TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


 CẦN CÓ NHỮNG GÌ
ÐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LÃNH ÐẠO

Vào ngày 5 tháng 6 năm 1968, tôi vinh dự giơ tay thề để trở thành trung úy của lục quân Hoa Kỳ. Ðiều đó có nghĩa là nghề nghiệp chuyên nghiệp của tôi bắt đầu với quyết tâm bảo vệ Hiến Pháp trước mọi kẻ khác, hải ngoại hay quốc nội, vào thời điểm mà quốc gia đang bị xâu xé bởi những tranh chấp ngoài và trong .

Những huấn luyện viên của chúng tôi tại trường Lục quân được chọn từ những sĩ quan ưu tú trong quân đội. Hầu hết họ đều đã tham gia chiến trận, và nhiều người còn mang những vết thương hiện rõ trên người. Tháng ngày huấn luyện trong trường trôi qua, họ lập đi lập lại và không ngừng thách thức chúng tôi bằng một câu thần chú cũ, " Bạn làm gì bây giờ đây hỡi trung úy "

Không lâu trước khi chúng tôi tốt nghiệp, một trung tá cứng rắn nhưng sâu sắc đã từng chiến đấu trong thế chiến 2, Triều Tiên và Việt Nam ban một bài diễn thuyết cho chúng tôi, một bài mang nội dung cảnh cáo còn dội lại trong ký ức của tôi hầu như mỗi ngày. Ông nhắc lại một chiến trận ở Triều Tiên đã diễn tiến rất xấu, dù có nhiều kinh nghiệm, ông đã có sai lầm trong quyết định kỳ đó.

Ông nói, " Tôi cho bao vây quân thù trên một ngọn đồi. Tôi thiết lập một hỏa lực và gửi 13 lính vào rừng cây để bao vây quân thù. 13 lính đi vào rừng và cả 13 đều bị giết. Và , thưa quý vị, không có ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ về điều đó. " 

Viên trung tá nói đến căn bản rốt ráo tận cùng của sự lãnh đạo chiến trận: Tất cả binh sĩ đều chịu sự rủi ro như nhau, nhưng người lãnh đạo phải có những quyết định những gì phải làm, rồi sống với những kết quả. Ðiều ông ta không nghĩ tới được là ông ta đã nói rõ lên trách nhiệm đè nặng trên vai của tất cả những người lãnh đạo. 

Trong những tháng dài tôi trải qua với tư cách là một cấp chỉ huy trung đội tại vùng thung lũng nổi tiếng hắc ám An Hòa, lời khuyên bảo của vị trung tá ngày xưa cứ vang vọng mãi. Chúng tôi thường xuyên hành quân trong vùng đông dân cư, đi từ làng này qua làng khác và mở rộng chu vi hoạt động mỗi ngày. Vùng An Hòa là một vùng phức tạp đẫm máu. Quân thù đến bằng nhiều hình thức , từ những tổ VC nhỏ đến những sư đoàn Bắc Việt lớn. Và mỗi ngày, chúng tôi là những người lãnh đạo những đội quân và phải đưa ra những quyết định làm bối rối những khóa hội thảo về đạo đức và triết lý sống ở những trường đại học, nơi một số bạn bè của chúng tôi lúc đó đang vật lộn trí óc về cuộc chiến mà chúng tôi được gửi đi để chiến đấu.

Một đôi khi những tiến thoái lưỡng nan về đạo đức trở nên có tính cá nhân một cách sâu đậm. " Xóa sạch " những hầm hố trong làng là một tiến trình bình thường khi chúng tôi đụng độ với kẻ thù. Mỗi gia đình Việt Nam đều có một cái hầm nằm cạnh cổng nhà. Khi có giao tranh xảy ra , những gia đình chui vào hầm của họ. Nhưng nó cũng là một chiến thuật thông thường cho bộ đội phe địch trốn tránh trong hầm, và thường cho phép họ bắn chúng tôi từ phía sau. Cho nên chuyện quen thuộc thường ngày xảy ra được lính Mỹ cũng như dân làng hiểu thấu. Ðó là những toán lính Mỹ sẽ đi từ hầm này sang hầm khác yêu cầu dân làng ra khỏi hầm. Sau đó lính Mỹ sẽ quăng một trái lựu đạn vào hầm rồi một lính trong nhóm sẽ vào hầm để bảo đảm hầm đã trống.

