TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


HOA THẬT HOA GIẢ

(Tiếp theo và hết)

Những phân tích sơ lược trên đây cho ta thấy danh từ " địa ngục " không phải là một hình thức phóng đại, một kiểu nói văn chương, mà là một tên gọi xác đáng để chỉ cái thực tại mà chính Nguyễn chí Thiện cũng đã phải công nhận là " Chuyện có thực mà tưởng như thần thoại. Mà tưởng như ác mộng bi ai ". Nguyễn chí Thiện đã có công tạo những danh từ , những hình ảnh để phơi bày bằng nét bút sắc và đậm bộ mặt đa dạng của bạo lực. Ngôn ngữ của Nguyễn chí Thiện đã có tác dụng của những quang tuyến diệu kỳ, của những " chiếu yêu kính " khiến cho hồ ly phải hiện nguyên hình và những ngụy trang lừa bịp không còn hiệu nghiệm. Nguyễn chí Thiện vừa tố cáo tội ác trước công luận một cách hùng hồn, vừa làm phong phú kho tàng ngôn ngữ chúng ta. Chỉ cần làm một bảng thống kê những từ ngữ ông dùng để chỉ Bác và Ðảng và cái thế giới mà Bác và Ðảng thống trị cũng đủ cho ta phải ngạc nhiên và thích thú về cái kho tàng ngôn ngữ hầu như bất tận của ông. Với lối diễn tả thần diệu của ông khi nói về tội trạng của chế độ , khi vẽ lên cảnh tù đày, đói khổ, bệnh hoạn hoặc niềm khao khát vô vọng của những kẻ " không còn gan nghĩa đến tương lai" đã là một minh chứng cho câu nói bất hủ của thi hào Musset: " Lời ca tuyệt vọng là lời ca tuyệt vời " ( Les plus désespérés sont les chants les plus beaux).

Nhưng thơ Nguyễn chí Thiện không phải chỉ có tuyệt vọng. " Từ muôn ngàn tàn lụi không tên. Sẽ bừng nở một trời hoa lạ quý". Trong tuyệt vọng đã nẩy mầm hy vọng và dầu thể xác rã rời, tâm hồn mòn mỏi, sức sống vẫn âm ỉ chờ ngày bùng dậy: " Sự sống mỏi mòn nhưng vẫn sống. Sống ngấm ngầm kiên nhẫn trong tôi". Nếu bạo lực đã không giết nổi hồn thơ và tài nghệ của Nguyễn chí Thiện thì lại càng không thể hủy diệt khí khái của ông. Hơn mươi năm trời " rong ruổi " ( !) từ trại tù nầy đến trại tù khác và nếm đủ mọi cực hình có sức làm thể xác hao mòn, tâm thần tê liệt. Ông vẫn giữ nguyên phong độ của một kẻ sĩ, dầu phải " uốn thân nuốt nhục " vẫn không hề chịu khuất phục . Trong hoàn cảnh của ông, làm thơ là một quả cảm phi thường, và ngược lại chính hồn thơ đã làm cho ông có nguồn sức mạnh vô song mà cả " bộ máy khổng lồ" của bạo lực cũng không tàn phá nổi. Ðau thương đã không làm Nguyễn chí Thiện thối chí nản lòng mà đã tôi luyện cho ông thêm cường lực. Nguyễn chí Thiện xem đau thương như một thứ linh đan thần dược, uống vào là " lời ca hóa ra vạn tuế".

Theo dõi sự biến chuyển của thơ Nguyễn chí Thiện qua thời gian, người đọc sẽ nhận thấy có một sự tiến triển trong ý thức đấu tranh. Trong mười năm đầu, trọng tâm sáng tác của ông nhằm diễn tả nỗi đau khổ, chán chường, tuyệt vọng của bản thân hay cảnh khổ nhục đọa đày của dân tộc. Thỉnh thoảng lóe lên vài tia hy vọng nhưng đó là một thứ hy vọng tiêu cực, thụ động " mong chờ cuộc đời đổi mới trời ban". Bắt đầu từ năm 1969, lần lượt xuất hiện một số bài thơ mà nội dung là niềm tin sắt đá vào tương lai dân tộc song song với một ý thức đấu tranh mạnh mẽ kiêu hùng. Và cũng trong thời gian này, Nguyễn chí Thiện đã nói nhiều đến sức mạnh và hiệu năng của Thơ. Bài " Tôi tin chắc " ( 1969) bộc lộ niềm tin vào một bình minh sẽ đến với dân tộc sau " đêm tàn Cộng sản tối tăm ". Bài " Sẽ có một ngày " ( 1971) tiến xa hơn một bước, Nguyễn chí Thiện không bắt đầu bài thơ bằng câu " Tôi mong ước " hay là " Tôi tin " mà bằng một lời khẳng định chắc nịch: " Sẽ có một ngày ". Ngày đó, theo Nguyễn chí Thiện, mọi người sẽ " vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Ðảng " để khai sáng một kỷ nguyên mới đặt trên nền tảng tình người và truyền thống dân tộc. Trong các bài thơ được sáng tác vào thời gian kế tiếp ( từ 1972 đến 1976), thắng lợi cuối cùng của chính nghĩa đã trở thành một điều tất yếu, một chiều hướng chuyển biến của lịch sử mà không một bạo lực nào có thể ngăn chặn được. Ðiều đáng ngạc nhiên là trong khi Cộng sản ngày càng thắng thế tại miền Nam và hy vọng lật đổ bạo quyền ngày càng mong manh thì thơ Nguyễn chí Thiện lại tràn đầy tin tưởng vào mệnh Trời và sức đối kháng của dân tộc. Từ những " thế bí" , những bước đường cùng, sẽ xuất hiện một con đường giải thoát và những con người " chỉ có xương da", lúc có cơ hội đứng lên sẽ là " sức bật lật nhào tung hết ".

Trong các bài thơ sáng tác từ năm 1969 đến năm 1976 vừa được nói đến ở trên, bài Trường thi Ðồng Lầy là một tuyệt tác. Tất cả những kỹ thuật sáng tác và những truyền thống thi ca dân tộc đều tụ hội về đây. Và bài thơ Ðồng Lầy cũng tổng hợp tất cả những tinh túy của thơ Nguyễn chí Thiện về nội dung và hình thức , đánh dấu sự trưởng thành trong đau thương và sáng tạo. Nổi bật hơn hết là khúc khải hoàn ca trong phàn cuối. Nhà thơ tuyệt vọng cũng là nhà thơ của chiến thắng và, say sưa với viễn ảnh tương lai huy hoàng, đã tạo ra những vần thơ chói lọi hào quang, vẽ nên quang cảnh vừa oai linh vừa ghê rợn của một cuộc chinh phạt kinh thiên động địa chưa từng thấy. Theo Nguyễn chí Thiện, ngày chiến thắng sẽ đến, khi tất cả nạn nhân của đồng lầy, khi tất cả mọi người trong và ngoài nước đã nhận thức được như ông :

" Cộng sản đánh gục
Ðời mới hết nhục "

" Quân Cộng sản phải khử trừ chúng mãi
Cứu lấy cuộc đời hiện tại tương lai".

* * *

Thấm thoát đã gần mười năm, kể từ ngày thơ Nguyễn chí Thiện lọt được ra ngoài . Mười năm kéo dài cuộc đời tù đày vô vọng. Hẵn Nguyễn chí Thiện vẫn còn tiếp tục tạo những " vần thơ câm lặng " . Không biết đến bao giờ những vần thơ ấy mới đến với chúng ta ? Hay sẽ chẳng bao giờ? Hay chúng sẽ mãi mãi bị chôn vùi để nền văn học nước nhà mất đi những vần thơ tuyệt diệu và Nguyễn chí Thiện phải tức tưởi nghẹn ngào thương tiếc thơ ông để rồi phải vĩnh viễn " khóc âm thầm trong đất"? ".

Những đoạn phê bình trích dẫn ở trên của Luật sư Trần thanh Hiệp và Tiến sĩ Bùi hạnh Nghi là những lời nhận xét có giá trị về tập thơ cũng như tác giả Nguyễn chí Thiện. Khi hai ông viết những hàng trên thì tác giả tập thơ, đúng như người ta dự đoán, bị bắt và đưa vào tù ngay sau khi tập thơ được quăng vào Tòa đại sứ Anh ở Hà Nội. Có hai chuyện quấn quít suốt đời với nhà thơ độc đáo này là thơ và tù. Ông làm thơ từ tù và vì làm thơ mà ông chôn vùi hầu hết cả cuộc đời trong tù. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu thơ , nhưng có lẽ cũng khó kiếm được một người làm thơ lại khốn khó và bị tù đày vì thơ như Nguyễn chí Thiện.Tù đày giam hãm tấm thân gầy gò của ông nhưng cũng chính từ hoàn cảnh tù đày này mà ông đã có những vần thơ bất hủ để lại cho đời.

Không những những người Việt Nam trên khắp thế giới yêu mến thơ Nguyễn chí Thiện. Tiến sĩ Erich Wolfgang Skwara, vốn là giáo sư về môn văn chương Ðức tại Ðại học San Diego, đã viết một bài nhan đề "Khổ nhục và hy vọng" làm bài tựa cho bản dịch tiếng Ðức tập thơ "Hoa địa ngục" của Tiến sĩ Bùi hạnh Nghi. Có đọc bài này mới thấy thơ Nguyễn chí Thiện đã chinh phục trọn vẹn tim và óc độc giả người nước ngoài:

" Hải đảo Madeira là một cảnh thiên đường đầy hoa và đắm chìm trong tĩnh mịch. Giá làm ngơ được để khỏi nhìn thấy du khách thì thật là tuyệt hảo- mặc dầu như vậy là cũng không nhìn thấy chính mình. Cảnh sắc cực kỳ đẹp đẽ và thanh vắng khiến người ta có cảm tưởng nơi đây là hiện thân của Thi ca. Có lẽ vì thế mà Văn Bút Quốc Tế đã chọn nơi này để tổ chức Ðại Hội năm 1990. Ban đầu tôi lưỡng lự, không muốn tham dự nhưng bây giờ tôi cảm thấy chuyến đi này là một việc cần thiết: Tôi đã đến Madeira để " gặp" nhà thơ Nguyễn chí Thiện, một đại thi hào Việt Nam.

Nói là gặp, nhưng thật ra chỉ là một cuộc gặp gỡ gián tiếp, vì không thể gặp nah thơ lớn này , dầu ở Madeira hay bất cứ nơi nào khác. Vì ông đã bị bắt lại cách đây khoảng mười năm và từ ngày đó ông mất hút trong các nhà tù miền Bắc Việt Nam.. Không ai biết rõ và biết chắc hiện ông đang ở đâu, cũng không ai biết rõ ông còn tiếp tục sáng tác nữa hay không và sáng tác những gì - mặc dầu riêng tôi, tôi tin chắc rằng ông vẫn còn sáng tác.

Nguyễn chí Thiện đã được Trung Tâm Văn Bút của nhiều quốc gia chọn làm hội viên danh dự. Nhiều tổ chức đã can thiệp, đã gửi kiến nghị yêu cầu trả tự do cho ông. Và ông cũng đã được tặng khiếm diện một số giải thưởng văn chương. Dầu vậy tại Ðại Hội Văn Bút năm nay cũng như những năm trước, tôi không hề cảm thấy thiếu vắng ông. Là vì trong một cơ cấu hành chánh được điều hành một cách máy móc, dầu đó là một nền hành chánh nhằm phục vụ văn chương, sự thiếu vắng của con người không được ghi nhận.

