TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


CON ÐƯỜNG DẪN ÐẾN NGÀY 11 THÁNG 9

Hắn ta trông có vẻ là người đáng nghi ngờ nhiều. Tại trường dạy lái máy bay ở Norman, Okla.., người học viên lái máy bay bay vạm vỡ có giọng nói tiếng Anh với cái giọng nặng mùi tiếng Pháp này có nhiều hành động quái lạ. Hắn ta có vẻ thô lỗ và hay cãi cọ, từ chối trả 4995 dollars tiền nhập học (thay vào đó hắn trả 2500 tiền mặt). Ðó là Zacarias Moussaoui, 33 tuổi, thường dùng cái tên " zuluman tangotango" khi sử dụng Internet và lẩn tránh khôn ngoan khi dùng e-mails. Là một học viên có thành tích bay yếu, hắn bất thình lình bỏ học vào giữa tháng 5, trước khi nhập học vào một trường bay khác ở Eagan, Minn. Tại trường bay Pan Am, hắn thú nhận chiếc phi cơ lớn nhất mà hắn từng bay là chiếc Cessna một động cơ. Nhưng hắn yêu cầu xin được huấn luyện trên mô hình chiếc máy bay 747. Hắn chú trọng nhiều về những cách đổi chiều máy bay trên không, chứ không chú trọng đến vấn đề máy bay cất cánh và hạ cánh. Những điều ám muội đó đã làm cho một trong những huấn luyện viên dạy phi cơ nghi ngờ và ông ta gọi ngay cho cảnh sát liên bang. Hắn bị bắt vì visa hết hạn và tên Moussaoui này đang ngồi tù ở hạt Sherburne khi những học viên lái máy bay khác lái những chiếc phi cơ cướp được lao vào Trung tâm thương mại thế giới ở New York và Ngũ giác đài vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Ðiều đó không có nghĩa là nước Mỹ đang ngủ. Những biên giới rộng mở của Mỹ làm cho chuyện truy tầm khủng bố trở thành một chuyện khá nản lòng. Cơ quan FBI ước lượng có chừng 1000 người- hầu hết là người nước ngoài- có nghi ngờ dính líu đến khủng bố hiện nay đang sống trên nước Mỹ. Một viên chức Mỹ cho biết là , " Dân Mỹ sẽ ngạc nhiên khi thấy có nhiều tên tình nghi khủng bố như thế ," Moussaoui gần như phù hợp với lý lịch của những tên khủng bố không tặc, nhưng hắn ta có thể dính hay không dính líu vào âm mưu không tặc vừa qua. Sau khi bắt Moussaoui vào ngày 17 tháng 8, cơ quan di trú Mỹ thông báo cho Pháp ( hắn ta mang thông hành Pháp ) và Pháp đã trả lời cho Mỹ 10 ngày sau đo, báo cáo rằng Moussaoui là một tên tình nghi khủng bố, đã từng đi đến những trại huấn luyện của Bin Laden ở A phú hãn. Mười ngày quả là thời gian dài lý tưởng để điều tra hầu chận đứng âm mưu không tặc. Nhưng đối với bọn khủng bố của thời đại mới, chúng đã ra tay ngay trước khi bị khám phá.

Trong lúc những nhân viên ở cơ quan CIA và FBI xem xét những bảo báo cáo tình báo, họ trách móc nhau là đã bỏ sót những tín hiệu báo động trên con đường dẫn đến ngày 11 tháng 9. Những bản báo cáo bao gồm những mẩu điện thoại được thâu lại như, " Có một chuyện lớn sẽ xảy ra ", " Chúng sẽ phải trả giá ", và " Chúng ta chuẩn bị ra tay hành động". Thật là không may khi những thông tin như thế đã không tới bàn giấy những chuyên gia phân tích tình báo cho đến khi chuyện xảy ra. Trong lãnh vực tình báo, chuyện trễ tràng 24 tiếng hay 48 tiếng là chuyện không có gì bất thường cả. Không có câu nói nào thâu được có nhắc đến Ngũ giác đài hay Trung tâm thương mại cả. Nhiều mẩu điện thoại khác nói xa gần đến một mục tiêu nằm ở đâu đó ở vòng đai Thái bình dương. Dù sao cũng có một số người cảm thấy tội lỗi và suy nghĩ về những chuyện họ đã có thể làm để ngăn chặn vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 vừa qua. 

Sau ngày 11 tháng 9, những cơ quan tình báo tranh nhau để bắt bọn khủng bố trước khi chúng ra tay một lần nữa. Mức độ bố ráp thật là nô nức: ở Yemen, chính quyền tóm cổ chừng một tá đồ đệ của Bin Laden. Ở Ðức, cảnh sát truy lùng hai người trực tiếp liên hệ đến âm mưu khủng bố. Ở Pháp, hơn nửa tá người bị bắt giữ để thẩm vấn, trong khi ở Anh, Bỉ, và hòa Lan, cũng như ở Peru và Paraguay, cảnh sát bố ráp những nơi tình nghi có khủng bố trốn tránh. Ở Mỹ, FBI tiến hành một cuộc săn người lớn nhất trong lịch sử và bắt giữ tổng cộng 90 người. Một số đông trong bọn họ bị bắt giữ bởi những vi phạm di trú nhỏ, nhưng những nhà điều tra cố gắng tìm kiếm những tên giết người hàng loạt. Những máy bay rải thuốc trừ sâu bị cấm bay gần những thành phố. 

Mẻ lưới bắt bớ quá rộng lớn làm nhiều người se lòng, trừ phi người ta nghĩ lại chuyện sau khi hai tòa đại sứ Mỹ bị đánh bom vào năm 1998, đã có một cuộc bố ráp tương tự bắt giữ hàng trăm người tình nghi từ Âu châu đến Trung Ðông cho tới Châu Mỹ La tinh- thế mà đám đệ tử Bin Laden cũng còn có đủ khả năng để tung ra thêm nhiều cuộc tấn công tàn hại khác. Những binh lính và cảnh sát sẽ không đủ người để ngăn chặn một tai họa lớn hơn do khủng bố gây ra. FBI cho rằng tên chủ chốt trong trận đánh ngày 11 tháng 9 là Mohamed Atta, là người Ai cập đã lái chuyến phi cơ đầu tiên , chuyến bay số 11 của hãng American Airline, đâm vào tòa nhà phía Bắc của Trung tâm thương mại thế giới. Cha của Atta sau này cho biết Atta chưa bao giờ học lái máy bay. Chị của Atta là một bác sĩ, thường cung cấp thuốc men cho Atta mỗi lần hắn lên phi cơ vì hắn bị quặn đau và mửa khi bay.Atta dường như đã có những liên lạc với những tên khủng bố khác trước những cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 , và hắn là người đã để lại di chúc, trong đó có câu, " Hãy sẵn sàng để gặp Thượng Ðế của bạn. Hãy sẵn sàng cho thời điểm này." 

Kẻ đầu nậu tối cao có thể ở đâu đó trong rừng núi trùng điệp ở A phú hãn, trốn tránh bom và những đoàn biệt kích nhảy toán của Mỹ- nhưng không có gì nghi ngờ là hắn ta sẽ tính toán một chuyện phá hoại khác. Trong danh sách của những tên hung ác trong lịch sử, Bin Laden có một chỗ khá đặc biệt. Ông ta không có ngai vàng, không có quân đội, ngay cả không có lãnh thổ thực sự của riêng mình, mà nằm đâu đó trong những rặng núi ở A phú hãn. Nhưng ông ta có cái sức mạnh thúc đẩy người khác sẵn sáng chết chỉ với mục đích là giết người Mỹ không cần phân biệt- đàn ông, đàn bà, con nít. Ông ta là một tổng hợp bất thường của sự hận thù triền miên, nhuốm vẻ thần bí và cuồng tín- quyết tâm và kiến hiệu. Giờ đây ông đã chọc giận người Mỹ và sớm muộn gì cũng nhìn thấy sự trả thù của Mỹ. Nhưng cái nọc độc mà Bin Laden rải truyền trong thế giới Hồi giáo đã khá sâu đậm và giám đốc FBI của Mỹ là ông Robert Mueller cho biết là FBI đang tìm kiếm thêm nhân viên biết nói tiếng Ả rập để có thể tìm hiểu thêm về thế giới Ả rập theo Hồi giáo. Thất khó mà hiểu kẻ thù khi bạn không thể nói được tiếng nói của kẻ thù. 

Ðối với đa số người Mỹ, cuộc đời họ thay đổi tức khắc và vĩnh viễn vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng cuộc chiến chống khủng bố đã âm ỉ và đôi khi sôi sục trong hơn 10 năm qua. Nó có thể coi là một cuộc đấu tranh buồn chán ở phòng giấy – có những bản báo cáo nằm tồn đọng không ai đọc nằm đầy trên bàn của những vị dân cử, những nhân viên chính phủ ăn không ngồi rồi tìm cách xin tăng ngân sách của họ bằng cách tung ra những câu chuyện kinh sợ liên hệ đến những trang sau của những tờ báo. Trước khi thế giới tìm ra manh mối khủng bố ở đâu, đây là lúc cần nhìn lại một thập niên của khủng bố để xem nước Mỹ đã vụng về trong chuyện đối phó như thế nào.

Kẻ thù rõ ràng đã học hỏi nhiều từ kinh nghiệm. Vào tháng 12 năm 1994, Nhóm Hồi giáo võ trang ( the Armed Islamic Group ( GIA) ) , là một nhóm khủng bố gốc người Algeria sẽ đóng một vai trò nổi bật trong quân đội toàn cầu của Bin Laden, họ cướp một phi cơ Airbus của hãng hàng không Pháp ( Air France) với 171 hành khách. Kế hoạch là đâm chiếc máy bay này vào cây tháp nổi tiếng Eiffle. Vấn đề họ gặp phải là : không ai trong nhóm biết lái máy bay. Viên phi công hãng hàng không Pháp hạ cánh ở Marseille, ở nơi đó cảnh sát Pháp tấn công chiếc máy bay. Rút tỉa được kinh nghiệm bày, sau đó không lâu thì những tên khủng bố đầu tiên bắt đầu lặng lẽ đến xin học bay ở những trường dạy lái máy bay nằm ở Florida.

Nước Mỹ có vẻ chậm chạp trong chuyện đối phó với vấn đề. Ngân sách chống khủng bố tăng lên từ 2 tỷ đến 12 tỷ chỉ trong vòng một thập niên. Mỹ bỏ ra 30 tỷ một năm để thâu thập tin tức tình báo.Dĩ nhiên Bin Laden cũng không phải là không biết điều đó. Trong vòng 5 năm qua những chuyên gia làm việc thâu đêm trong những phòng kín ở tổng hành dinh của CIA , được biết đến với cái tên phòng Bin Laden. Nhiều chuyên gia phê phán rằng CIA đã quá chú trọng vào Bin Laden- với cố gắng gắn một khuôn mặt vào trong những hành động khủng bố vô hình, những chiến sĩ chống khủng bố mệt mỏi được nâng lên vai trò của một ông kẹ quốc tế( bogeyman), trong khi những người thực sự giết những tên khủng bố thì ở trong bóng mờ quên lãng. Giờ đây, sự trách móc dồn vào Washington ngày càng nhiều – kèm theo với lời kêu gào trả thù – những viên chức tình báo đã thận trọng cho rằng rất khó để thâm nhập vào những tổ khủng bố bí mật có những tên khủng bố trung thành; cứ mỗi con rắn bị chặt đầu thì có hai con khác bò ra khỏi vũng lầy; cái đồng lầy đó không bao giờ được tát khô vì đất đã nhuốm máu những kẻ tử vì đạo ( martyrs); cho nên những phương pháp tra hỏi có tính thuyết phục nhiều nhất cũng khó mà làm cho kẻ tình nghi khai ra khi hắn ta sẵn sàng chết. 

Nhưng sự bất lực của chính phủ không đoán nổi 19 tên khủng bố tự sát biến 4 chiếc phi cơ thành những phi đạn được điều khiển nhắm vào những biểu tượng quốc gia nói lên điều gì đó hơn là sự thất bại của tình báo. Ðó là sự thất bại của sự tưởng tượng. Nước Mỹ quá mạnh mẽ, dân Mỹ quá an toàn, ý niệm về Sự Ðề Phòng ở Mặt Trận Hậu Phương ( Homeland Defense) có vẻ quá trừu tượng, gần như là ở đâu đó nước ngoài, đó là điều mà những quốc gia nhỏ bé quan tâm chứ Mỹ không thèm để ý tới. Những tên khủng bố được mọi người coi như những tên tội phạm độc ác và kinh sợ, nhưng chúng không phải là những kẻ thù gây chết chóc cho quốc gia. Nói chung có một loại cảm giác từ khước tập thể, một sự miễn cưỡng nhìn nhận sự đe dọa kinh khiếp của nhóm quá khích Hồi giáo có thể có.

Một phần có thể vì chính phủ Mỹ góp phần tạo nên điều ấy. Vào thập niên 1980, Cơ quan CIA hỗ trợ kháng chiến quân Mujahidin, là những chiến sĩ Hồi giáo tự do chống lại sự chiếm đóng của Liên xô ở A phú hãn. Trang bị vũ khí và huấn luyện cho nhóm kháng chiến quân này là một trong những hành động kín mà CIA đã làm. Nó làm thay đổi chiều hướng chống Liên xô xâm lược. Nhưng công việc này của CIA bị " phản ứng ngược " . Trong những tháng ngày sắp tới khi những máy bay của lực lượng đặc biệt của Mỹ tìm cách đáp xuống vùng rừng núi A phú hãn để tiêu diệt Bin Laden, họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm bị bắn rơi bởi những hỏa tiễn Stinger mà trước đây CIA đã trang bị cho kháng chiến A phú hãn. Phản ứng ngược này chỉ là phần cuối của di sản dài và lộn ngược của những kết quả bất ngờ . Câu chuyện thần thoại này bắt đầu hơn 10 năm trước đây khi những những chiến binh của cuộc chiến thần thánh chống lại Liên xô bắt đầu bước chân vào Mỹ – nhiều người đến với thẻ thông hành do CIA cung cấp. 

Vì đã có tình chiến hữu gắn bó trong chiến đấu trước đây, cộng thêm với lòng nhiệt thành tôn giáo tràn trề, nên những người Ả rập lưu vong này sẵn sàng chết cho đấng Allah khi họ tụ tập với nhau tại trung tâm tỵ nạn Al-Kifah ở Brôoklyn, NY, đó là nơi CIA tuyển lính mới cho kháng chiến quân Mujahidin. Những gương mặt chủ yếu vào cuối thập niên 80 hay lui tới trung tâm tỵ nạn này là kỹ sư có khuôn mặt rầu rầu tên El Sayyid Nosair, ông thường dùng thuốc an thần Prozac và người bạn tên Mahmud Abouhalima, vốn là người rà mìn trong cuộc chiến tranh A phú hãn ( dụng cụ duy nhất mà ông dùng đến là một cây sậy ). Những người di cư mới này không cảm thấy cám ơn nước Mỹ, mà chỉ sự thù ghét khôn nguôi đối với Mỹ, là nước tượng trưng cho sự tân tiến Tây phương và có nguy cơ nhận chìm những nguyên tắc căn bản Hồi giáo bằng những quần Jean màu xanh và những video của Hollywood. Ở cách xa nửa trái địa cầu, những người hiểu sự tàn bạo của sự quá khích của Hồi giáo có thể nhìn thấy trận bão dữ dội sắp tới. Vào khoảng cuối thập niên 80, người lãnh đạo nước Pakistan lúc đó là Benazir Bhutto, đã nói với Tổng thống Bush ( Bush cha), " Ông đang tạo nên một tên quái nhân Frankenstein." Nhưng những lời cảnh cáo không thấm sâu vào những cảnh sát trên đường phố New York cho tới khi biến cố 11 tháng 9 xảy ra.

Cuộc thánh chiến quốc tế đến Mỹ vào một đêm mưa vào ngày 5 tháng 11 năm 1990, khi Nosair bước vào hội trường của khách sạn Marriot ở New York nằm ở đường 49 để bắn viên giáo sĩ Do Thái Meir Kahane, vốn là người kêu gọi Do Thái tống khứ bọn " chó Ả rập" ra khỏi nước. ( Khẩu hiệu của Kahane là: mỗi người Do thái là một cây súng lục 22 ly ). Kế hoạch tẩu thoát thật ly kỳ: Bạn Nosair là Abouhalima được chỉ định lái chiếc xe taxi thoát đi, nhưng đang cơn cuồng nhiệt nên Nosair nhảy lầm lên một chiếc xe khác và bị bắt.

Vì có nhiều nhân chứng và khẩu súng còn bốc khói, vụ án của Nosair đáng lẽ coi như đã xong. Nhưng cảnh sát New York vụng về trong chuyện thâu thập tang chứng nên Nosair coi như vô tội. Trong đầu óc Nosair và Abouhalima trong lúc đó hiện ra hình ảnh : ở quê nhà Ai cập, những người tình nghi khủng bố bị đày đọa và tra tấn. Ở Mỹ người ta có thể mướn một luật sư giỏi để thắng hệ thống tòa án. Cảnh sát New York khó lòng hình dung ra nổi một âm mưu khác to lớn hơn. Cuộc khám xét chỗ apartment ở của Nosair lòi ra những tài liệu giấy tờ chế bom và hình ảnh của những mục tiêu – bao gồm tòa nhà chọc trời Empire State Building và tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới. Cảnh sát cũng không bận tâm điều tra sâu xa thêm về những bằng chứng đó,và những tài liệu đó cũng không được dịch ra tiếng Anh để tìm hiểu – chuyện như thế đó cho đến khi có một xe van chở 1500 pounds chất nổ nổ tung phía dưới tòa nhà Thương mại thế giới vào ngày 26 tháng 2 năm 1993. Ðây coi như là tòa nhà thương mại bị đánh bom lần đầu tiên làm cho 6 người chết và làm bị thương hơn 1000 người, chuyện này coi như là một sự cảnh cáo mạnh mẽ, đặc biệt khi những nhà điều tra khám phá ra những tên chủ mưu ngoài ý định giật sập những tòa nhà còn kèm theo với bom nổ là chất độc cyanide ( với cố gắng tạo thành một vũ khí hóa học tàn bạo.) Nhưng chất độc cyanide bị cháy trong khi nổ nên biến thành vô hại, tòa nhà không sụp đổ và những tên đánh bom dường như không được may mắn lắm. Một tên trong bọn trở lại chỗ mướn xe van để lấy lại tiền đóng thế chân mướn xe ( security deposit).

Những tên âm mưu nhanh chóng bị lộ diện là những tên đồ đệ của giáo sĩ Sheik Omar Abdel-Rahman, là " giáo sĩ mù" đang ở trong một đền thờ ở thành phố Jersey. Quá khứ u uẩn của tên giáo sĩ này làm cho cơ quan liên bang chú ý lưu tâm nhiều – hắn ta đã từng dính líu vào âm mưu ám sát Tổng thống Ai cập Anwar Sadat vào năm 1981. Nhưng tên giáo sĩ này đã len lỏi vào đến nước Mỹ với sự bảo vệ của CIA, vốn xem giáo sĩ này như một nhân vật giá trị để kêu gọi thanh niên theo đạo Hồi sang A phú hãn gia nhập vào kháng chiến quân Mujahidin.

Một trong những tên âm mưu đánh bom tòa nhà thương mại làm cho cảnh sát liên bang chú ý là Ramzi Yousef. Hoạt động dưới nhiều tên giả khác nhau, Yousef là một khuôn mặt mới đáng sợ, hắn ta không thuộc quốc tịch nước nào và thuộc loại người độc ác có tầm hoạt động toàn cầu. Dù hắn có nói chuyện với tình báo Iraq và ở trong một ngôi nhà an toàn, nhưng sau này mới biết được hắn có dính líu đến Bin Laden, lúc đó Yousef được coi là thứ khủng bố tự do, không liên hệ với phe phái nào. Sự may mắn của Yousef tiêu tan khi căn nhà của một người bạn hồi nhỏ của Yousef là Abdul Hakim Murad bị cháy. Murad là người cộng tác chung với Yousef và đang chế tạo bom để ám sát Giáo Hoàng và nổ bom ít nhất là 11 máy bay dân sự Mỹ. Murad bị bắt vào tháng 1 năm 1995 đã dẫn những nhà điều tra đến bắt Yousef ở Pakistan,nơi mà hắn ta đang lẩn tránh. Murad và Yousef là một cặp bài trùng ác quỉ: Murad đi học lái máy bay, cả hai nói đến chuyện lái một chuyến máy bay chất đầy chất nổ để lao vào tổng hành dinh của CIA hay một trung tâm nguyên tử. Vào lúc đó, những viên chức FBI coi là chuyện phô trương và xa vời. Giờ đây chúng giống như những bản vẽ hành động.

Chuyện bắt giữ Yousef được coi như một chiến thắng trong trận chiến chống khủng bố trong khi chuyện chống khủng bố mới bắt đầu được đẩy mạnh ở Washington. Nhưng chuyện bắt giữ Yousef cho thấy có những khó khăn trong chuyện truy lùng khủng bố, ngay cả khi một tên khủng bố có giá bị bắt. Lúc bị kêu án, Yousef tuyên bố, " Vâng, tôi là một khủng bố và tôi hãnh diện về điều này." Hắn ta không chịu hợp tác với nhà chức trách trong chuyện điều tra. Thay vào đó hắn dùng những ngày tháng tù tội ở nhà tù liên bang để tán gẫu về chuyện xi-nê với một bạn tù là tên đánh bom bằng thư ( Unabomber) Ted Kaczynski và người bạn khác là Timmothy Mcveigh, người đánh bom ở tòa liên bang ở Oklahoma cho đến khi Mcveigh bị xử tử sau đó. 

Vào khoảng giữa thập niên 90, những chuyên viên chống khủng bố ở FBI và CIA bắt đầu tập trung chú ý theo dõi Bin Laden,ông là con một nhà tỷ phú người Saudi và đã gia nhập kháng chiến quân Mujahidin ở A phú hãn rồi trở thành một cấp chỉ huy anh hùng nơi đó. Nghe nói Bin Laden cảm thấy cay đắng vì Hoàng gia Saudi cự tuyệt lời đề nghị của ông kêu gọi những chiến sĩ chiến đấu cho tự do nhằm bảo vệ cho Saudi chống lại sự đe dọa của Saddam Hussein sau khi lãnh tụ quyền uy Iraq này xâm lăng Kuwait vào năm 1990. Thay vào đó, Saudi chọn lực lượng Mỹ để bảo vệ cho vương quốc Saudi. Ðối với Bin Laden, chuyện đó được coi như những người thối nát trong hoàng gia Saudi đã mời phe phá đạo đến làm ô uế vùng đất thánh Saudi, vốn là nơi có thánh địa Mecca của người Hồi giáo. Bin Laden tự lãnh nhiệm vụ trục xuất người Mỹ, không những tại Saudi Arabia mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

Càng ngày những người cực đoan ở Trung Ðông coi Bin Laden như một Saladin thời đại. Saladin là người đuổi Thập tự quân ( Crusaders) cả ngàn năm trước. Sau khi thiết lập cơ sở khủng bố Al- Qaeda gồm đủ các chức năng tinh thần, tài chánh và phương hướng hành động, Bin Laden xuất đầu lộ diện. Vào năm 1996 ông kêu gọi mỗi người Hồi giáo đều có nhiệm vụ giết người Mỹ ( lúc đầu chỉ nhắm tới lính Mỹ, sau tới năm 1998 thì mở rộng ra thêm là giết tất cả những người Mỹ ). Từ nhà của mình ở Sudan, Bin Laden dường như là nguồn cảm hứng đồng thời cung cấp tài chánh cho mạng lưới khủng bố. Ðứng trên nguyên tắc căn bản là không có quốc gia nào được phép dung dưỡng khủng bố nên bộ ngoại giao Mỹ vào giữa thập niên 90 áp lực chính quyền Sudan phải trục xuất Bin Laden. Bây giờ nhìn lại mới thấy chuyện đòi trục xuất này là một lỗi lầm. Ít ra là ở Sudan người ta còn theo dõi được những hành vi của Bin Laden. Thay vào đó, Bin Laden biến mất vào trong những rặng núi ở A phú hãn, nơi ông được vui vẻ chào đón bởi những kẻ lãnh đạo cực đoan Taliban và từ đó có thể thiết lập những trại huấn luyện khủng bố . Những trại này là nơi hàng ngàn kẻ tử vì đạo trong tương lai đến đây để tẩy não và học cách đánh bom.

Với sự kiện chiến tranh lạnh qua đi, Mafia thối lui và cuộc chiến tranh ma túy dùng dằng chưa có kẻ thắng người bại, nên cơ quan CIA và FBI có đủ thì giờ để đấu với một kẻ thù mới. Cả hai cơ quan thiết lập một trung tâm chống khủng bố ở phía dưới tổng hành dinh của CIA tại Langley, Va. Nhưng họ cảm thấy không cần thiết phải chia sẻ những bí mật với những cơ quan công quyền và an ninh khác như sở di trú và nhập tịch, và họ cũng giữ khoảng cách với Ngũ giác đài về vấn đề bí mật trên. Những người gián điệp chọn phương cách quan sát và chờ đợi ; trong khi cảnh sát thì muốn bắt giữ ngay đối tượng săn lùng của họ. Trong tòa Bạch ốc, viên cố vấn an ninh quốc gia sáng giá là Richard Clarke cố gắng đóng vai trò điều hợp trong chuyện chống khủng bố nhưng ông cũng không nắm vững vấn đề cho lắm. Không có khuôn mặt nào cao hơn trong chính phủ " đột phá " và đốc thúc mọi người cùng tiến hành làm việc. Ông Clarke giờ đây ân hận là đã không rán tạo ra một công tác như vậy. Vào lúc đó thì viên cố vốn an ninh quốc gia của Tổng thống Clinton này bị bù đầu với sự dính líu của Mỹ vào Bosnia nên chuyện chống khủng bố không phải là ưu tiên hàng đầu.

Riêng giám đốc FBI Louis Freeh thì lại muốn gửi những toán đặc nhiệm tới bất cứ đám khủng bố nào trên thế giới. Khi có một xe vận tải bom phá nổ trung tâm Khobar, một căn cứ quân sự của Mỹ ở Saudi Arabia, Freeh gửi một yêu cầu cá nhân đòi phải mang bọn đánh bom ra trước công lý. Khi Freeh rời chức vụ vào mùa hè, một đại bồi thẩm đoàn ( grand jury ) ở New York chuẩn bị truy tố buộc tội những tên âm mưu đặt bom. Nhưng những tên này đang trốn tránh an toàn ở Iran nên chúng có thể sẽ chẳng bao giờ phải ra tòa. Vụ điều tra Khobar cho thấy những sự giới hạn trong chuyện coi khủng bố là tội ác. Nó cũng cho thấy thêm là có nhiều khó khăn trong khi làm việc với những cơ quan tình báo ngoại quốc mà không chia sẻ những giá trị chung ( hay những luật lệ ) với người Mỹ. Freeh gặp trở ngại với tòa án của Saudi khi Mỹ yêu cầu được phỏng vấn vài nghi can bị bắt trong chuyện đánh bom một cơ quan quân sự Mỹ ở Riyadh. Trước khi FBI có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào, những nghi can đã bị Saudi chặt đầu mất tiêu rồi.

Cơ quan tình báo CIA có nhiều may mắn hơn khi làm việc với những văn phòng an ninh ngoại quốc để tiêu diệt những mạng lưới khủng bố. Trong hai năm 1997 và 1998, cơ quan này cộng tác với cơ quan an ninh Ai cập – mà vấn đề điều tra an ninh được coi là thẳng tay, tàn nhẫn – để quét sạch những đồ đệ của Bin Laden từ những nơi trốn tránh của chúng nằm ở Albania. Nhưng trong khi Mỹ và Ai cập đang chúc mừng nhau thì bọn đồ đệ Bin Laden đã chuẩn bị lâu dài cẩn thận cho một trận đánh bom. Trong vòng vài phút cách nhau, có những chuyến xe vận tải chứa bom nổ tung những tòa đại sứ Mỹ ở Tanzania và Kenya, giết hơn 220 người. Sự thất bại về tình báo vào tháng 8 năm 1998 cho thấy chuyện xâm nhập vào mạng lưới Bin Laden là rất khó khăn. 

Trong khi đám đồ đệ Bin Laden đang tiến hành kế hoạch nổ bom hai tòa đại sứ thì tình báo Mỹ có thâu lại những cuộc điện đàm của họ qua điện thoại. Theo những tài liệu của bộ tư pháp, Mỹ đã thâu được 5 cuộc điện đàm của người phe Bin Laden ở Kenya năm 1996 và 1997. Nhưng những tên âm mưu đánh bom không tiết lộ chúng là ai. Bin Laden dùng những người đưa tin tức để liên lạc với người của ông mặt đối mặt. Tổ chức Al-Qaeda cũng sử dụng kỹ thuật khá cao, đôi khi tích trữ những thông điệp trong những trang Internet bình thường. Những chuyên viên tình báo đã từ lâu lo lắng là những người phá mật mã ở cơ quan an ninh quốc gia mù mắt điếc tai rồi, bởi có quá nhiều những chương trình mã hóa nội dung thông tin trên Internet mà bất cứ người nào cũng có thể mua ở tiệm bán máy vi tính .

Nếu ngành gián điệp điện tử không hoàn thành công tác thì theo lời khuyến cáo của những chuyên viên thì cơ quan CIA cần thêm nhiều người làm gián điệp. Kinh nghiệm cho biết rằng muốn phá vỡ một tổ khủng bố bí mật, CIA cần mướn những nhân viên nói tiếng Ả rập để có thể thuê mướn những người xâm nhập vào tổ khủng bố. Thật ra CIA có gài được một người vào trong nhóm những tên đánh bom tòa đại sứ. Ðó là ông Ali Mohamed là một cựu chiến binh của quân đội Ai cập, đăng ký vào quân đội Mỹ và được gửi đi trung tâm huấn luyện ở Fort Bragg, N.C vào đầu thập niên 80 để thuyết trình cho Lực lượng đặc biệt My nghe về khủng bố Hồi giáo. Trong thời gian rảnh rỗi, ông đóng vai gián điệp nhị trùng. Vào những ngày cuối tuần ông thăm viếng trung tâm tỵ nạn Al-Kifah ở Brooklyn, người mà ông gần gũi không ai khác hơn là El Nassir Nosair, người khai mở cuộc thánh chiến bằng cách bắn chết giáo sĩ Kahane. Ali Mohamed đi tới A phú hãn chiến đấu chung với các kháng chiến quân Mujahidin, nhưng sau trận đánh bom ở trung tâm thương mại thế giới ở New York, ông quay về , và nói cho cơ quan liên bang biết mối liên hệ của Bin Laden với một số những tên đánh bom. Ông mô tả những tên khủng bố Hồi giáo " nằm yên " bằng lối sống bình thường hàng năm " như thế nào và rồi bỗng nhiên đứng dậy thi hành những công tác. Ðiều mà ông không nói với cơ quan liên bang là ông có giúp đỡ trong chuyện đánh bom những tòa đại sứ Mỹ ở Phi châu. Chỉ sau khi ông nhận tội đồng lõa vào năm 1999, ông mới tiết lộ là ông đã gặp riêng với Bin Laden về âm mưu đó. Ông kể lại chuyện Bin Laden nhìn hình tòa đại sứ Mỹ ở Nairobi và " chỉ rõ nơi mà chiếc xe vận tải có thể đi tới như một loại bom tự sát." 

Câu chuyện của Ali Mohamed kể trên cho thấy những lời kêu gọi của những chính trị gia về chuyện tìm cách có nhiều thêm những người điềm chỉ cung cấp tin tức thật ra có tính cách rao giảng hơn là thực hành. Kỹ năng dùng người trong bóng tối của CIA đã hao mòn theo năm tháng. Cơ quan này đã có những sự thanh lọc sau 1975 để rút tỉa những chuyện làm trật đường rầy như sử dụng Mafia để đầu độc Castro ở Cuba. Trong thời Tổng thống Reagan, năng lực cơ quan này được nâng cao lên, nhưng rồi một lô xì-căng-đan vào cuối thập niên 80 và 90 đã làm cho tinh thần đi xuống. Gián điệp Mỹ đã từng tự hào là đã làm những công tác " nguy hiểm để đời" nhưng giờ đây CIA trở thành một thứ văn phòng chính quy của nhà nước thay vì có những điệp viên xuất sắc .

