TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


SỰ BẠC BẼO VÔ TÌNH ÐỐI VỚI MẸ 
CỦA NGƯỜI CON GÁI LAI MỸ TỪ ÐÀ NẴNG


(Riêng tặng Heidi Mai thị Hiệp và những đứa con bất hiếu khác bội bạc với cha meï)
   
    Cuốn phim tài liệu “ Người con gái từ Ðà Nẵng “ ( A daughter from Danang ) là một phim hay và có giá trị. Phim này đoạt giải Grand Jury của Liên Hoan Ðiện Aûnh Sundance và được tuyển chọn vào trong những phim dự thi của giải Oscar nhưng không thắng. Phim kể chuyện về một người con gái lai Mỹ, rời Ðà Nẵng năm 7 tuổi trong một chương trình di tản mang tên “ Kế hoạch bốc trẻ em “ ( Operation Babylift ). Sau khi ở Mỹ 22 năm, cô con gái lai Mỹ này về Ðà Nẵng để gặp lại mẹ. Cuộc gặp gỡ trùng phùng mừng mừng tủi tủi này, sau một tuần sum họp bên nhau, trước những yêu cầu trợ giúp từ người mẹ, cô con gái lai Mỹ này đã biểu lộ sự bực bội khó chịu khi nghe lời đề nghị lo lắng và phụng dưỡng cho mẹ. Cuộc hội ngộ tưởng sẽ dấy lên nhiều hy vọng và ước mong cho mẹ và con lại trở nên đầy tràn sự căng thẳng và hiểu nhầm vì sự cách biệt văn hóa giữa người con gái lai Mỹ và gia đình ngày càng lớn dần lên. Liệu nền văn hóa Mỹ nơi cô lớn lên đã tạo cho cô cách ứng xử bạc bẽo và vô tình này hay cô cũng chỉ là một sự chấn thương còn sót lại của cuộc chiến tranh Việt Nam? Sự giải đáp câu hỏi này không đơn giản vì nó bao gồm nhiều yếu tố phong tục, văn hóa, sắc tộc, địa dư và hoàn cảnh riêng tư của người trong cuộc.

    Cuốn phim cho biết có một người đàn bà tên Mai thị Kim ở Ðà Nẵng. Bà có 3 con, chồng bà đi vào bưng theo Việt Cộng. Bà được bạn bè giới thiệu đi làm việc ở một căn cứ quân sự Mỹ và từ đó có quan hệ tình cảm với một quân nhân Mỹ. Rốt cuộc bà mang thai và khi bào thai được 4 tháng thì người quân nhân Mỹ này lên đường về nước. Ðứa bé gái được sinh ra, vì không có cha nên bà lấy họ mẹ đặt cho bé và bà đặt tên bé gái là Hiệp, có nghĩa là “ hiệp thông “, liên hiệp  với mẹ. Mai thị Hiệp ra đời như bao nhiêu đứa con lai Mỹ ở Việt Nam, ra đời không phải trong  một không khí hân hoan vui vẻ mà ra đời trong tâm trạng bẽ bàng của người mẹ trước sự dị nghị của hàng xóm, láng giềng. Năm ấy là năm 1968. Vào những ngày trước tháng 4 năm 1975, bà nghe tin đồn là khi Cộng sản vào thành phố, chúng sẽ gom lại những đứa con lai Mỹ rồi tẩm xăng và đốt. Vì quá lo sợ cho tính mạng của con, bà đem bé Hiệp đến một văn phòng thiện nguyện của người Mỹ nhờ họ giúp cho bé di tản. Bà đẩy con đi để cứu con chứ không phải đẩy con đi để trút bỏ một gánh nặng. Lúc đưa Hiệp cho người nữ nhân viên hội thiện nguyện, bà thắc mắc hỏi sao hội không đưa cho bà giấy tờ nói rõ chuyện Hiệp sẽ đi về đâu, nếu không đưa cho bà giấy tờ thì làm sao bà kiếm được lại con trong tương lai ? Người nữ nhân viên thiện nguyện chỉ trả lời là khi người Mỹ trở lại, bà sẽ có lại đứa con. Bà ở lại nuôi ba đứa con của người chồng cũ, nhưng bà phải đẩy Mai thị Hiệp  đi di tản vì sợ đứa con gái lai Mỹ này sẽ bị cộng sản giết. Từ lúc đẩy bé Hiệp đi, không lúc nào bà không nhớ đến bé. Cuộc sống càng khó khăn, đau khổ thì bà lại càng nhớ đến Hiệp nhiều hơn.
   Sau khi đến Mỹ, Mai thị Hiệp  được một phụ nữ không chồng bảo lãnh và Hiệp về sống ở vùng Columbia, South Carolina rồi sau đó dọn về vùng Pulaski, Tennessee. Mai thị Hiệp  được đổi tên là Heidi Bub. Sau này Heidi có viết một bài văn nói đến chuyện bà mẹ nuôi người Mỹ đối xử rất khắt khe với cô. Bà tỏ vẻ khó chịu khi Heidi hẹn hò với bạn trai và về nhà quá khuya. Có một đêm, sau khi làm việc, cô đi hẹn hò và về nhà quá trễ. Bà mẹ nuôi đóng cửa nhà không cho cô vào. Cô phải đến nhà bạn để ngủ qua đêm. Khi cô lên đại học thì bà mẹ nuôi tuyên bố đuổi cô ra khỏi nhà. Cô tìm cách viết thư hàn gắn tình cảm với bà nhưng không thành công. Heidi cảm thấy chán nản và buồn rầu nhiều trong thời gian này. Trong ý nghĩ của cô, trời đã dành quá nhiều bất hạnh cho cô: mẹ đẻ bỏ rơi cô khi cô còn nhỏ và mẹ nuôi tống cổ cô ra khỏi nhà. Cô sống nhờ bạn bè lúc đầu, sau đó kiếm việc làm trong khi đi học đại học. Cuối cùng cô lấy chồng là một bạn trai hồi trung học và có 2 đứa con gái. Chồng cô là một quân nhân.

