Phản hồi cho “Nhà sử học Hà văn Thịnh nói về Hồ chí Minh”

Đại Nghĩa
 

“Làm thầy thuốc sai lầm có thể hại một mạng người.
Làm chính trị sai lầm có thể hại một thế hệ.
Làm văn hóa sai lầm có thể hại muôn đời”.

Lão Tử
 

Nhân đọc bài “Nhà sử học Hà văn Thịnh nói về HCM” của tác gỉa Mạc Việt Hồng trên Đàn chim Việt online ngày 19-5-2010, tôi xin mạn phép lạm bàn với giáo sư Thịnh một đôi điều còn thắc mắc. Nhân vật HCM hiện là một đề tài mà rất nhiều người đề cập tới vì ông ta là một nhân vật của lịch sử có rất nhiều điều dễ ngộ nhận. Tôi xin nêu thứ tự từng điểm trong bài trả lời phỏng vấn mà giáo sư Thịnh đã nêu ra:

1 - HVT: “Trong Di chúc, bác Hồ nói rằng, đào tạo thanh niên là thế hệ kế tục XHCN, sau đó bác không hề nhắc gì tới XHCN nữa. Cuối của bản Di chúc viết rằng “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, có nói gì tới XHCN đâu?”.

- Thời đại ngày nay theo giáo sư Trần Phương thì cái “CNXH sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi”, nên giáo sư Thịnh phủ nhận thực tế của cái XHCN “mù mờ” mà chính ông Hồ khai sinh nó đã không còn là cái thiên đường mà người CS từng rêu rao. Không còn lừa gạt ai được nữa nên “nhà sử học” mới nói rằng trong di chúc ông Hồ không có nói gì về XHCN, di chúc không nói đến XHCN không có nghĩa là ông Hồ không chủ trương tiến lên XHCN. Nếu không muốn tiến lên XHCN thì tại sao ông Hồ lại cho đào tạo thanh niên XHCN để làm gì? rõ ràng ông Hồ đã chủ trương “Muốn xây dựng CNXH, phải có con người XHCN” kia mà.

Mới đây tiến sĩ Tô Huy Rứa, Ủy viên BCT đã có bài viết: “Những cống hiến to lớn của chủ tịch HCM về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu:

“Thực tiễn khẳng định, tư tưởng HCM về giải phóng và phát triển đã mở ra con đường phát triển tốt đẹp nhất cho dân tộc Việt Nam: Độc lập dân tộc và CNXH…

“Tư tưởng HCM về CNXH cũng có những nét sáng tạo đặc sắc, có gía trị và ý nghĩa hiện đại…

“Trong di sản tư tưởng HCM có cả một hệ vấn đề lý luận về CNXH, từ đặc trưng, bản chất, mục tiêu, con đường, phương thức, mô hình và bước đi cũng như những giải pháp xây dựng CNXH trong sự kết hợp giữa tính phổ biến với tính đặc thù, tính giai cấp - dân tộc - nhân dân với tính thời đại và tính nhân loại trong thế giới đương đại ngày nay”. (VietnamPlus online ngày10-5-2010, trang7)

Để chứng minh rằng ông HCM muốn đi theo con đường của Mác-Lê tiến lên CNXH qua Báo Bình Định (Cơ quan của đảng bộ đảng CSVN tỉnh Bình Định) trong bài “Tư tưởng HCM về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”:

“Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm và mâu thuẩn của thời kỳ quá độ lên CNXH ở việt Nam, trong đó đặc điểm bao trùm to nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa…

“Về nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ, Người nói: “Chúng ta phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. (Bình Định online ngày 2-11-2003)

2 - HVT: “Tôi muốn nhấn mạnh thế này, lá thư đầu tiên, tức là bài báo đầu tiên mà HCM viết, ngày 18-6-1919 để gửi tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Wilson, bài cuối cùng Người viết năm 25-8-1969 là lá thư gửi TT Mỹ Nixon, rồi thời gian hợp tác từ năm 1943-1945 với Mỹ của bác ở Việt Bắc, rồi những tình cảm mà bác mô tả là‘ nồng thắm’, ‘ hạnh phúc’ khi được kết hợp với Mỹ, người bạn lớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng không mấy ai hiểu điều đó”.

