TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


NHẬN ÐỊNH SAI ÐƯA ÐẾN HÀNH ÐỘNG SAI

(Bổ túc và sửa chữa lần chót, 10/05/2004)

" Chính phủ của quý vị đã thất bại và làm thất vọng quý vị. Những người được giao nhiệm vụ bảo vệ quý vị đã thất bại trong chuyện làm nầy. Và tôi cũng đã thất bại. Chúng tôi cố gắng thật nhiều, nhưng điều đó không thành vấn đề vì chúng tôi đã thất bại. Và bởi vì sự thất bại đó, tôi yêu cầu, khi tất cả những dữ kiện được đưa ra, xin quý vị thông cảm và tha thứ. "

( Your government failed you. Those entrusted with protecting you failed you. And I failed you. We tried hard, but that doesn’t matter because we failed. And for that failure, I would ask, once all the facts are out, for your understanding and for your forgiveness.)

Ðó là lời của cố vấn về vấn đề khủng bố của Tòa Bạch ốc Richard Clarke đưa ra vào cuối tháng 3 năm 2004 trước Ủyban điều tra về vụ ngày 9 tháng 11 đã làm Tòa Bạch ốc rúng động. Những lời nói thống thiết chân thành này đã làm cho những người ngồi dự phiên điều trần hôm ấy cảm xúc sâu sa. Sau khi ông Clarke nói xong, một số người trong gia đình nạn nhân để những hình người thân mà họ đang cầm trong tay xuống để vỗ tay; một số người khác ôm chầm lấy ông sau khi ông điều trần xong. Ông Stephen Push, có bà vợ tên Lisa Raines chết trong khi đi chuyến bay số 77 đã nói như sau, " Tôi đã chờ một lời xin lỗi từ chính quyền trong suốt hai năm rưỡi nay.".

Tòa Bạch Ốc phản ứng bằng cách nói xấu ông Clarke đủ điều vì những lời ông tố cáo trong cuộc điều trần cho thấy mặc dù chính bản thân ông đã báo động là Tổ chức khủng bố Al – Queda sẽ tấn công nước Mỹ nhưng Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn để ngoài tai và không có một hành động nào phòng ngừa mau mắn và thích đáng cho đến ngày đại họa 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra. 

Ông Clarke cho rằng trong khi chính phủ Clinton coi Tổ chức khủng bố Al- Quada là một mối đe dọa khẩn cấp thì chính phủ Bush cứ tập trung mọi năng lực vào chuyện mở cuộc chiến đánh vào Iraq. Chính phủ Bush lúng túng vì trong những cuộc vận động tranh cử vẫn nhấn mạnh đến chuyện công lao bảo vệ an ninh quốc gia là chủ đề chính. Bây giờ bị ông Clarke vạch rõ là chính phủ Bush đã quá lơ là trong chuyện ngăn chặn khủng bố để rồi xảy ra đại nạn 11 tháng 9.

Lãnh tụ đa số tại Thượng viện Bill Frist ( Cộng Hòa) chỉ trích ông Clarke là ông không có quyền nhân danh quốc gia để xin lỗi vì đó không phải là quyền hạn, đặc ân hay trách nhiệm của ông ta. Ông Clarke nên trả lời về phận sự của chính ông mà thôi. Ông Frist cho rằng trong cuộc điều trần trước Quốc Hội vào năm 2002, ông Clarke đã trả lời dưới lời thề hữu thệ rằng chính phủ Bush đã chủ động truy tìm mối đe dọa do Al- Queda gây ra trong 7 tháng đầu nhậm chức. Ông Frist kêu gọi hãy công bố những lời điều trần của ông Clarke sau khi kiểm duyệt ( declassify). Nhưng những người trong Quốc Hội thuộc cả hai đảng có tham dự buổi điều trần dài 6 tiếng đồng hồ ngày 11 tháng 6 năm 2002 cho biết rằng không có gì mâu thuẫn trong lời khai năm 2002 và lời khai năm 2004 cả. Nghị sĩ cựu trưởng khối ủy ban tình báo Thượng viện Bob Graham( D-Florida) cũng đồng ý với nhận xét đó. Ứng viên dân chủ John F. Kerry ( D- Mass) cho rằng cuốn sách ông Clarke viết đưa ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng và phe Cộng Hòa nên bỏ chuyện tấn công ông Clarke trước công chúng. Ông Kerry thách thức Tổng thống Bush là nếu chính phủ Bush cho là ông Clarke là loại người không đáng tin thì họ có đủ lý do để chứng tỏ nó ra, rồi truy tố ông Clarke vì tội khai man trước tòa ( perjury) vì đây là lời khai hữu thệ ( under oath). Họ hoàn toàn có quyền làm chuyện đó.

