TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý

 
OMAR, PHE TALIBAN VÀ CỘNG ÐỒNG QUỐC TẾ

Omar xuất thân từ một gia đình nông dân ở Singesar ở vùng phía Tây-Nam A phú hãn vào năm 1960. Vốn là một tín đồ thuần thành, ông qua Pakistan để học về thần học, ở một trong những chi nhánh của trường dạy kinh Koran tên Madrassa nằm gần Karachi. Những trường này cung cấp một nền giáo dục cho những học sinh hiếu học xuất thân từ những nhà nghèo.

Rất ít người biết đến Mohammad Omar cho đến đầu thập niên 1980, khi ông xuất hiện với tư cách một người lãnh tụ du kích chống lại lực lượng Liên xô ở A phú hãn. Ðó cũng là thời gian mà ông có dịp tiếp xúc với người bạn tri kỷ đồng hành là Osama Bin Laden, để rồi tình bạn này vượt qua bao nguy khốn để đi đến chuyện nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Một thời gian ngắn sau khi ông lập ra phong trào Taliban vào mùa Xuân năm 1994, Mohammad Omar được dân làng Singesar của ông cho biết là có hai cô gái địa phương bị trói, cạo đầu và bị hiếp dâm tập thể bởi một số lính kháng chiến Mujahidin. Mohammad Omar tập trung lại chừng 30 cựu kháng chiến quân, tìm ra hai cô gái, giải thoát cho họ và treo cổ những người lãnh đạo Mujahidin có dính líu đến chuyện hiếp dâm trên.

Vì những hành động man rợ giống như hành động trên của phe Mujahidin có thể đã dẫn đến chuyện Omar ban hành một lề lối cai trị khắt khe trên cả nước. Phong trào Taliban ra đời ngẫu nhiên nhiều hơn là có tổ chức để kiểm soát sự hỗn loạn vô chính phủ sau khi những kháng chiến quân Mujahidin được Hoa Kỳ hỗ trợ lật đổ chính phủ Cộng sản của Najibullah từ Kabul, đây là chính quyền đầu tiên dốc toàn lực giải quyết tình trạng rối ren của xã hội.

Về nội bộ, phe Taliban tìm cách tiêu diệt một cách có hệ thống những lãnh chúa kháng chiến Mujahidin và những cai thầu ma túy khắp nước. Họ được coi là một phong trào tái lập một trật tự tối thiểu trong khi cả nước trong tình trạng hỗn loạn.

Mohammad Omar nói với một phóng viên Pakistan Rahimullah Yousifzei như sau, " Chúng tôi chống đối những người Hồi giáo đi sai đường. Làm sao chúng tôi im lặng được khi thấy tội ác xảy ra đối với đàn bà và người nghèo?" Tuy nhiên bởi vì sao đó mà phe Taliban ngày càng đi sai đường và mất hết thiện cảm của dân chúng, nhất là chuyện cho Bin Laden mượn đất A phú hãn để làm nơi huấn luyện và nuôi dưỡng khủng bố đã làm cho cả thế giới có cái nhìn ác cảm với A phú hãn.

Chính phủ Taliban ban hành luật lệ căn cứ chặt chẽ theo kinh Qu’ran, cấm đoán tất cả những hoạt động có thể làm xao lãng chuyện cầu nguyện, chuyện này phản ảnh tâm thức cá nhân của Omar và Bin Laden. Ðối với Omar, đây là phản ứng vì quá khứï xuất thân nghèo khổ của ông; đối với Bin Laden là phản ứng vì tuổi trẻ lầm lỡ của ông và ông dấn thân để tạo sự chú ý cho đòi hỏi của ông. Ðứa trẻ ngỗ nghịch Bin Laden rán tìm sự vỗ về của người cha đã bỏ rơi ông khi ông mới mười tuổi. Mohammad Omar trộn lẫn tri thức của truyền thống Pushtun với luật Hồi giáo trong sự chữa chạy của ông đối với căn bệnh quốc gia mà ông lên cầm quyền, dù với sự tình cờ chứ không hoàn toàn chủ ý, sắp đặt.

