TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


CON NGƯỜI HAI MẶT JOHN KERRY

(Cập nhật hóa 08/03/2004)

Ðối với người Mỹ, cuộc chiến Việt Nam đã trôi qua được 29 năm rồi. Nhưng nhìn về mùa bầu cử năm 2004 sắp tới, ứng cử viên đương kim Tổng Thống George W. Bush và ứng viên hàng đầu của Ðảng Dân Chủ hiện nay là John Kerry đã có những vướng mắc và hệ lụy với cuộc chiến tranh này mà cách xử sự của cả hai ứng viên đối với chiến tranh Việt Nam vẫn còn gây ra nhiều chuyện tranh cãi và chắc chắn có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Tổng Thống George W . Bush bị tố cáo là nhờ có cha là một vị dân cử có nhiều quyền thế nên thay vì phải qua Việt Nam để chiến đấu, cậu ấm Bush được ông cha gửi gấm vào lực lượng Vệ Binh quốc gia để khỏi phải qua Việt Nam. Ngoài ra ông Bush còn bị chỉ trích là đã đào nhiệm trong thời gian phục vụ trong lực lượng Vệ Binh phòng không quốc gia ( Air National guard), nơi ông là một phi công. Tổng Thống Bush đã cho công bố những giấy tờ quân sự để chứng tỏ ông không đào ngũ nhưng những giấy tờ được công bố vẫn chưa đủ để thuyết phục giới báo chí và quần chúng về nhiệm vụ công dân của ông trong thời chiến. Riêng Thượng nghị sĩ John Kerry thì lại khác, ông đã qua Việt Nam chiến đấu và được đánh giá là một anh hùng, được gắn nhiều huy chương vì thành tích quân sự nhưng khi về nước, ông lại là người tham gia các hoạt động phản chiến một cách nhiệt tình để chống lại chuyện Mỹ gửi quân đi chiến đấu ở Việt Nam. Ðiều này làm cho các cựu chiến binh bất mãn, cho là ông Kerry có những hành động đâm sau lưng chiến sĩ và làm tổn thương nguy hại đến những chiến binh đang chiến đấu ở Việt Nam hồi ấy. Nhưng lại có cựu chiến binh cho rằng hành động phản chiến của ông Kerry đã giúp vào chuyện chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam và tiết kiệm sinh mạng cho nhiều quân nhân Mỹ và do đó ủng hộ ông Kerry trong chuyện tranh cử tổng thống Mỹ. Thế John Kerry là một người như thế nào ? Là anh hùng hay kẻ phản bội nước Mỹ ? Chúng ta cần xem xét kỹ những hành động và lời phát biểu của ông về cuộc chiến Việt Nam để có thể có những nhận xét đúng về con người hai mặt này.

Một số cựu chiến binh Mỹ vẫn còn xúc động khi đến Ðài Tưởng Niệm thăm lại tên những chiến sĩ Mỹ bạn đã ngã gục trong chiến tranh Việt Nam. Họ tức giận khi lên án Thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts John Kerry đã có một thái độ thiếu kính trọng đối với những người chiến sĩ Mỹ đã chiến đấu và chết tại Việt Nam. Họ cho rằng những chiến sĩ tốt chỉ làm xong nhiệm vụ và sau đó là câm miệng, chứ không chiến đấu xong rồi lại về nhà phê phán sứ mệnh của quốc gia trong khi những người khác đang chiến đấu. Ðó là điều mà John Kerry đã làm . Có cựu chiến binh khác thì lại cho John Kerry trở về nhà từ chiến trường để lên án mạnh mẽ một cuộc chiến tranh mà ông cho là phi nghĩa. Không ai có thể bắt lỗi ông ta về điều này. Gần ba thập niên đã trôi qua sau khi Mỹ chấm dứt sự dính líu ở Việt Nam nhưng cuộc chiến Việt Nam vẫn còn đóng vai trò then chốt, có thể nói là gây nhiều sự khó chịu, trong cuộc đua tổng thống sắp tới.

Trong suốt nghề nghiệp chính trị của ông, vị Thượng nghị sĩ 4 nhiệm kỳ Kerry đã dựa nhiều vào kinh nghiệm của ông ở Việt Nam. Ông thường nói về chuyện ông đã ba lần bị thương và những bài học quý giá ông thâu hái được trong thời gian làm xạ thủï một tàu tuần tiểu trên sông. Trong thời gian tranh cử, ông hầu như nhắc đến cuộc chiến trong những bài diễn văn. Ông thường được vỗ tay hoan hô vì những huy chương ông được gắn ở Việt Nam, trong đó có một huy chương sao đồng ( The Bronze star), một huy chương sao bạc ( silver star), và ba huy chương trái tim tía ( Purple Hearts). Nói chung là những huy chương biểu hiện cho sự can trường dũng cảm của một người lính. Nhưng có một đề tài mà ông ít nói đến là vai trò gây nhiều tranh cãi của ông trong thời chiến tranh Việt Nam, đó là một nhà hoạt động có nhiều hoang tưởng .

Sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ năm 1969, ông đã cầm đầu một đoàn biểu tình xuống đường ở Washington, chỗ ông biểu tình không xa cái Tượng đài kỷ niệm chiến binh Mỹ tại Việt Nam là mấy.

Ông điều trần trước Quốc Hội và tố cáo những đồng đội của ông đã phạm nhiều tội ác chiến tranh man rợ đối với dân lành Việt Nam. Ông cũng cầm đầu một đoàn biểu tình trong đó ông và nhiều cựu chiến binh khác quăng những huy chương chiến tranh vào trước những bậc thềm Quốc Hội.

Ðối với nhiều người, viên Thượng nghị sĩ Kerry 60 tuổi này biểu hiện cho những cảm giác mâu thuẫn, rối rắm của nước Mỹ về Việt Nam. Ông đã chiến đấu anh dũng nhưng rồi lại dẫn đầu những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam chống lại cuộc chiến và đưa ra lời thách thức Quốc Hội, " Làm sao mà các ông có thể đòi hỏi người nào là người cuối cùng chết cho một sai lầm?"

Nhiều cựu chiến binh Mỹ sau này nhận thức rằng họ đồng ý với sự chống đối kiên trì của ông Kerry đối với cuộc xung đột ở Việt Nam đưa đến sự chấm dứt cuộc chiến với cái giá sinh mạng của 58000 người Mỹ. Họ nói lịch sử đã chứng minh là ông Kerry đúng và họ ủng hộ sự tranh cử tổng thống của ông Kerry. Nhiều người khác cho là những hoạt động chống đối của ông Kerry chỉ là phản ảnh của một người có nhiều tham vọng chính trị cố tình khư khư giữ lấy những huy chương của ông và hiện nay được trưng bày tại văn phòng ông ở Washington, dù năm 27 tuổi ông đã ném chúng vào trước cửa Quốc Hội.

Trong thời gian làm thượng nghị sĩ, ông Kerry đã chăm lo hết mực những quyền lợi của cựu chiến binh – như quyền lợi bảo hiểm sức khỏe được tốt hơn và tiền hưu trí. Nhưng một số cựu chiến binh vẫn còn nghĩ xấu về ông về chuyện ông cùng Thượng nghị sĩ John McCain ở Arizona tuyên bố là không còn tù binh chiến tranh ( POW) nào còn sống sót ở Việt Nam. Kết luận này đã dẫn đến sự bình thường hóa ( normalize) quan hệ Mỹ- Việt.

Một số cựu chiến binh lại càng bày tỏ sự khó chịu công khai nhiều hơn khi tuần trước báo chí và truyền hình có đưa ra tấm hình ông Kerry chụp chung với cô đào phản chiến Jane Fonda thời bấy giờ tại một cuộc biểu tình chống chiến tranh. Tấm ảnh đã lại tạo ra một cuộc tranh luận – và phô bày nhiều cảm xúc âm ỉ muốn dâng tràn – về Việt Nam. Các cựu chiến binh đã đặt cho cô đào Jane Fonda này cái biệt danh " Hanoi Jane " khi cô tới thăm Bắc Việt Nam trong lúc chiến tranh đang ở mức độ nóng bỏng.

Những sử gia nói rằng những cuộc tranh luận quanh ứng cử viên Kerry cho thấy nước Mỹ vẫn chưa bỏ qua được vấn đề Việt Nam, dù cuộc chiến tranh đã chấm dứt 29 năm rồi. Cuộc chiến dường như vẫn chưa ở sau lưng mà nó vẫn còn đọng lại sâu đậm trong trí óc người Mỹ hôm nay. Người Mỹ vẫn chưa đóng lại những sự cách biệt đã xảy trong xã hội thời ấy. Nó biến thành một cuộc chiến toàn diện, kèm theo một di sản của một thế hệ bên bờ vực thẳm. Và ở giữa cuộc chiến đó có sự hiện diện của John Kerry.

John Kerry trở về Mỹ từ Việt Nam vào tháng 4 năm 1969 với nhiều huy chương chiến tranh – và với một lương tâm đầy bối rối.