Ông Frist còn tố cáo ông Clarke đã dùng những tin tức thâu lượm được trong vai trò cố vấn chống khủng bố để viết sách kiếm tiền. Ông Frist tố cáo lời xin lỗi của ông Clarke chỉ là lối " xin lỗi diễn kịch" ( theatrical apology) tới những gia đình nạn nhân vào ngày điều trần ( ngày 24 tháng 3 năm 2004). Dĩ nhiên phe Cộng Hòa tìm đủ mọi cách để triệt hạ uy tín của ông Clarke vì những lời tố cáo của ông Clarke làm cho Tổng thống Bush mất uy tín rất nhiều và có thể có ảnh hưởng đến chuyện bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Ông Clarke đã chứng tỏ là một cố vấn chống khủng bố có khả năng vì mới đây một người trong ủy ban điều tra vụ 9/11 là cựu dân biểu Dân chủ Tim Roemer từ Indiana có công bố một lá thư của ông Clarke viết cho cố vấn an ninh Rice vào ngày 4 tháng 9 năm 2001, nghĩa là 7 ngày trước khi biến cố 9/11 xảy ra, trong đó ông Clarke yêu cầu, " Bà phải thúc dục những người làm luật ( policymakers) hãy tưởng tượng một ngày nào đó sau khi có hàng trăm người Mỹ nằm chết ở quốc nội và hải ngoại sau một trận tấn công của bọn khủng bố, và hỏi họ là họ đã có thể làm cái gì khác." 

Clarke nói là guồng máy tình báo Hoa Kỳ không nhận thấy được sự hiện hữu của Al-Queda cho tới năm 1995. Ông nói thêm " Nếu chúng ta có một guồng máy tình báo hữu hiệu và mạnh mẽ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, chúng ta có thể diệt trừ bọn khủng bố từ trong trứng nước." Ông tố cáo là vì xâm lăng Iraq nên Tổng thống Bush đã làm yếu đi trầm trọng cuộc chiến chống khủng bố. Trước đây chính phủ Bush cố làm cho người dân tưởng rằng họ đã làm bất cứ những gì để giữ cho quốc gia an toàn và điều hành cuộc chiến chống khủng bố có hiệu quả. Nhưng cuộc điều trần của ông Clarke đã là một trái phá bắn vào ảo tưởng đó. Cái ý tưởng cho rằng thế giới bây giờ quá nguy hiểm nên không nên thay đổi chính quyền ( thay ngựa giữa đường ), nghĩa là không nên đổi chính quyền Cộng Hòa hiện tại sang Dân Chủ là một ý tưởng không có căn bản vững chắc cho lắm.

Nếu những lời tố cáo của ông Clarke đã có hiệu quả, thì đó là do ông sử dụng những phương tiện của binh pháp cũ, đó là tạo sự ngạc nhiên và chuẩn bị kỹ càng. Ðầu tiên là ông sửa soạn biên soạn cuốn sách trong vòng hơn một năm trời, đó là cuốn sách " Against All Enemies " ( Chống lại mọi kẻ thù ), rồi ông bộc bạch nội dung cuốn sách trên chương trình " 60 minutes " ba ngày trước khi ông ra điều trần. Cuộc điều trần của ông đã gây tai họa lớn lao cho chính phủ Bush. Ông tố cáo chính phủ Bush đã lưỡng lự và do dự trong kế hoạch chống khủng bố, bỏ qua những lời cảnh cáo và những chiến thuật chống khủng bố, chính phủ Bush chỉ thật tình mở chiến dịch chống khủng bố kể từ sau ngày 9/11 và rồi đã làm hỏng nỗ lực chống khủng bố bằng cách tiến hành cuộc chiến trệch hướng ở Iraq. Sau ngày ông Clarke ra điều trần, những cuộc thăm dò công luận ( poll) cho biết có chừng 89 % dân Mỹ theo dõi những tố cáo của ông và quyển sách của ông đã vượt lên hạng bán chạy nhất nước Mỹ ( number one best-seller ).

Chuyện tố cáo của ông Clarke làm cho Phó tổng thống Dick Cheney tiến gần đến chuyện chấp nhận là chính phủ của ông đáng lẽ ra phải chú ý nhiều hơn đến vấn đề khủng bố trước ngày 9 tháng 11. Rõ ràng có nhiều chuyện đáng ra cần phải được làm tốt hơn nữa.