Trong một trận càn, một lính Mỹ chui vào hầm kiểm tra sau tiếng nổ lựu đạn và tìm thấy 3 người không chịu chui ra. Một người thanh niên trẻ, có lẽ là một lính Việt Cộng địa phương, đã bị giết chết. Vì đã quá dạn dày trong chiến đấu, chúng tôi nhún vai bỏ qua cái chết của anh ta. Nhưng hai người kia làm tim tôi ngừng lại dù tâm trí tôi đã chai đá bởi những biến cố đau thương vốn nói lên tình trạng chiến tranh.

Người đàn ông tóc bạc bận đồ bà ba trắng, có lẽ là ông của cháu bé, đã chết trong khi ông còn ôm một bé trai nhỏ để bảo vệ nó từ tiếng nổ lựu đạn. Rõ ràng là những suy nghĩ cuối cùng của ông đều dành cho cậu bé. Cặp mắt ông mờ đục mở trừng trừng và thân hình còn co quắp là định nghĩa đích thực cho tình yêu và sự hy sinh nhân bản. Cậu bé vẫn còn sống, tuy thoi thóp. 

Chúng tôi đang đụng trận với kẻ thù và màn đêm sẽ buông xuống. Tôi đi quanh làng, tạo dựng những vị trí chống trả và gọi máy truyền tin báo cáo về cấp chỉ huy của chúng tôi. Một binh sĩ đi theo tôi và bồng đứa bé trên tay. Anh ta và tôi đã chiến đấu gian khổ cùng nhau trong 7 tháng. Chúng tôi đã thấy hàng núi sự việc đau thương và chúng tôi không dấu diếm gì với nhau cả. Anh ta nài nỉ, " Thưa xếp, nếu xếp không đưa đứa bé này ra khỏi đây ngay thì nó sẽ chết "

Tôi gọi quân y cấp cứu bằng trực thăng, nhưng tôi cũng biết câu trả lời như thế nào rồi. Chuyện cấp cứu khẩn cấp chỉ dành cho lính Mỹ. Chúng tôi đang ở trong một vùng mà bãi đáp trực thăng có nhiều nguy hiểm. Thường dân Việt Nam chỉ được cứu cấp khi khu vực bãi đáp an toàn và tất cả lính Mỹ được săn sóc xong

Bạn làm gì bây giờ đây hỡi trung úy ?

Tôi không thể nói dối với cấp trên. Không có lính Mỹ bị thương. Tôi kêu gọi cứu cấp cho đứa bé nhưng không thành công. Tôi nói với người bác sĩ trong trung dội, " Họ chỉ cứu cấp theo lịch trình thường lệ thôi." Tôi biết chuyện này có thể kéo dài hàng giờ.

Ông bác sĩ trả lời với giọng bực bội, " Ðược rồi. Rồi xếp sẽ nhìn cậu bé chết ."

Viên bác sĩ đặt cậu bé trên một cái hộp gỗ cạnh vị trí chỉ huy hành quân. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau đó, trong khi tôi nói chuyện điện đài, cậu bé nằm yên lặng, không gây một tiếng động nào, chỉ biết nhìn tôi. Tôi cũng không ngừng nhìn cậu. Và trong lúc chúng tôi nhìn nhau, cậu ta lịm dần đi vào cõi chết.

Có những lúc trong đời khi tôi nhìn lại và nhìn cặp mắt nâu và xác co quắp của ông già mà ý nghĩ sau cùng của ông già là tìm cách cứu đứa bé. Tôi sẽ không bao giờ quên họ, và cũng không muốn quên. Thung lũng An Hòa đã để lại những câu chuyện trong đời của chúng tôi như thế. 

