Đây là tiếng Việt trên Unicode font Times New Roman (charset=UTF-8). Font Unicode cuối cùng đã thống nhất được bộ mã tiếng Việt sau bao nhiêu năm chia cắt.

Phần Question and Answer này có tính chất hài hước là chính nhưng cũng chứa khá nhiều sự thật.

Q. Tại sao ở Việt Nam xe cộ lại bấm còi inh ỏi như vậy?
(Why do Vietnamese vehicles honk all the time?)
A. 1. Vì ở Việt Nam bàn phanh xe bị lắp nhầm thành công tắc còi nên mỗi khi nhấn phanh là còi kêu. Không hiểu có ai còn nhớ cái thời mà xích lô cứ kéo phanh dưới yên xe là lại có tiếng chuông !
     2. Vì ở Việt Nam ai cũng nghĩ là người khác điếc !
     3. Vì ở Việt Nam ai cũng sợ bị quên là mình không tồn tại !
     4. Vì trong luật giao thông qui định là muốn vượt phải bóp còi "Còi to cho vượt".

Q. Tại sao ở Việt Nam giá cước viễn thông (tel, fax, leased line...) lại đắt quá như vậy?
(Why does the telecom cost so expensive?)
A. Vì cứ mỗi cuộc điện đàm lại phải cử một người giỏi ngoại ngữ nghe (hoặc đọc) lén !

Q. Ai là người giàu nhất nước Việt Nam?
(Who is the richest man in Vietnam?)
A. Có ai khai thu nhập đâu mà biết ai là người giàu mới nghèo. Không ai tự bảo là mình giàu vì lần lượt những doanh gia được coi là giầu nhất đều nhận án tử hình. Ngay cả những người có trong tay tới chục biệt thự nhưng khi giở sổ ra xem cũng đều là tên người khác. Có một điều chắc chắn là những người đang đóng thuế thu nhập cá nhân không phải là những người giầu nhất ở Việt Nam.

Q. Làm thế nào biết ai là người giầu?
(How to know who is rich?)
A. Những người giàu nhất ở Việt Nam phần lớn không có thẻ ATM, credit card và không có tài khoản tại ngân hàng nhưng chắc chắn họ có ít nhất một nhà riêng xây trên những khu đất có giá trị cộng với đồn điền ở tỉnh ngoài. Đất là thứ duy nhất để đo sự giầu có.

Q. Tại sao tiến độ cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà và đất cho nhân dân lại chậm như vậy: (12/01)
(Why is issuing house ownership licenses so slow?)
A. Ngay cả ở nơi khá nhất là thành phố Hồ Chí Minh cũng để nhân dân phải xếp hàng khổ sở với đầy những lý do nêu ra. Nào là không đủ nhân lực vì không có tiền, nào là đo vẽ không chính xác, nào là dân chưa có nhu cầu. Nhưng tóm gọn lại thì có mấy nguyên nhân mà nhà cầm quyền không nói ra như sau:

1. Chính phủ suốt 40 năm cầm quyền (tính ở miền Bắc) không hề nghĩ đến việc đảm bảo quyền sở hữu cho công dân của mình, đúng với bản chất Xã hội Chủ nghĩa mà họ theo đuổi. Chỉ mươi năm trở lại đây do nhân dân kêu nên họ mới phải cấp giấy nhỏ giọt để xoa dịu quần chúng.

2. Chính phủ sợ nếu cấp đủ giấy chứng nhận sẽ lòi ra là các vị quan chức vốn suốt ngày kêu "lương không đủ ăn" nay lại sở hữu tới ba bốn căn nhà.

3. Chính phủ mong diện được miễn thu tiền sử dụng đất là các cụ cựu chiến binh và kháng chiến chết bớt đi để họ thu được nhiều tiền cho ngân sách hơn.

4. Có làm chậm như vậy thì quan chức mới nhũng nhiễu nhân dân để kiếm chác.


Q. Tại sao người Việt Nam lại hay chen hàng? (3/02)
(Why don't Vietnamese follow the queue?)
A. Mặc dù một trong các triết lý mà Chủ nghĩa xã hội để lại trong bộ nhớ của người Việt Nam là xếp hàng dài để chờ mua gạo hay rau muống, người Việt Nam đến nay vẫn có hành vi tồi tệ trong xếp hàng. Dù ở trạm xăng, ngã tư có đèn giao thông, phi trường quốc tế Nội Bài hay phi trường quốc tế Sydney ở đâu cứ có người Việt Nam là có chen hàng. Có nhiều cách giải thích nhưng tôi xin mạo muội giải thích đơn giản là người Việt Nam không tin vào công lý mà luôn tin chỉ có luồn lách hoặc liều lĩnh xông lên mới đạt được mục tiêu. "Đất nước này là của ... Chí Phèo".

