TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


 ÐÃ ÐẾN LÚC
MỸ NÊN RÚT QUÂN KHỎI IRAQ

Biến cố 11 tháng 9 năm 2001 do bọn khủng bố gây ra đã gây kinh hoàng cho dân chúng Mỹ. 19 tên không tặc đã cướp 4 chiếc phi cơ trong đó có 2 chiếc lao vào 2 tòa nhà thương mại ở New York, một chiếc vào Ngũ giác đài và một chiếc phi cơ nổ ở trên không phận tiểu bang Pensylvania đã gây thương vong cho khoảng trên dưới 3000 người Mỹ. 19 tên không tặc này đã do tên trùm khủng bố tổ chức Al – Qaeda là Bin Laden và tên giáo chủ Omar của phe Taliban điều động tiến hành cuộc khủng bố. Cả hai tên này đều là cấp lãnh đạo A phú hãn ( Afganistan) lúc bấy giờ. Mỹ phải truy đuổi 2 tên này bằng cách mở ra cuộc tấn công tại A phú hãn. Ðó là một cuộc tấn công quân sự hợp tình hợp lý và đã lật đổ được chế độ cầm quyền của hai tên này tại A phú hãn. Nhưng sau đó Mỹ lại tiến quân vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein với lý do là Iarq có thủ đắc vũ khí có sức hủy diệt lớn. Thời gian đã cho thấy Iraq không có vũ khí có sức hủy diệt lớn và như thế là Mỹ không có chính nghĩa khi xâm lăng Iraq. Sau trên 2 năm rưỡi đóng quân trên đất Iraq, quân đội Mỹ đang ở trong trạng thái sa lầy và tiến thoái lưỡng nan. Ðã có nhiều tiếng nói lương tri kêu gọi Mỹ rút quân ra khỏi Iraq với những lý do đầy thuyết phục. Những tiếng nói này không phải là từ bọn phản chiến, thiên tả mà từ những nhân vật có uy tín trong chính trường và báo chí Mỹ. 

Ðầu tiên là Thượng nghị sĩ Cộng Hòa ( tiểu bang Nebraska) Chuck Hagel, ông có thể là ứng viên tổng thống cho mùa bầu cử 2008 sắp tới. Ông Chuck Hagel cho rằng cuộc chiến ở Iraq đã làm cho vùng Trung Ðông bất ổn và cuộc chiến này có nhiều điểm giống cuộc tranh chấp Việt Nam từ một thế hệ trước đây.

Ông Chuck Hagel từng phục vụ trong quân đội Mỹ ở Việt Nam và đã nhận 2 huy chương Trái tim tím ( Purple Hearts) cùng nhiều bằng danh dự khác trong thời gian ông phục vụ ở Việt Nam. Ông nghĩ là Mỹ nên phát triển một chiến thuật để rời Iraq. Ông chế diễu cái ý tưởng cho rằng quân đội Mỹ sẽ ở lại Iraq thêm 4 năm nữa kể từ hôm nay với mức độ quân số trên 100000 người ! Ông cho rằng Mỹ phải bắt đầu nghĩ cách làm thế nào để rút quân ra khỏi đó. Nhưng phải hiểu rằng Mỹ không thể để lại một khoảng trống và chuyện này làm cho vùng Trung Ðông thêm bất ổn. Và Mỹ càng ở lâu hơn thì sự bất ổn thêm nữa sẽ xảy ra. Ông Hagel cho rằng ý tưởng " duy trì tình trạng hiện tại ‘ không phải là một chính sách. Ông cho rằng nếu được đánh giá dưới bất cứ tiêu chuẩn nào, khi chúng ta phân tích về những sự việc đã làm trong hơn 2 năm rưỡi ở Iraq, chúng ta đã không thắng.

Tổng thống Bush đang chuẩn bị những bài diễn văn riêng biệt để tái khẳng định kế hoạch của ông giúp Iraq huấn luyện lực lượng an ninh trong khi những nhà lãnh đạo Iraq xây dựng một chính phủ dân chủ. Ông Bush cho rằng cuộc chiến đấu ở Iraq đã góp phần bảo vệ người Mỹ ở nhà. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy quần chúng ngày càng nghi ngờ phương cách giải quyết chiến tranh của ông Bush. Những thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác ủng hộ quân Mỹ ở lại iraq cho đến khi sứ mệnh được ông Bush đề ra được hoàn thành, nhưng họ cũng ghi nhận dư luận quần chúng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cuộc chiến và cần được trấn an.

Ông Hagel trước đây cổ võ chuyện gửi quân Mỹ đến Iraq 2 hay 3 lần quân số nhiều hơn khi cuộc chiến xảy ra vào tháng 3 năm 2003, giờ đây nhìn nhận rằng một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ không phải là giải pháp cho ngày hôm nay. Ông cho rằng Mỹ đã qua gia đoạn đó hiện nay và giờ đây chúng ta đang rơi vào tình trạng sa lầy không phải không tương tự như ở Việt Nam trước đây. Chúng ta càng ở lâu, chúng ta càng phải đối phó với nhiều vấn đề. Ông cho rằng Tòa Bạch ốc cũng như vài bạn đồng nghiệp của ông vẫn chưa hiểu đó là có chuyện " vỡ đê" trong chính sách này. Chúng ta càng ở lâu, tình trạng càng giống ở Việt Nam.

