TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


 KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM
GIÚP ÍCH ÐƯỢC GÌ CHO MỸ TRONG
CUỘC CHIẾN IRAQ HIỆN NAY

Tháng 11 năm 2006 vừa rồi Hoa Kỳ có cuộc bầu cử quốc hội toàn quốc. Chiến sự tại Iraq trong tháng 10 bỗng nhiên bùng nổ dữ dội một cách bất thường làm thiệt mạng chừng 100 quân nhân Mỹ. Nhiều chuyên gia quân sự và ngay cả Tổng thống George W. Bush đều coi chuyện gia tăng tấn công là một sự tái diễn của cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân của Việt Cộng năm 1968. Việt Cộng thất bại về quân sự trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân này nhưng bất ngờ lại thắng lớn về mặt chính trị là làm cho dân Mỹ không ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam nữa và coi như khơi đầu cho chuyện Mỹ rút khỏi Việt Nam trong những ngày tháng sau đó để cuối cùng đưa đến chuyện Mỹ hoàn toàn bỏ miền Nam vào tháng 4 năm 1975. Phe du kích ở Iraq tấn công mạnh để dân chúng chán ngán với cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và từ đó có thể dồn phiếu cho đảng Dân Chủ ở quốc hội và khi đảng Dân Chủ chiếm đa số ở quốc hội thì sẽ kềm chế Tổng thống Bush, ngăn chặn sự tăng cường quân sự ở Iraq và như thế là có lợi cho phe du kích Iraq. Chuyện xảy ra đúng như dự định của phe du kích Iraq. Ðảng Dân Chủ thắng lớn ở quốc hội, cả Thượng nghị viện lẫn Hạ nghị viện và coi như có đủ nghị sĩ và dân biểu để ngăn chận bằng lá phiếu sự bành trướng chiến tranh của Tổng thống Bush ở Iraq. Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước đây và cuộc chiến hiện nay ở Iraq có nhiều điểm tương đồng mà nếu rút tỉa được những ưu khuyết điểm có thể giúp Mỹ tránh khỏi sự thất bại nhục nhã như Mỹ từng hứng chịu ở Việt Nam năm 1975.

Ký giả Peter Spiegel có viết một bài phân tích sâu sắc về những tương đồng và những dị biệt của hai cuộc chiến Việt Nam và Iraq mà Mỹ dính líu can thiệp vào. Bài được đăng trên báo Los Angeles times ngày 24 tháng 11 năm 2006. Ông Peter Spiegel cho rằng những cấp chỉ huy Mỹ hiện nay đang theo đuổi những chiến thuật chủ yếu lấy ra từ kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam. Chiến thuật mới bao gồm chuyện tăng cường nhiều cố vấn quân sự và nhanh chóng trao quyền lại cho những lực lượng địa phương trong khi quân Mỹ rút đi dần dần. Ðó là chiến thuật Mỹ đã từng dùng khi rút quân khỏi Việt Nam.

Theo đánh giá của lịch sử và sự hồi tưởng của người Mỹ thì Việt Nam là một cuộc chiến không thể thắng. Nhưng đối với nhiều người trong quân đội thì cho rằng cuộc chiến Việt Nam đang trên đà thắng lợi thì bị Tổng thống Nixon và quốc hội , vì chịu áp lực từ sự thiếu kiên nhẫn của quần chúng, nên đã bỏ cuộc: đầu tiên là rút quân Mỹ chiến đấu và sau đó là ngăn chận những ngân khoản viện trợ cho quân đội miền Nam.

Nhiều nhà phân tích quân sự tranh cãi cho rằng nếu không bị cúp viện trợ thì quân đội Nam Việt Nam vốn được hỗ trợ bởi những cố vấn Mỹ và đang tiến hành chiến dịch chinh phục " tim , óc " trong những giai đoạn cuối cuộc chiến, đã có thể ngăn chận phe Cộng sản miền Bắc. Sự tiến bộ đã bị phá hoại bởi Tổng thống Nixon khi ông bắt đầu rút quân từ năm 1969 vì bị áp lực chính trị ở trong nước, dù có nhiều mục tiêu quân sự mà quân đội Nam Việt Nam chưa chuẩn bị đủ để tiến hành đánh một mình. Một lỗi lầm khác của Mỹ là sự cắt giảm viện trợ mạnh mẽ mà quốc hội Mỹ đã làm từ đầu năm 1974.