Ở Việt Nam, Trung úy hải quân Kerry thi hành công vụ ở những thung lũng dẫy đầy sự phục kích dọc theo con sông Cửu Long nhiều thù địch. Ông bị thương trong chiến đấu và được tưởng thưởng nhiều huy chương. Có lần ông rời tàu nhảy lên bờ để đuổi theo và giết một tên du kích Việt Cộng trước đó đã dùng súng bắn vào đồng đội của Kerry. Lại có chuyện Trung úy Kerry đã trúng đạn vào tay nhưng đã xông vào vùng giao tranh để cứu một người bạn bị thương ngã xuống sông.

Kerry tốt nghiệp Ðại học Yale và là con của viên chức ngoại giao, ông viết nhật ký để ghi nhận những biến chuyển của cuộc chiến mà ông đang tham dự. Những điều ghi nhận này ông không thể công khai chia sẻ với cấp trên hay với bạn bè đồng đội. Cuốn nhật ký của ông cho thấy ông có nhiều ấn tượng không phai của ông về cuộc chiến, nó ngược lại với những tấm huy chương quả cảm và hào quang mà cuộc chiến mang lại cho ông. Trong một lá thư gửi về nhà, Trung úy Kerry đã viết " Ðây là một cuộc chiến khủng khiếp và vô vọng, một vết thương lở lói mà thời gian sẽ không bao giờ làm lành nổi. " Ông mất lòng tin vào cuộc chiến và có những câu chuyện thương đau trong trận chiến sẽ ám ảnh ông suốt cả đời. Ông đã nghi ngại cuộc chiến ngay từ đầu, ông coi ông là người đặt chân vào vườn nhà người khác khi đi lính ở Việt Nam. Ông nói thêm là để giết người thì người ta phải có lòng căm thù mà ông thì lại không có lý do gì để thù ghét người Việt Nam.

Một đêm sau giờ giới nghiêm ở trên sông Mê kông, Kerry và đồng đội phát hiện có một chiếc thuyền tam bản di chuyển trong bóng đêm. Ông ra lệnh bắn cảnh cáo nhưng cả đội quân của ông đã nã đạn tới tấp vào chiếc thuyền này. Khi Kerry lên thuyền, ông thấy chỉ có một bà mẹ và một em bé sống sót. Một em khác nằm chết trên bao lúa. Ông Kerry nói rằng nếu ông nhìn mặt đứa bé chết đó thì khuôn mặt em sẽ ám ảnh ông suốt đời nên ông không dám nhìn. Sau này ông tuyên bố, " Ðiều làm cho tôi chống lại cuộc chiến là cảm nhận mà tôi có được về chuyện cuộc chiến này sai trái đến mức độ nào. Tình trạng sẽ tồi tệ đến đâu nếu chúng ta không thay đổi thực trạng hiện nay. Việt Nam đã dạy cho tôi bài học về trách nhiệm và sự mất mát. Nó tạo cho tôi một ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với đất nước trong cương vị một cựu chiến binh như tôi. Trách nhiệm đó là nói thật về những gì tôi biết. Làm sao mà quý vị có thể bảo một người rằng người đó sẽ là người cuối cùng bỏ mạng ở Việt Nam? Làm sao người ta có thể bảo một người ra đi rồi bỏ mạng vì một sai lầm ? " Sau khi chứng kiến những gì sai trái ở đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc chiến Việt Nam để rồi đưa đến quyết định phản đối chiến tranh nhưng đôi lúc ông Kerry vẫn tin rằng chuyện gây chiến là đúng và chính đáng. Vì vậy mới đây ông đã bỏ phiếu ở Thượng viện ủng hộ cho chuyện Mỹ tiến hành chiến tranh ở Iraq.

Không những ông mất 5 người bạn thân ở Việt Nam, ông còn chứng kiến những biến cố mà ông không thể quên – trong đó có chuyện ông tuyệt vọng đứng nhìn một bạn đồng đội giết một đứa bé vô tội như đã kể trên. Những chuyện này góp phần đưa đến quyết định phản chiến ở của Kerry.

Con người Kerry là con người hai mặt : Bên ngoài ông là một chiến sĩ tốt còn bên trong, nội tâm ông xâu xé bởi thế tiến thoái lưỡng nan của lương tâm.