Tướng Peter Schoomaker của Lục quân cho rằng nếu Lục quân cứ tìm cách giữ mức độ quân số Mỹ hiện nay – hơn 100000 người- thêm 4 năm nữa như một phần của những sự chuẩn bị đối phó những tình huống tệ hại nhất. Ông Hagel phản đối nhận định này và nói thêm, " Nó sẽ làm cho chúng ta sa lầy, nó sẽ làm cho vùng Trung Ðông thêm phần bất ổn, nó sẽ làm cho Iran có thêm ảnh hưởng, nó sẽ làm cho Do Thái bị tổn thất , nó sẽ làm cho những đồng minh của chúng ta ở Saudi Arabia và Jordan vào một vị thế thê thảm. Không thể ở thêm 4 năm được.. Chúng ta phải rút quân ra." 

Người thứ hai lên tiếng kêu gọi Mỹ rút quân ra khỏi Iraq là cựu ký giả của đài CBS Walter Cronkite. Ngay từ năm 1968 ông đưa ra lời kết luận là Mỹ không thể chiến thắng ở Việt Nam và nhận định này đã rõ ràng ảnh hưởng đến dư luận quần chúng. Ngày nay ông cho biết là ông sẽ nói điều tương tự đối với cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.

Ông có một niềm tin là Mỹ nên rút ra khỏi Iraq ngay bây giờ. Năm nay ông Cronkite được 89 tuổi, đã từng được biết đến như " người được tin tưởng nhất ở Mỹ " . Ông phụ trách chương trình đọc tin buổi chiều của đài CBS trong gần 1 phần 4 thế kỷ. Ông vẫn còn là nhân viên của đài CBS, dù ông chỉ còn làm việc rất ít.

Ông Cronkite cho biết là những giây phút đáng tự hào nhất của ông đến từ đoạn cuối đoạn phim tài liệu năm 1968 do ông làm trong một cuộc viếng thăm Việt Nam hồi tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Cấp trên của ông thúc dục ông là hãy tạm bỏ qua nhận xét chủ quan và hãy đưa ra cái nhìn trung thực của ông về tình hình hiện tại. Cronkite nói rằng cuộc chiến không thể nào thắng được và Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam.

Tổng thống thời bấy giờ là Lyndon Johnson nghe nói có tâm sự với một nhân viên phụ tá trong tòa Bạch Ốc rằng, " Nếu tôi mất Cronkite, coi như tôi mất giới trung lưu Hoa kỳ ." 

Ông Cronkite chọn thời điểm tốt nhất để đưa ra lời nhận định tương tự là sau trận bão Katrina. Ông nói, " Chúng ta có một cơ hội để nói với thế giới và nhân dân Iraq là sau thảm nạn lụt lội Katrina, trời đất đã không đối xử tốt đẹp với chúng ta và chúng ta nhận thấy mình thiếu tiền để giúp những người nghèo thoát ra khỏi cảnh vô gia cư và tái xây dựng lại một số những thành phố quan trọng nhất ở Hoa Kỳ. Do đó chúng ta phải mang quân về."

Người Iraq phải được nói cho biết là Mỹ yêu thương họ và Mỹ sẽ làm bất cứ những gì có thể làm được để tái xây dựng quốc gia của Iraq.

Ông cho là Mỹ có thể nghỉ với danh dự. Thật ra ông nghĩ dù sao đi nữa thì Mỹ cũng có thể nghỉ với sự danh dự.

Ông Cronkite đã có phát biểu chống lại cuộc chiến ở Iraq trong quá khứ, ông nói từ năm 2004 rằng người Mỹ không an toàn thêm chút nào vì cuộc xâm lăng Iraq. Người xướng ngôn viên kỳ cựu và uy tín này của Mỹ đã có cái nhìn sáng suốt trong chuyện kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Iraq. Vấn đề là liệu chính phủ Bush có nghe lời khuyên quí báu từ người phóng viên tuổi tác trung thực này hay không?

Người thứ ba lên tiếng yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi Iraq là ông Dân biểu John Murtha ( D- Pa). Ông là một cựu chiến binh có nhiều huy chương từ cuộc chiến Việt Nam. Ông cho rằng có nhiều quân nhân sa ngã và được trang bị kém cỏi , sau hơn 2 năm rưỡi chiến tranh, đã làm cản trở sự tiến bộ của Iraq trên đường đi tới sự ổn định và tự quản.

Ông nói trong khi mắt đẫm lệ, " Quân đội của chúng ta đã trở thành mục tiêu chính của quân nổi dậy. Những quân nổi dậy Hồi giáo đã đoàn kết với nhau chống lại lực lượng Mỹ, và chúng ta đã trở thành một chất xúc tác cho sự bạo lực. Bây giờ là lúc phải mang quân Mỹ về." 

