CHƯƠNG  NĂM

 

 

THỨ  BA  29 THÁNG TƯ

 

Giá đồng mỹ kim:

-        lúc 10 giờ sáng: 1 mỹ kim  giá 5000 đồng bạc Việt Nam

-        lúc 6 giờ chiều , gần sân bay Tân sơn Nhứt : 1 mỹ kim giá từ          

                     6000 đến 7000 đồng.     

 

*

*        *

 

Thiết quân luật đến 36 tiếng đồng hồ để cho Hoa Kỳ di tản những người Mỹ, gần một ngàn người , và hàng chục hàng trăm ngàn người Việt Nam mà họ đã hứa là sẽ được bốc đi khỏi Việt Nam với người Mỹ.

Chúng tôi không thể ra khỏi thành phố Sài Gòn vốn đang bị bao vây hoàn toàn, mà cũng không thể ra khỏi khách sạn được nữa, nếu chúng tôi áp dụng đúng theo lệnh thiết quân luật mà Chánh Phủ vừa ban hành. Nhưng cái Chánh Phủ nầy không thấy có mặt, vì người  ta chỉ biết có vài người chánh trị gia mà thôi. Còn quân đội , những gì đang còn lại,và đang còn được đặt dưới quyền của Chánh Phủ từ thời ông Diệm cho tới giờ nầy.. vẫn không được hỏi tới. Người ta cũng không thấy bóng quân nhân nào đi kiểm soát lệnh thiết quân luật. Còn cảnh sát thì vắng bóng một cách lạ lùng.

Cuộc chuyển giao quyền hành ngày hôm qua là một buổi trình diễn đẹp nhưng trong bóng tối. Tuy nhiên ông già dũng cảm Trần văn Hương lại vẫn có một bài diễn văn gọt dũa rất chu đáo:

“Một trang sử đã được được lật qua, một trang sử mới sẽ được ông Dương văn Minh viết tiếp.  Chẳng những Đại tướng rất cần có nhiều thiện chí mà Đại tướng cũng rất cần  phải can đảm lên mới được. Khi chúng ta từ bỏ giải pháp quân sự là chúng ta đã chọn con đường của sự hòa hợp hòa giải và cuối cùng đi đến hòa bình .,……” 

Ông Hương đã xác nhận với tôi là ông biết tướng Minh không có một liên lạc nào với cái CPLTCHMN, trái với điều mà ông rêu rao. Ông không thể làm gì hơn được nữa. Nhưng Quốc Hội đã bị các tướng lãnh thức đẩy, nhất là tướng Trần văn Đôn, Tổng trưởng Quốc Phòng, được coi như phát ngôn viên của tòa đại sứ Pháp ở Quốc Hội . Ai cũng tưởng là số phận của nước Việt Nam được quyết định ở Paris vậy.

Ông Dương văn Minh đã đáp từ lại ông Hương:

“ Nhận lèo lái con thuyền Việt Nam trong những hoàn cảnh hiện nay thật ra không có gì là vui hết.Chánh Phủ mà tôi được giao phó phải thành lập là một Chánh Phủ hòa giải quốc gia, và tôi tin chắc rằng Chánh Phủ đó có thể nối lại sự thương thuyết với CPLTCHMN .”

Ông cũng kêu gọi binh sĩ:

“Các anh phải cố giữ phần lãnh thổ còn lại, cố giữ hòa bình và giữ vững tinh thần cao. Ngay khi một lệnh ngừng bắn được thiết lập, các anh phải triệt để tôn trọng. Trong những vùng mà các anh còn kiểm soát các anh phải giữ an ninh và tài sản của dân chúng, không được đào ngũ, không được bỏ vũ khí của mình, và bất cứ trong trường hợp nào các anh cũng phải tuyệt đối tuân hành theo lệnh đã ban ra. Tất cả mọi hành động vô kỷ luật đều bị trừng phạt ngay tức khắc.”   

