Một buổi viếng thăm Bác Hồ

Anson Cameron
Người dịch: Phạm Anh Tuấn
 

ac_hochiminh_mausoleum.jpg
Nơi trang nghiêm … lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Photo: AFP

Anson Cameron chứng kiến sự sùng bái nhân vật nổi tiếng trong một lăng mộ ở Hà Nội

Ở khu vực nằm ở bên ngoài cổng dẫn vào lăng Hồ Chí Minh ở Hà nội có một người đàn ông cụt một tay cứ nài nỉ xin được đánh xi đôi giày hiệu Dunlop Volleys tôi đang đi. Anh ta làm điệu bộ cọ cọ cái bàn chải lên đôi giày ra ý cho tôi thấy anh ta sẽ làm công việc đó như thế nào. “Đây là giày vải mà,” tôi giải thích. “Dĩ nhiên là anh không thể đánh xi loại giày này được rồi.” Người đàn ông đó vẫn nhất quyết không rời mắt khỏi đôi giày, cứ như thể đó là một ngọn núi anh ta sắp trèo lên. Làm sao mà một người lại bị mất một cánh tay thế này nhỉ? Anh ta từng là một anh Bộ đội Cụ Hồ? Anh ta đã tham chiến trong cuộc chiến tranh của người Mỹ? Nếu đúng vậy thì anh ta bị đối xử thật tệ bạc sau chiến thắng; ngày ngày dành giật mạng sống của mình trước những người lính ngoại bang chỉ để rút cục phải đi đánh giày cho họ.

Lúc tôi bắt đầu đứng vào dòng người xếp hàng dài cỡ một cây số để vào thăm Bác Hồ thì người đánh giày cụt tay đó và tất cả những người bán hàng rong đều tản đi chỗ khác, họ bị cấm bán hàng ở nơi tôn nghiêm này. Thời tiết ban ngày nóng và ẩm, phụ nữ Việt Nam đeo khẩu trang để da không bị cháy nắng. Máy ảnh và nước đóng chai bị bảo vệ thu. Những người lính trẻ trong quân phục màu trắng đứng sát cạnh nhau, mắt họ nhìn như dán chặt vào những ai có hành vi không nghiêm túc và gây cho chúng tôi cảm giác về sự trang nghiêm đòi hỏi phải có khi gặp con người vĩ đại này. Dòng người di chuyển chậm chạp, mọi người mồ hôi nhễ nhại, miệng thở hổn hển, không cười nói.

Đây là nơi năm 1945 Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi người Pháp chuẩn bị quay lại. Bằng trí nhớ ông đã “mượn” những dòng mở đầu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng … những quyền không ai có thể xâm phạm được … đại loại như vậy. Trong 20 năm trời ông đã chiến đấu chống lại đất nước đó (và cả đất nước chúng ta nữa) vì nền độc lập. Ông đã đánh thắng người Pháp nhưng đã qua đời trước khi nước Mỹ thua trận. Mặc dù ông mất năm 1969, song công bằng mà nói có thể cho rằng thắng lợi nói trên là thuộc về ông. Bởi ông đã sống và học hỏi tại Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô rồi mới quay trở về Việt Nam để lãnh đạo phong trào dành độc lập.

Lăng của ông Hồ là một kiến trúc kiểu đền Parthenon bằng đá màu sẫm mô phỏng theo lăng Lê Nin của Liên Bang Sô Viết. Bước vào bên trong lăng rút cục thoát khỏi cái nóng và còi xe cộ inh ỏi của Hà Nội, không khí trở nên rất lạnh và bạn không ngạc nhiên khi thấy những vệt hơi nước đọng ở bản lề cửa. Dòng người di chuyển chậm dọc theo một hành lang tối xây bằng đá màu đen để đi vào căn phòng rộng nơi đặt di hài của ông Hồ. di hài của ông được đặt trong một hòm kính lớn có khung màu đen. Di hài ông được vận quần áo giản dị, một nửa cơ thể lún xuống lớp lụa ở dưới, đèn rọi ánh sáng điểm dìu dịu làm cho khuôn mặt và hai bàn tay của ông có màu vàng nhợt.

