TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý

LỰC LƯỢNG ÐỐI LẬP
ÐANG DẦN DẦN HÌNH THÀNH Ở VIỆT NAM

(Update Feb.08.02)

Trước ngày Tổng Thống Clinton của Mỹ sang thăm Việt Nam, có một điều làm người ta chú ý là những gương mặt đối lập ở Việt Nam đều đồng loạt lên tiếng như Nguyễn thanh Giang, Dương thu Hương ở miền Bắc, Nguyễn đan Quế và Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ ở miền Nam, tất cả đều lên tiếng hy vọng ông Clinton sẽ giúp nhà cầm quyền Hà Nội cải tiến thêm vấn đề nhân quyền tại Việt Nam vốn dĩ tệ hại từ lâu. Riêng Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ còn gửi thư riêng cho Tổng thống Clinton nhằm trình bày chi tiết những vi phạm nhân quyền cụ thể của Cộng Sản Việt Nam. Những sự lên tiếng đồng loạt của những tiếng nói đối lập này đã cho thấy lực lượng của những người phản kháng đã vô hình chung tập hợp lại nhằm đưa chuyện tranh đấu lên một bình diện mới hầu đem lại một lối thoát cho vấn đề tự do và nhân quyền của đất nước.

Từ trong nước, Bác sĩ Nguyễn đan Quế đã đưa ra lời " Tuyên bố thành lập Tập Hợp vì nền dân chủ". Ðây được coi như tuyên ngôn thành lập giới đối lập ở Việt Nam. Lời tuyên bố này có nội dung như sau:

"Chiến tranh lạnh chấm dứt với sự phá sản của chủ nghĩa Cộng Sản, thế giới chuyển mình sang kỷ nguyên hợp tác Bắc-Nam.

Ðông Nam Á đang đi dần vào hòa bình, ổn định, phi liên kết và hợp tác vùng.

Sau chiến tranh, bộ chính trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam thất bại trong hòa bình. Quần chúng chán ghét chính quyền tham nhũng, vô hiệu năng, ngược ý dân và thách thức trào lưu Dân Chủ trên toàn cầu. Dân ta sống dưới chế độ công an trị, nghèo đói và kém học; tiềm năng dân tộc bị kìm hãm vì đường lối lạc hậu của bộ chính trị.

Ðã đến lúc tập hợp lại, đấu tranh thiết lập chính quyền Dân Chủ để phát triển đất nước trong đất nước trong thế giới đang thay đổi như vũ bão.

Ðứng lên nắm lấy cơ hội làm ăn trực tiếp với thế giới bên ngoài, biến đổi hẳn hạ tầng cơ sở xã hội. Hạ tầng mới quyết định thượng tầng phù hợp. Song song với hợp tác kinh tế và bằng phương cách hòa bình, nhân dân ta đấu tranh buộc bộ chính trị:

1) Tách Ðảng khỏi chính quyền, cấm dùng tiền thuế củng cố Ðảng trị cản trợ tiến bộ.

2) Ðể Quốc Hội thảo luật bầu cử Dân Chủ.

3) Tổ chức bầu cử tự do và công bằng Quốc Hội Lập Hiến để thảo Hiến Pháp mới .

Chấp nhận chạy đua, Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn cơ may tồn tại trước khi quá muộn. Nếu không, khó tránh khỏi quần chúng đứng dậy lật đổ.

Bất cứ ai ở bất cứ đâu yêu chuộng dân chủ và ủng hộ chính nghĩa của dân tộc Việt hãy tập hợp lại cùng nhau làm việc trên nguyên tắc:

_ Tự lực hoạt động và phối hợp hành động qua mạng toàn cầu Internet.

_ Ai sẵn sàng mang hết tâm trí biến lý tưởng thành hiện thực có nhiệm vụ hướng dẫn những người khác đòi dân chủ.

_ Những cá nhân xuất sắc, có uy tín, được cộng đồng tín nhiệm hợp thành nền tảng của tổ chức chính trị tập hợp vì nền dân chủ.

Ðoàn kết lại! Dân chủ phải thắng

Liên lạc email: [email protected]
Việt Nam ngày 13 tháng11 năm 2000
Ðại Diện ban vận động thành lập
Bs Nguyễn Ðan Quế "

Bác sĩ Quế là người đã gọi những tên trong bộ chính trị của Bắc bộ phủ là những tên " phản dân hại nước " . Ông nhận định rằng sở trường của Cộng sản là chiến tranh và sở đoản của Cộng sản là làm kinh tế, ông hy vọng toàn dân sẽ nắm " hạ tầng kinh tế’ để từ đó tiến lên nắm " thượng tầng lãnh đạo " . Ông mỉa mai cho rằng Cộng sản là bọn " anh hùng tự phong" và giờ đây đã bị dân chúng khinh chê, nguyền rủa vì những hành vi cai trị ngu dốt và tàn ác của bọn chúng.

Bác sĩ Nguyễn đan Quế tạo được sự kính nể của đồng bào trong và ngoài nước khi được thả ra tù trước đây, mặc dù được chính phủ Mỹ chấp nhận vào Mỹ, ông vẫn khí khái và thẳng thắn từ chối để ở lại Việt Nam để tiếp tục tranh đấu cho quê hương và đồng bào Việt Nam. Gần hai mươi năm tù đầy không làm cho ông run sợ trước bạo quyền Cộng sản mà chỉ làm cho ông cứng rắn và quyết liệt hơn khi đương đầu với bộ máy chuyên chế độc tài này. Ông đúng là một con người " uy vũ bất năng khuất " và xứng đáng đủ tài đức để làm người lãnh đạo cho một nước Việt Nam tự do ngày mai.

Ðồng thời với tuyên ngôn tập hợp dân chủ của Bác sĩ Quế, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, trong lá thư gửi cho Tổng thống Clinton, đã chỉ ra những lỗi lầm của bạo quyền Cộng Sản cũng như đề ra những biện pháp để khắc phục nhằm đem lại nhân quyền cho người Việt Nam. Bức thư có đoạn viết:

" ....Thực tại của đời sống Việt Nam hôm nay- thực tại mà Tổng thống chẳng bao giờ thấy biết được - đó là sự hà khắc, kiểm soát, hạn chế và đàn áp. Ðảng Cộng Sản nắm độc quyền trong xã hội Việt Nam, chính sách độc tôn ấy hiện rõ mồn một trên điều 4 của Hiến pháp. Mọi bất đồng chính kiến đều không thể dung tha, và mọi sự ủng hộ cho thể chế chính trị đa đảng đều bị cấm đoán.