- Tôi còn nhớ khi viếng thăm Hoa kỳ năm 2005, thủ tướng CSVN Phan văn Khải có lời lẻ rất “ngoại giao” khi nhắc tới thời gian mà ông HCM ở Mỹ:

“Thành phố này là nơi chủ tịch HCM, người sáng lập ra nhà nước Việt Nam độc lập đã từng sống hơn 90 năm trước đây trong giai đoạn 1911-1913.

“Và có thể ở nơi này, Người đã hấp thụ tư tưởng lớn thể hiện trong tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ mà Người đã nhắc tới khi mở đầu bản tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh ra nhà nước Việt Nam mới năm 1945…

“Tiếc rằng nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước đã bị bỏ lỡ. Chỉ mãi tới năm 1995 hai nước mới kiến lập quan hệ ngoại giao”. (BBC online ngày 25-6-2005)

Theo giáo sư Thịnh thì ông HCM đã từng hợp tác với Mỹ thế mà ông ta đã từng “gần đèn” mà vẫn không thấy “sáng” để đưa đất nước thoát khỏi cảnh tối tăm, ông lại theo con đường cộng sản để rồi bị họ bắt buộc ông phải CCRĐ giết đồng bào mình. Ông đã sai lầm trong chủ trương chống Mỹ cứu nước trong khi ông cho Phạm văn Đồng ký công hàm bán hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung cộng để đổi lấy vũ khí tiếp liệu gây chiến tranh. Năm 1960 ông HCM đã cho thành lập Mật trận Dân tộc giải phóng Miền Nam có nghĩa là ông ta đã quyết chí đưa nước Việt Nam vào một cuộc chiến tranh đẫm máu mà sự thiệt hại về ai bây giờ chúng ta đã thấy rõ và quá rõ. “Mỹ đi rồi Mỹ lại về”, bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu năm đổ xương máu, tàn phá đất nước không biết bao nhiêu, rốt cuộc rồi cũng đi với Mỹ. Mỹ còn đây mà hai quần đảo có còn không!? Thế là công hay tội?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, môt nhà cách mạng lão thành đã chua chát phê phán trong bài “Hòa giải và hòa hợp dân tộc” :

“Nhưng, lẽ ra, biết mình là nước vừa nhỏ, vừa yếu thì phải tìm mọi cách để không phải đương đầu với cường quốc số một thế giới mới phải. Nhiều nước làm được như vậy nên vừa không phải đánh nhau liên miên mà năm 1945 còn kém xa ta nhưng đã xây dựng được đất nước mạnh giàu hơn ta nhiều lần…

“Mà nghĩ cho cùng, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” để làm gì nhỉ? Đánh cho Mỹ cút rồi lại không thể không rước Mỹ trở lại. Trong khi đó, tổng thống Mỹ nắm tay ông Thiệu, ông Kỳ hay nắm tay ông Duẫn, ông Mạnh cũng thế cả. Xã hội Việt Nam ngày nay tệ hơn nhiều Sài Gòn dưới quyền “Mỹ Nguỵ”. Tham nhũng tràn lan hơn, dân chúng nghèo khổ hơn, xã hội đồi truỵ hơn, con người dối trá hơn…

“Trong bài “Thắp chung nén nhang cho tấm thảm kịch quá khứ” viết  ngày 19 tháng 8 năm 1995, tôi cũng đã viết:“Ai phải chịu trách nhiệm đối với những con số ghê rợn thế này: Phía Việt Nam: 1,1 triệu liệt sĩ; 559.200 thương bệnh binh; hơn 300.000 người mất tích; hơn hai triệu dân thường bị chết; hơn hai triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật vì bom đạn v.v…” (Tổ Quốc số 29 ngày 15-11-2007)

Nhà văn đại tá Nguyễn Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất (15-16)” ông nhận định về cái thành quả của cuộc chiến tranh giải phóng như sau:

“Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào chiến tranh giải phóng nhưng dân tộc việt Nam lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chiụ một số phận nghiệt ngã đến vậy! Một xã hội tan nát, lòng người chĩu nặng những phiền muộn ưu tư, mà là những người đã hết lòng hết sức với kháng chiến bằng cách này hay cách khác”. (Đàn chim Việt online ngày 11-7-2008)

3 - HVT: “Ở hải ngoại có nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều người bới móc về đời tư, đối với một người gìa như vậy, một người đã khuất, theo tôi là không nên, không tốt”.

