“Bác anh minh” và “Mẹ anh hùng”

Caubay
 

“Bác anh minh” và “Mẹ anh hùng”, những trở lực cho sự đoàn kết dân tộc.
 

Dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử đã trải qua bao thăng trầm - vinh quang, hiển hách và nô lệ tủi nhục - đủ cả. Ở sát nách một nước lớn tham lam vô độ như nước Tàu, dân Việt chúng ta sỡ dĩ tồn tại được là nhờ vào lòng yêu nước và tình đoàn kết. Nước Việt dân không đông, đất không rộng, kỹ thuật không vượt trội, thử xem chúng ta có gì ngoài hai thứ “tình” đó để giữ nước?

Về tình yêu nước, đó là thứ tình cảm thiêng liêng tuần hoàn sẵn trong máu mỗi người dân Việt, là di sản tự nhiên mà chúng ta rất may mắn và hãnh diện thừa hưởng của tổ tiên. Các dân tộc khác hẳn nhiên cũng yêu đất nước của họ, không biết đến độ nào, nhưng vì là người Việt, tôi cảm nhận được chúng ta rất yêu quê hương, nhiều vô cùng. Tình yêu nước là “mỏ vàng” vô tận mà tạo hóa đã ban cho giòng giống Lạc Hồng; công việc của chúng ta là khai thác nó. Khai thác như thế nào để có hiệu quả nhất là nhiệm vụ của những người lãnh đạo đất nước, từ vua chúa cho tới mỗi chính quyền của từng thời đại.

Nhưng tinh thần đoàn kết lại không được như thế. Người Việt Nam, tuy không phải là dân tộc duy nhất có nội chiến, nhưng là một dân tộc bị phân hóa khá nhiều. Điều đó khá rõ và cũng dễ hiểu vì chúng ta luôn luôn là nạn nhân của giặc ngoại xâm. Chia để trị là thủ đoạn chẳng mới mẻ gì của bọn xâm lược, từ đông sang tây, từ cổ chí kim. Vậy thì trong khi tình yêu nước có sẵn, tình đoàn kết chúng ta phải tạo ra, phải vun xới mới vững bền.

Lịch sử cho thấy thời nào dân ta có chính quyền sáng suốt, biết phát huy tình đoàn kết của toàn dân, thời đó chúng ta có những trang sử oanh liệt. Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần là một bằng chứng. Qua các giai đoạn dài bị nô lệ đầy tủi nhục, khi nỗi căm hờn đối với kẻ thù dâng cao là lúc tình đoàn kết được phát huy mạnh mẽ. Kết quả là những thắng lợi oanh liệt trong công cuộc chống ngoại xâm, như ba lần đại phá quân Nguyên, đánh đuổi giặc Minh và gần đây trong lịch sử là cuộc Cách mạng Tháng Tám tống cổ thực dân Pháp.

Về cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, trừ người cộng sản, không ai phủ nhận sự thành công đó xuất phát từ những đóng góp to lớn của toàn dân gồm đủ các thành phần giai cấp, tôn giáo, đảng phái. Tiếc thay, từ sau ngày ấy, tinh thần của Cách mạng Mùa Thu đã không được phát huy mà ngược lại, sự phân hóa trong lòng dân tộc đã lên đến tột đỉnh. Điều cần nhấn mạnh là nguyên nhân của sự chia rẽ đó là do sự du nhập Chủ nghĩa Cộng sản vào nước ta. Đó không phải là kết luận võ đoán, hàm hồ mà ngày nay ai cũng dễ dàng kiểm chứng được qua những gì người cộng sản đã gieo rắc trên quê hương.

Thực vậy, người cộng sản Việt Nam đã gây ra vô vàn tội ác, nhưng tội ác lớn nhất và di hại lâu dài nhất là liên tục tạo ra sự chia rẽ trong dân chúng.

Cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua, tuy không phải là nội chiến, vì tự thân người Việt chúng ta không khởi động cuộc chiến tranh đó, nhưng chính người Việt lại chém giết nhau. Sau 37 năm, ngày nay nhiều vết thương của cuộc chiến đó đã lên da non. Những làng mạc bị cháy rụi cây xanh đã mọc lại, nhiều nạn nhân trực tiếp bị đày đọa, bị thương tích nay đã qua đời, và thế hệ mới đã trưởng thành, nhưng sự phân hóa trong lòng dân tộc vẫn còn đó, không nguôi ngoai mà vẫn âm ỉ, lại lan rộng hơn. Âm ỉ vì những người ở hai bờ chiến tuyến trong cuộc chiến năm xưa vẫn không thể hòa hợp. Rộng hơn vì ngày nay sự xung đột về nhiều vấn đề, từ tinh thần đến vật chất, đã lan rộng ra khắp mọi miền đất nước, mọi thành phần dân tộc. Đó là sự xung đột giữa lớp người có đặc quyền đặc lợi dưới sự bảo kê của Đảng Cộng sản và các phần còn lại của dân tộc.