Ðối với nhiều chuyên viên quân sự thì bài học Việt Nam đã quá rõ ràng: Phải duy trì sự ủng hộ của quần chúng và phải kiên nhẫn. Trong chuyến đi Việt Nam vừa rồi, Tổng thống Bush bị hỏi là có thể rút kinh nghiệm gì ở chiến tranh Việt Nam cho cuộc chiến Iraq. Ôâng Bush không nói đến chiến thuật hay chiến lược của Mỹ mà thay vào đó, ông chỉ nói về tính thiếu kiên nhẫn của quần chúng Mỹ và sự thành công trong chiến tranh có thể đến một cách chậm chạp. Ông nói thẳng, " Chúng ta sẽ thắng nếu chúng ta không bỏ cuộc ," . Thật ra tính thiếu kiên nhẫn của quần chúng Mỹ cũng khó mà khắc phục được khi họ nhìn thấy số thương vong của lính Mỹ mỗi ngày. Báo chí Mỹ tận tình khai thác sự tổn thất của quân đội Mỹ và điều này làm cho người dân Mỹ chán ngán với cuộc chiến tranh Iraq đã kéo dài được 3 năm và không thấy có viễn tượng chấm dứt. Mỹ chỉ thành công ở những chiến dịch quân sự khi thi hành trong thời gian ngắn hạn. Ví dụ cụ thể là cuộc đổ quân vào Grenada và Panama chỉ kéo dài chỉ có vài tuần. Quần chúng Mỹ chấp nhận sự tổn thất nhân mạng trong chiến dịch quân sự nhưng họ chán ngán và ngưng ủng hộ khi thấy cuộc chiến do quân đội Mỹ tiến hành kéo dài vô thời hạn. Trong một nước dân chủ thật sự như ở Mỹ , khi người dân không còn ủng hộ chính sách nào đó của chính phủ, cho dù là dân sự hay quân sự thì nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách đó ngay. Vì nếu ngoan cố không thay đổi chính sách bị dân phản đối thì người dân sẽ dùng lá phiếu để thay đổi chính phủ đương nhiệm bằng một chính phủ mới. 

Tuy nhiên khuynh hướng cho rằng chiến tranh Việt Nam có thể thắng nếu dư luận quần chúng Mỹ và ý chí chính trị tiếp tục hỗ trợ nỗ lực chiến tranh là một điều khá xa lạ, đặc biệt là đối với những sử gia nằm ngoài quân đội Mỹ.

Ký giả Stanley Karnow, một ký giả từng đoạt giải thưởng Pulitzer và là người từng tường trình về cuộc chiến tranh từ ngày mà người Mỹ đầu tiên bị giết ở Việt Nam vào năm 1959 cho đến ngày cuối kết thúc, nói rằng Hà nội chưa bao giờ ở trong tình trạng đầu hàng vào năm 1973, là năm mà hiệp định Paris được ký kết. Karnow cho rằng những người lãnh đạo Mỹ tìm cách viện cớ này cớ nọ để chứng minh rằng chuyện quân Mỹ tiếp tục ở lại Iraq là hợp lý. Karnow là tác giả cuốn sách " Việt Nam: Một lịch sử " ( Việt Nam: A history). Cuốn sách này được nhiều người coi là bản tường thuật nhận định chính xác và dứt khoát về cuộc chiến Việt Nam. Ông Karnow cho rằng, " Theo tôi, cuộc chiến ở Việt Nam là không thể thắng được vì một lý do đơn giản và căn bản là chúng ta phải đối đầu với một kẻ thù đã chuẩn bị cho sự tổn thất nhân mạng không giới hạn. Họ tiếp tục chiến đấu vô thời hạn." 

Trong nhiều năm qua, chuyện thảo luận về cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm bận rộn nhiều sinh viên và học giả trong những học viện quân sự và những trường võ bị. Nhưng với chuyện Ngũ giác đài đang tìm kiếm những câu trả lời cho cuộc chiến ở Iraq thì những bài học ở Việt Nam lại càng trở nên được chú ý hơn là chỉ tranh luận về vấn đề học thuật.

Con đường mà những cấp chỉ huy quân sự Mỹ đang dò dẫm đi ở Iraq giống như chương trình " Việt nam hóa chiến tranh " ( Vietnamization) được Tổng thống Nixon và những chỉ huy quân sự của ông là Tướng Creighton Abrams thi hành ở Việt Nam.

Tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq là John P. Abizaid đã trình bày trước Quốc Hội là ông tiên đoán sự thay đổi lớn nhất trong những tháng sắp tới là sự tăng cường những cố vấn Mỹ. Ôâng cũng nói thêm là ông hy vọng sẽ bàn giao trách nhiệm an ninh lại cho những lực lượng Iraq trong vòng thời gian ngắn không đầy một năm – thời gian này coi như ngắn hơn thời gian mà Tướng lục quân George W. Casey tiên đoán nhiều tuần trước đó. Tướng Abizaid chống đối chuyện tăng thêm binh sĩ Mỹ. Ôâng cho rằng quân Mỹ càng tăng thêm thì càng ngăn trở người Iraq làm thêm nhiều việc . Nếu cần thêm quân Mỹ thì số quân này cần đến để giúp cho quân đội Iraq mạnh thêm.

Ðối với nhiều chuyên viên quân sự và sử gia cố vấn cho Ngũ giác đài về chính sách ở Iraq thì chiến thuật trên giống như sự thay đổi của Tướng Abram ở Việt Nam khi ông thay thế Tướng William C. Westmoreland năm 1968. Sự sữa chữa này bao gồm chuyện tăng cường thêm nỗ lực cố vấn và chương trình bình định ( Pacification program), trong đó có chuyện tăng cường thêm cố vấn Mỹ cho binh lính Nam Việt Nam. Tất cả đều được tiến hành vào đầu thập niên 1970.

Những nỗ lực này bị phá hoại vì ý chí chính trị ở Mỹ, vốn áp lực quân đội Nam Việt Nam và chính phủ Sài Gòn phải chiến đấu một mình trước khi họ sẵn sàng. Tướng Westmoreland muốn tiến hành cuộc chiến bằng quân đội Mỹ; ông cho rằng chuyện nỗ lực cố vấn cho Nam Việt Nam là chuyện thứ yếu. Khi tướng Abram thay Westmoreland, ông ta thay ngược hẵn lại chính sách này và nỗ lực tăng cường chính sách cố vấn và coi đó như là một phần chuyện phải làm để người Mỹ có thể rút lui.

Tướng Abizaid được biết là đang học hỏi những kinh nghiệm của Tướng Abram ở Việt Nam. Cuối năm rồi, ông được biết là có đọc cuốn sách " Một cuộc chiến tốt hơn " ( A better war) được xuất bản năm 1999 của một chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam là ông Lewis Sorley. Ôâng Lewis Sorley cho rằng Abram đang thắng trước khi bị bỏ rơi bởi những chính trị gia ở Washington. 

Chiến thuật " Làm sạch, giữ lại và xây dựng " ( Clear, hold and build) trong đó quân Mỹ được giữ lại ở những thành phố chiếm đóng hầu bảo đảm sự an ninh cho nỗ lực tái xây dựng khởi sự đã được bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice nói đến hơn một năm trước đây và coi như gần giống với chiến thuật " Làm sạch và giữ lại " ( clear and hold ) mà Tướng Abram áp dụng không lâu sau khi ông thay Tướng Westmoreland. Phụ tá của bà Rice là Philip Zelikow cũng thú nhận là có đọc sách của Sorley.

