HỒ CHÍ MINH - Nhận Định Tổng Hợp

* Chương 03*
 

PIERRE BROCHEUX và Hồ Chí Minh


Tác phẩm về Hồ Chí Minh của Pierre Brocheux, chuyên gia Pháp về các vấn đề Đông Dương, mang tựa đề Hồ Chí Minh do Presses de Sciences PO xuất bản tháng 5-2000. So với tác phẩm của Jean Lacouture (1970), David Halberstam (1971), Nguyễn Khắc Huyên (1971) Wilfred Burchett (1972), Paul Mus (1972)… và của Daniel Hemery (1990) rồi William J. Duiker (2000) là những tác giả nổi tiếng về tiểu sử Hồ Chí Minh thì đây là tác phẩm tương đối mới, không những về thời gian phát hành mà cả về cách nhìn. Đặc biệt trong phần thư mục, tác giả đã nêu tên hoặc tác phẩm của một số nhân vật Việt Nam thuộc phía quốc gia tại hải ngoại như các giáo sư  Lê Hữu Mục, Tôn Thất Thiện, Nguyễn Khắc Huyên, Bùi Xuân Quang… Giáo sư Bùi Xuân Quang còn được nêu trong số 10 người được tác giả ghi ơn vì đã giúp ông hoàn thành tác phẩm. Tác giả cho biết đã đọc tác phẩm Hồ Chí Minh, a life của W. J. Duiker, khi còn là bản thảo (1). Như thế, có thể bảo Brocheux đã hoàn thành cuốn Hồ Chí Minh với cả tài liệu, ý kiến và kinh nghiệm của Duiker.

Khi cả hai cuốn sách cùng ra trong năm 2000, bà Judy Stow, nhà bỉnh bút của đài BBC, đã so sánh và cho rằng Pierre Brocheux cân nhắc, thận trọng hơn, nêu lên được nhiều nghi vấn không thấy trong tác phẩm của Duiker. Theo Judy Stow, Duiker vẫn nhìn Hồ Chí Minh theo cái nhìn cũ dù nhiều tài liệu mật về cộng sản thế giới đã được bạch hóa do tình hình thay đổi. Riêng Brocheux tỏ ra thận trọng khi đặt mọi giá trị nhận định trên hai yếu tố thời gian và thực giả đan xen của những sự kiện. Về thời gian, Brocheux cho rằng chưa đủ mức để những xúc động thời thế lắng xuống hầu đạt tới cái nhìn thật chính xác về một nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh. Cũng từ yếu tố thời gian này nên chưa thể phân biệt rạch ròi giữa chính sử với huyền thoại vốn luôn luôn đan xen, chồng chéo trên nhân vật Hồ Chí Minh.

Sách gồm 18 chương gom vào 2 phần chính.

Chương 1, phần I, tác giả dành thuật lại những gì Hồ Chí Minh viết về mình dưới bút hiệu Trần Zân Tiên (2) và T.Lan trong hai cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch Vừa đi đường vừa kể chuyện. Đây là điểm khác biệt hẳn so với các tác phẩm viết về Hồ Chí Minh đã xuất bản. Trong các tác phẩm này, không tác giả nào dành hẳn một chương để nói về những điều mà Hồ Chí Minh tự viết về chính mình.

Brocheux không chỉ đề cập tới cuốn sách do Hồ Chí Minh dùng bút hiệu khác để tô điểm cho mình mà còn nhìn cung cách lưu tâm của Hồ Chí Minh dành cho cuốn sách  như một sự kiện cần lưu ý. Theo Brocheux, vào năm 1948, Hồ Chí Minh đã có bản dịch Pháp ngữ cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch trao cho một nhân viên phụ trách phòng thông tin Cộng Sản Việt Nam ở Ngưỡng Quang, Miến Điện, tên Hoàng Nguyên, chỉ thị cho nhân vật này tìm người dịch ra Anh ngữ và sau này ra nhiều thứ tiếng khác.

Tác giả cho rằng chủ đích của Hồ Chí Minh đặt vào hai cuốn sách này là khiến cho người dân yêu mến lãnh tụ và vững tin vào chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản. Chủ đích thứ nhất nằm trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch còn cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện dành cho chủ đích thứ hai.