Ðây không phải là lần đầu tiên dân Mỹ nghe lời tố cáo tội ác chiến tranh của Kerry. Cùng trong năm đó, Trung úy Calley và 15 lính Mỹ khác bị tố cáo là đã giết 347 dân lành vô tội ở làng Mỹ Lai năm 1968. Khi ra điều trần, Kerry tố cáo quân đội Mỹ ở Việt Nam đã hiếp dâm, cắt tai, cắt đầu, bắn ẩu vào thường dân trong một cung cách tàn bạo như Thành Cát Tư Hãn. Ông sau này thú nhận ông không chứng kiến tận mắt những tội ác nói trên mà nghe từ người khác kể lại. Kerry bị một số người cựu chiến binh Mỹ thù ghét vì ông vơ đũa cả nắm khi lên án họ là những người thua cuộc trật đường rầy không chấn chỉnh được.

Những tù binh Mỹ bị giam ở Hỏa Lò Hà Nội cho biết những cán bộ Cộng sản đã trích dẫn những bài diễn văn chống chiến tranh như của Kerry và khuyên tù binh Mỹ nên đi theo đường phản chiến. Việt Cộng không nghĩ ø là họ cần phải thắng trên chiến trường, bởi vì có những người phản chiến như Kerry, họ sẽ thắng Mỹ trên đường phố San Francisco hay Washington. Kerry đã vi phạm một điều khoản luật lệ quân đội là không bao giờ đưa ra những lời phê bình công khai có thể làm tổn hại đến những đồng đội khác đang chiến đấu ở chiến trường hay đang ở trong tay kẻ thù. Bởi vì Kerry làm như thế nên bị một số người đánh giá là kẻ phản quốc đối với anh em bạn bè trong quân đội. Tượng đài của chiến binh Mỹ ở Việt Nam bị khắc tên thêm hàng ngàn người vì Kerry và những người như ông ta. Nhưng lại có người cho rằng việc làm phản chiến của Kerry đã cứu sống nhiều mạng người vì cuộc chiến là một sự sai lầm và sự lên tiếng của Kerry đã giúp ngưng lại sự giết chóc.

Khi Kerry tuyên bố sự ứng cử tổng thống của mình vào tháng 9 vừa qua, chung quanh ông là những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam tập hợp lại để ủng hộ ông. Một người bạn chiến đấu của Kerry là David Alston, giờ đây là một mục sư đã lên tiếng phát biểu, " Từ những ngày ở đồng bằng sông Cửu Long chúng ta đã sống chung với nhau, chiến đấu bên nhau, cùng chảy máu và cùng sống còn với nhau. Chuyện chúng ta là người của Ðảng Dân Chủ hay Cộng Hòa không thành vấn đề. Vấn đề bây giờ là sự tin tưởng, dũng cảm, phán đoán và tư cách." Khi dừng lại ở những nơi tranh cử, Kerry nói về những kinh nghiệm chiến đấu và cho rằng ông học hỏi được cách xử sự và sự chịu đựng từ đó. Ông ít nhắc đến những hoạt động phản chiến cũ mà chỉ nói đến quyết tâm đối đầu với những thế lực để có tiếng nói cho những người thân yếu thế cô.

Trong một cuộc hội ngộ đẫm nước mắt ở Iowa, người lính Mũ xanh cũ Jim Rassman đã ôm lấy ứng cử viên Kerry trước đám đông và hứa hẹn sẽ giúp Kerry thắng cử. Kerry đã cứu mạng sống của Rassman ở Việt Nam bằng cách lôi ông ra khỏi một dòng sông trong khi chiến trận ác liệt đang xảy ra. Ðoạn phim này được chiếu trên kênh truyền hình địa phương hai đêm trước ngày bầu cử sơ bộ của Ðảng Dân Chủ và đã giúp Kerry giành chiến thắng. Mỹ hiện có 10 triệu chiến binh đã từng chiến đấu ở Việt Nam là một lực lượng có sức mạnh đáng kể nhưng là số cử tri bị phân hóa khá nhiều. Hy vọng Kerry sẽ cung cấp một cây cầu xúc cảm để cuối cùng làm lành những vết thương từ Việt Nam.