“Ở đây, tôi xin trả lờì ý: Thứ nhất, một người thông minh như vậy, cao, đẹp trai như vậy mà phụ nữ không yêu mới là chuyện lạ, chứ còn yêu là chuyện bình thường. Phụ nữ họ đâu có mù, mắt họ sáng lắm, nên yêu là chuyện thường…

“Nhưng chính bác cũng có lần khẳng định, đã là con người thì đều giống nhau. Về tâm lý, sinh lý đều giống nhau cả”.

- Vấn đề đời tư của ông Hồ thật ra cũng chỉ là tầm thường như bao người khác, nhưng vì chính ông ta tự tô vẽ cho mình cái hình ảnh gỉa dối nên người ta mới nói đến chớ giáo sư Thịnh cho rằng ở hải ngoại này “bới móc” với dụng ý xấu là  không đúng. Thưa giáo sư, ông HCM là con người của lịch sử, của công chúng thì công chúng có quyền tìm hiểu sự thật và phê phán dù người đó là ai, già hay trẻ, dù còn sống hay đã chết hoặc người đó là thần tượng đi nữa, chắc có lẽ điều này giáo sư là “một nhà sử học” thì biết rõ hơn chúng tôi. Chúng tôi cần biết được sự trung thực dù là một chi tiết nhỏ. Ông HCM có bao người vợ chắc giáo sư cũng đã biết đến tên Tăng Tuyết Minh, Nguyễn thi Minh Khai, Nông thị Xuân… nhưng thêm một cái nữa là ông Hồ đã không dám nhìn con, điều này vị thơ ký riêng của ông Hồ là cụ Vũ Kỳ biết hiện nay anh Nguyễn tất Trung sống ra sao ở Việt Nam.

Cựu đại tá QĐND Bùi Tín, nguyên phó TBT báo Quân đội Nhân Dân và báo Nhân Dân từng có nhiều dịp tiếp xúc với HCM đã trả lời phỏng vấn của Trà Mi:

“Về việc họ ca ngợi đạo đức ông HCM, tôi nghĩ tuổi trẻ cần biết rõ là ông Hồ trong hoạt động cách mạng có sai lầm lớn là gỉa dối nhiều lắm. Một ví dụ đơn giản là ông ta tự viết ra quyễn sách nói về tiểu sử của mình, ký tên là Trần Dân Tiên… trong đó còn ghi là HCM không có vợ con, suốt đời chỉ biết nghĩ đến dân tộc, thế nhưng thật ra, ông ta có nhiều vợ…

“Điều này đã được chứng minh đầy đủ như ông ta cưới bà Tăng Tuyết Minh ở Quảng Châu, có ghi rõ ngày giờ, giấy hôn thú, ảnh và thơ từ cơ mà”. (RFA online ngày 19-5-2007)

Chính vì ông HCM ghi rằng mình “không có vợ con, suốt đời chỉ biết nghĩ đến dân tộc”, tự thần thánh hóa mình một cách dối lừa nên người ta cốt “bới móc” để tìm ra sự thật và vì việc này mà bà Vũ Kim Hạnh TBT báo Tuổi Trẻ bị mất chức.

Giáo sư Hoàng Tranh, một nhà “Hồ chí Minh học” ở Quảng Tây xác nhận với phóng viên Lê Huỳnh đài BBC như sau:

“Thực tế việc ông HCM có người vợ Trung quốc đã được nhiều người dân ngay tại Việt Nam bàn tán từ lâu. Tại Trung quốc, hiện nay người ta nói thoải mái về chuyện này. Có ít nhất là hai bài báo khác đăng trên báo chí phổ thông ở Đại lục cùng với bà Tăng Tuyết Minh”. (BBC online ngày 20-8-2008)

4 - HVT: “Về chuyện “Trần Dân Tiên” thì tôi nghĩ đó là cái bẫy, chị ạ. Có rất nhiều người muốn hạ uy tính của HCM. Tôi không thể trả lời rõ với chị được, nhưng tôi biết chắc là có. Nhiều người khi đó, họ muốn hạ uy tín HCM nên đã đặt ông vào một tình thế “đã rồi”.

