Học tập đạo đức Hồ Chí Minh ?

Diệp Quang Thanh
 

“… do lo sợ bị mất quyền lực, ông đã phát động cuộc chiến tranh với Pháp, chứ không phải lo cho dân phải làm nô lệ … ”
 

Để thực hiện chỉ thị 36/BCT của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam cách đây gần một năm về cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động trong mọi thành phần xã hội, nhằm hưởng ứng cho cuộc vận động đó.

Những động thái đó khiến người ta liên tưởng đến việc bộ máy lãnh đạo đang tìm cách gia cố cho cái thành trì tư tưởng Hồ Chí Minh đang bị thoái hoá biến chất và lung lay dữ dội bằng cái chất liệu "đạo đức", sao cho những thành viên, tế bào của đảng không bị gục ngã bởi cái bả "tư bản" đang ngày càng có xu hướng lấn sân.

Nhưng cũng có thể vẫn dùng chiêu bài cũ "lấy tiếng sấm át tiếng trống", nhằm dùng ngón đòn đánh lạc hướng dư luận, hướng dư luận chú ý tới một vấn đề mới, làm mọi người quên đi những bức xúc hiện tại, những vấn đề thời sự nóng bỏng, những mâu thuẫn xã hội đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Tiêu đề chính của cuộc vận động là dựng lại nhân vật lịch sử đã được thần thánh hoá từ hàng chục năm nay, tôn vinh cái gọi là tấm gương "đạo đức" của ông Hồ Chí Minh, thông qua những mẩu chuyện, những giai thoại, đã được nhân cách hoá một cách bài bản, mà bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam muốn sử dụng để vực dậy khí thế cách mạng đã tiêu tan.

Vậy thì ta hãy điểm qua vấn đề đạo đức của ông Hồ Chí Minh xem nó có tác dụng như thế nào và có xứng đáng làm tấm gương cho mọi người noi theo hay không.

Trước hết ta hãy xét về “chuẩn mực đạo đức”.

- Một người có tư cách, có những đức tính tốt, làm nhiều việc có lợi cho xã hội, có lối sống lành mạnh, trong sáng và chính trực, ngay thẳng, sẽ được đánh giá là có tư cách đạo đức tốt.

- Đạo đức tốt còn thể hiện ở việc làm lương thiện, có tình thương yêu giúp đỡ mọi người, một con người từ tâm, không bao giờ dám làm điều ác thất đức.

Những người có đạo đức được mọi người đánh giá và ghi nhận trong cuộc sống, trong cách quan hệ đối nhân xử thế, trong công việc, trong tính cách hàng ngày, trong quyền hạn, trong trách nhiệm được giao v.v. Đạo đức con người còn được thể hiện ở một tầm vóc, vị trí và quyền hạn khi người đó đang nắm giữ quyền lực.

Trường hợp của ông Hồ Chí Minh là một điển hình cho sự gian dối, khi mà cái chuẩn mực đạo đức đã được đảng cộng sản Việt Nam lăng-xê, đánh bóng, nhằm che lấp cái khiếm khuyết không nhỏ mà khi còn sống ông đã phạm phải.

Họ đã cố tình đề cao tính cách của ông trong vấn đề đạo đức. Thực sự nếu ông ta có đạo đức, thì cái đạo đức của ông ta bị biến dạng méo mó trong cái tầm nhìn giai cấp rất hạn chế, hoàn toàn không có tính nhân văn, nhân đạo.

Lúc sinh thời, ông ta đã là được đề cao như là hình mẫu cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và được tôn vinh là lãnh đạo sáng suốt, vị cha già dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong giai đoạn này, với một tầm nhìn phiến diện, theo suy nghĩ của ông ta thì việc phát động toàn dân tộc "... ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm... Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ" là một việc làm vì dân vì nước. Trong thâm tâm ông ta cũng như các đồng chí của ông ta, thì đó hành động đạo đức, đưa đường dẫn lối, dẫn dắt dân tộc thoát khỏi ách nô lệ lầm than của thực dân đế quốc. Đó là mục đích tốt.

Nhưng thực tế đã chứng minh, đó là hành động sai lầm, hành động thiếu đạo đức, bởi đàng sau những lời hô hào hiệu triệu hoa mỹ, đằng sau những hành động cứu quốc đó, là cái giá phải trả với hàng triệu sinh mạng phải hy sinh vô ích. Vì cái mục đích đó đâu cần phải trả cái giá quá đắt như vậy !