  Cô bắt đầu liên lạc những văn phòng con nuôi để tìm mẹ ruột, trong khi mẹ ruột cô là bà Mai thị Kim cũng bắn tin qua Mỹ để tìm đứa con gái lai Mỹ mà bà đã đẩy đi Mỹ năm 1975. Cuối cùng hai mẹ con đã bắt được liên lạc với nhau.

 Ngày 23 tháng 3 năm 1997 cô quyết định về thăm mẹ ở Ðà Nẵng. Ði cùng với cô là đoàn quay phim và họ đã ghi lại những hình ảnh đoàn tụ mừng mừng tủi tủi thật cảm động giữa hai mẹ con tại phi trường Ðà Nẵng. Vài ngày sau cũng là những ngày chuyện trò tíu tít để bù lại 22 năm xa cách giữa bà mẹ và đứa con gái lai Mỹ. Khi gia đình hỏi về chuyện tiền bạc thì Heidi đã bắt đầu tỏ vẻ khó chịu. Nhìn thấy nếp sống khổ cực của mẹ và gia đình, cô cũng cảm thấy áy náy khi nghĩ đến cuộc sống sung túc, tuyệt vời  của cô với chồng và hai con ở Mỹ. Bà mẹ nói thẳng ước muốn của bà là bà muốn qua Mỹ để sống những ngày còn lại cuối đời. Ông anh trai cùng mẹ khác cha nói cho Heidi biết là trong thời gian Heidi xa gia dình thì anh và chị của Heidi đã khổ cực lo lắng cho mẹ, và giờ đây là lúc Heidi phải nhận lấy bổn phận lo cho gia đình. Heidi cảm thấy lạc lõng khi nghe như thế, cô cảm thấy bị áp lực và không còn nghĩ  sự đoàn tụ sau bao ngày xa cách có ý nghĩa gì nữa không như cô đã tưởng. Sự vui mừng đoàn tụ giờ đây nhường chỗ cho sự khó chịu và bẽ bàng. Ðối với cô thì chuyện gia đình mong mỏi cô gánh vác giống như một thứ đổi chác khi cô trở về nhà. Heidi cảm thấy mình không có trách nhiệm gì cả. Heidi đồng ý là mình khá giả hơn gia đình ở Việt Nam nhưng rồi gia đình cô còn phải đối phó với chi phí chi tiêu gia đình, tiền nợ, và những nhu cầu hàng ngày của chồng cô và hai con.