Chúng tôi không có tự do báo chí tại Việt Nam. Bất cứ tờ báo nào trong số trên 500 báo chí đều nằm trong tay kiểm soát của nhà nước, chẳng một tờ báo tư nhân nào được phép hiện hữu. Năm ngoái ở Hà Nội, cựu tướng Trần Ðộ, một đảng viên kỳ cựu, viết đơn xin phát hành một tờ báo độc lập, nhưng chính quyền từ khước. Ngay các tôn giáo cũng chẳng có quyền tự do in báo. Tháng 10 vừa qua, ban Tôn Giáo chính phủ ra lệnh cho Hội Ðồng Giám Mục đình bản tờ Hiệp Thông, là nội san duy nhất của Giáo Hội Công Giáo. Tháng 9 năm 1999, tôi viết thư xin phép ra một nguyệt san Phật giáo. Cho đến nay tôi vẫn chờ đợi chính quyền hồi âm.

Chúng tôi không có tự do Công đoàn tại Việt Nam. Ðể sản xuất giá hạ và cạnh tranh với nền kinh tế toàn cầu, công nhân xí nghiệp- đặc biệt phụ nữ- đã phải làm giờ phụ trội trong những điều kiện tồi tệ, thế nhưng họ không có phương tiện bảo vệ chống lại sự bóc lột lao động. Ngay các thiếu nhi cũng bị cưỡng bức lao động: trong bản phúc trình của UNESCO gần đây cho biết một phần năm của lực lượng lao động đến từ thiếu nhi dưới 15 tuổi.

Chúng tôi không có tự do ngôn luận tại Việt Nam. Bất cứ ai biểu tỏ quan điểm mình một cách ôn hòa, nhưng trái chống với lập trường của Ðảng Cộng Sản liền bị Công an bắt giam chẳng cần án lệnh của tòa án, theo thứ luật pháp tùy tiện, như Nghị định 31/ CP được gọi là " Quản chế hành chính". Nghị định này chẳng áp dụng riêng cho các nhà vận động cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Ngay các cán bộ cao cấp, có 50, 60 tuổi Ðảng , vẫn bị khai trừ khỏi Ðảng, sách nhiễu, hăm dọa hay quản thúc chỉ vì họ phê bình chính sách của Ðảng và kêu gọi cải tổ chính trị, đó là trường hợp đã xảy ra cho các ông Nguyễn văn Trấn, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, tướng Trần Ðộ, v..v

Không có tự do tôn giáo ở Việt Nam. Các cộng đồng tôn giáo rất phong phú và chung sống hòa đồng trên đất nước chúng tôi, như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành, v..v . Ngày nay, tất cả các tôn giáo ấy đều bị đàn áp, các Giáo hội chính thống bị các Giáo hội nhà nước thay thế và đặt dưới quyền kiểm soát của Ðảng Cộng Sản và Mặt Trận tổ quốc. Tháng 9 vừa qua ( 2000), 6 chức sắc và tín đồ thuộc Giáo hội Hòa Hảo bị kết án từ 1 đến 3 năm tù vì " tội" đã gửi kiến nghị lên Chính phủ phản đối việc sách nhiễu tín đồ Hòa Hảo. Giáo sản của Giáo hội Công giáo bị tịch thu: mới đây chính quyền tịch thu miếng đất sở hữu của Tu viện Thiên An gần Huế để xây dựng công viên giải trí. Giáo hội Tin Lành và đồng bào ít người thuộc dân tộc Hmong ở miền thượng du bị hăm dọa và cấm theo đạo ; các vị chức sắc cùng tín hữu Cao Ðài giáo bị bắt bớ : một nữ chức sắc bị xử 2 năm tù chỉ vì tìm gặp ông Ðặc sứ Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam điều tra về đàn áp tôn giáo ... Ðối với Phật giáo đồ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền cấm hoạt động, mọi cơ sở chùa viện, giáo dục, cơ quan từ thiện xã hội bị Nhà nước chiếm dụng. Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo Giáo hội, bị quản thúc không lý do không xét xử suốt 18 năm qua, và biết bao nhiêu Tăng Ni, Phật tử còn bị cầm tù. Hồi tháng 10 vừa qua, tôi bị Công an câu lưu 12 giờ đồng hồ vì tìm cách đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đã thông báo trước cho chính quyền biết chuyến công tác cứu trợ ấy, thế nhưng họ vẫn câu lưu như thường...

..... Nhưng, thưa Tổng thống, chúng tôi tin rằng mục tiêu trên đây chỉ đạt được nếu Tổng thống chịu công khai ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo trong chuyến viếng thăm này. Tôi biết rằng Tổng thống đang chịu sức ép của phong cách " chớ làm mếch lòng " trên lĩnh vực nhân quyền để tránh các sự đối đầu với nhà cầm quyền Cộng sản. Nhưng ngay lúc này đây, Tổng thống cần dứt khoát trong cuộc chọn lựa lịch sử . Hoặc Tổng thống dấn thân hậu thuẫn cho chế độ, một tuyệt đại thiểu số đặc quyền của đảng Cộng sản thống trị, có nghĩa là Tổng thống trợ lý cho chính quyền ấy bóp nghẹt dân chủ tại Việt Nam. Hay là Tổng thống chọn lựa 78 triệu dân Việt Nam để hậu thuẫn họ trong nỗ lực vận động cho nhân quyền và tự do. Ðây chính là dấu ấn mà Tổng thống để lại trong lịch sử của trái tim con người.

Tôi trân trọng xin Tổng thống áp lực với các nhà lãnh đạo Việt Nam để :

  • Thực thi một cách cụ thể và cải thiện đáng kể cho nhân quyền.
  • Tôn trọng các quyền và những tự do căn bản được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
  • Trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân vì lương thức và tái lập mọi quyền công dân cho họ.
  • Tái hồi quy chế cho các cộng đồng tôn giáo chính thống, và hủy bỏ mọi luật pháp hạn chế các tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội tại Việt Nam.
  • Là vị lãnh đạo của thế giới tự do, nguyên thủ của siêu cường độc nhất trên trái đất, Tổng thống có trách nhiệm đối với những ai đang hy sinh tính mạng mỗi ngày trong cuộc đấu tranh cho quyền làm người. Chúng tôi đặt hết hy vọng vào cơ hội nghìn vàng này để Tổng thống vọng âm tiếng nói của họ.
  • Ngay cả bức thư này tôi phải gửi qua đường riêng bí mật để tránh mọi mạng lưới kiểm soát, nên tôi chuyển đến văn phòng đại diện của giáo hội chúng tôi, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris, nhờ chuyển đệ lên Tổng thống.
Hy vọng đến tay Tổng thống bình an.

Cầu Phật gia hộ Tổng thống... 

Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
Sa Môn Thích Quảng Ðộ " 

Gần hai mươi năm tù đày không khuất phục được Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ. Thầy đã chứng tỏ cái bản lãnh uy nghi của một người lãnh đạo, dù không có một tấc sắt trong tay, thầy vẫn dõng dạc lên án những hành động đàn áp nhân quyền xấu xa của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Tinh thần vô úy của nhà Phật đã được thầy thể hiện một cách trọn vẹn, thầy đã dạy cho Cộng sản biết thế nào là tinh thần bi, trí, dũng của một bậc trưởng tử Như Lai . Mới đây thầy đãû bất chấp sự răn đe của nhà cầm quyền và đã lên đường đi cứu lụt tại Miền Tây để trang trải lòng từ bi đến đồng bào ruột thịt trong khi lâm nạn. Thầy bị bắt và câu lưu trong hơn 12 tiếng đồng hồ và cuối cùng bị đuổi về Sài Gòn. Ðúng là trên thế giới này chỉ có nước Cộng sản Việt Nam mới đàn áp những người đi làm việc thiện cứu trợ đồng bào mình như thầy Quảng Ðộ. Chưa ai quên chuyện thầy bị bỏ tù mấy năm vì chuyến đi cứu lụt miền Tây mấy năm trước. Không biết chế độ gian ác chuyên làm những chuyện phi lý này bao giờ mới sụp đổ để người Việt Nam có thể hít thở một chút không khí tự do sau bao năm trời bị đàn áp, đầy đọa. Mới đây thầy Quảng Ðộ lại tiếp tục lên đường đi cứu lụt đồng bào Miền Tây. Lần này thì Cộng sản không còn ngăn trở nữa, có lẽ vì do chuyến công du đến Việt Nam của Tổng Thống Clinton. Hà Nội sợ phơi bầy ra cái bộ mặt đàn áp nhân quyền của họ nên lần này họ đã chùn tay, không dám thẳng tay đàn áp thầy Quảng Ðộ như lần trước nên coi như thầy đã thắng trong chuyện đối đầu với Cộng sản kỳ này. Thầy quả là một khối kim cương kết tinh tuyệt hảo mà sắt thép Cộng sản không thể làm hại và khuất phục nổi. Người Phật tử trong và ngoài nước hết sứ hãnh diện và tự hào khi thấy mình có một bậc cao tăng bất khuất ,cao cả như thầy Quảng Ðộ. Sự có mặt của thầy trong lực lượng đối lập tại Việt Nam sẽ mang lại sự vững mạnh trong con đường tranh đấu dân chủ và nhân quyền để từ đó thu ngắn con đường đi đến thắng lợi. Nói đến thầy , người ta không thể quên câu nói nhận định sâu sắc của thầy " Cái ác sẽ không bao giờ trường tồn. Lịch sử đã không ngừng chứng minh điều đó." Lời nhận định chính xác này cũng coi như đoán trước ngày tàn của bạo quyền Cộng sản Việt Nam mà thời gian tồn tại lâu hay mau tùy thuộc vào hành động của những người đối lập tranh đấu như thầy Thích Quảng Ðộ. Một lần nữa, Ðạo Phật và dân tộc đã chứng tỏ mối giây liên lạc khắng khít như đã từng có hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam. Phật giáo bị đàn áp, suy vi thì dân tộc cũng rên siết, quằn quại. Tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng cũng là cởi bỏ xiềng xích đàn áp cho người dân. Trước khi làm người tu sĩ Phật Giáo, thầy Quảng Ðộ là người Việt Nam cho nên chuyện thầy đòi quyền tự do tín ngưỡng cũng chỉ là khẳng định quyền làm người của dân tộc Việt Nam mà thôi.

Vũ hoàng Chương có mấy câu thơ khá hay để diễn tả sự bất khuất của người con Phật trên con đường tranh đấu :

"Dân tộc ta không thể nào thua.
Ðạo Phật ta đời đời sáng lạn
Dù trải qua bao qua phân, ly tán
Thì vẫn còn núi còn sông
Còn chót vót mãi ngôi chùa "
Sự tranh đấu quyết liệt đòi tự do tín ngưỡng trong tinh thần bất bạo động của thầy Quảng Ðộ cho thấy thầy xứng đáng là người lãnh đạo cao cấp của giáo hội; đối với đất nước thầy đúng là một người con yêu của dân tộc Việt Nam, không ngại tù đày áp bức để dấn thân tranh đấu cho dân tộc có một ngày mai.

Một gương mặt tranh đấu cũng khá nổi bật là Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang, ông được giới địa chất thế giới đánh giá là một trí thức uyên bác, không những trong phạm vi địa chất chuyên môn mà cả trong lãnh vực nhân văn. Năm ngoái ông bị công an bắt ngay trên đường phố với tội danh gán cho ông là viết nhiều tài liệu chống phá nhà nước. Do sự can thiệp tích cực của các tổ chức tranh đấu và các chính phủ trên thế giới, rốt cuộc Hà Nội phải thả ông ra khỏi tù. Từ đó đến nay ông chịu nhiều biện pháp kiểm soát và trấn áp của công an.

Mới đây, trong dịp liên lạc hiếm hoi bằng điện thoại , ông đã bày tỏ những ý kiến của mình với công ty Kicon về chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Clinton như sau:

" Ông Clinton muốn làm một cái việc là người đầu tiên xâm nhập được vào một trong những lãnh thổ cuối cùng ở vùng Ðông Nam Á. Tôi cho rằng, về phía cá nhân ông Clinton muốn tích cực làm việc ấy. Còn phía Việt Nam, theo tôi, Ðảng Cộng Sản Việt Nam sắp tổ chức đại hội Ðảng, họ rất muốn đón ông Clinton để củng cố thanh thế của họ, giữ được thế ngoại giao.

... Tôi muốn rằng ông Clinton khi sang Việt Nam thì hãy làm sao giải quyết vấn đề cho nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam, chứ không phải chỉ để giải quyết vấn đề ghi vào lịch sử của ông Clinton, cũng không phải để thỏa mãn cái thành tích của giới lãnh đạo Việt Nam. Phải đạt được điều làm sao cho quan hệ giao thương giữa hai nước được tốt đẹp. Mà phải tốt đẹp cho cả hai phía, nghĩa là vừa làm giàu cho nhân dân Việt Nam, vừa làm giàu cho nhân dân Mỹ, làm sao cho Việt Nam hội nhập vào với thế giới. Một thế giới tiên tiến, trong đó không phải chỉ có sự giàu có mà còn bao gồm tất cả những giá trị chung của nhân loại, bao gồm giá trị nhân quyền, dân chủ, tự do."

Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang vẫn thường đề cao đến nhân quyền, mà ông cho đó là " khát vọng ngàn đời của nhân loại ". Với những bài viết đề cập đến vấn đề nhân quyền cũng như tố cáo chế độ Hà Nội trù dập và đàn áp quyền làm người căn bản của nhân dân Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn thanh Giang coi như đã đứng vào lực lượng đối lập ở Việt Nam. Ðược trang bị với một kiến thức cao, với lòng yêu nước nồng nàn, chắc chắn Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang sẽ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành dân chủ và nhân quyền cho người Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Nói đến những thành phần đối lập ( dissidents) ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến nhà văn Dương thu Hương. Người dân trong và ngoài nước đều biết đến những tác phẩm tiêu biểu của bà như Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng, Tiểu thuyết vô đề. Trong những cuốn sách đó bà đã dùng văn chương để nói lên cái thảm cảnh của đất nước và con người Việt Nam dưới chế độ Cộng sản hà khắc. Bà đã có thái độ can đảm hiếm có của một người phụ nữ khi bà thẳng thắn phê bình giới lãnh đạo Hà Nội. Bà từng bị chế độ giam cầm gần một năm và công an còn đe dọa nghiền nát bà như tương. Hiện nay, Dương thu Hương bị công an theo dõi thường xuyên, thư từ của bà bị kiểm duyệt gắt gao và trắng trợn. Hành động đàn áp thô bạo và thô bỉ của nhà cầm quyền chỉ làm cho Dương thu Hương lên tiếng mạnh bạo và quyết liệt thêm. Nhà văn bướng bỉnh, " cứng đầu" này đã từng nói với Ðảng " Ðảng cứ bảo là nhân dân phải biết ơn Ðảng mà Ðảng có bao giờ nghĩ đến chuyện Ðảng phải biết ơn nhân dân hay chưa."

Trong cuộc phỏng vấn với công ty Kicon nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Clinton tới Việt Nam, nhà văn Dương thu Hương đưa ra những nhận xét thẳng thắn và quyết liệt như sau :

" ....Tôi là người đang sống ở Hà Nội, nhưng tôi lại là người đang sống ngoài xã hội này, vì tôi là một người phản kháng chứ không phải là một nhà văn bình thường. Từ năm 1991 đến nay, sách của tôi bị cấm in và tôi bị cấm làm việc ở xứ sở của tôi. Nói cách khác, tôi là kẻ bị lưu đầy tại chỗ..

.. Giữa nước Mỹ và nước Việt Nam có một trang sử hết sức đau buồn. Trang sử đó, tôi nghĩ rằng, về cả hai phía đều có những nhầm lẫn. Bên ngoài, khi nhìn vào cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ rằng có nhiều điều thực sự chưa được thấu hiểu một cách rõ ràng và chuẩn xác. Bản thân nhân dân Việt Nam là những người sống trong xã hội, bị thống trị dai dẳng bởi chính sách ngu dân và bưng bít thông tin, nên càng không hiểu tính cách đa chiều hoặc những suy nghĩ của nhân loại, nhất là những góc cạnh khác để nhìn về cuộc chiến tranh đã qua..

... Tôi sẽ phát biểu đúng như tôi đã nói với các nhà báo quốc tế rằng, vấn đề nhân quyền là vấn đề số một của Việt Nam hiện giờ. Tình trạng tăm tối mù lòa về thông tin, rồi cái quá trình sống mà chưa bao giờ được trải nghiệm bài học về dân chủ, rồi một cái lịch sử dài tăm tối ấy bị những cái gọi là " chân lý " ấy , tức là những ý kiến , những quan niệm do nhà nước áp đặt, tất cả những cái đó đã trở thành một hệ thống tư tưởng, một hệ thống nhận định tăm tối và lệch lạc. Phải có một cơ hội rõ ràng và chuẩn xác để cho người ta nhìn lại. Mà muốn như thế thì phải có dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, tôi nghĩ chuyến đi của ông Clinton mà ông ấy đã nói với các nhà báo là có hai mục tiêu( nếu tôi không lầm) là thứ nhất là phát triển kinh tế và thứ hai là củng cố cho một dân tộc chưa hiểu nhân quyền, chưa được hưởng nhân quyền có cơ hội hiểu biết và đòi nhân quyền, chuyến đi này rất là quan trọng, vì nó sẽ là cơ hội rất tốt để cho nhiều người Việt Nam so sánh giữa một người lãnh đạo ở một nước tự do với những nhà lãnh đạo của một hệ thống Cộng sản. Cộng sản là sự pha trộn giữa một chế độ độc tài và chế độ phong kiến."

Có sống giữa sự áp bức của chế độ Cộng sản mới thấy có một người dám nói thẳng những sự thật như nhà văn Dương thu Hương không phải là một chuyện dễ . Những lời phát biểu bốp chát của Dương thu Hương là những cú đấm thôi sơn làm rung rinh chế độ. Bà cho biết chế độ Cộng sản Hà Nội đã từng tính chuyện dàn xếp tai nạn xe cộ để trừ tuyệt bà. Bà thoát chết là do bạn bè báo trước và bà sẽ viết và vạch trần hết những âm mưu giết người này trong cuốn hồi ký đang viết của bà. Bà sẽ cho xuất bản cuốn hồi ký này tại hải ngoại. Cộng sản cũng đã từng dàn xếp tai nạn xe cộ để trừng phạt hai nhà tu Thiên chúa giáo chống đối Chân Tín và Nguyễn ngọc Lan khi hai ông này đi dự đám tang của cựu Ðảng viên phản kháng Nguyễn văn Trấn tại Sài gòn. Chân Tín bị thương nhẹ và Nguyễn ngọc Lan bị thương nặng trong đòn trả thù hèn hạ bằng tai nạn này của Cộng Sản.