Khi bạn có cái chết riêng tư, nhìn vào cặp mắt của những người vô tội trong khi sự sống kiệt quệ dần, nhìn thấy sự sống bị xé toang ra không phải một lần mà cả trăm lần – bạn bè, kẻ thù và những người bị kẹt ở giữa – nó không chỉ mang lại sự đau buồn mà cả sự thông minh bướng bỉnh quái đản. Khi bạn nhìn một trận đánh kẻ thù với sự tàn bạo và thường với sự kinh hãi, bạn có khuynh hướng kết luận rằng ở một tâàm mức nào đó bạn có những điểm chung với những kẻ mà bạn muốn giết hơn là với những kẻ vốn nhìn chiến tranh chỉ là một cuộc tranh luận trí thức. Và khi bạn phục vụ với những người tốt, bạn lính với nhau, một số trong bọn họ bạn sẽ yêu mến thân thiết như người thân trong gia đình, có rất ít người trong đời được bạn tin tưởng và kính trọng với mức độ như vậy.

Như viên trung tá cảnh báo trong bài nói chuyện của ông ta, cảm giác có trách nhiệm là gánh nặng của lãnh đạo, cho dù là ở chiến trường hay ở quốc hội. Khi bạn có quyền lực để làm những quyết định, bạn phải nhận lấy trách nhiệm về kết quả và sự bổn phận của bạn dùng quyền lực cho chuyện tốt.

Những điều này có liên quan gì đến chính trị ngày hôm nay ?

Tất cả.

Quốc gia của chúng ta đang ở giữa một sự khủng hoảng sâu đậm. Sự khủng hoảng có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn chúng xảy ra là do những quyết định sai làm của lãnh đạo ở mọi cấp của chính quyền. Thêm vào đó, tiến trình bầu cử của chúng ta bị khống chế bởi những quyền lợi thương mại vốn bị đe dọa bởi bất cứ ý niệm cải tổ nào. 

Bầu cử không phải là xiếc truyền thông, lại không phải là những cuộc bán đấu giá nơi mà ứng cử viên bán mình cho người nào trả giá cao nhất. Ðó phải là những khế ước luân lý giữa những người mong muốn lãnh đạo và những người đồng ý để được lãnh đạo.

Chúng ta phải làm gì, khi nào ?

Trong một hình thức này hay khác, câu hỏi này được hỏi mỗi ngày ở mỗi cộng đồng và ở hầu hết mỗi nhà khắp thế giới. Trong những xã hội toàn trị, nó là tiếng thì thầm; ở những xã hội khác, nó được tranh luận. Ở Mỹ , chúng ta khá thành thật đồng ý về chuyện tìm thấy chúng ta làm một chút xíu của cả hai thứ.

Những thử thách của chúng ta nằm ở sự cải tiến cái cách chúng ta chọn những người lãnh đạo. Ðối với cử tri người Mỹ, tôi muốn cung hiến lời khuyên này : Phải khôn ngoan sắc sảo và tàn nhẫn trong những yêu cầu của bạn khi những người quỷ quái vận động tranh cử tung ra những chiến thuật để kiếm phiếu của bạn. Hãy làm phận sự của bạn để gửi tới thủ đô Washington những người thực sự muốn giải quyết những vấn đề của quốc gia này từ dưới lên trên.

Bạn sẽ không hối tiếc về điều đó. Bạn sẽ được hưởng lợi từ nó. Và những sự đánh cược không thể cao hơn nữa. . Ðôi khi công việc chính trị xem có vẻ ngớ ngẩn. Nó cũng có thể gây tức giận. Nhưng bạn phải ở trong cuộc chơi, vì bạn và con cháu của bạn sẽ là những người thừa hưởng của cả thành công và lầm lỗi của chúng ta.

Thượng nghị sĩ Jim Webb

( Trích từ bài " What it takes to be a leader " của Jim Webb đăng trong tap chí " Parade " ngày 18 tháng 5 năm 2008. Ông Jim Webb có thời làm bộ trưởng hải quân trong chính phủ Reagan)

Trần viết Ðại Hưng chuyển ngữ ) 

Lời bàn của người dịch:

Nước Mỹ hiện nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Quốc nội thì nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng, quốc ngoại thì coi như Mỹ bị sa lầy ở Iraq giống như Việt Cộng trước đây sa lầy ở Kampuchea trong thập niên 1980 vậy.