 Khi trở về Mỹ sau cuộc viếng thăm mẹ, Heidi vui mừng thấy lại chồng và hai con và cô không muốn nghĩ gì về những chuyện ở Việt Nam nữa. Mục đích của chuyến đi coi như vượt ngoài giới hạn thảo luận giữa cô và chồng cô vì cô chưa sẵn sàng để phô bày tất cả những cảm xúc lẫn lộn ra bên ngoài. Về lại Mỹ, cô cũng không tìm cách liên lạc với mẹ vì cô cảm thấy cảm xúc bị thương tổn còn quá mới mẻ. Cô cũng không biết bao lâu nữa để giải quyết chuyện nhức đầu nói trên, nhưng cô biết là phần cô cần một số thời gian và kiên nhẫn.

  Cô đưa ra lời khuyên cho những ai muôán tìm lại cha mẹ ruột là người con phải tìm hiểu phong tục, tập quán và đời sống của cha mẹ trước ngày đoàn tụ để khi gặp nhau tránh khỏi chuyện đau đớn và bất bình. Cô ân hận là đã quá vội vã để đi đoàn tụ với mẹ nên đụng phải sự hiểu lầm và hối tiếc về mặt tình cảm. Ðoạn cuối cuốn phim, Heidi nói một câu lửng lơ, bạc bẽo  để diễn tả mối liên lạc giữa cô và mẹ như sau, “ Tôi đóng cửa nhưng không khóa “ ( It’s closed, but it’s not locked). Câu nói này cho thấy Heidi chưa muốn cắt đứt hoàn toàn liên lạc với mẹ nhưng cô không muốn liên hệ nhiều với mẹ vì sợ phải giúp đỡ mẹ. 

   Nhìn thấy thái độ từ khước giúp đỡ mẹ của Heidi, bà Kim tỏ ra buồn bực, thất vọng trên nét mặt và người coi phim cảm thấy bùi ngùi thương hại cho người mẹ bất hạnh kém may mắn này. Bà nói chuyện con cái giúp đỡ cha mẹ là chuyện thường tình ở Việt Nam. Bà hiểu là Heidi lớn lên trong xã hội Mỹ, bị ảnh hưởng bởi lối sống và văn hóa Mỹ nên mới có thái độ miễn cưỡng khước từ chuyện giúp mẹ  như thế. Bà nhận xét như thế là đúng vì nền văn hóa Mỹ nói riêng và văn hóa Tây phương nói chung đều không tạo ra cái tinh thần và nếp sống con cái phải lo lắng và phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Heidi là sản phẩm của nền văn hóa Mỹ nên cách đối xử bạc bẽo vô tình của cô đối với mẹ cũng là lối hành xử thông thường của đại đa số người Mỹ đối với các bậc sinh thành.

    Học giả Nguyễn hiến Lê, dù cả cuộc đời chưa ra sống ở ngoại quốc, nhưng liên hệ nhiều với bạn bè sống ở nước ngoài nên ông cũng có những nhận định chính xác về lề thói  con cái ở Tây phương đối xử bạc bẽo với cha mẹ khi cha mẹ về già. Ông ghi lại điều này trong Hồi ký của ông như sau:

    “  Người Âu Mỹ lớn rồi thì ra ở riêng, có khi cả tháng, cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già thì đưa vào nhà dưỡng lão. Một ông già nọ bước chân vào nhà dưỡng lão, quay lại nhìn đứa con trai, nghe nó dặn nhỏ: Ba đừng nói hở tên gia đình mình ra nhé”. Mỗi vụ hè có hàng ngàn người ở Paris đem cha mẹ lại gởi một bệnh viện rồi hết hè, họ “ quên” không tới đón về, bỏ mặc cho chính phủ làm gì thì làm. Mấy ông bạn tôi ở Pháp đều phàn nàn về lòng bạc bẽo của con cái, nhất là những đứa con trai có vợ ngoại quốc. Mười đứa thì có tới chín đứa không nuôi cha mẹ. Tôi mới nghe nói vợ một học giả quá cố Việt Nam rất có tiếng tăm, chỉ có mỗi một người con gái có chồng Pháp vào hạng khá giả, mà bị con gái hất hủi, cấm không cho vô nhà chỉ vì làm phiền vợ chồng nó thôi; và bà cụ đã gần tám mươi tuổi đành phải lại ở nhờ một người cháu, không biết được bao lâu và sẽ bị cháu đuổi nữa không?

