Thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh (Phần 1)

Đỗ Thành Nhân
 

Phần 1. Từ ướp xác Hồ Chủ tịch

I.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1969, đến nay tròn 50 năm. 50 năm là 2 thế hệ, nhiều người người sinh ra vào giai đoạn đó, giờ đã lên chức ông, bà, có cháu nội, cháu ngoại trực hệ.

Di sản của Người(1) để lại cho hậu thế là một hệ thống “Tư tưởng Hồ Chí Minh” (2) mà tất cả tầng lớp trong xã hội, từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già hưu trí đều phấn đấu “học tập và làm theo”.

Trong di sản của Người có Di chúc Hồ Chí Minh (3) và nội dung Di chúc đã đưa vào làm dẫn chứng cho Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 50 năm - 2 thế hệ đã trôi qua, nhưng di nguyện của Người vẫn chưa thành hiện thực, đó là được “hỏa táng thi hài và tro sau hỏa táng cho vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam sau khi qua đời”.

Thay vì thực hiện Di chúc của Người, thì người ta lại ướp xác, xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh(4). Từ xưa, con cái làm trái di chúc của cha mẹ là tội bất hiếu, bề tôi làm trái với di chúc của vua là tội bất trung; những kẻ làm trái với di chúc tiền nhân sẽ bị lịch sử bêu tên và người đời nguyền rủa.

Khi thực hiện ướp xác, xây lăng Hồ Chủ tịch, người ta cho rằng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, hơn 5 năm có điều kiện làm việc ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, tôi hỏi những người lớn tuổi hơn, nhưng không có ai nói xây lăng Hồ Chủ tịch là nguyện vọng của họ cả; còn người dân miền Nam lúc đó (1973) lại càng không biết Hồ Chủ tịch là ai, thì nói gì đến nguyện vọng xây lăng cho Người.

Trong những ngày này, tuyên giáo từ Trung ương xuống địa phương tuyên truyền “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (5), nhưng điều đơn giản nhất là mong muốn “hỏa táng thi hài và tro sau hỏa táng cho vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam sau khi qua đời” của Người vẫn chưa được thực hiện.

Hiến pháp năm 2013 dành một chương riêng về quyền con người; lẽ nào người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lại không có cái quyền cơ bản đó. Điều 20: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, …”; “3. … Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.”. Khi còn sống, ông Hồ Chí Minh chưa cho phép ai động tới thân thể hoặc để thử nghiệm y khoa.

II.
Đã 50 năm - 2 thế hệ trôi qua, đến lúc nên thực hiện đầy đủ Di chúc của Người: hỏa táng thi hài và tháo dỡ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể Tuyên giáo và An ninh sẽ chụp cho cái mũ tội “xúc phạm lãnh tụ” và gây khó khăn; tuy nhiên, các vị cũng nên thẳng thắn trả lời câu hỏi: giữ lại để làm gì?

1. Mong muốn của nhân dân cả nước

Với một nhà nước pháp quyền và thời đại thế giới phẳng 4.0, thì phải nói bằng những con số có cơ sở. Khi xây dựng lăng và ướp xác, nhân dân có được lấy ý kiến không? chuyện đã qua, không bàn nói đến nữa.

Nhưng 2 thế hệ sau, nên tiếp tục duy trì xác ướp và lăng mộ Người không, nên để người dân đang đóng thuế quyết định. Hiện nay đã có Luật trưng cầu ý dân 2015 và hãy để dân thể hiện sự đồng thuận xã hội, thể hiện sự kính yêu Hồ Chủ tịch bằng lá phiếu của mình - đúng với tinh thần Tư tưởng Hồ Chí Minh “lấy dân là gốc”.

2. Yếu tố tâm linh

Có thể những người cộng sản vô thần nên không quan tâm đến yếu tố tâm linh, nhưng vẫn thờ cúng tổ tiên, nên điều này vẫn phải nêu ra.

Trong một dòng tộc, mộ tổ phần tổ tiên được “tĩnh” thì con cháu mới “yên và phát”; suy rộng ra, trong một quốc gia cũng vậy. Thử hỏi, mộ phần của người khai quốc “động” liên tục thì liệu đất nước có bình yên để phát triển hay không.

Liên Xô là một ví dụ, một trong những lý do sụp đổ “thành trì xã hội chủ nghĩa” là thi hài Lenin, cha đẻ của học thuyết, chủ nghĩa Mác-Lenin bị “động” liên tục (hình 1). Không ai mong muốn người mình yêu kính bị hành xác sau khi đã chết.

Hình 1
Hình 1. Ảnh chi tiết quá trình xử lý xác ướp Lênin của Russian TV Channel.

3. Kinh phí

Để duy trì xác ướp và quản lý, bảo vệ quần thể Lăng Hồ Chủ tịch chi phí không phải là nhỏ, số liệu này không thấy công bố công khai chi tiết cho dân biết.

Theo số liệu từ Cổng thông tin của Chính phủ, năm 2016, Dự toán chi Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh số tiền 319 tỷ đồng(6). Chưa tính đến đất đai, đầu tư, …

Khoản tiền này cao hơn ngân sách cùng năm của 10 Bộ, cơ quan Trung ương, như: Ủy ban Dân tộc 210 tỷ, Thanh tra Chính phủ 215 tỷ, Đài Truyền hình Việt Nam 300 tỷ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam 92 tỷ, Văn phòng Chủ tịch nước 210 tỷ. Đến nay 2019, khoản chi này còn tăng lên nhiều nữa.

4. Con người

Có một Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Hồ Chủ tịch, số người cụ thể không thấy công bố, nhưng số tướng là 2 vị, cao hơn cả số tướng chỉ huy một cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh (7) năm 1975.

Trong khi cánh quân hướng Tây Bắc tiến vào Sài Gòn năm 1975 chỉ có một Thiếu tướng Vũ Lăng chỉ huy. Thì Bảo vệ Lăng trong hòa bình có đến hai Thiếu tướng là Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Trọng Khánh.

Ngoài ra còn phải có số cán bộ khoa học, y học hàng đầu Việt Nam để bảo quản thi thể Hồ Chí Minh.

5. Nghiên cứu khoa học

Báo chí đưa tin: các nhà khoa học Việt Nam vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho muôn đời mai sau (8).

Khái niệm “muôn đời mai sau” là phi khoa học. Vả lại công nghệ ướp xác thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng; thì làm chủ công nghệ này để làm gì ?, có thể ứng dụng rộng rãi hay chuyển giao cho công nghệ ướp xác cho nước nào được không?

6. Mang tính giáo dục

Chưa có một điều tra, khảo sát sát xã hội học nào để chứng minh bao nhiêu phần trăm số người vào viếng Lăng sẽ tăng lòng kính yêu Hồ Chủ tịch, thêm niềm tin với Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế, thì không ít cán bộ cấp cao hàng năm đều viếng Lăng nhưng vẫn tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Nói thật, sau khi rời mái trường xã hội chủ nghĩa, lần đầu ra Hà Nội là viếng lăng Người. Với một tâm trạng của một học sinh, sinh viên từng được giáo dục bằng những câu thơ “Mong manh áo vải, hồn muốn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”, nhưng viếng Lăng xong, tôi chửi ngay tác giả bài thơ là dối trá!

III.
Xét trên nhiều góc độ, cũng đã đến lúc thực hiện đầy đủ Di chúc của Người. Thân xác con người từ cát bụi nên trở về với cát bụi, không nên cưỡng lại quy luật “thành trụ hoại diệt” của tự nhiên.

Các nhân vật lịch sử, vĩ nhân trường tồn với thời gian không phải là những xác ướp, lăng mộ, nhà lưu niệm, tượng đài. Mà họ vẫn “sống” cùng với những giá trị phi vật thể, những công lao được hậu thế ghi nhận.

Ví dụ như, trên chính quê hương Mộ Đức của ông Phạm Văn Đồng - 32 năm làm Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa; thế hệ trẻ xa quê hiện nay số người biết ông Phạm Văn Đồng qua “Công hàm Phạm Văn Đồng”, nhiều hơn gấp nhiều lần là biết qua “Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng” (hình 2).

Hình 2
Hình 2. Tìm hiểu về ông Phạm Văn Đồng qua 2 từ khóa đặt trong ngoặc kép, kết quả: “Công hàm Phạm Văn Đồng” 25.900 và “Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng”: 759. Google ngày 15/9/2019

IV.
Trả lời câu hỏi: nếu thực hiện đầy đủ Di chúc của Người thì sao?

1. Về tiền

Nếu tính với con số khiêm tốn hiện nay là 500 tỷ để duy trì Lăng, và bình quân một người dân phải gánh 32 triệu đồng nợ công (9). Tiết kiệm được khoản này, mỗi năm riêng Lăng Người sẽ giải phóng cho 15.625 cháu bé ra đời không phải gánh khoản nợ mà ông cha để lại.

Hoặc số tiền này làm quỹ cho chương trình “Sữa để em thơ, lụa tặng già” (thơ Tố Hữu), đúng với “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc, giáo dục thiếu nhi”.

2. Về con người

Với biên chế của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm hai ông tướng và nhiều chiến sỹ “bộ đội cụ Hồ” đang làm nhiệm vụ sẽ được chuyển ra bảo vệ biên giới, biển đảo để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà tổ tiên chúng ta đã mở mang bờ cõi.

Thực hiện đúng với câu Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và thấm nhuần câu Người đã từng nói: “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó.”

3. Nhớ mong gặp Người …

Có ai đó lý luận, nếu thực hiện Di chúc của Người thì nhân dân sẽ không còn được trông thấy Người yên nghỉ nữa.

Với công nghệ tạo dựng mô hình người hiện nay, xây dựng một mô hình Người như thật đúng tỷ lệ 100% nằm yên nghỉ trong tủ pha lê (hình 3) là hoàn toàn đơn giản và chi phí không nhiều.

Hình 3
Hình 3. Chủ tịch Hồ Chí Minh yên nghỉ trong tủ pha lê. Photo Courtesy

Có thể làm 3 mô hình đặt ở 3 miền đất nước (hoặc nhiều hơn nữa) để nhân dân thăm viếng được thuận tiện. Chi phí xã hội giảm, những cụ già nghèo khó vẫn có cơ hội thăm viếng Người một lần để thỏa lòng “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha” (thơ Tố Hữu).

Tuy nhiên, sẽ có người nói đó không phải thân xác thật của Người. Về vấn đề này, xin hỏi các nhà khoa học: cơ thể Người trong trong Lăng hiện nay là “thật” được bao nhiêu phần trăm ? với cơ chế phân hủy chất hữu cơ trong môi trường hiếu khí và có tiếp xúc ánh sáng. Mà nếu không thật 100% thì cũng là … không thật.

Cũng sẽ có người nói: làm như vậy sẽ thiếu sự tôn kính, linh thiêng. Xin thưa: hàng trăm triệu tín đồ Phật giáo quỳ thành kính trước tượng Phật Tổ bởi vì họ có niềm tin vào tư tưởng Đức Phật, chứ không không phải vì khúc gỗ tạc nên tượng Phật.

V.
Suốt 50 năm thực hiện Di chúc của Người, cũng đã “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”, cũng đã “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”; nhưng điều đơn giản là “hỏa táng thi hài” thì hai thế hệ đã trôi qua vẫn chưa thực hiện được là có lỗi với người đã khuất.

Đã đến lúc để cho Người yên nghĩ thực sự, để đi vào cõi vĩnh hằng. Người sẽ “sống mãi” với một hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh chứ không phải bằng một thân xác thực vật cố chống lại sự phân hủy tự nhiên. Và cũng chính thực hiện Di chúc của Người thì mới đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hiện thực. (Xem Phần 2)

Hệ thống tuyên giáo từ trung ương xuống địa phương tuyên truyền, phát động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Di chúc của Người, nên với những hành động thiết thực, cụ thể nhất chứ không phải bằng những lời nói suông.

PS: Người viết bài này với trách nhiệm của một công dân; với nghĩa vụ của một gia đình 3 thế hệ tham gia cộng sản (từ trước 1930); với đạo lý của một người con có ông, cha đã từng tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Cũng hy vọng là ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban tuyên giáo Trung ương nếu thấy chưa đúng thì nên đối thoại; chứ đừng đưa quân đi bắt người, thu giữ hủy hoại tài sản, tổ chức đấu tố như năm 2013, khi làm Bí thư Quảng Ngãi.


Ghi chú:

(1) “Người” viết hoa trong bài viết này để nói về ông Hồ Chí Minh theo cảm nhận của dư luận xã hội hiện nay; được tác giả tôn trọng như là một nhân vật của lịch sử dân tộc.

(2) Tư tưởng Hồ Chí Minh

(3) Di chúc Hồ Chí Minh

(4) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(5) “50 năm thực hiện di chúc của chủ tịch hồ chí minh”

(6) Số làm tròn, chi tiết ở đây: Số liệu dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016

(7) Chiến dịch Hồ Chí Minh

(8) Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết 50 năm gìn giữ, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

(9) Thu không đủ chi, nợ công 3,2 triệu tỷ loay hoay vay mới trả cũ

Thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh (Phần 2)

Đỗ Thành Nhân
 

Phần 2. Đến Lăng mộ Trần Đại Quang

I.
Gần đây dư luận xôn xao về những vụ lấy đất làm biệt thự, lăng mộ của một số cá nhân nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Ngay tại Hà Nội vụ “xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn” (11) thỉnh thoảng hâm nóng dư luận rồi cũng để đó chờ! Trong khi những ngôi chùa xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ heo hút Bà Rịa bị buộc cưỡng chế; thì tại Thủ đô những “Biệt thự Mỹ Linh”, “Việt phủ Thành Chương” (hình 4) vẫn tồn tại như thách thức hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hình 4
Hình 4. Biệt thự Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương trong rừng phòng hộ Sóc Sơn, Nguồn: Sputnik

Đến nay, các cơ quan chức năng từ Thành phố đến Trung ương vẫn chưa có quyết định xử lý cuối cùng về vụ “xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn”.

Nếu chỉ dùng công cụ pháp luật của nhà nước pháp quyền thì đơn giản. Nhưng không xử lý, hay không thể xử lý được có nguyên nhân là dính đến nhiều quan chức. Bao gồm quan chức sai phạm trong quản lý đất đai và quan chức cũng vi phạm tương tự như “Mỹ Linh, Thành Chương”.

Nếu giải quyết rốt ráo vụ “Mỹ Linh, Thành Chương” thì những quan chức vi phạm như “Mỹ Linh, Thành Chương” trên cả nước có giải quyết không? Vị trí xã hội khác nhau, nhưng về hành vi vi phạm thì giống nhau.

Luật pháp về đất đai như là chậu nước bẩn, lẽ ra phải chấp nhận lọc bỏ chất bẩn, thì người ta lại cố tình để lắng xuống. Bởi, nếu khuấy động thì cả một chậu nước đều bẩn. Chính vì vậy đã và sẽ tiếp tục có những vi phạm về đất đai đưa ra dư luận rồi … để đó cho lắng xuống.

II.
Ông Trần Đại Quang chết đã được một năm (dương 21/9/2018, âm 12/08/2018), nhân ngày giỗ đầu, xin nói về ông một lần nữa.

Ông Trần Đại Quang từng giữ các trọng trách: Bộ trưởng Công an, Chủ tịch nước, Đại biểu quốc hội, đều là những vị trí tối cao bảo vệ sự nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật. Là người xây dựng luật và ký ban hành luật như là một nguyên thủ quốc gia, tự thân ông Trần Đại Quang phải là một tấm gương sáng ngời để người dân cả nước già trả lớn bé nhìn vào và noi theo.

Vì vậy mà trước anh linh của ông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn (hình 5) đã hứa sẽ xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (12).

Đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, người dân cả nước theo dõi linh xa đưa Chủ tịch nước an táng tại quê nhà tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

III.
Một năm sau ngày mất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại cho thế giới phẳng 4.0 một cụm từ khóa “Khu lăng mộ Trần Đại Quang”, để mọi người đều thấy được nơi an táng của cố Chủ tịch nước (hình 6).