Một số các nhà làm luật kêu gọi thả lỏng luật lệ đối với cơ quan CIA. Họ muốn dẹp bỏ những luật vốn hạn chế cơ quan tình báo này thuê mướn những người làm việc và cung cấp tin tức có quá khứ tội ác và vi phạm nhân quyền. Thật ra, có những viên chức đang hoạt động bên ngoài có thể mướn những nhân vật lôi thôi, nguy hiểm bằng cách xin phép cấp lãnh đạo của họ nằm tại tổng hành dinh CIA ở Landley. Một viên chức cao cấp cho biết là hầu như những lời yêu cầu thuê mướn người nguy hiểm đều được chấp nhận. Nhưng vấn đề là những viên chức đi thuê mướn người sợ rằng nếu chuyện hành động biến thành một xì-căng-đan thì họ sẽ là người phải ra điều trần trước quốc hội. Do đó mà họ e ngại rất nhiều.

Thật ra nói hoạt động của CIA yếu kém cũng không đúng hẳn. Khi CIA nghi ngờ chính phủ Sudan giúp Bin Laden thu thập vũ khí hóa học, một người làm việc cho CIA đã thu thập ngay được một số mẩu đất bên ngoài trung tâm chế tạo dược phẩm Shifa và mẩu này đã cho thấy có chứa chất EMPTA – một chất hóa học dùng trong hơi khí giết người VX. Bằng chứng đó được dùng để hợp lý hóa cho chuyện đánh bom cơ sở này để trả thù cho chuyện đánh bom tòa đại sứ Mỹ. Ðồng thời lúc đó có chừng 70 hỏa tiễn bắn tới những trại huấn luyện của Bin Laden nằm ở A phú hãn.

Tổng thống Cliton bị tố cáo là dùng chuyện đánh phi đạn này để đổi hướng chú ý của dư luận đến xì-căng-đan tình ái Monica Lewinsky của ông. Người chủ của cơ quan chế tạo dược phẩm bị đánh bom tìm cách mướn luật sư thưa kiện chính phủ Mỹ vì ông nói rằng cơ sở của ông chỉ sản xuất dược phẩm thuần túy, nhưng viên cố vấn an ninh của Clinton lúc bấy giờ là Sandy Berger vẫn nói là có bằng chứng cho thấy cơ sở này sản xuất khí độc, và nói thêm là hỏa tiễn bắn tới những trại của Bin Laden ở A phú hãn chỉ hụt Bin Laden có vài giờ đồng hồ. Nếu bắn sớm vài tiếng đồng hồ thì có lẽ Bin Laden đã tan xác vì lúc đó Bin Laden còn ở trong trại.

Chính phủ Clinton chưa bao giờ ngưng nỗ lực giết Bin Laden. Dù có luật năm 1976 cấm ám sát lãnh tụ nước ngoài, không có điều luật nào cấm cản giết những tên khủng bố – hay , trong vấn đề này, giết một lãnh tụ trong thời kỳ chiến tranh. Vào năm 1998, Tổng thống Clinton ký giấy cho phép CIA không có tội vạ gì nếu tổ chức kín đáo giết Bin Laden. Cơ quan này mất ít nhất 2 năm để truy lùng Bin Laden, làm việc với những kháng chiến quân A phú hãn để lật đổ chế độ Taliban. Những kháng chiến quân này đã có lần bắn vào đoàn xe của Bin Laden nhưng bắn trật xe có Bin Laden.

Vào năm cuối của chính quyền Clinton, những viên chức cấp cao lo ngại nhiều vì sự đe dọa khủng bố. Cố vấn an ninh Berger cho biết ông thức suốt đêm ngồi chờ điện thoại kêu đến báo tin một trận đánh khủng bố nữa xảy ra. Những viên chức trong chính phủ luôn lên quốc hội để đưa ra lời cảnh cáo về khủng bố. Giám đốc CIA George Tenet nêu lên viễn cảnh về tầm hoạt động của Bin Laden nhiều lần nên nhiều nhà làm luật cứ nghĩ rằng ông tìm cách hù họ để xin thêm tiền cho ngành tình báo. Chính phủ Clinton nhấn mạnh về nguy cơ ngày càng tăng rằng khủng bố sẽ nắm lấy những vũ khí có sức tàn phá lớn – bao gồm vũ khí hóa học, sinh học và nguyên tử. Nhưng những lời đe dọa đó không ứng hiện tức thì. Người ta tin Bin Laden đang nhắm vào những mục tiêu " nhẹ nhàng " ở Trung Ðông và Âu Châu, chẳng hạn như một tòa đại sứ khác. Những chuyên viên tình báo tin là một số đồ đệ của Bin Laden đang hoạt động ở Mỹ, nhưng không ai thật sự nghĩ đến một trận đánh lớn ngay lập tức. 

Chuyện đánh New York vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã có những dấu hiệu báo hiệu. Không lâu sau ngày đầu năm 2000, một người tỵ nạn Algeria bí ẩn tên là Ahmed Ressam bị nhân viên quan thuế Mỹ bắt khi ông này tìm cách vào Mỹ từ Cananda. Khám trên xe ông thì có những dụng cụ làm bom. Ressam là một phần trong một kế hoạch lớn hơn nhằm tấn công vào phi trường Los Angeles và những mục tiêu khác có tính biểu tượng cao. Vốn là một tên ăn cắp vặt và sống bằng cách gian lận thẻ tín dụng, Ressam là người của một tổ chức khủng bố nguy hiểm GIA, là tổ chức đã không tặc chiếc phi cơ của hãng hàng không Pháp năm 1995 để đâm vào tháp Eiffel nhưng thất bại. Ðây cũng là tổ chức đã đặt bom trong đường xe điện ngầm giờ đông người ở Paris vào giữa thập niên 90, GIA là một vệ tinh trong quỹ đạo của hệ thống Al-Qaeda. Ressam nói với những nhà điều tra là anh ta vừa mới trở về từ những trại huấn luyện của Bin Laden, nơi đó anh ta học những kỹ thuật như đưa hơi khí độc vào trong những hệ thống thông gió ở các tòa nhà làm việc. Nhiều tên đồng lõa với Ressam trong những âm mưu phá hoại đầu thiên niên kỷ không bị bắt giam và vẫn còn tại đào. Cơ quan an ninh tình báo của Canada có nhiều hồ sơ về GIA, nhưng cũng giống như những cơ quan tình báo khác, cơ quan tình báo Canada không chia sẻ những tin tức mà họ có với những cơ quan tình báo khác, dù ở trong nội địa hay ra nước ngoài. Nhiều nhà điều tra Mỹ tin Bin Laden dùng Canada như một căn cứ địa an toàn để tấn công Mỹ. Nhiều viên chức biên giới Mỹ tin rằng có vài tên không tặc tự sát đã vượt qua biên giới bằng một chiếc phà từ Nova Scotia trong những ngày trước cuộc tấn công vào hai tòa nhà Trung tâm thương mại ở New York.

