TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý

DỬNG DƯNG 
TRƯỚC NỖI ÐAU ÐỒNG LOẠI

(Updated July 24/2002, Aug.16/2002; Mar. 01/03; Apr. 14/03; Nov. 10/03) 

Từ lúc có mặt con người trên mặt đất, con người lúc đầu sống thành từ bầy, từng đàn và sau này thành từng bộ lạc. Nói chung từ thuở ûkhai thiên lập địa đến nay, con người vốn sống chung với nhau trong tình tương thân tương ái. Cho dù nhân loại sau này có bước qua thời kỳ phong kiến và sau này là tư bản, con người nói chung là có cuộc sống riêng tư nhiều hơn, tuy thế vẫn có sự ràng buộc mật thiết với những người chung quanh. Mọi người đều sống độc lập với khả năng của mình nhưng vẫn cần sự giúp đỡ của tha nhân khi gặp chuyện không may. Thế nhưng vẫn có trường hợp trong đó có những người dửng dưng và quay lưng lại với nỗi đau đồng loại của mình. Nguyên nhân thờ ơ dửng dưng trước sự nguy khó của người khác có thể là do cá tính ích kỷ của người bàng quan, hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa và xã hội đương thời đang sống hay là bị chi phối nặng nề của nề nếp chế độ đương thời. Nhân chi sơ bao giờ cũng tính bản thiện, chỉ vì ảnh hưởng của văn hóa độc hại cùng cách cai trị vô luân và vô nhân của chế độ độc ác đã làm cho con người mất dần đi bản tính thiện căn bản của mình là sẵn sàng ra tay cứu giúp người khác trong khi hoạn nạn cấp kỳ. Ðôi khi con người nhúng tay vào tội ác chỉ vì phải theo lệnh nhà cầm quyền độc tài chuyên chế mà họ không có khả năng từ khước vì đó là nhiệm vụ phải làm. Chuyện ác thường được che đậy dưới nhiều mỹ từ như tranh đấu cho độc lập, tự do, công bằng dân chủ làm cho người phạm tội ác đôi khi không đủ lý trí để nhận xét đúng sai hành động của mình. Chuyện ác có khi được thi hành như bổn phận bắt buộc của một người lính, người dân mà khi thi hành xong rồi, những người còn có chút lương tâm, sẽ ray rứt ân hận khôn nguôi. 

Sự tác hại đến người khác không phải lúc nào cũng đến từ một hành động gây đau đớn. Nó có thể đến từ sự "án binh bất động " khi có người cần sự giúp đỡ. Ðể minh chứng cho điểm này, người ta có thể nhắc lại một câu chuyện xảy ra ở Queen, New York vào năm 1964. Một người đàn bà tên Kitty Genovese bị một người đàn ông đâm trong suốt hơn nửa tiếng đồng hồ với 3 lần tấn công riêng biệt, trong khi 38 người chung quanh đứng ngó và không làm gì cả. Không có người nào đứng coi gọi điện thoại cho cảnh sát đến can thiệp. Chỉ có một người duy nhất gọi cảnh sát sau khi nạn nhân đã chết. Báo chí và truyền hình tìm cách lý giải sự dửng dưng vô tình của " những người đứng coi " và làm cho cả nước Mỹ sửng sốt và bối rối vì không thể chấp nhận nổi sự dửng dưng vô tình của những người công dân có trách nhiệm. Sự phẫn nộ đối với án mạng của bà Kitty Genovese đã tạo nên sự chú ý chưa từng có đối với vấn đề lãnh đạm, hờ hững của những người bàng quan.

Tại sao những người bàng quan không nhảy vào giúp đỡ nạn nhân? Phải giải thích vấn để tâm lý xã hội trong chuyện này như thế nào?