Ðây là lời thú nhận có vẻ khiêm tốn của Phó tổng thống Cheney mặc dù trước đó đã tấn công ông Clarke với những lời lẽ khá ngoại giao như sau, " Ông ta đã lợi dụng những hoàn cảnh trong tuần này để đề cao bản thân và cuốn sách của ông. Tôi không quen biết nhiều với ông Clarke..nhưng dựa trên những gì tôi nhìn thấy, tôi không quý trọng ông ta lắm." . Một số người phe ông Bush đã tố cáo ông Clarke là bạn của người cố vấn về ngoại giao của ông Kerry là ông Rand Beers, nên ông Clarke đã tấn công ông Bush để làm lợi cho ứng cử viên dân chủ Kerry. Lời tố cáo chính là cho rằng ông Clarke đã thay đổi câu chuyện qua thời gian. Ông Clarke cũng đã nhận thấy điều này và đã nói trong chương trình " 60 minutes " là " Họ xúi dục những người thân tín của họ tấn công tôi."

Những vị dân cử phe Cộng Hòa ở Quốc Hội đã làm một chuyện khá bất ngờ là tìm cách giải mật ( declassify) buổi điều trần kín ( closed-door testimony) mà ông Clarke đã khai vào năm 2002 trước ủy ban quốc hội để quyết định xem những lời nhận xét hồi ấy của ông Clarke có mâu thuẫn với lời điều trần của ông trước ủy ban 9/11 vừa mới đây hay viết trong sách. Thượng nghị sĩ trưởng khối đa số ở Thượng viện Bill Frist còn cho biết thêm, " Ông Clarke có thể dấu diếm trước mặt giới truyền thông, nhưng nếu ông nói láo trong khi tuyên thệ trước Quốc Hội Mỹ thì đó là một chuyện nghiêm trọng". Nhưng một số dân cử Dân Chủ đã từng nghe buổi điều trần năm 2002 đã lên tiếng ủng hộ ông Clarke, họ nói là họ không nghe thấy những gì ông nói hồi ấy nghịch lại với những gì ông nói bây giờ. 

Với những lời tố cáo tùm lum của ông Clarke, câu hỏi Washington có đối phó hợp lý với những đe dọa khủng bố hay không coi như không cẩn đặt ra nữa vì rõ ràng Washington đã không hành xử đúng đắn, hợp lý nên giờ đây có những vấn đề cần đặt ra như sau:

Khủng bố không phải là một vấn đề cấp bách hàng đầu của chính phủ Bush trước ngày 11 tháng 9.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình " 60 minutes", ông Clarke đã mạnh mẽ tố cáo Tổng thống Bush đã " phớt lờ " bỏ qua những mối đe dọa của khủng bố trước ngày 9/11. Khi điều trần trước ủy ban 9/11, ông có vẻ điềm đạm hơn và cho rằng ông Bush coi vấn đề khủng bố là " một vấn đề quan trọng nhưng không cấp bách ". Rõ ràng là tòa Bạch Ốc dưới chính phủ Clinton chú trọng vấn đề khủng bố nhiều hơn. Cố vấn an ninh của Clinton là ông Sandy Berger còn nhớ là đã nói với cố vấn an ninh của Tổng thống Bush là bà Rice trong khi chuyển quyền là, " Vấn đề quan trọng số một mà bà cần phải đương đầu là khủng bố nói chung và phe Al-Queda cụ thể nói riêng.’

Những giấy tờ tài liệu lưu trữ của chính phủ Bush trong nửa năm đầu cho thấy những thành viên trong chính phủ này đã không lưu tâm đúng mức chuyện khủng bố. Họ chú trọng nhiều hơn đến nước Nga, Trung Cộng và đặc biệt là chuyện phi đạn phòng thủ. Trong cuốn sách " Bush at war " (Bush trong chiến tranh) nhà báo Bob Woodward đã nhắc lại lời của Tổng thống Bush nói về trùm khủng bố Osama Bin Laden như sau, " Có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của tôi sau ngày 11 tháng 9. Tôi không chú ý đến ông ta nhiều trước đây nhưng vẫn nghĩ ông ta là một mối đe dọa.. Nhưng tôi không có cảm giác cấp bách phải trừ khử ông ta."