Ngày nay trước họa xâm lăng của giặc Tàu, điều quan trọng để tránh bị diệt vong là phải qui tụ nhân tâm nhằm phát huy tình đoàn kết của toàn dân. Làm thế nào để đạt được điều ấy? Không cần là một chính trị gia lỗi lạc, ai cũng dễ dàng nhận ra chỉ có một con đường là xóa bỏ đi mọi thù hận, xoa dịu các vết thương của nhau để cùng nhìn về một hướng là bảo vệ tổ quốc. Muốn làm được như vậy điều bắt buộc là phải hy sinh quyền lợi cá nhân và phe nhóm, ý thức rằng “tổ quốc trên hết”.

Nói cách khác thông thường hơn, đó hòa hợp và hòa giải dân tộc.

Có một thực tế là ngày nay nhóm chữ “hòa hợp và hòa giải dân tộc” thường bị lên án. Sỡ dĩ như vậy vì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã lạm dụng nó như một chiêu bài nhằm tiếp tục lừa bịp nhân dân, nhất là lừa bịp đồng bào tỵ nạn ở hải ngoại. Họ không có thực tâm hòa giải mà chỉ muốn bòn rút hầu bao của cộng đồng người Việt tha phương, những “con bò sữa” mà họ không tốn một đồng nuôi dưỡng. Điều đó cũng được chứng tỏ qua cách họ đối xử thô bạo với đồng bào trong nước, trong đó có rất nhiều thành phần cũng cần được hòa giải.

Để có hòa hợp hòa giải thực sự hầu “phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân”, theo kiểu nói của người cộng sản, điều thiết yếu là người Việt chúng ta cần nhìn ra những trở lực gì đang tồn tại và làm thế nào dẹp bỏ nó.

Nói về trở lực, lớn nhất chính là hình tượng Hồ Chí Minh.

Về mặt tinh thần, nhân vật Hồ Chí Minh là nguyên nhân của sự chia rẽ trầm trọng, bởi vì có một thực tế không thể chối cãi là trong lòng người Việt, ông ta hoặc là cha già dân tộc, hoặc là tội đồ. Dù sự thật chỉ có một, hoàn cảnh lịch sử của đất nước đã làm cho hai nhận định đối nghịch này vẫn đang tồn tại. Do vậy, mọi hành động nhằm đánh bóng hình tượng Hồ Chí Minh như học tập tư tưởng..., chỉ gây thêm hiềm khích, chia rẽ mà thôi.

Về mặt vật chất, lăng ông Hồ ở Ba Đình là một công trình không chỉ phí phạm tài sản của nhân dân, mà nó còn là một vật cản cho sự hàn gắn các vết thương lòng của người dân. Ngày nay nó như một cục bứu, phá bỏ đi chắc chắn cũng làm đau đớn cho nhiều người, nhưng giữ lại nó lại là một vết hằn trên bộ mặt của quốc gia, gây khó chịu cho nhiều người khác.

Dựng Lăng ông Hồ dù sao cũng là việc đã rồi, phá hủy đi là điều nên làm, tất nhiên sẽ tới nhưng hẳn cũng cần thời gian. Vấn đề là không nên tạo nên các “lăng ông Hồ” khác. Thế mà nhà cầm quyền trong nước lại đang rắp tâm xây dựng một công trình tương tự. Đó là tượng đài “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Theo thông tin chính thức của báo chí trong nước, như Thông tấn xã Việt Nam, tượng đài “bà mẹ anh hùng” được xây dựng từ nhân vật Nguyễn Thị Thứ, một người mẹ của 9 “liệt sĩ”, người đã nuôi dấu nhiều du kích cộng sản tại làng Thanh Quít, tỉnh Quảng Nam, trong thời kỳ chiến tranh vừa qua. Người đàn bà này quả thật có công góp phần đem lại chiến thắng cho chế độ hiện tại nhưng đồng thời cũng là người tiếp tay gây ra tội ác với rất nhiều người dân, cụ thể nhất là người dân xứ Quảng. Những ai ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh đều biết các hoạt động phá hoại gây biết bao nhiêu tang thương cho người dân vô tội do du kích và nằm vùng cộng sản gây ra. Đặc biệt đồng bào tỉnh Quảng Nam có dịp đi lại trên Quốc lộ 1 giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ hẳn không thể nào quên những chuyến xe đò bị gài mìn trên quãng đường ngang qua vùng Thanh Quít. Không đếm hết thường dân gồm cả người già, trẻ em vô tội đã bị chết do mìn, do bị bắn sẻ, bị bắt cóc dọc hai bên quốc lộ. Những “anh hùng” do bà Nguyễn Thị Thứ nuôi dấu trong hầm bí mật bên dưới chuồng bò của bà chắc chắn không ít lần nhúng tay vào máu lương dân này.