-  Việc ông Hồ lấy tên Trần Dân Tiên để tự ca tụng mình mà giáo sư Thịnh không nhận ra được đó là sự thật thì ý ông đang nghĩ gì ngoài sự hiểu biết của ông? Ông HCM sai lầm khi tự tô vẽ cho mình nhưng ông không ngờ được bọn xu nịnh quanh ông họ bảo hoàng hơn vua cho nên tô vẽ ông thêm những cái râu ria quái đảng chết người tạo ra cái phản ứng ngược, giáo sư Thịnh thấy được thì cũng “đã rồi”. Họ không có ác ý hại ông Hồ, họ chỉ có ý nịnh ông Hồ mà thôi, nhất là nhà “thơ nô” Tố Hữu, thế cho nên bọn trẻ con sau nầy “nằm mơ thấy bác Hồ” là không có gì lạ. Hai nhân vật có vai vế trong lịch sử chứng minh ông Hồ có gỉa danh Trần Dân Tiên hay không. Người thứ nhất là cựu đại tá Bùi Tín (đã dẫn chứng ở trên) và nhà văn Phạm Đình Trọng, trong bài “Ăn mày dĩ vãng…” ông viết:

“Ngay sau ngày 2-9-1945, hầu hết người dân Việt Nam ngơ ngác chưa ai biết HCM là ai!… HCM liền tự tay viết sách “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” và ký tên người viết là Trần Dân Tiên. Nhưng những mẫu chuyện kể tưởng như chân thực nhưng vẫn mang không khí huyền thoại, mang cảm hứng anh hùng ca. Trong tập sách đó cũng chính HCM tự nhận là cha gìa dân tộc”. (Đối Thoại online ngày 16-7-2009)

Vì sự giáo dục nhồi sọ, người lớn dạy sao trẻ con nói vậy nên giáo sư Thịnh cũng đừng trách móc:

Hà văn Thịnh: “Trẻ con bây giờ chúng nó cứ thao thao bất tuyệt là “gặp bác Hồ thế này”, “nhớ bác Hồ thế kia”, “nằm mơ thấy bác”.v.v… thì hết sức buồn cười. Chúng nó có biết bác Hồ là ai đâu nằm mơ. Thật vô lý quá tốn kém”.

5 - HVT: “Tôi từng viết trên Tạp chí CS rằng, bác viết “đoàn kết là quan trọng” 8 lần nhắc tới đoàn kết trong Di chúc, mặt khác bác muốn nói rằng, mất đoàn kết là nguy hiểm…”

- Giáo sư nói rằng ông HCM viết “8 lần nhắc tới đoàn kết”, điều này làm tôi nghĩ tới lời ông Bùi Tín nói rằng “ông Hồ gỉa dối nhiều lắm”. Thật vậy, nếu giáo sư nhìn lại lịch sử có thời đại nào mà nhà cầm quyền chủ trương phân chia giai cấp trong nhân dân để rồi kích động họ đấu tố nhau, ngay cả trong gia đình “con tố cha vợ tố chồng”. Đấu tố nhau bằng cả một chiến dịch tàn sát nhau khắp cả miền Bắc (may là lúc ấy ông chưa chiếm được miền Nam) kéo dài suốt ba năm.

Ông Hồ kêu gọi đoàn kết để thành lập Mặt Trận Việt Minh nhưng rồi tất cả những đảng phái quốc gia lần lượt bị ngầm tiêu diệt bằng cách này hay cách khác nhất là Quốc Dân đảng cho là giai cấp tư bản, địa chủ. Cựu trung tá Trần Anh Kim, nguyên tỉnh ủy viên Thái Bình trả lời phỏng vấn ông kể:

“Đến CCRĐ thì người ta quy cho ông tôi là địa chủ và quy cho bố tôi là Quốc Dân đảng. Bố tôi là phó bí thư QDĐ và bác tôi là Bí thư QDĐ. Bác tôi bị bắn luôn. Còn bố tôi thì cương quyết không nhận. Không nhận thì tra tấn, người ta thắt hai dây thừng vào hai ngón chân cái rồi người ta kéo lên sàn nhà, bố tôi đau quá, kêu khóc xin thả xuống. Kêu khóc to quá người ta lấy rơm, lấy rạ nhét vào mồm”. (RFA online ngày 19-5-2006)

Cũng trong chiến dịch CCRĐ ông HCM đã đoàn kết dân tộc như thế nào hãy nghe ông Vũ Cao Đàm trong bài “Một tấm lòng son” nhắc lại lời của ông Trần Xuân Bách, nguyên ủy viên BCT đã bị khai trừ đến chết nhận định:

