TÁC  GIẢ
SÁCH
ÐÃ XUẤT BẢN
CÁC BÀI
VIẾT MỚI
GÓP Ý


VÀI NÉT ÐẠI CƯƠNG VỀ ÐẤT NƯỚC A PHÚ HÃN (AFGHANISTAN)

Chữ "Afghan" là một chữ lịch sử thường dùng để gọi tên những người trong một nhóm có tên là Pashtuns, nhưng đất nước A phú hãn (Afghanistan) là một quốc gia đa văn hóa và đa chủng tộc. Ðất nước này được hình thành do sự mở rộng chính trị của những bộ lạc Pashtun vào giữa thế kỷ thứ 18 nhưng không thống nhất cho tới cuối thế kỷ 19. Số dân của nhóm nói tiếng Ba-Tư ( Tajiks, Hazaras, và Aymaqs) cùng nhóm nói tiếng Thổ (Uzbeks và Turkmens ) hòa nhập vào để tạo nên đất nước này. Kể từ khi có cuộc đảo chánh của Cộng sản năm 1987 và sau đó là cuộc nội chiến kéo dài, nhưng sự hiện hữu của đất nước A phú hãn là chuyện phải đặt thành vấn đề nghiêm trọng. Hàng triệu người lưu vong đã chia sẻ kinh nghiệm chung trong khi sống ở quê người đã cảm nhận được thế nào là cái cảm giác yêu quê hương.

A phú hãn là một nước ở Á châu có diện tích 251825 dặm vuông (tương đương với 652225 kilômét vuông), chung quanh được bao bọc bởi những quốc gia Pakistan (Hồi quốc), Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, và Trung Hoa. Ðịa hình bao gồm tổng hợp vùng cao nguyên trung tâm và vùng đồi núi ngoại vi cùng những đồng bằng. Quốc gia này có khí hậu khô của vùng đại lục. Mùa hè khô và nóng, trong khi mùa Ðông lạnh có tuyết rơi nhiều trên những vùng cao nguyên. Lượng mưa thấp dù nhiều vùng ở phía Ðông chịu ảnh hưởng của gió mùa. Hầu hết đất nước bao gồm những thảo nguyên, với nhiều khu vực sa mạc và một số vùng canh tác. Dân A phú hãn một số theo chế độ du mục, số khác sống nhờ canh nông vùng núi và số còn lại làm canh nông theo phương pháp tưới nước cho đất ẩm để trồng trọt. Vào cuối thế kỷ thứ 18, Kabul trở thành thủ đô. Ðịa điểm thủ đô Kabul nằm trên vùng lòng chảo rộng trên con đường nối Ấn Ðộ và Trung Á.

Không có sự thống kê chắc chắn nhưng vào năm 1997, dân số ước lượng chừng 23738000 người. Ða số sống ở vùng nông thôn ( 80 % ). Dân số thủ đô Kabul lên tới con số cao nhất là 1 triệu người trong thập niên 1980 nhưng giảm sút nhiều sau khi chính phủ Cộng sản sụp đổ năm 1992.Những thành phố chính như Mazar-e Sharif, Heart, và Kandahar (Qandahar) là những thành phố chính với mật độ dân số chừng 200000 dân cho mỗi thành phố. Những thành phố quan trọng có thể kể tên là Jalalabad, Kunduz, Baghlan, và Ghazni.

Mật độ nhân khẩu đáng chú trọng của giống dân Pashtuns đã giảm sút từ năm 1978 vì họ đã trở thành thành phần tỵ nạn chủ yếu ở Pakistan. Ước lượng chừng giống dân Pashtuns chiếm 38 % dân số toàn quốc, chủ yếu ở vùng Tây Nam, Nam, và Tây, và một số ở miền Bắc; họ bị chia ra bởi những liên bang Durrani và Ghilzay và thuộc về nhiều bộ tộc nằm ở biên giới Pakistan. Giống dân Tajiks (25 %) sống chủ yếu ở vùng Ðông Bắc, Tây Bắc, và những vùng trung tâm thành thị. Giống dân Hazaras (19 %) sống ở vùng trung tâm Kabul và Mazar-e Sharif. Giống dân Uzbeks (6 %) chiếm cứ vùng phía Bắc. Số 12 % còn lại của dân số bao gồm giống dân Aymaks (là nhóm nói tiếng Ba-tư theo luật cổ truyền Hồi giáo Xuna ở phía Tây Bắc), giống người Thổ (cư trú dọc theo biên giới với Turkmenistan), Baluchis (ở phía Tây Nam) và hai giống dân Nuristanis và Pashays (ở phía Ðông Bắc của Kabul).

Ngoại trừ một thiểu số người theo Ấn giáo, đạo Sikh và Do thái giáo đã rời đi, tất cả dân số đều theo đạo Hồi, được chia thành hai phái; phái Xuna (Sunnis) ước chừng 84 % dân và phái Shi (Shiites) chiếm chừng 15 %, đa số là người Hazaras; có một số vùng đất nhỏ ở miền Ðông Hazarajat và Badakhshan là vùng cư trú của những nhóm người trên. Có một số lượng người tỵ nạn lớn lao đi ra ngoài nước A phú hãn kể từ năm 1978, con số lên tới 6 triệu người vào năm 1990- đây là con số người tỵ nạn lớn nhất trên thế giới. Dù có một số lớn dân tỵ nạn trở về sau khi chính phủ Cộng sản sụp đổ vào tháng 4 năm 1992, vẫn còn chừng vài triệu người tỵ nạn A phú hãn vẫn còn ở tại Pakistan, Iran, và những nước khác trong bán đảo Ả rập. Những người thuộc giai cấp trung lưu và trí thức đã định cư luôn ở Tây phương.