Từ chuyện Chân Tín, Nguyễn ngọc Lan bị tai nạn xe cộ cho đến chuyện Dương thu Hương bị âm mưu ám hại cũng bằng tai nạn xe cộ, điều đó cho thấy nhà cầm quyền Cộng sản luôn dùng tai nạn xe cộ để trừng trị hay trừ tuyệt tiếng nói đối lập. Tại sao họ lại phải dùng hình thức trừng trị ám muội này? Dĩ nhiên họ muốn chạy tội trước dư luận quốc tế vốn vẫn thường xuyên lên án họ trong chuyện vi phạm nhân quyền. Chuyện gây tai nạn để bịt tiếng nói đối lập đã nói lên cái cung cách ti tiện, hèn hạ, và dã man của bạo quyền Cộng sản Việt Nam và ngày bọn họ phải ra trước vành móng ngựa để trả lời những tội ác của họ chắc cũng không còn xa. 

Ðối với chế độ Cộng sản, mặc dù họ huênh hoang cho rằng " Chế độ vô sản có dân chủ gấp triệu lần chế độ tư sản.", chế độ Cộng sản không chấp nhận đối lập, họ coi những thành phần đối lập là những thành phần " phản động" và họ coi như có quyền thẳng tay đàn áp không do dự . Họ đề ra nguyên tắc " chuyên chính vô sản ". Thật ra cụm từ " chuyên chính vô sản " là một cách nói màu mè, chứ thật ra cái từ "chuyên chính vô sản " chính là " độc tài chuyên chính vô sản " mà thôi. Cho nên thành phần đối lập không có đất sống trong chế độ Cộng sản. Nhà tranh đấu Nguyễn đình Huy mới mon men thành lập lực lượng đối lập đã bị trù dập thẳng tay và bị bỏ tù đến giờ này chưa ra. Ðường đi của Nguyễn đình Huy là đúng, chỉ tiếc là thời điểm quá sớm nên ông phải chịu cảnh tù tội. Dù sao quyết tâm dấn thân tranh đấu của ông Nguyễn đình Huy cũng đáng kính phục. Ðất nước Việt nam có những người xả thân tranh đấu, không ngại tù đày trù dập như Nguyễn đình Huy thì đồng bào Việt nam mới mong có ngày hít thở không khí tự do, đất nước mới mong có ngày tiến bộ.

Cho đến ngày hôm nay thành phần đối lập bất đồng chính kiến đấu tranh xuất hiện ngày càng đông và công khai tập hợp lại. Nếu cứ ở tình trạng lẻ tẻ thì sẽ không thúc đẩy tình hình tiến lên được. Thành phần đối lập này bao gồm nhiều thành phần khác nhau. Có giới nhà văn như Dương thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi minh Quốc; có thành phần trí thức như Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang, Phó tiến sĩ Hà sĩ Phu, Bác sĩ Nguyễn đan Quế; có thành phần tu hành như Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, cụ Lê quang Liêm của Phật giáo Hòa Hảo; có thành phần đảng viên Cộng sản cũ như cựu tướng Trần Ðộ. Những người này có quá khứ xuất thân khác nhau nhưng cùng giống nhau một điểm là quyết tâm tranh đấu cho nền dân chủ của đất nước và nhân quyền của toàn dân Việt Nam. Nước Việt Nam bây giờ mở cửa để tiến hành công cuộc đổi mới nên giới lãnh đạo Hà Nội không dám thẳng tay đàn áp những người đối lập chống đối như họ đã từng làm trong thời gian khép kín. Lực lượng đối lập tuy bất hợp lệ nhưng đã có một thế đứng vững vàng trong chuyện đương đầu với bạo quyền. Lực lượng đối lập càng bành trướng thì bạo quyền càng thối lui . Chuyện cần làm bây giờ là lực lượng đối lập phải áp lực nhà cầm quyền Cộng sản để có một cuộc bầu cử tự do hầu dân chúng có thể biểu lộ quyền dân chủ của mình trong chuyện chọn lựa người lãnh đạo đất nước. Nếu có một cuộc bầu cử xảy ra thì chắc chắn Cộng sản Việt Nam sẽ là người thua cuộc. Cộng sản Việt Nam sẽ chịu số phận hẩm hiu của tên độc tài Milosevic ở Nam Tư . Chế độ độc tài dứt khoát phải cáo chung , nhân quyền dân chủ nhất định thắng lợi. Bóng đêm Cộng sản sẽ vĩnh viễn chìm sâu để ánh sáng dân chủ chiếu sáng khắp mọi nơi, mang lại sự sống và niềm vui cho người dân đã biết bao năm sống trong tăm tối, khổ đau.

Trong lúc những nhà đối lập ở Việt Nam bày tỏ sự bất đồng chính kiến bằng những bài viết và những cuộc phỏng vấn thì một gương mặt tranh đấu ở hải ngoại là người hùng Lý Tống lại làm một cú ngoạn mục nữa là ông đã lái phi cơ rải trên 50000 truyền đơn xuống Saigon và Tây Ninh (17.11.2000) trong lúc Tổng thống Clinton đang có mặt tại Hà Nội trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Việt Nam. Ðây là lần thứ hai Lý Tống rải truyền đơn xuống Sài gòn, lần thứ nhất ông đã cướp một chuyến phi cơ dân sự để rải 50000 tờ truyền đơn xuống Sài gòn năm 1992 và sau đó nhảy dù xuống và rồi bị bắt, bị tù 6 năm rồi mới được thả. Lý Tống luôn biểu lộ sự bất đồng của mình bằng hành động cụ thể. Những tờ truyền đơn kêu gọi dân chúng nổi dậy mà Lý Tống rải xuống Sài gòn lần này cũng như lần trước đã là những cú đấm nặng ngàn cân tuyệt đẹp đánh vào bộ máy cai trị cứng ngắt của chế độ Cộng sản. Thành trì Cộng sản đã lung lay với sức chấn động của những hành động liều lĩnh, táo bạo của Lý Tống. Sự đóng góp của Lý Tống vào sự nghiệp xây dựng nền dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận . Tấm lòng ưu ái đến đồng bào, đến quê hương đất nước Việt Nam làm ông quên đi sự tù đày và chết chóc lúc nào cũng sẵn sàng chờ đón ông trên đường hành động. Ngày xưa hình ảnh tráng sĩ Kinh Kha sang Tần để trừ bạo chúa Tần thủy Hoàng đẹp đẽ như thế nào thì ngày nay hình ảnh phi công Lý Tống lái máy bay rải truyền đơn kêu gọi đồng bào nổi dậy lật đổ bạo quyền cũng hào hùng và đẹp đẽ không kém. Thời đại nào cũng có những anh hùng coi cái chết nhẹ như lông hồng và thường những anh hùng như thế mới làm nên lịch sử. Lý Tống đúng là một người anh hùng của thời đại và ông xứng đáng được sự ngưỡng mộ của tất cả những người dân Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Trong tờ truyền đơn rải xuống Sài Gòn kỳ này, Lý Tống có ghi rõ phương châm hành động của mỗi người Việt Nam hôm nay là " Ta cúi đầu, cộng cưỡi cổ. Ta đứng dậy, cộng sụp đổ." và " Bắc bộ phủ toàn những tên đầu gấu. Sống vô tâm quanh bữa tiệc đầu lâu". Ðây đúng là một phương châm của thời đại vì những con người không dám đứng thẳng làm người thì cũng không nên than trách vì sao mình cứ bị trấn áp, đọa đầy. Cam tâm làm thân phận cỏ dại thì cũng không nên buồn đau mình bị vùi dập, phải có can đảm đứng lên thì dù thế nào chăng nữa, mình cũng đã sống một cuộc đời oanh liệt trước đã.

