường Từ Chiến Tranh. Ông đến miền Nam Việt Nam từ 1962 với tư cách phóng viên của tờ The New Yorker tại Á châu.

The Road From War (1) gồm 22 bài viết cho tờ The New Yorker từ tháng 3-1965 đến tháng 1-1970 trong đó có hai chục bài viết từ Sài Gòn và hai bài viết từ Paris, nói về tình hình rối reng tại Sài Gòn trong những năm sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết, về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Việt và cách thức các giới chức giới quân sự cũng như dân sự Mỹ, Việt đối phó với cuộc xâm lăng của Cộng quân.

Tác giả đưa ra rất nhiều tài liệu  giá trị, kể cả những hình ảnh sinh động phức tạp của một cuộc chiến mà tác giả không tán thành. Nhưng tác phẩm này gần như không đề cập đến nhân vật Hồ Chí Minh.

Trong The Lost Revolution, (2) tác giả trách Tây phương, nhất là Pháp và Mỹ, đã đánh mất một cơ hội cho nhân dân Việt Nam đạt được cuộc cách mạng mà Mỹ và Pháp là hai nước đi tiên phong để gợi hứng cho các dân tộc trên thế giới noi theo. Tác phẩm gồm 12 chương dày 404 trang này bàn về cuộc chiến  của Pháp (1946-1954) và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1954-1965).

Tuy trách cả Pháp lẫn Mỹ, nhưng là người Mỹ được tiếp xúc nhiều với các nhân vật Mỹ và có cơ hội nhìn vấn đề theo nhãn quan người Mỹ, tác giả dành tới ba trăm trang để bàn về những biến cố chính trị tại miền Nam và hoạt động của các giới chức Mỹ.

Ba chương đầu gồm 100 trang nói lên chủ ý của tác giả là Mỹ bỏ lỡ cơ hội nắm lấy nhân vật Hồ Chí Minh, trong khi ông này rất có thể trở thành một thứ Tito, ngay vào lúc chưa ai nói đến chủ nghĩa Tito (3) cho nên đã sa lầy ở chiến trường Việt Nam. Ngay đoạn mở đầu, tác giả trách chính phủ Mỹ đã quên lời hứa trong thế chiến là sẽ giúp các dân tộc thuộc địa dành độc lập.

Tác giả viết: “Tôi chia xẻ niềm tin của nhiều nhà quan sát lúc ấy ở Đông Dương rằng Pháp và Mỹ, nhất là những nhà làm chính sách ở Paris, đã sai lầm lớn khi không thương lượng với Hồ Chí Minh một cách thực tiễn hơn trong những năm 45-46 là lúc ông ta rất có thể đã được biến thành Tito (Titofied), ngay trước khi chưa nghe ai nói đến Tito hay “chủ nghĩa Tito” (Titoism); và như vậy một loạt biến cố đã có thể khác đi và đã tránh được nhiều máu đổ; và ngày nay đã có được một nước Việt Nam thống nhất; ngay cả nếu nó bị lãnh đạo bởi phe tả, thì vẫn trở thành bức tường ngăn chặn của khối quốc gia trung lập ở Đông Nam Á là những nước đang muốn tránh bị Trung Cộng thống trị.(4)

Nói cách khác, tác giả cho rằng đáng lẽ Việt Nam đã có thể trở thành một thứ Nam Tư ở Đông Nam Á. Để chứng minh, tác giả nêu ý kiến của một số chứng nhân là những người Mỹ từng có dịp tiếp xúc với Hồ Chí Minh vào thời điểm đó. Những người này đều nói Hồ Chí Minh dịu dàng dễ thương. Một chàng trung úy mà tác giả tạm gọi là John đã viết: “Ông (Hồ) là người dịu ngọt kinh khủng. Nếu tôi có thể nêu một đức tính của con người đó thì phải nói đó là sự nhã nhặn, dịu dàng.” (5)

Nhưng liền sau đó, tác giả lại trưng dẫn nguyên văn bức thư của Hồ Chí Minh viết cho John, trong đó tố cáo đảng Đại Việt đang có kế hoạch đại khủng bố người Pháp.