Ða số cư dân nói hai hay ba thứ tiếng, và những ngôn ngữ chính của A phú hãn được sử dụng ở những quốc gia láng giềng. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Ba-tư ( thường được gọi là tiếng Dari) và Pashto; cả hai loại này đều thuộc nhóm Ba- tư trong gia đình ngôn ngữ Ðông-Âu. Tiếng Ba-tư nói bởi người Tajik, Hazaras, và Aymaks không khác bao nhiêu so với tiếng Ba-tư của người Iran. Tiếng Pashto, vốn được chia thành hai tiếng địa phương chính, cũng được nói tại nhiều vùng lớn tại Pakistan. Mặc dù có nhiều cố gắng của chính phủ nhằm khuyến khích dùng tiếng Pashto, tiếng Ba-tư được coi là phương tiện lựa chọn để diễn tả trong số những người có học và người ở thành thị. Nhóm người Ba-tư cũng sử dụng tiếng Baluchi và nhiều thứ tiếng còn lại. Những ngôn ngữ vùng núi (Nuristani) được dùng làm tiếng nói trung gian giữa những nhóm người Ba-tư và Ấn độ, trong khi tiếng Pashay là tiếng nói Ấn độ truyền thống. Tiếng Thổ được dùng bởi những nhóm Uzbek, Turkmen, và Kirghiz,và được nói rộng rãi ở miền Bắc. Tiếng Mông cổ và Ả rập biến mất.

A phú hãn chưa từng có một nền văn hóa thống nhất vững mạnh, và rồi chiến tranh xảy ra làm cho đất nước càng thêm tan nát. Lá cờ cũ màu xanh, trắng và những sọc ngang màu đen bị hủy bỏ và không có bài quốc ca. Tiền tệ quốc gia được in ở hai nơi khác nhau, với một hối suất địa phương thay đổi.

Vùng đất A phú hãn hiện nay là trung tâm của nhiều đế quốc trong quá khứ, bao gồm những vương quốc Hy lạp- Phật giáo và Kutch (từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau công nguyên) và triều đại Hồi giáo Ghaznavid và ghurid (từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 12). Nó là nơi để cho những người cai trị Ấán độ ra tay hành động .

Quốc gia A phú hãn hiện nay hình thành từ thế kỷ 18 bởi những bộ tộc người Pashtun trước sự tàn tạ của những đế quốc Ba-tư và Ấn độ. Trong thế kỷ thứ 19, A phú hãn tranh đấu thành công trong việc chống lại những sức mạnh đế quốc và đóng vai trò làm nhà nước trung gian giữa Nga và Ấn độ đang bị Anh bảo hộ. Ba cuộc chiến tranh giữa A phú hãn và Tây phương (1839- 1842; 1878 – 1880; 1919) có thể gây thành một tinh thần quốc gia, nhưng lịch sử quốc gia này luôn bị khống chế bởi những cuộc tranh chấp nội bộ. Nửa phần đầu thế kỷ 19 đã được đánh đấu bởi sự tranh chấp đầy hận thù giữa hai phái Durrani của giống dân Pashtuns, cuối cùng thì phe Mohammadzay thành công và cầm quyền cai trị cho đến năm 1978. Vua Abdur Rahman ( Abdorrahman Khan, trị vì từ 1880 đến 1901) thiết lập quyền lực trên toàn đất nước sau khi dập tắt sự chống đối của những người trong bộ tộc của ông và đánh bại phe Ghizay của dân Pashtuns, phe Hazaras, và phe miền núi Kafirs. Dù có sự thống nhất về chính trị trong triều đại của ông, chiến thuật tàn bạo của ông tạo nên sự thù nghịch giữa hai phe Xuna (Sunnis) và Si (Shiites), giữa giống dân Pashtuns và những sắc dân khác, và ngay giữa những người dân Pashtuns, cũng như giữa dân thôn quê và thành thị.

Vua Amanullah (Amanollah Khan, trị vì từ 1919- 1929) cố gắng ban hành vài chương trình cải tổ nhưng thất bại. Một cố gắng thiết lập một chính quyền có quốc hội sau năm 1963 rốt cuộc chỉ tạo ra thêm nhiều rắc rối xã hội – đã dẫn đến chuyện bị Cộng sản thâu tóm quyền lực vào năm 1978, nhiều người trong nhóm Cộng sản này mới về thành thị, họ từ giã nếp sống bộ tộc để tìm kiếm sự cải tiến xã hội. Chỉ trong vòng vài tháng trong nước loạn lạc nổi lên khắp nơi, và năm 1979, Liên Xô nhảy vào can thiệp bằng quân sự. Một cuộc chiến tranh du kích đẫm máu diễn ra trong mười năm sau đó giữa Hồng quân Liên Xô và những người kháng chiến A phú hãn ( được biết đến với cái tên Mujâhedin), trong đó có 1 triệu người A phú hãn bị chết và hàng triệu người khác bỏ nước ra đi. Liên Xô rút quân năm 1989 và sự sụp đổ của chính quyền Cộng sản năm 1992 đã dẫn đến sự bùng nổ của nhiều sự căng thẳng và bất đồng. Ðể đối phó với tình trạng này , phe Taliban ( gồm nhiều sinh viên thần học từ những trại tỵ nạn ở Pakistan) chiếm miền Nam trong mùa Ðông năm 1994- 1995 và tái lập an ninh. Từ lúc ấy họ chiếm dần hết những phần đất khác trong nước, nhưng họ không thể hợp tác với những nhóm khác hay được sự công nhận của quốc tế.