Kết quả là chế độ Taliban của ông ban hành lệnh cấm gần như tất cả những thú vui trần thế. Tôm hùm, truyền hình, chiếu bóng, tráng men, tượng hình, đồ chơi nhồi bông, Internet, dĩa computeur, âm nhạc không tôn giáo, khiêu vũ, dụng cụ âm nhạc, bài, cà-vạt, cờ, son môi, pháo bông, đàn bà lái xe, nữ sinh và thả diều là những thú vui vật chất đều bị cấm. 

Coi như phe Taliban mất nhiều thiện cảm của dân chúng vì những lệnh cấm quá nhiều dựa trên luật Sharia Hồi giáo trong đó có chuyện chặt chân tay, chặt đầu, ném đá và tra tấn,chuyện bắt đàn bà bận áo chùng kín, không cho phụ nữ đi học và ngay cả chuyện cấm bác sĩ đàn ông đụng chạm đến thân thể đàn bà . Người khiêm khắc đưa ra những lệnh này sống khổ hạnh ở Kandahar có một cá tính rất e thẹn và đó chính là Omar. Ông đã ban những hạn chế cá nhân lên trên phong trào ông lập ra.

Tuy nhiên Mohammad Omar không phải là thứ ngu ngốc. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Dăwn ở Pakistan năm 1997, ông tuyên bố A phú hãn sẽ bị Hoa Kỳ tấn công và dùng Osamar Bin Laden như một cái cớ vì phe Taliban đã từ chối không cho một công ty Mỹ xây dựng một ống dẫn dầu chạy từ Turkmenistan qua A phú hãn và Pakistan cho đến Ấn độ dương. Thật ra Hoa Kỳ thật sự nhảy vào vòng chiến với chế độ Taliban của Omar và tổ chức khủng bố Al Qaeda của Bin Laden sau chuyện hai tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới tại New York bị tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Thường thường " văn hóa" không bao giờ là một bộ phận trọng yếu và đồng nhất của những truyền thống và tục lệ, nhưng đó là một nguồn dồi dào, thường chứa đầy những mâu thuẫn nội tại, và là một nguồn thường được chọn lựa ở những chương trình sắc tộc, văn hóa và tôn giáo nằm trong những mối liên hệ đặc biệt và bàn luận chính trị.

Những chiến sĩ kháng chiến Mujahidin hành quân trên những ngọn núi ở A phú hãn trong thập niên 1980 thường được đi kèm với một ký giả Tây phương cỡi trên một con lừa, bận áo dài vạt ngắn shalwar kameez , đội khăn che đầu và đeo đủ những đồ lỉnh kỉnh trên người. Khi tường trình về những hành động anh hùng của những chiến sĩ tự do, những ký giả có thể đưa ra một thông điệp rất đơn giản về sự dũng cảm quân sự của những kháng chiến quân trong khi họ còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Ngày mà quân đội Liên xô rút ra khỏi A phú hãn thì hình ảnh đẹp đẽ ngày xưa của kháng chiến quân thay đổi. Hình ảnh của những kháng chiến quân Mujahidin trở thành kẻ phản động, họ đánh lẫn nhau và không thể tạo lập một chính quyền. Ðột nhiên tình hình trở nên phức tạp. Thật khó mà biết rõ ai đánh ai và lý do tại sao. Truyền thông báo chí không muốn tường thuật gì nữa và dường như phần còn lại của thế giới cũng không còn muốn biết những gì xảy ra ở đất nước xa xôi hẻo lánh này.

Sự xuất hiện của Taliban vào tháng Mười 1994 gây sự chú ý cho báo chí vì sự thành công ngoạn mục của họ trong chuyện chiếm lấy một vùng lớn chỉ trong một thời gian ngắn, và bởi sự từ khước của họ đối với chuyện giáo dục dành cho phụ nữ và chuyện ban bố những chỉ thị gắt gao về cách ăn mặc quần áo theo lối cực kỳ bảo thủ. Trong vòng vài năm sau đó mức độ tường thuật của báo chí nói chung thường ở mức độ thấp, trong đó bao gồm nhiều tài liệu đánh giá ảnh hưởng của Taliban. Chuyện chiếm Kabul và sự treo cổ tức khắc Najibullah và người em của ông ta đã tạo nên một hình ảnh mạnh mẽ và gây cảm xúc lớn mà báo chí thiếu tường thuật. Nhiều bài tường thuật nói chung là tiêu cực, nhưng có vài phóng viên nói đến sự hợp lòng dân của phe Taliban ở những tỉnh phía Nam và sự vui vẻ lúc đầu của dân chúng Kabul khi nghĩ đến những ngày pháo kích và vây kín sẽ cuối cùng qua đi.