Q. Tại sao giao thông ở Việt Nam lại lộn xộn như vậy (10/02)?
(Why is the traffic a chaos?)
A. Xem câu trả lời về xếp hàng. Không có lòng tin vào công lý thì tất nhiên là không có lòng tin vào luật lệ giao thông. Thậm chí những người tuân thủ luật lệ thường bị thua thiệt mà không ai đứng ra bảo vệ. Ví dụ bạn dừng xe trước đèn đỏ và bị đâm đằng sau, nếu bạn không may sẽ bị kẻ vi phạm đánh cho bị thương, may thì chỉ bị chửi "đồ ngu". "Đất nước này là của ... Chí Phèo".

Q. Cái gì sẽ là thảm hoạ kinh tế tiếp theo của Việt Nam? (5/02)
(What would be the next economic disaster for Vietnam?)
A. Hậu quả của bia, đường, xi măng lò đứng, v.v... càng sản xuất càng lỗ còn chưa hết thì nay tỉnh nào cũng đầu tư xây dựng phần mềm. Tỉnh nhỏ thì gọi khiêm tốn là trung tâm tỉnh lớn thì khoanh đất rồi làm hạ tầng rồi kết nối internet tốc độ cao và gọi là khu công nghiệp phần mềm. Đây là lĩnh vực mà các công ty tư nhân hoàn toàn có thể làm được, chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện. Nếu mà dùng ngân sách Nhà nước đầu tư ồ ạt thì chắc lại đến thảm cảnh của mía đường - sản xuất ra không biết bán cho ai.

Q. Sao Nhà nước lại rao rảng nhiều về Chính phủ Điện tử thế? (6/02)
(Why does the State boost so loudly about the e-government?)
A. Thật là lý tưởng cho một chính phủ quan liêu khi chuyển sang máy tính hoá. Trước kia họ phải bịa ra đủ lý do giải thích cho dân về sự ì ạch của mình. Với Chính phủ Điện tử mọi việc thật đơn giản chỉ cần nói "máy treo".

Q. Cái gì là nét chung nhất của luật kinh tế Việt Nam? (1/03)
(What is the most general feature of Vietnam business laws?)
A. Nét chung nhất của luật kinh tế Việt Nam là hệ thống các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, v.v. được thiết kế sao cho ai muốn kinh doanh cũng phải vi phạm pháp luật và chốn thuế. Nhờ thế mà khi cần Chính phủ có thể kết tội bất cứ nhà doanh nghiệp nào và tống họ vào tù.

Q. Tại sao Bộ Văn hóa lại cấm quảng cáo bao cao su và băng vệ sinh vào quãng 18-20 giờ ? (7/03)
(Why the Ministry of Culture & Info bans the advertisement of condoms and hygene napkins between 18-20 hrs)
A. Vì chính sách này (và nhiều chính sách nữa) là do các ông bà già quyết định mà họ thì còn cần đến Bao cao su và Băng vệ sinh làm gì nữa.

Q. Tại sao tù binh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại bị chết nhiều hơn cả số lính chết trận ? (4/04)
(Why the French prisoners in Dien Bien Phu battle died in captivity more than those killed in the battle?)
A. Trong các trận chiến ác liệt tại Điện Biên Phủ 13/3 đến 7/5 năm 1954 quân Pháp bị giết khoảng 2 ngàn còn bị thương gần 4 ngàn. Những người bị thương nặng nhất được trao trả cho phía Pháp ngay sau các trận đánh hoặc sau khi chiến dịch kết thúc. Còn khoảng 10 ngàn tù binh bị thương nhẹ và nguyên lành được gấp rút đưa về các trại cách Điện Biên Phủ 300-600km. Ngày nghỉ, đêm đi bộ, trèo đèo lội suối với khẩu phần ăn không khác gì bộ đội Việt Nam. Trên đường đi rất nhiều tù binh không lê nổi bước chân vì giày đã tan nát. Rất nhiều người đã bỏ mạng trên đường. Khi đến nơi hóa ra tất cả các trại tù binh đều không có rào thép gai, không có tháp canh cũng chẳng có đèn pha, thậm chí tối đến không có dầu mà thắp đèn. Lính Pháp đến lúc đó mới hiểu khẩu phần ăn của bộ đội Việt Nam khi không vào chiến dịch là không biết ngày mai ăn gì. Hàng ngày những người khỏe mạnh phải cùng với những người gác họ đi đốn củi, xay lúa, kiếm rau đủ ăn cho ngày hôm đó, nhóm khác phải đi đẵn gỗ, lấy lá cây sửa sang lại doanh trại. Tuy cực khổ nhưng không tù binh nào dám chạy trốn vì họ không biết ăn gì khi ra khỏi trại. Họa hoằn có tàu bay Pháp bay qua họ mới dám hò hét nhưng không ăn thua. Đối với lính lê dương quen ăn ngon, uống rượu vang và cognac, ngủ giường đệm thì đây là cực hình khủng khiếp không kém Điện Biên Phủ. Chính bộ đội Việt Nam cũng bị sốt rét và các bệnh khác quật ngã liên tục nên tù binh chết phải đi chôn là việc bình thường. Khi trao trả cho Pháp vào tháng 9/1954 chỉ còn khoảng 4 ngàn tù binh sống sót.

Back | Home

Hosted by www.Geocities.ws

1