Cho đến năm 1978, A phú hãn tránh được sự tan rã nhờ vào sự chia sẻ chung một tôn giáo và sự tự trị tương đối của những cộng đồng địa phương dù chính quyền dành ưu tiên cho nền văn hóa Pashtun và truyền thống dân gian. Nhiều cư dân cảm thấy họ chủ yếu thuộc về cộng đồng địa phương và thứ đến là cộng đồng Hồi giáo. Bản diện quốc gia yếu kém nhưng đất nước không đến nỗi phân rã. Sự an ổn mong manh này bị phá vỡ sau cuộc đảo chánh năm 1978. Những biểu tượng mà nhà cầm quyền dựa trên đó như sự độc lập chính trị, sự liên tục lịch sử và sự kính trọng đạo Hồi coi như biến mất.

Trước năm 1978, sự liên hệ giữa những chủng tộc rất gay cấn và căng thẳng. Chính quyền thân Liên Xô cố rán thăng tiến những quyền hạn của con người, văn hóa, và những ngôn ngữ của những nhóm người không thuộc sắc dân Pashtun. Cho dù nỗ lực cố gắng này thất bại, nó dẫn đến sự hao tổn quyền lãnh đạo của phe Pashtun. Trong thập niên 1990,những lời kêu gọi tiến triển từ vấn đề đạo Hồi tới chuyện chủng tộc. Cuộc chiến đấu mang màu sắc đạo Hồi chống lại Liên Xô đã thất bại trong chuyện tạo thành một căn bản chung cho sự xây dựng hòa bình đoàn kết mọi người. Từ năm 1992, cuộc nội chiến đã cho thấy rõ là những sắc dân tranh chấp nhau đưa đến sự phân cực giữa dân Pashtuns ( là giống dân đang chi phối phe Taliban ) và những nhóm dân khác ( là những nhóm phần lớn tạo thành liên minh miền Bắc ).

Có vài thành phố lịch sử như Balkh, Ghazni, và Heart, nhưng sau hai mươi năm chiến tranh, sự bảo tồn những di tích lịch sử không phải là ưu tiên hàng đầu. Viện bảo tàng Kabul bị ăn cắp thường xuyên, những cửa hàng buôn bán ở vùng Tahsh Kurghan ở miền Bắc không còn thứ gì quý giá và những tượng Phật ở Bamyan bị đặt mìn phá sập hoàn toàn. Nhiều thành phố chỉ còn là đống gạch vụn và chỉ có một ít công trình xây dựng diễn ra.

Ở phía Nam và ở vùng trung tâm, hình thức nhà quen thuộc nhất là trại nhiều tầng có tường cao được xây làm bằng bùn và rơm. Chúng rải rác trên những cánh đồng, đôi khi tạo thành những ấp lẻ loi. Ở miền Bắc và hướng Tây, những khoảng đất nhỏ có những nhà có cột làm bằng gạch bùn được nhìn thấy. Ở vùng cao nguyên phía Ðông, sự định cư được xếp theo từng nhóm; đá và gỗ là những vật liệu xây dựng thông thường. Ở vùng quê và thành thị không thấy có những cửa hàng buôn bán nơi dân cư sinh sống.

Nền nông nghiệp địa phương được đặt trên căn bản phân chia giữa công chúng và những phần riêng tư của nhà ở để cho đàn bà không phải tiếp xúc với những người lạ. Ðồ đạc trang hoàng trong nhà nói chung còn thô sơ. Nhiều gia đình ngủ trong trên nệm được trải ra ban đêm trong một phòng, và không có chỗ nào được phân biệt rõ rệt. Vào buổi sáng, phòng được dọn dẹp gọn gàng, nệm và mền bông được chất vào một góc phòng. Những gia đình giàu có có thể có một phòng khách riêng biệt, nhưng người A phú hãn không thích ngủ một mình và thường không sắp xếp cho khách vào những phòng riêng.

Dân cư có hai loại: bán du mục và du mục. Có hai loại lều được dùng: một loại lều Trung Ðông làm bằng lông dê và loại lều tròn Trung Á. Loại nhà ở tạm thời bao gồm từ loại làm bằng sậy, tranh cho đến hang động.

Thức ăn hàng ngày bao gồm bánh mì lát được nướng trên một chảo bằng sắt hay trên một tường phía trong một lò nướng bằng đất sét. Bánh mì thường được nhúng trong một thứ nước thịt. Ya-ua và những sản phẩm hàng ngày như bơ, kem, và kem sữa khô ( dried buttermilk) là thành phần chính trong khẩu phần hàng ngày, giống như hành, đậu, trái cây khô và đậu phụng. Gạo được dùng ở vài nơi và ở những nơi định cư ở miền quê. Trứng tráng được nấu với cà chua và hành là món ăn quen thuộc hàng ngày. Thực phẩm được nấu bằng nhiều loại dầu khác nhau, trong đó bao gồm mỡ ở đuôi cừu. Trà được uống suốt ngày. Ðường được dùng trong ly nước đầu ngày, và rồi đồ ngọt được ăn vào trong miệng trong khi nhấp trà. Thức uống quen thuộc là nước và sữa bơ. Người A phú hãn dùng tay phải để bốc đồ ăn nằm trong một cái tô đặt trên mặt đất. Ở nhà khi không có khách, đàn ông và đàn bà ăn chung với nhau. Dọc theo đường phố và những hàng quán thương mại, có nhiều nhà hàng nhỏ đóng vai trò như một tiệm uống trà và quán trọ.