Lời lên tiếng của ông Murtha đã bị phía tòa Bạch Ốc chỉ trích đã làm cho vấn đề chiến tranh Iraq vốn tương đối trầm lặng trong những tháng gần đây, bây giờ lại được hâm nóng bằng những cuộc bàn thảo trong quốc hội.

Một đôi khi những phía lãnh đạo đảng Cộng Hòa đã dùng những lời chua cay để tố cáo phe Dân Chủ đứng cùng phe với bọn khủng bố. Phe Dân Chủ trả đũa cho rằng Tổng Thống Bush đánh lừa nước Mỹ khi phát động cuộc chiến ở Iraq mà ông không có một chiến lược để chấm dứt. Lời qua tiếng lại giữa hai đảng ngày càng chua cay, độc địa trong khi những cuộc thăm dò dư luận Mỹ đang ngày càng nôn nóng muốn người Iraq sẽ kiểm soát tình hình để quân Mỹ có thể rút quân về nhà.

Phát ngôn viên Hạ viện Dennis Hastert tuyên bố, " Ông Murtha và những lãnh tụ Dân chủ đã theo đuổi một chính sách " cắt và chạy " ( cut and run). Họ muốn Mỹ đầu hàng bọn khủng bố vốn sát hại những công dân Mỹ vô tội. Hơn nữa họ càng làm cho vết thương nhức nhối thêm là họ nói chuyện này trong khi tổng thống đang công du ở nước ngoài." 

Một vài tá dân biểu Hạ viện kêu gọi rút quân ra khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Nhưng phần lớn thuộc nhóm cấp tiến đã bỏ phiếu chống chiến tranh, và họ đã tạo ra được một sự chú ý khiêm tốn nào đó. Ông Murtha là một cựu chiến binh đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq trước đây và có những sự liên hệ mật thiết với quân đội.

Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thúc ép chính phủ Bush phải đưa ra những bước cụ thể trong chuyện rút quân, đề ra năm 2006 " là một thời gian để chuyển giao chủ quyền cho Iraq một cách rõ rệt " . Nhưng Thượng viện bác bỏ một đề nghị của phe Dân Chủ đòi hỏi chính phủ Bush phải đưa ra ngày rút cụ thể nếu những điều kiện cho phép.

Tổng thống Bush lúc ấy đang công du Ðại Hàn, đã nói với các phóng viên rằng ông đồng ý với Phó tổng thống Cheney cho rằng những chính trị gia nào phê phán chính phủ trong chuyện thu thập tin tức tình báo trước chiến tranh là những người có hành động " không thành thật và đáng khiển trách ." Bush nói thêm, " Tôi dự đoán là có sự phê phán. Nhưng khi phe Dân Chủ nói tôi cố tình lừa dối Quốc hội và nhân dân, thì đó là điều vô trách nhiệm. Họ có những tin tức tình báo như tôi có, và họ đã bỏ phiếu – nhiều người trong bọn họ đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định mà tôi đưa ra.. Cho nên tôi đồng ý với những nhận định của phó tổng thống."

Khi bị hỏi là ông nghĩ như thế nào về lời nhận định trên thì ông Murtha trả lời một cách cay đắng mỉa mai như sau, " Tôi "ớn" những loại người đã từng 5 lần đưa lý do này, lý do nọ để khỏi thi hành quân dịch, giờ đây là người gửi quân ra mặt trận, rồi sau này không muốn nghe những lời đề nghị những chuyện cần thiết phải làm. " Ông Murtha nói như thế là muốn chửi xéo ông Cheney vì ông Cheney đã 5 lần viện lý do này nọ để không qua Việt Nam chiến đấu, trong khi ông Bush thì nhờ thế lực của cha là một vị dân cử đưa ông vào học trong trường Không quân của vệ binh quốc gia ( Air National Guardsman) để khỏi qua Việt Nam chiến đấu như những thanh niên trong cùng lứa tuổi quân dịch.

Nhiều dân cử Dân Chủ bàn luận về ý kiến của Tổng Thống Bush, họ cho rằng Quốc Hội không được cho coi những tin tức tình báo trước cuộc chiến mà Tòa Bạch Ốc đã thu thập về tiềm năng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, và những viên chức của chính phủ đã nhấn mạnh với ý cho rằng Saddam Hussein có những thứ vũ khí đó hơn là ông ta không có. 

Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nhận định, " Bush và Cheney đã bắt đầu một cuộc vận động mới về sự sai lạc và lôi kéo bằng mánh khóe. Vì những cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ đã mất tin tưởng vào tổng thống và tin rằng ông sử dụng tin tức tình báo một cách sai lạc trước cuộc chiến, tổng thống và phó tổng thống bỏ ngay luôn cả chuyện làm bộ lãnh đạo đất nước và đã trở lại với luận điệu khi vận động tranh cử. Hai ông đã không tìm thấy những vũ khí có sự hủy diệt lớn . Họ cũng không tìm thấy sự thật luôn. " 

Lãnh tụ đa số ở Hạ viện là Dân biểu Cộng Hòa Tom Delay đã gọi những lời phê phán của ông Murtha là " một trò quảng cáo lòe loẹt có tính toán và hèn nhát. " Ông Murtha trả đũa đích đáng, " Khi tôi ở Việt Nam chiến đấu thì ông Murtha đang đi giết...bọ rệp " . Quả thật là ông Murtha hành nghề trừ mối rệp trong thời gian ông Murtha chiến đấu ở Việt Nam. Ông Dân biểu Tom Delay sau này vì truy tố vì có chuyện bất minh về tiền bạc, ông phải từ chức và chờ ngày ra tòa. 

Ông Murtha có đưa ra một bản thông cáo có nội dung như sau:

" ( Washington D.C) Cuộc chiến ở Iraq không diễn tiến tốt đẹp như đã quảng cáo. Nó là một chính sách sai lầm được bao trùm trong sự ảo tưởng. Quần chúng Mỹ ở phía trước chúng ta. Mỹ và quân đội đồng minh đã làm tất cả những gì có thể làm nhưng bây giờ là lúc phải thay đổi chiều hướng. Quân đội chúng ta đang bị tổn thất. Tương lai của quốc gia chúng ta đang lâm nguy. Chúng ta không thể tiếp tục chính sách hiện tại được. Bằng chứng cho thấy là hoạt động quân sự tiếp tục ở Iraq sẽ không mang lại quyền lợi cho nước Mỹ, nhân dân Iraq hay cho vùng Vịnh.

Tướng Casey nói trong một cuộc điều trần năm 2005, " Sự nhận thức về cuộc chiếm đóng Iraq là một lực chính yếu đứng đằng sau cuộc nổi dậy.". Tướng Abizaid nói trong cùng ngày, " Thu nhỏ kích thước và tầm nhìn của những lực lượng đồng minh ở Iraq là một phần trong chiến thuật đánh lại quân nổi dậy." 

Trong vòng 2 năm rưỡi qua, tôi đã quan tâm nhiều đến chính sách của Mỹ và kế hoạch ở Iraq. Tôi đã bày tỏ sự quan tâm lo lắng của tôi với chính phủ đương thời và với Ngũ giác đài và cũng đã công khai nói lên sự ưu tư của tôi. Lý do để tiến hành cuộc chiến tranh coi như vô giá trị. Một vài ngày trước khi nổ ra cuộc chiến, tôi có mặt ở Kuwait, quân đội vẽ ra một đường màu đỏ chung quanh thủ đô Bangdad và nói rằng khi nào quân đội Mỹ vượt qua đường ranh đỏ ấy, họ sẽ bị người Iraq tấn công với vũ khí có sức tàn phá lớn – nhưng quân đội Mỹ nói là họ đã chuẩn bị. Họ đã có những lực lượng được huấn luyện tốt được trang bị bởi những dụng cụ bảo vệ thích hợp.

Chúng ta xài tiền cho Tình báo nhiều hơn tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại, và tiền xài cho Tình báo còn nhiều hơn Tổng sản lượng quốc gia của nhiều quốc gia ( GDP). Nhưng tin tức tình báo về Iraq sai lạc. Ðây không phải là sự thất bại của thế giới tình báo. Ðây là sự thất bại của tình báo Mỹ và cái cách mà tình báo bị lạm dụng dùng sai.

Tôi đã từng thăm viếng những thương bệnh binh ở bệnh viện Bethesda và Walter Reed hầu như mỗi tuần kể từ ngày đầu cuộc chiến. Và những gì làm họ suy sụp là họ đi vào trận chiến với quân số và dụng cụ không đủ để làm sự chuyển tiếp sang hòa bình; sự tàn phá kinh khủng của bom mìn; họ bị gửi đi Iraq trong khi nhà của họ bị bão lụt tàn phá; họ phải ra mặt trận lần thứ hai hay thứ ba, để lại gia đình phía sau mà không có một mạng lưới nào hỗ trợ giúp đỡ.

Sự đe dọa bởi khủng bố là điều có thực, nhưng chúng ta còn có những đe dọa khác không thể bỏ qua. Chúng ta phải chuẩn bị để đối diện với tất cả những sự đe dọa. Tương lai quân đội của chúng ta bị nguy hiểm. Quân đội và gia đình của họ bị căng mỏng ra. Nhiều người nói Lục quân ( army) bị vỡ toang. Một số quân nhân phải lên đường ra mặt trận lần thứ ba. Sự tuyển mộ trên đường đi xuống dù tiêu chuẩn được hạ thấp. Ngân sách quốc phòng bị cắt. Chi phí nhân viên leo thang tột độ, nhất là vấn đề y tế. Những lựa chọn sẽ phải làm. Chúng ta không thể để những lời hứa mà chúng ta dành cho những gia đình quân nhân về vấn đề quyền lợi nhiệm vụ, y tế, bị mặc cả đến độ bỏ đi. Những chương trình kiến thiết vốn bảo đảm cho sự ưu thế quân sự của chúng ta không thể bị điều đình dẫn tới chuyện hủy bỏ.. Chúng ta phải chuẩn bị. Cuộc chiến ở Iraq đã gây ra sự thiếu hụt trầm trọng tại những căn cứ của chúng ta ở Mỹ. 