  Văn minh Âu tây tuy có những nét rực rỡ thật, có những hội bênh vực quyền làm người, cả quyền của loài vật nữa, nhưng như vậy không thể gọi là văn minh kiểu mẫu, trừ khi, như nữ sĩ Pearl Buck nói: Kiểu mẫu đó là chủ nghĩa cá nhân.” 
               ( Hồi ký Nguyễn hiến Lê trang 167, 168, tập 2
                          Nhà xuất bản Văn Nghệ- Hoa Kỳ )

   Nếu Heidi lớn lên trong hoàn cảnh và lối sống Việt Nam thì khi gặp lại mẹ, cô cũng không cần mẹ và anh chị em cô nhắc nhở cho cô về chuyện phải cấp dưỡng chăm sóc cho mẹ mà cô tự cảm thấy có bổn phận phải lo lắng, chu cấp cho mẹ. Cô phải hiểu rằng trong đời này không có gì ngọt ngào, đằm thắm cho bằng tình mẹ. Người ta đã ví tình thương của mẹ như sau

                              Mẹ già như chuối Bà Hương
                          Như xôi nếp một như đường mía lau

 Phải nói là hạnh phúc và may mắn biết bao cho người con được có cơ hội để lo lắng chăm sóc cho mẹ lúc tuổi già bóng xế. Heidi oán trách mẹ làø đã bỏ rơi cô khi còn nhỏ là một trách cứ hoàn toàn không đúng. Chỉ vì muốn cứu cô mà mẹ cô đành phải gạt lệ đẩy cô ra đi để rồi sau đó phải sống những ngày khủng hoảng, đau đớn.

  Nếu Heidi lớn lên trong không khí Việt Nam, cô sẽ được nghe bài hát bất hủ “ Lòng mẹ “ của nhạc sĩ Y Vân để cô thương mẹ nhiều hơn:

           “ Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào
            Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.”

 Ở xứ Mỹ nơi cô lớn lên đã có một người mẹ Mỹ trắng cho 2 đứa con vào chiếc xe rồi đẩy xuống nước cho con chết và sau đó ngụy tạo như là một chuyện hai đứa con bị bắt cóc. Bà ta giết con để trút bỏ một gánh nặng để bà ta có thể nhẹ nợ mà đi theo tiếng gọi của yêu đương. Nền văn hóa Mỹ đã không tạo nên được lòng thương con vô bờ bến như nền văn hóa Việt Nam mà đã tạo nên sự tàn nhẫn dửng dưng trong tâm thức người đàn bà Mỹ này để bà sẵn sàng ra tay giết con để tìm lợi ích riêng cho bản thân mình. Tình mẹ đối với con tàn nhẫn và độc ác đến thế là cùng !

   Nếu vào trường học Việt Nam, Heidi sẽ được dạy cho những bài học vỡ lòng về công cha, nghĩa mẹ và những lời dạy này sẽ in sâu vào trong đầu óc trong trắng của cô như vết mực đỏ son in lên trang giấy trắng:

                               Nâng niu bú mớm đêm ngày
                         Công cha nghĩa mẹ coi tầy biển non

  Ngay cả người con gái đôi khi vì lấy chồng xa cũng hối tiếc là mình không được dịp gần gũi cha mẹ để lo lắng cho song thân

                                Chồng gần không lấy lại lấy chồng xa
                                         Mai sau cha yếu mẹ già
                              Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng

  Cô sẽ được học 24 gương hiếu thảo của người con trong tác phẩm “ Nhị thập tứ hiếu “, nếu cô theo đạo Phật, thì vào mùa lễ Vu Lan cô sẽ được kể cho nghe chuyện hiếu đạo của Mục kiền Liên đối với mẹ là bà Thanh Ðề. Cô sẽ hiểu cách sống ngàn đời của người Việt Nam là “ trẻ cậy cha, già cậy con”. Lúc còn nhỏ con cái trông cậy vào sự nuôi nấng của cha mẹ thì khi cha mẹ về già lại nương tựa vào con là một chuyện làm hợp lý. Chỉ có những đứa con bất hiếu, vô giáo dục mới coi chuyện lo lắng, phụng dưỡng cha mẹ là một gánh nặng. Chỉ có ở Tây phương này, vì quá đề cao chủ nghĩa cá nhân nên con người mới tìm đủ mọi cách để cung phụng cho bản thân mình mọi tiện nghi, lạc thú, còn chuyện lo lắng trông nom cha mẹ già yếu thì không đoái hoài đến, không coi đó là bổn phận của mình. Một nền văn hóa đề cao sự ích kỷ bạc bẽo như thế thì sẽ sinh ra thứ con vô tình bạc bẽo với mẹ như cô gái Heidi trong phim tài liệu “ Người con gái từ Ðà Nẵng “ cũng không làm ai ngạc nhiên. Có rất nhiều định nghĩa về “ văn hóa “ nhưng định nghĩa ngắn gọn và cô đọng nhất là “ văn hóa là lối sống”. Lề lối sinh sống đối xử của một con người chắc chắn tùy thuộc nhiều vào văn hóa nơi người đó hấp thụ khi lớn lên. Văn hóa như thế nào thì lối sống như thế đó là chuyện hiển nhiên.

  Khi nói đến lối sống Việt Nam, thì cũng nên nói rõ nếp sống đạo lý Việt Nam là nếp sống của miền Bắc trước 1954 và của miền Nam trước 1975, chứ  miền Bắc sau 1954 và miền Nam sau 1975 dưới chế độ Cộng sản thì nề nếp văn hóa cổ truyền coi như bị thui chột và trên đà hủy diệt. Bởi vì miền Bắc sau 1954 và miền Nam sau 1975 đã bị chủ nghĩa Cộng sản đầu độc văn hóa Việt Nam. Cuộc cải cách ruộng đất do chính phủ Hồ chí Minh chủ xướng ở miền Bắc sau 1954  với những cảnh con đấu tố cha mẹ, anh chị em ruột đối xử nhau như kẻ thù đã làm cho bao ngàn năm văn hiến Việt Nam tan nát , chế độ tem phiếu của miền Bắc cũng đã chia cắt tình thâm cốt nhục. Miền Nam sau 1975 cũng không khá gì hơn, vì cần bảo vệ vật chất quyền lợi để sống còn với chế độ mới  mà có bao nhiêu cảnh xào xáo xảy ra trong mọi gia đình. Chế độ tuyển chọn lý lịch cũng đã khiến nhiều đứa con phải chối bỏ cha mẹ để được vào Ðoàn, vào Ðảng. Ðạo lý Việt Nam một lần nữa lại đứng bên lề vực thẳm. Mong sao chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ sớm tàn lụi để văn hóa Việt Nam đích thực lại trỗi dậy trở lại, góp phần nuôi dưỡng những tình cảm thân thương, ruột thịt giữa con người Việt Nam với nhau. Di sản của chế độ bất nhân, vô luân Cộng sản để lại cũng phải mất nhiều thế hệ mới mong xóa sạch được. Nước giàu, dân mạnh cần kèm theo với một nền văn hóa cao mới thật sự là mục tiêu nhắm tới của một nước Việt Nam tương lai.

   Văn hóa Trung Hoa vì là văn hóa Á đông nên cũng có một số điểm tương đồng như văn hóa Việt Nam khi nói đến bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ lúc về già. Văn hóa Trung Hoa không những khuyên bảo con cái phải giữ chữ Hiếu lúc cha mẹ còn sống mà khi cha mẹ mất đi con cái phải để tang cha mẹ trong vòng 3 năm. Ba năm để tang cũng là một thời gian hợp lý để trả lại “ công cha, nghĩa mẹ “ vì thời gian từ lúc đứa con sinh ra cho đến khi 3 tuổi là thời gian cha mẹ cực khổ nuôi nấng nhất. Lo lắng cho cha mẹ lúc còn sinh tiền, tưởng nhớ đến cha mẹ lúc khuất bóng là căn bản của văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Có nhìn thấy sự bạc bẽo khốn nạn của những đứa con trong xã hội Tây phương đối với cha mẹ thì mới thấy nền văn hóa Á dông như Trung Hoa và Việt Nam có những nét đặc thù đáng quý và đáng được lưu truyền. 