Tác giả trích dẫn từ cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch: "Đàng khác ông (Hồ) yêu trẻ con và chúng yêu ông. Lòng hiếu thảo được chia sẻ: "Nhân dân gọi Hồ chủ tịch là "Cha Già của dân tộc”. (3) Tác giả chỉ trích dẫn mà không bình luận. Tuy nhiên, câu trích dẫn trên từ bản dịch Pháp ngữ khó thể có tác động làm nẩy ra những ý nghĩ về Hồ Chí Minh so với cái đoạn nguyên tác tiếng Việt mà chính Hồ Chí Minh đã viết như sau:

“Mọi người kính mến Hồ Chủ Tịch, nhất là thanh niên và nhi đồng. Ở ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: “Vì Tổ Quốc và vì Bác Hồ, tiến lên!”  Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng, tên Bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn.

Về Hồ Chủ Tịch, còn nhiều chuyện khác, viết thành nhiều quyển sách nhỏ, làm thành những bài hát, bài thơ. Một vài chuyện nhỏ kể dưới đây cũng đủ tỏ lòng kính mến của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ.

Một bức ảnh nhỏ của Người ở Hà Nội có đồng bào mua tới giá một trăm ba mươi vạn đồng. Ở Nam Bộ, một chiến sĩ du kích họa sĩ bị thương ở chiến trường, trong khi chờ đợi cứu thương đến, đã lấy máu mình vẽ lên áo ảnh Hồ Chủ Tịch. Hội Phụ Nữ Cứu Quốc gửi tặng Hồ Chủ Tịch một bộ áo lụa. Hồ Chủ Tịch tặng anh em thương binh bộ áo này. Ban Tổ Chức Giúp Đỡ Thương Binh đem bán đấu giá bộ áo này, thu được bốn mươi sáu vạn bảy nghìn đồng. Nhưng rất nhiều đoàn thể nhân dân từ Nam đến Bắc yêu cầu kéo dài thời hạn bán đấu giá, mong mua được bộ áo ấy với giá đắt hơn.

Những chuyện như trên còn nhiều, kể không hết được. Thanh niên, nhi đồng các nước bạn cũng thường gửi thư thăm hỏi Bác Hồ. Nhân dân gọi Chủ Tịch là Cha Già của dân tộc, vì Hồ Chủ Tịch là người con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam”. (4)

Giả dụ mọi chuyện ghi trên không hề bịa đặt thì khi nghe một người khác kể lại về mình như vậy, một người thành thực và khiêm cung hẳn khó tránh áy náy về sự tâng bốc mà mình nhận được. Nhưng đây lại là những dòng chữ do một người mượn tên khác để tâng bốc bản thân trước quần chúng thì con người đó sẽ được nhìn ra sao? Brocheux không bình luận có lẽ vì thấy chẳng cần bình luận và cũng có thể vì chưa dứt khoát theo một cách đánh giá nào đó.

Riêng người đọc có thể thấy cái danh hiệu tôn sùng Cha Già Dân Tộc đã do Hồ Chí Minh đưa ra gợi ý rất sớm (5) rồi sau này thành mệnh lệnh cho đàn em tôn sùng và truyền bá sự tôn sùng đó trong quần chúng. Nhưng nếu Brocheux có thể im lặng không đưa ra một bình luận nào thì nhà báo Mỹ David Halberstam hẳn phải nghĩ về một nhận định từng nêu ra trong tác phẩm viết về tiểu sử Hồ Chí Minh với tựa đề Ho. Halberstam từng quả quyết: "Titô, Stalin, Khrutschev, Mao Trạch Đông... hết thẩy đều mắc bệnh tôn sùng cá nhân. Riêng Hồ Chí Minh thì không”! (6)

Thật khó hình dung nổi một người không hề mắc bệnh tôn sùng cá nhân mà lại muốn người dân khắp nước gọi mình là Cha già dân tộc, muốn những chiến binh đang quằn quại với thương tích giữa mặt trận nghĩ ngay tới việc lấy máu để vẽ hình ảnh mình, muốn đặt mình ngang với tổ quốc qua cái khẩu hiệu tự chế “Vì Tổ Quốc và vì Bác Hồ Tiến lên !”....

Trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện, Hồ Chí Minh dành một số trang nói về sự tàn ác của Đức Quốc Xã, về những khó khăn trở ngại của Liên Xô và Trung Cộng trong cuộc chiến chống kẻ thù, nhưng cuối cùng bao giờ Cộng Sản cũng chiến thắng. Brocheux cho rằng Hồ Chí Minh nhắc lại những chuyện này để khuyên nhân dân Việt Nam nuôi chí quyết thắng và cũng là cách in vào tâm trí nhân dân sự tin tưởng chắc chắn rằng cuối cùng chủ nghĩa cộng sản vẫn toàn thắng. Ông Hồ kết thúc cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện bằng câu: Chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ là một thực tại trên toàn thế giới: điều đó cũng sáng tỏ và chắc chắn như mặt trời mọc ở hướng Đông. (7)

Đoạn này trong tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện bản tiếng Việt do Hồ Chí Minh viết như sau:

“Những câu chuyện trên đây Bác vừa đi đường vừa kể. Tối đến chỗ nghỉ, chúng tôi nhớ được chừng nào ghi lại chừng nấy. Từ những câu chuyện đó, chúng tôi càng thấy rõ:

– Một là lực lượng của Mỹ-Tưởng mạnh như thế (hơn 8 triệu quân) mà cũng bị giải phóng quân đánh tan; phát xít Đức-Ý-Nhật hung dữ như thế mà cũng bị hồng quân Liên Xô tiêu diệt.

– Hai là, phe đế quốc chủ nghĩa ngày càng suy sụp, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh.

– Ba là, trước đây phát xít Đức đã hết sức dùng mọi cách hung ác trong âm mưu chống Cộng, kết quả chúng đã thất bại một cách tồi tàn. Ngày nay, đế quốc Mỹ đang đi theo vết xe chống Cộng của Hitle, chắc chắn rằng số phận của đế quốc Mỹ cũng sẽ kết thúc một cách thảm hại như số phận của Hitle.

– Bốn là, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thực hiện khắp thế giới: Điều đó cũng rõ rệt và chắc chắn như mặt trời mọc từ phương Đông”. (8)

Lưu tâm đặc biệt tới hai cuốn sách này, Brocheux tỏ ra thận trọng và phân tích sự việc tương đối khách quan hơn Duiker trong việc xác định xu hướng lý tưởng của Hồ Chí Minh. Brocheux không bị chìm ngập giữa khối lượng tài liệu để lâm cảnh cây che mất rừng và lẫn lộn giữa thuật chuyện với phân tích sự việc (9) như cảnh Duiker vướng phải và Borcheux đã nhận ra, khi đọc bản thảo của tác giả này.

Brocheux còn dành thêm 2 chương khác dẫn những ý kiến ngược chiều về Hồ Chí Minh. Qua 2 chương này, Brocheux có vẻ muốn chứng tỏ sự vô tư trong khi nhận định bằng cách đối diện với cả lời khen lẫn tiếng chê. Nếu trước mắt Brocheux đã hiện ra một Hồ Chí Minh trong vóc dáng của nhà hiền triết, nhà ngoại giao lỗi lạc... qua diễn tả của các đồng chí, các thủ hạ, thì Hồ Chí Minh cũng hiện ra trong vóc dáng một kẻ đạo văn, kẻ chuyên đóng kịch... qua diễn tả của phía chống đối.

Nhưng Brocheux không hoàn toàn khách quan như muốn chứng tỏ qua cách thức cân nhắc các tài liệu được vận dụng, chính xác hơn là cách thức cân nhắc những tài liệu thuộc phía chống đối. Tuy dành hẳn một chương cho những tài liệu này, Brocheux đã đọc tài liệu trong sự bán tín bán nghi và  thường ngả theo xu hướng sẵn sàng bác bỏ hoặc đẩy sự việc về một phía nào đó không liên quan tới đối tượng đang hiện ra trước mắt. Chẳng hạn Brocheux đã hai lần nhắc đến Hoàng Văn Hoan nhưng chỉ nhắc để nói về việc Hoàng Văn Hoan kết tội Lê Duẩn, rồi kết luận đó là sự thanh toán một món nợ giữa hai cá nhân Hoan – Duẩn mà thôi. Tất nhiên trên căn bản đó, mọi phát biểu của Hoàng Văn Hoan trở thành không đáng tin dù qua những phát biểu này, người đọc có thể nhận diện chính xác Hồ Chí Minh với những sự việc diễn ra liên tục nhiều năm từ thuở Hồ Chí Minh trà trộn giữa hàng ngũ những người cách mạng Việt Nam tại Hoa Nam trước 1945.

Ngay cả khi trưng dẫn Bảo Đại và Vũ Thư Hiên để nói về chuyện Hồ Chí Minh đóng kịch, Brocheux cũng tỏ ra không tin đó là những lời nói thật. Thậm chí khi trích lời Vũ Đình Hùynh do Vũ Thư Hiên ghi lại trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày, Brocheux vẫn dè dặt viết thêm “Nếu người ta chấp nhận lời chứng của Vũ Đình Huỳnh ... – Si l'on accepte le témoignage de Vũ Đình Huỳnh…” (10)

Tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày với độ dày bảy trăm trang chứa đựng rất nhiều sự kiện phản ảnh cái nhìn về Hồ Chí Minh của nhiều thành phần khác nhau ngay tại miền Bắc Việt Nam đều không được Brocheux nhắc tới, kể cả những vụ án chính trị tàn khốc như vụ tướng Lê Liêm bị Hồ Chí Minh hứa hỗ trợ rồi bỏ mặc cho thủ hạ trấn áp và chuyện Phó chủ tịch Quốc Hội Dương Bạch Mai bị đầu độc do chống lại nghị quyết 9 thúc đẩy đưa quân xâm nhập miền Nam...

Brocheux còn bỏ quên nhiều tác phẩm chứa đựng các sự việc phản ảnh con người Hồ Chí Minh của nhiều tác giả chống đối hay Cộng Sản ly khai như  Kiều Phong, Việt Thường, Hoàng Văn Chí, Hoàng Quốc Kỳ... Vì vậy, chỉ riêng cái tài đóng kịch của Hồ Chí Minh đã khiến Brocheux băn khoăn bán tín bán nghi dù có thể khẳng định đóng kịch đã trở thành bản tính tự nhiên – une seconde nature – do là thói quen lâu năm của ông Hồ.

Cảm tưởng rõ rệt của người đọc khi gấp cuốn sách lại là Brocheux chỉ nhìn vào tài liệu sách vở mà không nhìn vào các sự kiện lịch sử Việt Nam trong thời gian Hồ Chí Minh nắm quyền như thanh toán người đối lập, kể cả người chung lý tưởng cộng sản – phe đệ Tứ Quốc Tế –, ban hành chính sách cải cách ruộng đất, mở chiến dịch Tết Mậu Thân 1968  tổng tấn công miền Nam với những thảm cảnh tàn phá chết chóc trong đó có 3000 thường dân gồm cả các nhà văn hóa, từ thiện ngoại quốc bị giết hoặc chôn sống trong mồ tập thể ở Huế ....

Brocheux cũng không bày tỏ một ý nghĩ gì về tiếng than oán cất lên liên tục nhiều năm qua của người dân Việt Nam và những hành động quyết liệt xa lánh cái chế độ mà Hồ Chí Minh đã dựng lên trên đất nước Việt Nam bằng xương máu của hàng triệu người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ...

Khuôn bó cái nhìn trong giới hạn những tài liệu sách vở với định kiến nghi ngờ các tiếng nói chống đối nên trước mắt Brocheux, Hồ Chí Minh vẫn hiện ra như thần tượng của người dân Việt Nam. Dường như việc Hồ Chí Minh là con người tham vọng đến mức giả dối, tàn ác vẫn là điều khó hiểu và vì thế là điều khó tin đối với không ít người cầm bút Tây Phương.