Ðã từ lâu tôi cứ băn khoăn mãi với câu hỏi: Chúng ta , những văn sĩ được hưởng đời sống dễ dãi tại thế giới Tây phương ( dễ dãi, mặc dầu lắm khi chúng ta không tìm ra độc giả và lợi nhuận thu về chẳng mấy tương xứng), chúng ta có quyền lên tiếng nói của mình không, và nếu có thì phải sử dụng quyền đó như thế nào. Tôi đã viết và đang tiếp tục viết, tôi đã và đang xuất bản tác phẩm của mình, nhưng tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ tôi là một kẻ lường gạt. Bởi vì tư tưởng và cảm xúccủa tôi hoàn toàn thuộc về đời tư và niềm đau khổ của tôi chỉ là một xa xỉ phẩm. Vâng, đau khổ riêng tư là một xa xỉ phẩm.

Và tôi đã gặp Nguyễn chí Thiện, nhà thơ lớn của Việt Nam. Gặp, có nghĩa là tôi đã được biết ông qua một trong những sứ giả của ông, Bùi hạnh Nghi, người đã dịch thơ ông ra Ðức ngữ. Còn Nguyễn chí Thiện thì không ai trực tiếp gặp được vì cho đến nay ông vẫn còn bị cầm tù ( tổng cộng đời tù của ông là bao nhiêu năm, ba thập niên hay nhiều hơn nữa?). Bùi hạnh Nghi đã đến Madeira và đã tặng tôi tập thơ " Hoa địa ngục", sắp được tái bản.

Sau khi đón nhận tập thơ, tôi đã ở mãi trong phòng đọc một hơi từ đầu đến cuối. Tôi đã đọc một hơi vì những bài thơ đó có sức hút của nam châm và cũng vì bản dịch thật đặc sắc. Thực ra chỉ cẩn đọc ít giòng cũng đủ thấy rằng tôi đã hạnh ngộ với một nhà thơ lớn mà tôi sẽ vô cùng ngưỡng mộ. Và càng đọc tôi càng nhận rõ rằng tôi đã được biết thêm một nhà thơ mà từ nay tôi sẽ đặt ngang hàng với các thần tượng thi ca của tôi từ trước đến nay như Rimbaud và Trakl- tôi kể vài thí dụ mà không theo một thứ tự ưu tiên nào- như Benn và Hoelderlin. Nghĩa là tôi đặt ông ngang hàng với những nhà thơ tuyệt vời nhất của chúng ta, của tôi, của mọi người. Kể từ đêm đọc thơ Nguyễn chí Thiện tại Madeira, tôi đã hiểu vì sao cuộc hành trình đến Madeira của tôi là cần thiết: Tôi phải đến đó để đón nhà thơ Nguyễn chí Thiện.

Và tôi tự nhủ: Thấy chưa ! Một nhà thơ Việt Nam! Thế mà lâu nay mình cứ dương dương tự đắc về cái bản chất Âu châu ưu việt của mình! Và tôi lại nhận ra một điều này nữa: Lâu nay, mỗi lần nói đến Việt Nam là chúng ta cứ liên tưởng ngay đến Hoa Kỳ hoặc giả liên tưởng đến Pháp. Ðáng sợ thay! Chúng ta đã bóp méo, đã hãm hiếp sự thật một cách phũ phàng! Từ nay, hai chữ Việt Nam sẽ không còn khiến tôi liên tưởng đến Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào khác mà chỉ còn nhắc tôi nhớ đến một nền văn chương sáng lạn và nhớ đến nhà thơ Nguyễn chí Thiện. Không gì tốt đẹp bằng được dịp tìm hiểu một dân tộc qua một thi hào của dân tộc này. Chuyến đi Madreira của tôi đã trở thành một chuyến du lịch Việt Nam.

Tôi hâm mộ thơ Nguyễn chí Thiện không phải chỉ vì những hình ảnh đầy chất thơ - mặc dù toàn bộ thơ ông đầy dẫy những hình ảnh ấy, mà nhất là vì những nhận định của ông, mà ông đã nói lên một cách bình dị, hầu như khô khan. Ông đã nói lên những điều mới lạ, chưa nghe , chưa biết, nhưng đồng thời cũng lại là những điều đã từ lâu quen thuộc và đó chính là tính chất cổ điển của thơ Nguyễn chí Thiện...Trong bài đề tựa tập thơ lần xuất bản đầu tiên bằng Ðức ngữ, có đoạn mô tả sự việc bị cưỡng ép phải tươi cười hân hoan như một cực hình tra tấn. Ðiều đó chúng ta trong thế giới Tây phương có thể hiểu được, vì lắm khi chính chúng ta cũng bị ép buộc hay tự bắt mình phải tươi cười, phải hân hoan. Tiếng nói của đau thương trong thơ Nguyễn chí Thiện dễ khơi niềm thông cảm trong lòng chúng ta mặc dầu ta được may mắn sống cuộc đời sung sướng. Chỉ có tiếng nói của hy vọng trong thơ Nguyễn chí Thiện- và ông đã không ngớt nói về hy vọng- khiến ta ngỡ ngàng như đứng trước một gian nhà đóng kín. Vì chúng ta thiếu niềm tin. Vì chúng ta không có niềm hy vọng. Chúng ta hân hoan tắm gội trong niềm tuyệt vọng sơn phết đủ mọi sắc màu. Chỉ những kẻ đã nếm mùi thương đau mới biết thế nào là hy vọng.

Từ ngày " gặp" Nguyễn chí Thiện, tôi đã nhiều lần giở tập thơ ra đọc lại. Những dòng thơ đầy tình thương đã mang lại cho tôi nhiều thú vị. Tình thương trong thơ Nguyễn chí Thiện đã chọc thủng tường thành tù ngục và đã vượt mọi chướng ngại của đồng lầy để đến với chúng ta ở Ðức, ở Cali, Maderia hay bất cứ nơi nào khác. Nghe đâu có một số người phê phán thơ Nguyễn chí Thiện đầy ứ hận thù. Ðối với những viên cai ngục, những tên thẩm phán của chế độ hay những kẻ hành hạ ông thì sụ thù hận cũng chỉ là phản ứng tự nhiên và chính đáng thôi...Nhưng tôi không tìm thấy hận thù trong thơ Nguyễn chí Thiện. Tôi chỉ thấy sự hiện thân rất đậm nét của Khổ Nhục cũng như niềm xác tín rằng dầu khổ nhục, cuộc đời và tương lai nhân loại chưa phải vì thế mà kết thúc... Nguyễn chí Thiện tin vào nhân loại, tin vào những gì cao quí của con người.

Sau khi đọc Nguyễn chí Thiện, tất nhiên người ta sẽ lên án chủ nghĩa Cộng sản và chính sách ngu xuẩn bạo ngược của chúng một cách gắt gao hơn. Còn những kẻ thiên tả cấp tiến theo kiểu các chính khách phòng trà Tây phương cũng như những kẻ còn khư khư bám chặt những điều không tưởng Mác xít- mặc dầu lúc này mọi người đều thấy những không tưởng ấy đã hoàn toàn sụp đổ- những kẻ ấy chỉ đáng cho ta xem như một lũ hề nhưng đồng thời cũng phải đề phòng chúng như một nguy cơ. Chúng là biểu tượng cho những sự " trật đường rầy" của lịch sử và trí tuệ. Nhưng những sự lầm lạc ấy làm sao thắng được một đại thi hào, bất quá chúng chỉ có thể bắt nhà thơ phải chịu giam cầm đầy đọa mà thôi. Không biết bây giờ nhà thơ của chúng ta còn sáng tác hay không. Tôi hy vọng rất nhiều- không, tôi biết chắc - ông vẫn còn sáng tác. Tôi biết chắc như vậy vì tôi đã đọc thơ ông và mỗi bài thơ của ông sẽ được viết tiếp trong lòng độc giả.

Còn chúng ta, giờ đây ( sau khi đọc thơ Nguyễn chí Thiện), mỗi người trong chúng ta sẽ phải sử dụng ngòi bút như thế nào? Và nhằm mục đích gì? Ðó là câu hỏi của ngày hôm nay mà cũng là câu hỏi tự ngàn xưa..

Nice ngày 31 tháng 5 năm 1990."

Ðể trả lời cho câu hỏi của Tiến sĩ Skwara là nhà thơ có còn sáng tác nữa hay không sau cuốn thơ " Hoa địa ngục" , Nguyễn chí Thiện tiếp tục cho ra đời " Hoa địa ngục tập 2" sau khi định cư ở Mỹ vào tháng 11 năm 1995.

Học giả Patrick J. Honey của phân khoa Á và Phi châu của trường đại học London, người đã có dịp cầm tận tay bản thảo tập thơ "Hoa địa ngục" do bộ ngoại giao Anh trao lại, đã nhận xét về lời thơ Nguyễn chí Thiện như sau, " Dù có một vài bài có giọng điệu chống cộng trần trụi, những bài khác thật tuyệt vời, biểu lộ một tình cảm nồng nàn nóng bỏng chưa từng thấy trong thi ca Việt Nam."

Kể từ sau ngày định cư ở Mỹ, ông đã trả lời rất nhiều cơ quan báo chí và truyền thông hải ngoại về tình hình chính trị trong và ngoài nước cũng như vạch ra những đường lối đấu tranh thực tiễn nhằm đưa đến chuyện lật đổ chế độ Cộng sản sớm thành sự thật. Xuyên qua những bài phỏng vấn, người ta càng thấy rõ rằng Nguyễn chí Thiện không những là một thiên tài thi ca mà còn là một người có một vốn liếng chính trị chín chắn , vững vàng, thấu đáo và tường tận.

Khi được hỏi về những nhận xét của ông về những tiếng nói trong nước đòi thay đổi sự cai trị của chế độ Cộng sản, ông cho biết là trong nước , hàng nửa thế kỷ nay, đất nước khi nằm dưới chế độ Cộng sản đều không có tự do. Guồng máy thông tin thì đều nằm trong tay Ðảng. Ròng rã trong bao nhiêu năm trời không có một tiếng nói nào có thể vang lên được. Ngày nay trước sự sụp đổ của phe Xã hội chủ nghĩa, Ðảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lung lay lắm rồi. Có nhiều tiếng nói cất lên, đó là dấu hiệu rất đáng mừng. Khởi đầu bao giờ cũng là lời nói, nếu không có lời nói thì những tư tưởng sẽ nằm chết trong đầu, chính lời nói sẽ làm cho tư tưởng chuyển hóa thành hành động.

Những tiếng nói trong nước bây giờ rất là đáng trân trọng dù tiếng nói đó là của ai, nhất là tiếng nói của những người Cộng sản lại càng đáng quý. Chúng ta phải thấy một điều là những người như ông Trần Ðộ, hay một số người khác khi nói lên tiếng nói, họ đánh thẳng vào lực lượng các đảng viên, quân đội, công an, tiếng nói đó có tác dụng công phá dữ dội. Chúng ta bắt buộc phải khuyến khích chứ không thể nào mà yêu cầu họ nói giống như chúng ta ở ngoài này nói. Vì đấu tranh ngay trong lòng Ðảng, giữa thủ đô Hà Nội khác với việc chúng ta đấu tranh nơi xứ sở tự do. Sự đấu tranh của họ cũng gần như là người đánh cờ, dù muốn chiếu tướng ngay cũng phải đi rất nhiều nước, có khi phải lùi một vài bước, có khi phải nhường một vài bước, có khi phải thí một vài quân; việc khó khăn là như vậy, chúng ta không thể đòi hỏi một cách thẳng băng cứng ngắt được!

Những tiếng nói đó vô cùng quan trọng, dù là tiếng nói của những người Cộng sản, nhất là những người Cộng sản cao cấp, có uy tín trong Ðảng, có nhiều bạn bè, có nhiều đàn anh, đàn em chẳng hạn, chúng ta càng phải ủng hộ những người ấy. Huống chi chúng ta ngoài này không có gì cả, vũ khí không có, chúng ta càng phải lợi dụng cái mà Nguyễn Trãi gọi là " tâm công" - là đánh vào lòng người. Bất cứ một người Cộng sản nào lên tiếng đòi dân chủ hóa đất nước , chống lại chế độ độc đảng, chúng ta đều phải ủng hộ, khuyến khích họ để họ có thêm tinh thần, nhiệt huyết để làm việc; kể cả ông Trần Ðộ cũng như những người khác ở trong nước cũng rất trông chờ vào sự ủng hộ và hỗ trợ của chúng ta bên này. Vì thế tiếng nói trong nước vô cùng quan trọng, nó sẽ là dấu hiệu báo trước một sự thay đổi lớn lao cho đất nước. Trong lúc có nhiều người hải ngoại nghi ngờ Trần Ðộ là loại " phản kháng giả hiệu" thì Nguyễn chí Thiện vẫn nhận định Trần Ðộ là người đấu tranh thực sự. Sự kiện sau này Trần Ðộ bị khai trừ ra khỏi Ðảng đã cho thấy Nguyễn chí Thiện đã nhận xét đúng. Trần Ðộ là cái gai mà Ðảng mong nhổ đi vì nó đặt Ðảng vào trong một tư thế cấn cái và bất lợi vô cùng khi một Ðảng viên có gần 50 tuổi Ðảng lên tiếng phê phán những sai lầm của chế độ.

Về lực lượng đấu tranh của lực lượng đấu tranh của người Việt hải ngoại, Nguyễn chí Thiện có ý kiến nhắn nhủ là hoạt động của người Việt hải ngoại nên chú trọng và hướng về trong nước nhiều hơn nữa. Ðó mới là điều chủ chốt. Cộng sản bây giờ có thể cử nhiều cán bộ ra hải ngoại để quấy rối, quậy phá, gây ra những sự chửi bới, tranh cãi ồn ào về những chuyện không đâu trong Cộng đồng hải ngoại... Cộng sản chỉ có thể làm đến thế là cùng, không thể làm hơn được nữa. Và điều này cũng là do một số người có ý thức kém nên đã bị lợi dụng mà không biết.

Về cơ bản, trước kia Cộng sản đã thắng về tuyên truyền ( việc vận động quần chúng), vì lúc bấy giờ chúng chưa lòi mặt ra. Thế nhưng một người gian dối, lúc đầu chưa bị lộ thì sự gian dối còn có hiệu quả, nhưng bị đã bị lột mặt nạ, thì càng nói bao nhiêu, càng uốn lưỡi bao nhiêu, thì càng bị khinh bỉ bấy nhiêu. Nên khi Cộng sản có tung ra hải ngoại để làm những việc " kiều vận " thì cũng không có kết quả bao nhiêu và cũng không ăn thua gì vì tuyệt đại đa số những người Việt ở hải ngoại đều là những nạn nhân và đã chán ngán với Cộng sản đến cùng cực. Trong nước thì tình hình còn tệ hơn nữa, người dân bây giờ nếu ngồi ở quán cà phê, quán phở.. mà nếu còn ca ngợi công lao của Ðảng , của Bác thì người ta coi những người phát biểu này như những người mắc bệnh tâm thần, tâm trí không còn bình thường nữa.

Trong nước hiện giờ tiếng nói chống đối thực sự không được phổ biến, phần nhiều chỉ là những bản photocopy truyền tay nhau một cách âm thầm. Chúng ta ở ngoài này có phương tiện, chúng ta có thể dùng Internet để đưa tài liệu vào trong nước, hay bằng những phương tiện thô sơ hơn như một người mỗi một tháng gửi độ bốn, năm lá thư có những tài liệu phản kháng trong nước hay những bài báo hay và có giá trị tại hải ngoại về quê hương; trong thư bàn về tình hình dất nước, nói rõ những hủ lậu , tham ô, tệ hại trì trệ của xã hội. Chúng ta truyền về những tài liệu này về trong nước càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thời đại của chúng ta hiện nay là thời đại của chiến tranh truyền thông. Hiện chúng ta không có một khẩu súng nào trong tay vì thế truyền thông là vũ khí vô cùng quan trọng.

Người dân hay các đảng viên, quân đội, công an...những khi họ còn mù mờ chưa biết, chưa nhìn ra sự thật, nếu chúng ta làm sáng tỏ vấn đề để họ thấy rằng Ðảng Cộng sản bây giờ là một trở lực, một nhục nhã cho đất nước Việt Nam và cần phải xóa bỏ đi và thay thế bằng chế độ dân chủ văn minh để có thể không thua kém các nước láng giềng - chứ chưa nói đến chuyện so sánh với thế giới ! Tiếng nói quan trọng là làm thức tỉnh, đi sâu vào quần chúng, nông dân, đảng viên, quân đội, công an và những người Cộng sản, và sẽ có lợi cho những biến động sau này vì tất nhiên những biến động đó sẽ xảy ra.

Về chuyện Cộng sản có tiếp tục cho người đánh phá cá nhân ông tại hải ngoại hay không , Nguyễn chí Thiện cho rằng nếu có chuyện đó xảy ra thì đó cũng là chuyện bình thường. Ông không cho ông là nạn nhân vì Cộng sản bao giờ cũng đánh giá việc này như một tác động tâm lý chiến rất cao. Thí dụ như cựu Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Liên Xô là Gorbachev giờ này đã về hưu, có lần ông đã trả lời tờ báo chính trị rất có uy tín của Pháp là tờ Politic International ( 1 năm chỉ xuất bản 4 kỳ) trong một cuộc phỏng vấn mới đây. Ông cho biết trong thời gian ông còn cầm quyền, ông đã tung ra rất nhiều tiền để mua chuộc, xây dựng những tờ báo ở ngoại quốc để ca ngợi đường lối của Liên Xô cũ. Ðiều này cho thấy mặt trận truyền thông vô cùng quan trọng. Huống chi hiện nay tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội không thiếu tiền, làm gì mà chúng không dùng tiền, cử người sang nước ngoài, nhất là bên Mỹ- vùng có nhiều người Việt cư ngụ như ở California - để làm việc lũng đoạn. Cho nên điều này rất bình thường.

Cộng sản từ tay trắng mà thành cũng là do tuyên truyền. Nhưng sự tuyên truyền của nó đã mất đi hiệu lực, ngày tàn của nó giờ đã gần đến. Thí dụ như ở hải ngoại, dù nó có quấy phá nhưng không người nào dám ra mặt cả. Phần nhiều chỉ đóng vai chống Cộng rất là ghê gớm, chửi bới lung tung tất cả mọi người, cho ai cũng đều là Cộng sản, rồi trá hình kêu gọi lòng nhân đạo, sự giao lưu, kêu gọi quên đi dĩ vãng để mở ra một trang mới hướng về đất nước, dân tộc.. Ðiều này những người hiểu Cộng sản, không cứ gì Nguyễn chí Thiện, như nhà thơ Bùi minh Quốc cũng phải làm một bài thơ nói, "Thôi những người đã chết thôi không sống lại được nữa, đừng giở lại những chuyện cũ nữa, hãy quên đi, " Ðao phủ giọng thật mềm: Chuyện đã qua rồi, thôi cho qua mãi mãi. Xới lại làm chi những điều oan trái. Người chết cũng chết rồi, hãy để họ nằm yên. Mắt lim dim, đao phủ ngồi thiền ( 1995) " . Nhưng chúng ta cũng không thể vơ đũa cả nắm, nhiều người do ghét Cộng sản quá cũng bị mắc vào những điều đó. Vì thế sự tuyên truyền của Cộng sản chỉ tác dụng phần nào, chứ còn đối với những người am hiểu nó thì nó không hề tác động đến được.

Khi được hỏi là ông có nghĩ ra một phương thức đấu tranh cho tiến trình đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam thì Nguyễn chí Thiện cho biết là tất cả chúng ta hiện ở một thế rất kẹt là ở hải ngoại xa xôi quá đối với trong nước. Cũng không phải ai cũng có thể về nước được. Chẳng hạn như cá nhân ông Thiện muốn về nước cũng không về nổi, hoặc những người đấu tranh thực sự muốn về nước thì không về được; chỉ có những người về thăm gia đình, du lịch bình thường thì về được mà thôi. Chúng ta ở ngoài này mà muốn tác động đến những người trong nước thì chỉ có hai con đường hành động là:

1) Làm sao chuyển tải tư tưởng, những bài báo trong và ngoài nước về cho đồng bào trong nước đọc;

2) Làm thế nào liên lạc được với những người chống đối trong nước, cổ động họ, khuyến khích họ vì hiện nay Cộng sản cũng đang tìm cách mua chuộc, dụ dỗ và hù dọa họ đấy. Chúng ta phải làm thế nào lôi kéo họ về phía chúng ta, đứng vững trên trận tuyến, cụ thể là những người đã bị Cộng sản mua chuộc( những người tương đối đứng tuổi ) như các ông Hoàng Cầm, Lê Ðạt. Sau này Hoàng Cầm có cho ra bài trường thi " Nhớ về Làng Sen" và Lê Ðạt với " Trường ca Bác" với nội dung nhằm ca tụng , tâng bốc Hồ chí Minh để lấy điểm với Ðảng Cộng sản. Người ta cảm thấy buồn khi hai kiện tướng Nhân văn - Giai phẩm lại đi làm chuyện hạ cấp, tồi bại như vậy chỉ vì một chút quyền lợi mà Ðảng ban cho. .. Họ đã ca ngợi Cộng sản ra mặt dù trước đây họ có thích gì Cộng sản đâu, họ ghét ra mặt, họ ghét Cộng sản còn hơn Nguyễn chí Thiện. Thế mà vì cuộc sống, vì nhiều thứ, họ đã theo. Rồi có những người trước đây đã từng viết sách chống đối như Trần mạnh Hảo( tác giả cuốn sách " Ly thân " chửi Cộng sản không còn manh giáp, vừa xuất bản thì bị tịch thu ngay), bây giờ Trần mạnh Hảo trờ thành công an ; Diệp minh Tuyền cũng thế. Gần đây nữa là Bảo Ninh, Nguyễn Duy, Nguyễn huy Thiệp , được đi lại sang Mỹ, Pháp, Ý, Ðức. Mà đi như thế thì dù chúng ta chưa đánh gía gì họ quá đáng nhưng cứ lấy những kinh nghiệm và hiểu biết trong quá khứ thì Nguyễn chí Thiện khẳng định những người trên cũng đã có những nhân nhượng đối với Cộng sản rồi; ít nhất là ra ngoài này không được nói xấu gì Cộng sản, không được kể xấu những chuyện mất tự do trong nước.. Như trước đây khi cụ Nguyễn mạnh Tường cũng như Nguyễn khắc Viện lên tiếng một tí là đã bị chúng cho người đến tận nhà dụ dỗ, dọa dẫm các cụ phải yên, yên cho đến chết; ngay nhạc sĩ Văn Cao cũng thế, suốt bao nhiêu năm cứ phải sống cái cảnh trên đe dưới búa, cho đến ngày chết cũng không lên tiếng được câu nào.

Biết như thế, chúng ta đừng để cho họ sa vào những chuyện đó. Chúng ta phải giữ mối liên lạc thường xuyên với họ, điều này cá nhân ông Nguyễn chí Thiện vẫn cố làm để cổ võ tinh thần anh em. Một mặt khác là bình diện quốc tế. Ðây là một mặt quan trọng vì hiện nay bình diện quốc tế mù mờ về Việt Nam nhiều lắm vì Việt Nam là một nước nhược tiểu, ít được thế giới biết đến. Vì thế chúng ta có nhiệm vụ làm thế nào để ngoại giao, gặp những nhà báo ngoại quốc, điều trần trước Quốc Hội các nước phương Tây, gặp các nhân sĩ người nước ngoài, các cơ quan truyền thông, ân xá quốc tế.. để càng nói nhiều bao nhiêu về Việt Nam, làm cho họ hiểu rõ vấn đề Việt Nam bấy nhiêu thì càng tốt cho công cuộc đấu tranh.

Biết bao nhiêu chuyện ở Việt Nam cần nói ra. Bản thân nhà thơ Nguyễn chí Thiện khi nói chuyện với các nhà báo thế giới thì ông cũng khám phá ra rằng là họ hoàn toàn không biết gì cả. Chúng ta phải có những bằng chứng cụ thể, có những sự việc rõ rệt về tôi ác, những vi phạm nhân quyền có bằng chứng của Cộng sản, nêu lên thảm cảnh của Việt Nam, người dân đang sống như thế nào..tất cả những điều này mới có những tác động cụ thể đến thế giới. Từ tác động này mới tác động phần nào đến chính phủ họ, thí dụ như muốn viện trợ nhân đạo thì yêu cầu để viện trợ đến tận tay chứ không thể đưa tiền cho chính phủ Cộng sản Việt Nam. Việc này có thể làm được; hay những việc buôn bán, cho vay tiền thì phải kèm theo, gắn bó với một vài điều kiện cải thiện nhân quyền, như thế sẽ có lợi cho những cuộc đấu tranh cho chúng ta hơn- đó là công tác ngoại vận. Nhờ những công tác ngoại vận này nên những người trong nước được thế giới hay Cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến thì Cộng sản dù có giam cầm cũng không dám đầy đọa họ quá đáng, và rồi đến một lúc nào đó chúng cũng phải tha. Nhưng Cộng sản Việt Nam thuộc loại rất " xỏ lá", chúng coi những người này như những món hàng, mỗi khi nhả ra một tí lại câu một tí lợi về ngoại giao, về kinh tế cho bạo quyền. Nên chúng ta phải nhìn rõ sự thật như vậy, đừng có ảo tưởng xa xôi. Nhiều người vừa rồi thấy chính quyền Cộng sản tha 2000, 5000 tù- đó chỉ là tù hình sự lưu manh, tham ô- chỉ có hơn chục người là tội nhân chính trị. Số lượng tù chính trị trong tù tại Việt Nam vẫn còn tương đối nhiều, tuy nhiên phần nhiều họ là những người vô danh nên dù bị giam giữ mà hải ngoại không hề hay biết gì về họ để tranh đấu giải thoát họ. Mỗi khi người dân trong nước mở đài ( radio) nghe thấy ngoài này có những cuộc biểu tình, mít tinh đòi nhân quyền, đòi tha tù thì họ rất phấn khởi. Vì thế, chúng ta phải làm thế nào đưa những tin tức này về trong nước càng nhiều càng tốt.

Khi được hỏi là những người tranh đấu trong nước như Bác sĩ Nguyễn đan Quế, Giáo sư Ðoàn viết Hoạt, các nhà lãnh đạo tôn giáo như Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, các thượng tọa Trí Siêu, Tuệ Sỹ khi được thả ra thì họ có tạo được làn sóng chính trị nào ở trong nước hay không? Nguyễn chí Thiện cho biết tất cả những người này đều đóng những vai trò quan trọng. Nếu như ông Ðoàn viêt Hoạt sau khi ra khỏi tù rồi tới hải ngoại mà hoạt động một cách nhiệt huyết, nghiêm túc, tìm gặp quốc tế, gặp các tổ chức, đi thuyết trình nói chuyện cho thế giới hiểu biết hơn về Việt Nam thì đây là một hành động tích cực, thúc đẩy thêm tình hình tranh đấu ở hải ngoại. Còn những người còn trong nước như Bác sĩ Nguyễn đan Quế thì Nguyễn chí Thiện đã có cơ hội tiếp xúc bằng điện thoại. Bác sĩ Quế, theo lời ông Thiện, hiện nay rất vững vàng và sẽ tiếp tục đâu tranh và không e ngại điều gì cả. Còn các vị Hòa thượng, Thượng tọa, các ngài coi nhà tù như nhà tu, họ rất bình thản, những tiếng nói của họ đã được chúng ta ở đây biết nhiều, chúng ta rất cảm phục nhưng nhân dân trong nước thì lại ít ai biết đến. Vì thế chúng ta phải đưa những tiếng nói của họ về lại trong nước để nhiều người biết. Hiệu quả này rất quan trọng vì các vị này là những người dám hy sinh, dám chịu tù tội để đấu tranh trước bạo quyền Cộng sản.

Về những bàn cãi về chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng như vấn đề tương lai đất nước thì Nguyễn chí Thiện đưa ra nhận định là chuyện đòi hòa hợp, hòa giải với Cộng sản chỉ là một điều ảo tưởng. Khi muốn nói chuyện hòa hợp, hòa giải thì điểm đầu tiên người Cộng sản phải làm là nhận tất cả những lỗi lầm đã gây ra cho dân tộc, tất cả những quyền thiêng liêng của con người như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, trả lại dân chủ, cho người dân đi bầu chọn người xứng đáng.. Nói chung là những quyền bình thường của con người sau bao nhiêu năm bị độc chiếm, giờ đây Cộng sản phải xin lỗi, trao trả lại cho toàn dân quyết định. Khi họ thực lòng làm như vậy thì lúc bấy giờ mới nói chuyện hòa hợp hòa giải, nghĩa là có thể bỏ qua những chuyện cũ. Còn bây giờ họ vẫn ngang nhiên ngồi chễm chệ để cai trị dân tộc, còn chúng ta vẫn kêu gọi hòa hợp hòa giải thì đó là một điều vô vọng. Có nhiều người kêu gọi như " giơ bàn tay ra cho họ bắt " nhưng giơ ra hàng chục năm nay mà Cộng sản có bắt đâu! Cho nên lúc này không cần thiết để nêu sự hòa hợp hòa giải lên.

Còn nói hòa hợp hòa giải giữa dân tộc với nhau, giữa những người Việt với nhau, việc này chẳng những bây giờ, mà từ ngàn xưa, rồi cho đến ngàn sau, một dân tộc thì bao giờ cũng có sự hòa thuận, có sự đồng nhất " Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Ðông cũng cạn." Một dân tộc muốn tiến lên được thì nhất định phải có kỷ luật và có tinh thần tương thân tương ái, điều này muôn đời muôn kiếp vẫn phải nêu cao.

Bản thân Nguyễn chí Thiện lúc nào ông cũng tin đất nước sẽ có ngày tươi sáng. Từ những năm xa xôi mịt mùng trời đất, khi nằm trong tù, ông bao giờ cũng tin rằng Cộng sản sẽ tan rã vì nó phi nhân, trái với bản chất con người. Mà càng tàn độc, càng nham hiểm, thủ đoạn, đểu cáng bao nhiêu, thì càng tan nhanh bấy nhiêu. Ông vững tin như thếvà niềm tin này đã được chứng minh như cả một hệ thống Cộng sản thế giới đã tan vỡ như một giấc mơ, không ai lường được, không nhà tiên tri nào định được. Ðó chính là vì bản chất sai trái đưa đến sự sụp đổ của chính nó, chứ không ai đánh đổ cả.

Ông tin niềm tin đó đúng. Ðến hôm nay còn sót lại vài ba nước nghèo nàn đói khổ như Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam, Trung Quốc. Ông vẫn vững tin không lâu nữa đâu , tất cả những nước nói trên sẽ phải đi theo con đường dân chủ hóa vì nhân dân các nước đó không chịu chìm đắm mãi. Ngày này sẽ không còn xa xôi lắm, không phải đợi hàng chục năm hay nhiều hơn.

Trong nước hiện nay, ngay trong hàng ngũ đảng viên, kể cả trong quân đội lẫn công an, họ đã chán ngán cả rồi ! Không còn ai tha thiết nữa. Bây giờ chỉ cần có một điều kiện nào đó thì tất cả những cái đó sẽ tan, tan bất ngờ và nhanh chóng, vì nếu không có tâm trạng đó thì làm thế nào làm tan vỡ nổi nó. Như Liên Xô cũ với 20 triệu đảnh viên, 15 triệu đoàn viên, 4 triệu quân, có ai đánh đâu mà tự tan rã; vì chính 20 triệu đảng viên, công an, quân đội đã chán chế độ rồi. Việt Nam ngày nay cũng thế, chỉ cần một cơ hội nào đó, nó sẽ đến, nó sẽ quét sạch những lực lượng ngoan cố bảo thủ- dù còn rất ít- nhưng còn khống chế được đất nước. Ông cho rằng tương lai " tả trắng thắng cờ hồng" phải đến với dân tộc Việt Nam, sẽ đến khi thiên niên kỷ thứ ba bắt đầu.

" Tả trắng thắng cờ hồng" là thế nào? Tả trắng là sự sống, sự sinh sôi nảy nở, sẽ thắng cái tàn bạo, chết chóc là cờ hồng. Ai cũng mong ngày " tả trắng thắng cờ hồng" đến , nhưng muốn nó đến cho nhanh, chúng ta phải làm cho mọi người thấm thía hơn nữa về tội ác của Cộng sản đã gây ra cho dân tộc, tạo ra sự nghèo nàn, lạc hậu mà đất nước đang chìm đắm. Tóm lại là làm cho mọi người biết rõ thực chất của chế độ Cộng sản, thực chất của Ðảng. Ðiều này ông đã suy nghĩ đã lâu, đã làm những câu thơ và đã in ở hải ngoại. Ông chỉ nhân đây nhấn mạnh lại điều đó vì đó là tiếng nói vô cùng quan trọng:

"Khi nhân loại mọi người đều biết
Cộng sản là gì tự nó sẽ tan đi
Thứ sinh thành từ ấu trĩ ngu si
Sự hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt"
Chúng ta phải làm cho toàn dân, kể cả đảng viên lẫn quân đội, công an hiểu biết , vì càng biết bao nhiêu, thì chế độ Cộng sản sẽ tàn lụi và tan vỡ nhanh chóng bấy nhiêu. Tâm trạng rã rời của những người này sẽ làm chế độ rã ra với một tốc độ nhanh và không có gì có thể hàn gắn lại được. Chế độ sắt máu Cộng sản cũng được xây dựng nên bởi con người và nó cũng sụp đổ khi con người xây dựng nên nó tới thời kỳ rã rời, suy sụp. Một tòa nhà sắt thép mới trông vào thì trông có vẻ cứng rắn, vững chắc nhưng đã mục nát tận gốc rễ, cho nên chỉ cần một cơn gió nhẹ bất ngờ thổi qua sẽ làm cho tòa nhà này sụp đổ tan tành.

Trong bài thơ " Sẽ có một ngày" Nguyễn chí Thiện đã nói lên tiếng nói và ước nguyện của mấy chục triệu người Việt Nam. Lời thơ bồi hồi, cảm xúc cùng mang tính tiên tri của thời đại:

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Ðảng
Ðội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng
Oan khiên !
Về với miếu đường, mồ mả, gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Ðứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Ðặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng !
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng tiến quân ca
Và quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la !
( 1971)
Mặc dù được hai người bạn tù là Minh Thi và Trần Nhu công bố tên tác giả nhưng rồi số phận tác giả tập thơ cũng còn long đong. Ðó là không hiểu tại sao tờ báo của ông thầy bói Lê tư Vinh dựng lên một luận điệu cho rằng tác giả tập thơ là Lý Ðông A, một người đấu tranh trong thời Pháp thuộc có một vài tác phẩm lý luận chính trị như " Huyết Hoa" , ông bị mất tích và không ai còn nghe gì đến ông nữa. Nói chung những luận điệu nhằm chứng minh Lý Ðông A là tác giả tập thơ hết sức mơ hồ và không có căn bản khoa học gì cả. Có điều khó hiểu là có nhà báo Cao thế Dung và Bác sĩ Trần ngọc Ninh nhảy vào phụ họa cho lập luận của tờ Vạn Thắng. Sau khi nhà thơ Nguyễn chí Thiện đến Mỹ năm 1995, với những chứng cớ không thể chối cãi được, hai ông Cao thế Dung và Trần ngọc Ninh im lặng. Dĩ nhiên là họ đã thấy cái hố của họ. Ðúng ra muốn làm một người cầm bút chân chính và lương thiện, họ phải viết bài công khai nhận những lỗi lầm suy đoán của mình. Chỉ tiếc rằng họ chưa đủ can đảm làm việc đó. Trong cuộc đời này, ai mà không phạm phải lỗi lầm, khi phạm mỗi lầm mà công khai nhận lỗi của mình thì không làm cho nhân cách của mình thấp kém đi chút nào,mà trái lại càng làm cho nhân cách mình cao cả thêm lên. Hy vọng hai ông Cao thế Dung và Trần ngọc Ninh sẽ công khai nhận rõ lỗi lầm của mình để có thể trở nên con người cao cả. Những nhận định sai lầm của hai ông về tác giả " Hoa địa ngục " đã tạo ra một không khí nghi kỵ về tác giả tập thơ là nhà thơ Nguyễn chí Thiện. Dĩ nhiên điều này không tránh khỏi chuyện làm nhà thơ buồn lòng , đó là một điều đáng buồn không nên để xảy ra đối với một người tranh đấu đã trải qua 27 năm trong lao tù Cộng Sản. Cho tới giờ phút này nhóm Vạn Thắng còn cho ông Nguyễn chí Thiện là cò mồi của Cộng sản !! Tội nghiệp cho ông thầy bói đầu nậu của Vạn Thắng là Lê tư Vinh, một người không có văn hóa cũng như trình độ chính trị để rồi đưa đến chuyện phát ngôn bừa bãi trong những nhận định về tập thơ " Hoa địa ngục" cũng suy đoán hồ đồ về tác giả của nó như đã nêu trên. Ở thế giới ngày nay , làm chính trị cứu nước cứu dân cũng phải có một trình độ nhận thức tối thiểu. Ðất nước Viết Nam có lẽ sẽ chẵng bao giờ ra khỏi cảnh tối tăm nếu có những ông thầy bói đui mù đi làm chính trị. Chỉ cần thấy họ múa may vài đường là người ta nhìn ra ngay cái bản chất vô học, ngu xuẩn, và độc ác của họ. Tới giờ này bản thân những người " vu oan giá họa " cho Nguyễn chí Thiện đều đã thấy " hố" , tuy nhiên họ vẫn cứ khăng khăng giữ lấy sự suy đoán sai trái của mình vì không đủ liêm sĩ để nhìn nhận sự thật. Ở đời này, kiếm một người cầm bút có lương thiện cũng thật là khó như tìm sao đêm ba mươi.

Ðiều đáng buồn hơn nữa là tờ báo lo chuyện phát hành đầu tiên tập thơ " Hoa địa ngục " là tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong giờ đây cũng giở giọng cho Nguyễn chí Thiện không phải là tác giả tập thơ. Nguyên nhân sâu xa là tờ báo này nghi ông Nguyễn chí Thiện cộng tác với Mặt trận , một kẻ thù không đội trời chung của tờ báo này. Lối cư xử " giận cá chém thớt " thiếu văn minh yếu kém này của tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong chỉ làm cho người đọc coi rẻ và khinh bỉ tờ báo này thêm. Coi Nguyễn chí Thiện không phải là tác giả tập thơ " Hoa địa ngục " chưa đủû, tờ báo còn " chụp mũ " nhà thơ là cán bộ Cộng sản gài qua hải ngoại này nọ. Biết đến bao giờ làng báo hải ngoại mới khá hơn nếu còn có những tờ báo hạ cấp,bẩn thỉu như tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong này. Ở đây chúng ta cứ hô hào là Cộng sản phải để cho báo chí trong nước được tự do hành xử đệ tứ quyền ( tức là quyền tự do báo chí) mà có những tờ báo hải ngoại, sống trong không khí tự do, lại chuyên loan những tin vô căn cứ và độc ác nhằm hạ nhục người khác như trường hợp tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong đối với nhà thơ Nguyễn chí Thiện thì thật là đáng buồn thay.

Có thêm một sự kiện nữa xác định Nguyễn chí Thiện là tác giả tập thơ " Hoa địa ngục" . Ðó là sự lên tiếng của nhà văn Vũ thư Hiên trong tập hồi ký chính trị " Ðêm giữa ban ngày " của ông. Ông Hiên là bạn tù của Nguyễn chí Thiện. Ngày xưa ở tù chung với ông Thiện, ra tù ông Hiên kể rõ ông Thiện có đến thăm ông tại nhà, và có điều thú vị cần nói ra ở đây là hai ông cùng ở chung với nhau trong một nhà tại Pháp năm 1989- 1999 trong chương trình bảo trợ cho những nhà văn bị đàn áp do Âu châu lập nên. Ðúng là trái đất bao giờ cũng tròn.

Trong cuốn sách " Ðêm giữa ban ngày " Vũ thư Hiên có kể những mẩu chuyện tai nghe mà ông chứng kiến trong tù về Nguyễn chí Thiện như sau :

" Anh Nguyễn chí Thiện, một tù nhân có thâm niên đáng kính, một nhà thơ được ưu ái trong tầng lớp trí thức của xã hội tù, bĩu môi:

_ Các anh nói thối bỏ mẹ: " trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo ". Dân chúng chẳng cần tới sự lãnh đạo của các anh. Vì các anh dân mới đói. Vì các anh dân Trung Quốc mới thân tàn ma dại.

Ông bí thư huyện, anh hùng lao động nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, im lặng.

..... Thiện trợn mắt nhìn tôi. Anh không thích một câu đế ngang xương như thế. Với anh, cộng sản là xấu , là tồi tệ ,là kinh tởm, chấm hết . Không một cái gì của Cộng sản có thể là tốt.

Cái cách tôi đánh đồng loạt chính quyền Tưởng Giới Thạch với chính quyền Mao Trạch Ðông như thế là không được. Không hiểu sao anh vẫn chấp nhận tôi như một ngoại lệ.

Nguyễn chí Thiện làm nhiều thơ. Chiều chiều chúng tôi tụ họp nhau ở sau trại ngắm hoàng hôn, uống trà và nghe thơ. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Tôn Thất Tần... kẻ đứng người ngồi trang ráng chiều bàng bạc của một vùng rừng núi âm u bắt đầu ngả sang màu tím, tôi nhớ tới bức tranh vẽ Những Người Tháng Chạp trong cảnh lưu đầy ở Sibir thời Sa hoàng.

Những bài thơ của Nguyễn chí Thiện không hợp với tạng tôi. Thơ của anh trần trụi, bỗ bã, nói thẳng vào vấn đề, mà tôi thì lại thích thơ gợi, thơ kích thích trí tưởng tượng, thứ thơ cho phép người đọc được tham gia thêm vào cái đã có sẵn trong bài thơ, câu thơ, một chút tâm hồn mình. Nhưng cũng có bài của anh đọng lại trong trí nhó:

Không có chỗ trên con tàu Trái đất
Tôi là người hành khách bơ vơ
Lỡ chuyến, lầm ga , mất cắp , bây giờ
Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt
Cái toa đen dành cho súc vật
Hoặc
Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương..
Còn tôi đây ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng 
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương .. ( 1)
Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau chúng là cặp mắt lồi ngơ ngác.

Bộ quần áo trại phát, dự tính cho người tù có chiều cao trung bình, quá cũn cỡn trên người anh, làm thò đôi cẳng chân khẳng khiu ra ngoài. Thiện không bao giờ đi dép, tứ thời anh diện đôi guốc mộc tự đẽo, làm anh cao thêm mấy phân nữa. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác. Có vẻ lúc nào anh cũng ngơ ngác, cũng ngạc nhiên trước cuộc đời bụi bặm và uế tạp. Anh ghê tởm nó, nhưng cũng không có ý định dọn dẹp nó hay sữa chữa nó. Nói tóm lại, anh chẳng gây sự với cán bộ trại giam. Nhưng đó là người tù không thể bẻ gãy. Tinh thần bất khuất trong những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.

Có lần đi lao động về tôi thấy Nguyễn chí Thiện đã bị khóa cánh tiên ngoài cổng trại. Trông anh như bộ xương người trong giờ cách trí- lồng ngực ưỡn ra nhìn rõ từng rẻ sườn. Nhìn thấy tôi, Thiện mặt đỏ gay còn cố mỉm cười thay lời chào.

Trình Hàng Vải thì thào với tôi:

_ Chúng nó bắt được mấy bài thơ của Thiện

Những người tù số lẻ lặng lẽ đi ngang bạn mình đang bị hành hạ. Mặt họ đanh lại. Tôi nghĩ : chỉ cần nhìn thấy cảnh này chứ không cần nếm nó người dân cũng khó mà yêu được chế độ.