Bức thư này rõ ràng chứng tỏ Hồ Chí Minh không phải con người dịu dàng dễ thương như lời mô tả mà ngược lại, là một người đầy thủ đoạn hiểm ác muốn lợi dụng người Mỹ cho một mưu toan riêng của mình. Tuy nhiên, tác giả không lưu tâm tới khía cạnh này có lẽ vì quá bị lôi cuốn bởi những lời lẽ ngọt ngào mở đầu lá thư:

“Bạn John thân mến,

Tôi cảm thấy yếu hơn từ khi anh ra đi. Có lẽ tôi cần phải theo lời anh khuyên – rời đi một nơi nào khác để dễ kiếm thức ăn cho sức khỏe khá hơn...

Tôi gửi anh một chai rượu vang, hy vọng anh thích nó. Hãy làm ơn cho tôi biết tin tức nước ngoài mà anh có... Hãy làm ơn gửi cho bộ chỉ huy của anh 2 bức điện sau đây:

1–Đảng Đại Việt đang có kế hoạch đại khủng bố người Pháp để đổ cho Việt Minh chúng tôi làm. Nhưng Việt Minh đã ra lệnh cho 2 triệu đoàn viên và tất cả dân chúng dưới quyền hãy canh chừng và ngăn chặn đảng Đại Việt không cho chúng tiến hành kế hoạch gây tội ác này khi nào có thể và nếu có thể được. Việt Minh tuyên bố trước thế giới mục đích của mình là giành độc lập cho tổ quốc. Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng các phương tiện chính trị và nếu cần bằng quân sự. Nhưng sẽ không bao giờ dùng tới hành động tội ác và bất lương.

Ký tên: Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc của Việt Minh

2– (....)

Ký tên như trên.

Xin cám ơn anh về việc rắc rối tôi nhờ anh làm.... gửi anh lời chào tạm biệt.

Thân mến,

(ký tên) HOO (sic)”

Tiếp tục ý nghĩ Hồ Chí Minh có thể cắt đứt tương quan với Quốc Tế Cộng Sản như Tito, tác giả kể chuyện Hồ Chí Minh đang ở trong tù đã viết thư cho tướng Trương Phát Khuê, Tư Lệnh Đệ Tứ Chiến Khu Quốc Dân Đảng Trung Hoa, hứa nếu được thả sẽ tổ chức mạng lưới tình báo ở Đông Dương để hoạt động cho Trương. Tác giả bảo vì lý do này mà Trương hạ lệnh phóng thích Hồ Chí Minh. (6)

Hãy khoan nói về việc Hồ Chí Minh có thành tâm trong khi hứa hẹn hay không mà chỉ nói riêng về lý do giúp Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù lúc ấy. Sự thực không đơn giản như xác quyết của Robert Shaplen, vì nếu không có sự can thiệp và bảo lãnh của một tổ chức tranh đấu của người Việt quốc gia được thành lập ở Nam Kinh thì chưa chắc Trương Phát Khuê đã cho Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù.

Trong The Lost Revolution, ngoài nhân vật John, tác giả còn nhắc đến đại tá Paul E. Helliwell, trưởng lưới tình báo Mỹ OSS và tướng không quân Mỹ Claire Chennault cũng từng gặp Hồ Chí Minh. Helliwell đã tặng Hồ Chí Minh sáu khẩu súng ngắn và một quân nhân Mỹ khác từng sống với Hồ Chí Minh ở chiến khu đã ngỏ lời khen như sau: “Lúc này Hồ đang giúp chúng tôi ở trên bộ. Chúng tôi và người Pháp tính sẽ giúp ông ta trong tương lai. Tôi nghĩ ông ta sẵn sàng đứng về phe Tây phương.” (7)

Nhưng, các giới chức Mỹ bỏ qua cơ hội này nên Hồ Chí Minh phải dựa vào Trung Cộng và do đó không những không trở thành Tito mà còn trở thành kẻ kịch liệt đả kích Tito. Tác giả ghi lại “đài phát thanh của ông ta ở trong rừng hết lời nguyền rủa Titô, vì ông này phản Liên Xô, đi với Mỹ để lấy đôla ” theo cách gợi ý như Hồ Chí Minh không còn chọn lựa nào khác. (8)