Trước năm 1975, cố giáo sư Nguyễn văn Bông của Học viện Quốc Gia Hành Chánh của Việt Nam Cộng Hòa, lúc còn sinh thời có viết một bài " Ðối lập chính trị " thật hay và sâu sắc, trong đó ông định nghĩa chữ đối lập chính trị và bàn kỹ về vai trò cần thiết của thành phần đối lập trong một xã hội dân chủ. Xin trích dẫn những đoạn chính yếu như sau:

" Trước nhất , đối lập phải là một sự bất đồng về chính trị. Hiện tượng đối lập chỉ có, khi nào những kẻ chống đối có thể tổng hợp lại tất cả những vấn đề được đặt ra , đưa những vấn đề ấy lên một mức độ đại cương và phán đoán theo một tiêu chuẩn chính trị. Có thể có một số đông người dân chận đường xá để phản đối một chính sách của chính phủ, có thể có một số đông sinh viên, một đoàn thể văn hóa hay tôn giáo biểu tình đòi hỏi những cái gì đó. Ðó chỉ là một sự khước từ, kháng cự hay phản đối. Hiện tượng đối lập chỉ có, khi nào sự khước từ ấy, sự kháng cự ấy, sự phản bội ấy được chính trị hóa.

Là một sự bất đồng về chính kiến, đối lập phải có tính cách tập thể. Trong bất cứ lúc nào, luôn luôn có những người bất đồng chính kiến với chính quyền. Có thể có một thiểu số đông anh em, thỉnh thoảng họp nhau, rồi trong lúc trà dư tửu hậu, bàn quốc sự, có một thái độ chống đối đường lối, chủ trương của chính phủ. Ðó là những kẻ chống đối, những cá nhân đối lập. Và những kẻ chống đối ấy có thể có trong chính thể Ðộc tài, Cộng sản. Ðó không phải là đối lập.

... Ðối lập chỉ có khi nào sự bất đồng chính kiến ấy có tính cách tập thể, khi nào nó là kết quả biểu hiện một sự hành động có tổ chức của những kẻ chống đối. Nói đến sự hành động có tổ chức là nghĩ ngay đến chính đảng. Chỉ có đối lập khi nào có một chính đảng đối lập.

... Ðối lập chỉ có khi nào sự bất đồng chính kiến ấy có tính cách tập thể, đối lập phải hợp pháp nữa. Có thể vì một lý do gì mà một đoàn thể phải dùng võ lực chống lại chính quyền . Có thể vì một lý do gì một đoàn thể phải dùng võ lực chống lại chính quyền. Có thể vì một lý do gì mà một chính đảng phải hoạt động âm thầm trong bóng tối. Những hành động ấy, đành rằng nó có tính tập thể và kết quả của một sự bất đồng chính kiến, chúng không được xem là đối lập. Những hành động ấy chỉ được xem là những cuộc âm mưu phiến loạn hay kháng chiến, nó không còn là đối lập nữa. Vì đối lập chỉ hoạt động trong vòng pháp luật..

....Một khi đã ý thức được danh từ " đối lập " và nhận định được tầm quan trọng của nó trong cuộc sinh hoạt chính trị, vấn đề then chốt được đặt ra là xác định vị trí của đối lập trong các chính thể. Nếu tinh túy của dân chủ là lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị, thì lẽ tất nhiên lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị ấy được thể hiện trên bình diện chính trị, qua những quyền của đối lập và sự hiện diện của đối lập chỉ là kết quả sự thừa nhận tự do chính trị. Ðối lập chỉ có giá trị và hiệu quả trong một chế độ mà triết học chính trị là Dân chủ tự do. Vì đối lập dựa trên tinh thần khoan dung, trên sự chính đáng của bất đồng chính kiến. Vì thừa nhận tính cách tương đối của chân lý chính trị.

.... Một quan niệm đối lập như thế, dựa trên Chủ nghĩa tự do. Chính thể độc tài không thể chấp nhận được. Trong chính thể này, chính quyền là tất cả, còn đối lập chẳng những vô ích mà còn nguy hiểm nữa. Vô ích vì những nhà độc tài luôn cho rằng ý thức hệ của mình là bất di bất dịch và vai trò của cơ quan công quyền không phải tìm lấy một ý chí đi sát với nguyện vọng của quốc gia mà trái lại chỉ có nhiệm vụ áp dụng mệnh lệnh của chính đảng nắm quyền lãnh đạo. Chẳng những vô ích, đối lập còn nguy hiểm nữa. Nguy hiểm cho sự thực hiện nguyện vọng của quần chúng, vì hành động của đối lập phân ly quần chúng. Bởi thế, đối lập cần phải được thanh trừng và những cái mà người ta gọi là dân chủ, quyền tự do công cộng, những lợi khí mà đối lập dùng để hoạt động, lợi khí ấy cần phải được cấm nhặt.