Cho dù những lời khuyến cáo có thể thực hiện đang được bàn cãi thảo luận ở Ngũ giác đài, thì ủy ban hành động được biết là đang tính một kế hoạch tăng cường ngắn hạn về số lượng binh sĩ Mỹ, có thể chừng độ 20000 quân để nỗ lực huấn luyện và cố vấn cho quân Iraq, trong đó bao gồm chuyện tăng cường quân số lính Iraq.
Ngay cả phía Bắc Việt Nam cũng thú nhận chương trình Việt Nam hóa và bình định của Tổng thống Nixon và Tướng Abram đã gây khá nhiều tổn thất cho họ. Những nỗ lực của chương trình bình định như chiến thuật đẩy lực lượng quân Nam Việt Nam về vùng quê để tạo ra một cảm giác an ninh về mặt thực tế cũng như tinh thần, đã tạo ra sự thành công to lớn vào năm 1972. Quân đội Nam Việt Nam đã tự đứng vững mà không cần sự giúp đỡ của quân Mỹ cho đến khi Quốc Hội Mỹ quyết định cắt viện trợ quân sự cho SàiGòn không lâu sau khi quân đội Mỹ rút ra khỏi Việt Nam năm 1973. Mỹ đã huấn luyện quân đội Nam Việt Nam chiến đấu với tiêu chuẩn Mỹ để rồi sau đó rút lui mọi sự viện trợ, và cuối cùng đưa đến sự sụp đổ của Nam Việt Nam.

Nhiều chuyên gia quân sự thú nhận rằng giống như 30 năm trước đây, bất cứ chiến thuật nào mà quân đội địa phương mới thành lập dựa trên lực lượng quân sự Mỹ như là một cột trụ có đầy rẫy những khó khăn về quân sự và chính trị.

Có lẽ chuyện quan trọng nhất giống Việt Nam là chiến thuật mới được ứng dụng sau vài năm tiến hành những trận đánh lớn gây ra cái chết cho hàng ngàn du kích, nhưng nó cũng tạo ra sự cách biệt đối với dân chúng địa phương.

Thêm vào đó quân đội Nam Việt Nam và quân đội Iraq cũng khó mà so sánh với nhau. Cho dù quân đội Nam Việt Nam bị mang tiếng là tham nhũng và bị chính trị hóa, nhưng đó là một quân đội có sức mạnh thật sự và đã chiến đấu đánh Cộng sản trong nhiều thập niên. Ngược lại, quân đội Iraq được xây dựng từ con số không và không giống như quân đội Nam Việt Nam rõ ràng là chịu sự chỉ huy của chính phủ ở Sài Gòn, chính phủ Iraq không hoàn toàn làm chủ quân đội Iraq.

Có lẽ vấn đề nhức nhối nhất bây giờ, giống như chương trình của Tướng Abram thi hành từ năm 1968 đến năm 1973, là nỗ lực huấn luyện lực lượng quân sự Iraq xảy ra đúng vào lúc sự ủng hộ của quần chúng Mỹ đối cuộc chiến tranh ngày càng giảm dần và những ngọn gió chính trị đang thổi theo chiều hướng muốn Mỹ rút quân nhanh ra khỏi Iraq.

Có những điều cần phải chú ý không thể làm trong một tình trạng quân sự giống như ở Iraq hay Việt Nam là nếu vi phạm những điều ấy thì sẽ bị nguy hiểm trầm trọng. Một trong những điều ấy là để quá lâu mới tìm ra được cách giải quyết trong khi dư luận Mỹ đã thay đổi và không còn ủng hộ cuộc chiến. Thái độ ủng hộ hay chống đối của quần chúng Mỹ có ảnh hưởng rất nhiều đến những chiến thuật quân sự. Không may thay, thời gian dùng để xây dựng một lực lượng quân sự Iraq hữu hiệu lại dài hơn thời gian mà quần chúng ủng hộ cuộc chiến. Có nên có sự trật đường rầy về thời gian. Sự phản đối của quần chúng Mỹ thường làm cho Ngũ giác đài bỏ dở chuyện huấn luyện quân Iraq trước khi quân đội này có đủ sức mạnh chiến đấu.