Ðứng trước sự thông tin sâu rộng mạnh mẽ về chuyện cấm ngay tức khắc vấn đề cấm phụ nữ học hành và làm việc cùng những khó khăn mà những văn phòng thiện nguyện phải đối phó do những luật lệ cấm đoán đàn bà nói trên gây ra, văn phòng Liên Hiệp Quốc cảm thấy họ cần phải đưa ra một lời tuyên bố. Cùng với quốc hội Aâu châu, cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc được yêu cầu phải họp để bàn thảo về vấn đề này, và sau đó lên án những chính sách phân biệt giới tính của Taliban như là những sự vi phạm nhân quyền.

Vào ngày 3 tháng 10 năm 1996, Bà Emma Bonino, Ủûy viên Hội Ðồng Aâu Châu về những vấn đề nhân quyền, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng những quyền của phụ nữ phải được tôn trọng ở A phú hãn trước khi có sự công nhận của quốc tế đối với chính phủ mới của Taliban ở Kabul. Ngày hôm sau, ủy viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là José Ayala-Lasso nói trong một bản lên tiếng soạn sẵn rằng ông đã khẩn thiết yêu cầu đại diện của ông ở Kabul hãy cấp tốc nói cho phe Taliban biết sự lo ngại của ông về tình trạng nhân quyền ở A phú hãn. Ông kêu gọi phe Taliban hãy, " bảo đảm sự tôn trọng cho những quyền ấy như quyền làm việc và học hành của phụ nữ ", và nhắc đến chuyện A phú hãn đã từng ký nhiều hiệp định bảo vệ những quyền của phụ nữ.

Vào ngày 8 tháng Mười , Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra lời kêu gọi trong đó ông nói rằng tất cả những sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc phải được tuân theo những quy định của Liên Hiệp Quốc xác định quyền bình đẳng của đàn ông và đàn bà. Cùng ngày hôm đó Hoa Kỳ cảnh cáo chính phủ Taliban là Hoa Kỳ sẽ không bảo đảm sự công nhận của quốc tế và viện trợ trừ phi A phú hãn tôn trọng những quyền căn bản của phụ nữ. 

Vào ngày 9 tháng Mười, giám đốc chương trình UNICEF là bà Carol Bellany, thông báo là cơ quan UNICEF ngưng lại sự trợ giúp cho những chương trình giáo dục ở Kabul, và thêm rằng những chương trình này sẽ được tái tục lại chỉ khi nào pha Taliban công nhận chuyện phụ nữ có quyền đi học. Sự ngưng trệ này là một phần của quyết định để phản ứng lại chuyện cấm giáo dục phụ nữ khi phe Taliban chiếm Herat vào tháng Chín 1995.

Vào ngày 17 tháng Mười, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết trong đó bày tỏ sự quan tâm mà hội đồng gọi là sự kỳ thị khắc nghiệt đối với phụ nữ và thúc giục sự tôn trọng nghiêm chỉnh những điều khoản luật nhân quyền quốc tế. Hội đồng cũng kêu gọi sự ngưng bắn ngay tức khắc ở A phú hãn và kêu gọi mọi đảng phái A phú hãn nên bắt đầu một cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc. Sau đó Hội Ðồng còn kêu gọi thêm chuyện những thế lực bên ngoài nên chấm dứt chuyện can thiệp vào A phú hãn và ngưng ngay chuyện chuyển vũ khí vào nước này.

