TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


TỆ NẠN PHE PHÁI BÊNH VÀ BAO CHE
NHAU TRONG NỀN CÔNG LÝ MỸ

Nền dân chủ Mỹ được coi là một trong những nền dân chủ hàng đầu của thế giới. Hiến pháp Mỹ được mọi người công nhận là một mẫu mực cho một chế độ dân chủ và là nguồn cảm hứng tạo nên hiến pháp ở những quốc gia khác trên thế giới. Ðiểm mấu chốt trong hiến pháp Mỹ là đề cao nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng đó là trên giấy tờ văn bản thôi, dần dà qua năm tháng, người ta thấy khi có những người trong hệ thống pháp luật Mỹ vi phạm luật thì hệ thống pháp lý Mỹ tìm cách bênh vực và bao che cho những người này. Ðiều có có làm cho guồng máy luật pháp Mỹ thêm vững mạnh hay tạo ra sự bất công dần dà làm suy yếu tinh thần thượng tôn luật pháp của nhân dân? Ðây là một vấn đề khá hiểm hóc và tế nhị không được đào sâu và tìm hiểu từ trước đến nay cho nên ngày càng gây ra sự bất mãn và làm suy yếu nền công lý nước Mỹ. Một sự phê phán thẳng thắn không vị nể hy vọng sẽ làm cho vấn đề sai trái này được phơi bày và từ đó nhà nước Mỹ sẽ có phương cách chấn chỉnh để làm cho nền dân chủ Mỹ công bình và hợp với lẽ phải, hợp ý trời và thuận với lòng người nhiều hơn.

Người ta chưa ai quên vụ án Rodney King ở Los Angeles. Năm 1991, có vụ án bốn cảnh sát viên da trắng đánh đập tàn nhẫn một thanh niên lái xe da đen tên Rodney King. Cảnh đánh đập tàn nhẫn dã man này không may được một người ở trong khu vực quay video dài 81 giây đồng hồ và sau đó được phổ biến lên tất cả mọi kênh truyền hình để mọi người cùng nhìn thấy. Bồi thẩm đoàn nghị án 4 cảnh sát viên và sau đó quyết định 4 cảnh sát viên này vô tội. Ngay sau khi bản án vô tội được công bố ra thì cả thành phố Los Angeles nổi loạn, đa số là do người da đen chủ xướng vì họ phẫn nộ trước chuyện 4 cảnh sát viên da trắng đánh đập một người da đen một cách tàn bạo, thế mà lại được trắng án ! Cả thành phố Los Angeles biến thành một biển lửa, súng nổ khắp mọi nơi, lửa cháy tứ bề. Los Angeles như một thành phố đang bị bỏ bom. Sau đó thì 4 người cảnh sát bị đem ra xử lại và kỳ này thì mỗi người cảnh sát bị đưa vào tù để lãnh vài cuốn lịch vì tội đánh người trái phép. Người ta nghi ngờ quyết định tha bỗng của bồi thẩm đoàn lúc đầu đã có sự lèo lái và giật dây của những người trong hệ thống pháp luật. Nhìn thấy chuyện này mới thấy hệ thống bồi thẩm đoàn của Mỹ chưa chắc là một phương cách hợp lý để giải quyết  chuyện vi phạm luật pháp. Phương cách dùng bồi thẫm đoàn để giải quyết một vấn đề pháp lý chỉ có công bình và hiệu quả tối đa khi bồi thẩm đoàn không bị lèo lái và chi phối bởi những thế lực điều hành luật pháp từ bên trên. Người ta bênh vực 4 cảnh sát viên đánh đập người sai trái chỉ vì 4 cảnh sát viên này là người của hệ thống luật pháp. Khi bênh vực và bao che như thế, những phe phái trong luật pháp nghĩ rằng họ sẽ bảo vệ cho guồng máy chính quyền được vững chắc thêm, nhân viên trong hệ thống luật pháp của họ không thể làm chuyện sai trái. Phản ứng của những người dân da đen nổi dậy đốt cả thành phố Los Angeles năm 1991 cho thấy họ đã sai lầm khi cố tình bao che những người trong hệ thống luật pháp làm bậy. Cái giá phải trả là trên 50 người bị giết trong cuộc nổi loạn này và cả trăm căn phố bị tiêu hủy, thiệt hại lên đến cả trăm triệu dollars. Nhưng thiệt hại nặng nhất là niềm tin, người dân cảm thấy không còn tin hoàn toàn vào sự công bình thẳng thắn của nền luật pháp Hoa Kỳ. 