Sự cấm kỵ thức ăn thông thường theo đạo Hồi được tôn trọng ở A phú hãn. Chẳng hạn, chỉ ăn thịt từ những súc vật bị giết theo luật Hồi giáo; rượu, thịt heo, và heo rừng không được ăn, dù có một số người bí mật nuôi những con vật trên để ăn trong nhà. Nhóm Hồi giáo Si tránh ăn thỏ và thỏ rừng.

Kinh tế cổ truyền bao gồm chuyện trồng trọt và chăn nuôi súc vật. Nền nông nghiệp tưới bón coi như chủ yếu, nhưng sản phẩm nông nghiệp làm ra theo mùa mưa được coi là phẩm chất tốt hơn. Lúa mì được coi là vụ mùa chính, tiếp đó là gạo, lúa mạch và bắp. Những vụ mùa làm ra tiền là quả hạnh ( almonds) và trái cây. Vải bông là nguồn xuất cảng chính cho đến khi có nội chiến. Ngày nay có nhiều vùng đất trồng trọt đã được chuyển sang trồng cây thuốc phiện. Sự lưu trữ giống được những người du mục cũng như những người định cư thực hành. Những người du mục sống qua mùa hè trên những cao nguyên và trải qua mùa Ðông ở vùng đất thấp. Nhiều người trong bọn họ, đặc biệt ở miền Ðông, cũng có đổi chác.

Hầu như những thực phẩm chế biến được nhập cảng; chúng được tài trợ bởi những người tỵ nạn và di cư.

Ðồng cỏ cho súc vật ăn được coi như của chung, nhưng đất đai trồng trọt là đất tư nhân. Những hệ thống dẫn thủy được chia sẻ chung, theo một chương trình được ấn định trước. Phần lớn dân số bao gồm những chủ đất nhỏ vốn tăng thêm lợi tức bằng cách gửi một người trong gia đình để làm việc ở thành phố hay ở nước ngoài. Những nông dân nghèo không sở hữu đất thường trở nên người làm thuê hay bán sức lao động mỗi ngày. Thường bị nợ nần nên họ trở nên lệ thuộc vào kinh tế và chính trị vào những người lãnh đạo địa phương và những chủ đất.

A phú hãn sản xuất vài món hàng thương mại. Phe Taliban đã mở ra những con đường thương mại giữa Pakistan và Turkmennistan, nhưng không có sự đổi chác chính thức nào có thể phát triển cho đến khi chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận.

Da thuộc, len, trái cây khô và tươi, và quả Hồ trăn ( pistachios) được xuất cảng, nhưng nha phiến phần lớn vẫn là món hàng xuất cảng chính. Quốc gia A phú hãn nhập cảng những món hàng miễn thuế từ Pakistan, bao gồm xe hơi, máy điều hòa không khí, tủ lạnh, vô tuyến truyền hình, máy phát thanh, và những dụng cụ máy nghe nhạc. Những sản phẩm tiêu dùng này rồi sẽ được mang lậu đến những quốc gia láng giềng.

Sau hơn hai mươi năm chiến tranh, không có những hoạt động kỹ nghệ nào đáng kể ở quốc gia này.

Ða số những người lao động A phú hãn hiện diện ở Iran và những quốc gia vùng vịnh đều trẻ trung và là những người phái nam chưa lập gia đình. Ở A phú hãn chừng nào còn làm được việc thì người ta vẫn còn làm.

Một số nhóm bình đẳng nhưng số khác phân chia theo đẳng cấp xã hội. Có những sự khác nhau nhiều về tài sản và địa vị xã hội. Xã hội cũng được sắp xếp theo thứ tự căn cứ trên tôn giáo và chủng tộc. Hầu hết trong thế kỷ hai mươi, những người trong hoàng tộc nắm một vai trò quan trọng trong chính trị cũng như những chức vụ bộ trưởng và đại sứ. Hầu hết những nhân viên hành chánh cũng như những người làm công tác kỹ thuật là những người thành thị nói tiếng Ba-tư. Những người theo phái Si Hồi giáo ( đặc biệt là nhóm Hazaras) thuộc thành phần thấp kém nhất của xã hội. Tại những thành phố, những chức vụ công quyền được những người Pashtuns nắm giữ mà những người này không có liên hệ gì đến quần chúng cả. Những cộng đồng địa phương bị điều động bởi những địa chủ giàu có, được hỗ trợ bởi những người cầm đầu làng thôn. Sắc dân Sayyeds, vốn được coi là hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad qua con gái của ông là Fatima, đóng một vai trò trung gian quan trọng như những người dàn xếp, dựa trên thanh thế và uy tín hơn là sự giàu có của cá nhân. Những người già cả trong gia đình được hỏi ý kiến về những vấn đề địa phương, và nhiều cuộc tranh cãi được dàn xếp bởi những ủy ban địa phương. Dù sự cải cách ruộng đất của Cộng sản bị dân chúng phản đối, có những sự thay đổi quan trọng đã xảy ra. Những người lãnh đạo cũ đã mất đi tính ưu việt trước những người lãnh đạo quân sự và những người lính trẻ nhiệt thành với tôn giáo. Có nhiều tay buôn lậu trở nên giàu có lớn lao.