Ông Minh thật là một người dũng cảm ! Nhưng ai sẽ trừng phạt binh sĩ đây ? Những người đào ngũ sẽ không bao giờ trở lại hàng ngũ của địch. Họ sẽ giữ lại vũ khí của họ để cướp bóc hay để tự vệ nếu cần. Đâu còn có ông tướng nào để mà chuyển lệnh ? và những ông đại tá thì đang sửa soạn hành trang. Chỉ còn có một vài đơn vị như các sinh viên sĩ quan Dalat hay Nhảy Dù là còn cấp chỉ huy, không bị rơi vào tình trạng hỗn độn chung.

Ngày hôm qua chúng tôi thấy binh sĩ bỏ chạy mang theo vợ con, bỏ hết nón sắt và cả áo giáp, bỏ hết những gì bận tay vướng chân, chỉ còn mặc độc một chiếc áo cánh và còn mang khẩu súng mà thôi. Và sau lưng họ là cả một làn sóng người tỵ nạn đông như kiến mang hay kéo theo các bao bị lớn. Có không ít người còn băng bó, mình dính đầy máu hay đầy bùn, mặt mày nhớn nhác, mắt ngờ nghệch. Đôi lúc còn bật lên tiếng rên, nghe như tiếng rên la của một con vật. Một người trong nhóm tỵ nạn ngừng lại và lăn tròn xuống hố, đoàn người vẫn cứ đi.. Đoàn người chạy loạn, với đủ mọi loại phương tiện, từ xe bò, xe xì cút tơ, xe cam nhông, đến gồng gánh trên vai, tay xách nách mang con nhỏ, hay dắt chiếc xe đạp chở đủ mọi thứ không tưởng tượng được . Khi được hỏi tại sao họ phải  bỏ nhà cửa xóm làng để chạy đi như vậy, thì họ nói họ cũng không biết gì hết và họ quá sợ.

Họ nhắm hướng Sài Gòn mà đi, đi đến đâu họ phải tháo gở hết các rào cản đến đó để đi qua, các rào cản vốn được binh sĩ đã hấp tấp dựng lên trên xa lộ Biên Hòa. Các binh sĩ càng lúc càng ít đi, thỉnh thoảng lại bắn lên trời một tràng M.16 thay thế cho tiếng tu hít. Một phần của đoàn dân tỵ nạn được hướng dẫn vào nghĩa trang quân đội và cấm trại ở đó chung quanh các mồ mả trong số đó có vài cái mả còm mới ,  phần còn lại thì tiếp tục đi…

Chiều hôm qua, người ta còn đặt mìn ở các cầu trên sông Đồng Nai, trừ có một chiếc là không có cho nổ. Thỉnh thoảng lại có một chiếc rốc kết rơi và nổ trên đồng ruộng làm tung tóe bùn sình vào đoàn dân tỵ nạn làm cho họ vừa la vừa chạy tứ tung. Một cái chân bị cắt đứt lìa phía trên đầu gối, đang nằm giữa đườngcùng với các mảnh vụn khác.

Trong lúc đó thì tướng Minh lại tiếp tục phần diễn văn của ông :

“Hỡi các anh em phía bên kia ! các anh cũng đã biết là tôi thật tâm muốn có một sự hòa giải. Tôi yêu cầu tất cả các tầng lớp dân chúng tôn trọng quyền sống của mọi người. Đó là tinh thần của Hiệp Định Ba Lê. Các anh đòi hỏi phải tôn trọng Hiệp Định Ba Lê và chúng tôi cũng muốn như vậy. Chúng ta phải cùng nhau ngồi lại chung một bàn để tìm một giải pháp có lợi nhất cho quốc gia và cho dân tộc. Để chấm dứt nhanh chóng sự đói rách cho dân chúng và cho binh sĩ, tôi xin đề nghị là chúng ta hãy chấm dứt ngay các cuộc giao tranh. Tôi hy vọng là các anh chấp nhận đề nghị nầy và mong rằng cuộc thương thuyết có thể được bắt đầu sau khi chính phủ được thành lập…”

