Unicode font
CHIẾN TRANH Ở I-RẮC

Ngày 20 tháng 3 năm 2003, Mỹ bắt đầu ném bom Bagdah, chiến tranh đã nổ ra.

Tôi có thái độ hoàn toàn ủng hộ Mỹ khi giải phóng Cô-oét trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Lúc đó tôi mới bắt đầu để ý đến I-rắc. Trước đó các bài về người lao động ở I-rắc cũng nói một ít về đất nước này. Tôi vui mừng khi liên quân chiến thắng nhanh chóng và rất ít thương vong.

Khi Mỹ đánh bom Nam Tư để cứu người Kosovo thì tôi bắt đầu thấy có cái gì đó không thể chấp nhận được. Có lẽ kinh nghiệm của người Việt Nam, nhất là miền Bắc, buộc người ta phải đứng ngay về phía những người bị Mỹ ném bom. Mặc dù biết là Nam Tư đã không mặn mà gì với Việt Nam trong quộc kháng chiến chống Mỹ nhưng tôi vẫn coi Nam Tư là nước đi tiên phong trong đổi mới ở phe Xã hội chủ nghĩa. Có lẽ chính người Nam Tư mới cần được bảo vệ để chống lại việc đạo Hồi và bọn mafia Albania đang thôn tính lãnh thổ Kosovo của họ. Ông Milosevich có thể là độc tài nhưng trong điều kiện bị chiến tranh đòi chia cắt lãnh thổ liên miên mà không có chế độ độc tài mới lạ. Để giải cứu cho bọn phiến quân Kosovo, Mỹ đã ném bom vào các công trình dân sự như cầu, đường, nhà máy điện ở thủ đô Belgrad. Trong khi đó Mỹ có thừa khả năng đưa quân vào Kosovo để bảo vệ bọn phiến quân chống lại lực lượng chính quy của Nam Tư mà không cần phải ném bom diện rộng tàn phá kinh tế và gây thương vong cho dân Nam Tư. Nhưng dường như người Mỹ thích dùng tên lửa hành trình để giải quyết xích mích hơn là đến tận nơi để giải hòa. Dù sao đối với họ thì ngồi trên chiến hạm bấm nút phóng tên lửa cũng an toàn hơn là ngồi trong xe tăng đến tận chiến trường.

Rồi sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra. Hai tòa tháp sụp đổ cướp đi sinh mạng của gần 3000 người ngay tại New York. Lúc bấy giờ tôi mới biết đến Al-quaeđa và trùm khủng bố Bin-Lađen. Điều này buộc Mỹ phải tuyên chiến với khủng bố và huy động sức mạnh để tiến hành chiến tranh chống khủng bố. Nhưng Mỹ không thế đánh nhau mà không có mặt trận. Họ đã xác định Bin-Lađen đang ở Afganistan.

Vậy là tháng 11/ 2001 Mỹ quay trở lại Afganistan, nơi mà họ đã bỏ quên đồng minh sau khi giúp đỡ bọn Hồi giáo cực đoan buộc quân đội Liên Xô phải rút đi năm 1986. Mỹ cũng nghĩ là với sức mạnh quân sự của mình họ có thể đánh tan quân Taleban để giải phóng Afganistan và bắt được Bin-Lađen để đem về Mỹ xử. Về mặt lý thuyết, khi Taleban đã không còn cường quốc nào ủng hộ, sẽ không đủ sức đánh lại Mỹ. Chỉ vài tháng Mỹ đã giúp phe Hồi giáo ôn hòa chống Taleban đánh tan quân Taleban. Nhưng rõ ràng là hơn một năm sau, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, Bin-Lađen vẫn chưa bị bắt hay bị chết mà vẫn chui lủi ở đâu đó để lập âm mưu khủng bố. Đất nước Afganistan đã tăng sản lượng thuốc phiện lên gấp 10 lần so với thời Taleban. Các căn cứ Mỹ thì bị tập kích, thỉnh thoảng lại có tin Lính Mỹ bị chết. Điều đó chứng tỏ Mỹ chưa kiểm soát được tình hình.

Sau Afganistan Mỹ vẫn chưa có chiến thắng thuyết phục nào trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ cũng không thể kết thúc với Taleban vì sức mạnh quân sự của Mỹ không thích hợp với loại chiến tranh này. Mỹ cần chiến thắng tiếp theo, quan trọng hơn để khẳng định đường lối của mình. Họ đã chọn Iraq, nơi mà họ đã không kết thúc năm 1991.

Tôi lo cho nước Mỹ. Khác với mọi người thường đồng hóa việc phản đối chiến tranh với việc chống lại nước Mỹ, tôi phản đối chiến tranh vì tôi lo cho tương lai của nước Mỹ.

Nhà độc tài Saddam vốn là người chủ trương Hồi giáo ôn hòa và đã từng thẳng tay đàn áp phe Hồi giáo quá khích. Có thể có một số quan hệ giữa Saddam và Bin Lađen khi hai bên cùng ủng hộ Nhân dân Palestine. Nhưng chắc chắn là hai bên luôn coi nhau là kẻ thù. Việc tiến hành chiến tranh chống Iraq khi mặt trận Afganistan còn chưa kết thúc sẽ làm nước Mỹ có thêm một mặt trận mới. Dù có đánh nhanh thắng nhanh thì việc quản lý một nước Hồi giáo năm bảy phe phái cũng không đơn giản. Nguy hiểm hơn nữa nếu như vì cùng chống Mỹ mà Saddam bắt tay với Bin Lađen và theo đó là phong trào Hồi giáo ôn hòa sẽ bắt tay với Hồi giáo quá khích al Qaeda, mặt trận khủng bố sẽ mở rộng thêm.

Khi tôi chưa kịp kết thúc bài này thì Mỹ đã chiến thắng ở Iraq. Nhưng người Mỹ còn đang phấn khởi vì chiến thắng thì đã bị chấn động bởi một loạt vụ đánh bom ở Riyadh, Arập Xê út. Vậy là trong lúc họ mải mê đánh nhau với Saddam thì Bin Lađen đã có thời gian tập hợp lực lượng để làm nên chuyện.

Nước Mỹ giàu có và hùng mạnh nhất thế giới. Họ có thể đánh tan 10 đạo quân của 10 nước đang phát triển cùng một lúc. Nhưng họ không đủ hùng mạnh để chiến thắng trên nhiều mặt trận một khi chiến tuyến không còn là một đường kẻ rõ ràng. Bằng cách tiến đánh Iraq cái đường kẻ đó đã rắc rối hơn nhiều và người Mỹ lại càng trở thành đối tượng bị săn đuổi. Cứ nhìn vào sứ quán Mỹ khắp nơi trên thế giới ta có thể thấy rõ kẻ lo sợ nhất cho mạng sống của mình không phải là Bin Lađen hay Saddam. Chính người Mỹ đang sợ. Để chiến thắng nỗi sợ đó, họ không ngần ngại huy động sức mạnh quân sự vô địch của mình. Nhưng việc lạm dụng vũ khí sẽ tạo ra thêm nhiều kẻ thù mới. Và kẻ thù lại reo rắc nỗi sợ. Bao giờ cái vòng luẩn quẩn đó chấm dứt ?

May 2003
 


Back | Home


 



Hosted by www.Geocities.ws

1