Giai tầng trong xã hội được bày tỏ chính yếu qua nề nếp hôn nhân. Khuynh hướng chung là những nhóm thuộc giai cấp thấp hơn gả con gái cho những nhóm giai cấp cao hơn. Sự hoang phí của một đám cưới là một dấu hiệu chỉ rõ cấp bậc trong xã hội và sự giàu có. Theo luật lệ của Taliban, đàn ông phải đội mũ hay quấn khăn trên đầu và phải để râu. Những quần áo thời trang Tây phương, đã từng dùng để phân biệt người ở thành thị với người dân quê, giờ đây hầu như đã biến mất.

Phe Taliban kiểm soát hầu hết đất nước. Chính phủ của họ chỉ được nước Pakistan, Ả rập thống nhất ( the United Arab Emirates), và Saudi Arabia công nhận. Phe Taliban cai trị dân không có hiến pháp, chỉ dựa vào kinh Koran của đạo Hồi mà thôi. Có một hội đồng không chính thức bao quanh người lãnh đạo của họ nằm ở Kandahar. Những bộ trưởng đều có mặt ở Kabul, và những viên chức hành chánh cấp thấp hơn thường ở nguyên vị trí, nhưng thực sự không có một chính quyền đúng nghĩa của nó. Ở mức độ địa phương, những người lãnh đạo quân sự chỉ huy những nhóm làng thôn, đây là một tình trạng mà phe Taliban cố gắng chấm dứt đi.

A phú hãn không có một chính phủ duy nhất. Những đảng phái chính trị có liên hệ đến những thành phần chống đối như những người phe Xuma và phe Si của đạo Hồi, và nhóm Hồi giáo chính thống, đã phát triển trong thời chiến tranh, nhưng giờ đây họ trở thành hai thành phần còn lại một cách không trọn vẹn – đó là phe Taliban và Liên Minh Miền Bắc. Những người lãnh đạo quân sự thực sự nắm quyền chỉ huy.

Trong nỗ lực " trong sạch hóa " xã hội, phe Taliban đề cao những giá trị luân lý. Không có sự phân biệt rõ ràng nào giữa những luật lệ tôn giáo và dân sự, và những người kiểm soát tôn giáo có quyền hạn tuyệt đối. Quan tòa dựa trên căn bản ý niệm bộ tộc của đạo Hồi để xử án. Những ai phạm tội ngoại tình hay say rượu đều bị xử phạt nặng nề. Những hình thức đánh đập, chặt tay,và xử tử trước công chúng ( chặt đầu, ném đá hay bắn ) thường được dùng đến. Hàng chục ngàn người bị bỏ tù mà không được đem ra xử bởi những hệ phái cầm quyền khác nhau.

Phe Taliban được Pakistant ủng hộ, trong khi Liên Minh Miền Bắc được Iran và những nước Cộng hòa cũ trong Liên Bang Xô Viết ở Trung Á hỗ trợ. Hoạt động quân sự khá căng thẳng, đặc biệt trong mùa Xuân và mùa Hè.

Không có lãnh tụ chính trị nào cố gắng phát triển những chương trình an sinh xã hội.

Những cơ quan Liên Hiệp Quốc và Hồng Thập tự có hoạt động, nhưng những trận đánh nhau làm cản trở những chương trình của họ. Hàng trăm những tổ chức địa phương và phi chính phủ có những chương trình tháo gỡ mìn trên đất, giáo dục, y tế, xây dựng đường, hệ thống nước tưới, và canh nông. Vai trò của họ thường mù mờ , và họ đã đóng góp vào chuyện phân chia giai tầng trong xã hội vì những hoạt động của họ thường làm hạn chế ở những khu thành thị chính và những khu vực gần biên giới Pakistan. Bằng cách cung cấp gần như tất cả những chương trình an sinh, họ đã làm cho những nhà lãnh đạo chính trị cảm thấy dễ dàng hơn trong chuyện quên đi những vấn đề xã hội.

Ðàn ông và đàn bà được phân biệt một cách mạnh mẽ. Ngoài xã hội là phạm vi của đàn ông, và chuyện nội trợ gia đình là lãnh vực của đàn bà. Ðàn bà săn sóc con nhỏ, nấu nướng cho cả nhà ăn,và chùi rửa nhà cửa. Họ có thể có một cái vườn nhỏ và vài con gà. Ở một vài nơi họ dệt và đan thảm. Ở những người du mục, đàn bà làm lều và có tự do đi lại nhiều hơn. Trong một gia đình nông dân, đàn ông trông coi cừu và dê, cùng cày cấy, thu hoạch, đập và sảy lúa cho vụ mùa. Ở những người miền quê và thành thị, đàn ông không phải ở nhà trong ngày. Trong thời kỳ chiến tranh, đàn bà làm luôn những nhiệm vụ của đàn ông; những người đàn ông làm việc ở nước ngoài phải học nấu ăn, khâu và và giặt giũ.

Từ năm 1919 đến năm 1929, vua Amanullah cố gắng đề cao sức mạnh của phụ nữ. Dưới chế độ Cộng sản, nhiều phụ nữ có thể họ ở những trường đại học. Khuynh hướng này bị đảo ngược bởi chính phủ Taliban. Bây giờ đàn bà phải mặc một bộ đồ trùm kín người từ trên xuống dưới và phải được một người họ hàng đàn ông đi kèm khi họ rời nhà. Phụ nữ gặp nhiều khó khăn vô cùng nếu họ tìm kiếm việc làm hay học hành hoặc tìm kiếm sự săn sóc sức khỏe căn bản. Tuy nhiên, phe Taliban đã cải tiến vấn đề an ninh ở nhiều vùng quê, và cho phép đàn bà hoàn thành những nhiệm vụ hàng ngày của họ.