“Anh luôn nhắc đến ý tưởng hàn gắn vết thương dân tộc. Chúng tôi nhớ mãi một lần anh nói, đấu tranh cho công bằng xã hội là lý tưởng cao cả của các nhà cải cách xã hội, nhưng đáng tiếc, CCRĐ và cải tạo tư sản là hai cuộc vận động đã mắc những sai lầm dẫn tời sự chia rẻ dân tộc lớn nhất trong lịch sử nước nhà”. (Đàn chim Việt online ngày 30-12-2010)

Tiến sĩ Hà sĩ Phu, trả lời phỏng vấn của đài RFI ông nói lên nhận định của mình về cái gọi là đoàn kết nham hiểm của ông Hồ như sau:

“Cho nên không lấy gì làm lạ rằng trong thời gian kháng chiến, các nhà địa chủ, phú nông đóng góp rất nhiều, nhưng khi thắng lợi thì bị đảng CS thanh toán mất cả. Cái gọi là lực lượng thứ ba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như thế thôi. Khi đánh Mỹ thì đoàn kết để huy động, đến lúc thắng lợi rồi thì chẳng thấy chính phủ lâm thời đâu, chả còn thấy lực lượng thứ ba đâu nữa. Cái đoàn kết ấy là cái đoàn kết của những người duy lợi cực đoan, nó không đúng với bản chất của đoàn kết”. ( Người Việt ngày 30-9-2005)

6 - HVT: “Bác biết nhìn và trân trọng người tài thực sự như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bảo Đại, bác vẫn sử dụng. Bây giờ nói sử dụng người tài nhưng tôi biết, nhiều người tài có được sử dụng đâu…

“Chỉ có người tài mới dám sử dụng người tài, còn những người trình độ trung bình thì không dám, thậm chí luôn sợ người tài”.

- Ông HCM sử dụng Bảo Đại và cụ Huỳnh Thúc Kháng là vì muốn lợi dụng uy danh của hai ông ấy nhằm phục vụ trong việc gây bá đồ vương, thực ra với mưu mô của ông Hồ, Bảo Đại đã biết nên có dịp là “thoát thân” để tránh hậu hoạ vì ông biết ông Hồ đối xử với ông như thế nào rồi, chắc chắn là không có thực tâm. Đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng thế không ngoài dụng ý đưa cụ đi làm đặc sứ ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi rồi mất ở đó trong không đầy một năm.

Sau chiến dịch thanh trừng Nhân văn Giai phẫm ông Hồ thanh lọc những ai biết trung thành quỳ luỵ, những ai khác chính kiến thì cho “giản chính” hoặc trù dập khai trừ, thử hỏi những nhân tài thời “đoàn kết” đã ra sao? Xin hãy nghe cụ Nguyễn văn Trấn một cán bộ lão thành cách mạng kể:

“Thế là Nguyễn Hữu Đang bị kết án 17 năm tù, mới được 7 năm thì nghe đâu nhờ có sự can thiệp của Nhân quyền Quốc tế nên anh được tha…

“Ngoài Nguyễn Hữu Đang còn thêm những người này: Phùng Cung, tác giả truyện ngắn: “Con ngựa gìa của chúa Trịnh”, 7 năm tù giam cứu. Vũ Huy Lân

(Bộ Nông Lâm) bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi Đang đi tù, bị giam 7 năm mới tha. Nhà xuất bản Minh Đức bị án 17 năm tù như Đang…

“Trần Dần bị ở tù, Hữu Đang đi lượm bao thuốc lá để đổi lấy cóc nhái của đám con nít, Hữu Loan làm chú thài (Chợ Đệm gọi vậy những người đi thiến heo…).

Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường sống cuộc đời bị bạc đãi, bị tuyệt thông (excommunié)” (Viết cho Mẹ và Quốc hội, trang 279 - 280 - 282)

7 - HVT: “Cái đó thì… thực sự không trả lời được đâu, chị ạ. Nguyên tắc của nhà nước này, chế độ này, bắt người dân phải nghe theo như vậy, nên tôi không thể chống lại điều IV- Hiến pháp được. Tôi là công dân của nhà nước này nên không thể chống lại HP được. Có điều ai cũng muốn tự do dân chủ cả…”

- Giáo sư Thịnh đã ấp úng không dám trả lời làm người hỏi không được thỏa mản vì hiện nay cái điều IV HP này đã bị nhiều người ở trong nước lên án và đòi huỷ bỏ thế mà nhà sử học như giáo sư Thịnh lại không dám đề cập đến thì đó là một điều lạ, hình như ông chưa quen nói thật. Ấy thế mà một nhà trí thức trẻ, bác sĩ Phạm Hoàng Sơn viết trong bài “Bỏ điều 4 HP” đã dám viết như sau:

“Xét trong bản Hiến Pháp hiện nay tại Việt Nam, điều 4 chính là cản trở cơ bản để thiết chế 1 của chính thể dân chủ có thể được tạo lập.

“Đề nghị (đòi hỏi) bỏ điều 4 HP hoặc luật hóa (một bước tiến tới bỏ) điều 4 HP đã được nhiều người đề cập từ nhiều năm qua, trong đó có nhiều đảng viên cao cấp”. (Đối Thoại online ngày 15-10-2007)

Cựu bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn đình Lộc viết trong bài “Đã đến lúc sửa đổi Hiến pháp?” trả lời phóng viên Khiết Hưng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần như sau:

“Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải xây dựng Hiến pháp mới thay Hiến pháp năm 1992 để thể chế hóa đường lối của đảng…

“Nói đến điều 4 HP 1992 chúng ta phải thấy có hai vế: Đảng lãnh đạo nhưng đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và Pháp luật…HP đã quy định thì phải làm cho đúng. Chúng ta phát triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có tính cách khác nhau nhưng HP thường bị quên…Như thế mới thấy tinh thần bảo Hiến tôn trọng HP của Việt Nam chưa có truyền thống”. (Tuổi Trẻ online ngày 8-10-2007

Mới vừa rồi ông Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch HĐND TP Đà Lạt trả lời đài VOA cho biết một số ý kiến như sau:

“Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn văn An, người đã từng là Uỷ viên BCT đảng CSVN hai khóa (8 và 9), và là cựu chủ tịch Quốc hội (2001-2006), đã phát biểu như sau: “Truớc tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa Hiến pháp nhiều lần mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác”.

“Như vậy, có thể nói đảng CSVN đã làm ra tổng cộng 4 bản Hiến pháp, nhưng những bản hiến pháp sau đều kém hơn bản Hiến Pháp 1946…

“Chính vì vậy mà yêu cầu sửa đổi Hiến pháp trở thành một trong những vấn đề bức thiết. Mặc dù các thành phần bảo thủ trong đảng chỉ có ý định sửa đổi một số điều trong bản Hiến pháp 1992 theo kiểu “giật gấu vá vai”, rất nhiều trí thức -  kể cả những người đã từng giữ cương vị lãnh đạo như ông Nguyễn văn An, đều cảm thấy không thể dừng lại ở đấy mà phải tiến hành sửa chữa những vấn đề mấu chốt liên quan đến thể chế chính trị”.(Đàn chim Việt online ngày 2-3-2011)

8 - HVT: “Tốn kém là có thật. Tôi biết điện để làm lạnh cho việc bảo quản thi hài ông bằng điện dùng cho một thị trấn. Với người phương Đông mình, có khi phải chấp nhận thôi. Đã đưa bác vào chôn cất trong lăng rồi, giờ lại đưa ra thì như vậy có tội với người đã khuất vì đã lỡ như vậy rồi. Giờ lại đưa ra thì không ổn. Điều này tôi không tán thành đâu…

“Hơn nữa, nói gì thì nói, dù có những khiếm khuyết, những sai lầm, HCM vẫn là nhân vật lịch sử đẹp nhất trong lịch sử cận đại… Với tôi bác vẫn là người vĩ đại”.