Vào ngày 24 tháng Mười, Quốc Hội Âu Châu bảo trợ một nghị quyết trong đó kêu gọi tất cả những quốc gia chống lại chính phủ Taliban ở Kabul vì những gì gọi là sự kỳ thị có hệ thống đối với phụ nữ A phú hãn, chuyện vi phạm nhân quyền đầy rẫy và chuyện cưỡng bức người dân A phú hãn theo đạo Hồi. Quốc Hội Âu Châu nêu rõ là sự đàn áp phụ nữ đi ngược lại với Hiệp Ðịnh quốc tế năm 1979 ngăên cấm tất cả những hình thức kỳ thị phụ nữ và Hiệp Ước năm 1966 về những quyền lợi xã hội và kinh tế. Quốc Hội nói rõ là không có quốc gia hội viên nào nên có quan hệ ngoại giao với phe Taliban và bày tỏ sự kinh hoàng trước cái chết của Tổng thống Najibullah. Quốc Hội đề nghị cấm vận tất cả những vũ khí cung cấp cho A phú hãn và ngưng trợ giúp bất cứ viện trợ mới nào ngoại trừ trường hợp phải giúp đỡ khẩn cấp.

Tuy nhiên, phe Taliban dù ý thức được những Hiệp Ðịnh Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc và sự quan trọng của chúng như là một cung cách cư xử quốc tế, họ vẫn không cho chuyện áp dụng những luật quốc tế này quan trọng hơn là sự diễn dịch kinh Qur’an và ứng dụng luật Shari’a của Hồi giáo. Họ coi những sự lên án chính sách của họ như là những sự tấn công từ Tây phương, căn cứ trên ý thức hệ cấp tiến Tây phương, hơn là sựdien tả một quan điểm quốc tế được mọi người công nhận. Liên Hiệp Quốc và Cộng Ðồng Quốc Tế thường được coi như đồng nghĩa với Tây phương.

Phe Taliban vạch rõ sự phân biệt rõ ràng những gì họ gọi là quốc tế và những hệ thống giá trị quốc gia. Một số người có thể rút ra những kết luận tức thời về những gì họ hiểu, nhưng nếu cứ rán định nghĩa sự khác biệt nếu có thì sẽ tạo ra sự nguy hiểm không thể tránh là người đó đã khái quát vụng về và sai lạc. Tuy nhiên trước viễn cảnh xấu xa là bị quốc tế tẩy chay nên phe Taliban cũng tạm thời chấp nhận những sự khác biệt có thể có, nếu chỉ dùng để dàn xếp một cuộc đối thoại phức tạp và rộng lớn. 

Hệ thống giá trị Tây phương đánh giá cao vấn đề dân chủ và tự do cá nhân. Tự do cá nhân được hiểu là tự do tìm kiếm sự đầy đủ cho mình và quyết định quan điểm và nhận thức của chính mình- vắn tắt là cho phép bày tỏ những gì riêng tư, sắc thái đặc biệt của cá nhân. Ðiều đó ngược lại với những chế độ toàn trị trong đó nhà nước tìm cách áp đặt một ý thức hệ nào đó và kiểm soát cá nhân sống đời sống riêng như thế nào.

Trong hệ thống giá trị Hồi giáo, cũng không có sự đề cao và nhấn mạnh đến tự do cá nhân. Cá nhân được coi như hòa nhập vào xã hội. Họ sẽ được nhận diện với gia đình, bộ tộc, nhóm chủng tộc, nhóm tôn giáo hay đảng chính trị và sẽ thường tuân theo những quy tắc của những nhóm đó hơn là tôn trọng sự thỏa mãn cá nhân. Năng lực thường được đổ vào cố gắng tập thể để cải tiến xã hội hơn là nỗ lực cá nhân để theo đuổi mục đích cá nhân. Dĩ nhiên có nhiều ngoại lệ nhưng nói chung, có sự nhấn mạnh đến xã hội trong thế giới Hồi giáo hơn là ở Tây phương. 

Cho nên khi Tây phương đặt vấn đề quan tâm đến chuyện đàn bà không được đi làm việc, phe Taliban ngạc nhiên khi thấy có sự quan tâm nhiều đến những chuyện như vậy, họ cho chuyện này không đáng kể vì có một số đàn bà làm việc trong những văn phòng. Mặt khác, họ cảm thấy bất bình vì phương Tây không công nhận những chuyện mà họ coi là những thành quả vĩ đại : sự mang lại hòa bình, luật lệ và trật tự về cho A phú hãn. Tương tự như thế, trong khi Tây phương nhìn một cách tiêu cực về chuyện áp đặt một tín ngưỡng đặc biệt lên dân chúng, đó là sự áp đặt làm người ta nhớ lại những chế độ toàn trị mà chính phe Taliban ghê tởm, phe Taliban vẫn giữ niềm tin rằng họ đang cải tiến xã hội bằng cách áp dụng những luật lệ đạo đức thích hợp. 