Đánh đổi xương máu của người dân để đổi lấy cái độc lập tự do, cho dù là độc lập tự do thật sự, như vậy cũng không công bằng, mà chỉ chuyển trạng thái đau khổ nghèo hèn này sang dạng đau khổ mất mát mà thôi. Thương nước thương dân không muốn gây cảnh binh đao đau khổ cho dân lành, mới là người yêu nước thực sự, mới là người đạo đức chân chính. Trong cuộc sống hàng ngày, người có đạo đức thường tìm cách giải quyết thương lượng hòa giải một cách hòa bình. Chỉ có kẻ hiếu chiến mới muốn nói chuyện với nhau bằng nắm đấm mà thôi.

Câu nói "mọi cuộc chiến tranh đều phi nghĩa" đã được mọi người ghi nhận, bởi chiến tranh chỉ lợi cho thế lực cai trị cầm quyền, những kẻ ngồi trong màn trướng để hô hào bắn giết, đó mới là kẻ hưởng thụ xương máu trong chiến tranh và thành quả sau chiến tranh. Còn người dân, người cầm súng trực tiếp, kẻ phải đổ xương máu mới là kẻ bị thiệt thòi. Trong chiến tranh họ cầm súng bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp cai trị, sau chiến tranh họ lại trở về cầm cày cầm cuốc, thân phận của họ chỉ là người đóng thuế để nuôi giai cấp thống trị bóc lột mà thôi. Vì vậy việc phát động đấu tranh bằng bạo lực, nếu không phải là chọn lựa vạn bất đắc dĩ, chẳng qua là do chuẩn mực đạo đức đã bị xoá nhòa, do nhận thức đạo đức còn ấu trĩ, hoặc cố tình lợi dụng, mạo danh đạo đức để đạt được quyền lực mà thôi. Và thực tế đã chứng minh là để giành được độc lập tự do rất nhiều dân tộc đã không chọn cách đối đầu, đánh đổi xương máu như vậy và họ đã thành công.

Khi bán đảo Triều Tiên đứng trước nguy cơ phải đối đầu với cuộc chiến tranh có thể xảy ra năm 1993, Tổng thống Hàn Quốc đã xúc động tuyên bố "tôi không muốn ghi tên mình vào lịch sử đen tối của dân tộc Cao Ly", và ông đã làm hết sức mình để cứu dân tộc mình không rơi vào cảnh chết chóc tang thương. Đó mới là hành động cao cả đầy tinh thần trách nhiệm, lấy chuẩn mực đạo đức coi tính mạng của nhân dân là trên hết.

Chúng ta hãy quay lại thời kỳ lịch sử đó và nhìn lại quá trình hoạt động của ông Hồ Chí Minh. Ông ta từng hoạt động ở nước ngoài, ông cũng hiểu được tình hình chính trị, xã hội ở các nước mẫu quốc, nhất là giai đọan cuối của thế chiến II. Từ năm 1936 Mặt Trận Bình Dân dù chỉ cầm quyền trong một thời gian ngắn đã đã đưa chính sách giải thực lên thành một bắt buôc, chính phủ Pháp của tướng De Gaulle thuộc phe đồng minh chống phát xít, trước đó chính phủ của thống chế Pétain đã có nhiều cải cách mở rộng dân chủ tại các nước thuộc địa. Lập trường chống thuộc địa của Hoa Kỳ lúc đó cũng đã được khẳng định. Không có cớ gì ông Hồ Chí Minh lại không biết, không nhận thức được điều đó. Ông cũng đã ký hiệp ước Fontainebleau, trong đó có nêu lộ trình trao trả độc lập cho Việt Nam của chính phủ Pháp, một khi đã giải quyết được những tồn tại trước chiến tranh của người Pháp tại Đông Dương.

Vậy mà do lo sợ bị mất quyền lực, ông đã phát động cuộc chiến tranh với Pháp, chứ không phải lo cho dân phải làm nô lệ. Một chứng cứ xác thực cho nhận định này là sau đó người Pháp đã trao trả độc lập cho toàn xứ Đông Dương, không riêng gì Việt Nam, sau đó năm 1962 là nước Algérie, cũng được trao trả độc lập. Vài năm sau đến lượt các nước Châu Phi da đen.

Tiếp theo giai đoạn sau chiến tranh, mà ta quen gọi là “thời kỳ hòa bình lập lại”, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông lãnh đạo đã thực hiện một loạt các cuộc thanh trừng tang thương và đẫm máu, điển hình là vụ cải cách ruộng đất, vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, nhằm vào tầng lớp trung lưu và giới văn nghệ sĩ.