Trong chương cuối, tác giả cho rằng Mỹ đã tiếp cận vấn đề Việt Nam một cách tiêu cực, muốn bảo vệ những tự do cho dân Việt Nam mà thực ra ở đó có tự do đâu mà bảo vệ. Theo tác giả, miền Nam dưới quyền những nhà độc tài từ Ngô Đình Diệm trở xuống, làm gì có tự do, cho nên “... có thể nói, cách mạng đã bị mất ở vịnh Hạ Long, năm 1947-1948 khi thỏa hiệp không thỏa đáng đầu tiên được ký kết giữa Pháp và hoàng đế Bảo Đại.” (9)

Tuy vậy, theo Robert Shaplen, trong 6 năm đầu chính quyền miền Nam cũng đạt được nhiều thành tựu. Tác giả đánh giá Ngô Đình Diệm là người duy nhất trong số các lãnh tụ quốc gia có khả năng đương đầu với Hồ Chí Minh và kể lại một số hoạt động của nhân vật này (10).

Tác giả cũng ghi lại một chi tiết ít được nhắc tới trong các cuộc phân tích về tình hình Việt Nam thuở đó là ban đầu cả Mỹ lẫn Pháp đều không muốn trao quyền cho Ngô Đình Diệm nên không thể nói “Mỹ bồng ông Diệm đặt vào chức thủ tướng ”, như một số người từng phát biểu.

Theo tác giả, tướng Collins, đại diện của tổng thống Mỹ Eisenhower bên cạnh Ngô Đình Diệm đã chưng hửng khi thấy Ngô Đình Diệm, đơn thương độc mã ổn định miền Nam trong những tháng đầu, khiến Mỹ phải bỏ ý định đưa bác sĩ Phan Huy Quát lên làm thủ tướng để biến Ngô Đình Diệm thành thứ quốc trưởng vô quyền như chính tướng Collins miễn cưỡng đề nghị theo tinh thần dàn hòa để lấy một quyết định trung dung thay vì loại bỏ hẳn Ngô Đình Diệm do đã coi thường những khuyến cáo và cố vấn của tướng Collins (11)

Nhưng tác giả vẫn nghĩ là do ủng hộ những người như Bảo Đại,  Ngô Đình Diệm và xua đuổi Hồ Chí Minh nên Mỹ mới sa lầy và làm mất một cuộc cách mạng cho nhân dân Việt Nam.

Quan điểm của Robert Shaplen được rất nhiều nhà báo và sử gia lập lại và trở thành một xác quyết Hồ Chí Minh đã có thể là đồng minh của Mỹ nếu chính giới Mỹ hồi đó không xoay lưng lại. Việc phải bám vào Liên Xô, Trung Cộng hoàn toàn không do ý muốn của Hồ Chí Minh mà chỉ do những thúc đẩy của tình thế khiến không còn chọn lựa nào khác. Xác quyết này có phản ảnh chính xác thực tế tình hình Việt Nam và con người Hồ Chí Minh không?  Nếu không do thiên kiến thì câu trả lời chỉ có thể là một câu phủ định. Tuy nhiên, vấn đề vẫn cần được thẩm định kỹ hơn qua sự phân tích thấu đáo về cái chất Tito của Hồ Chí Minh mà Robert Shaplen luôn tin là có.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 21

(01)  Harper & Row, New York, 1965

(02)  Harper & Row, New York, 1970

(03)  Vì Tito chỉ trở thành “Tito” và do đó xuất hiện “chủ nghĩa Tito” vào năm 1948 là năm Tito đưa nước CS Nam tư của ông ly khai khỏi Liên Xô và “Phòng Thông Tin Quốc Tế CS” (tức Cominform, thối thân của Comintern).

(04)-(05)-(06)-(07)-(08)-(09)-(11) SĐD  tr.28, 29, 32, 35, 53, 38, 71, 21- 122

(10)  SĐD tr. 111: “Năm 1947 ông (Diệm) đã cố gắng khởi sự thành lập một chính đảng gọi là Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc nhắm mục đích đi đến một thể chế tự trị (dominion) trong Liên Hiệp Pháp, tương tự như các nước trong khối Thịnh Vượng Chung của Anh. Đảng này có một tờ báo hàng ngay ở Sài Gòn và một tờ ở Hànội. Chủ bút tờ Hànội bị bắt giam, chủ bút tờ Sài Gòn bị ám sát, sau đó cả hai tờ bị Pháp đóng cửa.”

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:12 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong