“Hồ học tinh hoa”: cần phải kiểm toán ngành “Hồ Chí Minh học”

Lê Trọng Hiệp
 

Ngày 19 tháng Năm được “phong” là ngày sinh của lãnh tụ Hồ Chí Minh và năm nay nó không chỉ diễn ra như ngày “lễ lớn” bình thường [1].

Ngành ngành đồng loạt tổ chức hội nghị “sơ kết” một năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trước đó một ngày, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị sơ kết toàn quốc, do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ trì.

Nhưng cần nhắc lại: Năm 2010 phong trào “học tập bác” đã sản xuất một “điển hình tiên tiến” là Hồ Xuân Mãn, bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2000 - 2010, tức từng là sếp của Đinh La Thăng (phó bí thư từ 2003 - 2005), một nhân vật chỉ có thể dùng chữ “tởm” để tả. Năm 2005 Mãn bị một thiếu nữ chạy bàn đáng tuổi con mình bợp tai giữa nhà hàng vì sàm sỡ cô, sau đó cậy quyền buộc nhà hàng phải đuổi việc cô, đến năm 2010 Mãn còn được phong “anh hùng lực lượng vũ trang” và là “điển hình tiên tiến” của phong trào noi gương bác. Nhưng đến năm 2014 thì Mãn bị tước danh hiệu anh hùng vì đã khai man chiến công.

Còn có bao nhiêu “điển hình tiên tiến” tương tự chưa bị lộ”? Xem ra những hội nghị trên chỉ toàn những trò báo cáo láo, tốt nước sơn hơn tốt gỗ, chỉ mất thì giờ và tốn tiền bạc của dân. Nhưng quan trọng hơn là tự thân “tấm gương” mà toàn đảng toàn dân phải học và noi theo: cho đến nay nó vẫn chưa thực sự hoàn hảo và nhất quán. Dù ta đã khai sinh ra một ngành gọi là “Hồ Chí Minh học” hẳn hoi, đã đào tạo không ít thạc sĩ và tiến sĩ Hồ Chí Minh học nhưng “đối tượng” của ngành vẫn tràn đầy mâu thuẫn. [2]

Nếu người xưa có sách “Cổ học tinh hoa” thì ngày nay có lẽ đảng ta cũng nên tính đến chuyện soạn một giáo trình “Hồ Chí Minh học tinh hoa” mà ý hướng chính đã thể hiện trong câu chuyện “Mâu Thuẫn’trong sách xưa:

Có người nước Sở làm nghề bán mâu, vừa bán thuẫn.

Ai hỏi mua thuẫn, thì anh ta khoe rằng: “Thuẫn này thật chắc, không gì đâm thủng.”

Ai hỏi mua mâu, thì anh ta khoe rằng: “Mâu này thật sắc, gì đâm cũng thủng.”

Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác, thì thế nào?”

Anh ta không đáp ra làm sao được.

(Hàn Phi Tử)

Lời Bàn:

Ôi! một cái chắc, đâm không thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: “Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang.” Đến lúc có người bẻ: “Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?” thì tắc khẩu mà đành vác tượng về nhà.

“Thế bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác, thì thế nào?” Ngày xưa người nước Sở nọ “không đáp ra làm sao được” thì ngày nay bác, sống khôn thác thiêng, cũng lâm vào cảnh khó tương tự, không tài nào đáp được! Ngày nay những kẻ nhiễu sự có thể đến lăng bác, mang những câu chuyện kể để chứng minh cho nhân cách và tài năng - trí tuệ của bác và lập lại nguyên văn câu hỏi trên, có lẽ bác phải tìm cách đánh trống lảng.

Thay vì tốn thì giờ cho những hội nghị sơ kết vô bổ nói trên, thay vì dàn quân để vu khống những người đấu tranh đòi quyền sống trong vụ Formosa, Ban Tuyên Giáo cần kiểm toán lại những câu chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về bác.

Có làm như vậy thì những người thực tâm muốn học và noi gương bác khỏi rối trí khi phát hiện mâu thuẫn.