Sau khi nghe vụ án giết người của bà Kitty Genovese và những phân tích của báo chí, nhà tâm lý xã hội Bibb Latané và John Darley bắt đầu nghiên cứu đến vấn đề can thiệp của những người bàng quan. Những cuộc nghiên cứu tạo ra những vấn đề tương tự đối diện với những người bàng quan trong tình trạng khẩn cấp thật sự. Trong một trường hợp, có một sinh viên được đặt vào trong một phòng một mình và liên lạc bên ngoài bằng một hệ thống điện thoại, anh ta được hướng dẫn để tin rằng anh đang liên lạc với một hay nhiều sinh viên khác ở trong những phòng kế cận. Trong khi thảo luận về những vấn đề cá nhân, chủ đề nghe được giống như nói đến một trong những sinh viên khác ở phòng bên đang bị chứng co giật và đang thở hổn hển kêu cứu sự giúp đỡ. Trong khi người kia bị " co giật " như thế, chuyện tìm cách nói chuyện với những người kia là chuyện không thể được hay rất khó tìm hiểu xem họ đã làm gì về chuyện khẩn cấp này . Vấn đề tìm hiểu ở đây là xem người sinh viên đó phản ứng với tốc độ như thế nào để báo cáo với người đang làm thí nghiệm với anh ta về chuyện người bị co giật mà anh nghe thấy. Kết quả thí nghiệm cho thấy là anh ta phản ứng nhanh hay chậm tùy thuộc vào số người mà anh tin là đang ở trong nhóm thảo luận với anh ở những phòng kế cận. Anh càng tin có càng nhiều người thì anh càng phản ứng chậm trong chuyện báo cáo về chuyện người bị co giật. Thí nghiệm cho biết nếu chỉ có hai người thì phản ứng chỉ trong vòng 160 giây, nhưng gần 40% những người nếu tin rằng họ là một phần trong một nhóm lớn hơn thì họ không bao giờ bận tâm đi báo cáo chuyện có một người bị đau nặng.

Ðó là tại người hay tại hoàn cảnh? Những cuộc thử nghiệm về cá tính cho thấy không có sự liên hệ rõ rệt nào giữa những cá tính đặc thù cá nhân và tốc độ phản ứng hay khả năng can thiệp. Mấu chốt trong chuyện can thiệp nhanh hay chậm là tùy thuộc vào số lượng người hiện diện. Hai ông Darley và Latanté chiêm nghiệm rằng là khả năng can thiệp sẽ hạ xuống nếu số lượng người chung quanh tăng lên, bởi vì mỗi người cứ nghĩ là những số người khác sẽ giúp, cho nên bản thân người ấy không muốn quyết tâm đứng ra " đứng mũi chịu sào " . Những cá nhân khi coi họ là một phần của một nhóm đông người có khả năng can thiệp trải qua cái kinh nghiệm trách nhiệm phân tán: sự phân tán hay làm yếu đi trách nhiệm bổn phận của mỗi cá nhân trong nhóm là phải giúp, như sự tổng cộng trách nhiệm được chia sẻ bởi tất cả những thành viên trong nhóm. Bạn có thể kinh nghiệm trong một lúc nào đó cái trách nhiệm phân tán này nếu bạn lái xe vượt qua và làm lơ không đứng lại để cứu giúp một chiếc xe bị hư đang nằm trên xa lộ vì bạn cho rằng ‘ sẽ có ai đó ‘ sẽ dừng lại để giúp. Ngược lại, nếu bạn tin rằng bạn là người bàng quan duy nhất biết đến cảnh ngộ khốn cùng, tuyệt vọng của nạn nhân, bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn – và cơ hội – để cung ứng sự giúp đỡ.

Một yếu tố không còn nghi ngờ gì nữa cũng có tác dụng : đó là sự thích nghi. Khi không biết phải hành động như thế nào thì người ta thường hay làm theo người khác. Ðiều đó cũng xảy ra trong khi nghiên cứu đến vấn đề những người bàng quan, nơi những người trong cuộc thất bại trong chuyện can thiệp đã được quan sát và hướng theo cung cách của những người không làm gì. Cho nên vấn đề người bàng quan can thiệp nhanh hay chậm phần nào là vấn đề làm theo những tiêu chuẩn và quy tắc của nhóm mà người bàng quan là thành viên trong nhóm đó.

Thật ra chuyện ngần ngại can thiệp người đang bị nguy khốn trong xã hội Mỹ cũng bắt nguồn từ một nguyên nhân khác là luật lệ nhiêu khê của luật pháp Mỹ. Cứu người không khéo sẽ mang thêm những rắc rối pháp luật vào mình. Luật pháp không phải cũng hoàn toàn công bình công lý hoàn toàn mà đôi khi cũng có sai sót, nhiều chuyện " tình ngay lý gian ", không khéo người can thiệp vào những chuyện làm có tính cách hiệp sĩ lại mắc vòng lao lý tù tội oan uổng. Cho dù là ở trên xứ Mỹ văn minh này cũng thế thôi. Trên tờ báo Newweek cách đây vài năm có đăng một bài trong mục " My turn" ( Ðến phiên tôi) của một bác sĩ kể chuyện có hôm ông đi đường gặp một cảnh tai nạn. Ông Bác sĩ này tên là James N. Dillard và số báo Newsweek này là số ngày 12 tháng 6 năm 1995. Vì là một bác sĩ nên ông tức tốc đến cấp cứu nạn nhân trong khi chờ xe cứu thương đến. Lúc ông đến nhà thương làm việc thì người xếp của ông cho biết là lần sau không nên nhảy vào để cứu cấp như vậy vì nếu có điều gì không hay xảy ra cho nạn nhân thì sẽ mang rắc rối pháp lý vào người. Lời khuyên đó có vẻ ích kỷ nhưng phản ánh cách suy nghĩ của người công dân trong xã hội Mỹ. Hệ thống pháp luật Mỹ nói chung chỉ có lý mà không có tình, đã ngăn trở những người công dân tốt trong chuyện nhảy vào cứu cấp người đang lâm nạn. 