Riêng đối với Cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Mỹ thì không có cảm tình với ông Kerry cho lắm vì ông là người đã dìm đạo luật nhân quyền không qua thông qua ở Thượng viện dù đã được Hạ viện thông qua. Dĩ nhiên điều này làm lợi cho chính phủ Hà Nội và phần nào khuyến khích chúng tiếp tục vi phạm nhân quyền vì chúng biết rằng Quốc Hội Mỹ không chế tài chúng qua việc dìm đạo luật nhân quyền của Kerry. Chúng ta nhận thấy một điều là những cựu chiến binh từng chiến đấu và đổ máu ở Việt Nam như Thượng nghị sĩ Kerry, Thượng nghị sĩ McCain, Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Peterson giờ đây là những người cổ vũ cho chuyện bình thường hóa và buôn bán làm ăn thương mại với Việt Nam. Ngày xưa vì quyền lợi, nước Mỹ can thiệp đổ quân về Việt Nam; ngày nay, cũng vì quyền lợi Mỹ bắt tay với Cộng sản Việt Nam để thâu lợi nhuận. Ðối với Mỹ, không có kẻ thù truyền kiếp cũng như không có bạn muôn đời. Tất cả chuyện bang giao với nước ngoài đối với Mỹ đều đặt trên căn bản quyền lợi. Mỹ sẵn sàng đẩy người bạn cũ lâu đời ra khỏi Liên Hiệp Quốc để làm vừa lòng Trung Cộng. Nói như thế để nhắn nhủ với những người Việt Nam chống cộng hôm nay đừng quá mất thì giờ vận động, xin chữ ký, gửi kiến nghị đến các vị dân cử Mỹ, đừng quá trông mong quá nhiều về chuyện Mỹ sẽ ra tay giải quyết chuyện nhân quyền ở Việt Nam. Có thể vận động chính giới Mỹ như một thế đấu tranh quốc tế nhưng nên đặt nặng vấn đề góp phần tranh đấu ở quê nhà. Phải liên tục giúp đỡ và tiếp máu những người trong nước. Thử hỏi hai người tranh đấu Phạm hồng Sơn và Nguyễn vũ Bình đi tù thì chúng ta đã lo lắng gì cho gia đình của họ chưa? Rồi đến người bạn trẻ Lê chí Quang đang bị giam cầm, chúng ta đã giúp đỡ bà mẹ của Quang chưa để có chút tiền bạc vật chất để lo lắng cho căn bệnh thận quái ác của Quang trong tù? Ðừng quá mất thì giờ để đi van lạy những ông nghị, dân biểu, thủ tướng, tổng thống nước ngoài xan thiệp cho đồng bào Việt Nam có cơm ăn, áo mặc và không khí tự do để thở. Nhân quyền chỉ là món võ mà các nước Tây phương đem ra dùng khi quyền lợi thương mại của họ bị đụng chạm mà thôi. Nhà đại văn hào cách mạng Phan bội Châu cả cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước cứu dân, lúc về già chỉ khuyên quốc dân một điều là " vọng ngoại tắc tử ". Xem ra lời khuyên của cụ vẫn chưa được những người tranh đấu cho tự do, dân chủ hôm nay ghi nhận một cách nghiêm túc. Cứ ngồi đó mà lạy lục bọn chính giới mắt xanh, mũi lõ để mong mang lại tự do dân chủ cho nước Việt Nam mình quả là điều ấu trĩ và khôi hài !

John Kerry ngày xưa là một chiến sĩ quả cảm, nhưng ngày nay John Kerry đã thành một chính trị gia chuyên nghiệp. Mà chính trị gia chuyên nghiệp thì khó mà tìm ở họ một lời nói thành thật từ đáy con tim. Lịch sử trong mấy mươi năm nay đã cho thấy mấy ông tổng thống Mỹ là những người nói láo như cuội. Tổng Thống Nixon nói dối về vụ Watergate, Tổng thống Reagan nói dối về vụ Iran – Contra, Tổng Thống Bush cha nói dối về chuyện không tăng thuế, Tổng Thống Clinton nói dối về chuyện tình ái lăng nhăng của ông và Tổng Thống Bush con bây giờ đã nói dối về chuyện Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt ( để lấy cái cớ mà xâm lăng Iraq ). Dân chúng thời nào cũng là những cục đất sét để những nhà chính trị chuyên nghiệp uốn nắn để phục vụ cho quyền lợi chính trị của họ. Chính trị gia John Kerry là con người hai mặt cũng là chuyện thường tình thôi. 

Có loại người làm chính trị quyền biến, biết tiến biết thối vì quyền lợi của đất nước nhân dân, đây là những người có khả năng làm những chuyện ích quốc, lợi dân ; có loại làm chính trị nói không giữ lời, thất hứa liên miên với quần chúng nhân dân vì bản chất dối trá khó sửa chữa. Nhân dân Hoa Kỳ cần phải dò xét, kiểm tra và tìm hiểu con người hai mặt của John Kerry thật kỹ trước khi bầu ông ta vào chức vụ tối cao trong chính phủ Hoa Kỳ.
 


Lawndale, một chiều mưa lâm râm cuối tháng 2 năm 2004
Trần viết Ðại Hưng

 
Hosted by www.Geocities.ws

1