Đầu tiên là: Bác có tâm hồn Việt hay tâm hồn Tàu?

Việt hay Tàu?

Ngày 16.2.2010 báo Dân Sinh của Bộ Lao Động Thương binh Xã hội đăng bài “Chuyện kể rằng, trước lúc Người đi xa...” của Đức Thọ:

“Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa/... Bác muốn nghe một câu hò Huế/ bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền,/Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ,/bởi làng Sen day dứt trong tim.../Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca,/trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời./Người muốn đem tận vô cùng,/bài ca đất nước... theo Bác đến mênh mông...”.

Lời trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn cũng chính là mong muốn của Bác “trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời”. Người chỉ có một ước nguyện: Mang theo âm hưởng của câu hát dân ca vào cõi bất tử. Rằng tình yêu Tổ quốc trước hết được bắt nguồn từ tình yêu tha thiết khúc hát dân ca.....”

Sau đó tác giả dẫn lại hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của bác, cho biết sáng ngày 2/9/1969 bác đã ngất rồi tỉnh lại ba lần, lần thứ nhất bác hỏi “Trong các chú có ai biết hò Huế không?”, lần thứ hai hỏi “Trong các chú ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh được không? “và lần thứ ba thì muốn nghe “một câu dân ca quan họ Bắc Ninh”.

Tác giả viết:

“Lần này, thật may mắn, cô y tá Viện Quân y 108, Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác thưa: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Trong nỗi xúc động nghẹn ngào, cô cất lên lời hát: “Người ơi, người ở đừng về…”. Cả căn phòng lặng yên, xao động trong nước mắt và Người đã thanh thản ra đi trong âm hưởng của câu dân ca ngọt ngào, sâu lắng ấy.

Câu chuyện giản dị, sâu sắc làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Bác ngay cả trong những khoảnh khắc cuối của cuộc đời. Lúc sinh thời, Người không chỉ yêu cuộc sống, yêu tự do, thích sống hòa đồng với thiên nhiên mà còn nặng lòng, tha thiết với những khúc hát dân ca. Tầm vóc lớn lao trong con người của Bác luôn bắt nguồn từ những điều bình dị nhất. Những khúc hát dân ca là hồn cốt của dân tộc, mang trong mình cả hình bóng của quê hương, xứ sở được sáng tạo bởi quần chúng nhân dân Lao Động từ bao đời nay. Cả cuộc đời Người sống cho dân, cho nước. Hành trang mà Người muốn mang theo về thế giới người hiền chỉ là ước nguyện bình dị: Được lắng hồn mình trong những câu hát dân ca.” [3]

Tuy nhiên trước đó 6 năm Quân Đội Nhân Dân (QĐND) lại nói ngược 180 độ: bác ra đi giữa những âm điệu Trung Quốc.

Số Xuân Canh Dần QĐND phát hành ngày 25.1.2010 có bài viết “Ba lần Bác cười trước lúc đi xa”, do Nguyễn Hoà “biên dịch” theo bài viết của cô Vương Tinh Minh, y tá trưởng Bệnh viện Bắc Kinh.

Theo bài báo thì cô Minh này là thành viên Tổ bác sĩ Trung Quốc được Chu Ân Lai cử sang Việt Nam chữa bệnh cho bác tháng 8 năm 1969, cô kể:

“Ngày 31-8-1969, bệnh tình của Bác đột nhiên tăng lên. Hôn mê không tỉnh. Các chuyên gia bình tĩnh, kịp thời đưa ra biện pháp cấp cứu phù hợp. Bác sĩ Hồ Húc Đông xuyên kim vào tim Bác để bơm thuốc trợ lực tim. Thành công rồi! Chủ tịch Hồ Chí Minh từ từ tỉnh lại, Bác mở mắt ra, nhìn khắp một lượt các y, bác sĩ trong phòng. Mọi người cảm động không nói nên lời. Tổ trưởng Trương Hiếu lại gần bên Bác, khẽ gọi: “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Người thấy trong mình hiện giờ thế nào? Còn chỗ nào chưa thấy thoải mái?”. Bác khẽ lắc đầu, một lúc sau Bác ra hiệu muốn ăn một chút. Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người. Sáng ngày 2-9-1969, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Người đã vĩnh viễn đi xa.”

Đọc hai bài báo này, đám con cháu thực sự tin yêu bác sẽ bối rối vô cùng, không khéo sẽ sụp đổ vì thần tượng tan vỡ: thực ra, bác mang tâm hồn Việt hay tâm hồn Tàu?

Bác và bom

Báo Tuổi Trẻ ngày 19.5.2005 đăng bài “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế...” của Nguyễn Thế Kỷ, nguyên là Đại tá - Trưởng ban tổng kết lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tác giả kể lại chuyện xảy ra tối 30-8-1969 tại Phủ Chủ tịch, giữa lúc các máy bay Mỹ đang đe doạ vùng trời Hà Nội:

“Tiếp đó, Bác lại hỏi tình hình lũ lụt và nhân dịp này Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo với Bác ý kiến của Bộ Chính trị đề nghị Bác lên khu sơ tán của trung ương ở Hòa Bình để tiện việc chăm sóc, điều trị cho Bác. Nghe xong, Bác tỏ vẻ không vui và nói ngay: - “Bác không đi đâu cả. Bác không bỏ dân mà đi. Các chú phải tích cực tìm mọi biện pháp bảo vệ cho được đê điều để bảo vệ dân”.” [4]

Thế nhưng trong một chuyện khác thì bác phải vậy: năm 1957, ngay từ lúc Mỹ chưa đổ quân vào miền Nam, bác lo lắng tìm ra một địa điểm thật xa Hà Nội để đào hầm phòng khi Mỹ thả bom miền Bắc!

Trong bài “Bác Hồ và vùng đất thiêng K9” đăng trên báo Tiền Phong ngày 16.05.2005, tác giả Trịnh Tô Long thuật:

“Ít ai biết, Bác đã chọn một nơi để nghỉ ngơi và làm việc giữa núi rừng Sơn Tây từ năm 1957. Sau này là nơi đầu tiên lưu giữ thi hài Bác. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ lường trước thời cuộc, đã cử ông Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc để chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Còn việc chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, Người đã tính trước ít nhất là 7-8 năm.

Chuyến đi “tìm hầm” đầu tiên này gồm có 4 nhân vật chủ chốt, theo lời kể của tác giả: “Thì ra, ông [đây là Vũ Kỳ, nguyên là thư ký riêng của Hồ Chí Minh) đã theo Bác đi “kiểm tra thực địa” từ những chuyến đầu. Ông tìm đưa tôi xem tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, chụp Bác, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Hoàng Hữu Kháng (ngồi thấp) và ông.

Sau ảnh, chữ ông ghi rõ ngày 19/5/1957 và ký góc dưới: Vũ Kỳ. Tôi hỏi địa danh và ghi thêm: Trầm Lộng, Sơn Tây.

[... ] Đây được coi là nơi đầu tiên, ngày đầu tiên Bác Hồ đi khảo sát và cắm đất xây dựng khu sơ tán mà tới tận hôm nay chúng ta mới biết: Bác sơ tán thuở sinh thời và cả khi gìn giữ thi hài của Bác. Vùng đất thiêng của đất nước đã che chở cho Bác.

Thiết kế ban đầu của Bác được giao cho Cục doanh trại Tổng cục Hậu cần thi công chỉ gồm nhà sàn - ngược lên cách cụm ba đá chông chừng 300 mét, một nhà họp và làm việc, bên dưới có hệ thống hầm ngầm kiên cố và mấy ngôi nhà cấp bốn xung quanh dành cho anh em cảnh vệ, phục vụ.

Đến năm 1960, ngày càng lộ rõ, chứng minh dự báo đúng đắn của Bác về việc Mỹ sẽ lao sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Cơ sở K9 được củng cố, mở rộng, nhà xây, bê tông hóa hầm ngầm.”

Quanh nhà sàn Bác thiết kế rải sỏi để Bác cháu tập thể dục chân trần massage bàn chân. Sỏi còn giúp cảnh giới, đêm đêm người lạ xâm nhập sẽ gây tiếng động lạo xạo. [5]

Một đằng thì bác gan góc và thương dân vô cùng: năm 1968, giữa lúc Mỹ leo thang chiến tranh để oanh tạc miền Bắc, bác vẫn dũng cảm ở lại với dân, quyết không bỏ dân mà đi xa nấp hầm.

Một đằng thì bác nhìn xa trông rộng vô cùng: từ năm 1957 khi Mỹ chưa đổ quân vào miền Nam, bác đã lên tận vùng núi ở Sơn Tây tìm địa điểm đào hầm tránh bom, sau đó khi Mỹ đưa cố vấn vào miền Nam vào năm 1960 thì đã lo lắng gia cố hầm bằng bê tông.

Xây hầm mà không chịu lên ở, bỏ phí, chuyện này lại khiến “người học tập bác” khó hiểu hơn về đức tính giản dị và tiết kiệm của bác.

Giản dị nhưng... sành điệu

Bác rất sành cà phê, đó là một trong những nội dung chính trong bài báo “Những chuyện chưa ai kể về Bác Hồ” của Trần Mạnh Hào trên VietnamNet ngày 18.5.2005:

Trần Mạnh Hào mở đầu câu chuyện: “Một lần, trong chuyến đi khảo sát, Bác Hồ có ghé qua Thái Bình thăm hỏi cán bộ, anh em, lúc đó ông Nguyễn Thế Văn được lệnh pha tách cà phê mời Bác. Trong lúc pha cà phê ông cũng không biết đấy chính là Bác Hồ, khi anh em trong đội nói “Bác Hồ đấy...” ông mới giật mình, xúc động, tay run run pha cà phê mà trong lòng chỉ sợ mình pha ẩu Bác uống không thấy ngon. Nào ngờ, khi ông bưng tách cà phê lên mời Bác, Bác đã ngỏ ý hỏi ông có muốn đi theo Bác không? Còn gì vui hơn thế, về sau ông mới biết Bác rất tinh tường, chỉ cần ngửi mùi cà phê, cách pha và dáng điệu bưng của ông Bác đã biết ông là người cẩn thận, chu đáo và đáng tin cậy. Bắt đầu từ đó, ông là người thân cận duy nhất lo cho Bác từ giấc ngủ đến bữa ăn và theo Bác đi khắp nơi từ các vùng miền trong cả nước đến Trung Quốc, Liên Xô (cũ).” [6]

Như vậy thì có lẽ bác là người sành cà phê nhất thế giới: chỉ “ngửi được mùi cà phê” mà biết ngay được tính tình của người pha chế!

Nói tới cà phê thì phải nói tới thuốc lá. Ngày 19.5.2005, báo Nhân Dân trích đăng một bài báo đã đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân (không nêu rõ tên tác giả), có nhan đề “Người vẽ chân dung Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”, kể lại chuyện “vẽ bác” của hoạ sĩ Phan Kế An:

Tháng 12 năm 1948, khi đang làm họa sĩ cho báo Sự Thật, ông được đồng chí Trường Chinh tin tưởng và giao cho đi vẽ chân dung Bác Hồ….

Ông kể: “Mỗi lần lấy thuốc ra hút, Bác đều mời tôi một điếu. Hôm đó là ngày cuối trong đợt tôi vẽ Bác. Bác đang ngồi đánh công văn, Bác mở thuốc hút và mời tôi, tôi cứ cầm mãi rồi bỏ túi, Bác liền hỏi: “An đã tích trữ được bao nhiêu điếu thuốc rồi?”. Tôi phải nói thật: “Thưa Cụ, ở cơ quan tôi có nhiều thanh niên và cả các đồng chí làm cách mạng lâu năm mà chưa được gặp Cụ, tôi có ý định dành thuốc về cho anh em, chắc họ sẽ mừng lắm”. Bác hỏi “Vậy cơ quan An có bao nhiêu người?”. Tôi nhẩm tính, rồi thưa: “Khoảng ba chục ạ!”. “Thế An đã dành được bao nhiêu điếu?”. “Thưa Cụ, tôi đã cất được 13 điếu”. Bác liền mở hộp thuốc Caraven tròn lấy đếm đủ 17 điếu trao cho tôi và nói: “An đem về cho anh em nhé, còn điếu mình vừa cho, An cứ hút đi”. [7]

Đó là thời kỳ đầu kháng chiến (1948), lúc chưa khai thông biên giới sau chiến dịch Biên Giới năm (1950) để nhận viện trợ Trung Quốc. Chúng ta biết là trong thời gian này chính quyền Việt Minh cấm ngặt việc tiệc tùng kỵ giỗ để dành lương thực nuôi quân. Thậm chí các cối xay bột (dùng để xay gạo tráng mì hay làm bún) đều bị chính quyền niêm phong, không cho sử dụng. Tính khiêm tốn, giản dị và nếp sống đạm bạc cũng tấm lòng chia sẻ với dân của bác thì chúng ta nghe tới nhàm tai: ba bữa cơm rau - cà - tương đạm bạc, bộ đồ ka-ki sờn vai, đôi dép cao su mòn nhẵn. Trong khi dân chúng nín nhịn vậy thì bác chơi rất sang và rất sành: Caraven hộp tròn.

Vân vân, còn có rất nhiều câu chuyện và tài liệu tương tự khác, hoàn toàn “trớt quớt” với bài bản tuyên truyền. Phải chăng đây là hậu quả của trò tô vẽ và phóng đại quá trớn: cái gì cũng nhất cả và cái nhất này “đá” cái nhất kia.

Phởn lên là ca tụng. Nhắm mắt mà ca tụng. Ca tụng và ca tụng mà không để ý rằng mình đã đi quá đà, tới độ tự đá vào chân mình, y như câu chuyện “Mâu thuẫn” kể trên!

Ca ngợi bác “sáng suốt”, “có viễn kiến" thì cho biết từ năm 1957 đã tìm một địa điểm thật xa Hà Nội để đào hầm tránh bom Mỹ. Ca ngợi bác quả cảm, thương dân thì cho hay năm 1968 bác quyết bám trụ Hà Nội, không nỡ bỏ dân mà nấp hầm một mình!

“Bây giờ nếu lấy cái mâu của bác đâm vào cái thuẫn của bác, thì thế nào?”.

Cái “mâu” năm 1968 và cái “thuẫn” năm 1957!

Rồi cái mâu “dân ca quan họ” và cái thuẫn “bài hát Tàu”.

Bộ máy tuyên giáo quyền tổng đạo diễn của ông Võ Văn Thưởng.

Ông Thưởng cần phải “kiểm toán” ngay cái lối ca tụng bác theo lối trống đánh xuôi kèn thổi ngược này,

Nhân tiện cũng xin nhắc thêm một tài liệu phụ họa cho câu chuyện của cô y tá Vương Tinh Minh, đó là hồi ký The Private Life of Chairman Mao: The inside story of the man who make modern China (Đời tư của Chủ tịch Mao: chuyện bên trong của người đàn ông đã thành lập nên nước Trung Hoa hiện đại). Trong cuốn này tác giả Lý Chí Thoả, bác sĩ riêng của Mao, đã kể lại buổi tối trong ngày Lễ Lao Động Quốc tế 1955, xin tạm dịch:

Khi những tràng pháo hoa còn tỏa sáng trên bầu trời, Thủ tướng Chu Ân Lai bước đến gọi Mao đến chụp ảnh với các quan khách nước ngoài. Nhà lãnh đạo Việt Nam Hồ Chí Minh, lúc đó 65 tuổi, cũng có mặt trong số quan khách đó. Hồ ăn mặc như một ông nông dân, chân mang dép râu. Hồ sống phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình ở Trung Quốc và cận vệ người Trung Quốc của ông ta kể tôi nghe rằng nhà lãnh đạo Việt Nam này thích mọi thứ ở Trung Quốc, từ đồ ăn, quần áo, nhà ở cho đến phương tiện di chuyển.” [8].