Kiều duy Vĩnh đánh giá cao cái ngoại lệ mà người tù chống cộng cực đoan dành cho tôi:

_ Thiện nó tin anh lắm đấy! Mà cũng trọng anh lắm đấy ! Nếu không nó chẳng đọc thơ cho anh nghe đâu.

Tôi hiểu Kiều Duy Vĩnh quý tôi. Trong cái sự trọng tôi của Nguyễn chí Thiện có ảnh hưởng tình cảm của Kiều Duy Vĩnh dành cho tôi. Nhưng không có Kiều Duy Vĩnh thì Nguyễn chí Thiện cũng vẫn tin tôi không làm ăng-ten. Những người tù trí thức khác cũng tin như vậy. Nguyễn chí Thiện có trọng tội hay không là chuyện không quan trọng. Trong tù tôi học được cách sống tự tại,mặc kệ người ta nghĩ về mình thế nào. Tôi mãi mãi vẫn là người, không phụ thuộc vào sự đánh giá của bất cứ ai.

( Ðêm giữa ban ngày - trang 727)

" ... Nguyễn chí Thiện được thả ra năm 1977. Từ ga Trần quý Cáp anh tới thẳng nhà tôi, ăn với tôi bữa cơm rồi mới về Hải Phòng. Thỉnh thoảng anh lên Hà Nội chơi lại rẽ vào thăm tôi. Vẫn ngơ ngác nhìn đời qua cặp kính trắng, ít nói hơn cả trong khi ở tù, còn ít cười hơn nữa, Nguyễn chí Thiện hoàn toàn thu mình vào nội tâm. Tôi giao cho anh bột nở về bán cho các hàng cháo quẩy của thành phố cảng. Khi tôi chế bột nở cho cao su, anh cũng bán được một ít cho những người người buôn hàng vào Nam. Nhưng anh không có khiếu thương mại. Tôi vào Sài Gòn hẳn từ năm 1983. Năm 1988 tôi ra chơi, Lê Trình báo tin Nguyễn chí Thiện đã bị bắt lại. Anh chạy vào sứ quán Anh ở Hà Nội, trao cho họ tập thơ anh làm trong tù rồi bước ra để vào Hỏa Lò, ở thêm mấy năm nữa. Trình kêu gọi anh em bạn tù góp tiền cho gia đình Nguyễn chí Thiện tiếp tế cho anh. Năm 1994 Nguyễn chí Thiện sang Mỹ (2), từ đó anh đi khắp thế giới để chửi chính quyền Hà Nội . Tôi đọc báo và buồn lòng thấy anh chống cộng vung vít, chống luôn cả những hành động cứu trợ, theo anh nói, nuôi béo chính quyền cộng sản. Tôi biết có những vụ tham ô hàng và tiền cứu trợ, nhưng không phải tất cả đều thế. Anh còn nói rằng không thể tin được bọn cộng sản ly khai, quên khuấy rằng họ cũng là những người yêu nước không kém gì anh, ít nhất là như thế. Nhưng nghĩ tới những gì Nguyễn chí Thiện đã trải qua, tôi hiểu nỗi căm giận của anh.

( Ðêm giữa ban ngày - trang 764)

Hai đoạn văn trích dẫn trong cuốn sách " Ðêm giữa ban ngày " của nhà văn Vũ thư Hiên đã chói rọi thêm vào tập thơ " Hoa địa ngục " của tác giả Nguyễn chí Thiện. Cả cuộc đời yêu thơ như chính máu thịt của mình, nhà thơ khốn khó vì thơ từ những ngày trong tù như đoạn văn kể trên cũng như sau này ra hải ngoại , nhà thơ cũng còn gặp những sự buồn phiền vì đứa con tinh thần được làm trong 20 năm tù đày bị gán cho là của người khác. Nhà văn Vũ thư Hiên hiện nay sinh sống ở Âu Châu và chắc chắn sẽ trả lời những nghi vấn thắc mắc về người bạn tù Nguyễn chí Thiện của ông.

Trong hai đoạn văn trích dẫn trên còn có nói đến nhân vật Kiều duy Vĩnh. Ðây là một đại úy thời Pháp và là bạn tù của Nguyễn chí Thiện. Cách đây mấy năm ông Vĩnh có viết một bài hồi ký nhỏ nhan đề " Tôi đã gặp các thánh tử đạo " đăng trên tờ báo Thế Kỷ 21 ở Nam California. Ông Vĩnh hiện nay sống ở Hà Nội và là người cung cấp cho một ký giả Pháp bản đồ trại giam Thanh Cẩm để ký giả Pháp này đột nhập và tường trình chế độ giam cầm của Cộng Sản cách đây không lâu. Hiện nay ở tại California cũng như những nơi khác trên đất Mỹ có những người tù Biệt kích nhảy toán ra Miền Bắc đã gặp và biết Nguyễn chí Thiện từ trong những ngày tù tội. Những người này là những chứng nhân cho kẻ sĩ Nguyễn chí Thiện trong những ngày ngục tù mà nhạc sĩ Phạm Duy đã thân tặng ông danh hiệu " Ngục sĩ". Cái tên mà trước đây chưa từng ai có và sự bất khuất trong những năm tù tội cho thấy Nguyễn chí Thiện rất xứng đáng được gọi là " Ngục sĩ".

Tuy nhiên yếu tố dứt khoát để xác định tập thơ " Hoa địa ngục " là của Nguyễn chí Thiện vì nét chữ Nguyễn chí Thiện bây giờ giống y chang nét chữ trong tập thơ được quăng vào Tòa đại sứ Anh ở Hà Nội .( Xin coi phần phụ lục để chứng thực điều đó).

Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, một số quân nhân Mỹ cụt hai tay khi về lại quê hương đã được tập viết bằng ngón chân. Có điều ngạc nhiên là chữ viết bằng chân của họ cũng na ná giống như chữ viết bằng tay của những ngày chưa bị mất tay. Ðiều đó chứng tỏ một điều : hình dạng của chữ viết là do bộ óc, ngón tay và ngón chân chỉ là phương tiện biểu hiện ra chữ viết mà thôi. Bảy mươi tám triệu người Việt quốc nội và hai triệu người Việt hải ngoại chắc chắn không có ai có nét chữ giống nét chữ của tập thơ. Nguyễn chí Thiện là người duy nhất có nét chữ giống chữ viết trong tập thơ vì ông là tác giả của tập thơ. Phải nói tập thơ xuât hiện dưới hình thức viết tay nên ngày nay sự chứng minh ai là tác giả tập thơ đã qúa rõ ràng minh bạch, chứ nếu tập thơ được đánh máy thì giờ này ai cũng nhảy vào tự nhận là tác giả tập thơ được cả.

Cách đây trên mười năm có một tin làm xôn xao chấn động dư luận thế giới là người ta tìm ra được một bộ hồi ký của trùm Phát xít Hitler. Ngay cả tờ báo chính trị đứng đắn của Mỹ là tờ Newsweek cũng tính ra một số đặc biệt về cuốn hồi ký độc đáo này. Nhưng trước khi được in thành sách, các nhà kiểm tự thế giới đã nhảy vào làm việc để chứng thực coi có phải cuốn hồi ký này là do Hitler viết hay không. Họ đem chữ viết của Hitler để so sánh với nét chữ trong cuốn hồi ký mới tìm thấy này. Sau vài ngày họ cho biết cuốn hồi ký này thuộc loại dỏm. Những tay lưu manh đưa ra cuốn hồi ký này nhằm tính chuyện hốt bạc đã không qua mặt nổi những nhà kiểm tự . Cho nên yếu tố chữ viết bản thảo là yếu tố quyết định ai là tác giả. Trời sinh mỗi người có một khuôn mặt thì trời cũng sinh mỗi người có một nét chữ viết đặc thù riêng biệt . Ngay cả hai anh em sinh đôi dù có nét mặt giống nhau không thể phân biệt được thì chắc chắnø họ cũng sẽ có hai nét chữ viết khác nhau , và nếu họ có viết văn làm thơ thì cũng dễ dàng nhận ra được sản phẩm tinh thần của mỗi người bằng cách căn cứ trên chữ viết riêng biệt. Chữ viết có thể coi như là dấu tay của mỗi người và không thể lẫn lộn được. Những người giả chữ viết của người khác thì cũng chỉ qua mặt người thường chứ không bao giờ qua mặt nổi những chuyên viên kiểm tự chuyên nghiệp/. Ðó là một điều chắc chắn dựa trên căn bản khoa học.

Sau khi ra tù lần cuối,nhà thơ Nguyễn chí Thiện có gửi cho người anh ruột định cư tại tiểu bang Virginia một số bài thơ, (ông anh này tên Nguyễn công Dân, tốt nghiệp khóa 4 Thủ Ðức ( cùng khóa với các tướng Ngô quang Trưởng, Bùi thế Lân v..v), làm việc tại phòng 2 bộ Tổng tham mưu và có tham gia vào phái đoàn VNCH đi dự hòa đàm Paris vào những năm 1970. Ông Dân vào Nam năm 1954 trong khi tất cả gia đình , trong đó có Nguyễn chí Thiện ở lại miền Bắc ), trong đó có bài " Con thành thi nhân " có nội dung như sau:

Con thành thi nhân cũng chính là nhờ
Công sức mẹ thầy nuôi cho ăn học
Gia cảnh bần hàn lo toan chăm sóc
Con chỉ nằm đọc sách luyện vần thơ
Không mảy may báo hiệu được một ngày
Thực có tội với mẹ thầy biết mấy !
Song lòng già rất thương, đâu nghĩ ngợi
Chỉ mong con nên sự nghiệp ,nên người
Trước lúc qua đời, thầy mẹ còn lo
May quần áo để tù về con sẵn có
Tình thầy mẹ mênh mông như thế đó
Thế gian này không có thứ đem so !
( Hoa địa ngục tập 2- 1980)
Nhà thơ Vi Khuê cũng ở tại Virginia nên có cơ hội đọc những vần thơ mới này. Với bút hiệu Nguyễn thị Bình Thường , bà nhận xét như sau trên tờ báo Phụ nữ diễn đàn : " Ðúng là hơi thơ của Nguyễn chí Thiện " . Ðây là một nhận xét đúng đắn. Thật ra một người khi làm văn thì có văn phong riêng cũng như khi làm thơ thì có hồn thơ riêng, khó có thể lầm lẫn với người khác được. Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Tuân đều có văn phong ghi đậm dấu ấn của mỗi người, cũng như những nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử đều có những bài thơ mang hơi hướm của từng riêng người. Về nhạc thì cũng thế, mỗi người nhạc sĩ đều có mỗi nét riêng tây khi viết nhạc. Nhạc Trịnh công Sơn mang âm điệu của một chất morphine rời rã, trong khi đó hầu như bài nhạc nào của Hùng Lân đều có âm hưởng hùng tráng. Nhà văn, nhà thơ, nhà làm nhạc đều lưu lại dấu vết đặc thù trên mỗi đứa con tinh thần của mình. Và người sành điệu hiểu biết chỉ cần đọc một đoạn văn, một bài thơ hay nghe âm điệu một khúc nhạc thì cũng gần nhừ đoán được đó là của ai.