Sự tranh luận mạnh mẽ nhất của ông Clarke trong cuộc bàn luận này là nhịp độ mà chính phủ Bush xem xét kế hoạch ông trình lên ngày 25 tháng 1 năm 2001 về việc đánh tổ chức khủng bố Al-Queda. Chương trình kế hoạch này đã được tiến triển trong những năm của chính phủ Clinton, khi Al-Queda đánh bom những tòa đại sứ Mỹ ở Phi châu năm 1998 và rồi đánh vào tàu U.S.S Cole tại Yemen năm 2000. Chính phủ Bush đưa lời đề nghị bàn cãi kế hoạch này vào tháng 4 với những viên chức cao cấp, điều nghiên thêm vào mùa hè và cuối cùng mang ra ủy ban an ninh trong nội các và ngoại giao, để rồi được chấp nhận thi hành những biện pháp đối phó, chuyện này xảy ra trước một tuần trước vụ 9/11. Không có lời đề nghị về biện pháp thi hành được coi là khẩn cấp cả. Nói chung là bao gồm những biện pháp tăng cường quân sự và hành động kín nhằm phá hoại Al-Queda khắp thế giới, tăng cường an ninh cho những tòa đại sứ và những căn cứ quân sự Mỹ, nỗ lực truy lùng những mạng lưới cung cấp tiền bạc cho Al-Qaeda, mở một chiến dịch ngoại giao quần chúng rộng lớn mạnh mẽ để lấy cảm tình và một cuộc vận động tẩy chay mật khu Al-Qaeda ở A phú hãn ( Afghanistan). Những viên chức của chính phủ Bush nói rằng họ bỏ ra hàng tháng để nghiên cứu và chấp thuận một kế hoạch đánh Al-Qaeda vì họ muốn tiêu diệt tận gốc rễ chứ không muốn nó ngoi đầu lên trở lại như chính phủ Clinton đã làm. Họ cũng nói là họ thêm những yếu tố chủ yếu quan trọng, như có một kế hoạch quân sự tiến đánh A phú hãn trong vòng 3 đến 5 năm để tiêu diệt Al-Qaeda. Nhưng một viên chức cao cấp của chính phủ Bush thú nhận rằng những kế hoạch này cũng giống như lời đề nghị của ông Clarke ngày 25 tháng 1.

Chính phủ Clinton đáng lý ra phải tóm được Bin Laden.

Tại buổi điều trần, một nhân viên trong ỦÛûy ban 9/11 là cựu Thượng nghị sĩ dân chủ Bob Kerry thuộc tiểu bang Nebraska đã chỉ ra rằng Bin Laden đã chính thức tuyên bố tuyên chiến với Mỹ vào tháng 2 năm 1998 và ông lúc đó đã yêu cầu Mỹ trả đũa thích đáng. Bà cựu ngoại trưởng Madeleine Albright khi điều trần trước Ủûy ban 9/11 đã cho rằng Thượng nghị sĩ Bob Kerry đã phán đoán đúng. Nhưng mà rồi nước Mỹ đã làm gì ?

Tổng thống Mỹ Clinton đã tìm cách giết Bin Laden. Sau khi những tòa đại sứ Mỹ bị tấn công ở Phi châu, Mỹ cho bắn phi đạn vào những trại huấn luyện ở A phú hãn, nơi mà Bin Laden bị phát hiện, nhưng trong lúc Mỹ bỏ ra thời gian nghiên cứu lúc nào bắn phi đạn từ chiến hạm trên biển thì Bin Laden trốn thoát. Ông ta bị phát hiện thêm nhiều lần nữa ở A phú hãn vào tháng 12 năm 1998 và vào tháng 2 và tháng 5 năm 1999. Mỗi lần phát hiện như thế, những viên chức của Clinton không ra lệnh bắn hạ vì không có sự bảo đảm nào là Bin Laden sẽ ở đó nếu phi đạn bắn tới, không khéo thì gây thương vong cho dân thường. Trong một trường hợp tấn công phi đạn đã gây tử thương cho một hoàng tử xứ Emirati.

Nhiều người phê bình là khi Tổng thống Bush nhậm chức, chính phủ của ông phải hành động mau hơn nữa trong chuyện bố trí phi cơ bắn phi đạn không người lái ( Predator) để bắt đầu chuyện săn lùng Bin Laden khi mây mù mùa Ðông đầu năm 2001 tan đi. Thí nghiệm dùng máy bay tấn công không người lái tấn công đãthành công vào tháng 2 năm 2001. Tuy nhiên loại máy bay tấn công giết người này không được dùng ở A phú hãn cho đến sau khi biến cố 9/11 xảy ra, những viên chức CIA lo lắng rằng Bin Laden và phe Taliban sẽ học cách tránh né hay bắn rơi loại phi cơ không người lái này trong khi loại phi cơ này chỉ mới được sản xuất có vài chiếc, và cơ quan tình báo CIA lo ngại chuyện ám sát kẻ thù bằng máy bay không người lái sẽ tạo sự phẫn nộ của thế giới đối với cơ quan này. 

Còn chuyện xâm lăng A phú hãn trước biến cố 9/11 sẽ đem lại nhiều khó khăn về mặt chính trị. Khó có thể nhờ cậy nước đồng minh của Mỹ là Pakistan cho mượn lãnh thổ để quân Mỹ làm địa bàn tấn công. Và còn thêm những khó khăn khác nữa.Chẳng hạn như khi Tổng thống Clinton cho bắn phi đạn vào A phú hãn vào năm 1998, ông bị một số người trong Quốc Hội và báo chí tố cáo là ông muốn dùng chuyện bắn phi đạn này để chuyển hướng của chú ý của quần chúng ra khỏi chuyện tình ái lăng nhăng của ông với cô sinh viên tập sự Monica Lewinsky. Sau khi tàu chiến Mỹ Cole bị tấn công, ông Clarke đề nghị tiến hành ngay chuyện đánh nhõng trại huấn luyện của bọn khủng bố Al-Qaeda tại A phú hãn nhưng ông lại không được sự hậu thuẫn của FBI và CIA, vì hai cơ quan này cũng chưa được thuyết phục để có thể tin rằng phe Al-Qaeda chính là thủ phạm đánh tàu Cole. Trong lúc đó thì Tổng Thống Clinton lại quá bận rộn trong chuyện nỗ lực dàn xếp một hiệp ước hòa bình cho hai phe Do Thái và Palestine. Và cũng khó mà tưởng tưởng quần chúng Mỹ và những đồng minh của Mỹ sẽ ủng hộ chuyện Mỹ tấn công Al-Qaeda, một kẻ thù mà ít người Mỹ biết đến 3 năm trước đây, nếu không có sự khiêu khích của trận đánh 11/9.

Biến cố 9/11 có thể ngăn chận được.

Một ủy viên của ủy ban 9/11 là ông Slade Gordon đã hỏi ông Clarke khi điều trần như sau, " Cứ thử giả định rằng kế hoạch của ông ngày 26 tháng 1 năm 2001 được thi hành thì liệu nó có ngăn ngừa được biến cố 9/11 xảy ra hay không? Câu trả lời của ông Clarke là không. Ông cho rằng giết Bin Laden và dội bom những trại huấn luyện của Al-Qaeda có thể làm cho hoạt động của bọn khủng bố khựng lại. Nhưng một số viên chức Mỹ cho rằng kế hoạch tấn công đã được hoạch định từ lâu nên những hành động tấn công chúng cũng không ngăn được kế hoạch đã định của chúng. Nhiều tên khủng bố không tặc đã có mặt trên đất Mỹ từ đầu năm 2000 để bàn thảo kế hoạch tấn công.

Trên lý thuyết, sự canh chừng chặt chẽ ở quốc nội Mỹ sẽ khám phá ra âm mưu phá hoại của khủng bố. Có nhiều điều mấu chốt để có thể nói lên điều đó. Hai tên trong nhóm khủng bố không tặc là Khalid al-Midhar và Nawaq al-Hamzi bị FBI và CIA truy lùng như những tên tình nghi khủng bố. Một nhân viên FBI tại Phoenix, Arizona đã ghi nhận hành vi một số người Ả rập thường xuyên theo học những khóa bay tại những trường dạy lái máy bay. Tên tình nghi không tặc thứ 20 tên Zacarias Moussaoui lúc ấy đang học bay ở Minnesota, rõ ràng là chỉ học lái mà không học cách đáp ! Ông Clarke lý luận rằng nếu Tổng thống Bush đòi hỏi phải hành động mỗi ngày từ những vị cố vấn cao cấp thì những vị cố vấn này sẽ phát đi tín hiệu khẩn cấp về chuyện phải đối phó với khủng bố xuống những cấp dưới, và có lẽ đã truy tìm ra manh mối kế hoạch tấn công của bọn không tặc khủng bố. Sự quan tâm loại này đã ngăn chặn được một cuộc khủng bố của bọn Al-Qaeda tính đánh vào Phi trường Los Angeles vào cuối năm 1999. Phe của Bush cho rằng kế hoạch tấn công của bọn khủng bố bị bẻ gãy là do may mắn chứ không phải do những biện pháp đề ra; hôm ấy có một nhân viên di trú phát hiện ra một người khả nghi tìm cách vượt biên giới từ Canada vào Mỹ và từ đó phát hiện và ngăn chặn được âm mưu khủng bố đánh phi trường Los Angeles từ sự bắt giữ người đàn ông khả nghi này. Trong bất cứ trường hợp nào, không ai chối cãi được là cần phải có sự may mắn mới có thể chặn lại cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.