Có ngay câu trả lời, không cần chờ đợi lâu. Nhiều quả rốc kết rơi vào ngay dinh Độc Lập: Bọn Việt Cộng không muốn cả ông Minh cũng như người nào khác hết. Họ không có ý muốn thương lượng tý nào. Hiệp Định Ba Lê chỉ là một quả chanh đã vắt đến hết nước rồi chẳng vứt đi còn giữ lại làm gì ? Họ chỉ chấp nhận một cuộc đầu hàng không điều kiện mà thôi. Và còn hơn thế nữa. Họ muốn trừng phạt thành phố vì đã hai lần rồi thành phố nầy đã từ khước họ, vào năm 1945 và 1968.

Thật là sai bét, đúng là một cung đàn lạc giọng vì một người thì điếc không muốn nghe gì hết, còn người khác thì lại đui không chịu thấy gì cả!   

Ở Ba Lê, CPLTCHMN thì đòi hỏi phải phá sập bộ máy chiến tranh của Sài Gòn , nhưng ở Sài Gòn nơi mà cái CPLTCHMN hình như không có quyền lên tiếng thì cấp chỉ huy Bắc Việt lại từ chối mọi cuộc nói chuyện và cứ thế mà rốc kết được nã liên hồi vào thành phố .

Sài Gòn sẽ bị trừng phạt, Sài Gòn sẽ bị phá hủy, vì thành phố nầy đã có tội, vì thành phố nầy đã sống phè phởn trên chiến tranh, trong lúc người khác phải chiến đấu.

Tướng Dương văn Minh đã nhiều lần nói với tôi là ông rất tôn sùng tướng De Gaulle về quan điểm chánh trị của ông ta. Trong hiện tại thì tướng Minh đã tuyên bố là ông muốn trở thành một De Gaulle. Khi thừa kế cho ông Trần văn Hương là một người vốn muốn làm một ông Pétain, thì tướng Minh chỉ có thể làm một công tác như thế thôi. Trong bài diễn văn của mình, ông cũng đã có giọng nói của ông thống chế già người Pháp. Các nhân vật ở Miền Nam Việt Nam nầy sao mà họ quá gần với chúng ta quá, và sự tan vỡ của họ sao mà cũng giống của chúng ta hồi năm 1940 quá !   

Tôi biết rất rõ hai nhân vật sắp vào trong chính phủ do ông Minh thành lập. Cả hai người đều đáng kính nhưng sau lưng họ là cả một quá trình hoạt động chánh trị, điều nầy Việt Cộng không bao giờ chấp nhận:

Ông Vũ văn Mẫu, tiến sĩ luật khoa Pháp, là một giáo sư đại học rất sáng giá, và là Tổng Trưởng Ngoại giao thời ông Diệm. Ông là một Phật tử thuần thành nên ông xin từ chức để phản đối những sự truy hại nhằm vào các đồng đạo của ông. Sau đó ông là Đại sứ ở Luân Đôn của Chánh Phủ Dương văn Minh ,1963. Dưới thời ông Thiệu ông đắc cử Nghị sĩ, vào Thượng Nghị Viện ông không ngớt chống đối chế độ và chánh thức trở thành lãnh tụ khối đối lập. Thông minh và hoạt bát lại không thiếu tánh hài hước, trong năm qua coi như ông là “nguồn suy tư” của ông Minh, vì muốn trong bất cứ hành động nào ông Minh cũng đều tham khảo ý kiến của ông ta cả. Vì niềm tin vào đạo giáo, ông thật sự yêu hòa bình, và lãnh đạo phong trào “Các Lực lượng Hòa Giải”. . Ông sẽ là Thủ Tướng của Chánh Phủ.