Ở một góc phía trên đầu ông có treo lá cờ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góc bên kia là lá cờ búa liềm. Quả là kỳ quặc khi nhìn thấy tại đây biểu tượng của những ông chủ cấp viện và kiến trúc sư ngày xưa của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, giờ đây người Nga đã từ bỏ làm cách mạng và họ đi lại bằng máy bay phản lực riêng và sở hữu các câu lạc bộ bóng đá của nước Anh.

Chúng tôi được các bảo vệ giục đi khẩn trương thành hàng lối vòng xung quanh hòm kính như thể ông Hồ là một ảo ảnh phải nhìn thật kỹ mới thấy. Mà có lẽ cũng thế thật. Việc ướp xác đã được thực hiện bởi bác sĩ người Liên Xô Sergei Debrov và phải mất một năm mới hoàn thành. Các chuyên gia ướp xác của Liên Xô đến nay hình như vẫn giữ khư khư công thức giống như công ty Coca-Cola đang làm với công thức pha chế của họ. Họ chẳng cần thiết phải làm điều đó làm gì bởi vì công thức của các chuyên gia Liên Xô không phải là được làm cho hoàn hảo và chắc chắn là không có thuốc giải độc nào có tác dụng vĩnh cửu. Tóc của ông Hồ nom không mịn còn da ở tai thì trông như sáp. Nghe nói đã có lần mũi của ông bị thối rụng còn râu thì bị rụng. Hiện nay người ta đã khôi phục mũi và râu trở lại như cũ, song diện mạo của ông Hồ trông sáng bóng là do một loại mỡ nào đó và trông nó giả tạo giống như tượng sáp các nhân vật nổi tiếng ở bảo tàng Madame Tussauds [tại London].

Điều gây cho tôi băn khoăn nhất là nom di hài của ông quá cao lớn. Tất cả các thước phim và bức ảnh về ông đều cho thấy một người đàn ông nhỏ nhắn. Có lẽ là do tác dụng của ánh sáng, dịp có thể coi là duy nhất này, thời gian chờ đợi, không khí im ắng tôn kính, nhưng dù sao thì nom ông dường như cao lớn hơn lúc bình sinh, như thể những người làm tiểu sử về ông đã dùng đến những chiếc bơm xe đạp.

Bảo vệ giục chúng tôi không được dừng lại, chúng tôi nhanh chóng ra khỏi nơi đặt di hài của ông Hồ. Trở ra đến bên ngoài trời sáng sủa, tôi nhận thấy cảm giác hoài nghi của tôi không phải được tất cả mọi người chia sẻ. Nhiều người Việt Nam trông vẻ mặt nghiêm trang, một số lặng lẽ khóc. Bất cứ một con người vĩ đại nào được quàn theo nghi thức trọng thể chỉ trong 40 năm thôi cũng chỉ là một anh chàng thanh niên giữa những vị thần bất tử và phải được hiểu là con người đó có một ảnh hưởng mong manh đối với những người đang tại vị. Khi tình hình chính trị của thế giới thay đổi thì người nằm trong lăng cũng thay đổi theo và không có cách ướp xác nào có thể cưỡng lại điều đó. Thời gian Mao nằm trong lăng ở Quảng trường Thiên An Môn nghe nói sắp đến hồi kết thúc. Nhiều trí thức hàng đầu tại Trung Quốc đã nói “đã đến lúc sự sùng bái vô lý này phải chấm dứt”. Còn Stalin thì bây giờ đang ở đâu, cái hi hài của con người đã có thời được bảo quản bên cạnh thi hài của Lê Nin ấy? Nó đã được đưa mau lẹ tới một ngôi mộ nằm lẫn giữa những ngôi mộ các lãnh tụ kém quan trọng hơn dưới chân bức tường của điện Kremlin. Một cuộc lưu đày của cái xác ướp không có ngay cả sự đảm bảo sẽ thối rữa chính là để kết thúc sự nhục nhã của ông ta.