Bà Nguyễn Thị Thứ chỉ là người của một phía, công cao với bên này mà cũng nhiều tội ác với bên kia. Vậy thì hôm nay xây dựng tượng đài để vinh danh mẫu người như thế chỉ làm tăng thêm sự rạn nứt, đào sâu mà không hàn gắn những vết thương quá khứ. Cũng như ông Hồ Chí Minh, chỉ là cha già của đảng viên cộng sản Việt Nam chứ không hề là cha già của dân tộc; bà Nguyễn Thị Thứ chỉ là mẹ của du kích cộng sản chứ không thể là mẹ của ai khác, nói gì đến “mẹ Việt Nam anh hùng”! Dùng hình tượng của họ để tiêu biểu cho cả dân tộc không chỉ lố bịch mà còn xúc phạm đến tiền nhân.

Tượng đài “Mẹ anh hùng” với kinh phí khổng lồ là một điều cực kỳ sai trái trong lúc nhiều nơi trên cả nước còn quá nhiều thiếu thốn các cơ sở vật chất thiết thực như trường học, đường sá, cầu cống, bệnh viện... Khi dự định xây dựng những công trình như vậy, rõ ràng nhà cầm quyền cộng sản đã không nghĩ đến tâm tư, lợi ích chung của toàn dân mà chỉ nhằm đề cao thành tích của phe nhóm là Đảng Cộng sản mà thôi. Ngoài phí tổn, xây dựng công trình đồ sộ này sẽ gây tác hại như là cái gai trước tròng con mắt, nó ám ảnh và khơi lại niềm đau thương, thù hận của quá khứ. Phá bỏ một vật cản cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc là lăng ông Hồ đã nhiêu khê, hôm nay lẽ nào lại ngu xuẩn xây dựng lên một vật cản khổng lồ khác?

Mặt khác, trong khi xây dựng lăng ông Hồ và tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng”, người cộng sản lại cố tình phá hủy những công trình khác như Tượng đài Thuyền nhân lại Malaysia hay Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, đều những hành động xúc phạm đến niềm đau của một phần lớn trong dân tộc và tất nhiên gây thêm chia rẽ.

Cho đến nay, tháng 5 năm 2012, dự án xây dựng tượng đài “Mẹ anh hùng” đã được “tạm hoãn” do dư luận phản đối từ nhiều phía ở trong nước; tuy vậy, dự án này vẫn chưa chết hẳn, nó chỉ được đình lại bởi nó không chỉ là công trình nhằm đánh bóng chế độ mà còn là cơ hội kiếm ăn béo bở của những kẻ cầm quyền.

Một “thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” ở miền Nam với một bến Nhà Rồng vô tội xui xẻo bị mang vạ, một lăng Ba Đình hoành tráng đã che lấp ngôi Chùa Một cột lịch sử ở miền Bắc, và nay mai một tượng đài “Mẹ anh hùng” đồ sộ miền Trung - những “của nợ” ấy như những ung nhọt mọc lên thân thể đất nước đã tạo ra niềm đau khôn nguôi.

Ngày nay trước hiểm họa xâm lăng của giặc Tàu, để tạo sức mạnh bảo vệ đất nước, chúng ta cần phải xóa bỏ mọi vật cản gây chia rẽ dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam, vì quyền lợi ích kỷ của họ, chắc chắn sẽ không làm những điều ấy, và do vậy chính họ trở thành “tảng đá” cản đường lớn nhất. Vậy thì việc cần thiết là người Việt Nam chúng ta, dù ở đâu, quá khứ thế nào, phải can đảm đặt lợi ích tổ quốc lên trên mọi lợi ích hay tình cảm cá nhân, triệu người như một hãy hè nhau mà xô tảng đá ấy vào hố thẳm đen tối của lịch sử.

Sau đó sẽ nói phải quấy với bọn giặc Tàu. Chín mươi triệu người Việt Nam với tình yêu nước nồng nàn mà đồng lòng thì ta sợ gì chúng!
________________________________________

Bài do tác giả gởi, đã đăng trên Đặc san Mũ Đỏ và Đặc san Quảng Đà Xuân Nhâm Thìn. Tác giả hiệu đính lại tháng 5 năm 2012.

DCVOnline, Ngày: 17-05-2012
http://dcvonline.net
 

www.geocities.ws/xoathantuong