Ðàn bà không bao giờ được tham gia công khai vào những tiến trình đưa đến sự quyết định. Họ được động viên và dạy bảo là phải khiêm tốn và nghe lời cha, anh em trai và chồng của họ. Tuy vậy, khi được coi là người giám hộ của danh dự gia đình, đàn bà có nhiều quyền lực hơn. Những người đàn bà du mục và nông dân đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nội địa và không bị tách biệt như cách đối xử với đàn bà thành thị. Những người lãnh đạo Hồi giáo theo phái Si nhấn mạnh đến quyền của người đàn bà trong chuyện tham gia tiến trình chính trị, dính líu đến hoạt động kinh tế độc lập, và được tự do trong chuyện chọn chồng.

Hôn nhân được coi như một bổn phận, chuyện ly dị khá hiếm hoi và bị bêu xấu. Chuyện đa thê được cho phép nếu tất cả những người vợ được đối xử công bằng. Tuy nhiên, thật là chuyện bất thường và hiếm hoi xảy ra khi một người đàn ông cảm thấy bị bắt buộc phải lấy người góa phụ vợ của ông anh trai vừa mới qua đời. Cách thông thường là lấy họ hàng thân thiết, dù những gia đình cố gắng biến những tài sản xã hội thành nhiều dạng khác nhau trong chuyện hôn phối. Hôn nhân giữa họ hàng với nhau chiếm tỷ lệ khá cao.

Những cuộc tiếp xúc đầu tiên thường được tiến hành bí mật bởi phía phụ nữ nhằm tránh sự từ chối công khai. Rồi hai gia đình thương thảo về tương lai tài chánh của đôi lứa và quyết định về chuyện quần áo tư trang, sự đòi hỏi của cô dâu và của hồi môn. Bước kế tiếp là sự hứa hôn chính thức, trong đó những phụ nữ họ hàng của chú rể mang quà đến nhà cô dâu và những món ăn ngọt được dùng. Ðám cưới là một cuộc vui kéo dài ba ngày được gia đình chú rể trang trải trong đó hôn thú được ký và cặp vợ chồng được mang lại gần nhau. Rồi cô dâu được mang đến nhà mới của cô trong một cung cách huy hoàng.

Theo truyền thống, một gia đình căn bản bao gồm một người đàn ông, vợ, những con trai với người phối ngẫu của chúng và trẻ con, và những cô con gái chưa lấy chồng. Khi người đàn ông chết, những đứa con trai có thể quyết định tiếp tục ở chung với nhau hay chia tài sản gia đình ra. Quyền lực giữa những anh em trai được căn cứ trên khả năng, kỹ năng làm ăn, và uy tín cá nhân hơn là tuổi tác. Ðôi khi một anh em trai hỏi về phần chia của gia đình dành cho anh ta và xa rời đám đông trong nhà trong khi người cha vẫn còn sống. Chuyện hòa thuận trong chuyện cư trú không có nghĩa là cùng chungï chia sẻ những sự tiêu xài trong gia đình.

Theo lý thuyết, tất cả những anh em trai đều bình đẳng, nhưng để tránh chuyện chia năm xẻ bảy tài sản gia đình, những anh em trai có thể quyết định cùng sở hữu chung hay chia chác tài chánh với nhau. Trái với luật Hồi giáo, đàn bà không được thừa hưởng đất đai, bất động sản hay thú vật nuôi.

Tất cả những nhóm truy tìm nguồn gốc từ phía đàn ông. Mỗi nhóm bộ tộc công bố một người đàn ông làm tổ tiên chung và sau đó chia thành những bộ tộc phía dưới, phe cánh, và gia đình. Bảng gia phả thiết lập sự thừa kế tài sản, những ràng buộc chung, và tạo nên cảm giác đoàn kết. Những tranh cãi về đàn bà, đất đai, và tiền bạc có thể sinh ra những tranh chấp đẫm máu trong gia đình. Hệ thống bộ tộc đặc biệt được phát triển giữa những người Pashtuns. Giá trị chính của luật lệ bộ tộc của họ là lòng mến khách và sự trả thù. Nhiều cư dân của A phú hãn không thuộc về một bộ tộc nào hay chỉ có một sự liên kết lỏng lẻo mà thôi. Tình láng giềng và những liên hệ xã hội khác, thường được củng cố thêm bằng hôn phối, có thể mạnh mẽ hơn là quan hệ họ hàng mở rộng.

Trẻ con thường được cột chặt vào trong nôi bằng gỗ có một cái rảnh thoát nước tiểu hay được mẹ cột vào người bằng một cái khăn. Chúng có thể được mẹ nuôi bằng sữa mẹ trong vòng hai năm nhưng chuyện bỏ sữa xảy đến khá bất thình lình. Trẻ được trông coi bởi một nhóm đông đàn bà họ hàng. Dù được bao bọc bởi sự thương yêu, nhưng trẻ con học được rất sớm rằng không ai sẽ xen vào khi chúng khóc hay bị đau. Người lớn không dính vào những trò chơi của trẻ con, vốn là những trò chơi có thể mạnh bạo. Sự trừng phạt bằng đòn đánh vào thân thể được áp dụng, dù cha mẹ có khuynh hướng chiều chuộng đối với con nhỏ. Trẻ con di chuyển tự do từ phần dành cho đàn bà trong nhà đến phần tiếp khách và học hỏi cách sống theo sự bố trí, phân chia nhóm.