Giờ đây nhìn lại, vụ án Ressam đã xì ra nhiều bằng chứng đến một nhãn hiệu khác của Bin Laden: Khả năng hoạt động của Al-Qaeda nhằm che dấu đường đi nước bước của mình. Khi mướn nhà ở Vancouver, Ressam và đồng bọn thường xuyên thay đổi tên trong những khế ước, làm hỏa mù lẫn lộn chuyện giấy tờ để khó ai có thể theo dõi. Một cẩm nang khủng bố tìm thấy được ở nhà một tên thân cận của Bin Laden ở Anh quốc năm ngoái đã khuyến cáo những tên khủng bố phải đánh lạc hướng nghi ngờ bằng cách cạo râu ( đa số dân Ả rập có hàm râu rất rậm !) , tránh đến những đền thờ Hồi giáo và tránh chào nhau theo kiểu truyền thống Hồi giáo. Những viên chức tình báo giờ đây nghi là Bin Laden đã sử dụng tất cả những mánh khóe để che mắt những người điều tra làm cho họ không theo dõi nổi đường đi nước bước của những tên khủng bố tự sát. Những nguồn tin tình báo giả và những thông tin dỏm làm cho CIA cứ lo ngại rằng sẽ có một cuộc tấn công ở Trung Ðông, Á Châu, Âu Châu vào mùa hè qua. Những tòa đại sứ đóng cửa, tàu chiến được gửi ra biển, quân lính được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp ở vùng vịnh. Ủûy ban an ninh gặp gỡ một tuần hai lần trong tòa Bạch Ốc xem xét lại vấn đề đã gửi quá nhiều cảnh cáo đến nổi những lời này ngày càng mờ nhạt. Có một âm mưu xem chừng có vẻ đặc biệt có nhiều bằng chứng và có tính cách đe dọa. Vào cuối tháng 7, cơ quan công lực bắt được một phụ tá của Bin Laden tên Djamel Begal ở Dubai. Ông ta úp mở nói đến một kế hoạch đánh bom tòa đại sứ Mỹ ở Paris. Liệu lời đe dọa này là thật sự hay đây chỉ là trò đùa?

Mỹ trông cậy nhiều vào những cơ quan tình báo ngoại quốc trong chuyện tiêu diệt mạng lưới khủng bố ở quốc gia đó. Nhưng thường thì công tác tình báo chọn cách quan sát những nghi can khủng bố hơn là truy tố chúng. 

Chuyện thuyết phục một chính phủ nước ngoại cung cấp tin tức về một nghi can khủng bố, chứ chưa nói đến chuyện bắt giữ, đòi hỏi phải có những sự vận động ngoại giao lớn lao. Vấn đề này cũng không phải là dễ dàng gì nếu những ngành khác nhau của chính phủ Mỹ tranh cãi gây gổ nhau. Tháng 10 năm trước, chiến hạm USS Cole của Mỹ, trong khi lấy thêm nhiên liệu ở Aden ở nước Yemen, gần bị chìm khi bị những tên khủng bố tấn công tự sát bằng một chiếc thuyền nhỏ. ( Trước đó đã có một chiếc tàu nhỏ chất đầy chất nổ tính đánh vào một tàu chiến Mỹ khác đang đậu ở Yemen,nhưng chiếc tàu chất nổ này bị chìm khi nó rời bến và coi như kế hoạch lần đó thất bại. Bin Laden rõ ràng kiên quyết ra lệnh cho người của ông rán làm lại một lần nữa.) Những điều tra viên của FBI nhanh chóng tới hiện trường và họ được chính quyền Yemen tiếp đón tử tế. Những nhân viên điều tra quan tâm đến vấn đề an ninh của riêng họ nên họ yêu cầu được phép mang vũ khí tấn công bên mình. Ðại sứ Mỹ Barbara Bodine coi những nhân viên FBI này là những người vụng về và không biết cách xử sự ngoại giao nên từ chối chuyện trang bị súng. Sau một thời gian giằng co đối đầu giữa những nhân viên điều tra và những nhân viên an ninh của tòa đại sứ, cả toán FBI rời Yemen trong vòng ba tháng. Cho đến gần đây họ mới trở lại.

Dường như những tên khủng bố đánh bom tàu Cole có liên hệ đến trận tấn công tàn bạo ngày 11 tháng 9 ở Mỹ. Từ tháng giêng năm 2000, CIA đã để mắt đến một người tên Tawfiq bin Atash, được biết trong giới khủng bố với biệt danh " Khallad." Là một người sinh trưởng ở Yemen và đến A phú hãn chiến đấu. Khallad là người trông coi đám cận vệ hộ tống Bin Laden và thuộc hàng cao cấp trong tổ chức Al- Qaeda. Theo những nguồn tin tình báo thì Khallad đã giúp điều hợp trận tấn công tàu Cole. Vào tháng 12 năm 1999, Khallad bị cơ quan an ninh Mã lai á chụp hình ( cơ quan này đang làm việc chung với CIA trong chuyện truy lùng khủng bố ) tại một khách sạn ở Kuala Lumpur. Ở nơi đó Khallad gặp gỡ với vài nhân viên hoạt động của Bin Laden. Một trong những người trong nhóm ấy là Fahad al- Quso, sau này mới biết chính là người được trao nhiệm vụ quay video cuộc tấn công tự sát tàu Cole ( nhưng không phải nhân viên nào của Al Qaeda nào cũng hành động thần sầu quỉ khốc như diệp viên thượng thặng James Bond đâu: anh chàng al-Quso này làm hỏng việc vì anh ngủ quên). Một người khác là Khalid al-Midhar, đi chung với một cộng sự viên tên Naaf-al-Hazmi, một chuyến đi được sắp đặt bởi một tổ chức được tình báo Mỹû đánh giá là " trung tâm hành quân " được coi như căn cứ địa của Al Qaeda.

Hai cái tên al-Midhar và al-Hazmi – vang lên bên tai những chuyên viên tình báo vào ngày 11 tháng 9 . Cả hai tên trên được coi là thuộc nhóm những tên không tặc chuyến bay số 77 của hãng hàng không American Airline, là chuyến máy bay đâm đầu vào Ngũ giác đài. Ðúng ra khi một chuyên viên tình báo nhìn những cái tên trong danh sách tình nghi, ông điếng người sững sờ . Vào ngày 21 tháng 8, nghĩa là ba tuần trước khi biến cố 11 tháng 9 xảy ra, cơ quan CIA yêu cầu cơ quan di trú INS hãy để ý theo dõi tên al-Midhar. Sở di trú cho biết là tên này đang ở trong nước Mỹ; hắn ta chỉ thông báo địa chỉ ở là " khách sạn Marriott " ở New York. CIA gửi nhân viên FBI đi tìm al-Midhar và đồng bọn. Họ vẫn tìm kiếm ngay trong ngày 11 tháng 9.

Còn một tên khác từ trong danh sách những tên không tặc xuất hiện trong hồ sơ của các trung tâm tình báo Tây phương: đó là Mohamed Atta. Hắn là một gương mặt khó hiểu, bởi vì vai trò lãnh đạo của hắn ở trong nhóm không tặc tự sát, và lý lịch hắn cho thấy những dấu ấn khó hiểu về phẩm chất cao của những thành viên đi theo Bin Laden. Thường thường loại người trẻ đánh bom tự sát Hồi giáo là những thanh niên hay những trẻ trai không có công ăn việc làm, không có phương hướng và hy vọng. Loại này bị phỉnh là nếu anh ta buộc một vài ký chất nổ chung quanh người và bấm nút thì anh ta sẽ đi vào cửa Thiên Ðàng, nơi anh sẽ được giao hoan với những cô gái đẹp đồng trinh. Atta không thuộc loại thảm hại đó. Anh ta không xuất thân từ một gia đình nghèo nàn hay tuyệt vọng. Cha anh là một luật sư quan trọng nhất ở Cairo. Gia đình Atta có một căn nhà nghỉ mát ở Ðịa Trung Hải. Căn nhà ở Cairo có hướng nhìn xuống phố, trang hoàng bởi những đồ bàn ghế lộng lẫy cùng những bức tranh chim hạc và những người đàn bà quấn khăn.

Gia đình Atta giống như một gia đình Tây phương hiện đại thành công vượt bực. Hai người chị của Atta đều có bằng tiến sĩ đại học. Atta đậu bằng cử nhân ở Cairo năm 1990 và đến Ðức để học cao thêm về đô thị.

Người bảo trợ luận án của Atta tại trường đại học kỹ thuật ở Hamburg gọi Atta là " một người dễ thương ". Chỉ khi nhìn lại có điều gở là trong luận án của hắn, hắn có ghi câu, " Ðời tôi và cái chết của tôi dâng hiến cho Ðấng Allah, là đấng chủ tể của muôn loài." Atta cũng đi chơi ở bar và để râu và bắt đầu ăn bận theo kiểu Hồi giáo nhiều hơn. Hắn thường nói đến " sự nhục nhã của Ai cập" do Tây phương gây ra. Dù lịch sự nhưng hắn đôi khi cũng cao ngạo. Hắn khinh bỉ phụ nữ và từ chối bắt tay họ.