Một điểm nữa cần nói ở đây là như đã được nói ở trên là kèm theo tập thơ có một lá thư viết bằng tiếng Pháp lưu loát. Ðiều đó chứng tỏ rằng nhà thơ là một người thông thạo Pháp ngữ. Mấy năm nay ở Pháp, Nguyễn chí Thiện đã chứng tỏ khả năng tiếng Pháp cứng cỏi của ông bằng cách trả lời bằng tiếng Pháp trong các cuộc phỏng vấn của ký giả Pháp ngay trên đài truyền hình Pháp. Ðây lại là một điểm nữa chứng minh tác giả " Hoa địa ngục " là Nguyễn chí Thiện.

Sau 27 năm tù tội, cuối cùng do sự can thiệp của một đại tá Mỹ gốc Nhật ở San Jose, Nguyễn chí Thiện đã tới Mỹ vào tháng 11 năm 1995. Ông nói sơ qua về gia cảnh và chuyện quăng tập thơ vào tòa đại sứ Anh như sau:

" Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm 1939 ( Tuổi Kỷ Mão). Bố ông là một công chức thời Pháp thuộc. Ông có người anh tên Nguyễn công Dân ( hiện cư ngụ tại Virginia) đã vượt tuyến vào Nam năm 1954 và sau này mang cấp bậc Trung tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Thiện không có vợ, không con. khi được thả năm 1977 ông sống ở Hải Phòng với bà chị đầu. Ngày 10 tháng 7 năm 1979 ông đi lên Hà Nội. Mặc dù có một bà chị ruột ở Hà Nội, ông đến nhà một người bạn, ngồi trên gác nhà ấy và viết ra 4000 câu thơ trong ba ngày ròng rã mà ông nhớ trong đầu sau hai mươi năm tù đầy. Ngày 16 tháng 7 năm 1979 , vào khoảng 9 giờ sáng thì ông xông vào Tòa Ðại sứ Anh để quăng tập thơ và bị bắt liền ngay sau đó và ở tù thêm vài năm nữa mới được thả ra."

Những lời tâm sự bộc bạch của ông đã rất đúng với gia cảnh của người viết tập thơ " Hoa địa ngục". Khi xuất bản tập thơ " Hoa địa ngục , tập 2 " tại Hoa Kỳ, ông tâm sự thêm về phương hướng và hoàn cảnh làm thơ của ông ( trong " Lời nói đầu " )

" Với hoàn cảnh ấy, tôi phải làm thơ, nhất là ở trong tù, giấy bút không có , khám trại thường xuyên, bọn tù bẩm báo lại không thiếu. Thơ có thể làm trong đầu, học thuộc giữ trong đầu. Văn xuôi thì chịu ! Nhưng dùng thơ mà để bàn đến chính trị, mà để luận tội, mà để miêu tả hiện thực, toàn cảnh bắn giết, đánh đập, cùm kẹp, đói rét, ốm đau, đờm máu, rớt dãi, tranh giành ngô, khoai, sắn, thì rất khô khan, khó có chất thơ, nhưng vẫn phải làm để cho mọi người và con em sau này biết rõ về tội ác Cộng sản, về thảm cảnh của dân tộc. Ðể loại thơ này đỡ nhàm chán, trong muôn ngàn sự việc xảy ra hàng ngày, trong muôn ngàn tâm tư, cảm xúc, tôi cố chọn lọc những gì nổi bật nhất, đập vào tim óc nhất. Coi mình là người ghi chép cảnh thực, tình thực của một giai đoạn lịch sử đớn đau tột độ, tôi luôn tôn trọng sự thật, không cường điệu, khuếch đại, bôi đen, hoặc gay cấn hóa. Vả lại, nguyên những sự thực cũng chỉ ghi được phần nào, cần gì phải vẽ vời thêm! Tôi hết sức tránh những chữ , những hình tượng cầu kỳ, văn chương, vì nó không phù hợp với loại thơ tôi làm. Tôi cố vươn tới sự giản dị như một nhà thơ Pháp đã nói: S’ e’lever à la Simplicite’ . Nhà phê bình Viên Mai đời Thanh có kể lại chuyện một anh bán cháo lòng, khi mẹ chết có làm mấy câu thơ khóc mẹ :

Khốc nhất thanh
Khiếu nhất thanh
Ngã đích thanh âm nương quán âm
Như hà nương bất ứng !
Tạm dịch
Khóc một tiếng
Gọi một tiếng
Tiếng con thân quen với mẹ là vậy
Mà sao mẹ không trả lời !
Và Viên Mai phê : " Ðọc xong, người đọc nhợt nhạt cả mặt mày! Khi còn trẻ, đọc xong tôi cũng thấy lòng lịm đi. Không thấy chữ nghĩa đâu, hình tượng , văn chương đâu, chỉ thấy nỗi đau đớn bàng hoàng của người con bên xác mẹ. Thì ra " Thi tại ngôn ngoại, bất tại ý trung " là vậy !...

Nhưng giản dị khác với nôm na, tầm thường . Cái khó là ở chỗ đó. "

Ðó là những lời tâm sự chân thành của Nguyễn chí Thiện trong khi làm thơ. Ðọc bài thơ nào của ông ta cũng thấy cái ý tưởng độc đáo và cái tứ thơ dồi dào, được diễn tả bằng lời thơ dào dạt, khúc chiết. Người bình dân cũng như giới trí thức đều cảm nhận được hồn thơ của Nguyễn chí Thiện vì ý thơ ông sâu sắc mà lời lẽ diễn ta thì lạiû dễ hiểu, bình dân. Những người phê bình văn học thường cho thơ Nguyễn Bính có âm hưởng ngọt ngào của ca dao, còn thơ Nguyễn chí Thiện được coi như tiếng lòng thổn thức khi diễn tả những chuyện đau thương, buồn nản. Nhưng loại thơ chiến đấu của ông thì khác hẳn, lời thơ giờ đây mạnh như vũ bão, có tác dụng thôi thúc người đọc lên đường. Những người tranh đấu cho quê hương hôm nay có thể tìm thấy ở thơ Nguyễn chí Thiện như một thứ hành trang lên đường.

Mặc dầu dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu thơ, có điều nghịch lý là giá trị của văn thơ lại không có giá trị lắm trong xã hội. Thời tiền chiến nhà văn Nguyễn Vỹ đã từng than thở, " Nhà văn An Nam khổ như chó " , Tản Ðà có lẽ cũng đồng ý khi phụ họa " Văn chương hạ giới rẻ như bèo". Những điều đánh giá này có thể ứng vào thơ Nguyễn chí Thiện hay không? Không hẳn như thế, mới đây ký giả Michael Lind, tác giả của cuốn sách " The necessary war" ( Cuộc chiến tranh cần thiết) có viết thư cho nhà thơ Nguyễn chí Thiện, xin trích dẫn bốn câu thơ của nhà thơ để đưa vào sách của ông và xin trả 500dollars. Năm trăm dollars để trích dẫn bốn câu thơ của Nguyễn chí Thiện vào sách! Xem thế thì thơ Nguyễn chí Thiện không bao giờ rẻ giá cả, hiểu theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen !

Bốn câu thơ của Nguyễn chí Thiện mà ông Michael Lind xin phép trích dẫn để đưa vào sách của ông là bốn câu:

Giả thử Ðảng và Bác
Cho đi lại tự do
Thời thiên đường cụ Mác
Sẽ khỉ gáy cò ho

( If Uncle and the Party, let's suppose,
allowed free movements in and out
Grandfather Marx's paradise
would soon become the wilds
where monkeys roam )
( Bản dịch của Huỳnh sanh Thông)

Ðọc toàn bộ tập thơ, người ta thấy rõ ràng cái khí khái anh hùng của nhà thơ, luôn quyết tâm chống lại với cái ác. Riêng cái hành động vào Tòa đại sứ Anh để quăng tập thơ cũng là hành động biểu hiện tinh thần " vô úy" của ông. Nhà văn Nguyễn Tuân trước khi lìa đời đã để lại câu nói thành thật, " Cuộc đời tôi còn sống đến giờ này là bởi biết sợ " . Nguyễn chí Thiện thì quan niệm ngược lại, ông thẳng thắn tuyên bố là không sợ gì cả ( Ðừng sợ cái cực kỳ man rợ. Dù nó đương thịnh thời rông rỡ nơi nơi). Dù không biết sợ ông vẫn sống tới giờ này ( 2001) và từ khi còn ở trong nước, ông còn tuyên bố là sẽ còn sống lâu hơn Ðảng Cộng sản Việt Nam! Thái độ sống của Nguyễn Tuân hay Nguyễn chí Thiện, thái độ nào là của một kẽ sĩ , câu trả lời đã quá rõ ràng.

Phan nhật Nam, một nhà văn nổi tiếng với những bút ký chiến trường rực lửa, được nhà văn Tạ Tỵ nhận xét là " không ai có thể viết hay hơn", cũng chia xẻ chút ý kiến về Nguyễn chí Thiện với những anh em trong Nguyệt san Việt Nam ở Canada vào cuối tháng 12-2000 như sau:

" Cũng phải nói thêm một điều cho bớt tức: Phe ta ở hải ngoại sao chỉ lo chuyện ruồi bu- như đặt lại căn cước của Nguyễn chí Thiện- mà quên hẳn kẻ nội thù gài mìn ngay dưới chỗ nằm của mình.

Ông Nguyễn chí Thiện theo tôi là: Người độc nhất còn giữ được phẩm giá con người ở đất Bắc. Những " trí thức khoa bảng" như Nguyễn mạnh Tường, Trần đức Thảo còn bị thằng " câu ếch họ Hồ " lường gạt, chỉ còn con người này với tâm chất thực của một " thi sĩ ". Ðáng kính phục lắm thay.

" Nghệ sĩ nhân dân Văn Cao" theo tôi cũng gọi là.. xoàng, vì kém hẳn khí phách của Trần Dần, Phùng Quán, Quang Dũng !!! Tài giỏi mà hèn lắm chỉ như Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên..và cả tập thể " Văn Công" ở đất Bắc kia."

Những nhận xét của Phan nhật Nam rõ ràng là những nhận xét hiểu biết, chân thành, chí tình , chí lý.