Sự kính trọng và tuân lời những người lớn tuổi là những giá trị quan trọng, nhưng sự độc lập, sáng kiến cá nhân, và sự tự tin cũng được ca ngợi. Buổi lễ quan trọng nhất đánh dấu sự lớn lên của một bé trai là chuyện cắt da quy đầu, thường là vào lúc bảy tuổi. Trẻ trai được dạy dỗ rất sớm về nhiệm vụ về chuyện phải vồn vã và lo lắng cho khách cũng như trong nom gia súc hay cửa hàng, trong khi đó trẻ gái bắt đầu giúp mẹ chúng ngay từ lúc chúng có thể đứng được. Cả hai đều được dạy những giá trị của sự danh dự và xấu hổ cùng phải học cách khi nào tỏ bày niềm hãnh diện và khi nào nên giữ sự khiêm tốn.

Mức độ số dân biết đọc khá thấp, và năm 1988, 88 % dân số người lớn không nhận được một nền học vấn chính thức. Chỉ có 5 % trẻ con có một nền giáo dục sơ cấp, với sự khác biệt nhiều giữa phái nam và phái nữ. Dân từ nước A phú hãn phải du lịch ra nước ngoài để có thể tiếp tục học cao hơn. Dù sự giáo dục được quý trọng, không có một tương lai nghề nghiệp nào dành cho những người có học, ngoại trừ làm việc cho một văn phòng quốc tế hay một tổ chức phi chính phủ.

Những người trẻ gọi những người già không bằng tên mà bằng chức vụ. Người đàn ông không gọi người vợ bằng tên của bà ta mà gọi bà là " mẹ của con tôi " . Những tên họ gia đình không được gọi thường, nhưng biệt danh ( nicknames) được dùng thường xuyên. Những từ trong họ thường dùng để biểu lộ tình bạn hay sự kính trọng. Sự mến khách cũng là một giá trị văn hóa quý báu. Khi dọn thức ăn ra, chủ nhà đợi đến khi khách bắt đầu ăn mới ăn. Khi dĩa đồ ăn hết sạch, khách xin phép rời nhà trừ phi họ ở lại qua đêm.

Khi gặp nhau, hai người đàn ông bắt tay nhau rồi đặt bàn tay phải vào ngực. Sự va chạm trực tiếp thân thể phải tránh khi đàn ông đàn bà gặp nhau. Nếu họ không trông thấy nhau trong một thời gian dài, bạn bè và họ hàng gia quyến ôm, hôn, và nói những câu lịch sự với nhau. Khi có người bước vào phòng, mọi người đứng dậy và chào đón đầy đủ. Khi ngồi xuống những câu chào đón được trao đổi thêm. Hỏi những câu hỏi truy tìm sự thật hay đòi hỏi cái gì đó quá cụ thể trong cuộc đối thoại được coi là vô phép. Ðể diễn tả tình thân mến, theo phong tục thì có quyền phàn nàn, có khi cay đắng, về chuyện không nhận được bất kỳ tin tức nào của nhau.

Dù có những sự khác biệt trong sự liên kết, phái Xuma và phái Si vẫn công nhận quyền lực của kinh Koran và kính trọng năm nguyên tắc trụ cột chính của Hồi giáo. Tuy nhiên, những sự liên hệ của những hội viên của những trường phái tôn giáo khác nhau có vẻ xa cách và gay cấn. Phái xufi ( Sulfism) là một trường phái diễn tả quan trọng của lòng mộ đạo. Nó đại diện cho khuynh hướng thần bí của Hồi giáo và nhấn mạnh đến cảm xúc cùng sự cam kết cá nhân dựa trên sự chấp nhận điều lệ của niềm tin. Nhiều học giả đạo Hồi nhìn chuyện này với sự nghi ngờ. Một hình thức mạnh mẽ khác của phái Xuni được những hành khất lang thang bày tỏ. Những hình thái siêu nhiên như thiên thần, thần, ma, và tinh thần được tin tưởng là tồn tại. Ðọc thần chú và cầu kinh bảo vệ người khỏi bị tà ma làm hại. Dù bị những chức sắc tôn giáo chính thống phê phán, những sự thực hành này được viên chức Hồi giáo trong làng.

Có hai loại người thực hành tôn giáo : thứ nhất là những học giả, mà sức mạnh dựa trên kiến thức, và những vị thánh, quyền lực đến từ khả năng chuyển những sự ban ơn của Thượng đế đến cho con người. Ở phái Xuni, không có tăng lữ chính thức, trong khi phái Si có cấp bậc chức sắc đàng hoàng. Những chức sắc trong làng được giáo dục bằng một nền giáo dục đức tin vốn cho phép họ dạy trẻ con và dẫn dắt những buổi cầu nguyền ngày thứ sáu. Nhiều vị thánh và cấp lãnh đạo phái Si công bố họ là hậu duệ từ Ðấng Tiên Tri. Những người theo đạo thăm viếng và hỏi họ về những điều chỉ dẫn và sự ban ơn. Trong chiến tranh, có một loại lãnh đạo tôn giáo xuất hiện: đó là giới quân nhân trẻ theo đạo Hồi, những người này thách thức quyền lực của những người thực hành theo truyền thống cũ và đề nghị về một sự nhận thức chính trị về tôn giáo nhiều hơn.