Phần lớn những dụng cụ dưới đất của chúng ta bị mòn và cần phải hoặc là phải trùng tu hoặc thay thế. George Washington nói, " Chuẩn bị cho chiến tranh là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để gìn giữ hòa bình " ( To be prepared for war is one of the most effective means of preserving peace). Chúng ta phải tái xây dựng lại Lục quân của chúng ta. Sự thâm thủng ngân sách đi tới độ không kiểm soát nổi. Viên giám đốc của văn phòng Ngân Sách Quốc Hội mới đây thú nhận rằng ông " kinh hãi " về chuyện ngân sách thâm thủng trong những thập niên sắp tới. Ðây là cuộc chiến tranh kéo dài mà chúng ta phải chiến đấu với 3 năm cắt giảm thuế, hoàn toàn không có sự huy động của nền kỹ nghệ Mỹ và không có chuyện cưỡng bách quân dịch. Gánh nặng của cuộc chiến tranh này không được chia sẻ một cách công bằng; quân đội và gia đình của họ đã chung vai gánh cái gánh nặng này.

Quân đội chúng ta đã chiến đấu ở Iraq trong hơn 2 năm rưỡi qua. Quân đội của chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Quân đội của chúng ta đã bắt được Saddam Hussein, và bắt hay giết những người phụ tá thân cận nhất của ông ta. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục tăng cường độ. Sự chết chóc và thương tật tiếp tục gia tăng, với hơn 2079 lính bị tử thương đã được xác nhận. Hơn 15500 bị thương nặng và ước lượng có chừng trên 50000 bị đau đớn, bầm dập từ những mệt mỏi của trận đánh. Có những tường trình cho biết có ít nhất 30000 thường dânIraq bị tử thương.

Tôi vừa mới đi thăm tỉnh Anbar của Iraq để thẩm định tình hình tại chỗ. Vào tháng 5 năm 2005 vừa rồi, trong một phần của dự luật Phụ Cấp khẩn cấp cho sự chi tiêu, Hạ Viện cho thêm vào tu chính án Moran, vốn được chấp nhận trong Hội nghị, và trong đó đòi hỏi bộ trưởng quốc phòng phải nộp bản tường trình một năm bốn lần để đo lường chính xác sự ổn định và an ninh ở Iraq. Cho tới nay chúng tôi đã nhận được 2 bản tường trình. Tôi lấy làm bực mình bởi những công bố trong những lãnh vực chỉ thị chủ yếu. Mức sản xuất dầu và năng lượng còn thấp hơn trước chiến tranh. Những nỗ lực tái xây dựng bị què quặt, lụn bại bởi tình hình an ninh. Chỉ có 9 tỷ trong số 18 tỷ trong quỹ dành cho xây dựng được chi dùng. Mức độ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 60 phần trăm. Nước sạch khan hiếm. Chỉ có 500 triệu trong số 2.2 tỷ dành cho những dự án nước được tiêu dùng. Và quan trọng nhất là, những hoạt động nổi dậy đã tăng từ 150 vụ mỗi tuần lên tới trên 700 vụ năm ngoái. Thay vì những vụ tấn công giảm dần theo thời gian và với sự tăng cường quân số, chúng lại gia tăng một cách thảm khốc. Từ khi những vụ tra tấn và làm nhục tù nhân ở trại tù Abu Ghraib được tiết lộ ra, số thương vong của người Mỹ tăng gấp đôi. Một bản tường trình của bộ ngoại giao năm 2004 cho thấy có chuyện khủng bố toàn cầu tăng trưởng rõ rệt.

Tôi đã nói một năm trước đây, và giờ đây quân đội và chính phủ đều đồng ý, đó là Iraq không thể chiến thắng bằng " quân sự ". Tôi đã nói hai năm trước đây là chìa khóa cho sự tiến bộ ở Iraq là phải " Iraq hóa", " Quốc tế hóa " và " Năng lượng hóa". Cho tới ngày nay tôi vẫn tin như vậy. Nhưng tôi kết luận rằng sự có mặt của quân đội Mỹ đang làm trở ngại cho sự tiến bộ này.