- Có những điều tôi thấy nhà sử học không dám đề cập tới như việc lãng phí trong việc bảo quản lăng của HCM, ông ta nói rất ậm ờ, không phải là lý lẻ của một nhà sử học. Để bảo quản lăng HCM mà phải tốn cả một Bộ tư lệnh canh giữ và điện thì bằng dùng cho một thị trấn và ngoài ra còn nhiếu thứ hao tốn nữa chớ chẳng không. Cái tệ sùng bái cá nhân cho đến ngày nay vẫn còn trong tư tưởng của một giáo sư dạy sử thì thật là lạc hậu. Chính ông HCM cảm nhận được rằng sau khi ông ta qua đời cần phải thiêu xác cho mất tích để người đời không còn trông thấy di tích của ông mà nguyền rủa, sự việc hoàn xác của ông tại lăng gây tốn kém một cách lãng phí thì đó là việc làm có ác ý của cặp bài trùng Duẫn -Thọ. Dù sau, một mai khi chế độ cộng sản này sụp đổ thì chính quyền nhân dân sẽ cho ông Hồ được toại nguyện theo di chúc của ông là thiêu xác để ông sớm siêu thoát về gặp Karl- Marx và giảm bớt gánh nặng cho nhân dân. Theo sự nhận xét của cựu đại tá QĐND Bùi Tín khi trả lời phỏng vấn của Trà Mi thì:

“Đó là theo sùng bái cá nhân của học thuyết chủ nghĩa cộng sản. Trước đây, người ta sùng bái ông Mác, Lênin, Stalin, và đến ông Hồ, xem ông ta là con người tuyệt đối thánh thiện và không có gì sai lầm cả.

“Họ cốt làm việc ấy chỉ để duy trì hình ảnh hợp pháp của đảng Cộng sản trong khi ở thế giới người ta đều biết rõ là chủ nghĩa cộng sản và học thuyết Mác-Lê đã tệ hại ra sao”. (VOA online ngày 18-5-2007)

Và tệ nạn sùng bái cá nhân được nhà thơ Hữu Loan nói lên cảm nghĩ của mình:

“Hữu Loan: Thật ra nếu bên Liên xô không có ông Khơrutsốp lật Xtalin đưa ra phong trào chống sùng bái cá nhân thì bên Tàu không làm gì có Mao Trạch Đông đưa ra chuyện “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng” và bên ta hưởng ứng tức thời bằng phong trào mang tên dịch lại nhãn hiệu Trung quốc “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Tên nôm na của ta là “Chống sùng bái cá nhân”. (Nguyễn văn Trấn-VCMVQH - trang 272)

9 - HVT: “Sai lầm lớn nhất của HCM là nhân hậu. Nếu bác không nhân hậu mà tàn nhẫn như Mao, như Stalin thì người ta đã không thể thao túng bác được và chúng ta đã có sự hợp tác tuyệt vời với Mỹ từ năm 1945-1946 rồi và lịch sử Việt Nam đã khác…

“Cái sai tiếp theo là bản lĩnh thật sự của người lãnh đạo, dám làm những điều mà mình suy nghĩ thì bác chưa có. Như vừa rồi Hữu Loan chết, hay trước đó là những người khác, thật là buồn. Nếu bác có bản lĩnh thực sự thì đã không đến nỗi gây đau đớn, đau khổ cho rất nhiều tài năng của Việt nam”.

- Theo tôi thì ông HCM đã sai lầm nhiều nhưng chắc chắn không sai lầm vì “nhân hậu” mà chỉ sai lầm vì thiếu bản lĩnh. Nhân hậu gì mà khuyến khích những người bần cố nông “phóng tay” giết sạch những thành phần Trí-Phú-Địa-Hào, đào tận gốc bốc tận rể ngay cả những người có công với cách mạng cũng không chừa như trường hợp bà Nguyễn thị Năm tự Cát Thành Long. Theo hòa thượng Thích quảng Độ thì trong chiến dịch CCRĐ có đến 700 ngàn người bị giết, còn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thì khoảng 300 ngàn người, nhưng theo tài liệu chính thức ghi trong “Lịch sử Kinh tế tập 2” có đến 172.008 người bị quy là địa chủ thì trong đó có sai hết 123.266 người (RFA online ngày 15-5-2006)

Chiến dịch CCRĐ vừa xong thì lại đến chiến dịch thanh trừng nữa, đó là đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm. Trong phong trào này HCM đã huỷ diệt không biết bao nhiêu là nhân tài của đất nước và tàn phá cả một nền văn hóa dân tộc.  Qua CCRĐ chúng ta thấy được rằng giáo sư Thịnh nói ông HCM ”không có bản lĩnh” là đúng, ông ta không dám nhận cái sai của chính mình mà chỉ để đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra đọc diễn văn nhận lỗi và còn cách chức mấy người dưới quyền ông ta làm cái việc CCRĐ diệt chủng ấy như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Lương Bằng, Hồ Viết Thắng…