Mấy tuần nay , dư luận hải ngoại xôn xao khi nghe tin Linh mục Nguyễn văn Lý tuyệt thực ở xứ đạo Nguyệt Biểu, Huế để chống lại sự đàn áp tôn giáo và tịch thu đất đai của giáo hội. Trước đó linh mục có gửi email ra hải ngoại và tâm sự thêm Nguyễn chí Thiện mà linh mục có dịp gặp gỡ trong những ngày tù tội. Bức thư emai ngày 26 tháng 11 năm 2000 của linh mục gửi ra hải ngoại có đoạn:

" Có lẽ các bạn và anh T. không thể kiểm tra được Nguyễn chí Thiện đâu. Vì làm sao các bạn biết nhà thơ vĩ đại Nguyễn chí Thiện được? Ông ở tù trong chế độ CSVN 30 năm khi mới 20 tuổi. Năm 1991, khi ông được phóng thích, mới chỉ hơn 50, mà đã già lom khom như cụ già 70 ! Sức khỏe không có, nhưng giọng vẫn còn oai vang, nói nhất là đôi mắt lồi, " không lé ", và rất tinh anh uy dũng. Ðầu óc nhận thức còn rất minh mẫn, sắc bén. Tác phong uy nghiêm, chững chạc, bộc lộ một nhân cách hoàn hảo. Ăn nói đúng mức, cẩn trọng. Thái độ văn minh, lịch sự như bậc hiền sĩ , quân tử. Ðúng là một nhà trí thức vĩ đại, xúng đáng giải Nobel văn học. Khi tôi ra khỏi tù cuối năm 1992, ngay đêm đầu tiên tôi đã đột nhập vào nhà ông ở Hà Nội, được canh chừng rất cẩn thận, để gặp ông lần cuối, trước khi ông được một đại tá Mỹ và các nhà lãnh đạo ở Âu châu bảo lãnh. Có lẽ trên đời này , True Nguyễn chí Thiện không tin và yêu thương ai hơn tôi nữa. NCT dễ bị giả là vì không ai ở Mỹ - Âu Châu biết mặt NCT cả. Có người bà con ở Mỹ, nhưng khi bị bắt, NCT còn quá trẻ, còn nay thì đã già rồi, ngay người bà con ấy cũng không thể nhận ra NCT thật hay giả. Giữa ông và tôi có những quan hệchỉ 2 người biết, vì tôi ở với ông hai năm cuối cùng, trước khi NCTđược chuyển về Quân y viện 108 để bồi dưỡcng và làm thủ tục phóng thích. Tôi dạy giáo lý cho ông hơn 1 năm . Ông hứa với tôi " chắc như đinh đóng cột " những gì, chỉ có chúng tôi biết. Từ 1993/1994, khi NCT ra đi,(3) tôi đã thư liên lạc bằng nhiều cách, nhưng NCT không hề đáp lại. Vậy nay chỉ cần các bạn gặp, nói rằng có Lm Nguyễn văn Lý gửi lời thăm và rất muốn nói chuyện với ông qua phone : 011.84. 54. 846429 hoặc 011. 84. 54. 881061. Nếu NCT bằng lòng với thái độ rất phấn khởi, mới hy vọng đó là True NCT. Nếu NCT tỏ ra ngạc nhiên, do dự, không biết NVL là ai, hoặc miễn cưỡng nói chuyện , thì đúng là False NCT rồi. Hơn nữa qua Phone, tôi chỉ cần hỏi 2 câu là lột mặt nạ được NCT giả hay thật ngay. Các bạn cố gắng giúp tôi tiếp xúc qua Phone với NCT càng nhanh càng tốt. Bạn nào có thể chụp ảnh NCT rõ, Scan photos ấy, gửi về tôi. Tôi sẽ kiểm tra lại giúp."

Ðược bạn bè báo cho biết Linh mục Lý đang tìm mình, nhà thơ Nguyễn chí Thiện, hiện đang ở bên Pháp , đã gọi điện thoại về ngay cho Linh mục Nguyễn văn Lý và Linh mục Lý xác nhận đúng là nhà thơ Nguyễn chí Thiện mà linh mục đã gặp trong tù. ( Có thể kiểm chứng điều này với ký giả Hải Triều, chủ biên tờ Nguyệt San Việt Nam ờ Canada). Nếu ai còn muốn tìm hiểu thêm sự thật , xin cứ liên lạc với Linh mục Lý để tìm hiểu sự thật về nhà thơ Nguyễn chí Thiện. Cũng mong nhóm Vạn Thắng và tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong sẽ liên lạc với LM Lý để tìm hiểu sự thật về Nguyễn chí Thiện và sẽ không còn viết lách nhảm nhí, láo lếu nữa. Càng viết bậy thì lại càng bị quần chúng độc giả khinh chê và tự mình chôn vùi tên tuổi của mình.

Cách đây trên mười năm tuần báo Diễn Ðàn Thanh Niên ( San Diego) có viết một bài bình luận về Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện. Bài báo cho rằng với sự dũng cảm vô song, với tài trí tuyệt vời, Nguyễn chí Thiện xứng đáng được gọi là một " vĩ nhân ". Toàn dân hải ngoại và có lẽ dân trong nước sau này sẽ đồng ý với nhận định chính xác này. Ở Việt Nam trước đây, Thủ tướng Phạm văn Ðồng có viết sách ca tụng Hồ chí Minh là " vĩ nhân" . Thật ra, phải gọi Hồ chí Minh là "quái nhân " mới đúng vì những tội ác giết người của y đối với dân tộc Việt. Nói đúng thì phải dùng chữ " quái vật" để diễn tả con quỉ vương Hồ chí Minh vì ông ta là quỷ chúa và còn có khả năng biến người khác thành quỷ giết người man rợ. Ngày nay con quỷ vương họ Hồ này đang bị mổ bụng nằm ở quãng trường Ba Ðình đã ba mươi năm rồi không được chôn. Nhìn dưới con mắt nhà Phật thì Hồ đang trả quả báo. Hy vọng chế độ sắt mắu Cộng sản do Hồ dựng lênâ sẽ tan tành để rồi xác Hồ có thể đốt thành tro bụi và rải trên núi sông như di chúc Hồ đã viết . ( Di chúc này bị Lê Duẩn dấu nhẹm , sau này được Bùi Tín kể lại trong hồi ký " Hoa xuyên Tuyết").

Trong những ngày tháng gần đây , Bác sĩ Nguyễn đan Quế từ trong nước gửi email ra hải ngoại cho biết " tình hình sẽ có nhiều biến động trong những ngày sắp tới. " Ông đã tiên đoán đúng vì tình hình Hòa Hảo vẫn đang sôi sục, cụ Lê quang Liêm cương quyết đối đầu với Cộng sản nếu Cộng sản không chấp nhận những yêu sách hành đạo của cụ. Chuyện Lý Tống rải 50000 tờ truyền đơn xuống Sài gòn ngày thứa sáu 17 tháng 11 năm 2000 trong khi Tổng Thống Clinton đang đọc diễn văn ở Hà Nội là một cú đánh " long trời lở đất " làm Cộng sản choáng váng , bàng hoàng. Rồi chuyện Linh mục Nguyễn văn Lý cùng các giáo dân ở Huế đứng lên sẽ càng làm cho giọt nước nổi dậy tràn đầy để biến thành một trận Ðại hồng thủy cuốn trôi bộ máy cai trị của bạo quyền Cộng sản. Những chuyện này cũng đã nhà thơ Nguyễn chí Thiện tiên đoán trong bài trường thi " Ðồng Lầy " viết năm 1972:

" Lũ lau gầy, sậy úa, cỏ tàn phai
Náo nức, reo hò, trông ngó
Âm thanh đó gây thành giông gió
Khắp đại dương cùng khổ âm u
Chớp xé trời đen, báo hiệu lũ quân thù
Giờ hủy thể !
Tôi mong mãi một tiếng gì như tiếng
ầm vang của bể
Ðồng bào tôi cũng mong như thế
Tôi lắng nghe
Hình như tiếng đó đã bắt đầu...
.....
Ôi ghê sợ cả một trời phẫn nộ "
( Ðồng lầy- 1972)
Ba mươi năm trước đây , nhà thơ Nguyễn chí Thiện đã tiên đoán đến ngày nổi dậy của nhân dân Việt Nam mà những biến động gần đây cho thấy là ngày ấy sắp đến. Nhà văn , nhà thơ bao giờ cũng là một con chim báo bão. Họ có khả năng đó vì trời sinh họ có một khả năng trực giác, mẫn cảm khác thường, hồn thiêng sông núi như tụ vào họ để rồi họ có những dự phóng cho tương lai đất nước bằng lời văn tiếng thơ. Nguyễn chí Thiện là một nhà thơ loại đó.

Người Việt Nam thường tin cái tên của một người là một định mệnh , nó vận vào người đó mà ảnh hưởng suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Tên của tác giả " Hoa địa ngục " là Chí Thiện ( có nghĩa là tận cùng của điều thiện) . Phải chăng trời đất sinh ông ra là đã muốn giao cho ông trách nhiệm và sứ mạng chống lại cái ác ( Ai cũng đồng ý là Cộng sản tượng trưng cho cái ác, phải nói là Cực ác mới đúng ). Ðúng là " Chí thiện " đã chống với " Cực ác" bằng cả cuộc đời tù tội của mình và những tình hình sôi động gần đây đã cho thấy " Chí thiện " đang trên đà thắng lợi.

Cho đến giờ này Nguyễn chí Thiện gần như hoàn thành được sứ mạng của mình là đánh đổ cho được cái ác bằng những vần thơ bất hủ của ông. Tập thơ " Hoa địa ngục" là một tiếng thét phẫn nộ làm chấn động cả một dân tộc Việt Nam, có tác động làm cho mọi người đều tập hợp lại , rán công rán sức, tìm phương tính kế để đập vỡ đầu con rắn hồng vốn vẫn còn phun nọc độc làm cho quê hương điêu linh và giống nòi suy kiệt, tàn lụi. Gông cùm sẽ cởi bỏ khi con rắn hồng độc hại này bị đánh phọt óc. Nhân quyền, dân chủ sẽ đến khi con rắn hồng này yên giấc ngàn thu.

Từ lúc còn trong nước, Nguyễn chí Thiện đã tuyên bố là ông sẽ sống lâu hơn Ðảng Cộng sản Việt Nam. Những tình thế rối ren hiện nay đang đến với Ðảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy Ðảng sẽ sụp đổ trong một ngày rất gần và Nguyễn chí Thiện sẽ hoàn thành nguyện ước của ông cũng như hàng triệu đồng bào của ông là nhìn thấy ngày con rắn hồng độc hại bị đánh toang đầu và tan rã trong sự nhục nhã trước sự đứng dậy của toàn dân đòi tự do, đòi quyền làm người và quyền tự chủ cho đất nước Việt Nam mến yêu.

Một ngày mai tươi sáng nhất định phải đến với quê hương Việt Nam. Chí Thiện dứt khoát trước sau gì cũng phải thắng Cực Ác (Cộng sản ), và tập thơ " Hoa địa ngục ", với hoàn cảnh lịch sử ra đời khá độc đáo, cũng như với những vần thơ bất hủ có tính nghệ thuật cao, chắc chắn tập thơ sẽ còn được truyền tụng và tồn tại mãi mãi đến muôn đời .

Lawndale, một đêm hiu quạnh đầu mùa thu tháng 9 năm 2002
Trần viết Ðại Hưng

1) Vũ thư Hiên chỉ nhớ mài mại, đúng là đây là bài thơ " Xưa Lý Bạch" có nội dung như sau:

Xưa Lý Bạch ngửng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ quê hương
Nay tôi ngẩng đầu nhìn nhện giăng bụi bám
Cúi đầu giết rệp nhặt cơm vương
Lý Bạch rượu say gác lên bụng vua Ðường
Tôi đói lả gác lên cùm rỉ xám
Lý Bạch sống đời độc tôn u ám
Phong kiến bạo tàn chưa có tự do
Tôi sống đời Cộng sản ấm no
Hạnh phúc tự do, thiên đường mặt đất
Rủi Lý Bạch, mà may tôi thật !
( 1967)
 
(2) Ðúng ra, Nguyễn chí Thiện đến Mỹ vào tháng 11-1995.
(3) Nguyễn chí Thiện đến Mỹ 1995 chứ không phải ra đi trong khoảng 1993-1994 như Lm Lý đoán.
(4) Phụ lục

Phụ lục chữ viết:
 
Hosted by www.Geocities.ws

1