Cha hắn lo lắng muốn cưới vợ ( dù bất cứ quốc tịch nào) cho hắn vì hắn không có một cô bạn gái như bạn bè cùng lứa. Nhưng hắn đoan chắc là hắn sẽ lấy một cô gái Ai cập. Nhưng hắn không bao giờ đụng chạm đến đàn bà thì làm sao mà chung sống đây? Vào tháng 10 năm 1999 gia đình tìm ra cho hắn một cô dâu dễ thương và thanh nhã, vốn là con một cựu đại sứ. Nhưng Atta nói là hắn phải trở lại Ðức để học tiến sĩ. Thật ra , hắn đi Florida để học lái máy bay ở trường dạy lái máy bay ở Florida.

Trong thời gian học tại Hamburg, Atta thường biến mất trong một thời gian dài – có thể là hắn đi họp với đồng bọn. Tình báo Mỹ tin là Atta có gặp một viên chức tình báo trung cấp Iraq trong năm này. Bản báo cáo làm người ta nghi ngờ là Sadaam Hussein có thể có vai trò nào đó trong sự tàn sát ngày 11 tháng 9, nhưng những chuyên viên tình báo vẫn còn thận trọng xét lại mối liên hệ đó. Atta liên lạc rất sát với những người lãnh đạo cao cấp của hắn ta. Vào ngày 4 tháng 9, một tuần trước khi hành động, hắn gửi một gói đồ từ một tiệm Kinko ở Hollywood, Florida đến một người tên Mustafa Ahmed ở Cộng Hòa Ả rập thống nhất ( The United Arab Emirates). Một viên chức Mỹ cho biết, " Chúng tôi không biết có gì trong gói đồ đó. Nhưng Mustafa có thể là mấu chốt đến vấn đề tài chánh của Bin Laden. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ thêm về nhân vật Mustafa này." ( Một vài tên không tặc cũng có liên hệ tiền bạc với tên Ahmed Mustafa này). Có nhiều chứng cớ cho thấy Atta chuẩn bị rất kỹ cho trận tấn công. Hắn ta còn có cả kế hoạch phòng hờ là đã mua vé máy bay khứ hồi cho tuyến đường Baltimore và San Francisco vào giữa tháng 10.

Cha của Atta phủ nhận chuyện vai trò của con trai ông là kẻ khủng bố tựsát, ông nói, " con tôi không thể dính líu vào cuộc tấn công này được,". Ông nói con ông là một nạn nhân của tình báo Do thái để lôi kéo Mỹ chống lại Hồi giáo. Ông cho là cơ quan tình báo Do thái Mossad đã bắt cóc con ông vì con ông là người dễ bị bắt cóc vì yếu đuối, không có sức lực , không có tiền mướn nhân viên an ninh bảo vệ. Họ dùng tên và lý lịch của nó … ..Rồi họ giết nó. Chuyện này được làm bởi cơ quan Mossad và dùng đến phi công Mỹ. Dĩ nhiên những lời tố cáo của cha Atta có vẻ hoang đường và đáng buồn – thế mà luận điệu này phù hợp với sự phỉ báng mà một số báo chí Ai cập có khuynh hướng chống Mỹ đăng tải, tố cáo âm mưu ngoạn mục trên là do những nhân viên tình báo Mossad xấu xa ra tay.

Atta có vẻ không rời xa một tên không tặc khác là Marwan al-Shehhi, cho tới khi chúng chia tay tại phi trường Logan vào sáng ngày 11 tháng 9 . FBI tin rằng al-Shehhi đã lái chuyến phi cơ thứ hai, chuyến bay của hãng United Airline mang số 173, lao vào tòa nhà phía nam của Trung tâm thương mại thế giới. Al-Shehhi và Atta sống chung phòng với nhau ở Florida và bị trường lái máy bay Jones đuổi ra vì có những hành vi thô lỗ. Chúng cùng ghi danh vào một trung tâm tập thể dục tên Delray Beach và cùng nhau đi tới Las Vegas, nơi mà FBI tin rằng có thêm vài tên không tặc có bạn gái.

Khi những nhà điều tra tìm cách ghép lại những cuộc đời của những tên không tặc với nhau, có những chi tiết lúc đầu coi như vô hại giờ đây tỏ ra có những điểm cần được soi sáng. Ziad Samir Jarrahi là một người Labanon đã theo học võ thuật ở một trường ở Florida. Theo lời kể lại của người chủ trường Bert Rodriguez thì anh ta muốn học những kỹ thuật đánh nhau trên đường phố _ làm thế nào để chế ngự một người với tay không mà thôi. Liệu Jarrahi có dùng những kỹ thuật này trong khi xô sát với hành khách trong phòng lái chuyến bay 93, chuyến bay này sau đó đã rớt xuống và bốc cháy ở một cánh đồng bên ngoài Pittsburgh? Những nhân viên công lực cho biết máy thâu băng trong phòng lái ghi lại những âm thanh Ả rập và tiếng Anh la ó khi máy bay rớt. Một số hành khách can đảm đã tấn công phòng lái trong một cố gắng cuối cùng nhằm giành lại sự kiểm soát máy bay. Liệu họ có đối diện với Jarrahi và những thế võ mới học của hắn ta hay không ? 

Những bằng chứng ghi nhận được cho thấy đã có một sự đối đầu sinh tử. Khi những tên không tặc bắt đầu ra tay vào 9 giờ 35 phút sáng, những người kiểm soát không lưu liên lạc giữa phòng lái máy bay và trung tâm kiểm soát ở Cleveland có thể nghe tiếng la hét , rồi đến 40 giây im lặng,và sau đó tiếng kêu gào lại tiếp tục. Rồi có một giọng nói thốt ra câu, " Có bom trên máy bay." Những người kiểm soát không lưu cố gắng liên lạc với hoa tiêu trưởng nhưng không nhận được sự trả lời. Rồi màn ảnh radar cho thấy chiếc máy bay quay đột ngột về phía Washington, D.C. Rồi có một giọng nói tiếng Anh nặng nề nói, " Ðây là phi công trưởng của các bạn. Có bom trên phi cơ. Chúng tôi đang trở về phi trường."

Trong cabin hành khách của phi cơ, có máu chảy ra kèm với sự sợ hãi dâng tràn. Ở phía sau phi cơ có 5 người hành khách lực lưỡng đang tính toán chuyện tấn công những tên không tặc. Một trong những người đó là Todd Beamer nói với một nhân viên tổng đài điện thoại dưới đất qua điện thoại trên không như sau, " Tôi biết là tôi khó lòng vượt qua được chuyện này. Nào các bạn. Chúng ta cùng tiến lên." Máy ghi âm phòng lái còn thâu lại tiếng nói rõ ràng của một tên không tặc la lớn, " Ra khỏi buồng lái ngay! Ra khỏi ngay!" Rồi có tiếng lầm bầm, kêu gào và xô đẩy. Sau đó là im lặng.

Những câu chuyện về sự đụng độ anh hùng như thế sẽ còn được kể lại vào những năm sau. Nhưng giờ đây những nhà điều tra đang sống với sự bất an và tự hỏi, " Liệu bọn chúng còn ai nữa không? Và chúng sẽ còn ra tay phá hoại nữa không?" Những nhà điều tra đang cố gắng theo dấu những vụ chuyển tiền của những tên không tặc. Tổ chức Al-Qaeda vốn là một tộ chức rành rõi về chuyện rửa tiền. Phần lớn tiền cuả Bin Laden đến từ những nhà giàu Saudi, bề ngoài đóng vai là những người cho tiền những tổ chức từ thiện Hồi giáo. Một số trung tâm từ thiện này giống như quỹ " quả phụ và trẻ thơ mồ côi " mà đạo quân Cộng hòa Ái nhĩ lan ( the Irish Republican Army) dùng tài trợ cho chuyện chế tạo bom.