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của hai phe đồng đẳng cố gắng hiểu những vị thế của nhau. Có sự quan hệ bất bình đẳng giữa Tây phương và thế giới Hồi giáo căn cứ trên sức mạnh kinh tế và chính trị của phe trước. Ðiều này làm cho Tây phương nghĩ thế giới Hồi giáo với một mức độ nào đó về sự kiêu căng văn hóa và một quan điểm thật nghiêm khắc, phối hợp với những cảm giác lo sợ nào đó đối với Hồi giáo kể từ ngày Hồi giáo có những việc làm tiêu cực cao độ.

Thế giới Hồi giáo cảm thấy cay đắng về sức mạnh của Tây phương có thể có và lo ngại về cái ảnh hưởng lan rộng của nền văn hóa Tây phương và về sự xoi mòn cùng sự phá hoại của những nền văn hóa địa phương bởi nó. Có những quốc gia như Iran đã thi hành những biện pháp như cấm những dĩa vệ tinh trong một cố gắng tuyệt vọng nhằm ngăn cản những chương trình truyền hình Hoa Kỳ truyền đến khán thính giả người Iran. Phe Taliban còn đi xa hơn một bước nữa là cấm luôn truyền hình, dù họ đã nhân danh Hồi giáo để cấm đoán những biểu tượng con người cho hợp tình hợp lý.

Khi Liên Hiệp Quốc lên tiếng trên căn bản Hiệp Ước Nhân Quyền, phe Taliban hoài nghi về chuyện đó. Họ lý luận cho rằng Liên Hiệp Quốc đã chịu phần nào ảnh hưởng của Mỹ, và kết luận những Hiệp Ước Nhân Quyền chịu ảnh hưởng nặng nề của giá trị Tây phương. Ðừng nghĩ rằng đây chỉ là quan niệm của phe Taliban. Sự đe dọa đến văn hóa A phú hãn, cho dù bởi những giá trị Tây phương hay bởi giá trị của chủ nghĩa xã hội, được dân chúng thấy rõ, và nhiều người A phú hãn muốn coi chuyện duy trì nền văn hóa là ưu tiên cao nhất. 

Có điều ngạc nhiên là những nền văn hóa địa phương đã sống còn tốt đẹp ở A phú hãn, dù gặp phải những sự thay đổi đọt ngột do sự tranh chấp. Tuy nhiên, có những ảnh hưởng khác cũng tiến vào một cách không tránh được, đặc biệt là từ trong dân số tỵ nạn ở Pakistan và Iran. Sự thành công của phong trào Taliaban cũng cho thấy rằng hiện tượng tôn giáo hồi sinh thường xuyên trong hoàn cảnh chiến tranh hay biến động xã hội, đó là một yếu tố trong khi xem xét những thay đổi văn hóa ở A phú hãn. Sự tồn tại của những phong trào khác – như phong trào kháng chiến Mujahidin – trước phe Taliban, vốn là phe tái diễn dịch sự ưu thế của văn hóa và tôn giáo, đã cộng thêm với sự rối loạn và bất an về văn hóa sinh ra bởi chiến tranh và làm cho mọi người sẵn sàng đi theo phong trào mới tạo ra được sự chắc chắn trong một hình thể tuyệt đối. Sự say mê của những người trẻ trong phong trào Taliban cũng là điều gây nhiều sự ngạc nhiên.

Ðể tránh lập thêm những sự khái quát, điều ích lợi trong sự thảo luận về cái chung giữa phe Taliban và cộng đồng quốc tế để xem xét thêm một vài giá trị rõ ràng được dân chúng A phú hãn gìn giữ.