Cho dù có nhiều trở ngại, có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Bush đang dùng những chiến thuật của tướng Abram trong chiến tranh Việt Nam là chuyện rõ ràng hiển nhiên. Tổng thống Bush cũng công nhận là sự thụt lùi của quân Mỹ ở Baghdad mới đây có thể so sánh với cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, là trận chiến giữa quân Mỹ và Việt Cộng . Và trong thời điểm này quần chúng Mỹ bắt đầu phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Nhưng cũng có những quan điểm cho rằng dù có học được những kinh nghiệm quý báu từ Việt Nam thì bây giờ đã quá trễ và làm quá ít vì Mỹ đã trải qua 3 năm đi theo một chiến thuật sai lầm nên Ngũ giác đài đã làm mất sự ủng hộ của quần chúng Mỹ. Chương trình của tướng Abrams cũng đang tiến hành tốt nhưng rồi cũng bị bỏ dở vì thiếu sự ủng hộ của quần chúng. Ðó là điểm giống nhau của chiến tranh Iraq và Việt Nam.

Hơn một năm qua, những cấp chỉ huy quân sự Mỹ đồng ý với nhu cầu cho cố vấn Mỹ kèm sát vào những đơn vị quân sự Iraq để giúp làm ổn định tình hình và từ đó cho phép quân Mỹ từ từ rút ra. Nhưng chỉ có chừng 5000 trong số 135000 lính Mỹ ở Iraq là thực sự đóng vai trò cố vấn toàn phần.

Cần phải đưa cố vấn Mỹ lên tới con số 20000 thì mới có thể tính chuyện rút hầu hết quân tác chiến Mỹ ra khỏi Iraq vào đầu năm 2008. Nhưng gia tăng thêm phần huấn luyện và cố vấn không phải là đương nhiên làm cho Iraq an toàn hơn để mở đường cho quân Mỹ rút nhanh và gọn. Nhiều chuyên gia quân sự cho biết vai trò cố vấn cũng có nhiều vấn đề nhiêu khê của nó.

Nếu không có lực lượng tác chiến Mỹ hỗ trợ gần gũi thì số phận của những cố vấn Mỹ đi kèm với quân Iraq sẽ khá nguy hiểm. Bài học chiến tranh Iraq và Việt Nam cho thấy rằng những đoàn quân tác chiến chỉ có thể rút đi sau khi những cố vấn giúp cải tiến khả năng chiến đấu của những đơn vị quân sự Iraq. Những lực lượng tác chiến Mỹ hiện đang kềm chế sự tàn bạo kịch liệt trên đất nước Iraq. Nếu quân tác chiến Mỹ rút đi, quân du kích sẽ gia tăng chuyện đặt bom trên đường và sự tổn thất nhân mạng của dân chúng sẽ leo thang.

Kinh nghiệm của Mỹ ở Việt Nam cho thấy cần có bài học thận trọng. Gia tăng vai trò cố vấn quân sự đã làm sức mạnh quân sự của quân đội Nam Việt Nam tăng trưởng rất nhiều trong những năm cuối của cuộc chiến tranh. Nhưng có một số học giả quân sự tranh luận cho rằng sự giảm quân tác chiến Mỹ trong ba năm đã làm suy giảm đến những tiến bộ mà những cố vấn quân sự thành đạt được.

Ở Iraq những nỗ lực để giảm quân số tác chiến Mỹ đóng ở miền quê không phải không có vấn đề. Kế hoạch này bị đóng lại khi có sự bạo loạn mãnh liệt xảy ra ở Baghdad vào mùa hè này. Những cấp chỉ huy Mỹ buộc phải đưa thêm quân vào.