Nhưng ở Việt Nam một sự sùng bái cá nhân vẫn còn đang bao quanh Bác Hồ. Chân dung của ông có mặt trên mọi tờ giấy bạc và rất nhiều tòa nhà công cộng. Quan sát người dân Việt Nam khi vào thăm ông Hồ thì sẽ hiểu ông ấy lúc này vẫn bình an vô sự.

Trên đường đi ra khỏi khu vực lăng, chúng tôi tham quan ngôi nhà cũ nơi Bác Hồ từng sống tại đó. Một tấm biển ở nhà để xe của ông ghi thế này: “NHỮNG CHIẾC XE ĐÃ QUA SỬ DỤNG CỦA HỒ CHÍ MINH” cứ như thể ông cụ đã từng sở hữu một lô xe cũ để bán cho những tay non nớt. Bên trong nhà để xe có hai chiếc kiểu dáng xấu xí do Liên Xô sản xuất và một chiếc Peugeot nom tồi tàn. Không có Mercedes 770 mui trần dành cho Bác Hồ. Nhìn những chiếc xe trông chán chết này tôi bỗng hiểu rằng nơi này và bất cứ nơi nào khác cũng vậy là điểm đầu mối giúp ta hiểu được con người thực của Hồ Chí Minh ngoài đời. Trong nhà xe của ông không có chiếc xe ngựa của nhà độc tài, chỉ có vẻn vẹn ba chiếc xe hơi cũ. Điều này lý giải vì sao ông vẫn tiếp tục sống trong trái tim của dân tộc ông.

Thế nhưng, nếu chủ nghĩa cộng sản đã thực hiện được lời hứa của nó là nó phục vụ người lao động chứ không phải phục vụ một tầng lớp cai trị giàu có ở bên trên, khi ấy người Việt Nam sẽ không xếp hàng để vào thăm một Con người Vĩ đại ở trong lăng như bây giờ. Lăng tẩm ở Việt Nam sẽ chứa vô số những xác ướp của người vô sản để cho mọi người vào tham quan. Thay vì giai cấp vô sản cụt tay đứng đợi ở cửa ra vào để xin việc làm trong lúc mắt không rời đôi giày thể thao của tôi.

“Để tôi đánh xi cho bóng. Để tôi đánh xi cho bóng,” anh ta cố nài nỉ. “Không. Thôi hãy cầm tạm ít tiền vậy.” Nhưng cho người đàn ông đó tiền có nghĩa là bắt đầu khởi động quá trình giao dịch. Anh ta quỳ xuống trước mặt tôi rồi đặt cái túi xuống đất. OK, tôi nhượng bộ.

Nhiều khách du lịch dừng chân bấm máy chụp vụ giao dịch điên rồ này. “Nhìn kìa, Shirley. Nhìn đi. Chắc chắn tay người Úc đang mất toi tiền để cho gã đần kia làm hỏng đôi giày.” Người Lính Vô danh của ông Hồ phết xi đen rồi dùng miếng giẻ để lau thật lẹ rồi sau đó dùng bàn chải để đánh đôi giày hiệu Volleys của tôi, cố gắng đạt được kết quả nào đó khiến anh ta hài lòng rằng mình đã giữ đúng lời hứa lúc mặc cả.

Công việc anh ta đang làm là một công việc bình thường. Và nó sẽ chẳng bao giờ hết khách chừng nào mà Bác Hồ vẫn còn nằm yên nghỉ trong ánh hào quang vàng nhợt nhạt như màu sáp, được tôn thờ như là người khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Anson Cameron/ Sydney Morning Herald
Ngày 2 tháng 4 năm 2011

http://anhbasam.wordpress.com/
 

www.geocities.ws/xoathantuong