Ông Nguyễn văn Huyền lại thuộc một tôi luyện khác. ông là một người Ki Tô Giáo, trong khi là một chánh trị gia. Người ta nói là ông rất thần bí. Liêm khiết, rất nguyên tắc và cứng rắn, tôi có cảm tưởng ông là một tu sĩ đã lập gia đình nhưng lúc nào cũng hiến mình cho Chúa. Ông là một trong những người có uy tín ở Miền Nam Việt Nam , ít nhất là trong cái vũng lầy chánh trị đầy ếch nhái đang lải nhải nầy mà tướng Thiệu chỉ cần vất xuống một vài bổng lộc là im tiếng ngay. Ông thắng ứng cử viên của ông Thiệu và trở thành Chủ Tịch Thượng Viện. Ông từ nhiệm năm 1974 và bỏ luôn ghế Thượng Nghị Sĩ. Ông không thích tướng Thiệu trong cương vị Tổng Thống. Ông trách ông Thiệu là ăn hối lộ, không tôn trọng Hiến Pháp, và có nhiều thói quen xấu, đôi khi hay nóng tánh và ở Vũng Tàu đã buông mình trong các cuộc giải trí thô tục của bọn hạ sĩ quan Pháp.

Nếu ta xem ông Vũ văn Mẫu là tư tưởng của ông Minh thì ông Nguyễn văn Huyền phải là lương tâm của ông tướng nầy. Ông là người đã tán thành Hiệp Định Genève, vì thực tế và bởi vì ông không thấy có một giải pháp nào khác hơn. Ông được đặc trách về công tác thương lượng với CPLTCHMN.

Chưa thấy có tên của một vị Tổng Trưởng  nào khác được chỉ định.

 8 giờ sáng, người thông dịch viên Lý thị Dưỡng của chúng tôi đến báo cho chúng tôi là bà biết một căn nhà có nóc bằng được dùng làm bãi đáp cho trực thăng Mỹ trong công tác di tản người tỵ nạn Việt Nam . Bà có thể cho chúng tôi vào vì nhà đó là của bà ta. Bà Dưỡng nầy thật là kỳ lạ ! Trong khi rời Miền Nam Việt Nam chúng tôi được biết bà ta là một trong những bà giàu nhất Sài Gòn , và là người đã có một ngân hàng thứ nhì của thành phố, một nhà máy với 10 ngàn nhân công và một công ty hàng hải mà tôi không muốn nhắc tới. Công ty nầy trị giá 18 tỷ đồng Việt Nam .

Chúng tôi tới căn nhà đó. Nhà mới được xây cất, rất tân thời, cao đến 6 tầng, nằm trên một địa điểm rộng rãi và đẹp ở số 6 đường Trương Viên Hô. Chổ nầy có bóng những cây me che mát nhưng lại bị một đài kỷ niệm bằng xi măng làm mất thẩm mỹ. Đây là môt cây cột cao được xây lên để vinh danh quốc tế quân viện cho Miền Nam Việt Nam đứng trên lưng một con rùa to trong ao đầy nước, thường được các trẻ nhỏ xuống tung tăng nô đùa trong đó. Nhưng những ai biết rõ mặt trái của vấn đề đều nói rằng chính Tổng Thống Thiệu vì vấn đề phong thủy, đã cho xây cột nầy cắm sâu vào đuôi một con rồng dưới đất vốn đang đe dọa Sài Gòn.

Chúng tôi tất cả toán truyền hình đều lên nóc của biệt thự nầy, một biệt thự hoàn toàn chỉ có nhân viên và công chức thuộc các cơ quan, phòng, sở của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở mà thôi. Trên sân thượng có một sàn sơn toàn đen dành cho các cuộc khiêu vũ, và một con sồ 23 sơn vàng: dùng làm bải đáp tạm thời cho trực thăng. Biệt thự có rào sắt chung quanh, có binh sĩ canh gát với súng ống hẳn hòi và họ chỉ mở cổng cho những người nói đúng mật khẩu. Một chiếc xe lớn màu trắng, trên nóc mui có gằn đèn pha xanh, không mở còi hụ, thả xuống 2 người; hai  nhân vật nầy vừa nhảy xuống xe là chui ngay vào một  phòng riêng . Một người thì to con như lực sĩ James Bond, râu không cạo gần như bị trầm uất thần kinh, khi đi ngang qua tôi anh ta trừng mắt nhìn tôi có vẻ kinh ngạc khó chịu. Các binh sĩ người Việt đang gác thấy lạ cũng nhìn chúng tôi chờ xem phản ứng.