Ông Thưởng cần giao một “Tiến sĩ Hồ Chí Minh học” nào đó thực hiện một “công trình khoa học” để bác lại ông bác sĩ này, bằng không những ai đang tận tâm học tập bác sẽ phân tâm và dao động nếu vô tình đọc được. Đây là một nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng, nhất là giữa chúng đảng ta đang bàn đến chiến lược “Thoát Trung”!

Chú thích:

[1] Theo tiểu sử chính thức thì ngày sinh (là ngày 19.5. 1890 nhưng:
a. Đơn xin học trường Thuộc địa của Pháp (15/9/1911): sinh năm 1892.
b. Tờ khai tại Sở cảnh sát Paris (2-9-1920): 15-1-1894.
c. Tờ khai tại Tòa đại sứ Liên Sô ở Berlin (6 -1923): 15/2/1895.
d. Sổ bộ la2mg Kim Liên xã Nam Liên huyện Nam đàn tỉnh nghệ An: “Tháng 3 năm Thành Thái thứ 6” (âm lịch), tức tháng 4-1894.
e. Anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm lại khai HCM sinh năm 1891. Chị Nguyễn Thị Thanh - khai HCM sinh năm 1893.
Còm về ngày sinh chính thức thì có bằng chứng rằng cho thấy đó là ngày Cao ủy Pháp ở Đông Dương, D”“Argenlieu đến Hà Nội. Vì ở thế hạ phong, buộc phải cờ hoa đón tiếp rầm rộ, nhưng để giữ thể diện cho chính phủ mình nên gọi là ngày sinh nhật của chủ tịch. Giới sử học trong nước lại cho rằng ngày ấy là ngày thành lập mặt trận Việt Minh(19/5/1941). HCM có cảnh ngộ gia đình không suôn sẻ: mẹ mất sớm (1901) cha lang thang phiêu bạt, sống nhờ bà ngoại được dăm năm, không biết chính xác ngày sinh tháng đẻ của mình nên chọn đại ngày này!

[2] Năm 2007 Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở khóa đào tạo “Tiến sĩ Hồ Chí Minh học”, sau đó năm 2015 Học viện Báo chí tuyên truyền lại “bung ra” mở khóa đào tạo “Thạc sĩ Hồ Chí Minh học”. https://www.vnu.edu.vn/home/?C2455/N297/KHUNG-CHuoNG-TRiNH-daO-TaO-TIeN-SiNganh:-Chinh-tri-hocChuyen-nganh:-Ho-Chi-Minh-hoc.htm

Và:

http://tuyensinhajc.edu.vn/gioi-thieu/chuong-trinh-dao-tao/thc-s/ho-chi-minh-hoc/item/778-nganh-ho-chi-minh-hoc.html

[3] http://baodansinh.vn/nho-loi-bac-dan-truoc-luc-di-xa-d41677.html

Nhớ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”... ngày 30/08/2016, tác giả Đức Thọ

[4] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20050519/bac-oi-tim-bac-menh-mong-the/79282.html

[5] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bac-ho-va-vung-dat-thieng-k9-9540.tpo

[6] Hiện còn giữ trên một số website như: http://violet.vn/THPT-hiepduc-quangnam/entry/show/entry_id/2105371

[7] http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/2130902-.html

[8] Zhisui Li (1994) The Private Life of Chairman Mao: The inside story of the man who make modern China, Random House, London. Trang 92.
 

27/05/2017
Tác giả gửi tới Dân Luận
https://www.danluan.org/tin-tuc/20170527/ho-hoc-tinh-hoa-can-phai-kiem-toan-nganh-ho-chi-minh-hoc
 

www.geocities.ws/xoathantuong