... Bị khước từ bởi những chính thể Ðộc tài, đối lập chỉ được thừa nhận trong chính thể dân chủ, chẳng những trên bình diện triết lý chính trị, đối lập còn được chứng minh qua khía cạnh cuộc điều hành thực tiễn của định chế. Chính sự hiện diện của đối lập phản ảnh tính cách chân chính của ý chí quốc gia. trong những chế độ mệnh danh là " nhất tề - nhất trí " , trong những chế độ mà người ta chỉ nghe 99 phần trăm, đành rằng không phải không thể có được, nhưng sự vắng mặt của đối lập làm cho người ta lắm lúc phải hoài nghi. Chỉ trên bình diện thực tại, vai trò của đối lập chứng tỏ rằng, mặc dù bị loại ngoài hệ thống chính quyền, đối lập cần có mặt và phát biểu..

.... Dù sao, để trở lại vấn đề đối lập trong chính thể dân chủ, không ai có thể chối cãi tính cách chính đáng của sự hiện diện của đối lập. Nhưng đối lập, chẳng những phải có mặt mà còn phải có phát biểu nữa. Mà đối lập phát biểu để làm gì và hành động của đối lập sẽ có tác dụng gì trong guồng máy chính trị quốc gia? Và theo thủ tục nào, dưới hình thức nào, với những bảo đảm nào, đối lập có thể mạnh dạn và thành thực phát biểu ý kiến?

...Ðó là hai vấn đề cực kỳ quan trọng, vấn đề vai trò của đối lập và vấn đề qui chế của đối lập, đó là hai vấn đề căn bản mà chính thể dân chủ cần phải giải quyết một cách phân minh để ổn định cuộc sinh hoạt chính trị và để đối lập làm tròn sứ mạng của nó."

Nói chung , giáo sư Nguyễn văn Bông đã đề cao vai trò của đối lập trong sinh hoạt dân chủ một nước tự do. Lực lương đối lập ngày nay ở Việt Nam không hoạt động hợp pháp vì Việt Nam theo chế độ Cộng Sản, nhưng hình thức hiện diện bán chính thức của lực lượng đối lập Việt Nam cũng đã là cái bàn đạp bắt đầu trên con đường xây dựng dân chủ. Giáo sư Nguyễn văn Bông là một khuôn mặt chính trị trong sáng của Miền Nam. Tiếc rằng ông đã thiệt mạng khi bị bom gài trên xe phát nổ ở đường Phan thanh Giản Sài Gòn trước năm 1975. Ông ra đi quá sớm nên chưa đóng góp được gì nhiều cho đất nước nhưng tư tưởng dân chủ của ông nằm trong những bài phân tích chính trị cũng đóng góp được một mô hình dân chủ cho Việt Nam ngày mai. Có dư luận cho rằng Cộng sản đã gài bom giết giáo sư Bông vì chúng thấy tương lai giáo sư Bông là một chính khách sáng giá của Miền Nam, làm cản trở ít nhiều cho tiến trình xâm lăng Miền Nam của họ.

Nhà lý luận đối lập Hà sĩ Phu đã nhận định chính xác khi cho rằng, " Ðảng Cộng Sản làm chính trị trong xã hội ta còn sướng hơn vua, người ta bảo thế, bởi vì chẳng có báo chí nào dám hé nửa lời đấu tranh với kẻ đã và đang cai trị mình. Còn ở một thể chế văn minh, thì người cai trị bị buộc phải cầm quyền trong những điều kiện đầy thử thách như thế. Học thuyết Mác- Lê Nin đã không gắn " bài toán phân chia sản phẩm " với " bài toán phân chia quyền lực" và " bài toán phát triển sản xuất " nên đã không tạo được những xã hội công bằng và phát triển, thì chính bây giờ chúng ta đang và sẽ sửa lại cái căn bản thiếu sót ấy.

Nâng cao dân trí ở ta, cũng có nghĩa là làm một cuộc vận động để chủ động chia tay với ý thức hệ chuyên chính ấy" ( Bài phỏng vấn đài VNCR ngày 28 tháng 11 năm 1995). Ðúng là 500 tờ báo Việt Nam là báo của nhà nước, lúc nào cũng là tiếng loa lập lại tiếng nói của Ðảng, không bao giờ dám đi ra ngoài khuôn khổ , chủ trương , đường lối của Ðảng , nên khó có thể có chuyện ve sầu lạc điệu, nhưng lực lượng đối lập đang manh nha thành hình theo lời kêu gọi hiệu triệu của Bác sĩ Quế đã cho thấy là cái thời cai trị " sướng như vua " của Cộng Sản sẽ không còn tồn tại trong những ngày tháng sắp tới. Lực lượng đối lập sẽ thay vai trò phê phán công minh của báo chí để vạch ra những sai trái của nhà cầm quyền. Lực lượng đối lập sẽ sử dụng phương tiện truyền thanh của những đài BBC, VOA, RFA v,,v để gửi tiếng nói của mình đến thính giả trong nước cũng như những bài viết gửi ra hải ngoại bày tỏ ý kiến của mình để rồi sẽ được " chuyển lửa" vào quốc nội. Có điều nghịch lý là mặc dù đang sống trên đất nước Việt Nam, họ không thể phổ biến nhận định của họ đến đồng bào quốc nội vì mọi phương tiện truyền thông nằm trong tay Ðảng Cộng Sản cầm quyền mà phải phổ biến ra hải ngoại để rồi hải ngoại chuyển về lại trong nước. Bổn phận của người Việt hải ngoại là phải tiếp tay phổ biến những nhận định của lực lượng trong nước một cách nhanh chóng và rộng rãi. Chế độ Cộng sản có thể ví như dơi,như chuột nên họ rất sợ ánh sáng, sợ phê bình, sợ sự thật. Vì thế một mai đây khi tiếng nói của lực lượng đối lập được khuếch đại và phổ biến khắp nước thì càng làm yếu kém bộ máy đàn áp của nhà cầm quyền và càng làm rút ngắn tiến trình tiến đến dân chủ của toàn dân.

Trong tương lai gần,Cộng Sản sẽ phải lo âu,phòng bị để đối phó với lực lượng đối lập này và nếu không mềm dẻo để thỏa hiệp thì sẽ bị chính lực lượng đối lập này quật ngã chế độ với sự reo hò của toàn dân.