Cuộc chiến Iraq làm chuyện chống khủng bố tệ hại thêm

Trong cuốn sách và trong những lần xuất hiện trước truyền thông để quảng cáo cho sách, ông Clarke còn đi xa hơn lời phê bình mà tố cáo thêm rằng chính phủ Bush đã thất bại vì bỏ qua chuyện tiến hành một cuộc chiến chống khủng bố trước ngày 9/11. Ông tố cáo chính phủ Bush đã làm cho vấn đề tệ hại thêm bằng cách tiến hành một cuộc chiến không cần thiết tại Iraq. Ông nhắc lại lời của cựu bộ trưởng ngân khố Paul O’Neil cho rằng chính phủ Bush đã tính chuyện xâm lăng Iraq từ khi mới nhậm chức. Ông Clarke tố cáo, và Thượng nghĩ sĩ John Kerry cũng đồng ý, là cuộc chiến ở Iraq đã lái nỗ lực chống khủng bố của Mỹ sang hướng khác với hướng tìm cách diệt trừ Al-Qaeda, làm tổn hại nỗ lực cộng tác toàn cầu chống khủng bố và làm cho chiều hướng phe đạo Hồi cực đoan ngày càng mạnh thêm.

Chính phủ Bush cho rằng họ làm cả hai việc cùng một lúc: chống khủng bố và dẹp đi mối đe dọa trầm trọng ở Iraq. Thật ra những viên chức của Bush xem hai chuyện này có dính líu đến nhau. Họ tin rằng chúng ta cần tấn công mạng lưới khủng bố một cách trực tiếp, giảm số quân của chúng và dẹp đi nguồn cung cấp từ những nước liên minh của khủng bố và thay đổi hoàn cảnh vốn nuôi dưỡng khủng bố. Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Sean McCormack cho rằng Iraq đã đóng góp nhiều cho bọn khủng bố. 

Ðiều đó cần phải được xét lại. Cuộc đánh bom mới đây tại Madrid, Tây ban nha cho thấy cuộc chiến ở Iraq đã làm nẩy nở ra thêm nhiều cuộc khủng bố khác. Và chính phủ Bush cũng thú nhận là tổ chức Al-Qaeda đã bám sâu gốc rễ ở Iraq và tập trung tấn công vào người Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld không còn nói cái luận điệu " thà chống khủng bố trên đất Iraq còn hơn phải chống khủng bố trên đất Mỹ" nữa. Một nước Iraq hết Saddam Hussein chưa chắc đã là một nước bạn với Mỹ trong chuyện chống khủng bố, sự rối loạn hiện nay cho thấy kết quả tích cực và có lợi cho Mỹ chưa được chắc chắn. Ông Clarke nói thêm rằng không có bằng chứng nào cho thấy Saddam và Al-Qaeda đã cộng tác với nhau để tấn công Mỹ. Những quân nhân Mỹ tử trận ở Iraq khi đánh trận cứ nghĩ rằng là họ đang đánh khủng bố để trả thù cho vụ 9/11.

Cuộc điều trần ly kỳ của ông cố vấn Clarke không chỉ nói về cuộc tấn công sau cùng của khủng bố mà nói đến cuộc tấn công sắp tới. Từ khi Uûy ban bắt tay vào làm việc điều tra vào đầu năm 2003, Uûy ban đã tìm ra nhiều sai lầm nghiêm trọng trong hệ thống an ninh quốc gia, trong đó bao gồm cả chuyện một chỉ thị ra lệnh của tổng thống có thể bị hiểu nhầm trong khi ra lệnh từ trên xuống dưới. Nhưng những nguy hiểm này bị quên lãng trong những cuộc so tài chính trị. Trừ phi Washington cần tập trung vào chúng, nếu không thì lại có người nào đó van nài sự tha thứ sau khi có chuyện tấn công của khủng bố xảy ra.