Theo nhận định của ông Lữ Phương, nguyên Thứ trưởng bộ Văn hóa chính phủ Lâm thời CHMNVN thì:

“Những nhược điểm của sự chọn lựa của ông đã bộc lộ thật rõ rệt trong thời xây dựng hòa bình. Đấu tố, cải cách, phá hoại đến tận nền tảng đạo lý dân tộc. Hợp tác hóa: phản bội nông dân về ruộng đất. Chỉnh huấn: bơm máu đen vào cơ thể đảng. Trấn áp, chà đạp trí thức văn nghệ sĩ; phản bội lời hứa về tự do văn hóa. Khoác lác về cái gọi là “dân chủ gấp triệu lần”, nhưng lại đè đầu cởi cổ nhân dân một cách tự nhiên như những cường hào. Làm mất hoàn toàn động lực về phát triển kinh tế qua chủ trương nhà nước hóa toàn bộ hoạt động sản xuất. Nói chung: giam hãm dân tộc trong cái ao tù chuyên quyền độc đoán, lạc hậu nghèo nàn”. (Việt Tide số 14 ngày 19-10-2001)

Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó thủ tướng chính phủ trong bài “Bi thảm khi thiếu độc lập và tự chủ” đã viết về cái hậu quả của CCRĐ như sau:

“Có nơi trói người, đốt ngón tay, đập chết người, thật là dã man..”

“Những sai lầm của CCRĐ đã để lại hậu quả lâu dài cho dân tộc, cho đất nước, là sự hận thù, sự lừa dối, xảo trá, vu khống như: tố điêu, ép cung, bịa chuyện… gây tai họa cho bao gia đình, làm nát đi những truyền thống tốt đẹp về gia đình, họ hàng, làng xóm, mà cha ông ta đã dày công xây dựng hàng nghìn năm”. (Bauxite Việt Nam online ngày 16-11-2010)

Chính ông cựu đại tá Phạm Quế Dương nhận định về đạo đức của ông HCM như sau:

“Cụ Hồ làm nhiệm vụ đấu tranh cho dân tộc ông cũng phải nhờ nước ngoài. Ông về nước cũng phải nhờ bà con nhà giàu. Ông ở nhà thị xã, kêu gọi “Tuần lễ vàng” để lấy tiền của bà con. Đáng lẻ, ông phải cảm ơn người ta mà ông quay lại đánh người ta. Chuyện đó đáng để lịch sử lên án”. (Việt Tide số 44 ngày 17-5-2002)

10 - HVT: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật., 70% gỉa dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm, với Pháp và Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được…

“Sự dối trá đó làm cho sinh viên không thích sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá! Tôi đã viết trên báo Lao Động năm 2005,“Lịch sử theo trang sách học trò”, tôi vạch rõ, dậy sử mà suốt ngày phải nói dối, điều đó đau lòng lắm. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều trí thức ở vào hoàn cảnh nan giải, giữa nói thật và không nói thật”.

- Con người lãnh đạo mà mắc bản chất dối lừa thì làm sao đào tạo được những con người chân thật. Ông ta chủ trương “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” mà ông trồng loại người chỉ có 30% là thành thật còn lại 70% là gỉa dối thì cái hậu quả ngày hôm nay nhân Việt Nam gánh chịu. Nhất là những người làm nhiệm vụ giáo dục đã không dám nói thật mà chỉ biết học nói dối và dậy nói dối một cách không suy nghĩ khiến họ phải khổ tâm như giáo sư Thịnh vì theo lời của cựu trung tướng QDND Trần Độ thì:

“Chế độ này bắt con người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con phải đóng trò, bắt nhiều người gìa phải đóng trò. Đặc điểm này đã góp phần quyết định và việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn gỉa dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp gỉa dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi cay đắng thay!…” (Nhật ký Rồng Rắn - trang 43)

Xin mượn lời nhà trí thức trẻ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn để nói lên cái cảm nghĩ về một thần tượng không xứng đáng:

“Khi cầm quyền cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ gỉa hiệu, có thể nói lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời”. (VOA online ngày 15-9-2010)

© Đại Nghĩa sưu tầm

© Đàn Chim Việt, 20/05/11
http://www.danchimviet.info/archives/34923
 

www.geocities.ws/xoathantuong