Đó là những sự kiện "nổi" mà bấy lâu nay dư luận quan tâm chú ý, còn những sự kiện khác ít người nói tới đó là tầng lớp viên chức, quân nhân những người có liên quan hay làm việc dưới chế độ cũ đã bị đưa đi tập trung cải tạo tại những nơi rừng thiêng nước độc, bị đấu tố, quản thúc, cải tạo. Rồi những cuộc di cư chạy trốn vào Nam... biết bao nhiêu máu và nước mắt, biết bao chia ly oán hờn chồng chất.

Một người có đạo đức phải hành xử chính nhân quân tử, phải có tính nhân văn, nhân đạo rất cao. Bản thân ông Hồ Chí Minh đã từng nói về hoàn cảnh của những người mà ông ta gọi là "lầm đường" : "...Bàn tay cũng có ngón ngắn ngón dài, huống hồ người trong một nước, do điều kiện hoàn cảnh tạo ra phải làm tay sai cho địch, chúng ta phải có lòng nhân ái đối xử với họ, lấy chính sách khoan hồng cảm hoá họ trở về con đường chính nghĩa...". Vậy mà khi việc "qua sông" đã xong, ông ta lại đối xử, đọa đày những "đồng bào lầm lạc", như vậy liệu ông ta có phải là người đạo đức không ?

Trong buổi đầu dựng nền cộng hòa non trẻ, cũng như chín năm trường kỳ kháng chiến, để có "thực túc" nuôi chế độ, nuôi quân, chính ông ta đã phát động "tuần lễ vàng" quyên góp ủng hộ chính phủ, vận động "địa chủ kháng chiến". Kết quả là ông đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới tư sản địa chủ khi đó. Một trong những câu nói của ông ta hay được các đệ tử nhắc lại là "...tâm nguyện suốt đời của tôi là muốn cho đồng bào ta ai cũng có hạnh phúc, ai cũng có cơm no áo ấm, ai cũng được học hành...". Trong câu nói đó, so với cách hành xử với những nạn nhân của ông ta, cái chữ “ai” kia chắc chỉ là những người ủng hộ ông. Vậy ông đã loại bỏ "ai" để đem lại hạnh phúc cho "ai"? Những nạn nhân của thời kỳ đó là ai ? Họ có phải là người Việt Nam không ? Họ có phải là người cùng dân tộc, cùng một bọc trứng với ông không ?

Những vụ thảm sát đấu tố, những chính sách cải tạo phi nhân đó, ông ta phải chịu trách nhiệm khi mà ông ta với cương vị "thiên tử" đứng đầu chính thể độc tài, ông ta không thể thoái thác, hay tìm cách đổ vấy tội cho kẻ khác để thanh minh cho sự "trong sạch" của mình. Muốn nói gì thì nói, lịch sử sẽ ghi tội ác này.

Rồi tiếp đến là thời kỳ phát động cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà đảng cộng sản Việt Nam dựng lên chiêu bài "chống đế quốc Mỹ xâm lược". Có một số thông tin cho rằng ông ta bị nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ khống chế. Nhưng theo tôi nhận định đó không đúng và sau này lịch sử cũng không chấp nhận lý do đó, khi mà ông ta vẫn trong cương vị đứng đầu triều đình, đứng đầu bộ máy chiến tranh. Những lời hô hào, những lời chúc tết đầy kích động sặc mùi bom đạn chết chóc "năm qua tháng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to..." hay "xuân này hơn hẳn mấy năm qua, thắng trận tin vui khắp mọi nhà" v.v... đã cho thấy tính hiếu chiến của ông ta như thế nào.

Một sự kiện mà có lẽ ít ai để ý và có thể ngờ tới, cái giá của cuộc tàn sát Mậu Thân với hành trăm nghìn sinh mạng của hai phía bị ngã xuống, rút cuộc cái đích của những kẻ khởi xướng là chỉ nhằm chiều lòng "vị cha già dân tộc" với tâm nguyện cháy bỏng, ước ao muốn được vào thăm miền Nam, muốn được hưởng ngày vui "trọn vẹn" thỏa lòng khao khát, muốn thấy cuộc viễn chinh xương máu mà phần thắng thuộc về mình được kết thúc, trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Những hành động có tính tàn bạo như trên không cho phép coi kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm là người có nhân cách, có đạo đức được, có chăng đó chỉ là đạo đức giả, đạo đức nơi đầu môi chót lưỡi của kẻ gian hùng mà thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đã gặp rất nhiều những kẻ đạo đức giả, bề ngoài tỏ ra nhân hậu nhưng ẩn chứa đàng sau bộ mặt giả nhân ấy là những toan tính hiểm độc. Tất cả những chứng tích không thể xoá được trong sử sách, sẽ là thành quả về tấm gương đạo đức mà những kẻ đồ đệ của ông ta đang tung hô, nhằm cố tình dựng lên một “tấm gương lớn” cho mọi người soi vào, để quên đi cái thực tại khốn nạn đang hoành hành khắp nơi, khắp chốn hiện nay.
 