Nói chung ông Clarke cho rằng Tổng thống Bush đã thất bại không làm trọn nhiệm vụ bảo vệ quốc gia khi quốc gia tối cần ông ở giây phút cấp kỳ. Ông Clarke cảm thấy khó chịu khi thấy ông Bush vận động tái tranh cử dựa trên thành tích thành công chống khủng bố của ông. Rõ ràng là ông Bush đã bỏ qua chuyện chống khủng bố trong nhiều tháng, đáng lý ra ông có thể làm một vài điều gì để ngăn chận biến cố 9/11. Nên nhớ là bỏn khủng bố Al-Qaeda tấn công tàu Cole chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử của Bush, giết chết 17 thủy thủ Mỹ. Toán cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Clinton trước khi ra đi có dặn dò toán cố vấn của Bush tới nhận nhiệm vụ là phải coi chuyện đối phó với bọn khủng bố Al-Qaeda là ưu tiên số một. Thế mà chuyện chống khủng bố vẫn bị chính phủ Bush để rơi vào quên lãng. Ông Clarke chưa bao giờ được mời để trình bày về chuyện chống khủng bố với Tổng thống Bush trước ngày 11/9, ngay cả khi ông viết một tờ tường trình khẩn cho cố vấn an ninh quốc gia Condoleeza Rice báo động về nguy cơ tấn công sắp tới của bọn Al-Qaeda.

Sau khi trên dưới 3000 người bị giết trong biến cố 9/11 bởi 19 tên không tặc, không có tên nào là người Iraq cả, thế mà sau đó Tổng thống Bush kéo ông Clarke vào một góc phòng cùng một số ít người, đóng cửa lại nói, " Tôi muốn ông tìm xem có phải Iraq làm vụ này không" . Ông Bush không nói ông Clarke phải tạo ra một bản báo cáo cho rằng Iraq làm vụ này, nhưng toàn bộ cuộc nói chuyện đã cho ông Clarke không còn nghi ngờ gì nữa là Tổng thống Bush muốn ông viết một bản tường trình cho rằng Iraq làm chuyện này. Một lý do thâm sâu khiến Tổng thống Bush con thâm thù và muốn đánh Iraq nữa là vì lý do trước đây Tổng thống Saddam Hussein của Iraq đã có lần có kế hoạch mưu sát Tổng thống Bush cha khi ông Tổng thống Bush cha đi viếng thăm Kuwait. Ông Bush con tiến đánh Iraq có lẽ để trả thù cho chuyện Hussein dám mưu sát cha ông. Ông Clarke nói thẳng với ông Bush là không có sự nối kết nào giữa Iraq và những tên khủng bố tấn công vụ 9/11. Ông Bush quay lại và nói với ông Clarke với vẻ đe dọa, " Iraq! Saddam! Hãy kiếm xem có sự nối kết nào không " . Ông Clarke đã làm bản báo cáo nói rõ là Iraq không dính líu vào vụ này nhưng khi bản báo cáo nộp lên thì bị văn phòng an ninh quốc gia chận lại và yêu cầu làm báo cáo lại vì báo cáo sai! Nếu ông Clarke nói đúng thì dân Mỹ cần phải khôn ngoan suy tính kỹ trước khi bầu cho ông Mỹ vào nhiệm kỳ 2 của chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

Trong cuộc trả lời chương trình " 60 minutes " ngày 21 tháng 3 năm 2004, ông Clarke đã mỉa mai so sánh chuyện ông Bush cất quân đánh Iraq sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 cũng giống như chuyện Mỹ đem quân đi đánh Mexico sau khi bị quân Nhật tấn công vào Trân Châu Cảng ( Pearl Harbor) vào năm 1941 ! Có nghĩa là ông Bush đánh sai mục tiêu và sai đối thủ. Sau gần 4 năm cầm quyền, ông Bush đã chứng tỏ ông là một cấp lãnh đạo kém cỏi, nước Mỹ mất chừng 3 triệu công việc kể từ ngày ông nhậm chức. Ngay cả ông cựu Bộ trưởng tài chánh Paul O’Neill trong cuốn hồi ký " The price of royalty " ( Cái giá của sự trung thành ) đã cho biết những cuộc họp của ông Bush và những cộng sự viên là cuộc họp của " những người đui và điếc ", nghĩa là ông Bush không có khả năng điều hành và chỉ đạo công việc quốc gia gì cả.

Vì nhận định sai nên ông Bush đã hành động sai. Sau khi bọn khủng bố Al-Qaeda do Bin Laden chỉ huy đánh vào nước Mỹ vào ngày 11 tháng 9, ông Bush không có kế hoạch truy kích bọn Al-Qaeda tới nơi tới chốn mà lại cất quân đi đánh Iraq, một nước không dính líu gì trong biến cố 9/11, nên đã làm cho vấn đề chống khủng bố càng khó khăn và thiếu hiệu quả. Nước Mỹ là nước phải trả giá cho sự sai lầm của ông Bush, cho tới giờ phút này thì hơn 600 quân nhân Mỹ đã tử trận ở Iraq một cách khá oan uổng.