Trong bài viết trên, ông Jim Webb cho rằng mọi cấp của chính quyền Mỹ hiện nay phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng khoàng mà nước Mỹ đang gánh chịu. Ông hàm ý trách móc là cử tri Mỹ không không cân nhắc và sáng suốt khi bầu nên một chính phủ bất tài và bất lực hiện nay. 

Ông Jim Webb đã nhận xét đúng. Chính Tổng thống Bush con và ông phó Cheney đã đẩy quân Mỹ vào sa lầy ở Iraq. Có trên 4000 quân nhân Mỹ tử trận oan uổng tại Iraq. Nếu Mỹ đổ quân vào Afghanistan để đánh đuổi trùm khủng bố Bin Laden và giáo chủ Omar là một cuộc chiến đầy chính nghĩa vì Bin Laden và Omar chính là người điều động bọn khủng bố đánh vào Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 làm chết trên dưới 3000 dân Mỹ thì chuyện đánh Iraq là một cuộc chiến sai lầm và mất chính nghĩa của Mỹ. Sađdam Hussein hoàn toàn không dính líu gì vào vụ 911 ở Mỹ. Lý do tổng thống Bush con đánh Iraq vì cho rằng Sađdam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt thì cũng hoàn toàn sai lầm. Sau khi chiếm Iraq , Mỹ hoàn toàn không tìm thấy dấu tích gì của vũ khí hủy diệt hàng loạt như thường tố cáo Iraq. Ðể lôi kéo quốc hội chấp nhận cho Mỹ đánh Iraq, chính phủ Bush con phải bắt buộc cơ quan CIA và những cơ quan quân sự khác ngụy tạo tin tức để làm cho quốc hội Mỹ tin là Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt hầu quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho chính phủ Bush con đánh Iraq..Sau chiến tranh Việt Nam, quốc Hội Mỹ ra luật là nếu chính phủ Mỹ muốn tiến hành chiến tranh với bất cứ nước nào đều phải được sự cho phép của quốc hội chứ không được tự ý hành động. Chuyện chính phủ Bush con ngụy tạo tin tức để có lý do đánh Iraq là một sự dối trá nguy hiểm về phương diện an ninh quốc gia mà chính phủ Bush con phải chịu trách nhiệm với nhân dân Mỹ và lịch sử . Nước Mỹ bị mất mặt khá nhiều trên trường quốc tế vì cuộc chiến tranh phi nghĩa Iraq do Mỹ chủ xướng.

Phải nhìn lý lịch của ông Bush con và ông Phó Cheney thì mới thấy rằng hai ông này là hai " anh hùng" dỏm. Hai ông vào lứa tuồi quân dịch khi Mỹ nhảy vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Phó Cheney không phải chỉ có 1 lần mà cả thảy 5 lần thoái thác không thi hành nghĩa vụ quân dịch. Ông ta viện cớ này cớ nọ để khỏi ra chiến trường Việt Nam. Ông Bush con nhờ có cha là một vị dân cử quyền thế nên chọn con đường vào học trường không quân của Vệ binh quốc gia ( national guard). Nói theo lối nói Việt Nam thì ông đi lính " kiểng " để khỏi ra chiến trường ăn đạn. Ngay cả đi học làm phi công , ông cũng bê trễ trong chuyện huấn luyện mà những tài liệu sau này tiết lộ cho biết. Khi tổ quốc cần hai ông Bush con và Cheney làm nghĩa vụ quân sự ra chiến trường thì cả hai ông tìm cách này cách khác ở lại hậu phương, sợ ra chiến trường " ăn đạn "! Xem thế mới thấy hai ông thua xa ông Jim Webb, một người anh hùng thật sự, đã qua chiến trường Việt Nam chiến đấu anh dũng cho tổ quốc. 

Ðiều mỉa mai cần nói ở đây là ông Cheney có thời gian làm tổng trưởng quốc phòng trong chính phủ của Tổng thống Bush cha. Trốn thi hành nghĩa vụ quân sự như ông Cheney mà sau này làm bộ trường quốc phòng. Thật không có gì mỉa mai hơn.