Quân lính của chúng ta đã trở thành mục tiêu hàng đầu của quân nổi dậy. Họ đang đoàn kết lại với nhau để chống lại lực lượng Mỹ và chúng ta trở thành chất xúc tác cho sự bạo động. Quân đội Mỹ là kẻ thù thông thường của phe Sunnis, phe thân Saddam và những kẻ thánh chiến Hồi giáo Jihad. Tôi tin rằng với sự tái phối trí của quân đội Mỹ, lực lượng an ninh Iraq sẽ được khuyến khích để thiết lập sự kiểm soát. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy trên 80% người Iraq mạnh mẽ chống đối sự hiện điện của lực lượng đồng minh, và chừng 45% dân số Iraq tin chuyện tấn công quân Mỹ là đúng. Tôi tin chúng ta cần trao trả Iraq lại cho người dân Iraq. 

Tôi tin rằng trước những cuộc bầu cử Iraq dự tính sẽ tổ chức vào giữa tháng 12, nhân dân Iraq và chính phủ mới thành lập sẽ được thông báo là Mỹ sẽ tái phối trí ngay lập tức. Tất cả người Iraq phải biết rằng Iraq đã được tự do. Tự do khỏi sự chiếm đóng của Mỹ. Tôi tin rằng điều này sẽ gửi đến một tín hiệu đến phe Sunnis nên tham gia vào tiến trình chính trị cho sự tốt lành của một nước Iraq " tự do".

Kế hoạch của tôi kêu gọi:

Lập tức tái phối trí quân đội Mỹ phù hợp với sự an toàn trong quân đội Mỹ

Thành lập một lực lượng phản ứng nhanh chóng trong vùng

Thành lập một sự hiện diện từ-đằng-xa của quân Mỹ

Tìm kiếm sự an ninh và yên ổn bằng hình thức ngoại giao

Cuộc chiến này cần được cá nhân hóa. Như tôi nói trước đây tôi đã từng thăm viếng những thương bệnh binh trầm trọng của cuộc chiến này. Họ đang bị đau đớn.

Bởi vì Quốc Hội chúng ta mang trách nhiệm gửi thanh niên và thiếu nữ ra mặt trận, cho nên chúng ta có trách nhiệm và bổn phận phải lên tiếng cho họ. Ðó là lý do tại sao tôi lên tiếng.

Quân đội chúng ta đã làm mọi thứ mà họ được yêu cầu làm, Mỹ không thanøh đạt thêm được gì ở Iraq về mặt quân sự. ÐÂY LÀ LÚC MANG HỌ VỀ NHÀ."

Ông Murtha có nói thêm trong cuộc phỏng vấn của chương trình 60 minutes của Ðài CBS như sau, " Tôi nghĩ rằng một phần lớn quân đội sẽ được rút ra khỏi Iraq vào cuối năm nay. Và tôi còn hy vọng sẽ sớm hơn thế nữa."

Ðược hỏi là làm sao mà làm được như thế, ông Murtha nói lý do là ngày càng có thêm áp lực từ những cử tri trong mùa bầu cử năm nay sẽ bắt buộc Quốc Hội thông qua kế hoạch rút quân hay một kế hoạch tương tự để rút quân về. Ông tiên đoán là sẽ có sự thay đổi. Murtha nói lý do thâm sâu mà Tổng thống Bush phải rút quân là phe Cộng hòa sẽ nói với ông Bush là, " Ông không muốn một quốc hội Dân Chủ. Ông muốn phe Cộng Hòa chiếm đa số . Và cái cách duy nhất ông có thể làm là giảm bớt số quân đóng ở Iraq một cách cụ thể." Tuy nhiên Tổng thống Bush vẫn nói cứng, " Tất cả những quyết định của tôi căn cứ trên những điều kiện trên mặt trận, chứ không phải thời hạn máy móc được đưa ra bởi những chính trị gia ở Washington." 

Nhưng nếu những điều kiện trên mặt trận là nhiều người dân Iraq muốn sự xâm chiếm của Mỹ chấm dứt, phe nổi dậy giết hay gây thương tật cho những quân Mỹ , những điều này sẽ thuyết phục quốc hội là bây giờ là lúc rút quân Mỹ ra khỏi Iraq. Những binh sĩ Mỹ đóng tại Iraq tâm sự với ông Murtha là ban ngày dân Iraq vẫy tay chào mừng Mỹ, nhưng tối đến họ ném lựu đạn. 93% những quân nổi dậy là người Iraq. Một số nhỏ là những tay súng ngoại quốc. Người Iraq biết rõ bọn này. Khi chúng ta rút quân ra, dân Iraq sẽ loại trừ bọn này.

Tòa Bạch Ốc không tin người dân Iraq sẽ loại trừ những tay súng đến từ bên ngoài, nhưng ông Murtha nói quân đội Mỹ đang mắc kẹt giữa cuộc nội chiến ở Iraq, chứ không phải là cuộc chiến chống khủng bố như Tòa Bạch Ốc vẫn thường nói đến.

Tổng thống Bush vẫn khẳng định , " ø Bọn khủng bố coi Iraq là mặt trận chính trong cuộc chiến chống lại nhân loại. Nếu bọn chúng không bị chận đứng, bọn khủng bố sẽ tiếp tục chương trình hành động bằng cách phát triển những vũ khí có sức hủy diệt lớn để tiêu diệt Do Thái, hăm dọa Âu châu, và đánh gục ý chí và bắt bí chính phủ của chúng ta bằng sự cô lập. Tôi xin cam đoan một điều này. Là chuyện trên không thể xảy ra trong lúc tôi theo dõi."