   Nhà thơ Nguyễn chí Thiện bị giam hãm, tù đầy trong một khoảng thời gian tổng cộng 27 năm. Vì được lớn lên trong nền văn hóa Việt Nam, trong những năm tù tội, ông lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ và mong sao được ở gần để lo lắng, chăm sóc cho hai đấng sinh thành: 

                     Ðã lâu rồi không nhận thư con
                     Mẹ thầy mong tin con quá
                     Thầy kể qua cho con rõ cảnh nhà
                     Mẹ bây giờ hai mắt như lòa
                     Hôm sớm trong nhà quanh quẩn!
                     Thầy gần như lẩn thẩn
                     Bước đi đờ đẫn run chân
                     Viết phong thư phải nghĩ đến dăm lần
                     Mong con về đỡ đần chăm sóc
                             ( Thư nhà – 1967)

  Ông đau đớn không được gần gũi mẹ cha để lo cho cha già mẹ yếu:

                      Có người mẹ gầy nhom mắt lóa gần lòa
                     Có người cha quá già, quá yếu ! 
                     Có người con bất hiếu là tôi
                     Hết tù lại tội
                     Bệnh ốm không nuôi nổi thân mình..
                     Ôâi người mẹ nặng tình yêu dấu!
                     Ôâi người cha hiểu thấu lòng con !
                      ..Chiều âm thầm lạnh tắt trên non.
                     Không còn được nữa
                     Những tình xưa thương mến vô vàn !
                      .. Ta thương tiếc cuộc đời tuổi trẻ
                      Ta lại thương người mẹ thương yêu
                      Người cha sớm chiều héo hắt
                      .. Bao nhiêu thương nhớ mẹ thầy
                      Con xin hẹn đến một ngày xuân vui
                      Rưng rưng hai giọt ngậm ngùi
                      Con xin Trời đất niềm vui cuối cùng !
                                         ( Có người mẹ – 1969)

   Ông tự trách mình đã phạm nhiều lỗi lầm làm khổ mẹ cha và ân hận vì hoàn cảnh tù đày nên ông không có cơ hội báo đền ơn sinh thành dưỡng dục :

                        Tình thương xót không bao giờ hết 
                        Của mẹ cha làm tan nát lòng con
                       Dù cuộc đời đau khổ chất thành non
                       Còn cha mẹ, con còn phải sống
                       Vì con biết con là lẽ sống
                       Là niềm vui, là tất cả của mẹ cha
                       Biết bao nhiêu tội lỗi những ngày qua
                       Con đã mắc khiến cha buồn mẹ khổ 
                       Con đã biết đời con tan đổ
                       Không thể làm gì báo đáp mẹ cha
                       Dù cho năm tháng phôi pha
                       Mối hận ấy con xóa nhòa sao nổi !
                                  (Ngày xuân tới- 1961)

  Nằm trong tù, sự đói khát cùm kẹp hành hạ ông không đau bằng nỗi đau khi ông nghĩ đến hoàn cảnh đơn chiếc, cô quạnh của mẹ cha ông :

                        Bao năm rồi, tôi không phải là tôi
                        Thân bất động vì tình thương gia quyến
                        Ôi, những buổi hoàng hôn xao xuyến
                        Bóng mẹ già  cầu nguyện đau thương
                        Bóng người cha thui thủi bên đường
                        Lê thân ốm trên phố phường u ám
                        Nghĩ như vậy lòng tôi ảm đạm
                        Nhục nhằn ư, còn biết nói sao?
                        Mắt tôi khô mà ruột tím gan bào
                        Bao uất hận dâng trào trong lặng lẽ !
                    ... Ðời nặng trôi như một đêm dài
                       Mắt không nhắm và đầu đau nhức nhối!
                                     ( Tôi sống mãi – 1961)

   Sau khi ra tù rồi , thi sĩ Nguyễn chí Thiện cũng còn nghĩ đến mẹ cha. Ông kể chuyện cho biết là cha mẹ ông trước khi qua đời, đã may áo sẵn áo quần cho ông để khi ông ra tù có quần áo mà bận. Tình thương cha mẹ dành cho ông như thế nên ông coi đó là thứ tình cảm mà thế gian này không có thứ gì có thể đem so sánh được