Ðạo diễn Michael Moore có lời phát biểu chống đối Tổng thống Bush sau khi nhận được giải Oscar về phim tài liệu vào năm 2003 như sau, " Chúng ta sống trong một thời kỳ có những kết quả bầu cử giả định, để bầu lên một ông tổng thống giả định. Chúng ta sống trong một thời kỳ có một người gửi chúng ta ra cuộc chiến vì những lý do giả định, cho dù đó là sự giả định của băng keo dán hay sự giả định của những báo động màu cam. Chúng tôi chống lại cuộc chiến tranh này, ông Bush ơi, ông là đồ xấu hổ, ông là đồ xấu hổ " ( We live in a time where we have fictitious election results, that elect a fictitious president. We live in a time where we have a man sending us to war for fictitious reasons, where it is the fiction of duct tape or the fiction of orange alerts. We are against this war, Mr Bush, shame on you, shame on you..)(*) Dĩ nhiên trong một nước tự do như nước Mỹ, một người dân như đạo diễn Michael Moore có thể thẳng thắn phê bình ông Bush mà không sợ bị trả thù, vùi dập.Ðó là ưu điểm của một chế độ tự do và chính vì có quyền tự do ngôn luận phê phán này mà không một chính phủ độc tài nào có thể tồn tại trong thể chế tự do. Còn trong chế độ Cộng sản thì dù cấp lãnh đạo có ngu dốt sai lầm đưa đất nước đi xuống thì người dân cũng không có quyền phản đối gì cả mà chỉ phải vâng lời răm rắp cấp trên, và nếu chống đối lại người lãnh đạo cầm quyền thì chỉ mang họa tù tội vào thân vì bị tố cáo là làm mất an ninh ! Còn chừng 5 tháng nữa là bầu lại tổng thống và người dân Hoa Kỳ có quyền dùng lá phiếu để giữ ông Bush lại tiếp tục làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai nếu nhận thấy ông có khả năng an dân, trị quốc hay mời ông về tiểu bang Texas làm anh cao bồi vườn nghỉ hưu, an hưởng tuổi già vì đã tỏ ra bất tài vô tướng trong bốn năm cầm quyền. Ðó là ưu điểm của thể chế tự do và cũng nhờ ưu điểm này mà người dân trong thể chế tự do mới hoàn toàn làm chủ vận mạng chính trị của đất nước mình.
 

Lawndale, một chiều hâm hấp nóng đầu tháng 5 năm 2004
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG


(*) Trong lời phát biểu này, Ðạo diễn Michael Moore có nói đến " tổng thống giả định " là muốn mắng khéo ông Tổng thống Bush đã lên ngôi tổng thống trong một cuộc bầu cử đầy mờ ám năm 2000. Phó tổng thống Al Gore của Ðảng Dân chủ có nửa triệu phiếu dân bầu hơn Thống đốc Texas George W. Bush trên toàn quốc và ngay cả ở tiểu bang Florida, ông Gore cũng hơn phiếu ông Bush nếu đếm lại đàng hoàng, chứ không phải là ông Gore thua ông Bush chừng 500 phiếu như được công bố. Chính vì được công bố hơn ông Gore hơn 500 phiếu mà ông Bush thắng phiếu cử tri đoàn đưa đến chuyện ông thắng cử tổng thống. Phải nói là 5 người trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vốn thân Ðảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu cho ông Bush thắng cử sau một thời gian kiện tụng lôi thôi về phiếu bầu. Ông Bush đúng ra thắng kiện chứ không thắng cử. Vì thế ông Ðạo diễn Michael Moore mỉa mai và xách mé gọi ông Bush là tổng thống giả định. ( fictitious president).

Ông Michael Moore nói chuyện băng keo dán giả định ( fiction of duct tape) là muốn ám chỉ chuyện sau ngày 11 tháng 9, vì sợ bị tấn công bằng vi trùng sinh hóa học nên các cơ sở đôi khi bị dán băng keo để chống lại hơi độc. Ðôi khi chẳng có chuyện gì nhưng cũng dán băng keo, vì thế ông Moore mới gọi là băng keo dán giả định. Còn chuyện báo động màu cam là mức báo động cao nhất về khủng bố ( fiction of orange alerts). Ðôi khi vì sợ hãi quá mức và vô căn cứ nên chính phủ Mỹ công bố là mức báo động lên tới màu cam. Vì thế ông Moore đùa gọi là mức báo động màu cam giả định . (Ghi chú của Trần viết Ðại Hưng).

 

Hosted by www.Geocities.ws

1