Hình 6
Hình 6: Khu lăng mộ Trần Đại Quang. Nguồn: Google Map

Theo Google Map có thể thấy, khu vực này nằm trên một cánh đồng đã được quy hoạch cho trồng lúa nước của xã Quang Thiện.

Tìm hiểu tiếp hiện trạng bản đồ khu vực này do Google lưu trữ (hình 7); bên trái ngày 03/7/2015 còn là cánh đồng lúa, bên phải ngày 26/8/2016 khu đất đã xây dựng.

Hình 7
Hình 7: Hiện trạng khu đất, bên trái ngày 03/7/2015 còn là cánh đồng, bên phải ngày 26/8/2016 đã được xây dựng

Đối chiếu với tiểu sử ông Trần Đại Quang (13) ngày 03/7/2015, ông đang làm Bộ trưởng Công an; ngày 26/8/2016, ông làm Chủ tịch nước (bắt đầu từ ngày 02/4/2016 cho đến khi mất 21/9/2018). Hiện trạng khu đất xây dựng không thay đổi cho đến nay.

Qua số liệu từ hệ thống Google cung cấp, cho thấy: Trước khi ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, khu đất này nằm trên một đồng lúa nước, ngay sau khi tuyên thệ làm Chủ tịch nước, khu đất này được chuyển sang đất phi nông nghiệp, tiến hành xây dựng công trình và bây giờ trở thành Khu lăng mộ Trần Đại Quang, đã được chuẩn bị từ khi ông còn đang sống mạnh khỏe.

Theo số liệu đo qua tọa độ của Google, khu đất có diện tích khoảng 5-6 ha. Tạm tính bình quân khoảng 5,5 ha. Qua trang thông tin huyện Kim Sơn, giới thiệu xã Quang Thiện (14) thì đất trồng lúa nước 473,13 ha, dân số 9.530 người. Bình quân một người khoảng 500m2 đất trồng lúa, vậy là khoảng 110 người dân phải nhường phần đất lúa của mình để làm lăng mộ cho Chủ tịch nước.

Theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa xã Quang Thiện lập năm 2016 cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, có hạng mục “Mở rộng nghĩa địa Lạc Thiện, xã Quang Thiện” là 0,94 ha (15). Điều đó có nghĩa Khu lăng mộ Trần Đại Quang nằm ngoài quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa của xã Quang Thiện theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.

Đến năm 2018, ông Trần Đại Quang chết, được chôn ở Khu lăng mộ hiện nay theo nguyện vọng của gia đình. Có hai trường hợp xảy ra: hoặc Nhà nước vi phạm Luật đất đai; hoặc tỉnh Ninh Bình và Chính phủ phải thực hiện một quy trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất không theo trình tự, quy chuẩn thông thường của pháp luật về đất đai, xây dựng.

IV.
Nhân dân cả nước cũng chấp nhận chi ra 1.400 tỷ đồng xây nghĩa trang quốc gia (16) để an táng cả vợ chồng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các anh hùng, danh nhân đất nước.

Cần tôn trọng việc ông Trần Đại Quang và gia đình muốn được an táng ở quê nhà. Nhưng vì ông Trần Đại Quang đã từng là đại biểu quốc hội, cơ quan lập pháp soạn thảo và ban hành luật; từng là Chủ tịch nước ký công bố luật và là người đứng đầu cơ quan hành pháp để thực thi pháp luật; thì đương nhiên ông Trần Đại Quang và gia đình là tấm gương sáng ngời ngợi trong việc thực thi pháp luật, có pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, tôi cố gắng tìm hiểu cả năm nay, nhưng vẫn chưa thấy được: Cơ sở pháp lý nào để chuyển hơn 5ha đất ruộng trồng lúa nước làm Khu lăng mộ Trần Đại Quang có đất nghĩa trang, nghĩa địa; kể cả trường hợp đất này thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân(*).