                         Con thành thi nhân cũng chính là nhờ
                         Công sức mẹ thầy nuôi cho ăn học
                         Gia cảnh bần hàn lo toan chăm sóc
                         Con chỉ nằm đọc sách, luyện vần thơ
                         Không mảy may báo hiếu được một ngày
                         Thực có tội với mẹ thầy biết mấy!
                         Nhưng lòng già rất thương, đâu nghĩ ngợi
                         Chỉ mong con nên sự nghiệp, nên người
                         Trước lúc qua đời, thầy mẹ còn lo
                         May quần áo để tù về con sẵn có
                         Tình thầy mẹ mênh mông như thế đó
                         Thế gian này không có thứ đem so !
                                    ( Con thành thi nhân- 1980  )

    Trường hợp Nguyễn chí Thiện là một trường hợp tiêu biểu của một gia đình Việt Nam: Bố mẹ hy sinh lo lắng cho con và con cũng hết lòng thương mến bố mẹ. Ðạo lý và văn hóa dân tộc đã hun đúc nên một người con chí hiếu như Nguyễn chí Thiện, lúc nào cũng tưởng nhớ đến sự an nguy của đấng sinh thành, cho dù đang lúc nằm tù với muôn ngàn khổ nhọc, đắng cay.

  Nhà lý luận thiên tài Hà sĩ Phu cũng dành những lời lẽ cảm động, thiết tha khi nói đến hai bậc sinh thành của mình khi hai người khuất bóng. Ông làm câu đối khóc khi mai táng mẹ như sau:

                      Trời dẫu sập chẳng đau bằng mất mẹ
                     Ðất tuy dày không cản được lòng con

Ông còn làm một câu đối gửi ra từ trong tù ( 1996) nhân ngày giỗ cha ông:

              Nhớ giỗ Cha thắp nén hương thầm, đem chí khí quyết đền công dưỡng dục!
             Yêu đất Mẹ mở con đường lớn, lấy bút nghiên mong trả nợ tang bồng

  Nhìn lại cô con gái lai Mỹ Heidi, cô qua Mỹ sống cuộc đời sung sướng là cũng do mẹ cô đẩy cô đi. Nếu cô không được mẹ đẩy đi năm 1975 thì khi ở lại cô có quyền nếm mùi bo bo và cơm độn chứ không hưởng được đời sống tiện nghi vật chất mà cô đang có hiện tại  ở Mỹ. Mẹ cô đưa đề nghị muốn cô bảo lãnh mẹ qua Mỹ, cô từ chối. Nếu không thì mẹ mong cô giúp đỡ chút ít tiền bạc vật chất trong lúc tuổi già bóng xế  mà cô cũng lạnh lùng, tàn nhẫn khước từ. Thật không biết dùng danh từ nào nữa đây để nguyền rủa cô  con gái lai khốn nạn, bất hiếu này. Cô cũng có hai đứa con gái, chắc là rồi đây khi cô về già, cô cũng lại gặp sự đối xử bạc bẽo, vô trách nhiệm của hai con cô dành cho cô như cô đã đối xử tàn tệ, dửng dưng với người mẹ ruột ở Ðà Nẵng. Khi bà Mai thị Kim đẩy đứa con lai Mai thị Hiệp đi Mỹ, bà chỉ có ý định cứu đứa con vì sợ Cộng sản làm hại con bà. Tiếc thay, đứa con lớn lên trong xã hội Mỹ, tiêm nhiễm văn hóa Mỹ nên nó từ khước bà vì sợ mang gánh nặng cưu mang, cấp dưỡng cho bà. Bà coi như mất đứa con bạc bẽo, vô tình này.