Vấn đề nhức đầu cần phải giải quyết nữa là sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Iraq. Có sự nghi ngờ về tình trạng sắc tộc và sự trung thành trong quân đội Iraq cùng vấn đề lãnh đạo, võ khí trang bị và nhân lực.

Những vấn đề này đã cho thấy không phải chỉ đơn giản gia tăng số cố vấn Mỹ vào những đơn vị Iraq là có thể chuyển hóa ngay lập tức quân đội hay cảnh sát Iraq thành một lực lượng có khả năng chiến đấu. Những lực lượng này có rất ít tinh thần chiến đấu và rất ít bản sắc quốc gia dân tộc.

Cho tới bây giờ chuyện huấn luyện cho những lực lượng Iraq được tiến hành một cách chậm chạp. Ngay cả những đơn vị được sự giúp đỡ mạnh mẽ tận tình từ nhiều lực lượng Mỹ khác nhau, trong đó bao gồm những huấn luyện viên Mỹ sống và làm việc với những binh sĩ Iraq. Cũng phải mất hơn một năm mới có thể huấn luyện xong những hoạt động đơn giản chống du kích cho những cuộc hành quân nhỏ. Rồi lại có chuyện cố vấn tài giỏi và yếu kém nữa và chuyện những cố vấn khi được gửi đi sẽ bị rầy rà hay nề hà nhiệm vụ nhiều khi không tương xứng với cấp bậc trong quân đội của mình. 

Mỹ hiện nay ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan ở Iraq. Mỹ khó có thể chiến thắng bằng quân sự nhưng nếu rút lui kiểu tháo chạy thì sẽ làm cho tình hình bất ổn và rối rắm thêm ở vùng Trung Ðông. Không những Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld là một người không có khả năng điều hành chiến tranh ( Ôâng Rumsfeld vừa bị giải chức sau khi Ðảng Dân Chủ thắng ở Quốc Hội) mà cả Tổng thống Bush và Phó tổng thống Cheney cũng bất lực trong việc giải quyết cuộc chiến tranh ở Iraq. Giờ này trong thâm tâm có lẽ Mỹ không còn nghĩ đến chuyện chiến thắng vinh quang ở Iraq nữa mà chỉ mong muốn rút quân êm đẹp. Chuyện rút quân thì dù chính phủ Bush không muốn làm thì Quốc Hội do phe Dân Chủ mới thắng lớn trong kỳ bầu cử vừa qua, sẽ áp lực ông Bush phải rút quân trong những ngày tháng sắp tới.

Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh Việt Nam với mục đích là ngăn chặn làn sóng đỏ Cộng sản lan tràn trên khắp thế giới. Dù sao đó cũng là lý do chính đáng. Còn chuyện Mỹ tấn công Iraq dựa trên lý do Iraq có vũ khí hủy diệt là một lý do sai lầm vì sau này Mỹ không tìm thấy có vũ khí tàn phá lớn gì cả. Trong khi Bắc Hàn thử bom nguyên tử thì Mỹ không dám làm gì Bắc Hàn cả. Cái cung cách xử sự của Mỹ như thế thì không thể tạo được sự kính trọng của các nước trên thế giới được. Giờ đây sau 3 năm chiếm đóng Iraq và đang phải đối diện với những khó khăn không vượt qua nổi kèm với con số tử vong của lính Mỹ đã lên tới trên 2900 người, Mỹ đang tính chuyện rút quân..trong " danh dư ". Ðó là thứ " danh dự " của Mỹ được thế giới nhìn thấy khi Mỹ tháo chạy nhục nhã khỏi miền Nam Việt Nam cách đây hơn 30 năm !

Los Angeles, một ngày tạnh ráo mùa thu giữa tháng 12 năm 2006
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: [email protected]

* Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần viết Ðại Hưng thì xin vào www.nsvietnam.com, rồi bấm vào tên Trần viết Ðại Hưng nằm bên trái.
 

Hosted by www.Geocities.ws

1