Nếu như vụ “xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn”, quan chức hoặc “Mỹ Linh, Thành Chương” nào đó vận dụng làm theo ông Trần Đại Quang, chuyển đất rừng phòng hộ sang đất ở để xây dựng biệt thự, biệt phủ thì các cơ quan chức năng khó mà giải quyết dứt điểm được.

Hoặc, từ tiền lệ Khu lăng mộ Trần Đại Quang, biết đâu cũng đang có một “đương, nguyên, cựu” Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị nào đó, cũng đang chuẩn bị cho mình khu đất đẹp ở trung tâm đô thị, cánh đồng, quả đồi, khu rừng đâu đó để làm lăng mộ cho hậu sự.

Dấu ấn và công trạng Trần Đại Quang là cái gì? được Đảng ghi nhận; được chính Tổng Bí thư đọc điếu văn ca ngợi “Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, thương yêu đồng chí, đồng bào;” và phúng viếng với tấm ảnh “Kim Cang Ấn” xôn xao dư luận.

Hình 8
TBT Nguyễn Phú Trọng viếng đám tang nguyên CTN Trần Đại Quang. Nguồn: VTV

Còn với dư luận xã hội, thời gian ngắn ngủi làm Chủ tịch nước, dấu ấn ông Trần Đại Quang để lại là: cái chết bí ẩn, đám tang ly kỳ(17), cùng với tấm gương “gương mẫu, thương yêu đồng bào” là Khu lăng mộ nằm ngoài các chuẩn mực về đạo lý và pháp lý.

V.
Quay lại đề xuất thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh đã trình bày ở Phần 1. là hỏa táng thi hài Người và dỡ bỏ Lăng Hồ Chủ tịch (có thể chuyển thành mô hình khu lưu niệm). Ngoài những lý do như đã phân tích ở Phần 1, còn là hành động cụ thể để nâng hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh thành hiện thực trực quan.

Như vậy quan chức từ cao đến thấp sẽ không còn lý do để “học tập và làm theo” Người; chấm dứt phong trào xí phần đất đai để xây lăng mộ sau khi chết. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới bảo vệ sự tôn nghiêm, kỷ cương pháp luật trong hệ thống quản lý nhà nước về đất đai.

Ông Trần Đại Quang mới làm Chủ tịch nước 2 năm 172 ngày trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khi mất để lại cho đời Khu lăng mộ Trần Đại Quang. Vẫn còn nhiều ông to hơn, công trạng hơn … !

Vua Tự Đức - vị Hoàng đế Đại Nam suốt 35 năm 287 ngày (gấp 14,5 lần), cũng để lại cho đời quần thể Lăng Tự Đức (18) cùng với câu ca dao đi vào lịch sử: “Vạn Niên là Vạn Niên nào. Thành xây xương lính, hào đào máu dân.”

PS: Người viết bài đã từng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học và thực hiện dự án ứng dụng công nghệ để quản lý đất đai; là tác giả Chương trình Lập và quản lý kế hoạch sử dụng đất, đăng ký bản quyền số 507/2006/QTG.


Ghi chú:

(11) Tra trên Google từ khóa: “xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn

(12) Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang

(13) Tra trên Google từ khóa: “Trần Đại Quang

(14) Xã Quang Thiện

(15) Xem file “Bieu Qh tinh Ninh BInh ban trinh xet duyet.XLS”, Biểu 11.18:  DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN XÂY DỰNG NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020. Lưu trữ ngày 29/8/2016 ở đây.

(16) 1.400 tỷ đồng xây nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấp

(17) Các bài viết về đám tang Trần Đại Quang của tác giả
- Rơi chữ G nhạy cảm, quan trọng:
  www.facebook.com/dotnhanvn/posts/2334638370092669
- Kim Cang Ấn và viếng tang siêu tốc:
  www.facebook.com/dotnhanvn/posts/2334973886725784

(18) Tra trên Google từ khóa: “Lăng Tự Đức”.
 

17-9-2019

fb Đỗ Thành Nhân
www.facebook.com/dotnhanvn/posts/2581348168755020
 

www.geocities.ws/xoathantuong