Ai cần phải học tập tấm gương "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" ?

Một trong những nội dung để triển khai thực hiện chỉ thị 36/BCT về "học tập tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh" là cuộc thi tìm hiểu về tâm gương "cần kiệm liêm chính chí công vô tư của Hồ chủ tịch". Cái mồi nhử này là kịch bản "tủ" của các kịch sĩ cộng sản làm con bài nhai đi nhai lại nhiều lần để lừa mị người dân.

Nhưng cũng phải sự thừa nhận một sự thật. Đó là lúc sinh thời, dù sao đi nữa, tác phong lối sống của ông Hồ Chí Minh là giản dị, tiết kiệm và chuyên cần. Còn về sự liêm chính thì như chúng ta ai cũng thấy, ông ta không có gia đình, không có nhu cầu về vật chất, mọi cái đã có đảng lo, vì vậy với ông ta việc tư lợi tham nhũng là không bao giờ có.

Nhưng những đức tính ấy phỏng có ích gì, lúc còn sống ông ta cần kiệm bao nhiêu, thì khi qua đời các đồ đệ của ông ta lại vung tay "đốt nhà táng" bấy nhiêu. Trong di chúc ông ta căn dặn không làm ma chay linh đình, xác đem hỏa thiêu lấy tro, rắc đều từ Nam chí Bắc để thể hiện tâm nguyện vì dân vì nước của ông nhưng những đồ đệ thiểu năng trí tuệ của ông ta vì quá thương và quá tôn sùng đã phản thùng lại lời di huấn của ông, đã cho xây dựng hoành tráng ngôi mộ nửa sống nửa chết của ông giữa trái tim của một quốc gia.

Thử hỏi đôi dép cao su, bộ quần áo bằng vải kaki, có ý nghĩa gì khi so sánh với chi phí tốn kém, đã được đưa vào giai thoại như xây lăng Tần Thủy Hoàng ? Vẫn còn chưa thấm tháp gì so với một "bộ tư lệnh lăng" hơn 500 con người ngày đêm thay phiên nhau túc trực... 35 năm trời đằng đẵng ! Sẽ tốn kém là bao nhiêu, nếu ta đem bắc thử lên cân. Bình quân lương một người tính theo lương hiện tại là 1,5 triệu đồng/tháng, vị chi một tháng 1,5 triệu x 500 người = 750 triệu đồng x 12 tháng = 9 tỉ đồng x 35 năm= 325 tỉ đồng, tương đương với 20 triệu USD. Ấy mới là chi phí lương, còn những chi phí khác, như chi phí xây dựng tu bổ, bảo dưỡng, tiếp đón nghi lễ nghi thức v.v... Chắc chắn gấp hàng chục lần con số trên.

Vậy với sự lãng phí không cần thiết như vậy (trên thế giới, trong lịch sử có rất nhiều cách để tôn vinh vĩ nhân, danh nhân. nhưng chưa từng có kiểu tôn vinh lãng phí như chế độ cộng sản) có đáng để tương xứng với đức tính cần kiệm liệm chính của người đã khuất hay không ?

Vận động mọi người làm theo, nhưng các ông có làm theo di chúc của người đã khuất hay chưa? Nếu chưa, thì xin các ông hãy noi gương trước. Hãy "tìm hiểu" chính xem mình có cần kiệm hay không, có làm theo di huấn của ông Hồ Chí Minh dặn dò hay không, để chúng tôi theo cùng.

Hai chữ liêm chính cũng vậy, các ông hô hào mọi người liêm chính, chí công vô tư! Đảng quang vinh của các ông có liêm chính không ? Chế độ của các ông có chí công hay không ?

Chỉ có hai chữ "vô tư" là các ông học thuộc mà thôi!

Vô tư tham nhũng, vô tư mua quyền bán chức, vô tư phè phỡn, vô tư bóc lột, vô tư áp bức dân lành.

Diệp Quang Thanh (Hà Nội)

e-ThongLuan  10/10/2007
www.thongluan.org
 

www.geocities.ws/xoathantuong