Bên ngoài đồng quê, giáo dục được coi là một chuyện quan trọng lớn lao như là một phương tiện để thoát khỏi vòng vây của nghèo khó. Chắc chắn là ở những khu vực thành thị và cộng đồng tỵ nạn, mỗi gia đình coi chuyện giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Dù gia đình có nghèo như thế nào thì cũng phải cố gắng tìm cách trả tiến học cho con cái của họ. Nếu nguồn lợi gia đình quá khiêm tốn thì vẫn phải nỗ lực để giáo dục cho con trai hơn là con gái, nhưng sự giáo dục dành cho con gái cũng được coi là quan trọng. Như đã nói ở trên, đối với nhiều gia đình tỵ nạn ở Pakistan và Iran, sự ngăn cấm trẻ gái đi học của phe Taliban là một yếu tố rõ ràng trong quyết định họ trở về A phú hãn hay không. Ðó cũng là điều càng không thể tránh đối với trường hợp những gia đình từ khu vực thành thị.

Những quyền làm người khác mà đa số người A phú hãn coi ưu tiên bao gồm những quyền được hòa bình và yên ổn, quyền được sống một cuộc sống tiêu chuển thích hợp, quyền được có một sức khỏe tốt và quyền an toàn cá nhân. Những quyền sau bao gồm quyền không bị cướp, bị xâm phạm tiết hạnh hay đụng chạm thân thể. Liên hệ đến quyền đặc biệt này thì thật khó để xem xét đến những chính sách và sự ứng dụng của phe Taliban. Nói đến mặt tích cực thì họ có cải tiến luật lệ làm cho mọi người ít còn là nạn nhân của sự cướp bóc, cho dù là ở trong nhà hay đi ra ngoài, cho dù có nhiều dấu hiệu mới đây cho thấy là tình trạng luật lệ ở những thành phố do phe Taliban nắm giữ đang tới hồi tệ hại. Thêm vào đó, phe Taliban không chủ trương hiếp dâm và hôi của hay đày đọa thân xác đàn bà trong khi đánh nhau. Về chuyện này thì thành tích của họ khá hơn những thành phần khác ở A phú hãn. Tuy nhiên phe Taliban đã tạo ra một không khí hoảng sợ ở Kabul và Herat bằng cách ban hành luật lệ ăn mặc rất khắt khe và đôi khi đánh đập những người đàn ông và đàn bà không tuân theo. Sự tàn bào gây ra bởi chuyện vô chính phủ được thay thế bằng bạo lực được tôn giáo cho phép. 

Chuyện phụ nữ bị kỳ thị trong vấn đề chăm sóc sức khỏe và những dịch vụ về giáo dục là chuyện không còn nghi ngờ gì nữa. Những cuộc thảo luận giữa phe Taliban và những cơ quan quốc tế trong mùa hè 1997 về chuyện có cho phép đàn bà chăm sóc sức khỏe ở một bệnh viện duy nhất hay không, đó là bệnh viện được dành riêng cho đàn bà, điều đó không liên hệ đến nguyên tắc có cho phép đàn bà được khám bệnh hay không, vì chuyện này đã được Taliban cho phép, nhưng còn đến cái viễn cảnh có nhiều nguồn tài trợ đến những cơ quan y tế nhỏ hơn. Có điều đáng mừng là một ủy ban y tế được thành lập, bao gồm những đại biểu từ Bộ y tế công cộng, Bộ Ngoại giao, Văn Phòng đề cao đức hạnh và phòng ngừa tội ác, các tổ chức WHO, UNICEF, ICRC, và NGO, để đẩy mạnh thêm chuyện đối thoại và làm cho vấn để hoạch định săn sóc sức khỏe trong tương lai được dễ dàng. Mục đích được nhắm tới là làm sao bảo đảm cho đàn ông và đàn bà được nhận sự săn sóc y tế một cách bình đẳng. Mục đích đó giờ đây đã phần nào thành sự thật.

Trong khi người ta có thể vạch ra một sự phân biệt rõ ràng giữa phe Taliban và những phe khác trong sự đối xử với dân chúng nói chung, có vấn đề là rất khó so sánh những bạo lực do nhà nước dung dưỡng bị phe Taliban lèo lái để đối xử với kẻ thù trong giai đoạn Liên xô xâm lăng hay giai đoạn chính phủ kháng chiến Mujahidin cầm quyền. Phe Taliban coi chuyện bắt bớ là hợp tình hợp lý vì những kẻ bị bắt đã có hành động nổi loạn, hay nói cách khác là đã có những hành động đi ngược lại nhà nước Hồi giáo.