Các phòng trên tầng lầu thứ 6 đều có người ở. Tôi bấm chuông mà không có ai trả lời, chỉ trừ có một người lớn con có râu quai hàm, còn mặc xì líp bước ra yêu cầu để yên cho anh ta ngủ .Anh ta có vẻ không muốn đi, vì thấy ở đây đã tốt rồi. Di tản hả ? Chưa bao giờ nghe nói. Và nói xong  anh ta đóng ập cửa lại. Tôi cũng đã có thì giờ thấy được một cây súng M.16 có cả băng đạn đang được dựng bên cạnh một ghế ngồi.

Chung quanh chúng tôi, có đủ loại trực thăng bay rợp trời. Những con chuồn chuồn kỳ lạ nầy với những tiếng kêu thiệt ồn ào của cánh quạt, bay vòng vòng và sau một phút do dự, cuối cùng đáp xuống một nóc nhà, trước mặt chúng tôi, tức là tòa đại sứ Hoa Kỳ . Cà hai chiếc một lượt.     

Đến chừng nào mới đến lượt chúng tôi đây ? Đứng nấp phía sau nhà vòm chứa máy điện của thang máy, chúng tôi rình con côn trùng khổng lồ của mình như những nhà côn trùng học vậy.

Cuối cùng nó đây rồi, do dự rồi đáp xuống với tiếng kêu phành phạch vang lên của cánh quạt . Chiếc trực thăng Iroquois quá đẹp , nó có thể chở 12 người . Đây không phải là một chiếc trực thăng của quân đội mà nó thuộc Hàng Không Hoa Kỳ, đang phục vụ cho Trung Ương Tình Báo Mỹ. Phi công là người Mỹ và anh ta chỉ đeo có một khẩu súng lục. Nhưng anh ta có 2 người lính người Phi luật Tân đi theo, có nón sắt, có mặc áo giáp chắn đạn cẩn thận và võ trang đầy đủ. 

Từ cầu thang máy đi lên là anh chàng to con mặc quần lót mà chúng tôi gặp lúc nảy. Lần nầy anh ăn mặc cẩn thận. Từ bao súng trong túi ló ra một cây súng lục và với một máy truyền tin nhỏ loại cầm tay mà anh liên lạc nói chuyện liên hồi. Rồi từ đây mới bắt đầu xuất hiện một số nhân vật khác. Tôi nghĩ là chúng tôi đang ở ngay vào thời điểm bắt đầu di tản các nhân viên của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ . Dĩ nhiên vẫn có những binh sĩ cận vệ và trong số nầy cũng có những “tay to mặt lớn” trong ngành. Đặt biệt trong số nầy có một người ăn mặc rất chửng chạc, quần ủi kỹ, áo khoác loại đắt tiền, thắt cà vạt, bình tĩnh, và nhã nhặn, kiểu giáo sư của một trường đại học lớn… Đươc các anh bạn khác nể trọng ra mặt. Trong lúc những người khác không ngó ngàng gì đến chúng tôi thì ông ta lại chịu nói chuyện. Ông chìa cho chúng tôi xem một cái túi da đựng dụng cụ rửa mặt của mình và nói :

“Đây là tất cả những gì tôi mang theo từ một đất nước mà tôi mến yêu. Ít nhất cũng có tôi là người rời khỏi đây. Nhưng còn bao nhiêu người khác sẽ còn ở lại đây ? Một sự ra đi trong thảm họa ! Bỏ lại tất cả những người đã từng tin tưởng vào chúng tôi! Thật là tủi hổ cho Tây Phương ! Và càng tủi hổ hơn nữa cho Chánh Phủ Hoa Kỳ , nếu người ta còn có thể coi đó là một Chánh Phủ, một chính phủ  đang còn có mặt ở Hoa thạnh Đốn . Trên 50.000 binh sĩ Mỹ đã nằm xuống để chúng tôi đi đến sự ra đi tủi hổ nầy!.”