Hai ông Bush con và Cheney đều chưa có dịp ra chiến trường chiến đấu. hai ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh máu đổ thịt rơi giữa mưa bom đạn pháo khốc liệt. Hai ông chưa từng biết cái đau đớn khi bị thương cũng như sự nhọc nhằn, nguy hiểm của những cuộc hành quân gian khổ . Khi đứng ở vai trò lãnh đạo quốc gia , hai ông ngồi êm ái thoải mái ở Tòa Bạch ốc gửi quân đi đánh trận để rồi chuyện chết chóc là điều không thể tránh. Nếu hai ông đã từng ra chiến trường, có lẽ hai ông sẽ đắn đo, cân nhắc khi gửi quân đi đánh Iraq.

Một người lính ngã xuống là cả gia đình người lính đau khổ tột cùng. Không khí tang tóc bao trùm nước Mỹ trong những năm vừa qua. Có một hình ảnh làm xúc động cả nước Mỹ khi vài năm trước đây có một phụ nữ, trong ngày chiến sĩ trận vong , đã quàng một lá cờ Mỹ quanh người và ra nằm sấp trên mộ người chồng của bà vốn là một chiến binh bị gục ngã ở chiến trường Iraq trước đó. Bà nằm ôm mộ chồng để thể hiện lòng yêu thương vô hạn với người chồng quá cố đã mất mạng ở chiến trường Iraq. Ðây là một hình ảnh vừa yêu thương vừa đau thương bi thảm còn ghi lại sâu đậm trong lòng dân Mỹ.

Nếu một người lính Mỹ mất mạng trên chiến trường Afghanistan, thì đó phải coi là một sự hy sinh cao quý cho tổ quốc . Trong khi một lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq phải coi cái chết đo khá oan uổng . Lý do là phe nhóm Bin Laden ở Afghanistan có bàn tay nhúng máu dân Mỹ trong khi chế độ Sađdam Hussein ở Iraq không dính líu và gây tổn thất gì đến sinh mạng của dân Mỹ .

Trong bài viết Thượng nghị sĩ Jim Webb cho biết ông muốn di tản đứa bé bị thương nặng bằng trực thăng ngay để cứu mạng sống cho bé nhưng vì luật lệ quân đội là chuyện cứu cấp ngay chỉ dành cho lính Mỹ nên không di tản bé trai đi được và đành phải nhìn bé chết . Người đọc lấy làm tiếc cho chuyện đó. Nếu ông Jim Webb bất chấp luật lệ quân đội và kêu máy bay trực thăng cứu sống cho cháu bé bị thương nặng và sau đó câu chuyện được loan tải khắp nơi thì sự chiến đấu của người lính Mỹ có chính nghĩa đẹp đẽ biết bao trên chiến trường Việt Nam. Dĩ nhiên quân nhân thì phải tuân theo luật quân đội và dân thường thì phải tuân theo luật lệ của xã hội. Nhưng trong đời có lúc phải có can đảm hành xử theo lẽ phải nhân bản và bỏ qua những luật lệ cứng ngắt thì mới xứng đáng là con người đúng nghĩa. Một vụ Mỹ Lai làm cho thế giới và dân Việt Nam nhìn bọn lính Mỹ như những tên bắn giết hung bạo và hãm hiếp dân lành Việt Nam. Dĩ nhiên Mỹ mất chính nghĩa khá nhiều khi có vụ tàn sát Mỹ Lai xảy ra. Tiếc rằng ông Jim Webb đã không vượt qua luật lệ quân đội để cứu đứa bé bị thương nặng thì chính nghĩa của lính Mỹ sẽ sáng ngời và Mỹ sẽ thành công hơn trong chiến tranh Việt Nam. 

Jim Webb hiện nay là một thượng nghị sĩ của Mỹ.. Với kinh nghiệm chiến trường đẫm máu, ông là người chững chạc và khôn ngoan trong vai trò lãnh đạo. Người dân Mỹ cần bầu những người giỏi giang, can đảm như ông Jim Webb vào chính phủ thì nước Mỹ mới mong có ngày sáng tươi hùng mạnh.

Los Angeles, một đêm khô lạnh cuối tháng 5 năm 2008
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: [email protected]
( Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần viết Ðại Hưng thì vào www.nsvietnam.com rồi bấm tên Trần viết Ðại Hưng nằm bên trái)

Hosted by www.Geocities.ws

1