Những luật sư chuyên nghề kiện tụng ở Mỹ đã làm cho lối sống của người Mỹ ngày thêm ích kỷ, dửng dưng và thờ ơ trước người đồng bào minh đang lâm nạn. Ngày xưa có những luật sư như Abraham Lincoln của Mỹ (sau này thành một trong những tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ), luật sư Gandhi của Ấn độ dùng sở học của mình để bênh vực cho những người yếu thân, cô thế đang chịu đựng sự bất công. ( Sau này chính là thánh Ganhdi, người đã lãnh đạo dân tộc Ấn giành độc lập từ tay người Anh.) 

Ngày nay luật sư hầu như chỉ đi tìm kiếm những sự không may,lầm lỗi sơ hở của người dân để làm giàu cho túi tiền của mình. Ông Iacocca, nguyên Tổång giám đốc hãng xe Chrysler đã có một nhận xét cay đắng trong cuốn hồi ký của ông như sau về tình trạng lạm phát luật sư trên đất Mỹ, " Nước Nhật ngày càng khá vì cứ 9 kỹ sư mới có một luật sư. Còn nước Mỹ thì ngày càng lụn bại vì cứ 9 luật sư mới có một kỹ sư . " Ý ông Iacocca muốn mỉa mai chuyện luật sư Mỹ suốt ngày đem bị can, bị cáo lên tòa kiện tụng những chuyện bá vơ làm suy yếu tiềm lực quốc gia. Dĩ nhiên chuyện kiện tụng cũng làm cho người không dám cứu người trong những tình trạng nguy nan, khẩn cấp vì sợ liên lụy đến nạn nhân nếu sự cứu giúp không mang lại kết quả tốt đẹp mà ngược lại gây ra những chuyện bất như ý cho nạn nhân. Người đi làm ơn rất có nhiều nguy cơ bị mắc oán và đó là nguyên nhân khiến cho người bàng quan ngần ngại trong chuyện cứu cấp người đang mắc nạn trong xã hội Mỹ.

Riêng tại Việt nam bây giờ chuyện cứu giúp người lâm nạn có gì khác biệt không? Trong một cuộc phỏng vấn với Ðài phát thanh Á châu tự do vào trung tuần tháng 4 năm 2002, Thầy Tuệ Sĩ báo động cái tình trạng dửng dưng của con người trong chế độ Cộng sản hiện nay trước nỗi đau đồng loại. Thầy kể chuyện có một phụ nữ bị cướp công khai giữa thanh thiên bạch nhật ở ngoài đường. Phụ nữ này hô hoán kêu cứu nhưng đám đông chung quanh chỉ trơ mắt ngó và không ai can thiệp. Thầy cho biết cái tinh thần truyền thống lâu đời " bầu ơi thương lấy bí cùng " của người Việt Nam ngày nay hầu như không còn nữa. Thầy chỉ rõ nguyên nhân là do sự tàn phá của chủ nghĩa Cộng sản, đã dần dần phá hoại những truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc. Thầy tố cáo chủ nghĩa Cộng sản hiện tại là chủ nghĩa phá hoại ( vandalism), đã phá hoại đến tận cùng ngàn năm văn hóa,văn hiến của đất nước Việt Nam và triệt tiêu văn minh loài người. Một thứ phá hoại hạ cấp bỉ ổi. Hy vọng tấn thảm kịch Cộng sản sẽ sớm hạ màn trên quê hương Việt Nam để người Việt Nam sẽ lại yêu thương, đùm bọc, cứu giúp lẫn nhau như câu ca dao được truyền tụng lâu đời, " Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng." Cái tinh thần " thấy người hoạn nạn thì thương " được coi như truyền thống xử sự nhân đạo và cao đẹp của người Việt Nam ngày càng mai một dưới chế độ Cộng sản. Tình người đối với nhau không còn nồng thắm như xưa mà trái lại lạnh nhạt xa cách với nhau đến độ tàn nhẫn. Sự đối xử tử tế dành cho nhau giờ sao quá hiếm hoi. Và đó là điều đáng lo ngại khi sự dửng dưng trước nỗi khổ của nhau đã trở thành một nếp sống. Một nếp sống thờ ơ, hời hợt của con người mới xã hội chủ nghĩa hôm nay mà phải cần nhiều thế hệ nữa mới mong thay đổi lối sống ích kỷ hại nhân xấu xa này vốn đã biến thành tì vết trong tâm thức.