Ông Murtha đã bình luận lời nói trên của Tổng thống Bush như sau, " Ông ta luôn đánh trận chiến này với những lời lẽ hùng biện hào nhoáng.Iraq không phải là trung tâm khủng bố . Cho nên khi ông ấy nói chúng ta đánh khủng bố ở đó, chúng ta kích động khủng bố nơi đó. Chúng ta khuyến khích bạo lực. Chúng ta làm cho vùng này bất ổn vì chúng ta là những mục tiêu. Ông ấy nói trước đây là Iraq chứa vũ khí có sức hủy diệt lớn. Ông ấy nói có Iraq có sự liên kết với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Có nhiều điều ông nói sau này cho thấy không có thực. Cho nên tại sao tôi lại phải tin ông khi ông đưa ra lời nhận định trên. " 

Sáng chủ nhật ( Ngày 5 tháng 3 năm 2006) trong chương trình " Face the nation" ( Ðối diện với quốc gia) của đài CBS, ông Murtha đã nói thêm như sau, " Những người duy nhất muốn chúng ta ở lại Iraq là Iran và bọn khủng bố Al –Qaeda. Tôi có nói chuyện với một viên chức cap cấp quân sự ngày hôm kia và ông cho biết rằng Trung Cộng cũng muốn chúng ta ở đó luôn. Tại sao thế? Vì chúng ta sẽ hao mòn sức lực, sức lực quân lính và sức lực tài chính. Cuộc chiến đánh khủng bố hiện nay có phạm vi toàn cầu. Ở Iraq, đó là một cuộc nội chiến. Một trong những vấn đề làm tôi bực mình là ông đại sứ của chúng ta cứ đưa ra lời khuyên răn này nọ. Mỗi lần chúng ta khuyến cáo người Iraq nên bầu cho nhân vật này thì họ lại bầu cho nhân vật khác. Họ không chú ý đến lời khuyên của chúng ta. Vai trò của Mỹ trong việc đánh khủng bố toàn cầu đã bị phá vỡ. Sự xung đột giữa hai hệ phái Sunni và Shiite là một sự tranh chấp nội chiến và cần được dàn xếp nội bộ. Iraq sẽ làm tốt công việc chống khủng bố khi quân đội Mỹ rời đi. Tôi tin rằng họ biết bọn khủng bố ở đâu. Họ không nói cho chúng ta biết vì họ chống chúng ta. Chúng ta đã đánh mất lòng tin và cảm tình của dân Iraq."

Tướng tham mưu trưởng Pater Pace trong chương trình " Meet the press" ( Gặp gỡ báo chí ) của đài NBC cuộc chiến ở Iraq đang tiến hành tốt. Nhưng ông Murtha nghi ngờ về điều này, Ông nói,"

" Tại sao tôi phải tin ông ta. Chính phủ này, bao gồm luôn cả tổng thống, đã đánh giá sai cuộc chiến này trong vòng 2 năm qua.. Cho nên liệu tôi có thể tin được lời của ông tướng tham mưu trưởng khi ông cho rằng mọi chuyện đều tốt đẹp ?" 

Trong những ngày tháng này, uy tín ông Bush xuống thấp thảm hại. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ còn chừng 40% dân ủng hộ ông. Sau trận bão Karina với sự tiếp cứu của nhà nước tiểu bang và liên bang quá muộn màng làm tình hình bão lụt thêm rối ren, gây nhiều thương vong cho dân bị lụt, rồi mới đây còn có chuyện Mỹ giao vấn đề điều hành những cảng cho quốc gia Dubai ( một quốc gia có 2 tên khủng bố tham gia vào ngày 11/9) làm phẫn nộ một số vị dân cử trong quốc hội. Rồi đến chuyện tiết lộ tên vợ của Cựu đại sứ Wilson là một điệp viên CIA để trả thù ông Wilson lên tiếng phê phán Mỹ trong chuyện đánh Iraq đã làm uy tín của chính phủ Bush xuống dốc thê thảm. Ông Bush phải mạnh dạn cải tổ lại guồng máy hành chánh và tiến hành những đường hướng hành động hợp lòng dân thì mới mong lấy lại được uy tín của vị nguyên thủ quốc gia, vốn rất cần thiết trong chuyện điều hành cường quốc số 1 thế giới này.Nếu ông Bush muốn nhận được sự ủng hộ của quốc gia dành cho ông, ông phải bắt đầu nói sự thật. Ðiều đầu tiên ông phải thú nhận là những mục tiêu ông đặt ra cho Iraq sẽ không bao giờ được thực hiện thành tựu. Tổng thống Bush cần nói rõ là quân đội và cảnh sát Iraq phải mất nhiều tháng mới bảo đảm được an ninh quốc gia và máu của người Mỹ sẽ còn phải đổ, nước mắt còn phải rơi trước khi quân Mỹ rút lui trong danh dự. Tình hình ở Iraq ngày càng tệ hại. Chỉ có can đảm chấp nhận những điều nói trên thì Tổng thống Bush mới mong có cơ hội để sửa lại mọi chuyện cho đúng.