Con đường tiền bạc dẫn những nhà điều tra đến một nghi can mà lý lịch và động cơ hành động có thể đem đến những sự rùng rợn. Ðó là tên Nabil al- Marabh , một cựu tài xế taxi người Kuwait, người bị nghi là đã chuyển hàng ngàn dollars đến vùng Trung Ðông. Những nhà điều tra cho biết là al-Marabh đã có liên lạc điện thoại với ít nhất là hai tên không tặc ngày 11 tháng 9. Al – Marabh cũng như những tên khủng bố khác, đã dùng Canada như một chỗ trốn tránh và khó truy tầm. Cơ quan công lực Canada thông báo cho sở di trú Mỹ về al-Marabh vào tháng 7 và cung cấp những bằng chứng rửa tiền. Tuần trước FBI khám xét một chung cư tại Detroit, nơi al- Marabh từng ở. Họ tìm ra có ba người đàn ông đã từng làm việc cung cấp thực phẩm ở phi trường Detroit. Ngoài ra còn có bản đồ đường bay phi trường. FBI bắt giữ ba người này nhưng al-Marabh không có mặt ở nhà lúc đó vì hắn ta đang nộp đơn xin bằng lái xe vận tải 18 bánh chở chất hóa học độc hại. Hai người ở chung nhà với hắn cũng nộp đơn xin bằng lái xe loại này. Chúng đang tình chuyện gì đây và khi nào cùng nơi nào chúng sẽ ra tay hành động ? 

Vào cuối tháng 5 năm 2002 có một tin đưa ra làm tòa Bạch Oác và cơ quan FBI chới với là ông Aukai Collins nói ông là người điềm chỉ cho FBI trong vòng 4 năm tại Phoenix, ông đã quan sát theo theo dõi cộng đồng Ả rập và Hồi giáo ở đây và đã thông báo cho FBI biết về tên không tặc Hani Hanjour khi Hanjour đang theo học một trường dạy lái máy bay ở đó nhưng FBI không làm gì cả. 

FBI cho biết là họ bác bỏ chuyện Colllins đã báo với họ về tên không tặc Hanjour dù họ thú nhận chuyện Collins đã làm điềm chỉ viên cho họ.

Một nhân viên đặc biệt của FBI là Ken Williams có viết một bản báo cáo vào ngày 10 tháng 7 , thúc giục tổng hành dinh FBI điều tra về những học viên Ả rập vào trong những trường dạy máy bay toàn quốc – và cố gắng làm dịu đi sự phẫn nộ của quần chúng về chuyện cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 có thể được ngăn ngừa.

Nếu những lời tố cáo của Collins là đúng, ông là một nguồn khác đã khuyến cáo FBI nên chú ý theo sát vấn đề học viên Ả rập học lái máy bay ở Phoenix, và có thể là người đầu tiên nhận ra khả năng ra tay của tên khủng bố Hanjour, sau này được nhận diện là một trong những tên không tặc ngày 11 tháng 9.

Collins nói FBI biết Hanjour sống ở Phoenix,biết địa chỉ chỗ ở đích xác của hắn, số điện thoại và ngay cả biết hắn lái xe loại gì. Họ biết tất cả những gì về hắn. 

FBI nhấn mạnh là họ không nhận được tin tức gì của Collins cung cấp về Hanjour, nhưng những viên chức FBI thú nhận là họ trả tiền cho Collins trong vòng 4 năm để theo dõi cộng đồng Ả rập và Hồi giáo ở Phoenix vì Collins có một lý lịch khá bất thường.

Anh ta là một chiến sĩ tự phong của thánh chiến Hồi giáo sinh ở Mỹ. Sau khi bị rắc rối với cảnh sát từ lúc còn ở tuổi thiếu niên, anh tìm đến đạo Hồi và cuối cùng ra nước ngoài để chiến đấu. Ở Chechnya anh bị mìn nổ lấy mất một chân.

Vào năm 1996 ở Phoenix, FBI yêu cầu Collins chú ý theo dõi một số thanh niên Ả rập, nhiều người trong bọn họ đang học lái máy bay, trong đó bao gồm cả tên Hanjour.

Collins cho biết bọn thanh niên Ả rập đó uống rượu, tán gái và sống với nhau trong chung cư ( apartment), trong đó bao gồm Hani và những người khác.

Collins nói ông cung cấp cho FBI những chứng cớ căn bản và để FBI tùy nghi định đoạt từ những chứng cớ ấy.

Ông nói, " Khi tôi nói có một tên Ả rập ốm và lùn ở trong đám đông, lái xe kiểu gì, tôi nghĩ là FBI sẽ theo dõi hắn ta và xem hắn ta liên lạc với ai."

Cơ quan FBI hoặc đã thất bại khi theo dõi những sự liên lạc của Hanjour hay bản thân Hanjour đã khôn khéo giấu kín những ý định của hắn – vì FBI không bao giờ coi hắn là một đe dọa.

FBI bực bội nhiều khi Collins đã viết một cuốn sách sắp sửa xuất bản nhan đề " Cuộc thánh chiến của tôi " ( my Jihad) nói đến thành tích của ông ta.

Không phải chỉ có một mình FBI thất bại khi không nhìn thấy được Hanjour và đồng bọn là nguy hiểm.

Collins cũng thú nhận, " Tôi cũng không khám phá ra hành tung của chúng, làm cách nào mà chúng từ sân sau nhà lên tới phi cơ và đâm vào tòa nhà ở New York."

Quốc hội Mỹ cũng không tìm ra luôn, bởi vậy mới tiếp tục đòi hỏi những câu trả lời từ FBI.

Giám đốc FBI là ông Robert Muller mới đây lên tiếng cảnh báo là sẽ có những tên đánh bom tự sát giống như những người tấn công tự sát vào những đám đông ở Do Thái sẽ ra tay ở nước Mỹ. Ông cho đó là điều sẽ xảy ra trong tương lai và không thể tránh được.

Ôâng Muller cho biết muốn bây giờ gài người điềm chỉ vào bên trong nhóm khủng bố để ngăn ngừa những cuộc tấn công tự sát như thế khá khó khăn vì người điềm chỉ ấy phải tỏ ra có một mức độ cuồng tín ( fanaticism) nào đó. 

Phó Tổng thống Chenney cũng cho biết là Mỹ không name được tin tức dí cả, Mỹ cảm thấy khó khăn để phản ứng trước những dấu hiệu ám chỉ mới nhất cho biết là tổ chức khủng bố Al – Qaeda sẽ tổ chức một cuộc tấn công khác.

Mueller cho biết cơ quan công lực đã khá thành công trong chuyện chống lại những hành động khủng bố ở Bắc Aùi nhĩ lan bằng cách phát triển cách cung cấp dữ kiện, thông tin về những kế hoạch khủng bố và bằng cách dùng phương pháp quan sát bằng điện tử.

Nhưng ông nói khó khăn khi tìm người điềm chỉ ( informants) gài vào những nhóm khủng bố nhắm mục tiêu vào Mỹ làm cho chuyện thu thập tin tức càng gay go thêm.

Phó tồng thống Cheney nói ông nhìn thấy " chuyện có thể xảy ra là chuyện thật " về những tên đánh bom tự sát có thể ra tay trên đất Mỹ nếu những tên đã tấn công Do thái thành công trong chuyện làm thay đổi tình hình ở vùng Trung Ðông. Ông cho rằng khủng bố là một chuyện quỉ quái, độc hại và là một thách thức lớn nhất mà người Mỹ phải đối phó như một quốc gia.

Ông Mueller nói FBI giờ đây tin rằng " một người làm bom của Al-Qaeda" đã tạo thành đôi giầy bom mà Richard Reid đã mang và tính ra tay nhưng đã bị những hành khách ngăn chận lại trên chuyến bay từ Paris vào Mỹ vào tháng 12 vừa qua.

FBI đang mướn thêm những chuyên viên khoa học để giúp điều tra những chuyện khủng bố và đang dùng " khả năng tập trung phân tích " để hỗ trợ cho chuyện thu thập bằng chứng.

Ông Mueller cũng nói chuyện bắt được Abu Zubaydah, một người cao cấp của Al –Qaeda, trong một cuộc bố ráp vào tháng Ba ở Pakistan là kết quả của một cuộc hành quân phối hợp của FBI và CIA. Ông nhắc đến những cuộc bố ráp chung như là một ví dụ cho thấy rằng bức tường ngăn cách cố hữu giữa FBI và CIA đang sập xuống khi hai cơ quan này cùng chung nhau chống khủng bố.

 

Hosted by www.Geocities.ws

1