   Cơn hồng thủy 30/4/75 không chỉ làm cho bà mẹ Mai thị Kim phải xa rời đứa con lai Mỹ Mai thị Hiệp mà còn làm cho bao nhiêu gia đình Việt Nam khác ly tán khắp bốn phương trời như những cánh hoa bay tơi tả trong một chiều gió lộng. Những người Việt ly hương, vì được lớn lên trong xã hội và nền văn hóa Việt Nam, nên họ có một lối xử sự hoàn toàn khác hẳn cô con gái Heidi Mai thị Hiệp. Họ làm việc cực khổ nhưng khoan khoái, nhẹ người khi gửi cho gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam những thùng quà hay tiền. Họ vui vẻ sung sướng khi nhận thư báo tin nhà đã nhận được quà hay tiền.  Qùa cáp hay tiền không phải là chuyện thù tạc cho vui mà chính là những phương tiện để nuôi sống gia đình còn kẹt lại. Ðạo lý Việt Nam đã dạy cho họ cách hành xử hợp lý, hợp tình như vậy. Ðối với họ, lo lắng cho cha mẹ lúc tuổi già sức yếu hay giúp đỡ cho anh chị em không phải là một gánh nặng khó chịu mà là niềm vui của người con hiếu thảo, của một người em, chị, anh có trách nhiệm  trong lúc ở xứ người. Phần lớn đều hoàn thành những thủ tục bảo lãnh để đem thân nhân qua sống ở  vùng đất lạ tạm dung để con và cha mẹ được chung sống với nhau sau bao ngày xa cách, anh chị em được dịp sum họp, quây quần để cùng nhau xây dựng cuộc đời mới. 

    Chiến tranh Việt Nam đã để lại nhiều di sản. Di sản không chỉ có những bom đạn mìn bẫy còn sót lại tiếp tục gây thương tích cho người dân Việt Nam vô tội mà di sản còn có thể kể đến những đứa con lai mà những quân nhân Mỹ còn để lại sau chiến tranh. Vì lớn lên trong nền văn hóa Tây phương, những quân nhân Mỹ này đa số không ai nghĩ đến những hòn máu rơi mà họ đã để lại vì Tây phương vốn coi thường quan hệ máu mủ ruột thịt. Rất hiếm trường hợp có người quân nhân Mỹ đi tìm lại hòn máu rơi của mình. Khi về Mỹ họ xây dựng cuộc đời mới và không muốn vướng mắc về những chuyện tình cảm và con rơi ngày xưa. Mai thị Hiệp là một thí dụ điển hình, tới giờ này cô cũng chẳng biết cha cô là ai. Những đứa con lai như Hiệp lớn lên trong nền văn hóa “ vô tình bạc nghĩa “ Tây phương nên đã gây ra nhiều đau khổ cho những người mẹ sinh ra chúng. Mai thị Hiệp đã thật sự làm cho mẹ đau khổ bởi cách hành xử tàn tệ, bội bạc của Hiệp không đúng với đạo lý làm người Á đông. 

   Cách đối xử tốt đẹp hay tàn tệ của con cái đối với cha mẹ không phải là một chuyện làm ngẫu nhiên tình cờ mà là cả một quá trình giáo dục và đào tạo cùng sự ảnh hưởng của môi trường sống nơi đứa con lớn lên. Cho dù thời thế có thay đổi thế nào chăng nữa thì “ cha mẹ từ, con hiếu “ vẫn là câu châm ngôn muôn đời để cho mọi gia đình Việt Nam noi theo. Lối sống có tình, có nghĩa có thủy có chung, có hiếu có đễ không phải là chuyện một sớm một chiều là có được mà phải trải qua nhiều quá trình tập nhiễm, rèn luyện. Còn có biết bao nhiêu đứa con bạc bẽo, bất hiếu như Heidi Mai thị Hiệp nằm trong những gia đình Việt Nam hải ngoại mà phương cách ngăn ngừa hữu hiệu nhất là các bậc phụ huynh cần phải dạy con sống theo nếp sống cổ truyền, luân lý Việt Nam nói riêng và Á đông nói chung. Ðây là một chuyện không dễ làm nhưng nếu muốn có một gia đình sống trong hạnh phúc, thương yêu, cha mẹ lo cho con khi còn nhỏ, con lo lắng phụng dưỡng cho cha mẹ lúc về già thì thiết tưởng nỗ lực khó nhọc mà các bậc phụ huynh bỏ ra dạy dỗ các con không phải là chuyện làm vô bổ.

   Quê hương xa cách ngàn trùng nhưng nếu trong gia đình có những đứa con hiếu thảo biết lo lắng phụng dưỡng cho cha mẹ lúc tuổi già bóng xế thì chuyện đó cũng làm ấm lòng bao bậc cha mẹ trong những ngày tháng buồn nản ở xứ lạ, quê người. 

Lawndale, một chiều hoang lạnh đìu hiu đầu thu đầu tháng 11-2003
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG

 
Hosted by www.Geocities.ws

1