Cho nên, tuy không xác quyết Hồ Chí Minh là người quốc gia yêu nước nhất như Jean Lacouture, không xác quyết Hồ Chí Minh là người đấu tranh mạnh mẽ cho những người cùng khổ trên thế giới như Duiker, nhưng Brocheux vẫn hết sức dè dặt trong nhận định về con người Hồ Chí Minh.

Thái độ dè dặt này thể hiện ngay trong việc Brocheux trưng dẫn tài liệu về một giai đoạn hoạt động của Hồ Chí Minh từ cuốn sách mà Hồ Chí Minh tự viết về mình dưới bút hiệu Trần Zân Tiên và cuốn sách của sử gia Cộng Sản Việt Nam là đại tá Hồng Hà, Bác Hồ trên đất nước Lê-Nin. Đó là giai đoạn Hồ Chí Minh sống tại Quảng Đông năm 1925 mà Brocheux ghi lại giống như tài liệu của Hồng Hà. Trong trường hợp này, sự giả dối và đóng kịch không còn do người khác kể vì hiện hình bằng chính việc làm của Hồ Chí Minh mà Brocheux đã gạt qua do có thể coi như lời nói không đáng tin, cụ thể là nói dối. Tuy vậy, Brocheux không hề nêu chỉ một dấu hỏi về sự được tôn sùng của Hồ Chí Minh trong dân chúng Việt Nam.

Dầu sao thì đặt bên cạnh Duiker hoặc nhiều tác giả khác, Brocheux đã thận trọng và phân tích sự việc tương đối khách quan hơn, đặc biệt về xu hướng lý tưởng của Hồ Chí Minh. Với Brocheux, màu sắc quốc gia yêu nước của Hồ Chí Minh có vẻ nhòa nhạt hơn trong khi niềm tin của Hồ Chí Minh đặt vào chủ nghĩa Cộng Sản hiện ra khá đậm đà, nhất là qua những đoạn trích từ tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện với lời quả quyết chủ nghĩa cộng sản toàn thắng là thực tại như mặt trời lúc nào cũng mọc ở hướng Đông.

Hiện nay, giá trị của lời quả quyết kia là điều không còn ai cần bàn tới, nhưng chẳng lẽ cũng không cần nhắc tới thực tế này, khi đánh giá về con người và sự nghiệp của kẻ đã nỗ lực chạy theo ảo tưởng bằng không biết bao nhiêu xương máu và đau khổ của người dân?

Tóm lại, hình ảnh nhân vật Hồ Chí Minh qua tác phẩm của Brocheux tuy bớt nhiều nét tô vẽ thiên lệch, nhưng chưa vượt khỏi mức hạn chế đó. Lý do chủ yếu có lẽ như Brocheux đã nêu ra, thời gian chưa đủ dài cho các xúc động thời thế lắng xuống để những người làm công việc chép sử có đủ tỉnh táo phá vỡ tình trạng đan xen chồng chéo giữa huyền thoại với chính sử, và vì thế, sự thực vẫn chìm khuất trong khói mù gian trá.

Như vậy, dù đã có thêm tác phẩm của Brocheux, người đọc vẫn phải tiếp tục hy vọng vào thời gian để chờ tới một ngày nào đó trong tương lai, nếu muốn được nhìn rõ bộ mặt thực của nhân vật Hồ Chí Minh.
 

CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 03

(01)  Tác phẩm này phát hành năm 2000, nhưng không đề tháng còn cuốn của Brocheux ghi rõ ra vào tháng 5-2000.

(02)  Tác giả giữ nguyên chữ “Z” theo lối viết của Hồ Chí Minh thay cho chữ “D” trong tiếng Việt.

(03)  Những mẩu chuyện về đời ... - bản Pháp văn,  tr. 149

(04)  Những mẩu chuyện về đời … - bản Việt văn,  tr. 165-166

(05)  Sách viết xong đầu năm 1948, ít nhất phải khởi sự  từ 1947.

(06)  Ho, D. Halberstam,  Nxb Random House, NY, 1971, tr. 16.

(07)-(09)-(10) SĐD  tr. 90, 75,  59

(08)  Vừa đi đường vừa kể chuyện – bản Việt văn,  tr. 97
 

Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 12:40 PM EST
 

www.geocities.ws/xoathantuong