Nói chung lời kêu gọi của ba ông Hagel, Cronkite, Murtha là mong muốn quân đội Mỹ rút càng sớm càng tốt ra khỏi Iraq vì không muốn nhìn thấy Mỹ bị sa lầy và số thương vong kéo dài hàng ngày của quân Mỹ ở đó. Cả ba ông đều là những công dân Mỹ sáng suốt, yêu nước. Không thể so sánh ba ông này với cô đào phản chiến Jane Fonda trong thời Mỹ tham chiến ở Việt Nam được. Tục ngữ có câu, " Nó lú có chú nó khôn." . Ông Tổng thống Mỹ Bush có" lú lẫn" đem quân vào đánh Iraq thì có " chú " của ông là Quốc Hội khôn ngoan điều chỉnh , kịp thời bàn chuyện rút quân Mỹ về nước để tránh thương vong cho quân Mỹ và làm cho danh dự của nước Mỹ khỏi bị hoen ố. Khi quốc hội đã có quyết định cuối cùng thì Tổng thống Bush phải nghe theo mà thi hành dù muốn hay không. Ngày xưa Tổng thống Nixon quyết định rút khỏi Việt Nam sau khi lãnh tụ đa số tại thượng viện Mỹ là Thượng nghị sĩ Mansfield vào gặp ông Nixon và yêu cầu ông rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam bởi nước Mỹ không còn chịu đựng nổi vì những cuộc biểu tình phản chiến và tình hình quốc gia rối ren đến độ có thể gây ra hoảng loạn, đổ vỡ (trích từ hồi ký của ông Nixon).Tổng thống Nixon nghe lời, gấp rút ký Hiệp định Paris vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 với Cộng sản Bắc Việt và sau đó rút quân Mỹ về, bỏ mặc bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hòa chết tức tưởi trước sự tấn công của Cộng sản miền Bắc. Nay thì cũng sẽ tới lúc ông Tổng thống Bush phải nghe lời khuyến cáo của quốc hội mà rút quân về. Hy vọng là Mỹ sẽ xây dựng kịp một chính quyền Iraq tự trị đủ sức đối phó với quân khủng bố nổi dậy. Chính quyền Iraq tự trị hy vọng sẽ đứng vững sau khi Mỹ rút quân về và đó là mong ước sâu xa của chính phủ Bush cũng như quốc hội Mỹ.

Ðối với người lãnh đạo của bất cứ quốc gia nào, chiến tranh chỉ nên tiến hành khi đó là chuyện phải làm chứ không nên phát động chiến tranh vì đó là chuyện muốn làm. Mỹ có đầy đủ chính nghĩa khi đưa quân vào đánh bọn khủng bố ở A phú hãn vì bọn này tấn công và sát hại trên dưới 3000 thường dân Mỹ, nhưng Mỹ mất nhiều cảm tình của thế giới khi cất quân xâm lăng Iraq. Một điều tai hại còn để lại tì vết là Mỹ đã bất chấp những nghị quyết của Liên hiệp quốc khi quyết định tấn công Iraq. Mỹ không tôn trọng Liên hiệp quốc thì sau này làm sao Mỹ đòi hỏi những nước khác phải tôn trọng Liên hiệp quốc ? 

Dạo gần đây có xuất hiện một người đàn bà tên Cindy Sheehan. Bà ta dựng lều trước trang trại của Tổng thống Bush ở Texas, yêu cầu được nói chuyện với tổng thống về cuộc chiến tranh ở Iraq. Bà có một con trai chết ở chiến trường Iraq. Sự lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Iraq của bà ngày càng chiếm được sự đồng cảm của nhiều người Mỹ. Trước đây chính phủ Bush đã khéo léo đối phó với báo chí về hành động của chính phủ trong cuộc chiến Iraq, về sự tôn kính tâm trạng đoàn kết của người Mỹ sau ngày 9/11. Giờ đây sự hạn chế kềm giữ đã vỡ toang.

Ở một nước dân chủ như Mỹ, ý dân đích thực là ý trời. Ý của dân Mỹ, thông qua quốc hội, mong muốn một cuộc rút quân Mỹ ở Iraq về nước càng sớm càng tốt ngày càng thôi thúc mãnh liệt hơn và Tổng thống Bush trước sau gì cũng phải thi hành nguyện ước chính đáng đó.

Lawndale, Một ngày u ám lạnh lẽo đầu tháng 3 năm 2006
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: [email protected]

( Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần viết Ðại Hưng xin vào trang www.nsvietnam.com, bấm vào trang Trần viết Ðại Hưng nằm bên trái )

Hosted by www.Geocities.ws

1