Quanh năm, dân chúng tụ tập ở đền thờ vào những ngày thứ sáu. Nhiều làng có chỗ cầu nguyện, và nơi này dùng để đón những du khách luôn. Mộ của những chức sắc tôn giáo nổi tiếng trở thành đền thờ được dân địa phương thăm viếng. Họ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng làng thôn và lý lịch địa phương. Những cuộc hành hương xa cho phép phụ nữ ra khỏi nhà, tụ tập thành nhóm để chuyện trò và gây tình thân ái giữa người với nhau trong xã hội.

Có hai loại lễ tôn giáo chính. Ðó là Id alKabir và Id-e Qorban ( Ngày lễ vĩ đại và ngày lễ của nạn nhân) dùng để tưởng nhớ sự hy sinh của Abraham ở vào thời điểm cuối của chu kỳ hành hương hàng năm về thánh địa Mecca. Nhiều gia đình giết một con cừu và phân phát một số phần thịt cho người nghèo. Buổi lễ nhỏ ( Id al-Firt) hay lễ Ramadan ( Id-e Ramadan) đánh dấu phần cuối của tháng nhịn ăn và đó là thời kỳ hân hoan trong đó họ hàng và bạn bè thăm viếng nhau. Tháng nhịn ăn Ramadan là một biến cố tôn giáo và xã hội quan trọng. Trong tháng Muharram ( tháng đầu theo lịch âm lịch Hồi giáo ), Phái Si tưởng nhớ cái chết của người cháu của Muhammad. Ðây là thời gian tiếc thương và đau buồn. Mọi người tụ họp lại để nghe một chuyện tử vì đạo nào đó, khóc lóc và đấm vào ngực. Ngày tưởng niệm cái chết hàng năm của Husain mới là cao điểm. Một cuộc diễu hành được tổ chức,và nhiều thanh niên trẻ dùng dây xích quất và dùng dao nhọn đâm vào người. Những dịp lễ lạc xã hội quan trọng khác có màu sắc tôn giáo bao gồm lễ sinh nhật, đám cưới, đám tang, chuyện cắt da qui đầu cho bé trai, chuyện ăn uống được những người giàu lo liệu.

Người chết được chôn cất trong một miếng vải liệm. Ở miền quê, hầu hết những ngôi mộ chỉ là một đống đá đơn giản không có tên. Những người giàu có hơn có thể dựng một bia đá trên mộ có viết lời cầu nguyện. Trong vòng ba ngày, những họ hàng thân thiết của người qua đời mở cửa để đón những sự chia buồn. Bốn mươi ngày sau cái chết, họ hàng và những bạn bè thân gặp gỡ nhau một lần nữa, rồi đi thăm mộ, và cầu nguyện. Sau một năm, một buổi lễ được tổ chức để đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ thương tiếc. Nhiều người tin rằng nếu đám tang không được làm đúng cách, bóng ma của người chết sẽ trở lại hành hạ người sống.

Vì những phương tiện y khoa còn hạn chế, người dân chỉ còn dựa vào những phương cách điều trị cổ truyền vốn dùng đến dược thảo và những sản phẩm lấy từ súc vật. Mỗi sự đau ốm thể chất đều được đánh giá như là nóng hay lạnh, và sự trị bệnh tùy thuộc vào chuyện tái lập sự quân bình cho cơ thể bằng cách cho ăn những thực phẩm có những đặc tính trái ngược nhau. Một cách khác để chữa bệnh là cam kết đi hành hương tới một ngôi đền. Ðôi khi, những người đi hành hương đem một ít cát ở nơi thiêng liêng về bỏ trong trà để uống hay giữ một mảnh nhỏ từ bảng chữ nằm trên mộ. Có vài con suối được công nhận là thiêng liêng, và nước nơi đây được tin là có tác dụng chữa bệnh. Những vần thơ kinh Koran bọc vải được may vào áo quần hay mũ nón để bảo vệ người bệnh khỏi sự xoi bói của quỷ hay dùng như một phương thức để điều trị một chứng bệnh.

Lễ Jashn, những ngày lễ kỷ niệm đất nước dành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1919 cũng là dịp để nhà nước công bố những chuyện cải tổ. Những cuộc diễu hành và những trận thi đua thể thao được tổ chức khắp nơi. Ngày đầu năm ( 21 tháng 3) được chọn từ thời tiền Hồi giáo ( pre-Islamic period). Theo lịch Ba-tư cũ, đó là lễ hội tốt tươi chào đón mùa Xuân. Ðó cũng là thời gian để cho họ hàng và bạn bè thăm viếng nhau và mang quà cho trẻ con.

Phe Taliban cấm những nghệ thuật phô bày. Văn hóa cao được giữ nguyên sức sống ở Pakistan và ở phương Tây, những người tỵ nạn đã thiết lập những chu kỳ văn hóa bao gồm chuyện tổ chức hòa nhạc, triển lãm ( tranh, hình chụp), thi thơ, và những khóa viết chữ đẹp, hội họa, âm nhạc, và thi ca. Một số người có những thư viện tương đối chứa những phim tài liệu và họ rán đẩy mạnh chuyện trình diễn sân khấu.

Tất cả những học giả đã rời đất nước, cho nên không tạo dựng được một nền học vấn cao hơn cũng như không có sự nghiên cứu khoa học tân tiến ngày nay.

Lawndale, một sáng mùa Ðông đìu hiu đầu năm 2002
Trần Viết Ðại Hưng
 

Hosted by www.Geocities.ws

1