Chuyện thứ hai là cách đây không lâu có chuyện ông Chánh án tên Kline ở quận Cam (Orange county). Ông này lên Internet tìm cách liên lạc để trao đổi và mua những hình con nít khiêu dâm. Không may cho ông, ông gặp phải một cảnh sát chìm giả dạng bán hình khiêu dâm trẻ em.. Từ địa chỉ email của ông, cảnh sát truy ra địa chỉ nhà và đã vào nhà ông lùng sục ổ cứng của máy computeur của ông. Cảnh sát tìm thấy những hình ảnh khiêu dâm mà ông đã thâu thập được trong máy. Vụ án được đưa ra tòa. Người ta sửng sốt khi thấy một ông chánh án liên bang ngồi xử vụ này, đã không công nhận những tang vật hình khiêu dâm lấy từ computeur của ông Chánh án Kline là tang vật hợp pháp! Ông chánh án liên bang làm như thế để bênh vực ông chánh án Kline, vốn là một người đồng hội, đồng thuyền với ông trong hệ thống tòa án Mỹ. Nếu là một công dân thường có những tang vật như ông chánh án Kline thì coi như tàn đời ,vì đây là những bằng chứng không thể chối cãi về chuyện trao đổi, mua bán hình ảnh khiêu dâm trên Internet. Ông Kline vì làm chức chánh án nên được một ông tòa liên bang dành nhiều cảm tình nồng hậu và phủ nhận những tang chứng rành rành có trong máy computeur. Xem chuyện này thì mới thấy sự công bình trong tòa án Mỹ là chuyện chỉ ghi trên giấy tờ và những thực tế phũ phàng đã cho thấy sự  bao che có tính cách phe phái một cách sai trái của quan tòa Mỹ. Chỉ có dân ngu, cu đen là bị luật pháp chiếu cố tận tình khi phạm phải những điều sai trái còn khi chánh án vi phạm luật một cách rõ ràng thì lại được đối xử nhẹ nhàng dễ chịu. Ðây là một sự bất công cần phải được dẹp bỏ để nền công lý Mỹ mới tạo được sự tôn trọng và kính nể của người dân.

Chuyện thứ ba là chuyện chị Bích Câu bị một cảnh sát viên Mỹ trắng bắn chết ở San Jose. Tin tức mới nhất cho biết Bồi thẩm đoàn đã nghị án và tuyên bố không truy tố người cảnh sát viên này. Có lẽ hệ thống luật pháp Mỹ đã nhìn thấy phản ứng yếu ớt của Cộng đồng Việt nên đã tìm cách, bằng cách này hay cách khác, lèo lái và “ chỉ thị” cho bồi thẫm đoàn đi đến quyêt định miễn tố người cảnh sát bắn chết chị Bích Câu. Ai cũng biết là chị Câu chỉ cầm một con dao gọt trái cây nhỏ và không có hành động gì tấn công người cảnh sát khi ông ta vào nhà. Chuyện ông dùng súng bắn chết người phụ nữ Việt Nam này là một chuyện làm quá đáng và đáng bị xử tội, dù là hình phạt nhẹ. Một lần nữa hệ thống luật pháp Mỹ đã tìm cách bênh vực và bao che cho chuyện làm sai trái của người cảnh sát viên này. Nhưng làm như thế, người ta sẽ nhìn luật pháp Mỹ với cặp mắt màu đen thiếu thiện cảm và nếu hệ thống luật pháp Mỹ cứ tiếp tục bao che những hành vi sai trái của những nhân viên trong hệ thống, sự bất công sẽ lớn dần theo ngày tháng và khi sự bức xúc không còn kềm hãm được thì sẽ có chuyện biến động không hay xảy ra.

Quê hương Việt Nam đang có những biến động từ sự tranh đấu hào hùng của Phật giáo Việt Nam thống nhất. Bạo quyền Cộng sản trước sau gì cũng bị quật đổ. Một chế độ dân chủ, khai phóng sẽ được hình thành trong tương lai cho một nước Việt Nam mới. Có những người Việt Nam vọng ngoại muốn bê nguyên hệ thống luật pháp Mỹ về để dựng lên ở Việt Nam vào thời kỳ hậu cộng sản. Nhưng như đã phân tích ở trên, guồng máy luật pháp và nền công lý của Mỹ cũng có những điểm tệ hại của nó như chuyện phe phái bênh và bao che cho nhau những chuyện làm sai trái. Cho nên thể chế tự do dân chủ ở Việt Nam tương lai là một sự gạn lọc những điều hay lẽ phải ở hệ thống dân chủ Tây phương nói chung và Mỹ nói riêng, cọng thêm với những tinh hoa của nền văn hóa, cùng luật lệ cổ truyền  của dân tộc thì mới mong tạo dựng nên một chế độ dân chủ công bằng, hợp với lẽ phải và nguyện vọng của toàn dân.
 

Lawndale, một trưa nóng nực giữa tháng 11- 2003
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG

 
Hosted by www.Geocities.ws

1