Trước đây Tổng thống Estrada của Phi luật Tân cũng đã bị lật đổ vì các dân biểu và nghị sĩ đối lập lập phiên tòa truất phế ông, ông bị tố cáo là nhận tiền hối lộ của những tổ chức cờ bạc phi pháp. Toàn dân Phi đã đứng dậy để lật đổ ông bằng những cuộc biểu tỉnh xuống đường với số người tham dự là vài ba trăm ngàn. Phi luật tân đã chứng tỏ sự công hiệu của nền dân chủ. Có dân chủ thì độc tài tham nhũng mới bị phanh phui và trừ tuyệt. Ở Việt Nam cũng có kêu gào bài trừ tham nhũng vì tham những đã trở thành quốc nạn,làm tiêu hao sinh lực của quốc gia nhưng trò hề chống tham nhũng của Cộng Sản thất bại hoàn toàn vì Việt Nam không có tự do báo chí để vạch trần và phanh phui những vụ án tham nhũng và lực lượng đối lập chưa đủ mạnh để đối đầu với bạo quyền. Ðã có trường hợp ký giả tố các tham nhũng để rồi bị mang họa vào thân và bị bỏ tù như trường hợp của ký giả Nguyễn hoàng Linh tố cáo chuyện mua sắt vụn tàu cũ của Nga do một số viên chức tham nhũng bày ra để mánh mun thâu lợi. Ở Mỹ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa luôn đóng vai trò đối lập của nhau khi một trong hai Ðảng lên cầm quyền. Ðối lập như một cái thắng để kìm hãm bớt sự lạm dụng quyền hành và chế tài những hành động sai trái của người cầm quyền làm tổn hại đến quốc gia. Khi có những vấn đề cần biểu quyết để đem lại quyền lợi cho quốc gia thì phe đối lập cũng như phe cầm quyền đều nhất trí đồng ý như nhau. Ðây là một điểm son của nền dân chủ Mỹ mà tất cả chúng ta cần phải học hỏi và ứng dụng cho quê hương chúng ta sau này. Dĩ nhiên chúng ta không áp dụng máy móc nền dân chủ Tây phương vào đất nước Việt Nam mà cần phải linh động khôn ngoan điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa đặc thù của ta. Ngay từ bây giờ Cộng sản Việt Nam cũng có thể tham dự trò chơi dân chủ nếu họ muốn chứ nếu họ vẫn tiếp tục ngoan cố nắm lấy độc quyền lãnh đạo thì một ngày nào đó, sự căm hận của dân chúng đến độ " tức nước vỡ bờ" thì họ phải gánh chịu hết những nỗi căm hờn của quẩn chúng. Lúc đó toàn dân sẽ trở thành đối lập với họ và coi như họ không còn có đất dung thân nữa.

Ở các nước dân chủ, sự hiện diện của những thành phần đối lập là chuyện thường tình. Nhưng ở Việt Nam chuyện trở thành một người đối lập là một chuyện nguy hiểm có thể dẫn đến chuyện tù đày, mất mạng. Thành phần đối lập ở Việt Nam xuất hiện lẻ tẻ trong những năm qua đã dần dần gom lại một khối để chuẩn bị tung ra những đòn độc hiểm phá cái thế độc tôn cũa bạo quyền Cộng sản vốn ngày càng đưa đất nước đi xuống. Quyết định kêu gọi tập hợp những thành phần đối lập của bác sĩ Quế là một hành động khôn ngoan và can đảm nhằm đáp ứng cho bài toán dân chủ và nhân quyền trong những ngày tháng sắp tới của Việt Nam. Sự bản lĩnh và khôn khéo của những thành phần đối lập ở Việt Nam cho phép mọi người tin rằng họ sẽ làm nên việc lớn. Quê hương Việt Nam sẽ tươi sáng, nước Việt Nam sẽ giàu mạnh và có một thể chế dân chủ nếu lực lượng đối lập tranh đấu thành công. Ngày xưa Nguyễn Trãi từng nói " Tuấn kiệt như sao buổi sáng. Nhân tài như lá mùa thu" Những người đối lập ở Việt Nam hôm này là những tuấn kiệt và nhân tài sẽ không còn thưa thớt như sao buổi sớm và không còn rải rác như lá mùa thu mà họ sẽ tập họp lại để biến thành một sức mạnh cứu nước cứu dân chứ không còn đứng lẻ loi một mình nữa. Xin kính chào những người đối lập Việt Nam, những người con yêu của tổ quốc Việt Nam. Những người đối lập Việt Nam, dù thuộc thành phần tôn giáo như Hòa thượng Huyền Quang, Quảng Ðộ, Linh mục Nguyễn văn Lý, Cụ Lê quang Liêm cùng những thành phần bất đồng chính kiến khác như Bác sĩ Nguyễn đan Quế, Trần Ðộ, Phạm quế Dương, Nguyễn thanh Giang v .v chắc chắn là không ngưng nghỉ chuyện đấu tranh cho đến khi nào đem lại sự độc lập thực sự cho đất nước, hạnh phúc nhân quyền cho toàn dân. Tình hình rối ren của Cộng sản Việt Nam trong những ngày gần đây cho thấy " vận nước đã tới rồi.". Chỉ cần một sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người đối lập đấu tranh là có thể làm nên chuyện lớn. Và nhân dân đang trông chờ phát súng khởi đầu báo hiệu để cùng nhập cuộc đấu tranh. Chuyện đất nước quê hương là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người và mọi người đều phải dấn thân để cứu nước

Xin dùng những lời thơ hào hùng của Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện làm những lời chào mừng nồng nhiệt đến lực lượng đối lập này trước giờ lên đường tranh đấu (1) : 

.... Con người phải dấn thân đi
Dù ngàn muôn họng súng đen xì
Phục đón trên đường thiên lý
Ta dám sống, và ta dám nghĩ
Chuyện dám làm, dám chết, nhẽ đâu không
Ta sẽ dành cho sự thành công.
Bảo bối cuối cùng - mạng sống. 

(1976)

Lawndale một tối lạnh lẽo đầu tháng 12-2001
Trần Viết Ðại Hưng
  1. Trích từ bài thơ " Ðất Thảm" của Nguyễn chí Thiện có mấy câu đầu như sau :
    "Ðất thảm trời sầu nào đâu đổi mới
    Tất cả ngả vàng, đỏ mắt chờ chi
    Thời gian nào có mấy khi
    Mang lại cho ta những gì mong đợi
    Ôi ! Mọi thứ chân trời để tới"

Hosted by www.Geocities.ws

1