Nhắc đến thầy Tuệ sĩ người ta không thể quên tinh thần bất khuất đấu tranh của thầy khi bị tù tội Cộng sản. Cách đây không lâu trước khi được trả tự do cùng chung với thầy Trí Siêu, Cộng sản bắt thầy phải ký tên xin ân xá tới chủ tịch nước Trần đức Lương. Thầy phản đối không ký và tuyệt thực luôn trên 10 ngày để phản đối. Rốt cuộc Cộng sản chịu thua và trả tự do cho thầy về nhà. Thầy giỏi chữ Hán, có thể làm thơ bằng chữ Hán như thi sĩ Cao Tiêu ở hải ngoại. Nhà văn Nguyễn minh Cần đã ca tụng thầy là một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, và là một nhà Phật học uyên bác trong cuốn sách " Công lý đòi hỏi " của ông. Học giả Ðào duy Anh sau khi gặp thầy tại Nha Trang năm 1976 đã nhận xét " Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam."

Bài thơ " Tự Thuật" làm cho chúng ta hiểu rõ thầy thêm nữa. Những giáo lý về sự Khổ và tính Không của nhà Phật thầy đã học ba mươi năm trước giờ đây giúp thầy lấy cái Chân Không mà đối trị lại cái đêm đỏ của địa ngục trần gian do các thế lực yêu ma, ác quỷ tạo nên. Thầy dùng cái trí tuệ Bát Nhã của nhà tu để đối diện với đêm tối máu lửa, hận thù

TỰ THUẬT

Tam thập niên tiền học Khổ Không
Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân hoa bất cố xuân quang lão
Thúy trúc tà phi túy mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
Ta đà tố phát bán tàn phong
Nhất triêu cước lạc huyền nhai hạ
Thủy bá Chân Không đối tịch hồng

Tạm dịch:

TỰ THUẬT

Ba mươi năm rồi học Khổ không
Kinh sách chất đầy cả cửa song
Xuân thắm không nhìn xuân hóa lão
Trúc xanh thoáng lượn đã say hồn
Thời gian thấm thoát mi dài rũ
Tháng lại ngày qua tóc điểm sương
Một sớm sẩy chân rơi vực thẳm
Chân Không bèn lấy chọi đêm hồng

Cách đây không lâu trong khi trả lời một đài phát thanh Việt ngữ ở nước ngoài nhân đám tang của Hòa thượng Ðức Nhuận, thầy nhắc lại chuyện cóù người nói với thầy là họ e ngại cái thái độ đương đầu quyết liệt của thầy đối với bạo quyền Cộng sản sẽ có thể dẫn đến chuyện không hay vì " cứng quá thì sẽ gãy". Thầy ung dung và khẳng khái trả lời, " Ðừng sợ chuyện cứng quá sẽ gãy. Vấn đề đặt ra ở đây là mình có đủ cứng hay chưa?" Câu nói trên đã cho thấy tinh thần vô úy đã được thể hiện một cách cụ thể và rõ ràng qua nhà tu bất khuất kiên cường Tuệ Sỹ. Ðạo pháp và dân tộc còn có ngày đi lên là cũng nhờ vào tinh thần vô úy bất khuất này.

Chuyện chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam để dần dần biến người Việt Nam thành những người không tim, trơ như gỗ đá trước đau thương khốn khổ của đồng bào ruột thịt là chuyện đã quá rõ ràng. Tuy nhiên nó chưa hẳn đã tiêu diệt hết lòng thương của con người dành cho cho người lúc khổ nạn cùng cực. Phải chăng là truyền thống nhân ái ngàn năm đã làm cho con người Việt Nam còn một chút tình người để sưởi ấm cho nhau khi khó khăn cùng cực.