Viên phi công giải thích cho chúng tôi là anh ta sẽ mang số hành khách nầy đến một chiến hạm chở trực thăng của Hạm Đội VII đang ở ngoài khơi, và cuộc hành quân di tản nầy sẽ phải kết thúc vào 12 giờ khuya hôm nay. Và sau đó thì cộng sản sẽ bắn vào tất cả những gì còn bay trên trời.

Như vậy là rõ ràng đã có một thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ và cộng sản Bắc Việt rồi !. Có thể được thương  lượng từ Ba Lê, giữa lãnh đạo cấp cao của Hoa thạnh Đốn và Hà Nội .

Viên phi công nhìn đồng hồ và hối chúng tôi  : 

“Thôi , Lên đi chớ !”

Anh ta cho chúng tôi là toán quay phim của truyền hình Mỹ và anh ta tin chắc là chúng tôi cũng chạy đi như anh ta vậy

Bên dưới biệt thự, đã có đông đảo các “hành khách” đến, trong khi các chuyến xe lớn chuyên chở đầy người của Mỹ vẫn tiếp tục đến và tiếp tục đổ người xuống.

Tôi đến nhìn gần hơn mới thấy được phía bên kia cổng rào , tòa dại sứ Ý đại Lợi với đầy đủ nhân viên, từ ông bà Đại sứ cả hai tuổi cũng đã khá cao, người rạm nắng. Người ta từ chối không chịu mở cổng cho họ. Rồi những nhân viên ngoại giao Nhật Bản đang ngập ngừng không biết họ phải làm gì. Và họ cứ đứng đó. Và còn tất cả một số người nữa, họ đứng gần như dán chặt vào cổng. Rồi một chiếc xe Mẹt xê dét màu đen, cửa buông màng kín cứ chạy vòng vòng tại chỗ, có các xe mô tô dẫn đường. Không biết ai đây ? Ông Tổng Trưởng nào đây ? Hay ông Chủ Tịch nào ? Cũng có thể là ông Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của Miền Nam chăng ?

Bên trong biệt thự, đã có một số gia đình người Việt Nam vào rồi với đầy đủ ông bà cha mẹ con cháu với vô số va ly hành lý. Và một số người Mỹ dân sự . Trên sân thượng của biết thự của bà Lý thị Dưỡng nầy đã có một sân bay trực thăng cho loại hành khách “tối quan trọng”, và dưới lầu thì đã có một trung tâm để tập trung các nhân vật ít quan trọng hơn. Một vài người Mỹ lo điều hành cuộc hành quân di tản nầy không thấy đâu hết vì bị số người quá đông nầy “nuốt” mất.    

Tôi bắt đầu hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Người Mỹ đã có lên các danh sách đầy đủ hết. Họ đã dự trù sẽ di tản một số gia đình nào đó. Nhưng họ không bao giờ nghĩ rằng một gia đình người Việt Nam không chỉ gồm có người cha người mẹ và một số con chừng hai ba đứa, mà còn phải có cả ông bà, cậu mợ chú bác, cháu… ít nhất cũng phải chừng 40 người. Và họ cũng chưa biết được là từ Chợ Lớn ra đến Sài Gòn đã có không biết bao nhiêu nơi chuyên cung cấp những danh sách giả. Tôi đã có nhiều bản danh sách giả đó trong tay, được thực hiện bằng mọi cách và được trả hằng triệu đồng.  Và trong biệt thự nầy đang lẫn lộn cả những người thuộc danh sách thật và những người đã mua một chỗ trong danh sách giả. Có môt sự lộn xộn không tả xiết. 

                   (Xin đón xem Chương Năm , Phần Hai)


   Trở về trang Mục Lục     Chương 5 - phần 2

Hosted by www.Geocities.ws

1