Như đã nói ở trên, một câu hỏi khó khăn nữa đặt ra về vấn đề nhân quyền trong khi liên hệ tới Taliban là có phải họ đã đi quá xa hơn những chính phủ Hồi giáo khác trong khi ban hành một hệ thống phân biệt đối xử hợp pháp, mặc dù chính sách này căn cứ trên giới tính hơn là chủng tộc. Có những chính phủ khác như Sudan, Iran, Saudi Arabia và Pakistan, đã ra những luật cho rằng đàn ông và đàn bà phải được tách riêng ra. Tuy nhiên họ thay đổi mức độ mức độ ứng dụng sự yêu cầu và cũng theo thời gian thì chuyện bắt buộc cũng thư giãn dần đi. Trong ba nước trên, chỉ có Saudi Arabia bây giờ là áp dụng chuyện tách biệt đàn ông, đàn bà một cách khắt khe. Nước Pakistan, Iran và Sudan đã cởi mở sự hạn chế rất nhiều.

Câu hỏi chủ yếu bây giờ là ở cộng đồng quốc tế có thể dựa vào những tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc ở mức độ nào, hay theo một cách khác là nhắm vào những giá trị và quan niệm của dân cư A phú hãn để tìm kiếm sự đối thoại với phe Taliban, và chuyện này sẽ cải tiến thêm vị trí mà cộng đồng quốc tế bảo trợ. Do đó cần có sự xem xét về chuyện liệu có những nhân quyền của Liên Hiệp Quốc có vẻ không hợp lý để thi hành dưới hoàn cảnh hiện nay của A phú hãn. Có người có quan điểm rằng một xã hội đã trải qua nhiều đau thương, rối loạn dưới bàn tay của những siêu cường phải được tự do để tái lập trật tự bằng cách tái diễn dịch những truyền thống vững vàng xa xưa, để rồi sau đó mới vươn ra để tiến tới những tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên nhiều quan sát viên Tây phương cho rằng chuyện này có vẻ hứa hẹn cù nhày với những tiêu chuẩn quốc tế đã được mọi nước công nhận, đặc biệt khi phụ nữ ở Kabul đang chịu ảnh hưởng tai hại bởi những hạn chế khắt khe của phe Taliban.

Ðây là một câu hỏi khó mà cộng đồng quốc tế có hay không có hỏi bản thân mình trước khi đòi hỏi phe Taliban. Chủ yếu là Hoa Kỳ và Âu Châu đã xem xét nghiêm khắc về chuyện có nên công nhận phe Taliban như là một chính phủ hợp pháp của A phú hãn. Thật là dễ dàng khi có những chính quyền lấy căn bản văn hóa của họ để phê phán chính sách và hành động của Taliban là không thể chấp nhận được và coi sự công nhận quốc tế dành cho Taliban là chuyện không thích hợp. Chuyện khó ở đây là phải hiểu tại sao phe Taliban bị chỉa nhiều mũi dùi tra vấn trong khi có những chế độ khác vi phạm nhân quyền trầm trọng, lại vẫn được quốc tế công nhận.

Vào ngày 8 tháng 5 năm 1997, Ðài phát thanh Shri’a của phe Taliban dẵ nhận định về vấn đề này như sau;

Có hàng chục và ngay cả hàng trăm nhà nước trên thế giới không tuân theo những tiêu chuẩn nhân quyền được người Tây phương theo tí nào cả. Nhiều trường hợp xử tử, tù đày, và vi phạm nhân quyền có thể nhìn thấy ở những quốc gia đó. Không có sự lên án mạnh mẽ nào về những quốc gia đó mà những quốc gia thường được mệnh danh là ủng hộ nhân quyền lại đi ủng hộ những quốc gia đó bằng nhiều cách khác nhau.