Trong hồi ký " Giọt nước trong biển cả" của nguyên phó chủ tịch Quốc Hội Cộng sản Việt Nam là Hoàng văn Hoan có thuật lại chuyện trong thời kỳ cải cách ruộng đất, Ðảng chủ trương " đấu lý " để nâng cao giác ngộ của nông dân và làm cho địa chủ biết việc bóc lột nông dân là không đúng, thì các đội cải cách đã để cho nông dân xỉ vả người bị gọi là địa chủ, thậm chí chủ trương để cho nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, con xỉ vả bố mẹ, và người bị gọi là địa chủ cứ phải cúi đầu chịu, không được thanh minh phải trái, có người bị bao vây chặt chẽ đến nỗi cơm không có ăn, hàng xóm hoặc bà con quá thương phải giấu lén đưa cho củ khoai, củ sắn sống qua ngày. ( Trích từ trang 362 cuốn hồi ký " Giọt nước trong biển cả " ). Ðạo lý Việt Nam đến hồi suy kiệt khi có những cảnh con cái tố khổ cha mẹ, vợ chửi mắng chồng trong cuộc cải cách ruộng đất vào thập niên 50 trên đất nước Việt Nam.

Chuyện giấu lén để đưa củ khoai cho người nạn nhân đang bị đấu tố, cô lập cho thấy cái tình nhân ái của con người Việt Nam dành cho đồng loại của mình mặc dù chế độ vô luân Cộng sản đang ngày đêm làm thui chột và mai một tinh thần cao thượng và quý giá ấy. Những chuyện lấy bào thai nuôi heo, chuyện anh em , bố chồng, con dâu đối xử với nhau đến độ lạnh lùng tàn nhẫn trong những chuyện ngắn của Nguyễn huy Thiệp đã nói lên cái dửng dưng tàn nhẫn của con người đã đến thời kỳ báo động đỏ. Khi một chế độ xã hội như chế độ Cộng sản tại Việt Nam dần dần làm cho con người mất hết nhân tính, đối xử với nhau không còn một chút tình người, lạnh lùng và tàn nhẫn cùng cực với nhau như kẻ thù thì chuyện những tội ác kinh tởm xảy đến trong xã hội đó cũng sẽ không làm ai ngạc nhiên. 

Trong baì thơ " Anh gặp em" (1965) nhà thơ Nguyễn chí Thiện cho biết ông có gặp một cô gái trong tù. Cô bị bệnh lao nặng, và qua giọng nói thì biết cô là người miền Nam tập kết. Cô gái được mô tả bởi những nét chấm phá thê thảm như sau

Anh gặp em trong bốn bức rào dầy
Má gầy mắt trũng
Phổi em lao, chân em phù thũng
Gió lạnh từng cơn rú qua thung lũng
Em ngồi run, ôm ngực còm nhom
Giữa bọn người vàng bủng co ro
Những tiếng ho
Những cục đờm màu
Mớ tóc rối đầu em rủ xuống
Mình em, teo nhỏ, lõa lồ
Dù cũng đang ở tù, với bao nhiêu nhọc nhằn khổ sơ dành cho bản thân mình, nhà thơ Nguyễn chí Thiện cũng không cầm được nước mắt khi nhìn cô gái bệnh hoạn đau thương này
Trong lòng anh bấy lâu nay xám lại
Nhìn em lệ muốn chảy dài
Tình thương của Nguyễn chí Thiện dành cho cô gái tù bệnh hoạn là một tình thương cao quí, trong vắt và tha thiết . Ðó là tình của con người dành cho một con người.Ước mong sao người Việt Nam nào cũng đối xử với nhau bằng một tấm lòng mẫn cảm, yêu thương như thế thì đất nước Việt Nam sẽ là xứ sở của thương yêu, đùm bọc chứ không phải xứ xở của ác cảm, thù hận.

Nếu những người đấu tranh hôm nay không góp công, góp sức để giật sụp đổ cái chế độ vô nhân phá hoại văn hóa và nhân phẩm con người đó thì coi như cũng thuộc loại người dửng dưng trước nỗi khổ của đồng bào, thờ ơ với quê cha đất tổ.

Tổ sư Cộng sản Các Mác có câu nói để đời, " Chỉ có loài thú mới quay lưng lại với nỗi khổ của đồng loại." Mác nói như vậy chưa đủû. Nói như vậy chưa đủ, con người Việt Nam hôm nay còn tệ hơn con thú, không những quay lưng mà còn hành hạ đồng loại của mình

.Con đường đấu tranh quyết liệt với Cộng sản là con đường duy nhất mang lại quyền làm người cho người dân Việt Nam và từ đó đề ra một lối sống phù hợp với đạo lý ngàn năm của đân tộc Ðó là lối sống luôn tỏ bày lòng thương người sâu xa, luôn đối xử tử tế với nhau và sẵn sàng ra tay cứu giúp đồng loại, đồng bào trong cơn hoạn nạn, trầm luân. 

Lawndale, một chiều mưa lâm râm cuối tháng 5 năm 2002
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: PLEIKU [email protected]

 
Hosted by www.Geocities.ws

1