Có điều cần phải bàn luận ở đây là có những quốc gia như Hoa Kỳ có thể bỏ qua chuyện vi phạm nhân quyền của những nước mà họ công nhận chỉ vì những quốc gia đó đang có những hành động phù hợp với quyền lợi của Mỹ. Chính quyền Nam Dương là một thí dụ điển hình. Người chống lại quan điểm này có thể nói là Hoa Kỳ có nhiều tiềm năng nguồn lợi trong chuyện phát triển dầu và ống gas chạy sang A phú hãn và mong muốn giảm bớt số lượng thuốc phiện trồng và ngăn ngừa sự huấn luyện khủng bố ở đây. Tuy nhiên giá dầu ở vùng Trung Á tương đối quá cao, chuyện giảm bớt thuốc phiện ở A phú hãn có thể chẳng đi đến đâu vì những vùng trồng thuốc phiện khác trên thế giới gia tăng sản xuất và hoa Kỳ có thể có nhiều chiến thuật khác để đối phó với chuyện huấn luyện khủng bố ở A phú hãn. Cho nên những quyền lợi đó không được coi nặng như chuyện giới tính ở Mỹ và triển vọng bị mất phiếu nếu Mỹ tiến tới chuyện công nhận một chế độ hạn chế khắt khe quyền của người đàn bà.

Những cuộc tranh cãi tương tự cũng xảy ra cho Liên Hiệp Âu Châu. Vấn đề vi phạm nhân quyền tuy là chuyện hiển nhiên – nhưng nó khác với những vấn đề như tra tấn tù nhân, vốn là vấn đề chính trong chuyện công nhận của quốc tế. Phe Taliban coi chuyện vi phạm nhân quyền là một chuyện hợp lý trên căn bản của những luật lệ tôn giáo khác nhau,, và rõ ràng là có khoảng cách giữa điều luật tôn giáo và hệ thống giá trị Tây phương, điều này đã làm cho Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu cảm thấy là họ phải giữ vững lập trường. Ðể đối lại, phe Taliban tố cáo Tây phương tìm cách áp đặt những giá trị riêng của họ và tiến tới chuyện phân cực tình bằng hữu. Lịch sử đau thương của mối liên hệ giữa thế giới Hồi giáo và Tây phương, bao gồm chuyện căng thẳng ngày càng gia tăng giữa những phong trào Hồi giáo ở những thành phố ở Âu châu – đặc biệt là ở Pháp- với dân cư của họ, rồi dẫn đến chuyện hai phía lao tâm khổ trí nghĩ đến chuyện họ có nên thỏa hiệp với nhau hay không và nếu có thì họ phải đặt những điều kiện gì trước đã. Sự hiện diện của những văn phòng thiện nguyện và sự thương thảo mệt mỏi của họ với phe Taliban đã làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp, rồi lại có thêm những thế lực địa phương dính dáng vào vì quyền lợi của riêng họ.

Nói chung Bin Laden và Omar đã có những luật lệ khắt khe để trói buộc người đàn bà. Có điều cũng xin kể ra ở đây là Omar lấy con gái Bin Laden và Bin Laden lấy con gái Omar. Có nghĩa là Bin Laden là cha vợ của Omar và Omar cũng là cha vợ của Bin Laden. Quan hệ kỳ cục này bị một số nền văn hóa trên thế giới đánh giá là loạn luân, nhưng Bin Laden và Omar vẫn nghĩ chuyện họ làm là đúng và tiếp tục khống chế người phụ nữ A phú hãn bằng những luật lệ ngu xuẩn, phản tiến hóa và vô đạo đức. Giờ đây Bin Laden và Omar không còn cầm quyền A phú hãn và như thế là người phụ nữ A phú hãn đã có một cơ hội để tiến lên làm người với đầy đủ nhân phẩm. Cộng đồng thế giới đã tẩy chay chế độ khắt khe của Taliban và nhân dân A phú hãn nói chung và phụ nữ A phú hãn nói riêng cũng đẩy lùi chế độ vô nhân và ngu xuẩn này vào đống tro tàn của lịch sử hầu mở ra một con đường tươi sáng để đi đến tương lai.

Lawndale, đêm giao thừa lạnh lẽo, cô quạnh xuân Nhâm Ngọ 2002
Trần Viết Ðại Hưng

Hosted by www.Geocities.ws

1